Văn hoá học đường

Dạy kỹ năng?

Dạy kỹ năng không là dạy cho trẻ cách sống ở đời mà là dạy trẻ những kiến thức hữu dụng để có thể đối mặt với những tình huống khác nhau trên đời.

Trong chừng mực đó các lớp dạy thêm rèn cho trò không xả rác, biết nói cám ơn, biết xài tiền… chỉ là những lớp dạy … kiểu nấu ăn – recette de cuisine – dạy mánh khóe, những kiểu ứng dụng cho người máy chứ không là dạy học. Dạy những mẫu như thế không giúp trò khả năng thích ứng với những hoàn cảnh đặc thù mà chúng có thể phải đối diện trong cuộc sống,  trong xã hội.

Dạy kỹ năng là truyền cho trò những kiến thức có thể trực tiếp dùng được trong bất cứ hoàn cảnh nào, hiện tại hay tương lai, ở nơi này hay ở nơi khác. Kiến thức ở đây là kiến thức ở số nhiều. Và những hoàn cảnh của cuộc sống cũng thế, muôn hình vạn trạng.

Một trò có kỹ năng sẽ là một người lớn biết xoay sở cho tất cả mọi trường hợp, thích ứng được, như kiểu có nhiều chìa khóa để mở tất cả các cửa. Kỹ năng này dựa trên cơ sở những kiến thức đã tiếp thu một cách tích cực trong học trình.

Tức là dạy kỹ năng vẫn còn là dạy kiến thức. Nhưng dạy theo cách khác.

Đúng rồi, con người vẫn còn là một con vật biết suy nghĩ chứ chưa thành người máy. Trường vẫn có sứ mạng mở mang kiến thức cho trò để trò có thể, với hành trang đó, uyển chuyển ứng dụng vào cuộc sống. Uyển chuyển ở đây có nghĩa là trò có phần sáng tạo trong đó. Những hành động có suy nghĩ dựa trên những hiểu biết vững chắc chứ không phải là những mẫu cứng nhắc mà trò đã tiếp thu.

Nhưng phải dạy kiến thức làm thế nào để trò làm chủ các kiến thức đó và có khả năng ứng dụng chúng trong những hoàn cảnh thực tế với muôn hình vạn trạng khác nhau mà ta đã nói ở trên.

Thí dụ điển hình nhất là những vốn liếng về tâm lý giáo dục và y khoa thường thức rất cần cho những bậc cha mẹ trẻ để săn sóc con cái một cách tốt nhất.

Hay những hiểu biết về cấu trúc xã hội để có thể hiểu những liên hệ quyền lực hầu có thể định nghĩa chỗ đứng của mình và cư xữ thích ứng, lại có khả năng phản biện và thực thi quyền/bổn phận của công dân.

Dạy kỹ năng khác truyền kiến thức.

. trò phải có vai trò tích cực. Khi truyền kiến thức, nhất là khi các đánh giá qua thi cử, là những đánh giá trả bài – évaluation restitution – trò chỉ đóng vai trò tiêu cực.

Ở đây trò góp phần vào bài học, hiểu tại sao mình cần học, biết sự ích lợi hay không ích lợi của một tài liệu, “tiêu hóa” và làm chủ tri thức, … đóng vai diễn viên của sự học chứ không đóng vai khán giả. Những công đoạn này ngầm bao gồm khả năng tìm tài liệu, phân tích tài liệu, phán đoán giá trị của tài liệu, đúc kết, … những cách làm của người có học. Trò, như thế, tập tành cho cá nhân thêm nhiều kỹ năng.

. trò phải làm sao phá vở cấu trúc của tri thức để tái cấu trúc lại theo cách hiểu của mình, đúng với nhu cầu của mình và tri thức thành tri thức của riêng bản thân với những ý nghĩa thích hợp với bản thân. Với tri thức được tiếp cận như thế, trò thành người có khả năng “xài”  vốn liếng ấy.

. tri thức như thế thành một công cụ áp dụng được trong cuộc sống, để giải quyết những vấn đề gặp phải trên đường đời, với tất cả những phức tạp riêng, những đặc thù của mỗi vấn đề. Tri thức thành dụng cụ chứ không là cứu cánh.

Trong cách học từ chương và trong cách thi-trả bài,  tri thức là cứu cánh. Trò có thể thuộc nội dung môn hay bài học,  thi đổ, nhưng hoàn toàn không có khể năng thực hành và chữ đã học thành … chữ chết (lettre morte) hay chữ trả lại cho thầy.

.

Vai trò của giáo viên trong việc dạy kỹ năng là giúp trò hiểu tri thức, phân tích tri thức, giúp trò thấy rõ những lợi ích và những ứng dụng có thể và giúp trò lĩnh hội tri thức. Còn hơn lĩnh hội nữa, làm chủ tri thức. Thầy phải tìm hiểu để cấu trúc dẫn dắt và biện minh bài học theo nhu cầu của trò, cho trò thêm động cơ để lĩnh hội, để trò tích cực hợp tác, …

Nhưng tri thức là cả một đại dương, một vũ trụ mênh mông, không thể nào làm chủ hết tất cả tri thức trên đời. Thế nên dạy kỹ năng còn là dạy cách học. Để sau đó trò có thể tự học.

Phương pháp này, học cách học hay dạy cách học – apprendre à apprendre, enseigner à apprendre – là một phương pháp được áp dụng từ gần nửa thế kỷ nay ở Âu Tây, chủ yếu là giao quyền cho học trò để học trò không mãi mãi lệ thuộc thầy mà thành nhanh chóng tự lập sau khi được trang bị vài hành trang tối thiểu, cần thiết để có thể tự mình đi xa hơn.

Thế có nghĩa là dạy kỹ năng cần một triết lý giáo dục khác – đi tới bình đẳng giữa thầy và trò – song hành trên đường học và dạy. Để trò làm chủ cách học của mình – thầy chỉ là một người hướng dẫn, người tạo đam mê, người giúp đở, …

Tại sao cần dạy kỹ năng ?

Cần dạy kỹ năng không những để trẻ bươn chải trên đường đời nhưng còn hơn thế nữa,  trường học, trong kinh tế thị trường, còn phải  giúp trẻ tìm được việc làm khi tốt nghiệp.

Đó là quan niệm của OCDE- Tổ chức Cộng tác cho Phát triển Kinh tế – Một số người đã lên tiếng chỉ trích quan niệm này và chống lại sự “lệ thuộc” của trường học đối với những chủ nhân ông xí nghiệp. Thế nhưng  từ gần hai thập niên nay, OCDE tìm những giải pháp để đánh giá kết quả đào tạo của giáo dục qua tri thức, khả năng của trò, … mà đánh giá PISA là một thí dụ.

Dạy theo kỹ năng là để chuẩn bị trẻ cho thị trường việc làm, để trẻ có bản lĩnh đối diện với khủng hoảng kinh tế.

Dạy cho trò vững bước trong mọi tình huống.

Kinh tế toàn cầu càng ngày càng dựa trên tri thức. Trường học có vai trò chuẩn bị trẻ. Những kiến thức tối thiểu như tiếng mẹ, một hay nhiều ngoại ngữ, kiến thức tin học, vài tri thức căn bản về toán, khả năng hiểu và thích hợp với môi trường đa văn hóa, khả năng làm việc với nhóm và dĩ nhiên khả năng học cái mới. Đó là nói về các công việc làm không cần chuyên môn cao như dịch vụ cho nhà hàng, lái xe giao hàng hay vận tải xuyên quốc gia. Giai cấp thợ ngày mai là những người thợ biết hai hay ba thứ tiếng, biết sử dụng máy tính, máy GPS, … và có khả năng thích ứng với những tiến triển của máy móc hay cái phức tạp của các tình huống.

Theo một số viễn ảnh  tính trước được, vào năm 2020  ở các nước Âu Mỹ, chỉ   16% công việc làm không cần chuyên môn   47%  cần chuyên môn trình độ kỷ thuật cao đẳng và 37% trong số các công việc đòi hỏi trình độ chuyên môn Đại học hay sau Đại học.

Ngày xưa, sự hiểu biết gần như bất di bất dịch, xã hội ít thay đổi, truyền kiến thức đủ để rèn luyện học trò. Tình thế đã đổi thay, cách dạy mà vẫn dậm chân tại chỗ thì sự đào tạo của trường học, theo phương pháp truyền kiến thức,  sẽ không thích hợp với những đòi hỏi của môi trường.

Một cách cụ thể ở Trung học cơ sở và Trung học phổ thông?

. Khai thác những đề tài – thème – liên ngành (sự cấu thành quốc gia, vấn đề môi trường, kinh tế và khủng hoảng,… ). Những đề tài này được chọn bởi giáo viên và học sinh. Để khai thác, giáo viên khéo léo đưa vào các khía cạnh vừa văn chương, khoa học, toán, triết lý đạo đức, lịch sử , …

. Dùng những phương pháp sư phạm tích cực (tra cứu tài liệu, làm việc nhóm, thuyết trình của chuyên viên, biên soạn và chơi kịch bởi học trò, …  ).

. Đi thực địa, …

Đúng ra dạy kỹ năng là làm sao dạy trẻ thành người có học để biết cư xữ ở đời chứ không đổ đầy kiến thức vào đầu chúng.

Nhưng con người không chỉ là một khả năng giải quyết vấn đề – con người cần biết để hiểu xã hội thế giới và vủ trụ chung quanh. Dạy kỹ năng thôi không đủ vì thế. Con người còn là mơ mộng, còn là đạo đức và còn mưu cầu hạnh phúc,…

Thiên văn học vẫn cần, dù nhiều khi chuyện các hành tinh trong vủ trụ không giúp ta tìm được việc làm nhưng giúp ta có thể tìm hướng sao Bắc đẩu và mơ mộng khi ngắm trăng tròn.

Văn chương không nuôi sống người ngâm thơ đọc truyện nhưng có thể làm đẹp cuộc sống của người ấy.

Yêu thương, tiếng nói của con tim,  cũng không nằm trong danh sách các kỹ năng.

.

Như vậy, bên cạnh các kỹ năng, ta vẫn còn cần nhiều kiến thức, kể cả kiến thức triết lý và đạo đức, dù chúng có vẻ không hữu dụng. Nhưng thật ra những kiến thức ấy  làm cho cuộc sống có ý nghĩa  và ta hạnh phúc hơn.

Descartes bảo «celui qui sait, sachant, vit mieux» – người có hiểu biết, nhờ tri thức, sống tốt hơn –

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114558407

Hôm nay

25

Hôm qua

2384

Tuần này

21966

Tháng này

225950

Tháng qua

122920

Tất cả

114558407