Có rất nhiều nguyên nhân làm niềm tin của cộng đồng bị khủng hoảng, khách quan có, chủ quan có. Sự lạc hậu về lý thuyết và sụp đổ của hệ thống xã hội chủ nghĩa thế giới; Sự khủng hoảng kinh tế - xã hội sau 30 năm chiến tranh… Nhưng quan trọng nhất là bởi sự suy thoái về chính trị, tư tưởng và đạo đức lối sống của “một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên”, là sự xa rời lý tưởng, xa rời nhân dân của họ, sự yếu kém của nhiều cơ quan lãnh đạo và công quyền các cấp.
Niềm tin không chỉ là cảm nhận mà là kết quả của quá trình nhận thức, chiêm nghiệm bằng lý trí và tình cảm, ý chí của mỗi người, của cả cộng đồng. Niềm tin là phép nhân và mất niềm tin là phép chia độ tin cậy, sự chân thành của cộng đồng dân tộc.
Niềm tin không bỗng nhiên mà có, nó phải được hình thành và vun đắp lâu dài trên nền tảng giá trị và lợi ích, bằng sự chân thành, nhân ái, sẻ chia và minh bạch. Độc lập, Tự Do, Dân chủ và Bình đẳng, Hạnh phúc là những giá trị và mục tiêu lợi ích do Đảng Cộng sản Việt Nam xác quyết. Các Giá trị và Lợi ích đó phù hợp với truyền thống dân tộc, phù hợp với tính phổ quát của Thời đại, đáp ứng nhu cầu lợi ích chính đáng của Dân tộc, của Nhân dân nên đã được sự hưởng ứng của cộng đồng dân tộc. Trải qua những thăng trầm lịch sử, nhất là qua các cuộc chiến tranh vệ quốc, sự hưởng ứng đó ngày càng mạnh mẽ, sâu sắc để hình thành nên Niềm Tin Dân với Đảng, Đảng với dân. Tiêc rằng, cùng với những sai lầm trong lãnh đạo, điều hành kinh tế - xã hội đất nước, sự thoái hóa của một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức đã làm lung lay niềm tin của Dân với Đảng và Nhà nước.
Khủng hoảng niềm tin đang cản trở sự phát triển của đất nước. Một đất nước chỉ có nghi kỵ lẫn nhau thì không bao giờ có sức mạnh. Đất nước muốn thoát khỏi khủng hoảng và phát triển, trước hết xã hội phải có niềm tin, nhất là niềm tin của Dân với Đảng và Nhà nước, với đội ngũ cán bộ, đảng viên và công chức nhà nước. Đã đến lúc chúng ta phải kiến tạo lại Niềm tin. Niềm tin đó phải được hình thành trên nền tảng mới, khác trước, nhiều hơn trước, không chỉ có những mục tiêu lý tưởng mà phải có những chuẩn mực giá trị, lợi ích có tính đặc thù của quốc gia – dân tộc và tính phổ quát của nhân loại, của thời đại. Niềm tin đó phải được bảo đảm không chỉ bằng sự chân thành, nhân ái mà cả sự sòng phẳng, minh bạch. Niềm tin phải được bảo đảm bằng cả lợi ích và luật pháp chứ không phải bằng các mỹ từ hấp dẫn cảm tính.
Kiến tạo niềm tin không thể bằng hô hào mà phải bằng những việc làm chân thành và thiết thực nhất, dù là nhỏ nhất. Một tấm vở cho học trò nghèo, một tấm áo ấm cho người già cô đơn, một hành xử đúng mực của nhân viên các cơ quan công quyền với người dân… có thể có ý nghĩa kiến tạo niềm tin hơn nhiều lần những công trình ngàn tỷ, những lễ nghi xa xỉ mà người dân không được hưởng hoặc chưa cần thiết đối với họ…
Niềm tin phải tự giác đến từ các bên, không thể cưỡng ép mà có. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã kêu gọi “Xây dựng Chính phủ kiến tạo phát triển, Chính phủ hành động, Chính phủ phục vụ, Chính phủ liêm chính”. Hy vọng, sự nghiệp đó thành công, sẽ kiến tạo lại được Niềm tin xã hội, niềm tin của Dân đối với Đảng và Chính phủ.
Kiến tạo Niềm tin xã hội là một hành trình lâu dài không hề dễ dàng đòi hỏi sự nổ lực, chân thành của tất cả mọi người, mọi tổ chức, đoàn thể./.