Những góc nhìn Văn hoá

"Tư duy biển lớn" làm nên văn hóa biển Cham trong toàn cảnh văn hóa Việt Nam

A. Khởi đầu từ Ấn Độ

Nói đến văn hóa Việt Nam, người ta thường chỉ nhắc đến văn hóa bản địa của người Việt cổ cùng những ảnh hưởng của nó trong việc tiếp nhận văn hóa - văn minh Trung Quốc, mà quên đi nền văn hóa khác đến từ Đông phương Ấn Độ, ở đó văn hóa - văn minh Champa là bộ phận quan trọng.

Phật giáo Tiểu thừa Theravada được ghi nhận là tôn giáo xuất hiện đầu tiên ở Champa, đến thế kỉ IV-VI mới thấy có mặt yếu tố Đại thừa. Vào thời điểm đó, Ấn Độ giáo du nhập vào Champa cùng với văn hóa văn minh Ấn Độ. Sau ba thế kỉ - từ thế kỉ VIII đến thế kỉ thứ X - để cho Phật giáo Đại thừa lấn át, Ấn Độ giáo đã phục hồi uy thế và nghiễm nhiên trở thành quốc giáo ở vương quốc. Trong ba tôn giáo lớn ở Champa, Hồi giáo xuất hiện muộn hơn cả, khoảng thế kỉ XII-XIV, và tôn giáo này đã không lưu lại di tích nào đáng kể. Dẫu sao Hồi giáo vẫntạo dấu ấn trong văn học và các lễ hội Rija trong cộng đồng Chăm. Akayet Dewa Mưno Chăm có liên quan với Hikayat Deva ManduAkayet Inra Patra với Hikayat Inra Putera của Mã Lai. Akayet Um Mưrup được coi như tác phẩm tuyên truyền cho Hồi giáo, ghi nhận sự xung đột giữa Ấn Độ giáo và Hồi giáo trong triều đình Champa. Ngôn ngữ Ả Rập được Mã Lai hóa cũng được bổ sung một lượng từ lớn vào vốn từ vựng Chăm. Cạnh đó, các lễ Rija như Rija Praung, Rija Dayơp… đều có nguồn gốc hay ảnh hưởng Hồi giáo Mã Lai(1).

Ảnh hưởng từ Ấn Độ vẫn là đậm nét và quan trọng nhất.

Bên cạnh việc các vị hoàng tử bị thất sủng ở cố quốc cần tìm mảnh đất mới để tạo lập vương quốc mới cho mình, đất nước Ấn Độ phát triển cần mở rộng ảnh hưởng, và thực tế từ thế kỉ IV trước Công nguyên, người Ấn đã chinh phụccác nước Đông Nam Á thông qua biện pháp hòa bình. Văn hóa Ấn Độ được tiếp nhận nhanh chóng, và lan truyền mạnh mẽ.

Ở miền Trung Việt Nam, khi dân tộc Champa dựng nên vương quốc Ấn Độ giáo vào cuối thế kỉ II thì trước đó, các nhà sử học xác quyết rằng “đã có sự tồn tại lâu đời của các vương quốc Ấn Độ giáo khác thuộc khu vực Quần Đảo Vàng (Suvaranadvipa) bao gồm các đảo Malaya, Sumatra, Java, Bali, Borneo và những đảo thuộc Đông Ấn Độ (East Indies)”(2). Thế nhưng trong khi các vùng đất khác – từ thế kỉ XIV sau khi văn hóa Ấn Độ mất đất đứng trên toàn cõi Đông Nam Á – thì tinh thần Ấn giáo vẫn còn được truyền lưu ở Chăm, và tồn tại đến ngày nay.

Dấu ấn được nhận diện rõ nhất là Akhar thrah (chữ Chăm truyền thống), thứ chữ có nguồn gốc từ hệ thống chữ viết Devanagari của Ấn Độ mà người Chăm đã tiếp nhận để viết minh văn tiếng bản địa ngay từ thế kỉ IV (biaĐông Yên Châu thuộc hệ thống bia ở Trà Kiệu), rồi sau nhiều biến thái để trở thành chữ viết thông dụng ngày nay. Ngoài chữ viết, người Chăm còn vay mượn số lượng đáng kể tiếng Sanskrit, Pali: nagara (xứ sở), manusia (con người), vamça (dân tộc, đẳng cấp)… để làm giàu thêm vốn từ thuộc cấu trúc thượng tầng văn hóa xã hội của mình. Văn hóa Ấn Độ còn để lại ảnh hưởng trong văn học, trong ca-múa-nhạc, và nhất trong kiến trúc và điêu khắc qua hai tôn giáo chính: Phật giáo và Ấn Độ giáo.

1. Phật giáo

Ở bi kí Võ Cạnh - Khánh Hòa (cuối thế kỉ II), tinh thần văn bia lộ rõ đức tin vào đạo Phật của người Chăm, là vật chứng đầu tiên và cổ nhất Đông Nam Á(3). Sự thể chứng tỏ Phật giáo là tôn giáo chủ đạo của tiểu vương quốc Kauthara.

“Chiến lợi phẩm thu được sau sự xâm lăng Lâm Ấp vào năm 605 gồm các bài vị bằng vàng và kinh sách Phật giáo viết bằng ngôn ngữ Nam Á (Wang Gungwu, 1958) ghi nhận dấu ấn Phật giáo rất đậm nét. Phật giáo Đại thừa, được mang đến bởi các nhà sư ghé chân tại các hải cảng xứ Chàm trong khi du hành giữa Ấn Độ và Trung Hoa, có vẻ như đã nảy nở tại Chăm sau thế kỷ thứ VIII(4). Rồi tượng Phật bằng đồng ở Đồng Dương có niên đại thế kỉ IV-VII mang phong cách Amaravati Ấn Độ.

Phật giáo với Ấn Độ giáo có mặt song hành trong vương quốc Champa chẳng những không xung đột loại trừ mà còn được dung hóa và bổ sung nhau, cả trong đời sống lẫn nghệ thuật Chăm. Nếu phong cách Đồng Dương được lặp lại nhiều lần trong các kiến trúc hay điêu khắc Mỹ Sơn là thánh địa Ấn Độ giáo thì ngược lại, nơi tu viện Đồng Dương, các thần Ấn Độ giáo vẫn được thờ phụng. Vua Indravarman II là vị vua sùng bái đạo Phật. Việc biến Đồng Dương thành một trong những trung tâm Phật giáo Đại thừa khu vực Đông Nam Á như là thánh địa mới của vương quyền Champa, nói lên đầy đủ sự sùng bái đó. Tuy vậy, ông vẫn thờ phụng hai vị vua có công lớn trong việc xây dựng Mỹ Sơn là Bhadravarman và Sambhuvarman, “cũng như thờ vị thần bảo hộ vua là Laksmindra-Lôkesvara. Đây là một hình thức thờ vua - thần nhưng nằm trong tín ngưỡng Phật giáo Đại thừa”(5).

Sau thế kỉ X, Phật giáo giảm dần ảnh hưởng ở Champa, nhất là khu vực Kauthara và Pangdurangga. Và khi phần này của vương quốc bị mất, dấu vết Phật giáo trong đời sống Chăm đã mờ hẳn đi. Để đến ngày nay, trong xã hội Chăm không còn tín đồ đạo Phật.

2. Ấn Độ giáo

Ấn Độ giáo có mặt sớm, tồn tại lâu dài và ảnh hưởng to lớn nhất trong xã hội Chăm, ở đó tháp Chàm được coi là biểu tượng sáng giá. Từ Huế đến Tây Ninh, từ Nha Trang lên Dak Lak, ở đâu có người Champa là ở đó có tháp. Tháp - biểu tượng cao cả và trọn vẹn nhất của nghệ thuật và tâm linh Chăm, phụng sự tín ngưỡng - tôn giáo Chăm. Người Champa xây tháp đủ dạng, đủ kiểu để thờ thần, đủ loại thần, từ Shiva, Brahma, Vishnu và các hóa thân hay shakti (nữ căn) cho đến các vị vua - thần, từ anh hùng liệt nữ đến người có công với dân tộc, đất nước.

Ở đó, hai thánh đô Ấn Độ giáo quan trọng bậc nhất là “Thánh đô Mỹ Sơn thuộc thị tộc Dừa cai trị miền bắc vương quốc (Amaravati), thờ vua - thần Srisanabhadresvara và thánh đô Po Nagar (Nha Trang) thuộc thị tộc Cau cai trị miền nam vương quốc (Kauthara) thờ nữ thần của vương quốc Po Nagar. Trong hai thánh đô này, Mỹ Sơn được chọn làm thánh đô chính của vương quyền Champa”(6).  Mỹ Sơn là thánh địa được xây dựng liên tục trong thời gian dài nhất của cả Đông Nam Á (VII-XIII), tập trung nhiều bi kí nhất của vương quyền Champa, suốt từ thế kỉ thứ IV đến thế kỉ XIII. Một trong các văn bia quan trọng nhất được tìm thấy tại Mỹ Sơn nay đã thất lạc. Bia cao 1,69 mét khắc chữ Sanskrit này tưởng nhớ các công đức của vua Bhadravarman (“người bảo hộ sáng chói”) và có thể được xác định với sự tạo lập ngôi điện thờ Shiva Bhadresvara tại Mỹ Sơn. Đối tượng chính yếu của văn bia là Shiva, nhưng nó cũng đề cập đến Brahma, Vishnu, và hoàng hậu của Shiva, Uma, và có thể là tài liệu cổ xưa nhất về các vị thần như thế tại Đông Nam Á(7).

Hệ thống thần Ấn Độ giáo là: Brahma (Sáng tạo), Vishnu (Bảo tồn), Shiva (Hủy diệt và Tái tạo) gọi chung là Trimurti, ở đó trong tôn giáo - tín ngưỡng Chăm, thần Shiva chiếm ưu thế tuyệt đối, nên nó còn được gọi là Shiva giáo.

Ngoài việc tiếp nhận nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc của các nước trong khu vực để sáng tạo nên 7 phong cách tháp chính(8), còn lại ở buổi đầu, mĩ thuật Champa được xem là “sao chép” đầy sáng tạo từ Ấn Độ. Tháp Chàm “chính là một mô hình thu nhỏ về kiểu dáng của các ngôi đền ở phía Nam Ấn Độ”; khác điều trong khi các ngôi đền ở vùng Nam Ấn xây bằng đá, thì người Chăm dựng tháp bằng gạch nung. Chắc chắn đây là biếu tấu độc đáo nhất của văn minh Ấn Độ. Dẫu sao đây đó ở Nam Ấn người ta vẫn tìm thấy kiến trúc gạch nung, như ngôi đền Indra Lah hiện tồn tại ở làng Ranipur Jhariyal thuộc quận Bolangir, bang Orissa mà bí quyết về kĩ thuật làm gạch cùng chất kết dính y hệt các tháp Chàm được cho là do người Chăm tiếp nhận từ Ấn Độ. Cả việc chỉ có Po Dhya Chăm (Cả sư Ấn Độ giáo) mới được vào trong Kalan (tháp chính) đọc kinh cầu nguyện trong lễ Katê cũng được xem là có xuất xứ từ Ấn Độ.

Ngoài ra, sự tương đồng giữa kĩ thuật làm gốm Chăm Bàu Trúc - Ninh Thuận với gốm vùng Vishnupura ở Tây Bengal cũng khiến người ta đồ rằng kĩ thuật này được người Ấn mang vào Champa, hay do chính nghệ nhân Chăm tiếp nhận từ vùng đất đó(9).

B. Đến hải sử và văn hóa biển Chăm

Khác với Đại Việt tiếp nhận văn hóa Trung Quốc là nền “văn hóa lục địa”, người Champa chủ yếu bang giao với Ấn Độ và các nước thuộc Đông Nam Á hải đảo, thế nên Champa mạnh về biển và đại dương.

1. Tinh thần phiêu lưu làm nên hải sử Chăm.

Đời sống Chăm xưa và nay gắn chặt với biển, làm nên nền hải sử và văn hóa biển Chăm.

Ngay ở đầu thế kỉ thứ V, sử sách ghi nhận, quốc vương Champa là Gangaraja đã vượt đại dương sang bờ sông Hằng(10). Thế kỉ thứ VII, người Chăm đã có những giao lưu quan trọng với Nhật Bản. Nhà sư “Phật Triết đã trình diễn vũ điệu của Lâm Ấp và giảng dạy tiếng Phạn” ở Nhật(11). Vở kịch “Long vương” của Champa lúc ấy có tên Lâm Ấp cũng được tìm thấy ở Nhật Bản”(12).

Sự kiện vua Chế Mân lấy công chúa Java là Tapasi cuối thế kỉ XIII, hay chuyện Po Rome (1627-1651) lấy công chúa Kelantan - Malaysia, hoặc trước nữa, vào đầu thế kỉ X, Po Klun Pilih Rajadvara - vị quan phục vụ 4 đời vua đã hai lần đi đến kinh đô Java “để học khoa học thần bí” (tiếng Cham là kabal rup), rồi “chuyện hoàng hậu Daravati (mất năm 1448), em ruột vua Chiêm Thành, là vợ một vua xứ Madjjapahit ở Java, chính bà hoàng hậu đã đưa đạo Hồi vào xứ này…”(13) được coi là những mảnh vụn lịch sử ghi nhận mối quan hệ khăng khít giữa Champa và các quốc Đông Nam Á hải đảo.

Do vậy, suốt 17 thế kỷ tồn tại, người Chăm đã làm chủ Biển Đông, vùng biển mà người Bồ Đào Nha ở thế kỷ XVI đặt tên là biển Champa-Sea of Champa(14), sau đó người Trung Quốc mới gọi là biển Nam Hải, còn Việt Nam gọi là Biển Đông.

Cư dân Chăm cổ thường xuyên có mặt ngoài khơi, ngoài đảo xa. Vì thế họ đã có sự giao lưu kinh tế văn hóa với thế giới hải đảo Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương”.(15)

Giữa tất cả mảnh vụn huyền thoại và sự kiện lịch sử đó, sự có mặt của Cù Lao Chàm (cách cửa biển Đại Chiêm, nay là Cửa Đại 15km) là ca đặc biệt của lịch sử Đông Nam Á.

Cù Lao Chàm với vị thế thuận lợi của mình đã vươn lên thành thương cảng số một của vương quốc Champa… Trên quãng đường dài từ Kra Isthmus (nam Thái Lan, bắc Mã Lai ngày nay) đến Canton (Quảng Châu - Trung Quốc) chỉ có một trạm dừng chân duy nhất là Chiêm cảng - Cù Lao Chàm, nơi có thể nghỉ ngơi, tích trữ lương thảo, nước ngọt và buôn bán, trao đổi hàng hóa... trước khi dong buồm thẳng sang Trung Quốc mà không cần phải ghé vào một số cảng ở miền Bắc Việt Nam. Thư tịch cổ của người Ả Rập thế kỷ IX (851-852) cho biết những thuyền buôn từ Tây Á sang Trung Quốc và ngược lại, thường ghé qua Cù Lao Chàm của Champa để lấy nước ngọt và trầm hương”.(16)

Vậy mà, mấy năm qua nhiều dấu vết lịch sử nơi hòn đảo này đang bị bôi xóa, bởi cả thời gian lẫn con người. Tháp Chàm ở trong khu vực quân sự trên đảo, hiện chỉ còn nền móng, dấu vết sẽ tiêu mất một ngày không xa, nếu không có chương trình phục chế. Nhiều giếng Chàm cổ đã bị vùi lấp… Khi những vết tích văn hóa biển của Cù Lao Chàm bị xóa sổ, chúng ta không thể tìm được cứ liệu lịch sử nào giá trị hơn để chứng thực cho chủ quyền biển đảo của đất nước Việt Nam hiện đại.

2. … và văn hóa biển Chăm

Tiếng Chăm có nhiều từ để chỉ biển. “Tathik” là biển; bên cạnh “tathik” tiếng Chăm còn có “darak”. Dân gian Chăm nói: “Laik tamư tathik praung darak praung”, nghĩa là chìm vào biển cả. Như vậy, “darak” vẫn là biển. “Darak” còn được dùng để chỉ chợ. “Nau darak”: đi chợ. Bởi chợ ngày trước luôn được họp cạnh bờ biển. Cũng phải thôi, người Chăm là dân sống với biển và nhờ biển, nên chợ lớn phải được họp cạnh bờ biển, và lắm lúc dựng ngay trên biển.

Cửa sông chạy ra biển tiếng Chăm là lammưngư, hay lơmngư. Xóm Cửa người Chăm gọi là “palei Lơmngư”. Biển xa và rộng, Chăm có chữ “tathik kuradong”, nghĩa là biển khơi. Lớn rộng và xa hơn nữa thì dùng từ “jallidi”: đại dương”.

Dân tộc Chăm có máu phiêu lưu, phiêu lưu từ rất sớm. Sớm và xa. Máu phiêu lưu thể hiện ngay trong câu nói cửa miệng dân gian:

Mưtai di kraung, mưtai di tathik/ Thei mưtai di danaw kabaw mư-ik takai palei.

Chết nơi biển rộng sông sâu/ Ai đâu lại chết vũng trâu ven làng(17).

Người Chăm đa thần, có quan hệ mật thiết với biển, thế nên trong đời sống tâm linh họ thờ Thần Sóng (Po Riyak), Thần Biển (Yang Tathik) là điều không lạ.Những lúc lên rừng xuống biển (Trun tathik đik glai) gặp bao bất trắc hiểm nguy, bà con Chăm luôn cậy đến Thần Biển phò trợ độ trì.

Chú ý, Thần Biển chứ không phải Thổ Thần, cho dù Thổ Thần cũng là vị thần có vị thế đáng kể trong đời sống tâm linh Chăm, nhưng chính Thần Biển mới đóng vai trò quan trọng. Than vãn, nếu người Việt kêu: trời đất ơi, thì người Chăm: Trời biển ơi (Lingik tathik lơy). Người Việt nhìn lên thấy trời, cúi xuống thấy đất; Chăm thì khác, dưới chân họ là mênh mông biển nước. Người Chăm có làm ruộng (đất), nhưng đó là cánh đồng miền Trung nhỏ hẹp bốn mùa hanh gió. Tổ tiên Chăm xưa chủ yếu sống bằng nghề biển, nhờ biển và với biển. Họ kêu trời kêu biển (Ew lingik ew tathik) chứ không phải “la trời la đất” như người Việt. Cũng vậy, người Chăm nói “tối trời tối biển” (Xup lingik xup tathik) khác với người Việt là: [Mưa] tối mù trời đất.

Hẹn giờ giấc lên rừng lấy củi cũng nói: Tuk ia tathik đik- Lúc thủy triều lên (khoảng 1 giờ sáng). Để chỉ kẻ “nói thánh nói tướng”, Chăm vận đến “biển” với thành ngữ Đom ngauk lingik ngauk tathik - Nói trên trời dưới biển. Gặp thế bí hay đường cùng, họ cũng lấy “biển” ra mà ví: Wơr glai yuw ralai di krưh tathik - Quẩn trí cùng đường như thân ralai giữa biển khơi. Nghĩa là – cho dù non hai thế kỉ bị tách khỏi đời sống biển(18) - biển tràn ngập ngôn ngữ Chăm.

3. Biển trong văn chương Chăm

Tiếng nói bình dân ngày thường là vậy, trong văn học viết Chăm, biển cũng có mặt khắp. Để biểu thị cho mối quan hệ khăng khít của Po Tang Ahauk – một nhân vật trong lịch sử Champa cổ ở thế kỉ XVII - với biển cả. Cuộc sống của ông không giống bất kì cuộc sống của một người nông dân nào khác mà định mệnh gắn liền với đất, vì đất liền không phải là quê hương của ông. Một cái nhà: không, một nơi cư trú cũng không nốt. Ông là chủ nhân đồng thời là tù nhân của biển cả. Biển cả là nơi ông sinh ra, tung hoành, tạo nên sự nghiệp rồi biến đi. Nội dung đoạn mở đầu của Damnưy được biến thành điệp đoạn, như đã thâu tóm cả cuộc sống và định mệnh của ông. Cạnh đó, Damnưy cũng không quên đề cập con tàu-ngôi nhà của ông:

Ahauk praung kluw pluh tajuh

Tagok mưk nhjuh bbauk chwai palau

Ahauk praung kluw pluh tajuh tapa

Tagok mưk ia bbauk chwai palau

Tàu to ba mươi bảy/ Pô lên kiếm củi trên cù lao

Tàu ba mươi bảy sải/ Pô lên lấy nước trên cù lao(19)

Đi biển, người Chăm chế tạo nhiều phương tiện với kích thước và hình dáng khác nhau. Thông dụng là thuyền (gilai), nhỏ hơn là ghe (gaiy). Gắn với thuyền có “bè” (rakik) như là phương tiện phụ để vận chuyển từ thuyền này sang thuyền khác, hay từ thuyền về đất liền. Thuyền cũng có loại thuyền độc mộc mà Chăm gọi là pluk, và thuyền thúng (janưk patih). Phương tiện lớn hơn là tàu (kapal) hay loại tàu lớn (ahauk, gilai ahauk) có khả năng viễn dương(20).

Po Tang Ahauk đã sử dụng loại tàu này.

Tàu ông dài 37 sải tương đương với 60 mét - con số tượng trưng ít nhiều phóng đại, dẫu sao nó cho ta hình dung ông đang điều khiển con tàu rất lớn ở thời điểm đó của lịch sử. Con tàu chứa cả đoàn người cùng bao nhu yếu đáp ứng đầy đủ sinh hoạt của con người. Nó lớn đến không thể ghé đất liền mà chỉ tạt qua cù lao để lấy củi, nước ngọt. Tác giả Damnưy không cho ta biết tên cù lao, nhưng người đọc vẫn có thể tưởng tượng đó có thể là Cù Lao Chàm hay ít ra cũng là đảo Phú Quý của hôm nay.

Trong sử thi Chăm, thể loại văn học xuất hiện từ khá sớm, nhất là ở hai tác phẩm lớn làAkayet Inra PatraAkayet Dewa Mưno, biển và đại dương còn là bãi chiến trường cho các anh hùng tỉ thí.

Cuối cùng, trong văn học dân gian, biển cũng để dấu ấn rất đậm nét. Trong một truyện cổ, cuộc phiêu lưu kì thú của hai bạn thân là hoàng tử Pram Dit và Pram Lak ở những chi tiết gay cấn nhất chính là cuộc phiêu nhiêu dưới nhiều tầng biển.

Ngay cả truyền thuyết về người tạo dựng vương quốc Champa làPo Inư Nưgar, tức Bà Chúa Xứ, cũng gắn chặt với biển. Bà đã làm chuyến vượt biển đến tận xứ Tàu xa xôi, sau đó là cuộc trở về cũng bằng đường biển, để cuối rốt chính bà điều hành thủy quân Champa đánh đắm đoàn thuyền hoàng tử Trung Hoa trong trận thủy chiến oanh liệt. Truyền thuyết cho ta biết cuộc đi và về của vị tạo lập nước Champa gắn liền với biển.

4. … tràn vào đời sống tín ngưỡng Chăm(21)

Yêu biển, mê biển mà vẫn sợ biển. Ra khơi, điều không thể thiếu là lễ hạ thủy tàu thuyền với những lễ vật và bài phù chú đặc thù.

Sự kiện Po Riyak (thế kỉ XVIII) sang Mưkah (Mecca xứ Kelantan - Malaysia) học bùa thiêng rồi về nước, chiếc thuyền của Người bị một cơn sóng lớn đánh chìm. Để người Chăm [và cả người Việt trong khu vực] lập đền thờ, là một mảnh văn hóa biển Chăm.

Hay chuyện thầy cúng Chăm và lễ hạ thủy tàu bè cho ngư dân Việt cũng thế. Dù người Chăm không làm nghề biển nữa, họ vẫn còn giữ quan hệ mật thiết với cộng đồng ngư dân Việt, bằng cách làm lễ cho họ. Ở Ninh Thuận hiện vẫn còn tồn tại các thầy cúng chuyên hành nghề này. Lễ Hạ thủy Tàu thuyền có hai dạng: thuyền cũ cho mùa mới, hay thuyền hoàn toàn mới để lần đầu tiên ra khơi. Có 7 kinh lễ cả thảy. Tạm trích đoạn:

Kuw nau bitơl haluw janưk kuw ricauw kuw patalơh

Kuw apah di kauk gilai blauh kuw tanra di atara

Kuw patalơh di ngauk adơrha ala tanưh riya

Kuw patalơh di patuw di kayuw

Kuw patalơh di glai pamưtai rimaung

Kuw patalơh di kraung pamưtai pataw ikan

Kuw patalơh di tơng pamưtai biya

Kuw Po jallidi…

Ta đi xuống tận đáy sân si, ta tẩy trần mọi uế tạp

Ta vỗ lên đầu thuyền, ta gạt ngang khoảng không gian

Ta tẩy rửa mọi uế tạp trên trời dưới đất

Ta tẩy rửa trên đá tảng, trong tàn lá

Tẩy rửa trên rừng ngàn, ta hạ thủ chúa sơn lâm

Tẩy rửa dưới sông rộng, ta giết chết loài kình ngư

Tẩy rửa trong vịnh sâu, ta đuổi tiệt loài sấu

Chúa tể đại dương là ta…

Ta đã là chúa tể Đại dương, ta tự tin và dũng mãnh lên thuyền đi ra biển lớn.

Kết luận

Có thể nói, dù người Chăm nổi tiếng với kĩ thuật xây tháp gạch nung có một không hai, được thế giới biết đến với lúa Chiêm ngắn ngày, hay là dân tộc từng dựng nên hệ thống dẫn thủy nhập điền rất hiện đại, nhưng chính đời sống biển làm nên đặc tính Chăm, từ đó hình thành một nền văn hóa biển độc đáo.  

Việt Nam là một thể thống nhất từ hai vương quốc xưa gộp lại, đó là điều quý hiếm. Đất nước Việt Nam hiện hữu 54 dân tộc anh em với những nền văn hóa vô cùng đặc sắc, là điều hiếm hơn nữa. Nhận diện hiện thực này để biết rằng: hai “vương quốc” và 54 dân tộc làm giàu sang nền văn hóa đa dân tộc Việt Nam, chứ không phải ngược lại. Chính sự thể này làm phong phú và đa dạng nền văn hóa Việt Nam. Trong đó, nói như Phạm Huy Thông:

Văn hóa Champa, dù tiếp nối hay vượt lên văn hóa Sa Huỳnh nảy nở ở đây trước đó, là một cống hiến xuất sắc vào kho tàng văn hóa Việt Nam xưa và nay (…) và người Cham là một gạch nối nối liền nước ta với Đông Nam Á Hải đảo, mà quan hệ nhiều mặt giữa đôi bên ngày càng trở nên mật thiết”.(22)

 

TFN, 24-9-2016

_____________________

Chú thích

 

(1) Chúng tôi tạm chưa bàn đến người Chăm Hồi giáo chính thống, hiện cư trú tại các tỉnh An Giang, Tây Ninh, và TP Hồ Chí Minh… 

(2)Geetesh Sharma, 2011, Những dấu vết văn hóa Ấn Độ tại Việt Nam, Thochs Trí Minh dịch, NXB Văn hóa Văn nghệ TP Hồ Chí Minh, tr. 36. 

(3)G. Maspéro, 1928, Le Royaume du Champa, Van Dest, Paris, p. 13.

(4)Dougald J.W. O ‘Reilly, 2007, “Văn minh Chàm trên đất Việt, qua lăng kính khảo cổ học”, Ngô Bắc dịch,Gio-o.com.

(5)Trần Kỳ Phương, 1988,Mỹ Sơn trong lịch sử nghệ thuật Việt Nam, NXB Đà Nẵng, tr. 34.

(6)Trần Kỳ Phương, Sđd, tr. 37.

(7)Southworth, 2001, Dougald J.W. O Reilly dẫn lại, Gio-o.com, 2007.

(8) Trần Kỳ Phương, “Khảo Luận Về Kiến Trúc Đền-Tháp Champa Tại Miền Trung Việt Nam”, Vanchuongviet.org, 4-5.1.2012).

(9)Geetesh Sharma, 2011, Sđd, tr. 38-39. 

(10) G. Maspéro, 1928, Le Royaume de Champa, Paris and Brussels, Van Oest, p. 65.

(11) Onishi Kazuhiko, “Sự tích về Phật Triết của Lâm Ấp trong tiến trình giao lưu văn hóa Việt Nhật”, anhsontranduc.wordpress.com, 19-11-2015.

(12) Vũ Ngọc Liễn, 2009, Tagalau 9, “Điệu múa Chăm lưu lạc trên đất Nhật”, tr. 116-118.

(13) G. Maspéro, 1928, Sđd, p. 65.

(14)81. 1595 Ortelius Map: National Geographic, June 18, 2014.

(15)Nguyễn Đức Hiệp, 2006, “Lâm Ấp, Champa và di sản”, Vanchuongviet.org.

(16)Lâm Thị Mỹ Dung, 2012, “Cù Lao Chàm, chiều dày lịch sử và văn hóa”, vntimes.com.vn.

(17) Inrasara, 2006, Văn học dân gian Cham, NXB Văn hóa dân tộc.

(18) Nguyễn Tiến Văn, báo Thể thao & Văn hóa cuối tuần, 23-5-2014

(19)Inrasara, 2011, Văn học Chăm khái luận, NXB Tri Thức, tr. 50.

(20) Nguyễn Duy Chính trong “Vai trò của cướp biển trong cuộc chiến chống quân Thanh của vua Quang Trung”, Reds.vn, 13-1-2015, cho rằng thời Tây Sơn, vua Quang Trung có tiếp thu “mẫu tàu chiến của người Chăm.

(21) Inrasara, “Po Riyak - Thần Sóng: Lịch sử, truyền thuyết và tục thờ cúng”, tạp chíNghiên cứu & Phát triển, số 2-2016.

(22)Điêu khắc Chăm, 1988, NXB Khoa học Xã hội, “Lời giới thiệu”.

 

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114563197

Hôm nay

2138

Hôm qua

2299

Tuần này

2138

Tháng này

221721

Tháng qua

129483

Tất cả

114563197