Người xứ Nghệ

Nhớ ngày xuân gặp nhà văn Xuân Thiều

I. Nhớ hơn bốn mươi năm về trước, vào khoảng đầu mùa đông năm 1974 - mùa dỡ củ dong riềng - tôi đi chợ Chũ (Lục Ngạn), mua được tập truyện Khúc sông. Trên lối mòn đường rừng, bước thấp bước cao, tôi vừa đi vừa tranh thủ đọc. Ngày ấy, tôi chỉ biết tên tác giả là Nguyễn Thiều Nam, nào có biết đẳng cấp của ông trong làng văn ra sao!

Đọc tập truyện, tôi cứ ấn tượng mãi về dòng sông Bồ với đội thuyền vận tải, về cái đêm chị Thích và Hiệt nằm bên con suối lũ: “Chị tưởng ở đây có hai người thôi à! Tôi nói có bốn: chị và lương tâm chị, tôi và lương tâm tôi!” – “Vậy là chị hơn tôi 6  tuổi, tôi coi chị như chị cả” – “Thôi, ngủ đi chị ạ! Đừng trăn trở vớ vẩn, ngủ đi là quên hết”. Thế rồi chị Thích hy sinh... Giữa cái thời đạn bom ấy “mỗi cái chết đều không phải vì người chết mà vì sự đòi hỏi đối với người sống” thì sự ra đi vĩnh viễn của chị Thích lại gieo vào lòng người đọc một chút chạnh lòng trắc ẩn, một nốt nhạc trầm về thân phận, về quyền sống và tính nhân văn muôn thuở, nó chớp sáng giữa thời đoạn bất bình thường, khi mỗi con người phải cương lên với ý nguyện và trách nhiệm, sống vượt lên mình cho kịp bước đi của thời đại: “Giờ đây ai cũng nói về chị những điều tốt lành; và ai cũng hối hận rằng, dường như những năm tháng vừa qua chưa sống với chị thật trọn vẹn. Đáng lẽ phải thương yêu hơn, ưu ái hơn, càng thương yêu ưu ái những lúc chị lỗi lầm”...

Thời gian qua đi. Tôi cũng chẳng biết gì nhiều hơn về tác giả Khúc sông.

Đến hồi năm 1988, truyện ngắn Truyền thuyết về Quán Tiên in liền hai kỳ trên báo Văn nghệ và tạo được tiếng vang rộng lớn. Từ đó tôi mới tìm hiểu và biết được nhà văn Xuân Thiều này cũng chính là Nguyễn Thiều Nam năm nào.

Rồi tôi được biết thêm, nhà văn tên thật là Nguyễn Xuân Thiều, sinh ngày 1-4-1930 tại làng Triều Đông (Bùi Xá - Đức Thọ - Hà Tĩnh). Ngoài hai bút danh trên, ông còn là Tú Hói, Ba Quang với tài năng ứng đối và làm câu đối có hạng trong làng văn.

Nhập ngũ từ tháng 2-1947, ông từ một chiến sĩ rồi trở thành nhà văn; hay nói khác đi, ông là nhà văn - chiến sĩ từ trong máu thịt. Và đây mới là điều quan trọng, hầu như tất cả các tác phẩm của ông đều tập trung viết về chiến tranh cách mạng và người lính. Xin điểm lại các tác phẩm đã xuất bản: Người anh nuôi của đơn vị (In chung, tập truyện, 1959), Đôi vai (truyện ngắn, 1968), Một người lính (In chung, truyện ngắn, 1961), Chiến đấu trên mặt đường (ký, 1968), Trời xanh (truyện ngắn, 1969), Mặt trận kêu gọi (truyện dài, 1975), Trước giờ ra trận (tập thơ, 1972), Khúc sông (truyện ngắn, 1974), Từ một cánh rừng (truyện phim, 1975), Bắc Hải Vân xuân 1975 (ký, 1977), Khúc hát mở đầu (truyện dài thiếu nhi 1981, 1996), Huế mùa mai đỏ (tiểu thuyết, tập I, 1987), Gió từ miền cát (truyện ngắn, 1989; Giải thưởng Bộ Quốc phòng), Người mẹ tội lỗi (tập truyện, 1989), Xin đừng gõ cửa (truyện ngắn, 1994; Giải thưởng Bộ Quốc phòng 1995 và tặng thưởng Ban Quốc phòng an ninh Hội Nhà văn 1996), Tư Thiên (tiểu thuyết, 2 tập, 1995), Tiếng nói cảm xúc (Tiểu luận – phê bình, 1996), Và nỗi nhớ (tập thơ, 1998)... Điều này, đúng như ông tâm sự: “Đã 50 tuổi quân, tôi coi việc viết về chiến tranh cách mạng và người lính là thiên chức”. Cho đến nay, với 8 giải thưởng và tặng thưởng các loại (đặc biệt với việc vừa được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học Nghệ thuật năm 2016 và được đặt tên cho trường tiểu học tại quê nhà năm 2011), nhà văn Xuân Thiều đã khẳng định được vị trí và thành tựu sáng tác nổi bật của mình trên một khu vực đề tài không mấy dễ dàng.

Là nhà văn trực tiếp gắn với cuộc đời chiến sĩ, từng sống và viết giữa chiến trường, Xuân Thiều có vốn sống “người lính” hết sức phong phú. Bên cạnh các quan sát tư liệu riêng, ông đã có nhiều trang ký, ghi chép về cuộc đời các anh hùng, chiến sĩ gắn với từng trận đánh, từng mặt trận, từng thời điểm và giai đoạn cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước. Chính điều này đã giúp cho nhiều thiên truyện ngắn và tiểu thuyết của ông giàu tính hiện thực, tràn đầy hơi thở cuộc sống một thời khói lửa. Ngay như các tiêu đề tác phẩm của ông cũng thường cho thấy rõ nội dung, bối cảnh cuộc chiến, thậm chí cả thời gian và địa bàn xảy ra các sự kiện. Ưu tiên cho nhiệm vụ giải phóng dân tộc và ý thức viết về chiến tranh “nhằm khám phá hiện thực chiến tranh, tìm những vẻ đẹp con người Việt Nam... tâm hồn, tính cách Việt Nam, yếu tố quan trọng bậc nhất để lý giải vì sao dân tộc ta chiến thắng được những quân đội xâm lược khổng lồ”, tác phẩm của Xuân Thiều thực sự là bài ca chiến trận theo sát từng bước phát triển của đội quân cách mạng. Ban đầu, đó là Hiên trong truyện ngắn Gieo mầm - nhân vật người đảng viên trung kiên - tấm gương sáng trong một cốt truyện kết thúc có hậu đã báo hiệu cho ngày mai tất thắng; rồi những ngày gian khổ trên một “khúc sông”, “chiến đấu trên mặt đường”, “từ một cánh rừng” cho đến ngày toàn thắng “Bắc Hải Vân xuân 1975”. Đồng hành với công cuộc Đổi mới, dường như để lắng lại những trải nghiệm thời chiến tranh, Xuân Thiều viết bộ tiểu thuyếtTư Thiên (2 tập), trong đó tập đầu vốn có tên Huế mùa mai đỏ, mà thời gian tính từ khi khởi bút tới ngày hoàn thành mất trọn 15 năm. Tác giả tái hiện về cuộc tổng tiến công Mậu Thân (1968) trong âm hưởng anh hùng ca, có thể coi đây là một sự tổng kết và dấu hiệu vận động của tư duy nghệ thuật ở ngòi bút Xuân Thiều. Chỉ có điều để bứt phá khỏi đường hướng tư duy luận đề “tái hiện, phản ánh” và hướng tới khám phá sâu sắc hơn thế giới nhân vật người lính và hiện thực chiến tranh vốn mang trăm vẻ mặt..., thì chính tác giả đã tự vượt lên mình; hơn nữa, còn phải đợi cả thời gian, đợi chờ cả một cái nhìn gợi mở, sâu sắc và đa diện về tháng năm hào hùng của dân tộc mang đầy phẩm chất cổ tích đã qua. Ở đây, thế hệ nhà văn Xuân Thiều đã cơ bản hoàn thành nhiệm vụ lịch sử vẻ vang của mình, đòi hỏi những người chạy tiếp sức thời hậu chiến và Đổi mới phải có những thành tựu kế tiếp xứng đáng, nếu không muốn nói có người đang chạy dẫm chân tại chỗ về mặt tư duy nghệ thuật.

Trên thực tế, để có một quan niệm mới, một cách đánh giá mới về hiện thực là điều thật khó. Với văn chương, để đổi mới được một chút quan niệm và tư duy nghệ thuật lại càng khó khăn biết bao nhiêu. Nhà văn Xuân Thiều, trong đội hình chung ngày càng cố gắng suy nghiệm, đào xới sâu hơn về quá khứ, góp thêm một cách nhìn riêng tư sâu lắng – mà biểu hiện rõ nhất là ở Truyền thuyết về Quán Tiên và bộ tiểu thuyếtTư Thiên (Tặng thưởng Hội Nhà văn năm 1996). Đương nhiên, tất cả các tác phẩm trước kia cũng có giá trị lịch sử bền vững của nó - thậm chí là những giá trị sáng tạo tinh thần vô giá không thể lặp lại - song chính những tác phẩm trên đây mới có ý nghĩa vận động, mở đường cho tư duy nghệ thuật phát triển. Và tôi tin đó mới chính là năng lực sáng tạo, là nhân cách và phẩm chất của cây bút Xuân Thiều - đời văn chiến sĩ.

II. Tôi đã gặp nhà văn Xuân Thiều nhiều lần nhưng chưa có dịp nào nói chuyện cùng ông. Ấn tượng chung của tôi về ông, về văn của ông là một sự mực thước, đôn hậu và sâu lắng. Điều này có lý bởi văn nghiệp của ông trong ngót hai mươi năm đầu, tôi ít được đọc. Còn về sau này, nhất là từ sau tập truyện Khúc sông (1974) có bút danh Nguyễn Thiều Nam (mà cũng mãi về sau tôi mới hiểu ông này cũng chính là ông hói Xuân Thiều oai phong kia), tôi mới đọc văn ông nhiều hơn. Và tôi cứ nghĩ, dường như ông có duyên hơn với thể truyện ngắn; dường như ông có quyền viết chậm để có quyền được chọn nơi in, dường như các ông tổng biên tập khi đón nhận truyện của ông đôi khi cũng có dịp để được sử dụng cái “quyền” lựa chọn in hay không in. Thế cho nên, khi nhà thơ Trần Đăng Khoa đang ở Nga gửi thư tay nhờ tôi chuyển tới ông, tôi muốn tìm đến tận nhà ông, nhân thể cũng có chút công chuyện.

Buổi chiều xuân Hà Nội năm 1993. Tôi đang phấn chấn vì vừa cùng giáo sư Phạm Tú Châu tiếp kiến nữ sĩ Hồng Khương là con gái nhà thơ nổi tiếng Á Nam Trần Tuấn Khải mới từ Sài Gòn qua thăm nhà nhạc sĩ Hoàng Giác nên cứ đội giời đi trong mưa. Theo địa chỉ, tôi tìm đến số nhà 16A phố Lý Nam Đế. Đó là một căn hộ trong dãy nhà tập thể, có lẽ dãy phố nhà binh này mới hình thành do tác động của cơ chế thị trường “bung ra” nên mới xoay lại cửa ra ngoài mặt đường!? Nhà ông ở có cả phòng trệt và tầng hai. Gian dưới bày đầy đồ hàng. Bà vợ ông đang vừa trông cửa hàng tạp hóa vừa tranh thủ dọn dẹp nhà. Nghe tôi hỏi thăm, bà bảo:

          - Ông nhà tôi đang ngồi viết trên nhà! - Rồi bà gọi với lên bằng chất giọng xứ Nghệ - Ông ơi, ông xuống có khách.

Ông vừa nghe tôi giới thiệu vừa pha ấm trà, lại có thêm bao thuốc Du lịch. Tôi chuyển cho ông bức thư của nhà thơ Trần Đăng Khoa. Ngại ông đang bận viết, tôi vào đề luôn:

          - Mấy anh em Tạp chí Đất nước thuộc Cơ quan Sứ quán Việt Nam ở Liên bang Nga đang làm tuyển truyện ngắn hay 10 năm và có chú ý tới Truyền thuyết về Quán Tiên. Bây giờ trong tay cháu đã có chuyện nàyin trong tập Người mẹ tội lỗi, song lại sợ bản in không đầy đủ - Nói rồi tôi đưa cho ông xem qua tập truyện của ông mà tôi mới mượn của thư viện và nói tiếp - Vậy xin chú cho in văn bản nào đầy đủ nhất, không bị cắt xén gì!

Ông Xuân Thiều bảo:

          - Kể ra, bản in này có thể coi là tốt nhất. So với bản in trên Văn nghệ, mình có sửa đôi chữ, thuộc về tiểu tiết, không can hệ gì. Đây, thư Khoa cũng có nói về việc này đây.

Rồi ông kể lại cho tôi nghe sự kiện Truyền thuyết về Quán Tiên - những sự kiện tôi đã “văn kỳ thanh” với tất cả sự phóng đại ghê gớm qua lăng kính của giai thoại, của truyền thuyết. Bởi nếu không “có vấn đề”, không phốt, không an ti, sao người ta phải bóc cả cái chuyện ấy đi. Và thế là, mời bạn cùng kiểm tra lại tạp chí Văn nghệ quân đội, số tháng 4-1986, thiếu hẳn từ trang 77-102. Đó chính là văn bản khuyết, âm bản, vô bản của thiên truyện ngắn Truyền thuyết về Quán Tiên trên kia. Rồi ông cao giọng hơn, dường như thoáng có vẻ nhếch mép:

          - Kể cũng lạ cái cơ chế này thật! Mình cũng đảng viên kỳ cựu, bao nhiêu năm lăn lộn mà cũng đại tá như các bố hẳn hoi. Văn mình xếp thành tập, hẳn mình phải có nghề hơn. Ấy thế mà các vị trợ lý, các vị thủ trưởng mù tịt văn chương lại được cái quyền phán quyết văn chương, được ký quyết định bóc cả cái truyện đi. Cái gọi là “chấp hành mệnh lệnh cấp trên”, kể cũng chẳng biết nói thế nào! Đến khi báo Văn nghệ đàng hoàng in toàn văn, các bố mới ngã ngửa ra, rồi mời mình đến làm công tác tư tưởng: “Chậc! Truyện của anh tốt thôi. Nhưng phải tùy tình hình. Có những lúc in ngay không lợi”. Điệp khúc muôn thuở, lạ gì!...

Nhân lúc ông đang hứng khởi, tôi lựa lời:

          - Thưa chú, trong vận hạn có phong lưu. Xưa, Lão Tử nói: “Họa hề phúc chi sở ỷ” (Trong cái hoạ vẫn có sự may mắn). Truyện bị bóc đi, bị in chậm, nhưng nhờ đó mà nó thành một sự kiện, thành vấn đề, thành hẳn một cái giai thoại cho làng văn lưu truyền lại hậu thế chơi!

Hai chú cháu tôi cùng hút thuốc và tự thưởng cho mình chén trà thơm.

Ông Xuân Thiều kể lại, âm sắc đã có phần hãnh diện. Đại để sau khi truyện bị bóc, ông có tìm cách xin được hơn mươi bản về tặng anh em. Tiếc bây giờ chính tác giả cũng không còn giữ được bản nào. Ông nói:

          - Tôi nhớ ông Tào Mạt, ông viết chèo nổi tiếng, nhà ngay gần đây, có một bản. Hôm ấy đã 11 giờ khuya mà ông ấy còn gõ cửa gọi tôi chỉ để nói một câu: “Truyện được lắm, không phải bỏ chữ nào mới phải”. Sáng hôm sau, ông đem đến tặng tôi một bài thơ chữ Hán. Này nhé:

                             Khứ niên hoàng đế mạ kỳ ngu,

                             Hạnh đáo kim xuân truyện đắc thu.

                             Bác tước văn chương nguyên khả nộ,

                             Ngưỡng thiên đại tiếu, tiếu hi hu.

Tôi xin tạm dịch: Năm xưa ông chúa mắng anh ngu,/ May đến xuân này truyện được thu./ Xé bỏ văn chương đà đáng ghét,/ Ngửa mặt cười vang một tiếng hu!...

Nhà văn Xuân Thiều kể thêm: Ngày ấy đoàn nhà văn đang tổ chức trại viết trên Quảng Bá. Một lần có ông lớn nọ nghe nói có anh em nhà văn thì rẽ qua chơi chứ nào phải văn veo gì. Trong lúc trò chuyện, Xuân Thiều nêu ý kiến rằng năm Mậu Thân ta hy sinh nhiều quá, không biết nên định hướng phản ánh hiện thực chiến tranh ra sao đây? Thế là ông lớn nọ quát tháo đùng đùng: “Để giành chiến thắng thì hy sinh bao nhiêu vạn người cũng phải chịu chứ”. Đôi ba tiếng nói dàn hoà. Chuyện này vang trong văn giới một thời nhưng chát chua gì cũng thôi không nói nữa.

Tôi nhanh tay nhanh mắt rút bút, đưa sổ ra, lật một trang mới nguyên, xin ông chép giúp luôn bài thơ “để làm kỷ niệm”. Thế là có ngay một tư liệu quý, lại là bản thủ bút của nhà văn!

Rồi tôi chuyển sang hỏi ông về hiện tượng nhà văn “tứ thập nhi bất hoặc” Nguyễn Huy Thiệp. Ông trả lời dùng dắng như một cánh cò phân vân giữa trời trở gió:

          - Thiệp là hiện tượng lạ nhưng thiếu định hướng xây dựng. Nói chung tôi không thích. Riêng truyện Tướng về hưu thì thật xuất thần, tuyệt tác. Mà chi tiết kê kích câu “Đường ra trận mùa này đẹp lắm” phi lịch sử, không cần thiết…

Tôi tạm biệt nhà văn ra về. Mưa nặng hạt. Lá vàng trải đầy mặt phố Lý Nam Đế...

          Hà Nội, 1993-2017.

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114511973

Hôm nay

2299

Hôm qua

2337

Tuần này

22347

Tháng này

218846

Tháng qua

121356

Tất cả

114511973