Nhìn ra thế giới

Dư âm Thượng đỉnh Ma-a-Lago

Lãnh đạo Trung—Mỹ đã gặp nhau 21 giờ trong vòng hai ngày (6—7/4) tại Florida, Mỹ. Cho đến nay, điều duy nhất dư luận biết rõ là Tổng thống Trump đã nhận lời thăm Bắc Kinh vào cuối năm 2017. Vấn đề thương mại được cho là chủ đề hàng đầu tại hội kiến ở Ma-a-Lago giữa chủ và khách. Cả hai nhà lãnh đạo đã đồng ý thiết kế một “định dạng mới” cho các vòng đàm phán Mỹ—Trung trên hàng loạt các vấn đề quan trọng. Ông Tập cũng đề nghị tái khởi động một quan hệ Trung—Mỹ mới cho 45 năm tới, nhân sự kiện Washington và Bắc Kinh xác lập quan hệ ngoại giao 45 năm trước đây.

Một cách ngẫu nhiên, 45 năm cũng chính là cái mốc thời gian tính từ cuộc thượng đỉnh khét tiếng Mao—Chu—Nixon (tháng 2/1972). Cuộc gặp cấp cao ấy, người Việt, đặc biệt là dân Khâm Thiên, Hà Nội chẳng thể nào quên. Những cái bắt tay xuyên hai bờ đại dương sau hơn hai mươi năm không có quan hệ giữa Mao—Chu—Nixon hồi bấy giờ, như đã thấy về sau, dẫn đến nhiều bước ngoặt trong cục diện thế giới, đánh dấu sự khởi đầu cho các kỉ nguyên chưa từng có trong quan hệ quốc tế ở khu vực cũng như trên toàn cầu. Liệu công cuộc tái khởi động một dạng thức quan hệ Trung—Mỹ tới đây có lặp lại những bước đi “máu lửa” của lịch sử hay không, chưa ai có thể đoan chắc được vào lúc này. Khi tranh cử, Trump lớn tiếng rằng Trung Quốc đã “hãm hại nước Mỹ” và hứa hẹn sẽ chỉ đích danh cường quốc này là kẻ thao túng tiền tệ. Tờ “Hoàn cầu Thời báo” cho rằng, quan hệ Trung—Mỹ rạn nứt kể từ khi Trump đắc cử, nhưng những chặng đường khúc khuỷu trên lộ trình đang dần được san phẳng nhờ nỗ lực toàn diện từ đôi bên thông qua các kênh chính thức, bán chính thức, cả phi chính thức và nhờ vậy, quan hệ hai nước có cơ tránh được xung đột và khủng hoảng.

Khởi động tiến trình mới

Sau 45 năm, lần này Tổng thống Hợp Chủng quốc Hoa Kỳ không phải đợi gần cả năm trời mới hành động. Ông Trump cũng chẳng cần lịch sự, chờ cho thượng khách “đáo gia”. Ngay tại bữa tiệc đón vợ chồng Chủ tịch Tập Cận Bình ở dinh thự riêng (tối 6/4), Tổng thống Trump đã thông báo hung tin cho đoàn Trung Quốc. Tập Chủ tịch rời bữa tiệc lúc 21:00 (giờ Mỹ) về nghỉ tại một địa điểm cách đấy không xa. Ngay sau tiệc tối, Tổng thống Trump đã mở cuộc họp báo “nóng” để giải thích vì sao ông ra lệnh bắn tên lửa hành trình Tomahawk vào căn cứ của quân đội Syria. Vụ oanh kích Syria được đài truyền hình của Trung Quốc chủ ý hạ thấp xuống giữa bản tin. Phần đầu bản tin thời sự tối hôm ấy, hẳn nhiên là cuộc gặp Tập—Trump. Trong khi cả hai đồng minh của Syria là Nga và Iran đều mạnh mẽ lên án cuộc oanh kích thì “Hoàn cầu Thời báo” phê phán vụ tấn công thể hiện chính sách “tiền hậu bất nhất” của Mỹ. Trung Quốc chỉ cao giọng sau khi ông Tập rời Florida. Rõ ràng, vụ tấn công bằng tên lửa hành trình vào Syria tuy phủ bóng lên phần lớn nghị trình cuộc gặp nhưng Trung Quốc đã “ngậm bồ hòn làm ngọt”.

Đủ thấy Trung Quốc muốn hóa giải đòn bất ngờ của Trump dành cho ông Tập. Hóa giải để không gì có thể hạ thấp được tư thế của “thiên tử”. Lịch sử ghi nhận, các hoàng đế Trung Hoa xưa kia chưa bao giờ cất công thăm viếng những “miền biên viễn” như Florida. Mặc, ông Tập từng chín lần hội kiến với Tổng thống Mỹ, từ 2013—2016, trong đó hai lần đến tận xứ cờ hoa với tư cách là nguyên thủ quốc gia. Phía Hoa Kỳ cũng “nhã nhặn” không kém! Từ chọn địa điểm gặp gỡ (Trump ẩn ý, chỉ những người bạn thân mới được mời tới nhà riêng) đến bố trí đứa cháu ngoại 5 tuổi ngâm thơ Lý Bạch, hát dân ca Trung Quốc bằng tiếng Trung cho Tập Chủ tịch và  Bành Phu nhân thưởng lãm. “Ngoại giao bóng bàn”, “ngoại giao cháu ngoại”… Rồi hai bên sẽ nghĩ thêm một điều gì đó nổi bật và ấn tượng hơn để biểu đạt cái “mô thức mới” trong mối bang giao được Bắc Kinh cổ súy nhưng Hoa Kỳ vẫn chưa chấp thuận. Dù sao mặc lòng, cuộc công diễn giữa hai kỳ phùng địch thủ Tập Cận Bình và Donald Trump tuần qua cho thấy các “thắt nút” tại mỗi trường đoạn của mối bang giao ấy chắc đòi hỏi giới nghiên cứu sẽ phải dụng công hơn nữa mới có thể lần đoán ra được thực chất.

Ra lệnh phóng tên lửa vào Syria, Tổng thống Trump nhận được sự ủng hộ rộng rãi tại Quốc hội, đồng thời ông cũng truyền thông điệp răn đe đến các đối thủ. Theo giới quan sát, về ngắn hạn, quyết định của Trump đưa Mỹ can thiệp sâu hơn vào Syria giúp ông nhận được sự ủng hộ từ các thành viên của đảng Cộng hòa. Thậm chí một số thành viên đảng Dân chủ trước đây từng chống lại Trump nay cũng không lên tiếng phản đối. Thực tế này cho thấy cả hai đảng từ lâu đã rất bất bình về việc Mỹ không có hành động gì quyết liệt ở chiến trường Syria. Hành động vừa qua của Tổng thống đã giúp thay đổi quan điểm của nhiều người cả trong lẫn ngoài nước Mỹ từng tỏ thái độ hoài nghi về khả năng lãnh đạo của ông. Việc Trump quyết định phóng tên lửa đúng thời điểm đang tiếp đón Chủ tịch Tập Cận Bình trong bối cảnh cả Washington lẫn Bắc Kinh đang nỗ lực tìm tiếng nói chung trong việc kiểm soát chương trình hạt nhân và tên lửa đạn đạo của Triều Tiên cho thấy Mỹ muốn truyền đi thông điệp rằng Bắc Kinh cần phải hành động nhiều hơn nữa để kiềm chế Bình Nhưỡng.

Chuyến thăm Mỹ của Chủ tịch Tập Cận Bình và các cuộc gặp của ông với Tổng thống Trump vừa kết thúc vào sáng sớm ngày 8/4 theo giờ Bắc Kinh. Cho tới nay, tuy hãy còn rất nhiều tin tức chưa được công bố, nhưng một số hãng thông tấn lớn trên thế giới đều đã trích dẫn các đánh giá của Tổng thống Trump. Báo chí Trung Quốc dẫn lời ông ca ngợi “mối quan hệ Trung – Mỹ đạt được bước tiến lớn” và “sự tiến bộ ấy là đích thực, mối quan hệ giữa hai nước rất xuất sắc”. Người phát ngôn Nhà Trắng Sean Spicer nói: “Đây là một chuyến thăm rất tốt đẹp”. Ngoại trưởng Rex Tillerson phát biểu: “Cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo diễn ra trong không khí rất tích cực, tất cả chúng tôi đều cảm thấy hài lòng về kết quả của cuộc gặp thượng đỉnh này”. Còn Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross thì cho biết, lãnh đạo hai nền kinh tế mạnh nhất thế giới đã đồng ý với kế hoạch 100 ngày trao đổi các cuộc đàm phán thương mại nhằm thúc đẩy xuất khẩu của Mỹ và giảm thâm hụt thương mại của Washington đối với Trung Quốc. Vẫn theo Bộ trưởng Ross, do các vấn đề cần trao đổi có phạm vi sâu rộng, kế hoạch 100 ngày có thể là tham vọng, nhưng là thay đổi đáng kể trong bang giao song phương. Ông Ross nhấn mạnh với các phóng viên: “Đó là biểu tượng rất nổi bật của mối quan hệ đang tăng tốc giữa hai nước”.

Vòng xoáy địa—chính trị

Các nghị trình đều được đặt lên bàn cuộc hội kiến nhưng chủ yếu là để tái khẳng định lập trường “khung” của nhau hơn là giải quyết chúng. Tính khí của hai vị nguyên thủ, cũng như phong thái của mỗi vị ấy dường như hoàn toàn trái ngược nhau. Một Trump vốn hứng chịu nhiều búa rìu dư luận nhưng vẫn tiếp tục bộc trực, bốp chát và đại ngôn. Một Tập hạch tâm được thừa nhận là lãnh đạo nòng cốt, đĩnh đạc, thâm trầm và kiệm lời. Hãy nhìn cách ông ấy ưỡn ngực với những sải bước rộng dài trên sân của dinh thự! Tham vọng “giấc mộng Trung Hoa” sánh đôi với tham vọng “nước Mỹ vĩ đại” cũng hoành tráng không kém… Cả thế giới thừa biết, các vấn đề sinh tử của mối quan hệ song phương ấy đâu có thể dàn xếp được trong một Hội nghị cấp cao, vậy mà thiên hạ vẫn đồn đoán, vẫn hóng đợi. Bởi vì, Chủ tịch và Tổng thống tuy quyền lực to thật đấy, nhưng mỗi vị đều có thể trở thành tù binh cho những tình huống bất trắc, khó tính trước. Chính vì thế mới có lệnh tấn công Syria ngay trước khi ngồi vào tiệc tối. Cũng vì thế, chiến đấu cơ J-11 hiện diện bất hợp pháp trên đảo Phú Lâm, Hoàng Sa của Việt Nam đúng lúc ông Tập Cận Bình thăm Mỹ. Bất chấp các “sô diễn” từ cả hai phía, THX vẫn dẫn lời ông Tập “hoan nghênh Hoa Kỳ can dự vào khung hợp tác một vành đai, một con đường” do Trung Quốc đề xuất.

Theo giới phân tích, khi Trump ngỏ ý gắn nan đề thâm hụt buôn bán với vấn nạn hạt nhân Triều Tiên, ông hàm ý rằng ông có thể có một lập trường mềm mỏng hơn trong vấn đề thương mại nếu phía Trung Quốc giúp kiềm chế một cách hiệu quả tham vọng hạt nhân của Bình Nhưỡng. Tuy nhiên, nhận thức được vị thế “trên cơ” của mình, ông Tập ít có khả năng khuất phục trước áp lực của Mỹ. Thay vào đó, ông có thể đề nghị ông Trump ngừng triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) ở Hàn Quốc để đổi lấy sự hợp tác của Trung Quốc, điều ông Trump sẽ bác bỏ. Nhưng nếu ông Trump lại đưa “con mồi” Biển Đông ra cho ông Tập thì sao? Tuy nhiên, có ba lý do để Mỹ không dễ gì “bán” Biển Đông cho Trung Quốc. Thứ nhất, những hành vi của mỗi nước trên Biển Đông nếu quản lý không tốt, có thể dẫn đến leo thang căng thẳng giữa Trung Quốc và Mỹ. Thứ hai, nếu Biển Đông trở thành “ao nhà” của Trung Quốc, Mỹ và thế giới sẽ đánh mất các động lực thúc đẩy kinh tế của châu Á. Thứ ba, nếu không chế ngự được các hành vi quân sự hóa biển đảo của Bắc Kinh, các cố gắng dàn xếp an ninh của Mỹ ở khu vực châu Á—Thái Bình Dương sẽ bị tổn hại nghiêm trọng.

Với tất cả những “nút thắt” khó gỡ trong tương lai, tờ “Thời báo Hoàn cầu” số đầu tuần này vẫn có xã luận với tiêu đề “Hội đàm Tập Cận Bình—Trump tiếp thêm động lực cho mối quan hệ phức tạp Trung—Mỹ”. Việc Trung Quốc nhanh chóng khẳng định mặt tích cực của sự kiện trên có thể nhằm tăng thêm vị thế cho lãnh đạo của họ và cảnh báo dư luận thế giới đừng trông chờ vào việc ông Trump sẽ có thái độ cứng rắn với Trung Quốc. Hầu hết các học giả từng xem xét kỹ các kịch bản của quan hệ Mỹ—Trung sẽ diễn ra theo hướng nào trong tương lai, đều lập luận rằng, trong thời đại hạt nhân, cả hai bên chắc chắn không muốn cố ý đi tới chiến tranh. Nhưng một đụng độ giới hạn, có thể ở Biển Đông, rất dễ dàng leo thang thành một cái gì đó nghiêm trọng hơn. Trong một phân tích được công bố gần đây, nhà nghiên cứu Allison từng bình luận: “Nếu Hollywood làm phim về Trung Quốc chống lại Hoa Kỳ thì không thể tìm đâu ra hai diễn viên hàng đầu nào tốt hơn là Tập Cận Bình và Donald Trump. Mỗi người đều là hiện thân của nguyện vọng sâu xa về sự vĩ đại của đất nước mình. Nguy hiểm hơn, cả hai vị nguyên thủ đều xác định quốc gia do người kia cai trị là trở ngại chính cho giấc mơ của mình”. Vòng xoáy địa—chính trị Mỹ—Trung, vì vậy, xem ra vẫn là một biến thiên kéo dài vô tận/.

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114512072

Hôm nay

29

Hôm qua

2389

Tuần này

29

Tháng này

218945

Tháng qua

121356

Tất cả

114512072