Xứ Nghệ ngày nay

Thư viện tư nhân - Một loại hình cần được khuyến khích

Điều đáng mừng cho hoạt động thư viện là những năm gần đây đã xuất hiện một số thư viện tư nhân có phục vụ cộng đồng. Trên toàn quốc hiện đã có 40 thư viện thuộc loại hình này. Nghệ An cũng góp mặt với hai thư viện tư nhân mới xuất hiện trong 4-5 năm gần đây. Tuy ít, nhưng sự đóng góp của thư viện tư nhân cho văn hoá đọc ở địa phương rất đáng kể.

Thư viện Cây Tùng xuất hiện năm 2003 ở xã Hưng Tân huyện Hưng Nguyên do Đại tá về hưu Nguyễn Huy Thục thành lập. Hàng ngày thư viện được quản lí và điều hành do một số người cao tuổi ở địa phương. Năm 2005, xã đã cho bác Thục mượn đất trong khuôn viên nhà văn hoá xóm 7 để xây một ngôi nhà cấp 4 rộng rãi làm trụ sở, có máy tính, tăng âm, loa máy. Vốn sách ban đầu 800 cuốn, đến nay đã lên tới trên 5.000 cuốn. Số lượng bạn đọc đều đặn khoảng trên 50 người. Để tiện cho việc phục vụ bạn đọc vài năm nay bác Thục đã cho mở thêm 3 tủ sách tại 3 xóm trong xã. Các tủ sách này cũng hoạt động đều đặn tuần hai ngày. Thư viện Cây Tùng còn tổ chức rất nhiều hoạt động bổ trợ: Thành lập giải thưởng khuyến học “Bông Sen vàng” hàng năm liên tục từ 2003 đến nay; thi viết báo tường vào dịp đầu xuân; thi tìm hiểu các sự kiện, có sơ kết khen thưởng; nói chuyện chuyên đề; tổ chức cho các độc giả tích cực đi tham quan thủ đô. Bác Thục còn kì công mời một em nhỏ bị liệt kiên trì luyện tập viết được bằng chân về xã nói chuyện, thực hành viết làm gương cho con em mình học tập. Rất nhiều tập sách do bác biên soạn và phô to thành hàng trăm cuốn để giúp bà con có được những thông tin sát thực với đời sống, hoặc được tiếp cận với những tác phẩm lớn trong khi chưa có nhiều thời gian đọc sách. Tấm lòng của bác đã tác động sâu sắc tới cộng đồng. Dân trong xã cũng như con em đi xa đã đóng góp sách, báo cho thư viện. Cũng như vậy, Thư viện Làng Sen, xã Kim Liên, huyện Nam Đàn đi vào hoạt động từ đầu năm nay đều xuất phát từ tấm lòng của một người con xa quê hướng về nguồn cội. Thư viện Làng Sen có cơ sở vật chất và lượng sách lớn hơn nhiều so với thư viện Cây Tùng (nhất là sách giáo khoa) tới hàng chục ngàn cuốn, thu hút đông đảo con em trên địa bàn tới mượn, đọc. Ngoài ban quản lí do tác giả uỷ nhiệm, Thư viện Làng Sen được Trung tâm VH,TT huyện hỗ trợ một thủ thư để quản lí về mặt nghiệp vụ. Qua tìm hiểu nhân dân trong vùng chúng tôi biết được công tác phục vụ của các thư viện này rất tốt. Ngoài các buổi định kì, khi bạn đọc cần, Thư viện cây Tùng vẫn phục vụ, Thư viện Làng Sen phục vụ 5 ngày/tuần và đổi lịch làm việc vào các ngày cuối tuần để học sinh có thời gian rỗi nhiều hơn. Sự xuất hiện các thư viện này đã thúc đẩy phong trào đọc sách và học tập của nhân dân trên địa bàn. Nhiều người xưa nay không đọc sách nay cũng đến thư viện. Xã Hưng Tân, Hưng Nguyên hàng năm có đến vài chục em đậu đại học. Năm 2009 có 25 em vào đại học; 16 em học sinh giỏi cấp huyện, cấp tỉnh. Theo thống kê của xã có khoảng 70-80% đọc giả của thư viện có kết quả học tập tiên tiến trở lên.
Chúng ta biết rằng hệ thống thư viện, tủ sách công đã được phủ khắp toàn tỉnh nhưng hoạt động chưa mạnh. Hiện 20 huyện, thành thị có thư viện huyện, và hàng chục thư viện xã, hàng trăm tủ sách các loại, nhưng điểm diện số hoạt động hiệu quả không nhiều. Về lượng sách, nhiều thư viện huyện rất ít, ít hơn cả số sách của thư viện Cây Tùng, như: huyện Quế Phong chỉ có gần 3.500 bản, Tương Dương gần 5.000 bản…; Huyện Tân Kì và Quỳ Châu cũng chỉ nhỉnh hơn chút ít với trên 6.000 bản sách. Lượng bạn đọc nhiều huyện cũng rất khiêm tốn, chỉ bằng hoặc thấp thua các thư viên tư nhân trên, như Quỳ Châu có 45 thẻ bạn đọc, Con Cuông 140 thẻ; thư viện huyện Anh Sơn hàng ngày cũng chỉ có 15-20 bạn đọc do nguồn sách quá nghèo nàn chủ yếu là sách truyện, thiếu sách nghiên cứu. Có nhiều huyện, suốt thời gian dài nhiều năm không bổ sung nguồn sách ngoài một số tờ báo, tạp chí hàng ngày. Đó là thư viện huyện, còn thư viện xã nhiều địa phương cũng thành lập lấy lệ vì một mục đích thiết thực như đủ điều kiện để được công nhận xã có thành tích xuất sắc trong phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống cơ sở. Sau khi được rồi thư viện cũng gần như không hoạt động. Các tủ sách thì dolượng sách quá ít, giao động từ vài trăm đến dăm trăm bản, người phụ trách lại kiêm nhiệm, không có phụ cấp, ai đó không nhiệt tâm thì cũng chẳng khác gì tủ trưng bày. Bưu điện văn hoá vùng miền núi còn tạm được, vùng miền xuôi hoạt động cầm chừng vì không có nguồn sách, không có bạn đọc. Cơ sở vật chất và sách đã vậy, việc tổ chức các hoạt động bổ trợ ngay cả đối với một số thư viện huyện còn như là một cái gì đó xa lạ. Bạn tôi, thủ thư một huyện đồng bằng trăn trở: Muốn tổ chức một buổi nói chuyện thôi cũng thật khó khăn bởi thiếu tiền, bởi lãnh đạo không mấy quan tâm. Như vậy, một trong những tác nhân cơ bản làm cho hệ thống thư viện công ở nhiều địa phương hoạt động không tốt là cơ sở vật chất kém và số bản sách quá nghèo nàn, đầu sách không phong phú, có nơi không phù hợp với nhu cầu người sử dụng. Thư viện tư nhân có phục vụ công xuất hiện như là một điểm sáng cho bức tranh thư viện tỉnh nhà. Đây là một điển hình của việc xã hội hóa rất cần được khuyến khích. Thời gian qua, các thư viện tư nhân ở tỉnh ta đã nhận được sự đồng tình, ngợi khen của người dân. Chính quyền cũng đã có sự ủng hộ và tạo điều kiện nhất định như cho mượn đất, hỗ trợ thủ thư; thư viện huyện Hưng Nguyên và thư viện tỉnh đã nhiều lần tặng sách hoặc luân chuyển sách cho thư viện Cây Tùng. Thư viện tư nhân đã thể hiện được vai trò của mình bởi ở đó vừa có được một cơ sở vật chất tương đối, và trên hết là một trách nhiệm, một tấm lòng thực sự vì sự đọc, sự học của cộng đồng. Trong bối cảnh hiện nay, sự xuất hiện của loại hình thư viện này có lẽ là rất cần thiết không chỉ vì nó góp phần nâng cao chất lượng văn hoá đọc mà nó còn như là một đối trọng để so sánh, để thúc đẩy các loại hình thư viện, tủ sách công nâng cao chất lượng phục vụ.
Chính phủ đã có Nghị định 02/2009/NĐ-CP ngày 06/01/2001 quy định về tổ chức và hoạt động của thư viện tư nhân có phục vụ cộng đồng. Thư viện tư nhân được nhìn nhận là cơ sở cung ứng dịch vụ ngoài công lập do một người hoặc một nhóm người tổ chức thành lập, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, tự đảm bảo kinh phí hoạt động và hoạt động theo pháp luật. Đó là một điều kiện rất thuận lợi tạo hành lang pháp lí cho thư viện tư nhân phát triển. Để loại hình thư viện này thực sự phát triển với số lượng nhiều hơn nữa, phục vụ cộng đồng tốt hơn nữa chính quyền và các cơ quan chức năng cần có sự ủng hộ tích cực hơn. Như cần có chính sách hỗ trợ thư viện tư nhân hoạt động bằng cách bổ sung tài liệu, bồi dưỡng miễn phí kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ thư viện cho những người tham gia hoạt động thư viện tư nhân. Cử cán bộ thư viện giúp đỡ người phụ trách thư viện tư nhân hoạt động thư viện theo đúng chuyên môn nghiệp vụ cơ bản. Các thư viện huyện, tỉnh cần phối hợp với thư viện tư nhân tổ chức các hoạt động quyên góp và luân chuyển sách báo nhằm tăng cường nguồn lực thông tin cho các thư viện tư nhân. Có thể kết nối mạng interet để trao đổi thông tin giữa thư viện cộng đồng và thư viện tư nhân (khi có điều kiện). Tạo cơ chế thuận lợi cho thư viện tư nhân hoạt động thông qua sự ủng hộ của chính quyền địa phương trong việc giới thiệu, tuyên truyền, hỗ trợ sách báo và kinh phí. Khen thưởng, biểu dương kịp thời những thư viện tư nhân có nhiều thành tích hoạt động phục vụ sách báo cho cộng đồng. Bên cạnh đó, cũng cần tuyên truyền, khuyến khích các cá nhân, tổ chức thành lập thư viện tư nhân góp phần nâng cao chất lượng văn hoá đọc.

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114511028

Hôm nay

227

Hôm qua

2359

Tuần này

21402

Tháng này

217901

Tháng qua

121356

Tất cả

114511028