Sau khi xem qua, điều có thể thấy rõ là bài viết trên đã tiểu thuyết hóa một sự kiện lịch sử quan trọng và có lẽ chỉ dựa vào một cơ sở duy nhất là hai câu ca dao truyền tụng trong dân gian:
Gái đâu có gái lạ lùng
Con vua mà lấy hai chồng làm vua.
Khi viết câu chuyện trên, ông P.V. Thường đã hiểu “con vua” ở đây không ai khác hơn là công chúa Ngọc Hân và “hai chồng làm vua” đây chính là Quang Trung Nguyễn Huệ và Gia Long Nguyễn Ánh. Để có thể nhận định về điều này, cần làm sáng tỏ một số vấn đề lịch sử còn khá mơ hồ như:
- Ngọc Hân công chúa mất vào năm nào?
- Số phận các con của Ngọc Hân (nếu có) ra sao khi triều Tây Sơn hoàn toàn sụp
đổ
- Ngoài Ngọc Hân, vua Lê Hiển Tông có còn cô con gái nào lấy chồng làm vua
không?
* CÔNG CHÚA NGỌC HÂN MẤT VÀO NĂM NÀO?
Tưởng chừng như đây chỉ là một câu hỏi không nhằm vào đề tài đang bàn, nhưng thực ra lời giải đáp có thể góp phần vào việc đánh giá mức độ chân thực trong câu chuyện kể của tác giả P.V. Thường. Chỉ riêng câu hỏi này đã làm tốn khá nhiều công sức và giấy mực của các nhà nghiên cứu ở thế kỷ XX. Nói chung có ít nhất ba thuyết về thời điểm tạ thế của công chúa Ngọc Hân.
a. Công chúa Ngọc Hân mất vào năm 1799
Tiêu biểu cho thuyết này là tác phẩm Quốc văn đời Tây Sơn của nhà nghiên cứu Hoàng Thúc Trâm (Hoa Bằng), xuất bản năm 1950, trong đó nêu lên chứng cứ là 5 bài văn tế bà Ngọc Hân tìm thấy trong Dụ Am văn tập của danh sỹ Phan Huy Ích (1750 – 1822), trong số này, một bài dành cho vua Cảnh Thịnh tế, một bài cho bà Phù Ninh từ cung Nguyễn Thị Huyền (mẹ ruột bà Ngọc Hân), một bài cho các cựu tôn thất nhà Lê, một bài cho bà con họ ngoại của Ngọc Hân ở làng Phù Ninh và một bài cho các công chúa triều Tây Sơn. Bài văn tế dành cho vua Cảnh Thịnh có tiêu đề: “Kỷ Mùi Đông, nghĩ Ngự điện Vũ hoàng hậu tang quốc âm văn” (Mùa đông năm Kỷ Mùi [1799], nghĩ đỡ nhà vua bài văn quốc âm tế điện Vũ hoàng hậu). Đồng hành với thuyết này là sự phát hiện của tác giả Đỗ Bang trong quyển “Những khám phá về hoàng đế Quang Trung” (Sở văn hóa thông tin Bình Trị Thiên – 1988), theo đó, bản phả ký họ Nguyễn Ngọc thuộc làng Phù Ninh, huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh (quê quán của Ngọc Hân) có ghi ngày mất của bà là: “Tốt vu Kỷ Mùi niên thập nhất nguyệt, sơ bát nhật”, tức mất ngày mồng 8 tháng 11 năm Kỷ Mùi, nhằm ngày 4.12.1799.
b. Công chúa Ngọc Hân mất sau năm 1801, không rõ năm nào
Tiêu biểu cho thuyết này là bài viết của tác giả Sở Bảo đăng trên báo Trung Bắc chủ nhật số 53 (thập niên 1940). Bài báo kể rằng sau khi nhà Tây Sơn bị diệt vong, bà Ngọc Hân đưa hai con (một trai, một gái) đi trốn ở Quảng Nam, nhưng không bao lâu sau, tung tích bị lộ, cả ba mẹ con bị bắt và xử theo lệ “tam ban triều điển” (chết theo một trong ba cách: treo cổ, đâm bằng dao, uống thuốc độc). Trùng hợp với thuyết này có các tác phẩm Triều Tây Sơn của Phan Trần Chúc và Thi văn binh chú của Ngô Tất Tố.
c. Công chúa Ngọc Hân mất vào năm 1806
Bộ sử biên niên Quốc sử di biên do Phan Thúc Trực (Dưỡng Hạo Hiên) soạn vào thập niên 1840 ghi rõ công chúa Ngọc Hân tạ thế vào khoảng cuối tháng năm âm lịch năm Bính Dần (1806): “… Công chúa nhà cựu Lê là Ngọc Hân tạ thế. Nguyên năm Bính Ngọ (1786), niên hiệu Lê Cảnh Hưng, vua Lê gả công chúa Ngọc Hân cho Nguyễn Huệ. Đến khi nhà Tây Sơn mất, công chúa lui về ở tại mẫu quán là làng Phù Ninh. Tại đây công chúa từ trần. Kẻ hàng thần hiện nhận chức quan tại huyện Đông Ngạn xin làm tang lễ cho cố công chúa, nhà vua chấp nhận. Dân làng Phù Ninh làm từ đường thờ cố công chúa...” (tập thượng – trang 136).
* NGỌC HÂN CÔNG CHÚA CÓ CON VỚI VUA QUANG TRUNG KHÔNG?
Trong các sử liệu chính thức về dòng họ vua Quang Trung, không thấy có văn kiện nào viết về các con của ông và Ngọc Hân công chúa. Các nhà nghiên cứu đành suy diễn dựa vào một vài tác phẩm đương thời, nổi bật là bài Ai tư vãn của chính Ngọc Hân và các bài văn tế kể trên do Phan Huy Ích soạn.
- Bài Ai tư vãn có những câu:
Con trứng nước thương vì đôi chút
Chữ tình thâm chưa thoát được đi.
(Vì thương con còn nhỏ nên chưa thể chết theo chồng)
Hoặc:
… Nửa cung gẫy phím cầm lành
Nỗi con côi cút, nỗi mình bơ vơ.
- Bài văn tế của Phan Huy Ích dành cho các con vua Quang Trung tế bà Ngọc Hân có những câu:
Dầu gót ngọc vui miền tịnh độ, nỡ nào quên hai chồi lan quế còn thơ,
Dầu xiêm nghê vắng cảnh thanh đô, nỡ nào lãng một bóng tang du hầu xế!
Có tác giả còn liệt kê cả tên của các con bà Ngọc Hân, như ông Sở Bảo (bài viết kể trên) kể rằng theo lời các cố lão ở địa phương (tỉnh Bắc Ninh), trong thời gian ẩn lánh ở Quảng Nam, người con trai bà Ngọc Hân đổi tên là Trần Văn Đức, người con gái đổi tên là Trần Thị Ngọc Bảo. Còn tác giả Phan Trần Chúc trong Triều Tây Sơn thì cho rằng tên của hai con bà Ngọc Hân là Nguyễn Quang Đức và Nguyễn Thị Ngọc Bảo, không rõ dựa vào sử liệu nào.
Đến nay hầu hết các nhà nghiên cứu đều tin rằng công chúa Ngọc Hân có hai con với hoàng đế Quang Trung, nhưng số phận những người này ra sao, trước cũng như sau ngày nhà Tây Sơn sụp đổ, lại là vấn đề chưa được làm sáng tỏ. Tuy nhiên, có một sử liệu khá đặc biệt, không thể bỏ qua, đó là bức thư dài đề ngày 16 tháng 7 năm 1801 do Barisy (một trong những người Pháp theo giúp Nguyễn Ánh) viết từ Huế gửi cho hai linh mục Marquini và Létondal ở Macao, trong đó có kể chi tiết việc ông ta được phép gặp mặt những tù nhân đặc biệt bị bắt khi quân của Nguyễn Ánh đánh chiếm Phú Xuân, xin trích dịch như sau:
“… Hoàng thượng (chỉ chúa Nguyễn Ánh – ND) hỏi tôi có nhìn thấy các tướng giặc không, tôi trả lời rằng không. Nhà vua ra lệnh đưa họ đến cho tôi gặp. Sau đó, Ngài bảo tôi đi gặp các chị em của Tiếm vương (usurpateur – chỉ vua Tây Sơn – ND) – Tôi đi. Họ ở trong một căn nhà khá tồi tàn, không có gì sang trọng, điều này tạo nên một sự trái ngược đầy ấn tượng giữa quá khứ và hiện tại của họ. Những phụ nữ đó có 5 người: một cô 16 tuổi rất đẹp, một cô 12 tuổi, con gái của bà công chúa Bắc Hà (nguyên văn Princesse de Tung-kin – ND), tạm được; ba cô khác từ 16 đến 18 tuổi, da hơi nâu nhưng diện mạo dễ coi; ba cậu con trai, một 15, da hơi nâu, gương mặt bình thường, hai cậu khác chừng 12 tuổi, cũng là con của bà công chúa Bắc Hà, diện mạo xinh đẹp và cung cách dễ thương…” (Cadière – Documents relatifs à l’époque de Gia Long – PP 51-52).
Barisy cũng kể cả việc gặp vợ của Tư đồ Võ Văn Dũng, mẹ của Thiếu phó Nguyễn Quang Diệu (hay Trần Quang Diệu), vợ của Tư khấu Định… trong số những tù nhân của Nguyễn Ánh. Căn cứ vào nội dung của lá thư trên, liệu có thể xác định hai (hay ba) tù nhân trẻ mà Barisy đã gặp là con của Ngọc Hân công chúa và vua Quang Trung không? Đây là điều khả dĩ, góp phần củng cố thêm quan điểm cho rằng Ngọc Hân công chúa có hai (hay ba) con bị bắt khi quân Nguyễn Ánh chiếm Phú Xuân. Nếu đúng như vậy, chắc chắn là họ sẽ cùng chung số phận với nữ tướng Bùi Thị Xuân và các tướng sỹ Tây Sơn khác, trong cuộc trả thù tàn khốc mà Nguyễn Ánh sẽ thực hiện vào năm 1802. Điều này hé mở cho chúng ta chút ánh sáng về số phận các con của Ngọc Hân công chúa.
Ngoài ra theo nội dung bức thư của Barisy, người ta không thấy bóng dáng của Ngọc Hân bên cạnh các con của bà, phải chăng điều này củng cố thêm thuyết cho rằng bà đã qua đời trước năm 1801 (cụ thể là năm 1799). Nó cũng giúp ta sớm khẳng định là câu chuyện về “mối duyên kỳ ngộ” giữa Ngọc Hân công chúa với Nguyễn Ánh chỉ là sản phẩm của óc tưởng tượng phong phú của tác giả Phạm Việt Thường.
Nhưng như vậy thì…
*AI ĐÃ LẤY HAI CHỒNG LÀM VUA?
Xem kỹ sử liệu, ta sẽ bắt gặp nhân vật này trong tập Quốc Sử Di Biên của Phan Thúc Trực. Theo nội dung tập sách trên, khi vua Tây Sơn Nguyễn Quang Toản cùng các em lần lượt bị bắt giữ trên đường chạy về phía Bắc, thì “Bọn Tổng Thám lại dâng nạp bà phi là Lê Thị Ngọc Bình vào trong nội cung nhà vua”. Bà Ngọc Bình nói ở đây chính là em gái của Ngọc Hân công chúa, con vua Lê Hiển Tông, và là vợ vua Tây Sơn Nguyễn Quang Toản. Từ chi tiết này, có thể suy diễn là sau khi Nguyễn Quang Toản bị bắt và bị giết, bà phi của ông ta là Lê Thị Ngọc Bình đã (tự nguyện hay bị bắt ép) trở thành vợ của Nguyễn Ánh-Gia Long. Trong Quốc Sử Di Biên, Phan Thúc Trực viết thêm:”Đệ tam cung là Ngọc Bình (chị em với Ngọc Hân công chúa, vợ vua Quang Trung) sinh hạ Quảng Oai Công và Thường Tín Công”. Chi tiết này trong QSDB phù hợp với bộ Đại Nam chánh biên liệt truyện sơ tập, bản dịch đánh máy lưu trữ tại Thư viện Khoa học Xã hội TPHCM, ghi rõ trong số con vua Gia Long có ông hoàng Quảng Uy (Oai) công tên Quân và Thường Tín công tên Cự có cùng mẹ là bà Đức phi họ Lê. Ngoài ra, các bản Ngọc Điệp, Hoàng tử và Hoàng nữ phổ ở Tôn nhơn phủ (Huế) có chép về hai hoàng tử Quảng Oai Công và Thường Tín Công như sau: “Mẹ họ Lê, tên húy là Bình, người làng Lam Sơn, huyện Thoại Nguyên, tỉnh Thanh Hóa, con út của vua Lê Hiển Tông. Bà sinh giờ Quý Hợi, ngày 12 tháng Chạp, mùa đông năm Giáp Thìn (1784), năm Tân Dậu (1801) vào chầu hầu, chẳng bao lâu được phong lên Tả cung tần. Ngày 12 tháng 9, mùa thu năm Gia Long thứ 9 (1810) mất, tặng Đức phi, thụy Cung Thận, tẩm mộ tại làng Trúc Lâm…”.
* MỘT KẾT LUẬN TẠM
Căn cứ vào những cứ liệu trên, có thể đưa ra mấy nhận định sau:
- Dù mất vào năm nào – 1799, sau 1801 hay 1806, bà Lê Thị Ngọc Hân, Hoàng hậu triều Quang Trung, chưa bao giờ làm vợ Nguyễn Ánh-Gia Long như tác giả Phạm Việt Thường đã ngộ nhận trong bài viết đăng trên Tập san Đô thành Hiếu cổ số 4 năm 1941.
- Bà Lê Thị Ngọc Bình, con út vua Lê Hiển Tông, là một cung phi của vua Tây Sơn Nguyễn Quang Toản, sau về làm vợ Nguyễn Ánh-Gia Long, sinh cho ông hai hoàng tử là Quảng Oai công và Thường Tín công.
Như vậy nhân vật trong câu “con vua mà lấy hai chồng làm vua” không phải là công chúa Lê Thị Ngọc Hân, mà là công chúa Lê Thị Ngọc Bình, em út của bà Ngọc Hân.
5.5.2014