Văn hoá học đường

Bàn về thực thi cải cách giáo dục

Giấc mơ về một nền giáo dục văn minh để đào tạo ra những thế hệ công dân mới, những nguồn nhân lực mới, đưa nước nhà “sánh vai các cường quốc năm châu”, luôn thôi thúc người Việt trong suốt nhiều thập kỷ qua. Và thế là người ta đã học hỏi, tham khảo để gắng đưa ra những chương trình phổ thông cùng với nó là những bộ sách giáo khoa, nhằm đáp ứng mục tiêu. Tác giả cho rằng, nếu sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực của đất nước, có thể kết hợp thêm với nguồn lực nước ngoài giúp đỡ, về mặt lý thuyết, người ta hoàn toàn có thể đưa ra được những chương trình cùng với những bộ sách giáo khoa tốt nhất, thuộc các môn khoa học tự nhiên. Và vấn đề chương trình và sách giáo khoa có thể cứ tạm coi là sẽ được giải quyết. Câu chuyện của chúng ta bây giờ, là xem xét vấn đề thực thi chương trình để đạt được kết quả như mong muốn.

Cũng cần nhấn mạnh lại rằng, chương trình và sách giáo khoa tốt hiện nay, đương nhiên phải có tính hội nhập cao với cộng đồng nhân loại văn minh, nhằm tạo ra những thế hệ công dân mới và những nguồn nhân lực mới đáp ứng nhu cầu hội nhập này. Bây giờ chúng ta chỉ tập trung bàn đến vấn đề thực thi. Cũng như để trình diễn một tác phẩm giao hưởng hay nhất có thể, người ta đã phải làm những gì? Rằng đó bao gồm rất nhiều cung đoạn, khiến cho người ta dễ nhận ra, không phải ở đâu, thời điểm nào, nhân lực nào, cũng có thể đáp ứng được, cho dù có cố công đến mấy.

Để thực thi một chương trình cải tổ giáo dục được như mong đợi, trước hết phải dựa vào đội ngũ những người làm thầy. Nhưng có thể thấy thực tế đội ngũ những người thầy hiện nay còn rất xa với tiêu chuẩn hội nhập. Người ta cho rằng có thể đào tạo lại và làm mới đội ngũ này. Vấn đề là làm như thế nào, và mất bao lâu để biến đổi một đội ngũ đông đảo những người thầy như hiện nay, trở thành một đội ngũ đáp ứng tiêu chuẩn hội nhập? Tìm câu trả lời cho câu hỏi này, dẫn người ta trở về với đội ngũ các giảng viên của các trường sư phạm. Và bạn hãy trả lời đi, rằng đội ngũ giảng viên của các trường sư phạm hiện nay đã đáp ứng được các tiêu chí của hội nhập hay chưa? Nhưng rõ ràng thật khó khả thi, cho cái việc tạo ra những thế hệ công dân mới đáp ứng tiêu chuẩn hội nhập, lại bằng chính đội ngũ các thầy còn chưa đạt được tiêu chuẩn hội nhập.

Nhưng câu chuyện đâu phải chỉ có thế, để đào tạo ra những thế hệ học trò đáp ứng tiêu chuẩn hội nhập, còn cần đến một không gian văn hóa tại  mỗi cơ sở đào tạo. Để mặc dù mỗi cá nhân người học, có thể có xuất xứ bản thân khác nhau, nhưng sau những năm tháng học tập, trải nghiệm trong những môi trường văn hóa đó, họ sẽ dần “lột xác” để trở thành những con người mới như  mong đợi. Một không gian văn hóa góp phần tạo ra những thế hệ học trò, đáp ứng tiêu chuẩn hội nhập là như thế nào? Mặc dù trả lời đầy đủ cho câu hỏi này thật không dễ, nhưng rõ ràng điều kiện tiên quyết của nó, là phải có một hệ thống quản trị đủ tốt, kèm với nó là hệ thống cơ sở vật chất tối thiểu đi cùng.

Thật khó mà có thể có một hệ thống quản trị tốt ở mỗi cơ sở đào tạo công lập, nếu nó không được đặt trong hệ thống quản trị ưu việt của toàn bộ hệ thống giáo dục công lập. Đặc điểm của hệ thống giáo dục công lập là nó được bao cấp toàn diện bởi nhà nước. Vì vậy có thể nói nó dường như hoàn toàn phụ thuộc vào thể chế chính trị-văn hóa-kinh tế của đất nước.

Hóa ra bài toán cải cách giáo dục nhằm đạt được tiêu chí cao như mong muốn, có vẻ phải đi sau bài toán cải cách thể chế. Nhưng nếu nó được đặt cùng với vấn đề cải cách thể chế, thì rõ ràng người ta cần phải đưa ra một lộ trình phân khúc. Rằng với mỗi một khoảng ngắn hạn, mục tiêu cụ thể cần phải đạt được đến đâu. Và như một quy luật tất yếu của mỗi công cuộc cải tổ, không thể chỉ nghĩ đến cái được tất cả, mà phải tính đến cái mất mát không thể tránh khỏi. Bài toán cải tổ toàn diện giáo dục cũng không ra khỏi quy luật chung ấy, nhất là ở ta hiện thời còn nhiều bất cập.

Chúng ta đã trải qua không ít những dự án cải tổ giáo dục, nhưng dường như đều không thành công. Đáng tiếc là cái sự không thành công đó, có vẻ không làm rõ được nguyên nhân. Gian dối và yếu kém trong việc thực thi ở tất cả các khâu còn ít được đề cập đến, mà người ta chỉ đổ xô vào soi xét chương trình và sách giáo khoa. Rõ ràng  cũng với kịch bản ấy, nhưng với đạo diễn và dàn diễn viên tận tâm và đủ tầm thì kết cục vấn đề chắc chắn sẽ khác. Và rõ ràng chỉ khi đó mới có những con số xác thực, làm cơ sở để đưa ra những kết luận nguyên nhân thành-bại bởi khâu nào.

Nói về câu chuyện đào tạo, chúng ta không thể không nhắc đến một thế hệ trí thức vàng trong lịch sử nước nhà. Mặc dù xuất phát điểm từ một quốc gia với dân trí rất thấp, nhưng chúng ta đã từng được thừa hưởng một đội ngũ trí thức được đào tạo rất nghiêm ngặt và bài bản bởi nền giáo dục bản địa và nền giáo dục Pháp. Đội ngũ này tuy không đông, nhưng trước hết họ là những người thực học. Những người này đã giúp đất nước làm nên biết bao kỳ tích, mà lịch sử đã ghi nhận công lao của họ. Để đến hôm nay, chúng ta có thể nói rằng, nếu không có đội ngũ trí thức ấy, thì khó có thể giải phóng dân tộc và thống nhất được đất nước. Có lẽ sức mạnh ấy nằm ở phẩm chất “tinh hoa” của họ, một thứ phẩm chất được chắt ra bởi hai nền học thuật phương Tây và phương Đông.           

Ngày nay xã hội đang rất cần một đội ngũ tinh hoa như thế, để trước hết làm nguồn nhân lực đáp ứng cho cải cách thể chế, thứ nữa là làm nòng cốt cho mọi ngành nghề khác. Vì thế phải chăng, trong bối cảnh mà mục tiêu lớn về giáo dục còn chưa đạt được, thì nên chăng cần phải đặc biệt ưu tiên đào tạo và sử dụng tinh hoa. Ngoài việc xây dựng,  sử dụng và vun đắp để có những cơ sở đào tạo ưu việt trong nước, cần đưa người ra  nước ngoài đào tạo một cách bài bản, theo những chỉ tiêu với những mục tiêu cụ thể. Bên cạnh việc gia tăng xã hội hóa vào giáo dục phổ cập và đại chúng, nhằm đáp ứng nhu cầu học tập và tuyển dụng của xã hội cũng như sự nghiệp nâng cao dân trí, thì nhà nước nên đặc biệt chú trọng nuôi dưỡng và phát triển giáo dục tinh hoa.

Cuối cùng thì dàn nhạc với những nhạc cụ dân tộc, dẫu có nỗ lực đến bao nhiêu cũng khó biểu diễn hay cho một bản giao hưởng, cho dù bản giao hưởng đó có là một kiệt tác. Thậm chí có thể còn gây ra cái thảm cảnh như “tàn sát” nghệ thuật. Điều này cũng tương tự như nhiều lĩnh vực khác. Vì thế  để thay đổi giáo dục thành công, trước hết cần phải đánh giá đúng  mọi nguồn lực liên quan. Từ đó mà đưa ra những mục tiêu khả thi, kể cả trước mắt và dài hạn. Nếu không sẽ “lợi bất cập hại”, như không ít lần đất nước này đã và đang phải gánh chịu tổn thất ở nhiều địa hạt, không hẳn chỉ có giáo dục.  

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114434659

Hôm nay

2279

Hôm qua

2310

Tuần này

21309

Tháng này

211707

Tháng qua

1114316576

Tất cả

114434659