Vậy là ngày 14 tháng 3 năm 2018, Stephen Hawking đã từ giã cõi đời, để lại bao nhiêu tiếc thương cho cả nhân loại, và để lại cho muôn đời sau một di sản lớn lao về khoa học cũng như về giá trị nhân văn cao cả.
Vậy là ngày 14 tháng 3 năm 2018, Stephen Hawking đã từ giã cõi đời, để lại bao nhiêu tiếc thương cho cả nhân loại, và để lại cho muôn đời sau một di sản lớn lao về khoa học cũng như về giá trị nhân văn cao cả.
Về khoa học, Stephen Hawking từng quan niệm: “Kẻ thù đầu tiên của tri thức không phải là sự thiếu hiểu biết, đó là ảo tưởng về tri thức”. Stephen Hawking lấy khoa học làm lẽ sống, lấy tri thức làm ngọn đuốc soi đường. 22 tuổi, ông bị mắc một căn bệnh tác oai tác quái: bệnh xơ cứng teo cơ (SLA) hay còn gọi là bệnh Charcot. Đây là một căn bệnh liên quan đến các tế bào thần kinh, ảnh hưởng đến các cơ khiến người bệnh bị mất sức, mất khả năng vận động tay chân. May thay, căn bệnh này không ảnh hưởng đến trí lực. Các bác sĩ dự đoán Hawking chỉ còn sống được hai năm nữa. Sức khỏe của Hawking xuống cấp nghiêm trọng. Vào năm 1974, ông hoàng vật lý của chúng ta không thể tự ăn uống, hay tự ngồi dậy. Vào năm 1985, ông vĩnh viễn mất khả năng nói sau khi các bác sĩ làm thủ thuật mở khí quản cho ông vì ông bị viêm phổi. Nhưng hố đen của bệnh tật không thể nhấn chìm nghị lực khoa học của ông. Ông khát khao “hiểu tượng tận vũ trụ, hiểu tại sao vũ trụ lại như vậy, tại sao vũ trụ lại tồn tại”. Những công trình nghiên cứu đầu tiên của ông là những công trình về hố đen. Trước Hawking, người ta hình dung rằng hố đen vũ trụ giống như cái giếng không đáy, khi mọi vật vượt qua giới hạn của nó thì không thể thoát ra ngoài. Trong những năm 1970, ông cho rằng hố đen vũ trụ không chỉ hút vật chất và ánh sáng mà còn phát ra bức xạ. Bức xa theo quan điểm này sau được gọi là “bức xạ Hawking”. Vì thế, theo thời gian, hố đen có thể thu nhỏ và biến mất. Ông tuyên bố rằng bức xạ Hawking chứng minh các hố đen phá hủy thông tin. Đây là cơn ác mộng của các nhà vật lý lượng tử, những người đã chứng minh rằng người ta có thể đi ngược thời gian để biết các trạng thái trước đây của một hệ thống vật lý. Nếu Hawking có lý và nếu các hố đen làm mất thông tin thì các phương trình của họ là sai, ít nhất là có sự mâu thuẫn giữa cơ học lượng tử và lý thuyết về trọng lực hiện đại. Thành thử, Stephen Hawking đã thành công trong việc hòa giải hai lý thuyết lớn trong vật lý thiên văn để giải thích cho sự vận hành của vũ trụ, đó là lý thuyết tương đối của Albert Einstein và cơ học lượng tử. Với các thành công vượt bậc trong nghiên cứu vũ trụ, năm 32 tuổi, Stephen Hawking đã là thành viên của Royal Society, được coi là viện hàn lâm khoa học Anh quốc. Vào năm 1980, ông được bổ nhiệm giáo sư toán Lucas tại Trường Đại học Cambridge, trước ông đã có Isaac Newton được bổ nhiệm vào vị trí danh giá này.
Stephen Hawking vượt qua bệnh tật để tạo ra một “lực hấp dẫn” kỳ diệu cho tất cả mọi người. Ông không dừng lại ở nghiên cứu khoa học không thôi mà còn cố gắng phổ biến tri thức cho những ai quan tâm đến vũ trụ. Xuất bản năm 1988, cuốn sách của ông, Lược sử thời gian (tên nguyên tác: A Brief History of Time: From the Big Bang to Black Holes), đã đi sâu vào phân tích về nguồn gốc của vũ trụ, những nguyên lý của vũ trụ học. Sách của ông đã in đến 10 triệu bản và đã được dịch ra trên 35 thứ tiếng! Ít có cuốn sách phổ biến khoa học nào được nhiều người đọc đến vậy. Bằng một ngôn ngữ đơn giản, dễ hiểu, với dụng ý: “Điều vĩnh viễn không thể hiểu nổi về thế giới, đó là sự dễ hiểu của nó” (Albert Einstein), ông nói về những khám phá mới nhất của các nhà vật lý thiên văn về bản chất của thời gian và của thế giới, giải thích về các lý thuyết về vũ trụ: từ Galilée đến Newton, từ Einstein đến Poincaré. Ông cũng cắt nghĩa về bản chất của các hố đen vũ trụ. Ông viết: “Mục đích của chúng tôi là cho người đọc hiểu tường tận về các sự kiện xảy ra xung quanh chúng ta và xung quanh sự tồn tại của chính chúng ta. (…) Chúng tôi muốn cắt nghĩa về những gì chúng ta đang thấy xung quanh mình và đặt ra các câu hỏi: Bản chất của vũ trụ là gì? Vị trí của chúng ta trong vũ trụ là ở đâu? Chúng ta từ đâu tới? Vũ trụ từ đâu có? (…) Vậy nên, tất cả chúng ta, các triết gia, các nhà khoa học, và kể cả những người dân bình thường, chúng ta sẽ tham gia tranh luận để tìm hiểu xem thử vì sao vũ trụ và bản thân chúng ta lại tồn tại. Nếu chúng ta tìm ra câu trả lời cho câu hỏi này thì đó sẽ là chiến thắng cuối cùng của trí tuệ con người – khi đó, chúng ta sẽ đọc được suy nghĩ của Chúa.” Ở đây, chúng ta có thể thấy sự gặp gỡ của Pascal và Hawking trong nỗ lực xác định vị trí của của con người trong vũ trụ. Pascal từng viết: “Con người trong thiên nhiên là gì? Hư vô với vô cùng, chỉnh thể với hư vô, một nơi nào đó giữa không gì cả và tất cả. Vô cùng không thể hiểu nổi các thái cực, sự kết thúc của sự vật và nguyên lý của chúng bị chôn chặt trong một bí mật không thể nào khám khá, vừa không thể thấy cõi hư vô nơi mình chui ra, cũng không thể thấy cõi vô cùng nơi mình chìm đắm.” (Tư tưởng Pascal). Ở trên, chúng ta có nhắc đến lý thuyết tương đối của Albert Einstein và cơ học lượng tử. Nếu như lý thuyết tương đối của Einstein là “vô cùng lớn” thì cơ học lượng tử là “vô cùng bé”, hai thái cực mà Pascal đã đề cập đến: con người vô cùng bé nhỏ trước thiên nhiên vô cùng bao la. Dĩ nhiên, từ Pascal đến Hawking là khoảng cách rất rất lớn, đặc biệt trong quan niệm về sự tồn tại của Chúa. Hawking phủ nhận sự tồn tại của Chúa. Ông tuyên bố: “Vũ trụ đã bắt đầu với vụ nổ Big Bang, và vụ nổ này là do quy luật tất yếu của vật lý. Vì quy luật trọng lực, vũ trụ có thể và sẽ được tạo ra từ hư vô. Sự sáng tạo ngẫu nhiên là lý do giải thích vì sao có cái gì đó hơn là không có gì, tại sao vũ trụ tồn tại, tại sao chúng ta tồn tại. Vũ trụ ban đầu đã chẳng cần đến Chúa, vũ trụ có khả năng tự tạo ra chính nó.” Nếu như thế kỷ 17, Blaise Pascal chỉ dừng lại ở chỗ chiêm nghiệm thế giới một cách thụ động thì đến thế kỷ 21, Stephen Hawking lại đi đến tận cùng quá trình khám phá vũ trụ để từ đó lý giải về con người, giải huyễn khoa học.
Stephen Hawking dấn thân trong các mặt trận khác nhau. Ông đấu tranh vì môi trường, cảnh báo hậu quả nghiêm trọng do biến đổi khí hậu mang lại. Khi tổng thống Donald Trump quyết định Mỹ rút khỏi hiệp định Paris về khí hậu, ông nói: “Hành động của Trump có thể đẩy trái đất xuống vực thẳm và biến trái đất thành sao Kim với nhiệt độ lên đến 250 độ và với những cơn mưa axit sulphuric.” Bên cạnh đó, Hawking có cảnh báo con người về nguy hiểm của trí tuệ nhân tạo: “Thành công trong việc tạo ra trí tuệ nhân tạo, đó là sự kiện lớn nhất trong lịch sử nhân loại. Tiếc thay, đó cũng có thể là sự kiện lớn cuối cùng, trừ phi chúng ta học cách tránh các nguy cơ đó”. Ông tuyên bố những gì mình làm là vì nhân loại: “Tôi xin thề sử dụng kiến thức khoa học của mình vì lợi ích của nhân loại. Tôi hứa không bao giờ làm hại con người hay động vật trong nghiên cứu của tôi. Tôi phải chứng tỏ mình là một người dũng cảm và cẩn trọng trong các nghiên cứu về những bí ẩn đang bao quanh chúng ta. Tôi không sử dụng kiến thức khoa học của mình cho lợi ích cá nhân và không truyền đạt kiến thức của mình cho những ai tìm cách phá hoại hành tinh tuyệt vời trên đó chúng ta đang sống. Nếu tôi phản bội lời thề này, vẻ đẹp và sự kỳ diệu của vũ trụ cứ mãi mãi bí ẩn đối với tôi”. Hawking là một người có bề ngoài xấu xí vì bệnh tật, có thể khẳng định như vậy. Tuy nhiên, ông không phải không biết xây dựng hình ảnh của mình qua nhiều kênh khác nhau. Sách của ông được bán hàng chục triệu bản như ta đã thấy. Cuộc đời của ông đã được dựng thành phim: phim truyền hình của BBC với diễn xuất của Benedict Cumberbatch và bộ phim của James Marsh, được chuyển thể từ cuốn sách của người vợ đầu của ông Travelling to Infinity: My Life with Stephen (Du hành đến muôn cùng: cuộc đời của tôi với Stephen), đoạt 5 giải Oscar vào năm 2015. Ngoài ra, Stephen Hawking còn sắm vai chính mình trong bộ phim nhiều tập Star Trek: thế hệ mới và trong phim The Big Bang Theory. Đó là chưa kể đến việc ông xuất hiện trong các tập truyện tranh nổi tiếng như Nhà Simpson, Futurama, Griffins. Ngày 23 tháng 10 năm 2017, luận án của ông khi được đưa lên trang web trường Đại học Cambridge đã được tải nhiều đến nỗi trang web bị sập! Ngồi trên xe lăn, với công cụ hỗ trợ phát âm, tác giả lý thuyết vạn vật vẫn tham gia các buổi trò chuyện, thuyết trình về khoa học để tạo cảm hứng cho giới khoa học, đặc biệt là giới trẻ.
Không phải ngẫu nhiên mà Stephen Hawking được so sánh với Albert Einstein, thậm chí có người còn khẳng định sau Albert Einstein là Stephen Hawking. Con người yếu ớt, tật nguyền với những thành công vĩ đại như vậy quả là vô tiền khoáng hậu. Khi tìm hiểu về Stephen Hawking và những nghiên cứu về vũ trụ của ông, ta không thể không nghĩ đến câu nói nổi tiếng của Pascal: “Con người chỉ là cây sậy, sinh vật yếu ớt nhất trong thiên nhiên; nhưng đó là một cây sậy biết tư duy.” Stephen Hawking là một cây sậy yếu ớt nhưng trí tuệ của ông thật sự siêu phàm. Ông là một biểu tượng vĩ đại của nhân loại trong thế kỷ 21 đầy biến động này, là một tấm gương sáng cho tất cả các nhà khoa học hay những người đang chuẩn bị bước vào thế giới khoa học. Lời khuyên nhủ của ông: “Hãy nhìn lên những vì sao chứ đừng nhìn xuống chân mình. Hãy cố lý giải những gì các bạn thấy, và hãy tự hỏi những gì khiến cho vũ trụ tồn tại. Hãy hiếu kỳ.” đã, đang, và sẽ là nguồn cảm hứng cho tất cả các nhà nghiên cứu và trí thức trẻ. Vũ trụ đã đẹp hơn rất nhiều nhờ Stephen Hawking.
2111
2280
21444
220855
129483
114562331