Người xứ Nghệ

Ông Trương Kiện

Họ tên đầy đủ của ông là: Trương Văn Kiện. Song một thời mọi người cứ chỉ gọi ông là: Trương Kiện. Ông sinh năm 1929 (Kỷ Tỵ) tại làng Hữu Lập – xã Quỳnh Lập, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An.

Dáng người nhỏ nhắn, nước da trắng, khuôn mặt nhẹ nhàng nhưng tính cách của ông lại mạnh mẽ và quyết đoán. Tính cách đó của ông hiện rõ trong đôi mắt sáng và ánh mắt sắc lạnh.

Ông tham gia các hoạt động cách mạng sớm: Tháng 4-1945, ông vào đội tự vệ cảm tử của Việt Minh ở địa phương. Tháng 6-1946, ông được kết nạp vào Đảng.

Trình độ học vấn của ông lúc đó chỉ là sơ học yếu lược. Về sau, vừa học bổ túc văn hóa, vừa tự học, ông đạt trình độ tương đương chương trình cấp 2. Như nay, gọi là phổ thông cơ sở. Với vốn chữ Hán được học thời nhỏ, sau này tự học thêm, ông có thể đọc được báo tiếng Trung Quốc (chỉ đọc chứ không phát âm theo tiếng Bắc Kinh được). Như vậy, vốn tri thức mà ông có cho đến sau này chủ yếu là bằng tự học và nhất là bằng quá trình tích lũy từ thực tế, học qua thực tiễn các hoạt động mà ông được giao.

Ông đã kinh qua nhiều công việc, nhiều chức vụ từ nhỏ đến lớn. Từ đảng viên, ông được bầu làm bí thư chi bộ, rồi huyện ủy viên, bí thư huyện ủy, tiếp đến là tỉnh ủy viên, Bí thư Tỉnh ủy, Ủy viên dự khuyết Ban chấp hành Trung ương Đảng (khóa IV). Từ cán bộ bình dân học vụ, rồi làm cán bộ tổ chức, tuyên huấn, cán bộ nghiên cứu ở vụ Báo chí – Ban Tuyên huấn Trung ương, cán bộ cải cách ruộng đất, cán bộ hợp tác hóa, chánh văn phòng Tỉnh ủy.

Về sau, ông làm chủ nhiệm Ủy ban nông nghiệp tỉnh, rồi Phó Chủ tịch và Chủ tịch UBND tỉnh. Cuối cùng, ông đảm nhận nhiệm vụ Thứ trưởng Bộ Lương thực, thực phẩm và nghỉ hưu ở chức vụ này.

Có thể nói, ông là cán bộ chủ chốt cấp tỉnh trưởng thành từ cơ sở, là cán bộ đa năng và hoạt động ở các lĩnh vực khác nhau. Ông là một mẫu cán bộ của lớp người tham gia cách mạng từ năm 1945 rồi dần trưởng thành trong 2 cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc và trong những năm tháng khởi đầu sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và một số năm sau ngày đất nước thống nhất.

*

*        *

 

Toàn bộ tâm huyết cách mạng, toàn bộ tri thức của ông và những gì gọi là đặc trưng trong tính cách của ông được bộc lộ một cách đầy đủ nhất (cả mạnh lẫn yếu, cả ưu lẫn khuyết) ở thời kỳ ông đảm nhận chức vụ Chủ nhiệm Ủy ban Nông nghiệp của tỉnh Nghệ An và sau đó là Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ Tĩnh, Bí thư Tỉnh ủy Nghệ Tĩnh.

Đây là thời gian ông đảm nhận những chức vụ lãnh đạo chủ chốt của tỉnh để ông có thể tự bộc lộ hết những gì mình có. Dẫu vậy, đây chỉ là vấn đề thứ yếu. Điều chủ yếu để ông hội đủ điều kiện từ đó bộc lộ hết mình chính là thời điểm lịch sử cụ thể khi ông đảm nhận những chức vụ ấy.

Những năm 1972, 1973, trong nông nghiệp, Trung ương có 2 chủ trương lớn: Đưa các hợp tác xã nông nghiệp lên quy mô lớn: Mỗi xã là 1 hợp tác xã, thậm chí là 2, 3 xã 1 hợp tác xã. Đem mô hình liên hợp nông công nghiệp học được ở nước bạn Bun-ga-ri về áp dụng ở nước ta.

Ở thời điểm đó, ông làm chủ nhiệm Ủy ban nông nghiệp tỉnh Nghệ An. Ở cương vị ấy, ông đã chỉ đạo xây dựng hợp tác xã quy mô lớn: Tây Yên Trung (3 xã: Hưng Tây, Hưng Yên và Hưng Trung của huyện Hưng Nguyên), chỉ đạo điểm tiến hành cơ giới hóa nông nghiệp ở Quỳnh Lưu, bắt tay xây dựng trại giống lúa ở Nghi Văn (Nghi Lộc) và trại giống lợn ở Đô Thành (Yên Thành). Chọn làm những việc rất lớn ấy không phải và không thể là quyết định của riêng ông. Ông là người chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện, chỉ dạo thực hiện các quyết định ấy. Với ông, khi công việc đã được xác định thì không có chuyện bàn lên, bàn xuống, bàn ra, bàn vào, cảng không được bàn lùi: Chỉ có làm, làm tới nơi, làm tận cùng. Sự mạnh mẽ, sự quyết đoán của ông dẫn đến sự quyết liệt trong chỉ đạo của ông đã đem lại những kết quả ban đầu. Báo Nhân dân thời ấy đã có một loạt bài phóng sự đăng ngay ở trang 1 về các kết quả đó. Trung ương cổ vũ và khuyến khích, nhiều tỉnh ở miền Bắc đã về Nghệ An để nghiên cứu và học tập cách làm của Nghệ An, đặc biệt là mô hình quy mô hợp tác xã bậc cao Tây – Yên – Trung. Để chỉ đạo thực hiện các việc trên, ông đã huy động hầu như toàn bộ đội ngũ kỹ sư, cán bộ trung cấp kỹ thuật, cán bộ quản lý ra trận địa trực tiếp chiến đấu. Họ đã thực sự cùng ăn, cùng ở, cùng làm với xã viên, với cán bộ cơ sở. Không ít người, khi được ông điều động đi chỉ đạo tỏ ra không mấy đồng tình. Song về sau này họ đều tự thừa nhận, nhờ có những chuyến đi làm việc ở cơ sở như thế mà họ đã có thêm được nhiều hiểu biết cả về chuyên môn cũng như về phong cách làm việc, phong cách chỉ đạo.

Tiếng tăm của ông không chỉ Nghệ An biết mà hầu như cả miền Bắc đều biết. Người khen ông nhiều. Nhưng người chê ông cũng không hề ít. Người biểu dương ông nhiều. Nhưng người phê ông cũng lắm! Ông nổi tiếng cả những ưu điểm và cả những nhược điểm, khuyết điểm. Nói ông tự bộc lộ hết mình là như thế. Nói ông là một con người cụ thể, ở một thời điểm lịch sử cụ thể là như thế.

Sau Đại thắng Mùa Xuân 1975, đất nước thống nhất. Cả nước đi lên Chủ nghĩa xã hội. Sang năm 1976, thực hiện chủ trương của Trung ương, hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh sáp nhập thành một tỉnh lớn: Nghệ Tĩnh. Ông được giao chức vụ Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ Tĩnh, ông Nguyễn Sỹ Quế đảm trách cương vị Bí thư Tỉnh ủy Nghệ Tĩnh. Tại Đại hội đại biểu lần thứ 4 của Đảng, ông Nguyễn Sỹ Quế, người cán bộ lãnh đạo mẫu mực, người đảng viên cộng sản chân chính đã đề đạt với Trung ương xin rút khỏi danh sách ứng đề cử để Đại hội bầu Ban chấp hành Trung ương với lý do tuổi ông đã cao, thời gian đảm nhận cương vị Bí thư Tỉnh ủy không nhiều. Nên để vị trí là ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng cho đồng chí khác trẻ hơn. Như vậy, có lợi hơn cho Đảng nói  chung và cho địa phương nói riêng. Nguyện vọng đó của ông Nguyễn Sỹ Quế được Trung ương, được Đại hội chấp nhận. Do đó, Đại hội đã bầu ông Trương Kiện lúc này đang là Chủ tịch UBND tỉnh làm Ủy viên dự khuyết Ban chấp hành Trung ương Đảng.

Thời điểm lịch sử sau Đại thắng mùa xuân 1975, sau khi nhập tỉnh, là thời điểm cả nước hừng hực khí thế, là thời điểm mà nhiệt tình cách mạng nếu không phải là tất cả thì cũng là nhân tố số 1, nhân tố hàng đầu để đi tới khát vọng về một nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa hùng cường. Với thời điểm lịch sử như vậy, những gì ông Trương Kiện có trong tâm huyết cách mạng, trong vốn tri thức và trong tính cách thêm một lần đủ để ông tự bộc lộ mình.

Nhập 2, 3 tỉnh nhỏ thành một tỉnh lớn nhằm tạo nên sức mạnh tổng hợp (cả thế và lực) để bứt phá đi lên. Đó là một tư tưởng lớn của Trung ương. Lãnh đạo Nghệ Tĩnh lúc bấy giờ đã quán triệt sâu sắc tư tưởng này khi đưa ra các quyết định xây dựng những công trình thủy lợi cực lớn: Hồ Kẻ Gỗ. Vách Nam, Vách Bắc. Hầu như toàn bộ sức người, sức của của Nghệ Tĩnh được huy động để hoàn thành các công trình này. Hình thức tổ chức để xây dựng các công trình này là “Đại công trường thủ công” - Một hình thức tổ chức lao động mà trước đó mới có ở công trình đại thủy nông Bắc – Hưng – Hải còn sau này thì hầu như không có nữa.

Có thể nói rằng, quyết định nói trên và quá trình tổ chức thực hiện quyết định đó của lãnh đạo tỉnh Nghệ Tĩnh lúc bấy giờ là quyết định hết sức táo bạo, là sự chỉ đạo hết sức quyết liệt với một quyết tâm sắt đá, bền bỉ từ đầu đến cuối. Cũng có thể nói rằng, thời đó, Nghệ Tĩnh là tỉnh duy nhất, sau nhập tỉnh, có được những công trình lớn như vậy. Có thể trong quy hoạch, thiết kế… các công trình cực lớn ấy có chỗ này, chỗ khác chưa thật có cơ sở khoa học đầy đủ. Song, đến nay, nhìn lại, đó vẫn là những công trình kỳ vĩ, mang đậm dấu ấn của thời điểm lịch sử: Thời nhập tỉnh. Những công trình kỳ vĩ ấy là công lao của Đảng bộ và Nhân dân Nghệ Tĩnh, là thành quả lao động hết mình của hàng chục vạn người con xứ Nghệ suốt từ khe Nước Lạnh đến đèo Ngang. Trong dấu ấn chung rất lớn ấy, thấp thoáng còn có dấu ấn của những người lãnh đạo chủ chốt của Nghệ Tĩnh, trong đó có ông Trương Kiện, gắn với tên tuổi của ông: Ông Trương Kiện.

*

*        *

Lê-nin có một luận điểm: Khuyết điểm của ngày hôm nay, nhiều khi bắt nguồn từ ưu điểm của ngày hôm qua. Đem luận điểm mang tính triết học này của Lê-nin vận vào cuộc đời làm việc, đóng góp của ông Trương Kiện, từ tuổi thanh niên cho đến lúc ông nghỉ hưu, có sự lẽ nào đó rất chi là đúng.

Vậy, ông Trương Kiện là một con người, một đảng viên, một cán bộ lãnh đạo như thế nào? Với tư cách cá nhân, tôi không dám trả lời và không thể trả lời. Chỉ xin dám nói rằng, ông là con người của những thời điểm lịch sử cụ thể, làm những việc cụ thể đúng với nhiệt huyết của ông, với vốn tri thức của ông và đúng với tính cách của ông.

Hoàn toàn không có ý định nhận định, đánh giá, khen chê ông. Tất cả những gì viết ra ở đây chỉ là một phác họa chân dung về ông; một người con họ Trương xứ Nghệ: Ông Trương Kiện. Một phác họa không phải bằng đường nét mà bằng chữ, bằng lời. Phác họa này có thể chưa chuẩn lắm, chưa xác đáng lắm. Rất mong được lượng thứ!

Tháng Tám 2014

 

Nguồn: Họ Trương Nghệ Tĩnh.

Tiêu đề bài viết do VHNA đặt lại.

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114511923

Hôm nay

2249

Hôm qua

2337

Tuần này

22297

Tháng này

218796

Tháng qua

121356

Tất cả

114511923