1. Có thể nói lần đầu tiên công bố một chuyên luận toàn diện, sâu sắc và thú vị về nền thơ Việt Nam trong một giai đoạn lịch sử đáng ghi nhớ 1945 - 1975. Sẽ có nhiều ý kiến trao đổi rất trái chiều nhau xung quanh công trình này, chúng tôi hình dung như thế, nhưng đó là một dấu hiệu tốt khi chúng ta đang cố gắng từ bỏ lối tư duy một chiều, đơn giản và dễ dãi trước bất kì sự xuất hiện sự kiện nào trong đời sống xã hội và văn chương. Phải nói ngay rằng để hoàn thành công trình lớn này, đồng nghiệp của chúng tôi đã bỏ ra rất nhiều thời gian, công sức và cả tiền bạc để có thể sưu tầm và sở hữu một khối lượng tài liệu đồ sộ với hàng nghìn trang, không chỉ ở Việt Nam mà cả những nước ở trời Á - Âu - Mỹ (như Nhật Bản, Pháp, Italia, Hà Lan, Bỉ, Mỹ). Nhưng công sức có thể bỏ ra rất nhiều mà kết quả thu về lại ít ỏi nếu vẫn chỉ theo tập quán cũ, phương pháp cũ, nghĩa là “là ta mà cứ mê ta”. Có thể nói lần đầu tiên thơ Việt Nam giai đoạn 1945 - 1975 được nhìn nhận như một thực thể thơ thống nhất, đa dạng và phức tạp bởi thời tiết chính trị và những biến thiên lịch sử trong thời đại bão táp 30 năm cách mạng và chiến tranh, trong bối cảnh đất nước bị chia cắt dằng dặc 21 năm trời, trong cùng một thời kì mà trên cùng lãnh thổ tồn tại nhiều chính thể khác nhau, loại trừ nhau. Đã có một thời gian dài bị quy định bởi những quan điểm nghiên cứu có phần máy móc nên khi nói đến thơ Việt Nam 1945 - 1975, giới nghiên cứu thường khoanh vùng, khoanh tròn diện mạo thơ dân tộc Việt thời kì này chỉ là thơ cách mạng, chỉ là thơ được sáng tác trong thung thổ chính trị - văn hóa của chính thể Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Động thái ấy không sai nhưng chưa đủ, là phiến diện, thiếu khách quan, thậm chí thiếu công bằng. Và nếu như thế thì con cháu chúng ta mai sau sẽ chỉ tri nhận được một nền thơ khuyết - nghĩa là chỉ có những vần thơ lửa cháy, nhiệt huyết tranh đấu mà thiếu đi những tiếng lòng tha thiết, đa thanh sắc của cả một cộng đồng Việt từ Bắc chí Nam, đều là con Rồng cháu Tiên. Có thể nói lần đầu tiên tác giả công trình đã mở toang cánh cửa thơ ca dân tộc trong một thời kì đau thương nhất, bi tráng nhất, tự hào nhất nhưng cũng đa dạng, phong phú và phức tạp nhất trong lịch sử thơ ca Việt Nam hiện đại thế kỷ XX. Nói một cách chính xác thì, công trình thể hiện một tinh thần đổi mới trong nhiên cứu văn học chẳng hạn, khi không phải là cố gắng “hạ bệ” Thơ mới 1932-1945, mà là định vị lại nó trên thi đàn hiện đại trong sự so sánh nghiêm túc, khoa học với thơ Việt Nam giai đoạn 1945-1975: “Nhưng nếu đứng từ góc độ toàn cảnh, nhìn chung tất cả mọi bộ phận, trường phái và toàn bộ các khu vực, ta sẽ có một cái nhìn lạc quan, một nhận định khác hẳn. Rằng, thơ Việt Nam 1945-1975 là một nền thơ phát triển rực rỡ nhất, tự do nhất, nhiều thành tựu nhất. Phong trào Thơ mới (1932 - 1945) xét cả về số lượng cũng như chất lượng nghệ thuật, xét cả ý nghĩa của thơ đối với đời sống tinh thần của xã hội, xét trên phương diện loại hình tác giả, loại hình nhân vật trữ tình và hình tượng trung tâm, cũng như xu hướng hiện đại hóa về ngôn ngữ và biểu tượng thi ca…không thể nào so sánh với thành tựu thơ 1945 - 1975” (tr. 44). Chúng tôi hình dung ý kiến này của nhà nghiên cứu sẽ gây hấn cảm xúc với giới lý luận - phê bình lâu nay vốn không dễ dàng từ bỏ những xác tín có tính thiên kiến của mình khi nhận định về tiến trình và các hiện tượng văn chương tiêu biểu.