Người xứ Nghệ

GS Phan Huy Lê - Người tiên phong bắc nhịp cầu giao lưu khoa học với Tây Đức

Cách đây 28 năm, cũng vào ngày 23 tháng 6, Gs. Phan Huy Lê làm trưởng đoàn dẫn một phái đoàn các giáo sư Việt Nam trường ĐH Tổng hợp Hà Nội đến ĐH Passau (lúc ấy còn gọi là Tây Đức) tham dự Hội thảo khoa học quốc tế do Viện Đông Nam Á, Đh Passau tổ chức để kỷ niệm 100 năm sinh nhật Chủ tịch Hồ Chí Minh và ngày UNESCO phong tặng Người danh hiệu “Anh hùng giải phóng dân tộc và danh nhân văn hóa thế giới”. Phái đoàn gồm 6 giáo sư và tiến sĩ: Phan Huy Lê, Đặng Xuân Kỳ, Phùng Hữu Phú, Đinh Xuân Lâm, Nguyễn Duy Quý, và Phạm Xanh. Đề tài hội thảo là “Hồ Chí Minh và sự phát triển của phong trào Cộng sản ở Việt Nam”. Giáo sư B. Dahm, viện trưởng viện Đông Nam Á, ĐH Passau tổ chức và được quỹ Volkswagen - Foundation của Đức tài trợ. Hội thảo quy tụ 37 giáo sư, tiến sĩ chuyên ngành về Việt Nam - học từ nhiều nước trên thế giới (Pháp, Úc, Ý, Thụy Điển, Đan Mạch, Tây Đức và Việt Nam) đến tham dự từ ngày 21 đến 23 tháng 6 năm 1990.

Theo tôi được biết, đây là cuộc Hội thảo khoa học quốc tế duy nhất trên thế giới thời ấy được tổ chức để kỷ niệm 100 năm sinh nhật Hồ Chí Minh. Trước đó ba năm tôi đã về Việt Nam hai lần để tiếp xúc với Đh Tổng hợp Hà Nội và các cơ quan liên quan để chuẩn bị cho hội thảo này. Vào thời ấy mọi việc rất khó khăn, nhiêu khê và nhiều thủ tục. Tôi và giáo sư Phan Huy Lê đã phải viết nhiều thư từ qua lại để trình bày với các cơ quan tại Việt Nam vì tôi là “điều phối viên” giữa hai đại học Passau và Hà Nội. Chính Gs. Phan Huy Lê là người đã giúp tôi tiếp xúc với các bộ ngành để xin phép cho phái đoàn Việt Nam đi Tây Đức lần đầu tiên, vì trước đó họ chỉ đi Đông Đức và Đông Âu (nước Đức vừa thống nhất vào năm 1990).

Trong cuộc hội thảo Gs. Phan Huy Lê có bài thuyết trình “Hồ Chí Minh và truyền thống dân tộc” được đánh giá rất cao. Bài được dịch ra tiếng Pháp, tôi phiên dịch ra tiếng Đức là ngôn ngữ chính thức của cuộc hội thảo. Sau mỗi bài thuyết trình có cuộc thảo luận suốt một buổi. Đây là cơ hội cho người thuyết trình có dịp thảo luận rộng rãi thêm về đề tài của mình và cũng là dịp trao đổi ý kiến với cử tọa có hơn 100 người tới dự gồm các sinh viên, nghiên cứu sinh các nhà nghiên cứu đến từ các đại học và các viện nghiên cứu ở Đức và châu Âu. Qua bài thuyết trình và cuộc thảo luận, Gs. Phan Huy Lê đã tỏ ra là một “Giáo sư siêu Việt” (theo lời đánh giá của Gs. B. Dahm, viện trưởng Viện Đông Nam Á, ĐH Passau). Về cuộc Hội thảo quốc tế này và các bài tham luận, xin xem cuốn Hồ Chí Minh - hồn dân tộc của Nguyễn Tiến Hữu (nhà xuất bản Trẻ, TpHCM, 2001).

Trong mấy ngày hội thảo qua các buổi giao lưu, bữa ăn, du ngoạn,… giới khoa học quốc tế đã tiếp xúc nhiều với Gs. Phan Huy Lê vốn giỏi tiếng Pháp và tiếng Anh, nên họ đã hiểu thêm nhiều về Việt Nam và nhất là truyền thống yêu nước của người Việt.

Sau cuộc hội thảo này, hai ĐH Passau và ĐH Tổng hợp Hà Nội (qua khoa lịch sử) đã có một ký kết chương trình hợp tác khoa học, trao đổi sinh viên,… Đây là kết quả tốt đẹp do công sức Gs. Phan Huy Lê.

Song song với cuộc Hội thảo quốc tế trên về Hồ Chí Minh, Quỹ Volkswagen - Foundation của Đức cũng đài thọ chương trình nghiên cứu của tôi là “Nghệ Tĩnh - truyền thống và đổi mới 1885 - 1975”. Để hoàn thành việc nghiên cứu này tôi phải về Việt Nam hai lần, đi Aix - en - Provence ở miền Nam nước Pháp (Centre d’Outre - Mer, Trung Tâm Hải Ngoại) vài ba lần. Khi về Việt Nam tôi làm việc với khoa Sử ĐH Hà Nội. Do sự  giới thiệu và hướng dẫn của Gs. Phan Huy Lê, tôi có thể tiếp xúc với các giáo sư khoa Sử để thảo luận và các sinh viên khoa Sử giúp tôi đi khảo sát thực địa, thu thập tài liệu,… Gs. Phan Huy Lê đã đích thân dẫn tôi vào tận Nghệ An (thời ấy đoạn đường 400 km mà phải di chuyển mất 1 ngày với xe Jeep Liên Xô) đến các huyện Nam Đàn, Quỳnh Lưu, Hưng Nguyên, Thanh Chương,… những nơi có dính líu đến phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh 30/31, lần ấy tôi có dịp may gặp bác Vũ Kỳ, thư ký riêng của Bác Hồ để phỏng vấn.

Trong suốt những ngày đi công tác tại Việt Nam, Gs. Phan Huy Lê rất nhiệt tình, chia sẻ những hiểu biết sâu sắc về quê hương Bác Hồ. Tôi có được cái may mắn là Gs. Phan Huy Lê có rất nhiều học trò hiện đang công tác tại nhiều cơ sở ban ngành, nên công việc của tôi rất thuận tiện.

Tất cả những gì tôi hoàn tất trong các công trình nghiên cứu về Nghệ Tĩnh và trong việc tổ chức Hội thảo quốc tế về Hồ Chí Minh là nhờ sự giúp sức tận tình của Gs. Phan Huy Lê.

Gs. Phan Huy Lê ra đi vĩnh viễn đã để lại trong tâm trí tôi hình ảnh một nhà trí thức tuy uyên bác nhưng bình dị, thân thương và tận tâm, đặc biệt là rất cần cù trong lao động và giàu trí tuệ mà giáo sư đã tiếp nhận từ trong máu của dòng họ Phan Huy và đất Nghệ Tĩnh địa linh anh kiệt.

....................

* Nguyên Trưởng ban Việt Nam học, Viện Đông Nam Á, ĐH Passau, CHLB Đức

 

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114511892

Hôm nay

2218

Hôm qua

2337

Tuần này

22266

Tháng này

218765

Tháng qua

121356

Tất cả

114511892