Chiếu là thể văn được nhà vua sử dụng để ban bố mệnh lệnh. Tuy vậy, để mệnh lệnh có sức thuyết phục mạnh mẽ, Lí Thái Tổ phải chứng minh được rằng việc dời đô từ Hoa Lư (Ninh Bình) về thành Đại La (Hà Nội ngày nay) là tuyệt đối đúng. Ngoài việc phân tích một cách khách quan, đầy đủ, chính xác ưu thế của thành Đại La như “ở vào nơi trung tâm trời đất”, là “chốn tụ hội trọng yếu của bốn phương đất nước”, “địa thế rộng mà bằng, đất đai cao mà thoáng”, “muôn vật cũng rất mực phong phú tốt tươi”, Lí Thái Tổ còn viện dẫn những luận cứ thực tiễn trong lịch sử quá khứ để chứng minh tính tất yếu và sự chính xác của việc dời đô. Cần chú ý nét tâm lí đặc thù của con người thời trung đại là dựa vào mệnh trời, noi theo tiền nhân. Cho nên, việc Lí Thái Tổ nói đến mệnh trời, dẫn sử sách Trung Quốc trong Chiếu dời đô là chuyện thường tình của con người thời ấy. Cần hiểu “mệnh trời” ở đây như là quy luật khách quan cần tuân thủ. Vì nước ta chưa có tiền lệ dời đô nên việc viện dẫn 8 lần dời đô của Trung Quốc (5 lần ở đời Thương - còn gọi là Ân hay Ân -Thương, 3 lần ở đời Chu) cũng là điều có thể lí giải. Tuy nhiên, điều mà nhân dân Việt Nam hoàn toàn có thể tự hào là so với cả 8 lần dời đô nói trên, việc dời đô của Lí Thái Tổ, bên cạnh điểm tương đồng chủ yếu là nhằm mục đích tồn tại và phát triển, còn có không ít điểm khác biệt khá cơ bản. Để làm sáng tỏ điều này, chỉ xin nêu lên một vài lần dời đô trong 8 lần nói trên để đối sánh.
Thương là triều đại do Thành Thang sáng lập vào thế kỉ 16 trước C.N sau khi tiêu diệt vua Kiệt nhà Hạ, lúc đầu đóng đô ở đất Hào (nay thuộc tỉnh Sơn Đông). Khi thế nước suy yếu, để tránh khỏi bị tiêu diệt, đã phải nhiều lần dời đô, cuối cùng đến đất Yêm (cũng thuộc tỉnh Sơn Đông). Bàn Canh là cháu của Dương Giáp, đời vua thứ 9 của nhà Thương. Đến thời Dương Giáp, triều đình ngày càng thối nát, loạn lạc nổi lên khắp nơi, mất mùa liên miên. Ngay sau khi nối ngôi Dương Giáp, Bàn Canh buộc phải dời đô về đất Ân (nay thuộc tỉnh Hà Nam). Truyền được 8 đời, đến vua Trụ thì bị nhà Chu tiêu diệt.
Chu là triều đại do Chu Vũ Vương sáng lập vào thế kỉ 11 trước C.N sau khi tiêu diệt vua Trụ của nhà Thương, lúc đầu đóng đô ở đất Cảo (nay thuộc tỉnh Thiểm Tây). Năm 771, Thân hầu (vua nước Thân – Thân là một nước nhỏ cũng ở tỉnh Thiểm Tây) cấu kết với ngoại tộc Khuyển Nhung, đánh phá Cảo kinh, giết chết Chu U vương; ngay năm sau, Chu Bình Vương phải chạy về phía đông, đóng đô ở Lạc Ấp (nay thuộc tỉnh Hà Nam).
Rõ ràng tình hình những lần dời đô nói trên là hoàn toàn khác với tình hình nước ta lúc Lí Thái Tổ dời đô. Trước đó không lâu, năm 981, quân Tống đã tiến quân vào đánh nước ta. Dưới sự chỉ huy của Lê Hoàn (941 – 1005), quân ta đã đập tan cuộc xâm lược của nhà Tống. Mặc dầu dưới triều Tiền Lê, nhờ chính sách ngoại giao khôn khéo của Lê Đại Hành, nước ta vẫn giữ được tình hoà hiếu với nhà Tống, song như ta đã biết, chỉ 94 năm sau (tính từ cuộc kháng chiến chống Tống lần thứ nhất), nói cách khác, 65 năm sau (tính từ khi Lí Thái Tổ dời đô về Đại La năm 1010), tức năm 1075, quân Tống lại sang xâm lược nước ta lần thứ hai và đã bị quân dân ta, đứng đầu là Lí Thường Kiệt, đánh bại. Cho nờn, tầm nhìn xa rộng và mẫn cảm chính trị của Lí Thái Tổ còn là ở chỗ đã chọn thời điểm dời đô đúng vào khoảnh khắc lặng gió để có thời gian củng cố, phát triển thế lực. Nếu không có 65 năm hoà bình xây dựng nhanh chóng tiềm lực sau ngày dời đô về Đại La, trong đó phải nêu lên một sự kiện đặc biệt có ý nghĩa là việc xây dựng Văn miếu năm 1070, thì chắc hẳn cuộc kháng chiến chống Tống lần thứ 2 của nước ta còn gay go gian khổ hơn rất nhiều. Nếu tất cả 8 lần dời đô ở Trung Quốc được nhắc tới trong bài Chiếu đều diễn ra vào thời điểm các triều đình Thương , Chu lâm vào tình cảnh khốn đốn và tình thế bị động thì việc dời đô của Lí Thái Tổ, ngược lại, đã diễn ra lúc tình hình nước ta đang cơbản ổn định, thế nước đang lên, cho nên, đây là một cuộc dời đô hoàn toàn mang tính chất chủ động. Không chỉ cần lưu ý thời điểm dời đô mà còn phải xem xét cả hướng dời đô. Hướng dời đô của cả 8 lần trên đều khác với hướng của Lí Thái Tổ. Thân hầu và ngoại tộc Khuyển Nhung từ phía “tây” đánh vào Cảo Kinh của nhà Chu, Chu Bình Vương phải chạy về phía “đông” để lánh nạn. Hoa Lư ở vào khoảng vĩ tuyến 20°15’, Đại La ở vào khoảng vĩ tuyến 21°, tức Lí Thái Tổ đã dời đô theo hướng “Nam – Bắc”. Cho nên, cuộc dời đô của Lí Thái Tổ không chỉ mang tính chất hoàn toàn chủ động mà còn thể hiện khí phách hào hùng của cả một dân tộc không sợ uy lực từ bất cứ hướng nào áp tới. Tôi cho rằng đây là cách giải mã rốt ráo nhất ý nghĩa khách quan của những câu văn đầy điển cố Tàu ở phần đầu bài Chiếu dời đô của Lí Thái Tổ. Bài chiếu nói rõ Đại La đã từng là “kinh đô cũ của Cao Vương”. Cao Vương tức Cao Biền, là một viên quan thời Vãn Đường, từng đàn áp khởi nghĩa nông dân Hoàng Sào, được cử làm Đô hộ sứ Giao Châu (tức nước ta ngày xưa) từ năm 864 đến năm 875. Các quan cai trị người Trung Quốc thời Đường như Chu Bá Nghi, Triệu Xương, đặc biệt là Cao Biền, đã huy động nhân lực xây dựng thành Đại La. Đó là sự thực lịch sử mà Lí Thái Tổ không thể né tránh. Tuy nhiên, điều cần nhấn mạnh, người đầu tiên phát hiện ra vùng đất danh thắng này đâu phải là Cao Vương?
Mục từ Hà Nội trong cuốn Từ điển Bách khoa Việt Nam, tập 2 ghi rõ: “ Hà Nội là một trong những thủ đô có bề dày lịch sử so với nhiều thủ đô khác trên thế giới. Từ thế kỉ 3-2 trước CN, Cổ Loa trên đất Hà Nội đã là đô thành của nước Âu Lạc. Khoảng năm 544-546, là đại bản doanh của nhà Tiền Lí (Lí Nam Đế)” (trang 180).
Mục từ Lí Bí ( Lí Bôn), trong cuốn Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam còn nói cụ thể hơn: “ Đầu năm 544, Lí Bí lên ngôi vua, tự xưng là Nam Đế, đặt niên hiệu là Thiên Đức, đặt tên nước là Vạn Xuân với ý nghĩa đất nước được độc lập lâu dài” Ông cũng dựng điện Vạn Thọ làm nơi hội chầu, chùa Khai Quốc (Trấn Quốc - Hà Nội) làm nơi thờ Phật, phong thần cho một số người có công với nước trước đây (trong đó có Bà Triệu)” (Đinh Xuân Lâm , Trương Hữu Quýnh chủ biên. Sách đã dẫn, trang 28). Chữ “Nam”, chữ “Đế” cũng như từ “Vạn Xuân” đều mang hàm nghĩa sâu sắc và chứa đựng tư tưởng vĩ đại, chứng tỏ tổ tiên ta từ rất lâu đã có ý thức tự cường dân tộc mãnh liệt.
Kỉ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, nói đến Chiếu dời đô của Lí Thái Tổ, không thể không nhắc đến sự nghiệp của Lí Bí, các danh xưng Nam Đế, Vạn Xuân. Thời điểm xây thành Cổ Loa thì khó xác định cụ thể, song thời điểm Lí Bí đặt đại bản doanh ở vùng đất Hà Nội ngày nay thì đã quá rõ ràng!
Ước mơ sao, 34 năm nữa, tức đến năm 2044, cả nước ta sẽ được tưng bừng kỉ niệm 1500 năm ngày thành lập nước Vạn Xuân và ngày xác định đại bản doanh của nhà Tiền Lí !