Người xứ Nghệ

Đóng góp về nghiên cứu lịch sử và văn học của Hoàng Xuân Hãn*

Nhà xuất bản Giáo dục vừa cho phát hành tập 1 của bộ sách La Sơn Yên Hồ Hoàng Xuân Hãn. Tập 1 đã gồm đủ ba phần chính của bộ sách : Nhân chứng, Con đường và cảm nghĩ, Trước tác. Phần Trước tác, chiếm hơn nửa số trang tập 1, xoay quanh những vấn đề Khoa họcGiáo dục. Các trước tác còn lại, tổng cộng trên ba nghìn trang, cũng sẽ xuất bản trong năm 1998, gồm những công trình và bài viết chủ yếu xoay quanh các vấn đề Lịch sử (tập 1) và Văn học (tập 3).

Thật ra, ở phần Con đường và cảm nghĩ, trong những bài trả lời phỏng vấn các đài báo phương Tây về các vấn đề văn minh và văn hoá, trên cơ sở khẳng định và bảo vệ bản sắc văn hoá dân tộc, Hoàng Xuân Hãn đã nêu ra được nhiều điểm độc đáo, có thể làm tài liệu tham khảo bổ ích cho các nhà nghiên cứu lịch sử và văn học. Hoàng Xuân Hãn không phủ nhận ảnh hưởng của văn hoá Trung Hoa đối với Việt Nam song luôn nhấn mạnh đến thái độ sáng tạo, tinh thần độc lập trong quá trình tiếp thu ; tinh thần, thái độ đó trước hết bắt nguồn từ ý thức bảo vệ "sự sống còn của Việt Nam với tư cách quốc gia bị lâm nguy". Theo Hoàng Xuân Hãn, làng xã đã đóng một vai trò quyết định trong việc tạo nên sức mạnh kháng cự "ngăn chặn được sự tràn ngập những lànsóng người đông đảo" kèm theo sức mạnh về văn hoá của chúng. Hoàng Xuân Hãn
cũng khẳng định vai trò đặc thù của người phụ nữ trong việc gìn giữ bản diện và bản sắc dân tộc : "So với đàn ông, đàn bà khó chấp nhận hơn những tập tục của kẻ chiếm đóng. Đúng là như vậy về trang phục. Đúng là như vậy về những lề thói gia đình. Rõ rệt nổi bật ở lĩnh vực ngôn ngữ. Ai giữ gìn tiếng nói nếu không phải là phụ nữ ? Ai dạy cho trẻ thơ biết nói ? So với đàn ông, đàn bà ít có dịp tiếp xúc hơn với các nhà chức
trách người Trung Hoa. Tôi nghĩ rằng phần lớn công việc phòng giữ văn hoá Việt Nam là do các bà mẹ, các bà vợ" (Văn minh và văn hoá – Nguyễn Mạnh Hào dịch).

Hoàng Xuân Hãn công nhận ảnh hưởng khá sâu rộng của Khổng giáo đối với đời sống tư tưởng văn hoá Việt Nam song cũng chỉ ra một cách đích đáng những giới hạn và hạn chế của nó. Luân lý Việt Nam dù có chịu ảnh hưởng Khổng giáo song vẫn "nhẹ nhàng, hiền dịu hơn luân lý Khổng giáo ở Trung Hoa". Hoàng Xuân Hãn đã chứng minh rằng "có một lịch sử liên tục của đạo Phật tại Việt Nam mà không có một lịch sử liên tục như vậy của đạo Khổng", rằng có những nhân vật chính trị quan trọng như Trần Thủ Độ đã "làm những việc trái hẳn với luân lý Khổng giáo", rằng có những khai quốc công thần, nhà thơ lớn như Nguyễn Trãi, từ thân phận đến tính cách đều chứa đựng những nhân tố phi Khổng giáo : "... Nguyễn Trãi là môn đồ của đạo Khổng nhưng còn đậm đà luân lý không phải của đạo Phật mà của Việt Nam, của dân chúng bình thường, Nguyễn Trãi là kết quả của một tình duyên không nằm trong khuôn khổ Khổng giáo. Thân phụ của ông đã lấy cô học trò của mình : Trần Nguyên Đán đã mời Nguyễn Phi Khanh và một nho sĩ bạn của Phi Khanh làm gia sư cho hai cô ái nữ, cả hai thầy đồ đã quyến rũ hai cô đệ tử, và Nguyễn Phi Khanh là phụ thân của Nguyễn Trãi. Nguyễn Trãi lưu lại nhiều trước tác cho thấy có một học vấn vững vàng về văn hoá Trung Hoa. Ông đã biết sử dụng luân lý Khổng giáo trong quan hệ quan chức nhà nước với Trung Hoa, nhưng bản thân ông thì không Khổng giáo lắm đâu. Vả chăng, cuộc tình với Thị Lộ là bằng chứng, và ông đã chết vì cuộc tình đó" (Đạo Khổng ở Việt Nam – Nguyễn Mạnh Hào dịch).

Ở tập 2, hai công trình được nhiều người nhắc tới nhiều nhất là
Lý Thường KiệtLa Sơn phu tử.

Đầu cuốn Lý Thường Kiệt, ông đã đề một dòng trân trọng : Tặng tất cả những người hy sinh cho Tổ quốc. Cuốn sách in ở Hà Nội năm 1949, chắc hẳn là hướng về cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc đang
đi đến giai đoạn gay go quyết liệt, đòi hỏi nhiều hy sinh thử thách. Trong lời tựa, tác giả cũng đã công khai nói rõ mục đích, chủ trương, phương pháp viết cuốn sách đó của mình : "Những việc tôi kể trong sách, hoàn toàn có chứng và được dẫn chứng. Cũng trong các hạng chứng, tôi chỉ để ý đến chứng chính xác mà thôi. Không bịa đặt, không tây vị, hết sức rõ ràng ; đó là chuẩn thằng tôi đã theo trong khi viết quyển sách này". Thật ra, xét động cơ tư tưởng của nhà nghiên cứu khoa học xã hội, tuyệt không có cái gọi là "không tây vị". "Không tây vị" ở đây là cách nói khác của tính khách quan và chính xác. Chứng cứ càng khách quan, chính xác thì ý đồ chủ quan mà tác giả đã công khai tuyên bố trong Lời tựa đạt hiệu quả càng cao : "Mong ai nấy thấy rằng lòng dũng cảm, chí quật cường của dân tộc ta ngày nay có cỗi rễ rất xa xăm. Mong ai nấy nhận thấy một cách rõ ràng, cụ thể, sự nguy hiểm của một cuộc ngoại xâm, nhận thấy sự lo việc nước không phải chỉ ở đầu lưỡi, mà cần hết cả lòng hy sinh, trí sáng suốt để xếp đặt tính toán. Đọc xong đoạn sử này, độc giả sẽ thấy cách đây ngót nghìn năm, cha ông chúng ta đủ tài năng nghị lực để gây dựng tổ chức và gìn giữ khoảnh đất gốc cội của Tổ quốc ta ngày nay ; độc giả sẽ nhận thấy huyết quản của chiến sĩ bây giờ vẫn chan hoà máu nóng của tổ tiên, máu nóng mà không lẽ có người không mang một giọt".

La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp là người đồng hương của Hoàng Xuân Hãn, quan trọng hơn là người có một số nét về cuộc đời, về tâm tư, về quá trình phát triển tư tưởng ít nhiều tương đồng với Hoàng Xuân Hãn. Tuy vậy, ở La Sơn phu tử, ta không hề thấy dấu vết của lối lập luận chủ quan "suy bụng ta ra bụng người". Mọi mâu thuẫn trong tư tưởng, tình cảm, ngôn hành của phu tử đều được lý giải một cách thuyết phục dựa trên hai "tham số" thích hợp : một bên là lẽ xuất xử của nhà nho, một bên là hiện thực xã hội cực kỳ phức tạp, đầy mâu thuẫn của giai đoạn lịch sử cuối
Lê – đầu Nguyễn. Tác giả đã chứng minh vì sao Nguyễn Thiếp không vui lòng ra làm quan với nhà Lê, vì sao trong một thời gian dài không cộng tác với Nguyễn Huệ nhưng rồi cuối cùng, với lời khuyên "quân quý thần tốc", Nguyễn Thiếp đã trở thành một người có công lớn trong cuộc chiến tranh chống xâm lược Mãn Thanh và sau đó lại còn phụng sự triều
Tây Sơn với cương vị Viện trưởng Viện Sùng chính, đảm nhiệm những nhiệm vụ gần như Thượng thư bộ Học.

Ở hai công trình sử học đồ sộ này, có nhiều đoạn hoàn toàn có thể so sánh với nhiều thiên ở phần liệt truyện, phần có giá trị văn chương cao nhất trong cuốn Sử ký của Tư Mã Thiên, mặc dù ở đây tuyệt không có một chi tiết hư cấu nào như ta thường thấy ở Sử ký. Thú vị hơn nữa là ở
La Sơn phu tử, ta không chỉ thấy nổi bật lên "hình tượng" danh sĩ
Nguyễn Thiếp mà còn có cả "hình tượng" danh tướng Nguyễn Huệ ; hai nhân vật lịch sử, hai "hình tượng nhân vật" soi sáng, bổ sung cho nhau và dường như đều được dựng nên một cách có chủ đích bởi bút pháp nghệ thuật "hỗ kiến" truyền thống.

Bên cạnh tư liệu thư tịch, Hoàng Xuân Hãn rất coi trọng tư liệu thực địa. Chỉ một chuyến về thăm quê, chỉ một thời gian ngắn theo trường Bưởi vào dạy học ở Thanh Hoá mà ông đã sưu tập được bao sử liệu về
La Sơn phu tử, về Quang Trung, về Lý Thường Kiệt, trong đó có di vật đáng xếp vào hàng "quốc bảo", có những thứ nếu không có cặp mắt tinh đời cùng bàn tay nâng niu giữ gìn của Hoàng Xuân Hãn thì rất có thể nay đã thất tán.

Nhằm sưu tập sử liệu tối đa để "mách có chứng", Hoàng Xuân Hãn chủ trương phải tìm cả "tài liệu ở đối phương" hoặc "kẻ bàng quan"
(Việt Thanh chiến sử). Với phương hướng ấy, để chứng minh chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, bên cạnh các tư liệu của triều Nguyễn, Hoàng Xuân Hãn còn dẫn nhiều tư liệu của Pháp, của Anh (Quần đảo Hoàng Sa). Để làm nổi bật chiến công vĩ đại và tầm vóc của Quang Trung, Hoàng Xuân Hãn chú ý phát hiện những lời khẳng định hoặc ca ngợi Quang Trung từ phía những người của Nguyễn Ánh, từ các nhà viết sử của triều Thanh. Làm như vậy, đôi lúc nhà sử học đã có được "những thu hoạch bất ngờ". Nghiên cứu Cuộc tiếp sứ Thanh năm 1683, qua tư liệu "đối phương", Hoàng Xuân Hãn đã phát hiện được một chùm thơ mười bài của Lư Anh Nhân – một thi sĩ trẻ, cháu ngoại Phó sứ Thanh là Chu Xán đi theo đoàn – ghi cảm tưởng riêng dọc đường cho đến lúc tới kinh đô Việt Nam, trong đó, cả bảy bài cuối đều ca ngợi vẻ đẹp mọi mặt của Việt Nam : cảnh đẹp, sản vật ngon, thành quách đẹp, phong tục đẹp và đặc biệt là con gái đẹp, từ "cô bán trà" Đinh Cần (bài 4), "cô hàng cơm" Sông Cầu (bài 7), "cô hàng cau" Lã Côi (bài 8) cho đến trùng trùng thiếu nữ xinh xắn như "hoa mai" ở Thành phố Thăng Long(bài 10). Đáng trân trọng biết bao, việc Hoàng Xuân Hãn phát hiện được một lời ca ngợi từ phía "đối phương" – của Lui Baiơ (Louis Baille) trong cuốn
Kỷ niệm Việt Nam – về tinh thần anh dũng tuyệt vời của Nguyễn Hiệu, một nhà yêu nước đất Quảng đầu thế kỷ : "Người này còn trẻ và có nghị lực phi thường, đã dần dần nổi tiếng nên vị anh hùng kỳ dị, dựng tỉnh Quảng Nam gần thành một nước. Sinh với tâm hồn lãnh tụ, y có tính chất rắn rỏi nghiêm nghị, tức là những đức đáng đưa y giữ một vai trò quan trọng trong chính phủ, nếu tình thế ngẫu nhiên xui khiến. Y đã biến phong trào phiến loạn ở Quảng Nam thành một cuộc khởi nghĩa rộng lớn và đáng kính. Hình như y đã gieo ý chí ái quốc thức tỉnh những khối óc từ trước đến giờ chưa được huấn luyện hẳn hoi để thu nhận ý chí ấy. Y đã thổi bùng, kích thích và xui giục chiến tranh, nhờ một mối tình tuy không mới nhưng vẫn lờ mờ ở xứ này : oán thù ngoại quốc, oán thù người Pháp. Bởi phương diện này, kẻ "lục lâm" kia đã nổi tiếng và sẽ lưu danh về sau... Chắc Hiệu, cũng như nhiều người khác đã thấy ở Nam Kỳ và
Trung Kỳ, vẫn làm thơ trong khi đi tới pháp trường, rồi viết câu thơ đầu ngọn bút lông mà không một nét nào run, tỏ rõ sự xúc động gì cả... Hiệu chịu chết hình như với nụ cười" (Để góp vào thân sử liệt sĩ Nguyễn Hiệu).

Chủ trương sưu tập tư liệu tối đa không có nghĩa là theo chủ nghĩa khách quan. Đối với tư liệu của "đối phương" hay "kẻ bàng quan", kể cả tư liệu ở các dã sử, truyền thuyết lưu truyền trong dân gian, ở các thư tịch có tác giả rõ ràng, bao giờ cũng thông qua sự phân tích "giám định" kỹ lưỡng, Hoàng Xuân Hãn mới sử dụng.

Ở tập 3, các công trình nghiên cứu từng được đánh giá cao là Chinh phụ ngâm bị khảo, Hồ Xuân Hương với vịnh Hạ Long, Truyện Song Tinh và hai bài viết về Nguồn gốc văn "Kiều".

Viết Chinh phụ ngâm bị khảo, tác giả nhằm bốn mục đích : Một là chứng minh người diễn ra quốc âm bản Chinh phụ ngâm hiện hành không phải là Đoàn Thị Điểm mà là Phan Huy Ích. Hai là chứng minh Đoàn Thị Điểm cũng diễn Chinh phụ ngâm ra quốc âm nhưng là bản khác. Ba là "tái lập nguyên thoại các bài diễn ca" – Hoàng Xuân Hãn tìm được bảy bài – nhất là bài của Phan Huy Ích. Bốn là giải thích những chữ hay những ý khó hiểu. Công trình đóng góp không nhiều khi thực hiện mục đích thứ tư song phải nói đã có nhiều cống hiến đáng kể trong việc tìm và vận dụng tư liệu để thực hiện ba mục đích trên.

Qua Hồ Xuân Hương với vịnh Hạ Long, Hoàng Xuân Hãn đã sớm giới thiệu chùm thơ về vịnh Hạ Long của nữ sĩ họ Hồ, đã sớm dựng lên một cách khá hoàn chỉnh những quãng đường đời, đặc biệt là đường tình duyên đầy trắc trở của nữ sĩ, trong đó đáng chú ý là quan hệ giữa nữ sĩ với thi hào Nguyễn Du, giữa nữ sĩ với nhà thơ trẻ đa tình Tốn Phong
(Tốn Phong kém Nguyễn Du 17 tuổi !). Ông cũng đề xuất ý kiến về các truyền thuyết cho nữ sĩ "đã lấy một thầy thuốc, một Chánh tổng và một Ông Phủ Vĩnh Tường". Riêng thuyết cuối cùng thì Hoàng Xuân Hãn kiên quyết bác bỏ vì Hồ Xuân Hương mất khoảng 1821 - 1822 mà tên phủ gọi là Vĩnh Tường thì theo Đại Nam nhất thống chí, đến năm 1822 mới có.

Nói đến Truyện Song Tinh, không thể không nhắc đến quan niệm, sự đánh giá về tác phẩm chữ Nôm đặc biệt này của Hoàng Xuân Hãn trình bày trong lờiTựa : "Văn Nôm cổ rất hiếm... Nếu còn tồn tại mà lại còn biết gốc tích, thời đại và tác giả, thì lại càng hiếm. Truyện Kiều thuộc loại này, được ta coi là của quý bậc nhất trong kho văn phẩm. Thế mà trước truyện ấy chừng một trăm năm, ta còn biết một truyện khác có đủ các tính cách trên ; tuy không hay bằng, nhưng có nhiều điểm chung với Truyện Kiều. Ấy là Truyện Song Tinh".

Về đóng góp của Hoàng Xuân Hãn đối với chuyên ngành Hán Nôm học, đánh giá sau đây của Phong Lê là khá đầy đủ và thỏa đáng : "Trong cái vốn di sản văn hoá dân tộc mà Hoàng Xuân Hãn quan tâm và theo đuổi trong nửa sau thế kỷ XX, hơn bốn mươi lăm năm cuộc đời mình, kể từ khi ông ra nước ngoài, rồi thôi đeo đuổi công việc nghiên cứu về hạt nhân, nhiều kết quả sâu sắc ông để lại xem ra lại ở khu vực văn Nôm. Đó mới là hiện tượng đáng quý, rất đáng quý. Khỏi phải nói văn Nôm là nơi kết tinh rõ nhất cốt tính và tinh hoa của dân tộc và văn hoá dân tộc. Đó cũng là chỗ "khó" nhất cho việc dựng lại trung thực diện mạo của nó trong lịch sử, vì sự "tam sao thất bản" trong truyền miệng, vì tính cách lệ thuộc vào quá nhiều yếu tố trong cấu tạo, ghi chép, nhận diện...
Hoàng Xuân Hãn đã không trốn tránh đi vào chỗ khó nhất ấy. Và đi vào với tất cả sự thận trọng, vừa tìm kiếm vừa xác nhận các quy luật, theo một phương pháp thật là khoa học để có thể đến được các văn bản cổ nhất. Do vậy mà ông đạt được một hiệu quả có thể nói là chưa ai sánh bằng trên từng văn bản cổ và trong cả hệ thống chuyên ngành Hán Nôm học" (Nghĩ từ Hoàng Xuân Hãn).

Lưu giữ được văn bản một tác phẩm bằng quốc âm hiếm hoi của xứ Đàng Trong đã là một công tích. Đáng lưu ý nữa là Hoàng Xuân Hãn đã chứng minh được sự ra đời của Truyện Song Tinh vào khoảng năm 1700 là kết quả tất yếu của bản thân quá trình phát triển của văn học Đàng Trong, đồng thời xác nhận một cách hùng hồn mối liên hệ lâu đời giữa văn hoá hai miền Nam Bắc, sự thống nhất bền vững của tinh thần dân tộc, sự tồn tại hiển nhiên của văn mạch dân tộc. Ngoài việc tiếp thu văn hoá, văn chương quốc âm miền Bắc từ trước, văn hoá miền Nam sau khi đất nước chia cắt, còn chịu những tác động riêng biệt khác : một mặt, sự tiếp xúc với làn văn hoá "khởi tự nhóm văn sĩ Minh Hương Hà Tiên và
Gia Định" góp phần làm cho "mức Hán học vẫn giữ được khá cao", mặt khác, "sự ít có khoa cử đã không thúc đẩy sĩ phu chuyên học từ chương cử nghiệp... làm thuận lợi cho quốc văn", phát triển thêm xu thế "dân gian và nho sĩ vẫn chuộng hay sáng tác văn phẩm bằng quốc âm". So sánh khá kỹ với Truyện Kiều, Hoàng Xuân Hãn chỉ ra rằng, mặc dù chất lượng nghệ thuật của Truyện Song Tinh không cao bằng song giữa hai tác phẩm "có nhiều điểm chung" (khai thác cốt truyện từ một "tiểu thuyết mực thường" của Trung Quốc, "bỏ bớt những tiết đoạn rườm rà không cần cho cốt truyện", miêu tả "chuyện những người có tình gắn bó" song rồi bị "thói đời đen bạc, lòng người nham hiểm làm tan rã"...), bởi vậy, về
một số phương diện, Truyện Kiều chính là sự kế tục và phát triển truyền thống văn học trước đó, trong đó có cả Truyện Song Tinh : "Nói tóm lại, trong hơn hai trăm năm, nước ta bị chia ra hai miền Nam Bắc, giọng nói đôi bên có tương đối đổi, nhưng quốc văn đều tiến triển phân biệt song song. Đến khi đất nước thống nhất, thì kiệt tác của Nguyễn Du nảy ra, tiêu biểu thành quả của sự trưởng thành chung của hai dòng văn chương quốc văn ấy".

Nguồn gốc văn "Kiều"(Văn phái Hồng Sơn) xét đến mối quan hệ kế thừa và phát triển trong một phạm vi hẹp hơn về không gian cũng như thời gian. Ở đây, Hoàng Xuân Hãn nêu lên mối quan hệ mật thiết về quê hương họ hàng giữa tác giả của ba cuốn Hoa tiên, Mai Đình mộng kýTruyện Kiều, nêu lên sự giống nhau về nội dung, nhất là về nghệ thuật giữa ba tác phẩm, tức "sự liên tục của ba tập văn" để trên cơ sở đó kết luận : "Hồi cuối Lê có một văn phái ở xung quanh Hồng Sơn đã sản xuất ba tác phẩm hay nhất trong văn quốc âm, và Kiều chỉ là giai đoạn cuối cùng trong văn phái ấy".

Theo PGS Vũ Ngọc Khánh, "ở Việt Nam ta, vấn đề văn phái chưa được đặt ra với ý nghĩa lý luận văn học hay văn học sử... Có "Ngô gia văn phái" nhưng đây chỉ có nghĩa là người trong họ có làm văn, có viết sách nhưng không theo một chủ trương, một khuynh hướng văn học nào" còn "Hồng Sơn văn phái" do Hoàng Xuân Hãn đặt ra từ năm 1943 là "một cái tên hay, đẹp và đúng" vì giữa các tác giả trong văn phái ấy quả có "nhiều điểm chung" : "chung thời đại", "chung khuynh hướng" (sáng tác truyện Nôm), "chung phong cách" (trữ tình), "chung nguồn ảnh hưởng" (ca dao và văn học quốc âm), "chung ảnh hưởng địa lý" và "chung dòng họ" (Người đề xuất "Hồng Sơn văn phái"). Trong Hợp lưu số 29 - 1996, bên cạnh Hồng Sơn văn phái, ông còn chỉ ra một nhóm nữa cũng có "văn thái" riêng (mà ông dùng chữ Pháp là "école styliste") là nhóm Gia Lâm (Nguyễn Gia Thiều, Nguyễn Huy Lượng, Phạm Thái,...). Dẫu được chấp nhận hay không, những ý kiến trên vẫn còn ý nghĩa cập nhật, đáng được tiếp tục đi sâu trao đổi.

Nguồn gốc văn "Kiều"(Hát phường vải), như tên gọi cho thấy, xác lập mối quan hệ giữa một hiện tượng văn hoá dân gian tiêu biểu vùng Nghệ Tĩnh với văn phái Hồng Sơn nói chung và Truyện Kiều nói riêng. Hoàng Xuân Hãn nhận định : "Trong bầu gái sắc trai tài, thơ đi hát lại, mà văn Nôm của vùng Hồng Sơn đã nên trau chuốt. Thực là trong trường hợp ấy đã nảy ra các giai phẩm của văn phái Hồng Sơn : Hoa tiên,
Mai Đình mộng ký, Truyện Kiều
và nhiều bài khác". Ông cho rằng thể lục bát được sử dụng phổ biến trong hát phường vải cũng đã "ảnh hưởng đến văn phái Hồng Sơn" và "cho ta thấy sự phôi thai của lối văn kiệt tác là
văn Kiều".

Hoàng Xuân Hãn chưa có một công trình nghiên cứu tổng hợp về Truyện Kiều, song qua tất cả ý kiến đã trình bày trong những công trình và bài viết khác nhau, có thể nói ông đã chứng minh được Truyện Kiều là một hiện tượng tích tụ văn hoá, một tập đại thành về văn chương của nhiều thế kỷ.

*
*      *

Mặc dù Hoàng Xuân Hãn có lần tự gọi mình là "người ẩn dật" song hoạt động nghiên cứu ở ông, như nhiều người nhận xét, không phải là một thứ học thuật "tháp ngà" mà thường hướng về một mục tiêu xã hội xác định, luôn thể hiện "sự kết hợp nhuần nhị giữa Khoa học và tình yêu Tổ quốc" (Nguyễn Duy Quý). "Ở lĩnh vực nào ông cũng để lại những tác phẩm có giá trị lớn, một số có ý nghĩa đặt nền tảng hoặc khai phá một hướng tiếp cận mới cho cả một ngành học" (Phan Văn Các). Ở lĩnh vực sử học và văn học cũng vậy.

Hoàng Xuân Hãn đã tâm sự với GS Phan Huy Lê : "Sau khi từ
Pháp trở về nước dạy học, tôi tìm đọc lịch sử Việt Nam, tôi đọc sách
Trần Trọng Kim, Lê Thước. Tôi kính trọng tác giả, nhưng cảm thấy phương pháp khảo cứu và biên soạn của ta cần được nâng cao, cần khoa học hơn, cần hiện đại hơn" (Người đi đầu của sử học hiện đại Việt Nam). Chính chủ trương hiện đại hoá công tác nghiên cứu sử học đó đã khiến cho nhiều công trình sử học của Hoàng Xuân Hãn thắm đượm "tư duy toán" (Hà Văn Tấn. Người mở đường mãi mãi ở vị trí đi đầu). Tôi nghĩ rằng nhiều công trình nghiên cứu văn học của Hoàng Xuân Hãn cũng có màu sắc ấy. Chỉ xin nêu nhận xét sau đây của GS Cao Huy Thuần ở Cộng hoà Pháp để minh hoạ cho tinh thần chính xác toán học của Hoàng Xuân Hãn trong các công trình nghiên cứu về khoa học xã hội : "Óc suy luận khoa học của bác nhạy bén như mai đón gió xuân. Cùng đọc Đăng khoa lục cả, nhưng mấy ai nảy ra cái ý đếm danh sách các vị tiến sĩ đầu tiên của triều Nguyễn đỗ năm 1822 để khám phá một chi tiết bất thường : tổng số các vị tân khoa không giống với con số ghi trong quyển sử. Thiếu một vị ! Tiến sĩ đầu triều chứ có phải tiến sĩ giấy, tiến sĩ hữu nghị đâu ! Thiếu ai vậy ? Từ nghi vấn đó, bác tra cứu sử liệu để tìm cho kỳ được vị tiến sĩ
bị xoá tên trong danh sách. Bác tìm ra, và nhờ đến khi Hoà thượng
Minh Châu qua Pháp dự lễ Vu lan năm ngoái (1995) mới kể giữa buổi lễ để tuyên dương chữ hiếu trong đạo Phật. Ông nghè bị đục tên là cụ
Đinh Văn Phát, đỗ Tiến sĩ năm 22 tuổi, từ quan để vào Hà Tiên nuôi cha bị đày ở đấy. Cụ Đinh là tổ bốn đời của Hoà thượng" (Bác Hãn lên chùa).

Một biểu hiện khác của tính chất hiện đại trong các công trình nghiên cứu về khoa học xã hội của Hoàng Xuân Hãn là ông thường sử dụng kiến thức, phương pháp riêng, thành quả khoa học của nhiều môn, ngành khác nhau trong khi giải quyết một vấn đề cụ thể, có khi rất nhỏ, của một chuyên ngành riêng biệt. Chính nhờ vận dụng kiến thức, phương pháp một cách tổng hợp, có tính chất liên ngành như vậy mà những kết luận khoa học rút ra càng có thêm sức thuyết phục và ngược lại, đến lượt chúng, những kết luận ấy không chỉ có giá trị trong phạm vi một chuyên ngành. Nhiều công trình nghiên cứu sử học, văn học của Hoàng Xuân Hãn đã có đóng góp không ít vào các ngành khoa học khác như ngôn ngữ học, Hán Nôm học, văn bản học, địa lý học lịch sử, từ điển học...

Mặc dù có những đóng góp lớn về mặt khoa học, dĩ nhiên không phải bao giờ ý kiến của Hoàng Xuân Hãn cũng là tiếng nói cuối cùng đối với các vấn đề cụ thể. Về phía mình, bao giờ ông cũng tỏ ra rất trung thực và khiêm tốn. Trong lời Tựa cuốn La Sơn phu tử, ông đã công bố một điều mà nếu không nói ra thì hầu như chẳng ai biết : "Trong lúc viết sách này, nếu không có thân phụ tôi và nhiều cụ túc nho giúp sức, thì sự khảo cứu của tôi cũng không công hiệu". Nếu còn sống hẳn ông sẽ rất vui khi biết một số nhà nghiên cứu văn học ở Nghệ An vừa phát hiện được một tập thơ mới của La Sơn phu tử là Lạp Phong tiên sinh thi tập, trong đó có
19 bài không có trong Hạnh Am thi cảo mà ông đã công bố (như vậy, tổng số thơ phu tử hiện còn đã có đủ trên 100 bài, khớp với số lượng
Phan Huy Chú ghi lại).

Trong một buổi làm việc với PGS La Trường Sơn (ở Học viện Giáo dục tỉnh Quảng Tây), người đã viết hai bài giới thiệu thơ Hồ Xuân Hương với độc giả Trung Quốc và đã dịch toàn bộ thơ mà dịch giả cho là của
Hồ Xuân Hương ra tiếng Trung Quốc (xin xem hai bài giới thiệu và toàn bộ các bản dịch thơ đó trong tạp chí Toàn cảnh Đông Nam Á, số 4 - 1993 và số 2 - 1995), La tiên sinh có nói với tôi : "Tôi rất kính phục GS Hoàng Xuân Hãn, song về một vài bài thơ của Hồ Xuân Hương, tôi có cách hiểu hơi khác". Nhân đây, tôi chỉ xin nêu ý kiến của La Trường Sơn về một trường hợp cụ thể. Về câu kết ở bài thơ thứ nhất trong chùm thơ Hai bài ngụ ý đến Tốn Phong thị :

Trong trần mấy kẻ tinh con mắt,
Biết ngọc mà trao mới kể cho.

Hoàng Xuân Hãn lý giải : "Nàng nghĩ rằng phải tinh con mắt, mới phát hiện ngọc với đá, mới có thể trao tình". La Trường Sơn lại hiểu khác và muốn trao đổi với Hoàng Xuân Hãn như sau : "Cho rằng Xuân Hương phải xem người cầu ái có đúng là "ngọc" thật không mới quyết định trao tình đương nhiên cũng thuận tai. Song ở hai câu "Trong trần mấy kẻ tinh con mắt – Biết ngọc mà trao mới kể cho" (La Trường Sơn dịch ra tiếng Trung Quốc : "Thế gian tuệ nhãn kỷ nhân hữu – Thức ngọc giao tâm thuỷ phối song". Hai chữ cuối, chỗ khác La Trường Sơn dịch là "trị đương") rõ ràng là có mối quan hệ nhân quả nội tại. Bởi vậy, chúng tôi cho rằng, đứng trước người đòi yêu, Xuân Hương, một người già dặn vì đã trải qua mấy cuộc tình trắc trở, cho rằng, người "tinh con mắt" trong đời quả rất ít, nàng tự yêu cầu phải xét kỹ người cầu ái, nhận chuẩn xác anh ta có đúng là người "biết ngọc" mới đưa "ngọc" giao cho. Nắm vững vận mệnh của mình như thế mới đáng coi là sáng giá. Cần chỉ ra đó chính là điểm lóe sáng của bài thơ vì nói lên, trên vấn đề hôn nhân, nhà thơ chủ trương phụ nữ cần đạt đến chỗ tự tôn tự tín, cần có tinh thần đấu tranh để thực hiện "giá trị nhân sinh của chính bản thân mình".

Như vậy, chỗ khác nhau là một bên hiểu kẻ phải có mắt tinh đời để phân biệt được ngọc và đá là Hồ Xuân Hương (Hồ Xuân Hương tự nhủ), một bên hiểu kẻ phải có mắt tinh đời để biết Hồ Xuân Hương là "ngọc" là Tốn Phong (Hồ Xuân Hương đòi hỏi). Ai đúng ? Ai sai ? Hay cả hai đều đúng vì đây là lối diễn đạt song quan vẫn thường gặp trong thơ
Hồ Xuân Hương nếu chùm thơ này quả thật là của Hồ Xuân Hương ?

Chỉ xin nêu hai điểm trên để nói rằng, nếu rồi đây có những công trình bổ sung, tiếp nối những phát hiện, những ý kiến của Hoàng Xuân Hãn,thậm chí ở đó có những ý kiến khác hoặc đối lập thì cũng là chuyện bình thường và điều đó không hề làm giảm giá trị khoa học đã có "định luận" của hầu hết các công trình nghiên cứu của Hoàng Xuân Hãn.

Tuy bộ sách chưa in hết được toàn bộ công trình của Hoàng Xuân Hãnsong cũng đã có thể xem là Toàn tập trước tác của nhà bác học yêu nước. Hy vọng tiếp theo bộ sách này, chúng ta sẽ được đọc Toàn tập trước tác của những nhà bác học và những nhà văn hoá, khoa học lớn khác của
đất nước.

.......................................

*): (Nhân đọc La Sơn Yên Hồ Hoàng Xuân Hãn)(In trong Tạp chí Văn học, số 9 - 1998)

 

 

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114511896

Hôm nay

2222

Hôm qua

2337

Tuần này

22270

Tháng này

218769

Tháng qua

121356

Tất cả

114511896