Những góc nhìn Văn hoá

Hoạt động bang giao giữa nhà Mạc và nhà Minh thế kỷ XVI

1. Hoạt động ngoại giao giải quyết xung đột

Nguy cơ xung đột trong quan hệ nhà Mạc với nhà Minh chủ yếu diễn ra ở giai đoạn đầu, ngay sau khi nhà Mạc thay thế nhà Lê nắm quyền thống trị đất nước. Trước hết xin điểm lại các sự kiện chính được chính sử ghi lại trong các hoạt động chống nguy cơ xung đột này.

 - Năm 1527, Mạc Đăng Dung về kinh đô, ép Hoàng Đệ Xuân nhường ngôi, giáng Xuân làm Cung vương, sau đó ép phải tự tử.

- Năm 1528, Đăng Dung do sự cướp ngôi mà được nước, nên sợ nhà Minh hỏi tội, bèn sai sứ thần sang Yên Kinh dâng biểu nói: Con cháu họ Lê không còn ai thừa tự, cho nên di chúc cho đại thần họ Mạc tạm quản việc nước để yên dân. Người Minh biết đó là giả dối, không tin, bèn mật sai người sang thăm dò tin tức, gạn hỏi căn do, Đăng Dung cùng bọn bày tôi thường bày đặt lời lẽ để đối đáp, lại dùng vàng bạc đút lót những viên tướng nhà Minh giữ biên thùy để nhờ che chở (Thông sử, bản dịch 1973, tr.139).

- Năm Kỷ Sửu (1529), hai anh em Trịnh Ngung, Trịnh Ngang là cựu thần nhà Lê, chạy sang triều Minh để tố cáo

Đăng Dung cướp nước và xin ngoại binh đến dẹp. Vì Đăng Dung hối lộ bày tôi nhà Minh ở nơi biên thùy để cầu ngăn trở, nên việc không thành. Hai anh em họ Trịnh này đều chết già ở Trung Hoa (Thông sử, tr.139).

- Năm Quý Tỵ (1533), vua Lê sai Trịnh Duy Liêu sang nhà Minh cáo tội Đăng Dung và xin nhà Minh đánh dẹp. Vua Minh giao xuống đình nghị, định cất quân sang hỏi tội Đăng Dung. Đăng Dung được tin đó, liền sai người mang tờ thư đến Vân Nam trình báo, ý muốn thanh minh rằng nhà Lê không có con thừa tự, muốn giao ấn tín cho Đăng Dung để giữ nước. Vì thế cả nước suy tôn Đăng Dung lên làm vua (Thông sử, tr.142).

- Cũng năm này, triều đình nhà Minh cho rằng chuyện về Đăng Dung như tâu trình là dối trá, nên đã cho kéo quân tiến sát biên thùy, nhưng do dự chưa tiến vào (Thông sử, tr.143).

Từ đây quan hệ giữa nhà Minh và nhà Mạc càng trở nên căng thẳng hơn, khi nhà Minh vừa tăng cường lực lượng đe dọa lãnh thổ, vừa đưa ra  hàng loạt yêu sách với nhà Mạc. Sau đây xin liệt kê một số sự kiện chính diễn ra trong thời gian này. 

- Năm 1534, nhà Minh sai Hàm Ninh hầu Cừu Loan và Binh bộ Thượng thư Mao Bá Ôn dẫn quân đến biên giới, tuyên bố là đến đánh họ Mạc. Đăng Doanh liền cho tu sửa trại sách, luyện tập thủy quân, trưng cầu các cựu thần lão tướng bàn việc nước... (Thông sử, tr. 154).

- Tháng Giêng năm Gia Tĩnh 16 (1537), Phó Đô ngự sử Mao Bá Ôn nhận lệnh của Hoàng đế nhà Minh để lo việc chinh phạt nhà Mạc(1).

- Tháng 2 năm này, nhà Lê phái Trịnh Duy Liêu sang Trung Quốc để tố cáo hành động cướp ngôi của Mạc Đăng Dung và xin viện binh của nhà Minh.

- Tháng 4, Thượng thư bộ Lễ và Thượng thư bộ Binh nhà Minh bàn định để chuẩn bị cuộc viễn chinh trừng phạt nhà Mạc, cùng định tội Mạc Đăng Dung 10 tội, đó là:

 - Truy bức Lê Huệ, chiếm cứ kinh thành, tội 1,

 - Bức lấy quốc mẫu, tội 2,

 - Mưu giết Lê Huệ, nguỵ lập Thái tử, tội 3,

 - Bức Lê Ninh phải lánh nạn phương xa, tội 4,

 - Tiếm xưng Thái Thượng hoàng đế, tội 5,

- Cải nguyên Minh Đức, Đại Chính, tội 6,

 - Đóng binh ở quan ải, cản trở chiếu sứ, tội 7,

 - Bạo ngược vô độ, chà đạp sinh linh, tội 8,

 - Cản trở đường cống nạp, tội 9,

 - Ngụy đặt thuộc quan, tội 10(2)

Sau đó, họ còn treo thưởng khắp nơi cho ai bắt được cha con Đăng Dung. Hồ Liên, chức Tả thị lang bộ Hình và Phó Đô ngự sử  Đào Công Thiều cùng được thăng lên chức Tả thị lang bộ Hộ để lo việc quân lương cho cuộc viễn chinh (Minh thực lục loại toản,  tr. 794).

- Tháng 6, phái bộ của Trịnh Duy Liêu do triều đình Lê Trịnh phái sang Yên Kinh.

- Tháng 9, Vũ Văn Uyên, bề tôi cũ của nhà Lê dẫn khoảng một vạn quân ra đầu hàng nhà Minh. Văn Uyên còn sai con trai là Vũ Tử Lăng hạ trại ở cửa Thạch Lũng để đợi dẫn đường cho quân Minh tiến vào đất Việt Nam (Minh thực lục loại toản, tr. 795).

- Tháng 10, viên Giám thống Quảng Đông là Dư Quang gửi một báo cáo cho vua Minh can ngăn việc cho quân đội tiến vào đất An Nam, đồng thời trình bày một kế sách chiến lược khác. Trái với Dư Quang, viên chỉ huy trưởng quân sự ở Vân Nam Vương Văn Thịnh, thì lại gửi báo cáo cho biết rằng một số thổ tù của Lào đã hợp quân lại và đã tập trung cả ở Mộc Châu  sẵn sàng đón rước quân đội hoàng đế (Minh thực lục loại toản,  tr. 796).

- Tháng 2 năm Gia Tĩnh 17 (1538), nhà Mạc sai Nguyễn Văn Thái sang dâng biểu đầu hàng (Đại Việt sử kí toàn thư, tập 4, bản dịch, tr. 163).

- Đầu năm Gia Tĩnh thứ 18 (1539), hoàng đế nhà Minh, Thế Tông ban sắc cho Mao Bá Ôn, rằng: "... Cha con Đăng Dung nghe tin thiên triều định hỏi tội, rất sợ hãi và đã hối tỉnh, dâng biểu xin hàng, tình nguyện dâng tất cả sổ sách đất đai và nhân dân nước ấy để thuộc quyền thiên triều thẩm định. Lời cầu xin cũng đáng thương, nhưng Di tình khó lường. Bởi thế, nay lệnh cho ngươi hãy cùng Hàm Ninh hầu Cừu Loan đến Quảng Đông, Quảng Tây và Vân Nam hội đồng với các Đề đốc và các quan ở ba ty, điều động quân lính người Hán, người Thổ trong ba hạt đó đi hỏi tội Đăng Dung. Các kế sách, chiến lược đều do các ngươi định đoạt. Nếu cha con tặc thần quả đã hối tội thì ngươi xem xét kĩ lưỡng rồi tâu gấp về triều đình, còn như vẫn ngoan cố không đổi lỗi thì phải giết không tha" (Đại Việt thông sử, bản dịch, tr. 156).

- Tháng 7 năm Gia Tĩnh 19 (1540), Hàm Ninh hầu Cừu Loan và Thượng thư bộ Binh Mao Bá Ôn đến Lưỡng Quảng và Vân Nam để kiểm tra việc chuẩn bị hậu cần, cùng đội ngũ quân lính dự định cho cuộc chinh phạt phương Nam. Cừu Loan đã chuẩn bị kế hoạch tác chiến như sau: "... Chia chính binh làm ba đội tiễu binh, từ Quảng Tây đi các xứ Bằng Tường, Long Châu và Tư Minh... Kể cả chính binh lẫn kì binh, tổng cộng là 22 vạn người"(3). Cừu Loan và Mao Bá Ôn nhận được một chỉ dụ về việc quyết định cuộc viễn chinh trừng phạt này. Nhưng sau đó, họ đã truyền lệnh cho cha con Mạc Đăng Dung phải ra đầu hàng ở biên giới (Minh thực lục loại toản,  tr. 798).

- Vào (tháng 11) năm Gia Tĩnh 19 (1540), Mạc Đăng Dung và các bề tôi ra biên giới đầu hàng (Đại Việt sử kí toàn thư, Sđd., tr. 129-130).

Trong những điều nêu ở trên, nổi bật lên ba sự kiện chính mấu chốt trong cách giải quyết quan hệ giữa nhà Mạc với nhà Minh. Đó là sự lên ngôi của Mạc Đăng Dung bị lên án là thoán đoạt; hai là, Mạc Đăng Dung đầu hàng nhà Minh và ba là nhà Mạc cắt đất cho nhà Minh. 

- Sự kiện thứ nhất liên quan đến việc lên ngôi của Mạc Đăng Dung. Đây là cái cớ mà các triều đình phương Bắc từng sử dụng để thôn tính nước ta, như nhà Minh từng lấy cớ nhà Hồ thoán ngôi nhà Trần mà mang quân sang hỏi tội họ Hồ rồi gây ra cuộc chiến tranh thương tàn.

Thực tế, một loạt cuộc biến loạn nêu trên cho thấy sự suy sụp hiển nhiên của triều đình nhà Lê, mà chính các cuộc biến loạn này lại được khởi xướng từ các phe phái tranh giành quyền lực trong triều đình. Vì thế, nhà Lê đã mất đi hoàn toàn sức mạnh của chế độ trung ương tập quyền. Sự sụp đổ của họ là không thể tránh được.

Trong cuộc tranh giành quyền lực ở triều đình nhà Lê, không chỉ có một Mạc Đăng Dung, mà còn có rất nhiều thân vương, các bậc đại thần khác của nhà Lê. Mặt khác, trong lúc rối ren đó, Mạc Đăng Dung đã đóng vai trò quan trọng trong việc trấn dẹp các cuộc bạo loạn chống phá trong cả nước. Với cương vị là một vị Tổng chỉ huy quân đội, Mạc Đăng Dung thực sự đã có ảnh hưởng lớn dưới đời vua Lê Chiêu Tông (1516-1522), điều đó được Lê Quý Đôn ghi nhận trong đoạn văn sau: "Từng bình được nhiều giặc lớn, uy quyền ngày càng thịnh, mà đạo quân nhà vua thì yếu ớt, lòng người ai cũng hướng về Đăng Dung" (Thông sử, q.4, tờ 25a).

Điều quan trọng là Mạc Đăng Dung đã nắm được thế lực quân sự mạnh mẽ. Lúc đầu, Đăng Dung cũng chỉ sử dụng quyền bính để duy trì ngai vàng của các vị vua Lê "làm vì", bằng cách phải gánh vác tất cả việc cai quản đất nước, như nhà Trịnh phải làm dưới triều Lê trung hưng về sau. Nhưng trên thực tế, Đăng Dung đã phải chịu sự đối đầu quyết liệt của các thân vương và đại thần trong triều đình. Để duy trì quyền lực dòng họ và làm thay đổi thể chế chính trị trong cung đình, Mạc Đăng Dung đã phải sử dụng đến quyền lực chính trị, bằng cách phế truất nhà Lê để sáng lập ra nhà Mạc.

Sự kiện lên ngôi của Mạc Đăng Dung dù sao cũng tạo ra một cái cớ để nhà Minh áp đặt thế lực của mình. Nếu không phải là một cuộc viễn chinh trừng phạt thì cũng áp đặt thể chế ràng buộc chặt chẽ với triều đình phương Bắc như chỉ cấp phong cho người đứng đầu vương triều là chức Thống sứ, tương đương viên quan quận huyện của triều đình phương Bắc. Trên thực tế, Mạc Đăng Dung chỉ được ấn phong là An Nam Đông Thống sứ.

- Sự kiện thứ hai liên quan đến sự đầu hàng của nhà Mạc trước nhà Minh. Mạc Đăng Dung quyết định đầu hàng, khi lực lượng quân đội nhà Minh đã áp sát biên giới phía Bắc, khi quân đội nhà Lê tấn công khắp nơi ở phía Nam và cũng là khi mà nhà Mạc đang phải chịu đại tang, cái chết của Đăng Doanh, con trai Đăng Dung. Trong bối cảnh này, ngay sau cái chết của Đăng Doanh, Mạc Đăng Dung để cháu ông là Phúc Hải, vị vua mới ở lại Kinh đô, còn mình đích thân lên biên giới với người cháu khác là Mạc Văn Minh cùng đoàn tuỳ tùng. Ở biên giới, Mạc Đăng Dung và đoàn hộ tống đã phải trình diện với bộ dạng "đầu để trần, đi chân đất, mỗi người quấn trên cổ một sợi dây lụa..."(4). Cảnh tượng này thực chất chỉ là các nghi thức đầu hàng. Với nghi thức đầu hàng này của Mạc Đăng Dung, nhà Minh như được thoả mãn và lập tức cho rút quân đội ra khỏi biên giới, tránh được cuộc chinh phạt ngoại bang.

Trước nhà Minh, nhà Mạc gắng sức tìm các giải pháp thương lượng, nhưng vẫn lo lực lượng quân sự để phòng vệ khi bị tấn công. Thực tế, việc chuẩn bị quân sự của nhà Mạc từng được Lê Quý Đôn viết: "Biết tin Mao Bá Ôn được lệnh dẫn quân đến biên giới nước ta vào năm Nguyễn Hoà thứ 2 (1534), tuyên bố là đến đánh họ Mạc, Đăng Doanh rất lo, liền cho tu sửa trại sách, luyện tập thuỷ quân, trưng cầu hết thảy các cựu thần lão tướng để cùng bàn việc nước..." (Đại Việt thông sử,  bản dịch, tr. 154). Chính sự toan tính này đã bị vua Minh Thế Tông nổi giận khi đọc biểu đầu hàng của Mạc Đăng Dung năm 1538: "... lời lẽ không thành khẩn, không chịu khuất phục mà tự trói mình để đợi tội"(5). Chúng ta đã biết trong 10 tội mà nhà Minh quy kết cho Mạc Đăng Dung, có tội "thiết binh quan ải" (cho đóng quân ở cửa ải) như vừa nêu ở trên. Còn nữa, ở một số bản đồ quân sự vùng biên giới được làm để phòng bị cho việc chinh phạt của nhà Minh đối với nhà Mạc, có chú thích rất nhiều đồn luỹ của quân đội nhà Mạc dưới tên gọi là "tặc doanh"(6).

Về phía nhà Mạc, ngày nay chúng ta cũng tìm thấy một số quả ấn của các quan lại và đơn vị quân đội ở vùng biên ải như "Thanh tái tả sở chi ấn"(7). Thực tế, nhà Mạc không chỉ chuẩn bị lực lượng quân sự đề phòng nhà Minh tấn công, mà còn luôn cho người dò la, bám sát các hoạt động quân sự của nhà Minh ở biên giới, như trường hợp Tri châu Nguyễn Cảnh năm 1537, được nhà Mạc bí mật phái sang đất nhà Minh để thu thập tin tức, từng bị thổ quan ở Vân Nam giữ lại(8). Nhà Mạc đã theo sát mọi sự vận động của quân đội phương Bắc và chỉ quyết định đầu hàng khi thấy quân Minh ồ ạt kéo đến sát biên giới trong tư thế sẵn sàng tấn công. Lực lượng võ trang được điều động đến đây khá lớn, cho nên lực lượng phục vụ cho đội quân này cũng đã phải huy động đến dân của cả ba tỉnh biên giới là Quảng Đông, Quảng Tây và Vân Nam. Điều không lấy gì làm lạ là Hoàng đế Thế Tông đã phải ban lệnh khoan sức dân cho ba tỉnh này, ngay sau khi quân đội rút về: "Các xứ Lưỡng Quảng và Vân Nam, cùng các vùng phụ cận, do điều động sức dân mệt nhọc cho cuộc chinh phạt phương Nam, nên nay các tuần phủ quản hạt lưu ý khoan thả sức dân"(9).

Nhà Mạc đã từng muốn xây dựng quan hệ ngoại giao với nhà Minh ngay sau khi thay thế nhà Lê. Nhưng những quan hệ này ngày càng trở nên phức tạp, khó khăn bởi các hoạt động thù địch của nhà Lê Trịnh, đặc biệt là các hoạt động nhằm tố giác tội trạng nhà Mạc với nhà Minh, ngay từ năm 1533 (Thông sử, Bản dịch, tr.141). Để bảo vệ độc lập chủ quyền lãnh thổ, nhà Mạc chỉ chấp nhận sự đầu hàng có tính nghi thức, mà không bao giờ muốn để nước ngoài kéo quân vào, như lời di chúc của một lão tướng đại thần của nhà Mạc, Mạc Ngọc Liễn(10) trước lúc nhắm mắt: "Nay họ Mạc khí vận đã hết, họ Lê lại phục hưng, đó là số trời. Dân ta là vô tội, mà để cho mắc nạn binh đao, sao lại nỡ thế? Bọn ta nên tránh ở nước khác, chứa nuôi uy sức, chịu khuất đợi thì, xem khi nào mệnh trời trở lại mới có thể làm được. Rất không nên lấy sức chọi sức, hai con hổ đánh nhau tất có một con bị thương, không được việc gì. Lại chớ nên mời người nước Minh vào trong nước để đến nỗi dân ta phải chịu lầm than. Đó cũng là tội không gì nặng bằng" (Toàn thư, Bản dịch 1968, t. 4, tr. 205). Lời trăng chối cuối cùng này của Mạc Ngọc Liễn cũng chính là ý nguyện của nhà Mạc nhằm tránh một cuộc chiến tranh ngoại bang, nên cuối cùng đã lánh nạn lên Cao Bằng, kéo dài vài thập niên nữa.

Đúng là nhà Mạc đã có hành động đầu hàng nhà Minh ở biên giới phía Bắc vào năm 1540. Tuy nhiên đây chỉ là nghi thức đầu hàng không ngoài mục đích làm hài lòng nhà Minh. Với sự đầu hàng này, nhà Mạc đã chấp nhận những điều kiện do nước lớn láng giềng định ra, như chấp nhận phụ thuộc dưới quyền bá chủ của nhà Minh và phải nộp cống phẩm hàng năm cho họ. Để đổi lại, nhà Mạc tránh được nguy cơ bị chinh phạt và đất nước được độc lập.

- Sự kiện thứ ba liên quan đến việc đất của nhà Mạc cho nhà Minh. Đây là sức ép của nhà Minh khi nhà Mạc ở vào thế hiểm nghèo. Nhưng thực chất việc cắt đất này như thế nào và số động mà nhà Mạc đã trả lại cho nhà Minh là bao nhiêu?

Vùng biên giới Đông Bắc, vốn có ba "đô" là Như Tích, Thời La và Chiêm Lãng với 7 "động" là Chiêm Lãng, Thời La, Tư Lẫm, Liễu Cát, Cổ Sâm, Kim Lặc và La Phù. Trong đó, các động Tư Lẫm, La Phù, Liễu Cát và Kim Lặc thuộc "đô" Như Tích; còn các động Cổ Sâm, Chiêm Lãng thuộc "đô" Chiêm Lãng; động Thời La cũng là đô Thời La(11). Mỗi động có người đứng đầu gọi là "động chủ". Trong niên hiệu Chí Nguyên (1285-1314) thuộc vua Thế Tổ triều Nguyên, Động trưởng động Tư Lẫm là Hoàng Thế Hoa vì có công với triều đình trong việc giữ gìn an ninh biên giới, được ban ấn tín cai quản cả 7 động này. Năm 1368, năm nhà Minh thành lập, hai vị tướng quân là Lưu Vĩnh Trung và Chu Lượng Tổ được phái đến vùng Khâm Châu nhằm củng cố quyền lực của vương triều mới này. Họ đã đổi chức "động chủ" thành chức "động trưởng" và cấp cho ấn tín mới. Cả thảy 3 đô, 7 động trên thuộc Khâm Châu dưới thời Minh. Nhưng năm 1427, có 4 động thuộc về nhà Lê của Việt Nam. Sách Khâm Châu chí chép: "Năm Tuyên Đức thứ 2 (1427), động trưởng động Tư Lẫm là Hoàng Kim Quảng và động trưởng động Cổ Sâm là Hoàng Khoan, cùng với Hoàng Tử Kiều, Hoàng Kiến kéo theo 4 động với 29 thôn, 292 hộ về An Nam..." (Khâm Châu chí, q. 9, tờ 10a-11b). Trong số 4 động trên, thì 3 động Tư Lẫm, Kim Lặc và Liễu Cát thuộc về đô Như Tích, còn động Cổ Sâm thuộc đô Chiêm Lãng. Khi theo về với nhà Lê, ba động của đô Như Tích thuộc vào phủ Vạn Ninh, còn động Cổ Sâm thuộc vào phủ Tân Yên của Việt Nam lúc bấy giờ(12). Các vị động trưởng này đều được nhà Lê phong thưởng chức tước, như động trưởng Hoàng Kim Quảng được phong là Kinh lược sứ Đồng tri. Sau đó, vua Minh nhiều lần cho gọi các động trưởng này về, nhưng không thành. Cụ thể là: "Tháng 9 năm Chính Thống 5 (1440), Ngự sử Chu Giám phụng chiếu thư đem theo ba ty Đô, Bố (Bố chánh sứ), án (án sát sứ), đến Khâm Châu chiêu dụ phản dân Hoàng Kim Quảng, Hoàng Khoan, Hoàng Tử Kiều và Hoàng Kiến. Nhưng cả bốn người đều không đến trình diện. Cuối cùng Chu Giám phải bỏ về" (Khâm Châu chí,  tờ 11b).

Tuy vậy, vào năm 1540, khi nhà Minh đe doạ quân sự, con cháu các vị động trưởng này liền bỏ về, như trong lời tâu lên vua Minh, Mao Bá Ôn viết: "Các chức Hành lệnh ở 4 động: Tư Lẫm, Cổ Sâm, Liễu Cát và Kim Lặc của Khâm Châu, nguyên là chức tước của An Nam, lại có chú thêm là chức Tham chánh, Phó sứ. Vậy xin chiếu nguyên ngạch biên vào sổ của Khâm Châu và ưu đãi như hiện nay. Chờ ba năm sau, cấp lương theo cấp bậc"(13). Rõ ràng, nhà Minh đã lấy lại bốn động này trước khi diễn ra sự đầu hàng trên của nhà Mạc. Tình thế hết sức căng thẳng đã buộc Mạc Đăng Dung phải chấp nhận một việc đã rồi, và kết cục ông đã phải giải trình trong biểu đầu hàng của mình rằng: "Thủ thần Khâm Châu tâu xưng là 4 động Tư Lẫm, Kim Lặc, Cổ Sâm và Liễu Cát của 2 đô Như Tích và Chiêm Lãng là đất cũ của Khâm Châu. Nếu quả như vậy, thì những đất ấy do triều trước họ Lê mạo nhận mà có. Nay hạ thần xin dâng các xứ ấy lệ vào Khâm Châu"(14).

Quả là Mạc Đăng Dung chưa hề cắt đất cho nhà Minh, nhưng ông đã phải bó tay và buộc phải chấp nhận sự kiện các động trưởng của bốn động ở sát biên giới Đông Bắc trở lại với nhà Minh. Với những vùng đất này, nhà Mạc cũng không thể tránh khỏi đối mặt với lời viện cớ có tính tiền lệ có từ thời Tống rằng: "Những đất mà nhà Tống chiếm đóng, thì sẽ trao trả lại cho Giao Chỉ, nhưng những đất mà thủ lĩnh của nó tự theo về thì không thể trả lại được"(15). Tương tự như vậy, làm sao nhà Mạc có thể giữ lại được bốn động trên khi mà các động trưởng đã bỏ về với nhà Minh? Thực tế chỉ có 4 động thuộc 2 đô như vừa trình bày ở trên trả về đất Khâm Châu.

 Như vậy, để tránh thảm hoạ chiến tranh xâm lược, nhà Mạc đã chấp nhận giải pháp đầu hàng có tính nghi thức theo yêu sách của nhà Minh. Bốn động biên giới đã bị nhà Minh lấy lại, thành chuyện đã rồi đối với nhà Mạc. Hoạt động linh hoạt này góp một phần quan trọng trong việc ổn định tình hình chính trị - xã hội trong nước, cũng như tái lập quan hệ bang giao với nhà Minh. Đó cũng là cách ứng xử đương nhiên nhằm giải quyết xung đột với nhà Minh.

2. Hoạt động ngoại giao thông thường

Các vương triều phong kiến Việt Nam mới lên dù danh nghĩa như thế nào thì cũng đều có những giải pháp thương lượng nhằm duy trì quan hệ yên bình với phương Bắc. Nhất là nhà Mạc, rút kinh nghiệm từ bài học xương máu từ thất bại nặng nề của Hồ Quý Ly với nhà Minh vào đầu thế kỷ XV, nên ngay sau khi đăng quang, Mạc Đăng Dung đã phái một đoàn sứ thần sang Yên Kinh báo với vua Minh là "họ Mạc tạm trông coi việc nước, cai trị chúng dân, với lí do là con cháu họ Lê không còn ai tự thừa nữa". Lần đi sứ này tuy chưa đạt kết quả như mong muốn, song nhà Mạc vẫn kiên trì mềm dẻo để tránh quan hệ xung đột, chấp nhận quan hệ bang giao theo thông lệ.

Cuối cùng năm 1541, nhà Minh chấp thuận và cho đổi tên nước An Nam thành An Nam Đông Thống sứ ty, phong cho Mạc Đăng Dung làm An Nam Đông Thống sứ, ban cho ấn chương khác và con cháu được thế tập. Nhà Minh còn buộc nhà Mạc phải bãi bỏ các nghi thức, thể chế của nước lớn, mà chỉ được duy trì theo chế độ quận huyện phụ thuộc vào phương Bắc. Cụ thể là về tổ chức hành chính, nhà Minh yêu cầu trong 13 lộ đều đặt Tuyên phủ ty, mỗi ty đặt một Tuyên phủ đồng tri, một Tuyên phủ phó sứ và một Tuyên phủ thiêm sự, dưới quyền cai quản của Đông Thống sứ. Tất cả các Ty đó đều lệ thuộc vào Quảng Tây phiên ty. Nhà Minh quy định thể lệ triều cống là 3 năm một lần và hàng năm, triều Mạc cử người lên ải Nam Quan để đón lịch Đại thống do Yên Kinh ban cấp.

Kể từ đây quan hệ bang giao giữa nhà Mạc và nhà Minh chuyển sang giai đoạn bình thường hóa theo thông lệ.

Đại Việt sử ký toàn thư chép : (Năm 1542) "Tháng 3 ngày 22, Mạc Phúc Hải đến trấn Nam Quan để được xét nghiệm và hội khám vàng, nhân ban 1000 bản lịch đại thống của nhà Minh. Lại lĩnh một đạo sắc mệnh trước kia phong Mạc Đăng Dung làm An Nam Đông Thống sứ ty Đông Thống sứ và một quả ấn bạc".

"Tháng 8 ngày mồng 3, họ Mạc sai bọn Nguyễn Kính Điển, bọn Nguyễn Công Nghi và Lương Giảng sang nước Minh tạ ơn, bọn Nguyễn Chiêu Huấn, Vũ Thuấn và Tạ Đình Quang sang cống hàng năm".

"Tháng 12 ngày 25 nhà Minh phong Mạc Phúc Hải nối chức An Nam Đông Thống sứ ty Đông Thống sứ" (Toàn thư, tập 4, tr.132).

Tuy về danh nghĩa, họ Mạc chỉ được ban chức Thống sứ, tương đương một viên quan cai quản một phiên ty của nhà Minh, hàm Nhị phẩm, song thực tế thì nhà Mạc có quyền tự trị rộng lớn cai quản toàn bộ lãnh thổ. Đối với nhà Minh, triều Mạc chỉ có nghĩa vụ triều cống và thờ phụng trên danh nghĩa, đồng thời nhà Minh cũng phải thừa nhận sự tồn tại của chính quyền nhà Mạc.

Lễ cống sứ 3 năm một lần mà nhà Minh quy định, đã được đổi thành 6 năm kể từ năm 1564. Toàn thư ghi : (Năm này), "Mạc Mậu Hợp sai hai bộ sứ thần là Nguyễn Doãn Khâm và Nguyễn Năng Thuận sang cống nhà Minh. Từ đấy lại đổi lệ và cứ 6 năm nộp một lần". Thực tế này cho thấy, sự lệ thuộc hình thức ngày càng lỏng lẻo của nhà Mạc đối với triều đình phương Bắc.

Một hoạt động bang giao khá hiệu quả khác là hoạt động của các sứ thần, trong đó có việc đi sứ kéo dài trong 18 năm của sứ thần Lê Quang Bí. Nhiều sứ thần thời Mạc với tài năng trời phú của mình đã lấy lại thanh danh và vị thế quốc gia, quốc thể. Giáp Hải với bài thơ họa lại bài thơ xướng về bèo của Mao Bá Ôn, từng làm sứ thần phương Bắc phải vị nể và trở thành bài thơ đối đáp lưu danh thiên cổ. Bài thơ của Giáp Hải có nội dung như sau:

Bèo kết lại với nhau dầy đặc như vảy gấm

Dù cái kim chui qua cũng không lọt

Cành rễ liền nhau, mọc chằng chịt ăn rất sâu

Thường cùng đám mây trắng tranh vẻ đẹp trên mặt nước

Và làm cho vầng hồng kia cũng không sao chiếu xuống được đáy nước

Ngọn sóng dù lớn đến đâu cũng không phá nổi

Gió bão dù lớn tới đâu cũng không làm chìm nổi bèo

Dưới đó có nhiều cá rồng ẩn núp

Dù tài câu thả của Lã Vọng cũng khó thả câu bắt được(16).

Ngụ ý bài thơ nói rằng dân ta sống đông đúc như vảy gấm dệt đoàn kết chặt chẽ, có thế độc lập của mình, không sợ ngoại xâm như bèo không sợ mây trời gió bão. Nhân tài, tài nguyên ta nhiều như rồng cá, dù cho kẻ địch có tướng giỏi như Khương Tử Nha (Lã Vọng) nhà Chu cũng không làm gì nổi.

Cũng chính do quan hệ bang giao thông lệ được tái lập, nên chủ quyền đất nước, nhất là những tranh chấp biên giới được tôn trọng. Bộ sử thời Lê - Đại Việt sử ký toàn thư ghi: "(Năm 1582), triều nhà Minh đưa tờ công văn tới, nói về ranh giới nước ta và Trung Hoa tại địa phận xứ Lạng Sơn. Mạc Mậu Hợp sai Đô ngự sử Đặng Võ Cạnh tới đó hội khám định đoạt. Ngày 26, Mậu Hợp sai sứ tới nhà Giáp Trưng, triệu Giáp Trưng đi phúc định lại ranh giới. Giáp Trưng trước đây đã hết sức xin từ chức để về hưu, mà chưa được y cho. Nay lại dâng sớ xưng bệnh, cố từ không đi" (Toàn thư, Bản dịch, tr.276).

Nhà Mạc đã cố gắng duy trì quan hệ bang giao theo thông lệ, được triều đình phương Bắc công nhận nền độc, tự chủ. Tuy nhiên, do lịch sử để lại, nhà Mạc sau khi bình thường hóa quan hệ bang giao với nhà Minh, vẫn chưa sửa đổi được cái danh phận thấp kém là Đông Thống sứcủa người đứng đầu nước Nam mà nhà Minh áp đặt ở giai đoạn đầu nhà Mạc lên ngôi. Giáp Trưng dâng tờ sớ lên vua Mạc nói rằng: "Đến bản triều ta, cách mệnh thành công, thì nước Minh lại đặt nước ta là Đông Thống sứ ty mà phong cho vua ta chức Trưởng ty với quan hàm Nhị phẩm. Từ đấy đến nay, đã 44 năm qua, vẫn giữ hiệu ấy, xưng hô quá hèn mà vẫn chưa xin phong phục quốc hiệu. Mỗi khi đến dưới cửa quân nước Minh, hoặc nha môn ty Bố chánh, án sát và tuần thủ nước Minh có văn thư tới nước ta, đều phê chữ "chuẩn thử". Như vậy là quốc thể không gì bằng. Kính mong bệ hạ ra lệnh các triều thần họp bàn, quan Đông các thì soạn tờ quốc thư xin phong và tờ công văn xin phong của các kỳ lão quan thuộc trong nước, đệ sang cửa quân Lưỡng Quảng chiếu xét rồi chuyển dâng lên vua Minh... Quốc thể sẽ long trọng, nhân dân và nhà nước sẽ vinh quang, đều là tự việc này vậy" (Thông sử, bản dịch, tr.283). Mạc Mậu Hợp cho lời này là phải, nhưng vì bối rối về quân sự mà tài nguyên cũng còn thiếu kém, nên chưa thi hành.

Dù rằng chưa làm được mong ước như lời tâu trình của viên quan Ngự sử Giáp Trưng nêu trên, song về thực chất, nhà Mạc đã dần lấy lại vị thế của mình trong quan hệ bang giao theo thông lệ với nhà Minh. Đó cũng là thành công trong hoạt động ngoại giao thông thường của nhà Mạc với nhà Minh vào nửa sau thế kỷ XVI.

Kết luận

Trên mặt trận bang giao, nhà Mạc đã phát huy tiềm năng tối đa của tri thức đương thời trong các hoạt động bang giao với các sứ thần và triều đình phương Bắc. Họ vừa là tri thức, vừa là nhà ngoại giao đồng thời còn như một chiến sỹ trên mặt trận ngoại giao cam go với phương Bắc. Đó là Giáp Hải, Lê Quang Bí, Đào Nghiễm, Vũ Cận, Giáp Trưng... Với tài bang giao của mình, họ đã góp phần lớn lao trong việc giành lại vị thế quốc gia quốc thể trước thái độ bang giao áp đặt nước lớn. Tuy còn nhiều điều chưa làm được, hoặc chưa thành công như các triều đại khác, song trong bối cảnh chính trị rối ren, đất nước bị phân cắt, nội chiến liên miên bởi các thế lực Mạc, Lê-Trịnh và Nguyễn, thì việc nối lại quan hệ bang giao tránh xung đột và bang giao thông thường theo thông lệ với nhà Minh là những cố gắng đáng kể của triều Mạc. Đặc biệt trong đó là hoạt động để tránh cuộc xung đột vũ trang. Bài học được rút ra từ các hoạt động bang giao thành công đó là: Hòa hiếu, mềm dẻo với Bắc quốc để đảm bảo nền độc lập dân tộc. Đồng thời đảm bảo nguyên tắc giữ vững chủ quyền quốc gia, lãnh thổ.  

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114569011

Hôm nay

2227

Hôm qua

2405

Tuần này

21394

Tháng này

227535

Tháng qua

129483

Tất cả

114569011