Người xứ Nghệ

Hội phụ nữ giải phóng và những đóng góp trong Xô Viết Nghệ Tĩnh (1930 - 1931)

Ra đời trong những ngày đầu đấu tranh sôi sục của cao trào XVNT, tổ chức Hội Phụ nữ giải phóng ở Nghệ An đã thu hút đông đảo các tầng lớp phụ nữ gia nhập và hoạt động đúng như tên gọi của mình: Giải phóng tư tưởng của chính bản thân mình, dấn thân vào con đường chông gai để góp phần giải phóng quê hương, đất nước. Phong trào đấu tranh của Phụ nữ giải phóng ở Nghệ An góp phần quan trọng vào những thắng lợi chung trong các cuộc đấu tranh long trời chuyển đất năm 1930-1931..

Ngày mới thành lập (cuối năm 1930), Hội Phụ nữ giải phóng mới kết nạp được 816 hội viên, nhưng đến tháng 4/1931, số hội viên đã tăng lên đến 6.000 người, ở trên 200 làng, xãtrong tỉnh, đó là chưa kể hàng nghìn chị em tham gia vào tổ chức Nông Hội đỏ. Mới đầu,Hội được tổ chức theo đơn vị làng, chia thành tiểu tổ ba người một, hoạt động theo nguyên tắc nửa công khai nửa bí mật. Dần dần, tổ chức Hội ngày càng phát triển và có sự chuyển biến mạnh mẽ cả về nội dung, hình thức, quy mô, phương pháp đấu tranh cách mạng. Hội còn tổ chức ra các hội, nhóm khác nhằm tập hợp lực lượng nữ để tuyên truyền giáo dục, vận động họ tham gia đấu tranh đòi quyền lợi thiết thực như Hội Cứu tế Đỏ, nhóm tương tế ái hữu, nhóm hộ sản…

Hoạt động của Hội Phụ nữ giải phóng ở Nghệ Anđã để lại nhiều dấu ấn oai hùng trong lịch sử của quê hương XVNT.

1. Tiên phong đi đầu và sẵn sàng xông lên đối mặt với kẻ thù trongcác cuộc mít tinh, biểu tình đấu tranh chống đế quốc - phong kiến.Trong cuộc biểu tình vây phá huyện đường ngày 30/8/1930 của gần 3.000 nông dân Nam Đàn, những người cầm cờ đi đầu chính là các bà, các chị như: Tổng Phương (ở Nam Hồng), Sáu Thân (ở Nam Phong), Phạm Thị Ba (ở Nam Vân), bà Tuy (ở Nam Thượng)… Bà Bùi Thị Di (Nam Diên) đã cầm cờ tiến thẳng vào huyện đường cùng với các đại diện khác đưa yêu sách và dùng lời lễ đấu tranh kiên quyết buộc tri huyện Lê Khắc Tưởng phải ký vào bản yêu sách ghi trên lá cờ của quần chúng nhân dân và cam kết không nhũng nhiễu nhân dân Nam Đàn nữa… Rồi cuộc đấu tranh của nhân dân Hưng Nguyên ngày 12/9/1930, chị Nguyễn Thị Phia (Nguyễn Thị Quỳnh Nga) đã cầm cờ chỉ huy đi đầu và diễn thuyết. Tại Anh Sơn, ngày 25/2/1931, bà Đặng Thị Mận đã cầm cờ chỉ huy đoàn phụ nữ với hàng trăm nông dân kéo lên vây đồn Phúc Sơn và đã anh dũng hy sinh trước mũi súng kẻ thù. Bất chấp hiểm nguy, bà Tuân xông lên giữ vững lá cờ của Đảng và hô vang khẩu hiệu giữ vững tinh thần và khí thế đấu tranh của quần chúng nhân dân,… Nhiều chị còn tham gia rải truyền đơn, treo cờ Đảng để tuyên truyền, cổ vũ quần chúng đấu tranh và uy hiếp địch trong các cuộc mít tinh, biểu tình.

2. Mưu trí, dũng cảm trong công tác giao thông liên lạc.Tiêu biểu như bà Phiệt (còn gọi là bà Cu Mạc ở Quỳnh Diễn, Quỳnh Lưu). Năm 1930, bà Phiệt làm thông tin liên lạc của Huyện ủy Quỳnh Lưu với nhiệm vụ đưa cán bộ huyện về các cơ sở và chuyển công văn giấy tờ cho cấp trên, cấp dưới. Trong một lần đang thực thi nhiệm vụ bà bị mật thám, tuần phu bắt giữ khi phát hiện ra tài liệu bà giấu trong bị khoai khô. Bị đưa về đồn tra khảo, đánh đập dã man đến ngất xỉu nhiều lần nhưng bà vẫn kiên quyết không khai. Chúng tưởng bà đã chết nên vứt bà xuống hố nước tiểu và lấy tấm tranh đậy lại rồi bỏ đi. Đêm xuống, bà tỉnh dậy lần theo bờ sông giả làm người bắt cáy, mò cua lấm lem bùn đất tìm về cơ sở bí mật tiếp tục hoạt động. Một lần khác đi liên lạc qua đồn Diễn Yên bà lại bị bắt trói lại và treo lên để tra khảo. Chờ lúc trời tối, bà tự cắn đứt dây trói, trốn thoát trở về với nhiệm vụ Đảng giao. Ngoài bà Phiệt còn có rất nhiều chị dũng cảm, mưu trí, lanh lợi trong công tác giao thông liên lạc, như Lê Thị Vy Nình, Nguyễn Thị Nhuận (ở Vinh); Lê Thị Yêm ở Yên Thành; bà Huyên (ở Thanh Chương),…. Nhờ trí thông minh, gan dạ, dũng cảm và lòng trung thành của các mẹ, các chị làm giao thông liên lạc mà sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng được thông suốt, đảm bảo an toàn về tổ chức và hoạt động ở các cấp, góp phần vào thắng lợi của các cuộc đấu tranh trong phong trào XVNT.  

3.Sẵn sàng xả thân để bảo vệ chính quyền cách mạng, bảo vệ cán bộ và cơ sở Đảng. Sau khi chính quyền XVNT ra đời, các Đội Tự vệ Đỏ được thành lập để bảo vệ chính quyền cách mạng còn non trẻ này. Những thành viên của các Đội Tự vệ Đỏ lúc bấy giờ chủ yếu là nam giới. Tuy nhiên, Hội Phụ nữ giải phóng đã tích cực vận động chị em và cử Hội viên tham gia lực lượng vũ trang này. Không quản ngại khó khăn, nguy hiểm, chị em ở nhiều địa phương trong tỉnh đã đã hăng hái tự nguyện gia nhập đội Xích vệ; Tự trang bị những vũ khí thô sơ như gậy gộc, giáo, mác…; Tích cực tham gia luyện tập, làm nhiệm vụ tuần tra, canh gác cho sự bình yên của những xóm làng khi chính quyền Xô Viết ra đời. Đội nữ xích vệ làng Phúc Sơn (Anh Sơn) gồm khoảng 30 chị em do chị Nguyễn Thị Nhuyễn (tức Lài) chỉ huy đã lập chiến công vang dội khi trừng trị 11 tên cường hào gian ác ở địa phương vào ngày 12/4/1931. Hoàn thành nhiệm vụ, 2 đội viên là Nguyễn Thị Nựuvà Nguyễn Thị Ả đã bị bắt, bị tra tấn bằng nhiều thủ đoạn dã man nhưng vẫn kiên quyết không khai báo. Hai chị đã bị tòa án Nam Triều kết án tử hình, sau đó giảm xuống chung thân và đưa xuống giam tại Nhà lao Vinh. Tại nhà lao Vinh, các chị lại tiếp tục tham gia đấu tranh và anh dũng hy sinh khi mới tròn hai mươi tuổi, trở thành tấm gương sáng cho nhiều thế hệ tù chính trị ở đây noi theo.

Khi chính quyền thực dân, phong kiến tiến hành chiến dịch khủng bố trắng hòng “làm cỏnhân dân Nghệ Tĩnh”, cán bộ, đảng viên và các cơ sở Đảng rút lui vào hoạt động bí mật. Các bà, các mẹ, các chị lại ngày đêm ra sức bảo vệ, nuôi dấu cán bộ Đảng, cơ sở Đảng bất chấp sự lùng sục, càn quét của kẻ thù. Mẹ Võ Thị Túc, nhà ở cạnh Bến Đền, thành phố Vinh. Dù cảnh “mẹ góa con côi” nhưng mẹvẫn nhận nuôi giấu, bảo vệ các đồng chí trong Thường vụ Trung ương Đảng, Xứ ủy Trung Kỳ, Tỉnh ủy Nghệ An và nhiều học sinh trường Quốc học Vinh như: Nguyễn Đức Cảnh, Nguyễn Phong Sắc, Phan Đăng Lưu, Chu Văn Biên, Nguyễn Tiềm… Đồng thời, nhà mẹ còn là nơi ấn loát tài liệu, báo Xích Sinh, truyền đơn của Đảng. Bọn mật thám đã bí mật theo dõi và nhiều lần bắt cả ba mẹ con mẹ vào Nhà lao Vinh để tra xét. Tại đây, chúng vừa tra tấn bằng nhiều thủ đoạn dã man vừa dọa dẫm và uy hiếp đến tính mạng hai người con trai của mẹ. Tuy nhiên, mẹ không hề run sợ và đã lập mưu lừa được cả bọn chúng và đưa các con về nhà chăm sóc đồng thời mật báo với Xứ ủy, Tỉnh ủy những tin tức quan trọng để kịp thời thay đổi địa điểm hoạt động đã bị lộ, tránh được tổn thất.Vừa ra tù, mẹ Túc lại tiếp tục đi bán hàng rong ở chợ Vinh để có tiền giúp đỡ cách mạng và làm liên lạc cho Xứ ủy Trung Kỳ. Vì vậy, kẻ thù luôn để mắt đến mẹ. 4 lần bắt vào nhà lao, dùng mọi cực hình tra tấn hết sức dã man nhưng kẻ thù vẫn không thể nào khuất phục được người mẹ kiên trung Võ Thị Túc.

Chị Nguyễn Thị Bảy ở Thanh Chương, bị địch bắt trên đường đưa tài liệu và cơm nước vào núi Tràng Ry (nơi cơ quan Tỉnh ủy đóng). Chúng buộc chị đưa đến địa điểm đã hẹn nhưng chị quyết không đi. Chúng đã lột hết quần áo của chị và bắt về đồn,  tra tấn bằng nhiều thủ đoạn vẫn không lung lay được tinh thần của chị, chúng đã bắn chết chị. Người con gái ấy trước lúc hy sinh vẫn ngẩng cao đầu, vẫn đòi được trả lại quần áo và không được bịt mắt. Chị đã hiên ngang đón nhận cái chết để bảo vệ Đảng, bảo vệ cách mạng… Và còn rất nhiều tấm gương phụ nữ khác đã lặng thầm hy sinh để nuôi giấu, bảo vệ cơ sở Đảng, cán bộ Đảng.

Ngoài đấu tranh trực diện, Hội Phụ nữ giải phóng còn vận động hội viên và các chị em phụ nữ tích cực tham gia các hoạt động xã hội khác như vận động chị em tham gia cứu đói cho dân bằng cách phân công tổ chức cho chị em đi vay lúa của nhà giàu trong làng, trong xã để phân phát cho các gia đình bị đói ở địa phương mình. Thực chất của việc đi vay lúa là đi đấu tranh buộc các nhà giàu phải san sẻ lúa gạo cho nông dân; Vận động thực hiện đời sống mới: bỏ các hủ tục trong việc cưới hỏi, ma chay như thách cưới, lấy vợ lẽ, đốt vàng mã, cúng tế linh đình, không ép cưới, không ngăn cản con gái tham gia công việc xã hội… Chị em còn lập tổ hộ sản để giúp đỡ nhau lúc sinh đẻ hoặc ốm đau, lúc khó khăn hoạn nạn. Nhiều nơi, chị em còn tham dự họp bàn việc làng, phá bỏ định kiến lâu đời cho rằng đây là việc của đàn ông. Họ mạnh dạn cắt tóc ngắn, mặc quần để thuận tiện hơn cho việc luyện tập quân sự. Bên cạnh đó, Hội còn tổ chức vận động chị em tích cực tham gia các lớp học chữ quốc ngữ nhằm nâng cao trình độ dân trí… .

Qua đấu tranh cách mạng và các hoạt động xã hội, các chị dần được tôi rèn về phẩm chất, trưởng thành về năng lực và vững vàng về bản lĩnh, có uy tín trong công tác. Nhiều chị được Đảng giao đảm đương nhiều vị trí phụ trách, lãnh đạo phong trào đấu tranh ở các địa phương, như: Tôn Thị Quế (phụ trách Nam Đàn, Yên Thành), Nguyễn Thị Xân (phụ trách Anh Sơn), Nguyễn Thị Kỳ (phụ trách Thanh Chương), Nguyễn Thị Thiu, Nguyễn Thị Phúc (phụ trách Nghi Lộc), Lê Thị Vi Nình phụ trách Nhà máy Diêm,… Đây cũng là lớp Đảng viên, cán bộ nữ đầu tiên của Đảng bộ Nghệ An đã góp phần không nhỏ vào sự nghiệp cách mạng nói chung và phong trào phụ nữ Nghệ An nói riêng…

Ca ngợi tinh thần đấu tranh của phụ nữ trong phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh, báo Người lao khổ ra ngày 18/9/1930 đã viết: “Cuộc đấu tranh dữ dội ở Hưng Nguyên cũng như đấu tranh dữ dội ở Thanh Chương, Bến Thủy, Can Lộc, Hà Tĩnh đều do chị em phụ nữ chỉ huy và đâu đâu chị em cũng rất dũng cảm hy sinh, chính trong thời kỳ đấu tranh kịch liệt này, chính trong lúc công nông binh bắt tay nhau trong hàng trận, chị em cũng bắt đầu đấu tranh một cách vẻ vang. Cho nên, lực lượng quần chúng tranh đấu thêm được một cái sức rất mạnh tức là chị em phụ nữ đã phá xiềng nô lệ giam hãm đàn bà xưa nay mà ra vai dự cuộc tranh đấu.”

 

  • Tài liệu tham khảo:

+ Lịch sử phong trào phụ nữ Nghệ An 1930-1975; Hội Liên hiệp Phụ nữ Nghệ An, năm 1996.

+ Những sự kiện lịch sử của Đảng bộ Nghệ Tĩnh, NXb Nghệ Tĩnh, năm 1981.

 

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114441815

Hôm nay

2215

Hôm qua

2317

Tuần này

21719

Tháng này

216989

Tháng qua

112676

Tất cả

114441815