Trên giấy tờ, Sầm Văn Bình khai sinh năm 1962, nhưng thực tế ông sinh năm 1961, tuổi Tân Sửu, là người Thái bản Yên Luốm, xã Châu Quang, huyện Quỳ Hợp. Ông sinh ra trong một gia đình có cha và chú là những người ham học hỏi và quyết tâm đi học chữ từ lúc nhỏ nên Sầm Văn Bình được ăn học đầy đủ. Học hết phổ thông, ông thi đậu Đại học Đường thủy ở Hải Phòng (sau này sáp nhập thành Đại học Hàng Hải), là một trường hợp khá hiếm hoi của làng bản được học lên cao lúc đó. Oái ăm thay, lúc ra trường đi xin việc nhiều nơi mà không được nhận nên ông quay về quê hương lập nghiệp. Cái khó khăn của cuộc sống, của thời cuộc bỗng dưng trở thành một cơ duyên đưa đẩy ông vào con đường nghiên cứu, sưu tầm về văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Như ông vẫn nói: “Đi ra nhiều nơi nhưng cuối cùng quay lại quê hương, qua nhiều năm tháng lại cảm thấy mình càng không hiểu về mình, về dân tộc mình, về phong tục tập quán, văn hóa truyền thống của cha ông mình”. Vậy nên, ông dành đam mê tìm tòi, nghiên cứu văn hóa Thái ở quê nhà. Trải qua hơn ba thập kỷ cặm cụi tìm tòi, học hỏi và gặp gỡ nhiều người, sưu tầm nhiều tài liệu và dày công khảo cứu, Sầm Văn Bình đã để lại nhiều dấu ấn trong quá trình nghiên cứu về người Thái Nghệ An.
Nói đến Sầm Văn Bình, người ta nhớ đến những cuốn sách dạy chữ Thái hệ Lai-Tay, về những lớp học tiếng Thái do ông trực tiếp giảng dạy. Nhưng như ông chia sẻ, chữ Thái, tiếng Thái là bộ phận quan trọng của văn hóa Thái và nó cũng là phương tiện để khám phá văn hóa Thái. Suốt thời gian dài, ông nghiên cứu văn hóa Thái qua ngôn ngữ, chữ viết, và khôi phục, dạy chữ Thái là để xây dựng, tạo lập một cánh cửa để nhiều người biết, quan tâm nhằm gìn giữ, phát huy và khám phá văn hóa Thái. Vậy nên, có thể nói, nghiên cứu và dạy chữ Thái là bề nổi trong sự nghiệp của Sầm Văn Bình còn phía sau chính là nghiên cứu văn học dân gian và phong tục tập quán người Thái.
Trong nghiên cứu văn học dân gian, văn hóa dân gian, những đóng góp của Sầm Văn Bình được thể hiện thông qua những công trình nghiên cứu đã xuất bản. Dù chủ yếu là những công trình khoa học đồng tác giả với người khác nhưng đóng góp của Sầm Văn Bình cũng có nét độc đáo riêng dựa trên sở trường của mình. Tiêu biểu nhất là các công trình như “Lai Khủn Chưởng” (3 tập) hay “Xử Thôn”,… Đây là những công trình ông tham gia biên soạn cùng nhà nghiên cứu Quán Vi Miên. Sầm Văn Bình không phải là chuyên gia nghiên cứu về văn học nên về phương pháp luận thì ông có nhiều hạn chế. Nhưng bù lại, ông là người có hiểu biết về ngôn ngữ, đặc biệt là biết nhiều chữ Thái cổ, một lợi thế quan trọng trong việc nghiên cứu, biên soạn các công trình văn học dân gian. Khi đưa ra ý tưởng biên soạn các công trình văn học dân gian, nhà nghiên cứu Quán Vi Miên đã nghĩ tới việc mời Sầm Văn Bình cộng tác nhằm phát huy được lợi thế kiến thức về ngôn ngữ của ông. Còn với Sầm Văn Bình lại là câu chuyện khác. Ông đi vào tìm hiểu văn học dân gian dân tộc mình vì những nhu cầu của cuộc sống thường ngày. Như ông vẫn nói: “Có nhiều yếu tố văn hóa, nhiều phong tục tập quán vẫn thực hành hàng ngày đều có liên quan đến văn học dân gian, đó là các điển tích từ trong các sử thi, các truyện thơ, hay là những cách thức lý giải của tổ tiên đã được lưu truyền lại qua văn học dân gian. Từ các bài hát ru như “hăng quả quýt”, “con cua biển thừng”… đến các bài cúng gia tiên, các làn điệu dân ca… đều có nhiều thành ngữ, tục ngữ, các trích đoạn từ các truyện thơ, sử thi dân tộc Thái. Vậy nên, tìm hiểu văn học dân gian là để hiểu hơn về văn hóa Thái, về phong tục tập quán, về tổ tiên, cha ông mình và cả về bản thân mình tại sao phải làm như thế này mà không làm như thế kia…”. Do không theo đuổi mục tiêu hàn lâm nên bản thân không có những công trình nghiên cứu dày dặn, chủ yếu là tham gia cùng các nhà nghiên cứu khác. Dù không phải là chủ biên nhưng ông cũng luôn có một vai trò quan trọng trong quá trình biên soạn. Trước hết là cuốn “Xử Thôn”, một tác phẩm truyện thơ dân gian Thái. Bắt nguồn từ những ghi chép của ông cụ thân sinh trước đây về các phần truyện thơ rời rạc, Sầm Văn Bình dày công tìm hiểu và sưu tầm thêm từ các dị bản khác. Bên cạnh đó, ông đi tìm hiểu thêm nguồn gốc nhiều đoạn cổ từ các bài cúng, các thành ngữ, các điệu hát để bổ sung cho đầy đủ. Vậy nên, khi cùng Quán Vi Miên biên soạn công trình này thì Sầm Văn Bình phụ trách chủ yếu phần biên soạn tiếng Thái, đặc biệt là tìm hiểu, bổ sung các từ Thái cổ, còn Quán Vi Miên, ngoài việc xem xét, trao đổi về tiếng Thái thì phụ trách phần dịch ra tiếng Việt. Trong khi đó, cuốn “Lai Khủn Chưởng” được biên soạn lại dựa trên nguồn tư liệu chính do Quán Vi Miên sưu tầm được. Nhiều năm trước, Quán Vi Miên và cụ thân sinh của ông đã sưu tầm được nhiều tài liệu khác nhau về bản anh hùng ca này. Khi tham khảo bản do GS Phan Đăng Nhật biên soạn và Nhà Xuất bản Khoa học xã hội ấn hành năm 2005 thì ông thấy có nhiều chỗ bản do cha con ông sưu tầm phong phú hơn. Tuy nhiên, có nhiều từ Thái cổ mà ông không hiểu nên tìm Sầm Văn Bình để cùng hợp tác. Dựa trên nguồn tư liệu đã có, Sầm Văn Bình phụ trách đi tìm hiểu, bổ sung thêm các đoạn từ các từ Thái cổ, còn Quán Vi Miên biên soạn và dịch sang tiếng Việt. Cứ như vậy mà các ông hoàn thành công trình này. Sau đó, cả hai công trình của Sầm Văn Bình và Quán Vi Miên đều nhận được giải B của Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam. Chính nhà nghiên cứu Quán Vi Miên cũng công nhận rằng trong quá trình biên soạn các công trình này, nếu không có Sầm Văn Bình và kiến thức về chữ Thái cổ thì có lẽ ông sẽ gặp nhiều khó khăn hơn và các nghiên cứu này cũng sẽ có nhiều hạn chế hơn. Còn với Sầm Văn Bình, quá trình nghiên cứu về văn học dân gian lại bổ sung cho ông nhiều kiến thức mới về chữ Thái cổ, hiểu sâu hơn về các phong tục tập quán của dân tộc mình. Đó cũng là một mục tiêu quan trọng được ông đặt ra ngay từ khi bước chân vào tìm hiểu về văn học dân gian Thái.
Đến với văn học dân gian, Sầm Văn Bình nghiên cứu về phong tục tập quán là để thực hành, phục vụ cuộc sống tâm linh, sinh hoạt văn hóa hàng ngày. Là trưởng họ, con trai trưởng trong gia đình, ông muốn biết nhiều về các phong tục tập quán, về văn hóa truyền thống của cha ông mình, của dân tộc mình để mà thực hành, để ứng xử với tổ tiên, với gia đình và người khác. “Nhiều năm nay, người ta cố gắng đơn giản hóa các sinh hoạt văn hóa, các phong tục tập quán. Điều đó góp phần tiết kiệm cho bà con nhiều khoản chi tiêu, giảm bớt gánh nặng kinh tế. Tuy nhiên, nhiều khi cũng làm biến đổi văn hóa truyền thống dân tộc. Ví dụ như đám tang ngày trước tổ chức dài ngày và tốn kém, nay làm ngắn gọn hơn cũng chấp nhận được. Nhưng ngày trước hàng xóm láng giềng có mang gà, rượu, gạo, củi và cả tiền đến để cúng, để giúp đỡ gia đình có người qua đời. Nay hầu hết đều chuyển thành tiền, mang phong bì đến dự tang lễ. Điều này không hợp lý lắm. Trong văn hóa truyền thống, mang gà rượu đến là để cúng tiễn người chết, còn gạo, củi, tiền là để động viên giúp đỡ người sống. Nay chỉ còn tiền thì nghĩa là chỉ giúp đỡ người sống nhưng không có gì đến để cúng tiễn, tạ ơn người đã chết. Vậy nên, tìm hiểu về phong tục tập quán truyền thống là để làm sao ứng xử cho hợp lý hơn. Hợp với người đã chết lẫn người đang sống, hợp với văn hóa truyền thống cũng như cuộc sống hiện đại”. Đó là mục tiêu và động lực mà Sầm Văn Bình mang theo vào con đường nghiên cứu phong tục tập quán Thái.
Trên nền tảng kiến thức về văn học dân gian, Sầm Văn Bình tìm tòi để khôi phục lại các bài cúng, bài hát ru, một số làn điệu, đặc biệt là liên quan đến các phong tục tập quán vẫn phổ biến trong cuộc sống gia đình, các sinh hoạt dòng họ hiện nay. Ông không cố gắng để biên soạn các công trình khoa học về vấn đề này, mà trước hết là để cho bản thân ông thực hành những nghi lễ trong đời sống văn hóa gia đình, văn hóa dòng họ sao cho đúng với cha ông nhất dựa trên sự hiểu biết của mình. Nhiều bài cúng gia tiên bị sai lệch, bị rút gọn hay bị mất mát lâu nay đã được ông tìm hiểu, phục dựng và bổ sung vào để vận dụng vào việc thờ cúng tổ tiên nhà mình. Rồi nhiều thầy cúng, thầy mo trong vùng biết và tìm đến để trao đổi, để hỏi thêm về các bài cúng, ông lại chỉ thêm cho họ. Cứ như vậy, nhiều nghi lễ, phong tục tập quán được trở về với văn hóa truyền thống hơn và được nhiều người trong vùng hưởng ứng. Dần dần, chính quyền địa phương cũng quan tâm đến văn hóa truyền thống và hay mời ông tham dự, góp ý về các vấn đề liên quan đến đời sống sinh hoạt văn hóa tại địa phương. Tổ chức các lễ hội, xây dựng các chương trình văn hóa cho địa phương đều mời ông đến tham gia. Qua đó, góp phần làm cho một số sinh hoạt văn hóa truyền thống được khôi phục lại. Trong mấy năm gần đây, trên Báo Nghệ An số cuối tuần về dân tộc thiểu số và miền núi đã dành một chuyên mục để giới thiệu các phong tục tập quán của các dân tộc thiểu số và Sầm Văn Bình là người thường xuyên viết về phong tục tập quán Thái. Không phải là những bài viết dài dòng, đi sâu phân tích về mặt học thuật, ông viết đơn giản, gồm có tiếng Thái và tiếng Việt, để giới thiệu một phong tục tập quán, một đoạn thơ, sự tích hay nhiều khi chỉ là để giải thích một từ Thái cổ. “Khi viết cho chuyên mục này, mục đích của tôi là làm sao để cho nhiều người, nhất là những người Thái biết thêm về các phong tục tập quán dân tộc mình. Hiểu để thực hành trong đời sống sao cho đúng với truyền thống và cho hợp với hiện nay. Sau nữa, viết lên đấy cũng là một cách để lưu giữ và phổ biến về các phong tục tập quán Thái”. Đó cũng là tâm niệm của ông.
Gần đây nhất, tháng 5/2018, một công trình khác của Sầm Văn Bình vừa ra mắt bạn đọc là cuốn “Từ điển Thái - Việt (Tiếng Thái Nghệ An)”. Tiếp tục là một công trình về ngôn ngữ, nhưng không hề xa rời mục tiêu xuyên suốt của mình là hướng đến tìm hiểu, giới thiệu và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống dân tộc Thái. Để biên soạn cuốn từ điển hơn 800 trang, ngoài việc cập nhật các từ ngữ, thuật ngữ hàng ngày trong cuộc sống, ông còn tìm về các từ Thái cổ, tra cứu, tham khảo nhiều công trình nghiên cứu văn học dân gian của các đồng nghiệp khác, trao đổi với nhiều nhà nghiên cứu khác để cố gắng truyền tải được nhiều thông tin về văn hóa qua việc giải thích các từ ngữ. Một trong những thành công của ông là đưa được nhiều từ cổ vào sách vở, nhiều từ phổ biến nhưng được giải thích theo các địa phương khác nhau, các cách hiểu khác nhau. Ban đầu ông chỉ định làm từ điển về tiếng Thái ở Quỳ Hợp nhưng sau đó đã dày công chuẩn bị và mở rộng ra thành tiếng Thái Nghệ An để cuốn sách được rộng hơn, đa dạng hơn và truyền tải được nhiều nét văn hóa đặc trưng qua các từ địa phương ở nhiều nơi khác nhau.
Với những nỗ lực không biết mệt mỏi, Sầm Văn Bình đã góp phần khôi phục và phát huy nhiều giá trị văn hóa truyền thống của người Thái ở Quỳ Hợp nói riêng và Nghệ An nói chung./.