Nếu tính từ năm 1943, khi bắt đầu tham gia ngành giáo dục, cho đến nay, tròn 70 năm, Giáo sư Hoàng Như Mai đã toàn tâm toàn ý cho sự nghiệp trồng người như lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “ Vì lợi ích mười năm trồng cây, vì lợi ích trăm năm trồng người”. Giáo sư Hoàng Như Mai là một nhà giáo, một nhà hoạt động văn hóa - xã hội, và hơn thế là một nghệ sĩ đa tài. Năm 2005, nhà xuất bản Giáo dục xuất bản tác phẩm Hoàng Như Mai - Tuyển tập (do PGS Trần Hữu Tá tuyển chọn và giới thiệu). Có thể coi đây là công trình của một đời văn, có chất lượng cao và đặc biệt hết sức phong phú về nội dung. Tác phẩm gồm hai phần lớn: Phần thứ nhất (Nghiên cứu và phê bình) bao gồm các công trình nghiên cứu văn hóa, văn học và sân khấu cải lương. Phần thứ hai (Hồi ức và sáng tác) bao gồm hồi ký, truyện thiếu nhi, kịch và thơ. Là thế hệ học trò của Giáo sư Hoàng Như Mai, và về sau là đồng nghiệp tham gia giảng dạy môn văn học Việt Nam hiện đại (từ sau năm 1945), tôi có được cái may mắn thụ hưởng những “luống cày vỡ” của Thầy khi tiếp cận giáo trình Văn học Việt Nam hiện đại (1945 -1960) do Nhà xuất bản Giáo dục ấn hành năm 1961. Nhiều thế hệ học trò Khoa Ngữ văn (Đại học Tổng hợp Hà Nội) còn nhớ như in hình ảnh người thầy có mái đầu bạc như cước, đôi mắt sáng tinh anh, giọng nói trời phú âm vang mà nồng ấm, phong thái vừa khoan thai, vừa như nghệ sĩ trên sân khấu đã truyền lửa cho những sinh viên hiếu học, càng tăng thêm lòng yêu đất nước, quê hương qua những áng văn thơ bỗng nhiên “mọc cánh” từ bài giảng của Thầy. Bí quyết để Thầy chinh phục người nghe, tôi cứ nghĩ, không gì khác ngoài cái tình người, tình đời sâu thẳm. Hay nói cách khác từ một tấm lòng nhân hậu bao la. Thầy không hề cao đàm khoát luận, Thầy xa lạ với lối hàn lâm kinh viện, Thầy có cái khả năng biến những điều phức tạp nhất thành sự giản dị, chân phương.Tôi nghĩ, ít người truyền được cảm hứng yêu văn chương cho học trò, như Thầy.Mãi sau này khi trưởng thành, tôi mới ngẫm ra: cái đẹp chính là sự giản dị, cũng như chân lí bao giờ cũng giản dị. Năm 1986, nhân dịp kỉ niệm 30 năm thành lập Khoa Ngữ văn (Đại học Tổng hợp Hà Nội), Thầy từ thành phố Hồ Chí Minh đã trở về với đồng nghiệp, với sinh viên của Khoa trong ngày hội lớn. Đứng cạnh thầy, riêng tôi có cảm giác như Thầy vừa mang cái hơi ấm của một vùng đất nắng gió phương Nam ra miền Bắc vào cữ tháng mười se se lạnh. Dịp đó Thầy đã viết những dòng thơ giản dị, chân tình và xúc động “Thầy cô người mất người còn/ Sinh viên mấy nấm mồ chôn chiến trường/ Ba mươi năm một chặng đường/Về đây có cả buồn thương vui mừng/ Nguyện xin đốt nén hương chung/ Những ai đã khuất hãy cùng lại đây” (Trở về Khoa Ngữ văn). Trong tác phẩm Hoàng Như Mai - Tuyển tập, chọn đăng 36 bài thơ của Thầy, ai có dịp đọc sẽ thấy, một tâm hồn thi sĩ, đắm đuối với đời, với người. Dường như không có kĩ thuật, dường như xa lạ với các chủ nghĩa, thơ của Thầy vọt trào lên từ sự sống, một sự sống không bao giờ chán nản. Tôi nghĩ, chính cái chất lạc quan, vui sống đã giúp Thầy trường thọ, khỏe mạnh, tinh anh như chúng ta thấy cho đến tận hôm nay, trước ngày đi xa.
Sự nghiệp trồng người mà Thầy đã dâng hiến trong 70 năm tròn là một bài học, là một tấm gương sáng cho các thế hệ thầy cô giáo trẻ noi theo. Nhưng tôi còn nghĩ, làm nên bề dày, tầm cao, chiều sâu của một nhà giáo trong nghĩa đích thực, từ đầu đến cuối sự nghiệp giáo dục, Thầy luôn luôn có ý thức sâu sắc và mạnh mẽ về mối dây liên hệ giữa nhà trường và xã hội. Tôi còn nhớ câu Thầy vẫn nhắc nhở khi tôi được thụ giáo “Lý thuyết thì xám còn cây đời mãi xanh tươi”. Những năm tháng tôi (và nhiều đồng nghiệp khác nữa) được Thầy dìu dắt, Thầy vẫn chỉ nhận mình là người chở đò kiên nhẫn, người làm vườn vĩnh cửu. Cái phẩm tính khiêm tốn ấy không dễ gì tìm thấy ở những người chung quanh chúng ta. Nhìn vào tiểu sử của Thầy, bất cứ ai cũng có thể nhận biết một điều hết sức giản dị: có thể sự thành đạt trong trường đời, như ai đó nói, là do cái “số”. Nhưng bằng tấm gương lao động không mệt mỏi của Thầy, tôi lại thấy đó chính là kết quả của sự lao động cần cù, kiên nhẫn; là kết quả của niềm tin mãnh liệt vào sự chiến thắng cuối cùng của chính nghĩa và cái đẹp. Cuộc đời của Thầy không hề giản đơn, suôn sẻ, chỉ đi trên những nẻo lối toàn hoa thơm, chỉ toàn tiếng hoan ca ngây ngất. Bên Thầy nhiều năm tôi mới nhận biết một cách sâu sắc rằng: chính Thầy đã tự tại, đã đắc đạo hơn rất nhiều người cả trong những trạng huống nan nguy nhất trên đường đời. Hình như không thấy Thầy buồn, lại càng không thấy Thầy rơi vào “bĩ cực”, tưởng như Thầy có phép màu biến không thành có, biến bại thành thắng. Không hề như thế, trái lại, Thầy biết cách điều hòa tâm thế, biết rất rõ cái “ngưỡng” của đời sống, Thầy biết “cho” và “nhận” một cách hài hòa theo tinh thần nhà Phật. Thật sự tự đáy lòng, trong giờ phút này, tôi không muốn kể về những gì Thầy đã làm được, mà chỉ muốn tâm niệm và chia sẻ một điều hết sức giản dị - Thầy đã sống như thế nào giữa chúng ta.
Nhưng hỡi ôi, mấy ai vượt qua được cái quy luật khắt khe của tạo hóa “sinh lão bệnh tử”! Rồi cũng đến cái ngày mà không ai muốn, nhưng không thể chống lại được - con người cuối cùng rồi trở về với đất, cũng có thể vì “người ta là hoa đất” chăng? Giáo sư- Nghệ sỹ sỹ Hoàng Như Mai đã đi vào cõi thiên thu ngày 27- 9 - 2013. Bài viết của tôi, trong giờ khắc này, như một nén tâm nhang dâng lên linh hồn người Thầy của tôi, của bạn, của chúng ta. Trong tôi, giờ khắc này, bỗng chốc chan hòa cả hai tâm trạng đặc biệt: đau thương và tự hào. Đau thương vì vĩnh quyết một Con Người viết hoa. Tự hào vì thế giới này đã từng sinh ra một Con Người như Giáo sư - Nhà giáo Nhân- Nhà văn Hoàng Như Mai.
Vĩ thanh: Bài này tôi viết năm 2013, khi Thầy đi vào cõi vĩnh hằng. Đã 5 năm trôi qua. Sang năm 1919, kỷ niệm 100 năm sinh một bậc túc nho/nghệ sỹ có nhiều đóng góp cho sự nghiệp trồng người và phát triển văn hóa, văn nghệ dân tộc. Trong tôi sống lại những kỷ niệm về người Thầy đầu tiên tôi thụ giáo nghề Văn. Còn nhớ, sau khi nhận quyết định ở lại Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội làm công tác giảng dạy, tôi được Chi ủy và Tổ bộ môn phân công chuẩn bị giáo trình Văn học Việt Nam từ sau 1945. Một sáng mùa thu năm 1974, tôi đến thăm nhà Thầy ở phố Nguyễn Du cắt phố Quang Trung, cạnh hồ Ha Le. Thầy đón tôi như một người thân đi xa về. Câu chuyện của Thầy và tôi, thật lạ, không dính dáng gì đến chuyên môn, giáo án, giáo trình. Đa phần là chuyện quê hương bản quán, gia cảnh, tình hình ăn ở, sinh hoạt trong khu tập thể Ký túc xá Mễ Trì (trên đường Lương Thế Vinh, quận Thanh Xuân bây giờ). Kể cả chuyện bao đồng. Cuối buổi sáng, chừng hơn 11 giờ, tôi thưa việc ra thăm Thầy còn có mục đích thụ giáo nghề. Thầy cười hiền hòa và nói “Anh cứ về làm việc. Cứ tự chủ. Cứ nỗ lực ắt tới đích. Tôi tin anh sẽ làm tốt nghề dạy học!”. Rồi thầy vui vẻ hỏi tiếp “Anh có biết bơi?”. Câu hỏi tưởng như không hề ăn nhập với không khí câu chuyện. Tôi trả lời “Em biết bơi từ nhỏ, vì nhà ở cạnh sông Lam”. Thầy hỏi “Thế có ai dạy bơi?”. Tôi trả lời “Dạ! Bọn nhỏ chúng em cứ nhảy xuống sông, khươ tay loạn xạ, cuối cùng rồi cũng bơi được!”. Thầy kết luận “Đấy! Anh biết bơi nào có cần ai dạy!”. Chia tay Thầy, tôi vẫn chưa thật yên tâm. Cứ nghĩ, đáng lý hôm nay phải nhận dược từ Thầy những “bí kíp” gì đó về nghề dạy học. Ai ngờ… Cho đến tận hôm nay, khi tóc đã nhuốm sương, đã bước vào ngưỡng “xưa nay hiếm”, tôi mới ngộ ra bài học Thầy trao cho tôi trên bước đường đầu tiên còn run rẩy, loạng choạng “Nếu được người khác tin cậy, ta sẽ có sức mạnh”. Bài học khai tâm, vỡ lòng, A/B/C, vì saongày naykhó thực hiện vậy? Con người không còn tin nhau thì làm sao có sức mạnh? Năm 1980, Thầy được tổ chức điều động vào công tác ở thành phố mang tên Bác, xây dựng khoa Ngữ văn, Đại học Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh. Thầy nhắn tôi ra nhà riêng nói chuyện. Hóa ra Thầy có dự định “rủ” tôi vào trong đó. Thầy nói “Anh còn trẻ, hãy dấn thân một chuyến xem sao. Trong đó đất mới, nhiều cơ hội!”. Tôi khất Thầy một tuần sau trả lời. Nhưng rồi Thầy “Nam tiến” không có tôi. Có lẽ bản tính tôi nhút nhát, ngại thay đổi, không ưa phiêu lưu mạo hiểm. Vả lại lúc đó đã vợ con bìu ríu. Mà vợ thì nhất quyết không đi vô Nam. Mãi sau này, nhiều lần trở về Bắc, Thầy và tôi vẫn gặp nhau. Lúc này thì Thầy lại nói “Thôi thì anh ở lại cũng hay. Ở đâu cũng cần có người làm việc tốt!”. Tôi thực sự cảm động và biết ơn Thầy đã tin tưởng, thấu hiểu, đồng cảm, động viên, đánh giákịp thời.
Tôi không dám tự nhận mình là “truyền nhân” của Thầy (như vài ba anh chị khác có vẻ hãnh diện này nọ khi dược tiền bối giúp đỡ, nâng đỡ, dìu dắt mà thành người có tý chút danh mọn). Tôi âm thầm học hỏi người Thầy lớn của mình. Âm thầm hiện thực hóa những kinh nghiệm đường đời và đường Văn mà Thầy đã truyền cảm hứng. Tôi nghĩ, tuy Thầy không cầm tay chỉ việc tôi như nhiều người khác được hưởng lợi, nhưng có lẽ cái cách của Thầy cho đến nay thực sự là vi diệu. Ngày nay đào tạo theo “mớ”, nên không tránh khỏi trồi sụt chất lượng. Tôi theo con đường tự đào tạo mà Thầy đã kinh qua, trưởng thành và gặt hái thành quả.
Tôi viếtVĩ thanhvào những ngày cuối thu Hà Nội. Viết trong tâm cảm hoài niệm. Viết nhưđểkhơi dậy ký ức đẹpđẽvà lương thiện. Tôi mãimãinhớ lời Thầy lần cuối gặp ở Hà Nội “Hãy cố gắng làm người tử tế trước khi trở thành tài!”./.
Hà Nội, 2013-2018