Văn hoá học đường

Chương trình Ngữ Văn mới: Cuộc cách mạng về kỹ năng giao tiếp?

      Chương trình chi tiết môn Ngữ Văn trong hệ thống các môn học thuộc chương trình giáo dục phổ thông tổng thể vừa được Bộ GD&ĐT công bố vào cuối năm 2018, nằm trong lộ trình đổi mới chương trình, SGK đã được Quốc hội thông qua. So với chương trình môn Ngữ Văn hiện hành, chương trình môn Ngữ Văn mới có sự thay đổi căn bản, toàn diện về quan điểm xây dựng chương trình, về mục tiêu, phương pháp dạy học. Vấn đề cốt lõi của chương trình Ngữ Văn mới là mở, hướng về các kỹ năng giao tiếp, thực hành ngôn ngữ, đáp ứng các nhu cầu giao tiếp thực tế trong cuộc sống.

     

Học sinh Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng, TP. Vinh trong gờ định hướng nghề nghiệp

      Bất cập của chương trình Ngữ Văn hiện hành

      Qua khảo sát, chương trình Ngữ Văn THCS&THPT hiện hành thiên về chú trọng về kỹ năng tạo lập văn bản viết, với chương trình khép kín, tĩnh, thiên về chuyên môn Ngữ Văn. Cụ thể, phân phối chương trình môn Ngữ Văn THCS hiện hành, cho thấy số tiết học rèn luyện kỹ năng nói chiếm tỷ lệ rất thấp. Trong tổng số 595 tiết của chương trình Ngữ Văn THCS, số tiết rèn luyện, thực hành kỹ năng nói chỉ lác đác trên đầu ngón tay: Luyện nói kể chuyện; Luyện tập xây dựng bài tự sự - Kể chuyện đời thường; Kể chuyện tưởng tượng; Thi kể chuyện; Luyện nói về quan sát, tưởng tượng, so sánh và nhận xét trong văn miêu tả; Luyện nói về văn miêu tả (lớp 6); Luyện nói: Văn biểu cảm về sự vật, con người; Luyện nói: Phát biểu cảm nghĩ về tác phẩm văn học (lớp 7); Luyện nói: Kể chuyện theo ngôi kể kết hợp với miêu tả và biểu cảm; Luyện nói: Thuyết minh một thứ đồ dùng (lớp 8); Luyện nói: Tự sự kết hợp với nghị luận và miêu tả nội tâm (lớp 9). Chương trình Ngữ Văn THPT hiện hành có 333 tiết, tuy nhiên, không có bài học nào dành riêng rèn luyện kỹ năng nói. Ngay cả những bài rèn luyện kỹ năng nói của bậc THCS cũng thiên về các vấn đề chuyên môn của ngôn ngữ và văn học, rất ít các chủ đề của giao tiếp đời thường.

      Do chương trình như vậy, học sinh học xong THCS và THPT kỹ năng nói rất yếu, thường lúng túng trong các hoạt động giao tiếp đời thường, hầu như không viết được các văn bản hành chính, nhật dụng, kể các học sinh đạt điểm số cao, học sinh giỏi.

      Sự đổi mới mạnh mẽ của chương trình Ngữ Văn mới

      Trong nội dung quan điểm xây dựng chương trình, Bộ GD&ĐT cho rằng: “Chương trình lấy việc rèn luyện các kĩ năng giao tiếp (đọc, viết, nói và nghe) làm trục chính xuyên suốt cả ba cấp học nhằm đáp ứng yêu cầu của chương trình theo định hướng năng lực và bảo đảm tính chỉnh thể, sự nhất quán liên tục trong tất cả các cấp học, lớp học. Các kiến thức phổ thông cơ bản, nền tảng về tiếng Việt và văn học được hình thành qua hoạt động dạy học tiếp nhận và tạo lập văn bản; phục vụ trực tiếp cho yêu cầu rèn luyện các kĩ năng đọc, viết, nói và nghe”. Cũng theo Bộ GD&ĐT, chương trình được xây dựng theo hướng mở, thể hiện ở việc không quy định chi tiết về nội dung dạy học mà chỉ quy định những yêu cầu cần đạt về đọc, viết, nói và nghe cho mỗi lớp.       

      Đối với học sinh THPT, chương trình đặt ra mục tiêu: “Viết thành thạo kiểu văn bản nghị luận và thuyết minh tổng hợp (kết hợp các phương thức biểu đạt và các thao tác nghị luận), đúng quy trình, có chủ kiến, đảm bảo logic và có sức thuyết phục. Nói và nghe linh hoạt; có khả năng nghe và đánh giá được nội dung cũng như hình thức biểu đạt của bài thuyết trình; biết tham gia và có chủ kiến, cá tính, có thái độ tranh luận phù hợp trong tranh luận”. Đây là những điểm mới so với chương trình hiện hành, phù hợp với mục tiêu rèn luyện kỹ năng sống cho học sinh và tương đồng với chương trình ngôn ngữ và văn học hiện hành của nhiều quốc gia tiên tiến.

      Đi vào chi tiết, chương trình Ngữ Văn mới đưa ra những yêu cầu khó, cao so với chương trình hiện hành, nhưng rất thiết thực, chú trọng vào các kĩ năng thực hành, thể hiện năng lực, cá tính, quan điểm riêng, giải quyết những tình huống giao tiếp cụ thể trong đời sống.

      Ví dụ, đối với lớp 12, yêu cầu học sinh: Viết thành thạo kiểu văn bản nghị luận và thuyết minh tổng hợp (kết hợp các phương thức biểu đạt và các thao tác nghị luận), đúng quy trình, có chủ kiến, đảm bảo logic và có sức thuyết phục. Nói và nghe linh hoạt; có khả năng nghe và đánh giá được nội dung cũng như hình thức biểu đạt của bài thuyết trình; biết tham gia và có chủ kiến, cá tính, có thái độ tranh luận phù hợp trong tranh luận.

      Về phương diện văn học, chương trình cũng đặt ra những mục tiêu rất cao như: “Nhận biết và phân tích được quan điểm của người viết về lịch sử, văn hóa, được thể hiện trong văn bản. Vận dụng được kinh nghiệm đọc, trải nghiệm về cuộc sống và kiến thức văn học để đánh giá, phê bình văn bản văn học, thể hiện được cảm xúc, suy nghĩ của cá nhân về văn bản văn học”.

      Băn khoăn về tính khả thi

      Có thể nói chương trình Ngữ Văn mới đã tạo ra một cuộc “cách mạng” trong môn Ngữ Văn, xóa bỏ lối học vẹt, học tủ, dạy kiểu “đọc - chép”, văn mẫu, không có giá trị ứng dụng thực tiễn. Nếu mục tiêu trên được hiện thực hóa, thì rất tốt cho sự phát triển, tương lai của học sinh. Tuy nhiên, điều đáng nói là chương trình mới nhưng các điều kiện thực hiện vẫn không thay đổi. Đội ngũ giáo viên được đào tạo qua nhiều thế hệ, cơ bản đã quen thuộc với chương trình và lối dạy học hiện hành; tâm lý xã hội chưa thích ứng với sự đổi mới giáo dục, nhiều khó khăn về thời gian, điều kiện cơ sở vật chất, kinh phí,… dẫn đến lo ngại chương trình sẽ khó đạt mục tiêu đề ra.

      PGS, TS Đinh Trí Dũng - Khoa Ngữ Văn, Trường ĐH Vinh cho rằng chương trình Ngữ Văn mới rất hay, song để thực hiện thành công các mục tiêu đề ra không phải dễ. Theo PGS, TS Đinh Trí Dũng, đội ngũ giáo viên cần đổi mới, bắt kịp mục tiêu chương trình.

      Lịch sử giáo dục hiện đại đã trải qua nhiều lần đổi mới, cải cách, thay đổi chương trình, SGK, có thành công và thất bại cũng không ít. Đổi mới là tất yếu, tuy nhiên, cần làm như thế nào để bảo đảm thành công, không tạo ra sự khủng hoảng, lãng phí, đang là bài toán đặt ra cho ngành Giáo dục.

 

 

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114515353

Hôm nay

231

Hôm qua

2367

Tuần này

2954

Tháng này

213292

Tháng qua

121009

Tất cả

114515353