Người xứ Nghệ

Linh Quận công Nguyễn Trọng Đạt

Mộ Linh Quận công Nguyễn Trọng Đạt, phường Nghi Hương, TX Cửa Lò

Ở vùng đất Thượng Xá xưa (nay là một phần đất huyện Nghi Lộc và thị xã Cửa Lò) có một dòng họ danh gia vọng tộc, đó là dòng họ Nguyễn Đình. Trong suốt dòng chảy của lịch sử dân tộc, thời nào họ Nguyễn Đình cũng xuất hiện những bậc hiền tài có công với quê hương, đất nước làm rạng danh cho quê hương xứ sở đồng thời góp phần tô thắm thêm truyền thống võ nghiệp của dòng họ trong đó có công lao của 15 người con trai của Nguyễn Xí. Ngoài những công lao đánh Đông dẹp Bắc, những người con của Nguyễn Xí còn có nhiều công lao khai hoang mở đất xây dựng xóm làng trong đó có người con trai thứ 10 là Linh quận công Nguyễn Trọng Đạt.

Nguyễn Trọng Đạt tên chữ là Nguyễn Trọng Độ, không rõ năm sinh nhưng khoảng vào những thập niên đầu của thế kỷ XV, lớn lên trong một gia đình danh gia thế phiệt, có truyền thống thượng võ và giàu lòng trung quân ái quốc. Thân sinh ông là một dũng tướng, bậc khai quốc công thần. Chính vì vậy, Nguyễn Trọng Đạt cùng các anh em trong gia đình được thừa hưởng tinh thần thượng võ của cha ông và sớm trở thành những rường cột của triều đình nhà Lê Sơ ở thế kỷ XV.

Thủa nhỏ Nguyễn Trọng Đạt là người thông minh, nhanh nhẹn. Đến lúc trưởng thành, ông được bổ nhiệm một chức võ quan ở kinh thành. Đến nămẤt Sửu (1445), Nguyễn Trọng Đạt theo cha đi đánh Chiêm Thành, sau khi bắt được tù binh đưa về vùng Bàu Ổ (có tài liệu dẫn là Bàu Ú, Bàu Ó), Nguyễn Xí đã giao cho ông trực tiếp cai quản vỗ về các tù hàng binh này, “Nguyễn Xí đã giao cho Nguyễn Trọng Đạt (người con thứ 10) cai quản và tổ chức lực lượng tù binh Chăm, gồm các tướng Chế Đình Đá, Chế Đình Lân, Chế Đình Hiệp tiến hành khai khẩn đất đai tại vùng bãi ngang phía Đông Nam huyện Chân Lộc. Kết quả công cuộc khai khẩn ruộng đất đã hình thành nên các làng Bàu Ổ, Thu Lũng([1]).

Đầu năm Kỷ Mão (1459)([2]), Lạng Sơn vương Lê Nghi Dân tiếm ngôi vua. Đến tháng 6 năm Canh Thìn (1460), Nguyễn Xí cùng một số đại thần xướng nghĩa diệt bọn phản nghịch Phạm Đồn, Phạm Ban. Lúc này, Nguyễn Sư Hồi cùng với một số người em của mình trong đó có Nguyễn Trọng Đạt đã tham gia cùng đội cấm binh dẹp bọn nổi loạn góp phần quan trọng vào việc phế truất vua Lê Nghi Dân, đưa gia vương Lê Tư Thành (tức Lê Thánh Tông) lên ngôi vua, mở ra một triều đại cực thịnh của nhà Hậu Lê. Chính vì vậy, sau khi lên ngôi vua Lê Thánh Tông đã vinh phong cho Nguyễn Trọng Đạt tước “Tán trị công thần([3]).

Tháng 3 năm 1469, giặc Chiêm Thành lại đi thuyền, vượt biển đến cướp phá, quấy nhiễu Châu Hóa. Để bảo vệ vùng biên cương của Tổ quốc, triều đình đã tăng cường công tác luyện tập võ nghệ và cử tướng giỏi vào canh giữ các nơi hiểm yếu, trong đó có vùng Cửa Xá. Cũng trong thời gian này, Nguyễn Sư Hồi được triều đình giao cho nhiệm vụ trấn thủ Nghệ An và lấy Cửa Xá (nay là thị xã Cửa Lò) làm căn cứ trung tâm của hạm đội([4]). Nguyễn Trọng Đạt, Nguyễn Kế Sài cũng được điều động về tăng cường lực lượng cho hạm đội ở đây([5]). Khi được điều về quê hương, Nguyễn Trọng Đạt đã cùng với các anh của mình xây dựng căn cứ, tuyển mộ binh sỹ, tổ chức luyện tập thủy chiến, cử người bố phòng tuần tra canh gác.

Tháng 8 năm 1470, quốc vương Chiêm Thành lại thân chinh kéo hơn 10 vạn quân thủy bộ sang đánh chiếm Châu Hóa, “Tướng trấn giữ biên thùy ở Châu Hóa là Phạm Văn Hiển đánh không nổi, phải dồn cả dân vào thành, rồi cho chạy thư cấp báo([6]). Để lấy lại đất Châu Hóa, giữ nước, yên dân, tháng 11 năm đó, vua Lê Thánh Tông xuống chiếu bá cáo thiên hạ và thân chinh kéo đại quân đi đánh dẹp Chiêm Thành. Trong cuộc chinh phạt Chiêm Thành lần này, Nguyễn Trọng Đạt thuộc quân số của Bắc Đạo quân phủ là một trong 3 phủ vệ đi theo tướng quân Đinh Liệt([7]), Lê Niệm([8]) tiến vào Nam. Sau những ngày tháng chiến đấu kiên cường, đến ngày 1 tháng 3 năm 1471, đại quân nhà Lê đã giành thắng lợi “hạ được thành Chà Bàn, bắt sống hơn 3 vạn người, chém hơn 4 vạn thủ cấp, bắt sống Trà Toàn rồi đem quân về nước([9]). Chiến thắng lần này đã mở rộng cương vực nước ta về phía Nam của Tổ quốc. Sau thắng lợi trở về, triều đình bình công khen thưởng, Nguyễn Trọng Đạt với những cống hiến to lớn của mình được thăng lên làm Bắc Quân Đô Đốc phủ, Tả (hữu) Đô đốc([10]). Đây là một chức võ quan cao cấp thuộc hàm tòng nhất phẩm và gia tặng tước Linh Quận công.

Ngoài những chiến công hiển hách trên chiến trường, Nguyễn Trọng Đạt còn có nhiều đóng góp cho quê hương vùng Nghi Lộc.

Trong quá trình chiến đấu chống quân Minh và quân Chiêm Thành sang xâm lược, triều đình đã bắt được rất nhiều tù binh, một phần trong số đó triều đình đã ban cho Nguyễn Xí làm nô bộc. Để cải tạo và cảm hóa các tù binh này thành những công dân người Việt, Nguyễn Xí đã giao cho Nguyễn Trọng Đạt tập trung tù binh Chăm về vùng Bàu Ổ, tù binh nhà Minh về vùng Đồng Sô để khai hoang lập làng([11]). Đề cập đến vấn đề này học giả người Pháp Hippolyte Le Breton trong cuốn An Tĩnh cổ lục đã viết như sau: “Nguyễn Xí được cấp lãnh địa miền duyên hải nằm giữa Cửa Lò và Cửa Hội ngày nay. Trong số các đầm phá có Bàu Ó, cái Bàu mà theo sách địa chí thì gọi là Hồ nước biển. Dọc theo bờ Bàu Ó, Nguyễn Xí lập nên làng Bàu Ó mà đất đai thì do một đám tù binh Tàu mà Nguyễn Xí bắt được trong các cuộc chiến tranh ở An - Tĩnh (1418 - 1428) khai khẩn. Trên những đầm phá khác, Nguyễn Xí lập ra rất nhiều làng. Đất đai mới nổi lên đều do người Chăm khai khẩn”. Mặc dù thực ấp và tù binh được nhà vua phong cho Nguyễn Xí nhưng do bận việc quân cơ, triều chính, Nguyễn Xí không tham gia trực tiếp vào quá trình quản lý khai thác ruộng đất của mình mà chủ yếu giao cho các con quản lý. Do đó, trên thực tế vùng đất Bàu Ổ, Đồng Sô do Nguyễn Trọng Đạt trực tiếp tổ chức việc khai khẩn. Sách “Lịch sử đảng bộ và nhân dân xã Nghi Hương” cho biết: “Tín Đạt Đại phu Nguyễn Trọng Đạt con trai thứ 10 của Cương Quốc Công Nguyễn Xí. Ông đã đưa tù hàng binh Chiêm Thành về  khai canh lập ấp dựng nên làng này”([12]).

Để đẩy nhanh quá trình cộng cư giữa người Chăm và người Việt, Nguyễn Trọng Đạt đã tạo mọi điều kiện cho người Chăm và người Việt tiếp xúc giao lưu với nhau. Qua quá trình cộng cư cùng nhau chống chọi với thiên nhiên khắc nghiệt đã giúp người Chăm và người Việt đoàn kết, đùm bọc giúp đỡ lẫn nhau, về sau họ còn gắn bó qua mối quan hệ huyết thống thông qua hôn nhân. Hiện nay, tại vùng Nghi Hương, Nghi Thu có rất nhiều dòng họ Chế sống hỗn cư với các dòng họ khác như họ Hoàng, họ Nguyễn Đình, họ Trần, họ Nguyễn,…

Nguyễn Trọng Đạt còn chỉ bảo cho người Chăm cách thức khai khẩn ruộng đất, phong tục tập quán canh tác của người Việt để họ nhanh chóng ổn định cuộc sống. Để phát triển giao thông đi lại trong vùng, Nguyễn Trọng Đạt đã xuất tiền, chỉ đạo tù binh Chăm, cùng nhân dân quanh vùng xây dựng đường xá, cầu cống từ vùng thượng Cầu Ngã, hạ Bồi Mao, bắc Lan Châu, nam Đá Dựng. Hiện nay, tại địa phương vẫn còn tồn tại một số phế tích cầu đá xưa như: cầu Kênh Tắt, cầu Kênh Ao, cầu Kênh Cầu gắn với nhiều sự tích liên quan đến công lao của Nguyễn Trọng Đạt …Ông còn tiếp tục phát triển chợ Sơn để trở thành nơi giao thương buôn bán trao đổi hàng hóa giữa người Chăm và người Việt. Nguyễn Trọng Đạt đã tạo điều kiện để phát triển kinh tế và giao thoa văn hóa giữa hai tộc người Việt - Chăm tại vùng đất này. Thủa ban đầu vùng Bàu Ổ được xem là trại giam tù hàng binh Chăm nhưng qua một thời gian ngắn nơi đây đã trở thành quê hương thứ hai của người Chăm. Họ đã quen dần với phong tục tập quán của người Việt cũng như môi trường sống ở đây, nên người Chăm đã cộng cư và dần dần trở thành một bộ phận dân cư không thể tác rời của Đại Việt xưa cũng như Cửa Lò ngày nay.

Việc hình thành các đơn vị hành chính như thôn Bàu Ổ, Đồng Sô đã tạo điều kiện cho các tù hàng binh Chiêm Thành và tù binh nhà Minh dần xóa bỏ thân phận tù binh để trở thành chủ nhân của làng xã, trở thành công dân của quốc gia Đại Việt và chính họ đã góp phần khai hoang, mở đất, tạo dựng nên các vùng quần cư mới.

Nguyễn Trọng Đạt mất ngày 17 tháng 5 (không rõ năm). Thi hài ông được con cháu và nhân dân an táng tại trang Bàu Ổ, đến năm 1578, để tri ân tưởng niệm công lao của ông nhân dân vùng Bàu Ổ đã lập đền thờ phụng bên cạnh khu mộ của ngài. Theo gia phả họ Nguyễn Đình cho biết: “Quang Hưng nguyên niên bát nguyệt, cát nhật thiết lập từ đường tại Bàu Ổ thôn, giáp Văn Trung Thôn lung nhị sở nội hữu phần mộ, kim triều Tự Đức thất niên sắc phong bản cảnh thành hoàng linh phù chi thần([13]) nghĩa là (ngày tốt tháng 8 năm 1578, lập đền thờ tại thôn Bàu Ổ giáp thôn Văn Trung, trong khuôn viên có phần mộ, năm Tự Đức thứ 7 được sắc phong bản cảnh thành hoàng linh phù chi thần

Nguyễn Trọng Đạt, cùng với những người anh của mình đã góp phần rất lớn trong việc khai hoang lập làng, mở mang kinh tế tạo điều kiện vật chất cho việc hình thành nên nhiều làng xã trên địa bàn huyện Nghi Lộc, như: Nguyễn Sư Hồi với vùng Vạn Lộc, Nguyễn Kế Sài với vùng Thượng Xá,…còn Nguyễn Trọng Đạt đã lập ra vùng Bàu Ổ, Đồng Sô. Việc hình thành các đơn vị hành chính như thôn Bàu Ổ, Đồng Sô đã tạo điều kiện cho các tù hàng binh Chiêm Thành và tù binh nhà Minh dần xóa bỏ thân phận tù binh để trở thành chủ nhân của làng xã, trở thành công dân của quốc gia Đại Việt và chính họ đã góp phần khai hoang, mở đất, tạo dựng nên các vùng quần cư mới là nền tảng cho sự hình thành và phát triển của một dòng họ văn hóa, một  vùng văn hóa đặc sắc trên đất Nghi Lộc, Cửa Lò hôm nay.

Đền thờ Nguyễn Trọng Đạt ở phường Nghi Hương, TX Cửa Lò

Nhà thờ Đại chi 10 ở phường Nghi Thủy, TX Cửa Lò

Mộ, Đền thờ và Nhà thờ Nguyễn Trọng Đạt ở phường Nghi Thủy và phường Nghi Hương, thị xã Cửa Lò đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích quốc gia (theo Quyết định số 416/QĐ-BVHTTDL ngày 29/01/2019). Các thế hệ con, cháu của Nguyễn Trọng Đạt đã và đang rất quan tâm bảo tồn và phát huy giá trị của di tích cũng như phát huy truyền thống của dòng họ danh gia vọng tộc này.

 

 

 


[1] Hội đồng gia tộc đại tôn Nguyễn Đình, (2013), Cương Quốc Công Nguyễn Xí, tộc phả, di huấn, phụ lục, tr 304

[2] Đại Việt sử ký toàn thư trọn bộ, NXB Thời Đại, tr 606, 607, 610

[3] Theo Lê Triều quan chế, quyển II cho biết: Bầy tôi có công văn cũng như võ đều được vinh phong từ 2 đến 8 chữ. Người nào hợp với chữ nào thì đến lúc phong sẽ đặc gia mỹ tự như: Suy trung, Dực vận, Tá lý, Cẩn Lễ, Tán trị, Dương Võ… lần này Nguyễn Trọng Đạt được phong “Tán Trị”

[4] Ninh Viết Giao, Tục thờ thần và thần tích Nghệ An, NXB Nghệ An 2000, trang 395-396.

[5] Ninh Viết Giao, Tục thờ thần và thần tích Nghệ An, NXB Nghệ An 2000, trang 395-396.

[6] Ninh Viết Giao, Tục thờ thần và thần tích Nghệ An, NXB Nghệ An 2000, trang 395-396.

[7] Đinh Liệthay Lê Liệt (? - 1471) là công thần khai quốc nhà, người thôn Phúc Long, xã Minh Tiến, huyện Ngọc LặcThanh Hóa. Đinh Liệt cùng anh ruột là Đinh Lễ đã có nhiều đóng góp trong những triều vua đầu của nhà Lê. Về sau ông đượcphong tước Quốc công.

[8]Lê Niệm (? - 1485), quê ở xã Duy Trinh, huyện Thuần Hựu, là con trai của danh tướng Lê Lâm, cháu trai của Lê Lai. Ông đã có nhiều đóng góp cho dân cho nước được các triều đại phong đến chức Thái phó Tĩnh quốc công.

[9] Theo Đại Việt Sử Ký toàn thư, tập 2. Tài liệu đã dẫn trang 700

[10] Theo Đại Việt Sử ký toàn thư tập II, (2003), NXB Văn hóa - Thông tin, tr643: cho biết: mùa Hạ tháng 4 năm Bính Tuất (1466) bắt đầu đặt 5 phủ (ngũ phủ) bao gồm Trung đạo quân phủ, Đông đạo quân phủ, Tây đạo quân phủ, Nam đạo quân phủ, Bắc đạo quân phủ.

[11] Hội đồng gia tộc đại tôn Nguyễn Đình, (2013), Cương Quốc Công Nguyễn Xí, tộc phả, di huấn, phụ lục, tr 304

[12] Lịch sử đảng bộ xã Nghi Hương, tr 11,12

[13] Gia phả họ Nguyễn Đình, Thượng Xá tr16

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114511803

Hôm nay

2129

Hôm qua

2337

Tuần này

22177

Tháng này

218676

Tháng qua

121356

Tất cả

114511803