Những góc nhìn Văn hoá

Phó Giáo sư Nguyễn Lộc với những thành tựu nghiên cứu về văn học cổ điển Việt Nam và về Nguyễn Du và Truyện Kiều

PGS - NGƯT Nguyễn Lộc

PGS - NGƯT Nguyễn Lộc là một nhà khoa học tên tuổi, một nhà giáo lão thành đáng kính mà các thế hệ học sinh, sinh viên từ gần cuối thập niên 60 thế kỷ XX cho đến nay ở ngoài Bắc trong Nam đều biết tiếng qua các bộ giáo trình và chuyên khảo của Thầy. Thầy là vị Trưởng khoa thứ hai của Khoa Ngữ văn và Báo chí, Trường Đại học Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, nhiệm kỳ 1990-1994 (nay là Trường ĐHKHXH &NV - ĐHQG TP.HCM).

Trong hơn nửa thế kỷ giảng dạy và nghiên cứu, thầy Nguyễn Lộc đã cho công bố nhiều công trình có giá trị học thuật. Cụ thể là:

Bài báo khoa học đã công bố trên tạp chí chuyên ngành:

1. Phong kiến Việt Nam có đấu tranh để thoát ly sự lệ thuộc của chữ Hán không? Tập san Văn – Sử – Địa, số 25, năm 1957.

2. Về ngôn ngữ nhân vật trong “Truyện Kiều”. Tạp chí Văn học, số 11/1966.

3. Vấn đề phân kì trong lịch sử văn học dân tộc và quy luật vận động của văn học dân tộc. Tạp chí Văn học, số 3/1985.

4. Những vấn đề để xây dựng một nền văn học lớn. Tạp chí Văn học, số 1/1990.

Giáo trình, sách giáo khoa, chuyên khảo, sách tham khảo đã xuất bản:

1. Văn học Việt Nam thế kỷ XVIII - nửa đầu thế kỷ XIX. viết chung với Hoàng Hữu Yên, NXB Giáo dục 1962.

2. Văn học Việt Nam nửa cuối thế kỷ XVIII - nửa đầu thế kỷ XIX (2 tập). NXB Đại học và Trung học chuyên nghiệp, 1976 và 1978, tái bản 1992.

3. Văn học Việt Nam nửa cuối thế kỷ XIX. NXB Đại học và Trung học chuyên nghiệp 1971, tái bản 1976.

Hai bộ giáo trình này (mục 2 và 3) đã được NXB Giáo dục in thành bộ sách Văn học Việt Nam thế kỷ XVIII - hết thế kỷ XIX, xuất bản 1999 từ đó đến nay đã tái bản đến gần 10 lần.

4. Tự điển văn học (2 tập, đồng tác giả). NXB Khoa học Xã hội 1983-1984. Tái bản có bổ sung. NXB Thế giới 2004.

5. Nguyễn Du:con người và cuộc đời, NXB Đà Nẵng 1985 NXB Văn nghệ TP. HCM 1990. NXB Hội Nhà văn 2004.

6. Thơ Hồ Xuân Hương (khảo cứu giới thiệu ) NXB Văn học 1985

7. Cung oán ngâm khúc (khảo cứu và giới thiệu ) NXB Văn học 1986)

8. Những khúc ngâm chọn lọc (đồng biên soạn)

9. Văn học Tây Sơn. Sở Văn hóa Thông tin Nghĩa Bình 1986;

10. Tổng tập văn học Việt Nam: Văn học Tây Sơn (Tập 9A 9B), NXB Khoa học Xã hội, 1993.

11. Văn học lớp 10. (2 tập chủ biên). NXB Giáo dục 1990.

12. Nghệ thuật Hát bội Việt Nam NXB Văn hóa 1994)

13. Tự điển Nghệ thuật Hát bội (chủ biên), NXB Khoa học Xã hội 1997

14. Những tiểu luận văn học và những bài viết khác. NXB Thanh niên 2007.

Qua danh mục vừa nêu, về các bài đã đăng trên các tạp chí chuyên ngành thì có thể nói thầy cho công bố hơi ít, thậm chí rất ít. Có điều này, theo lời thầy kể là vì lý do riêng. Hồi ấy, giữa thầy với cán bộ tòa soạn tạp chí có mấy ý kiến bất đồng nên thầy không thích viết và gởi bài. Nhưng theo tôi tuy ít mà tinh. Cha ông ta thường nói “Quý hồ tinh bất quý hồ đa”. Mấy bài báo khoa học của thầy có thể khẳng định là thuộc dạng tinh chất đó.

Nghiên cứu về văn học cổ điển Việt Nam, thầy đã cho công bố nhiều chuyên khảo về tác giả, tác phẩm, thể loại, văn học sử một triều đại cụ thể và đặc biệt là bộ giáo trình văn học sử Việt Nam thế kỷ XVIII và XIX với 3 tập dày dặn và bề thế.

Riêng thành tựu nghiên cứu về Nguyễn Du và Truyện Kiều, không kể những bài viết đăng trên các báo, tạp chí và kỷ yếu Hội thảo khoa học thì hiện có đến cả ngàn danh mục. Nếu chỉ tính riêng các bộ văn học sử, các chuyên khảo thì trước công trình của thầy, ở nước ta đã có nhiều thành tựu nghiên cứu.

Các công trình văn học sử Việt Nam viết về văn học thế kỷ XVIII, XIX được xuất bản trước giáo trình của thầy có thể liệt kê một loạt như Việt Nam văn học sử yếu của Dương Quảng Hàm (1943); Việt Nam văn học sử (thời đại Lê mạt Nguyễn sơ) của Lê Trí Viễn (1952); Lược thảo lịch sử văn học Việt Nam của nhóm Lê Quý Đôn (1957-1958); Sơ thảo lịch sử văn học Việt Nam của nhóm Văn Sử Địa (1958-1960); Văn học Việt NamViệt Nam văn học giảng bình của Phạm Văn Diêu (1960, 1961); Lịch sử văn học Việt Nam, tập 3, giáo trình Đại học Sư phạm (Lê Trí Viễn chủ biên, 1961-1963); Văn học Việt Nam thế kỷ XVIII - nửa đầu thế kỷ XIX, giáo trình Đại học Tổng hợp (Hoàng Hữu Yên chủ biên, 1962, thầy có tham gia một số chương); Việt Nam văn học sử giản ước tân biên của Phạm Thế Ngũ (1961-1965), v.v..

Còn chuyên khảo về Nguyễn Du và Truyện Kiều công bố trước giáo trình của thầy thì có thể kể đến những công trình như: Khảo về Truyện Kiều của Thượng Chi (1919), Nguyễn Du và Truyện Kiều của Nguyễn Bách Khoa (1941); Văn chương Truyện Kiều của Nguyễn Bách Khoa (1942); Khảo luận về Kim Vân Kiều của Đào Duy Anh (1943); Quyền sống con người trong Truyện Kiều của Nguyễn Du của Hoài Thanh (1949); Truyện Kiều và thời đại Nguyễn Du của Trương Tửu (1956); Truyện Kiều và chủ nghĩa hiện thực của Nguyễn Du của Lê Đình Kỵ (1970), v.v…

Chuyên khảo xuất bản sau giáo trình của thầy thì có kể ra đây như Truyện Kiều và thể loại truyện Nôm của Đặng Thanh Lê (1979), Tìm hiểu phong cách Nguyễn Du trong Truyện Kiều của Phan Ngọc (1987), Thi pháp Truyện Kiều của Trần Đình Sử (2002), v.v…

Điều tôi muốn lưu ý là nếu các bộ văn học sử Việt Nam thế kỷ XVIII, XIX đã xuất bản trước và sau giáo trình của thầy thường được biên soạn bởi nhiều người như các bộ của nhóm Lê Quý Đôn, của nhóm Văn Sử Địa, của Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội chẳng hạn, thì bộ giáo trình Văn học Việt Nam thế kỷ XVIII, XIX của Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội chỉ riêng một mình thầy viết gồm ba tập dày dặn, chuyên sâu, với dung lượng 1.228 trang in co chữ 11, khổ 13 x 19. Cụ thể là: Văn học Việt Nam nửa cuối XVIII - nửa đầu XIX, tập 1, 422 trang; tập 2, 450 trang; Văn học Việt Nam nửa cuối XIX, 356 trang.

Về nội dung, giáo trình Văn học Việt Nam nửa cuối XVIII - nửa đầu XIX, tập 1 có 2 phần: Phần thứ nhất: Khái quát một giai đoạn văn học. Phần thứ hai: Những tác gia và tác phẩm tiêu biểu, gồm 6 chương: Chinh phụ ngâm; Cung oán ngâm khúc; Truyện Hoa Tiên; Sơ kính tân trang; Hoàng Lê nhất thống chí; Hồ Xuân Hương. Tập 2: Những tác gia và tác phẩm tiêu biểu (tiếp theo), gồm 6 chương: Nguyễn Du (chương: 7 và 8); Truyện Nôm bình dân; Nguyễn Công Trứ; Cao Bá Quát; Tuồng và phần Kết luận.

Giáo trình Văn học Việt Nam nửa cuối XIX, gồm 9 chương: Khái quát một giai đoạn văn học; Khuynh hướng văn học yêu nước chống Pháp; Nguyễn Đình Chiểu; Nguyễn Thông; Nguyễn Xuân Ôn; Nguyễn Quang Bích; Khuynh hướng văn học tố cáo hiện thực; Nguyễn Khuyến; Trần Tế Xương, và phần Kết luận chung.

Ba tập giáo trình trên được thầy hoàn thành lúc còn rất trẻ. Nếu giáo trình Văn học Việt Nam thế kỷ XVIII - nửa đầu thế kỷ XIX, Nxb Giáo dục, 1962, viết chung với vị giáo sư lão thành Hoàng Hữu Yên, là tiền đề, là khởi nguồn khoa học, xuất bản lúc thầy mới 24 tuổi, khi mới về công tác tại Khoa Ngữ văn, Đại học Tổng hợp Hà Nội chưa được bao lâu thì khoảng trên dưới mười năm sau, thầy đã cho công bố ba tập giáo trình đầy đặn viết về văn học Việt Nam thế kỷ XVIII và XIX, xuất bản vào năm 1971 và 1976, 1977, lúc thầy mới 34 và 38, tức chưa qua tuổi ‘tứ thập nhi bất hoặc’, với 1.228 trang in như trên có thống kê.

Riêng nghiên cứu về đại thi hào Nguyễn Du và Truyện Kiều, thầy đã cho công bố: hai chương (chương 7 và 8) trong giáo trình Văn học Việt Nam nửa cuối XVIII - nửa đầu XIX, tập 2 (1977, 1992, 1999, tái bản đến gần 10 lần) và một chuyên khảo Nguyễn Du:con người và cuộc đời, (1985, 1990, 2004), cùng các mục từ có liên quan đến tác giả tác phẩm Nguyễn Du trong bộ Tự điển văn học, 2 tập, 1983-1984; Tự điển văn học bộ mới, 2004.

Để có thể thấy đóng góp riêng của thầy Nguyễn Lộc khi viết về Nguyễn Du và Truyện Kiều, có thể đối sánh hai bộ giáo trình của Đại học Sư phạm xuất bản trước 14 năm (1962) và sau 14 năm (1990) với bộ giáo trình của thầy (1976).

Nếu ở giáo trình Lịch sử văn học Việt Nam, tập 3, Nxb Giáo duc HN, 1962 (tb lần 5, 1978), tủ sách Đại học Sư phạm, GS. Lê Trí Viễn viết chương Nguyễn Du với dung lượng 59 trang (từ 111 đến 169) với các mục: I. Thân thế và sự nghiệp. II. Nguyễn Du và xã hội phong kiến: 1. Ông đã nhìn thấy những gì trong hiện thực cuộc sống bấy giờ?; 2. Vượt lên trên cái hiện thực đen tối của cuộc đời, dưới chế độ phong kiến có những yếu tố gì cho ước mơ lãng mạn chủ nghĩa không?: Một mối tình đầy ý nghĩa lãng mạn; Một sức mạnh vùng lên tháo cũi sổ lồng. 3. Phần tiêu cực trong Nguyễn Du. III. Một vài phương diện của nghệ thuật Nguyễn Du: 1. Nguyễn Du và ngôn ngữ văn học Việt Nam; 2. Nguyễn Du và câu thơ lục bát; 3. Nguyễn Du đã “diễn ca” Kim Vân Kiều truyện như thế nào? 4. Vài nét về bút pháp của Nguyễn Du.

Thì đến giáo trình Văn học Việt Nam nửa cuối thế kỷ XVIII đến nửa đầu thế kỷ XIX, Nxb. Giáo dục, 1990, tủ sách Đại học Sư phạm, chương Nguyễn Du và Truyện Kiều có dung lượng 45 trang (từ 164 đến 208), do GS. Đặng Thanh Lê viết, với các phần, mục:

Phần thứ nhất: Cuộc đời, con người và sự nghiệp văn chương: I. Cuộc đời và con người: 1. Nhân chứng của một thời đại; 2. Những dấu ấn của một hoàn cảnh xuất thân; 3. Vốn sống phong phú của một cuộc đời; 4. Một tấm lòng nhân đạo sâu xa. II. Sự nghiệp sáng tác của Nguyễn Du.

Phần thứ hai: Truyện Kiều: I. Truyện Kiều trong đời sống dân tộc: 1. Truyện Kiều và con người Việt Nam qua các thời đại; 2. Truyện Kiều trong đời sống học thuật Việt Nam. II. Đề tài, cốt truyện, chủ đề Truyện Kiều và sự thể hiện một khuynh hướng sáng tác. Đoạn mở đầu Truyện Kiều – Tuyên ngôn sáng tác của Nguyễn Du. III. Nhân vật Thúy Kiều và sự khẳng định những khát vọng về quyền sống, về hạnh phúc con người, đặc biệt là hạnh phúc lứa đôi. Con người bất lực trước cường quyền và thần quyền. IV. Từ Hải và sự thực hiện khát vọng tự do của nhân vật anh hùng, ước mơ công lý của quần chúng. Sự khẳng định khả năng và ý chí của con người, ý nghĩa đối kháng với quan niệm và thể chế tôn ti trật tự phong kiến. V. Phương thức tự sự, thể thơ lục bát và “chất thơ” trong Truyện Kiều. VI. Truyện Kiều, thành tựu rực rỡ và kết tinh giá trị ngôn ngữ thơ ca dân tộc.

Trước giáo trình của GS. Đặng Thanh Lê 14 năm và sau giáo trình của GS. Lê Trí Viễn cũng 14 năm, trong giáo trình của thầy Nguyễn Lộc, hai chương viết về Nguyễn Du có dung lượng đến 268 trang (từ trang 9 đến trang 276), gồm các mục và tiểu mục như sau:

I. Gia thế và cuộc đời của Nguyễn Du (tr 9-18).

II. Thơ chữ Hán Nguyễn Du và tâm sự của nhà thơ (tr 19-61).

III. Truyện Kiều, tập đại thành của văn học cổ điển Việt Nam (tr 62-263): 1. Lai lịch Truyện Kiều: Truyện Kiều và Kim Vân Kiều truyện. Bản Kinh và bản Phường; 2. Cảm hứng chủ đạo của Nguyễn Du trong Truyện Kiều; 3. Nội dung xã hội của Truyện Kiều; Những mâu thuẫn trong thế giới quan Nguyễn Du phản ánh trong Truyện Kiều; 5. Điển hình hóa trong Truyện Kiều; 6, Ngôn ngữ trong Truyện Kiều; 7. Lịch sử vấn đề nghiên cứu Truyện Kiều – Phê phán những quan điểm sai lầm.

IV. Văn chiêu hồn  - một bản tổng kết (tr 264-276): 1. Tục cúng cô hồn và sự ra đời của bài Văn chiêu hồn; Giá trị của Văn chiêu hồn.

Bằng một tư duy khúc chiết, khả năng cảm thụ văn chương tuyệt vời và phương pháp nghiên cứu khoa học đúng hướng, cách nhìn vấn đề khách quan cùng vốn tri thức văn hóa uyên bác, nên hai chương viết về Nguyễn Du và Truyện Kiều của thầy trong bộ giáo trình này có dung lượng dày dặn và chuyên sâu chẳng khác nào như một chuyên khảo, rất thuyết phục người đọc và người học. Mục viết về thơ chữ Hán Nguyễn Du chỉ chiếm 43 trang sách thì mục viết về Truyện Kiều được viết 202 trang. Với tổng số trang của hai mục như thế, nếu tách ra để in riêng thành một chuyên khảo độc lập về tác gia Nguyễn Du thì công trình vẫn có chỗ đứng vững vàng, đàng hoàng bởi có đóng góp và giá trị riêng nếu so với nhiều chuyên khảo của nhiều nhà nghiên cứu khác khi viết về Nguyễn Du và Truyện Kiều cho công bố trước và sau công trình của thầy.

Có được điều đó là nhờ thầy đã tiếp thu những thành quả đã có của các nhà nghiên cứu đi trước, từ đó, thầy đã dàn dựng nên một cấu trúc riêng, không lặp lại, trình bày vấn đề theo chủ kiến nghiên cứu của riêng mình. Nhờ thế công trình của thầy đã có những đóng góp mới. Những vấn đề được thấy nêu ra trong hai chương viết trong giáo trình này đến nay vẫn còn nguyên giá trị, mà hiện giờ khó có giáo trình văn học sử nào có thể vượt qua, dù sau giáo trình của thầy, hiện đã có các bộ giáo trình mới xuất bản cách đây không lâu của Trưởng Đại học Sư phạm Hà Nội do Nguyễn Đăng Na chủ biên (2005-2006); do Lã Nhâm Thìn chủ biên (2011); của Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh do Đoàn Thị Thu Vân chủ biên (2008); của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội của Trần Nho Thìn (2012).

Ở mục viết về thơ chữ Hán, thầy đã lần theo các bài thơ trong ba tập thơ để tìm hiểu tâm sự của thi hào. Đây là cách đi đúng hướng, bởi thơ chính là tấm lòng, là tình cảm cảm xúc, là tâm trạng, là chí hướng của con người. Người xưa có nói “xem thơ có thể hiểu và nhận biết cốt cách, tâm trạng con người” quả là không sai. Quan niệm “Văn dĩ tải đạo”, “Thi dĩ ngôn chí” đã được cha ông ta ngày xưa tiếp thu và thể hiện trong sáng tác của mình. Ở cụ Tố Như cũng không ngoại lệ. Và rõ ràng rằng trong suốt cuộc đời mình, đại thi hào Nguyễn Du luôn mang một tâm trạng buồn, một nỗi buồn không biết tỏ cùng ai. Nhiều năm lưu lạc nay đầu sông mai cuối bể, ăn nhờ ở đậu, nhà thơ buồn đã đành; rồi những năm tháng về ở dưới chân núi Hồng cũng vậy, nghĩa là buồn; ngay cả những ngày ra làm quan dưới triều Nguyễn, dù được trọng dụng, được cất nhắc nhưng tâm trạng nhà thơ cũng chẳng vui gì và cũng không tâu bày, tấu trình điều gì. Ngay cả trước khi nhắm mắt xuôi tay, nhà thơ cũng chẳng trối trăng một lời.

Ở phần viết về Truyện Kiều, thầy đã khẳng định tác phẩm là “tập đại thành của văn học cổ điển Việt Nam”, và cách định danh này của thầy, sau đó được nhiều nhà nghiên cứu khi viết lách, các thầy cô giáo khi giảng dạy gọi theo. Qua các mục đươc triển khai trong phần này, có thể thấy từng vấn đề đặt ra trong tác phẩm ưu tú này của văn học dân tộc đã được thầy phân tích, lý giải tường minh và thuyết phục, nếu so với nhiều công trình viết về Truyện Kiều xuất bản trước và sau giáo trình của thầy viết cùng một vấn đề nào đó trong tác phẩm. Trong giáo trình, thầy đã đi từ chung đến riêng, từ gốc gác đến cụ thể, từ nguồn gốc lai lịch của tác phẩm, tức từ Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân đến Truyện Kiều của Nguyễn Du; thầy cũng không quên giới thiệu tác phẩm qua bản Kinh và bản Phường. Trên cơ sở đó, giáo trình dẫn dắt người học đi sâu nghiên cứu nội dung và nghệ thuật của tác phẩm thông qua các mục: Cảm hứng chủ đạo của Nguyễn Du trong Truyện Kiều; Nội dung xã hội của Truyện Kiều; Những mâu thuẫn trong thế giới quan Nguyễn Du phản ánh trong Truyện Kiều; Điển hình hóa trong Truyện Kiều; Ngôn ngữ trong Truyện Kiều; Lịch sử vấn đề nghiên cứu Truyện Kiều - Phê phán những quan điểm sai lầm.

Từ những năm 1976, 1977, 1978 khi đọc ba tập trong bộ giáo trình này của thầy, trong đó có hai chương viết về Nguyễn Du và Truyện Kiểu, rồi những năm dài soạn giảng, nhiều lần đọc lại giáo trình này, đến nay có dịp viết về thầy, tôi đọc lại lần nữa, tôi vẫn có hứng thú y như 40 năm trước khi lần đầu đọc sách của thầy.

Trong giáo trình, khi thầy phân tích, chứng minh các mục “Cảm hứng chủ đạo”, “Nội dung xã hội”, thầy có những ý kiến mới so với giáo trình của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Mục “Điển hình hóa” là hoàn toàn mới, các bộ văn học sử trước đó chưa từng đề cập. còn mục viết về “Ngôn ngữ” thì theo như nhận xét của nhiều thế hệ các nhà nghiên cứu, nhiều thầy cô giáo dạy Văn ở đại học và phổ thông thì các vị đều đánh giá rất cao nội dung trong mục viết này bởi độ sâu, độ tinh tế khi cảm thụ và phân tích rất thuyết phục của tác giả giáo trình. Riêng với mục ‘Lịch sử vấn đề nghiên cứu Truyện Kiều - Phê phán những quan điểm sai lầm’ giáo trình đã tổng kết những thành tựu nghiên cứu về Truyện Kiều từ xưa đến những năm 60, 70 của thế kỷ XX - lúc công trình được xuất bản. Khi tổng thuật, thầy đã phân tích có định hướng, chỉ ra những ý kiến, những nhận định, những với quan điểm đúng sai của các nhà nghiên cứu viết về tác phẩm; hay khen chê, tán thành hoặc phê phán những ý kiến nhận định đó, bằng cái nhìn khách quan khoa học cùng một lập trường đúng đắn, rạch ròi, rõ ràng.     

Còn trong Nguyễn Du:con người và cuộc đời, trên 200 trang in, nếu phân loại và xếp công trình này là chuyên khảo cũng đúng; còn gọi là danh nhân truyện ký thì cũng không sai. Ở đây, thầy Nguyễn Lộc đã căn cứ vào các tư liệu rất đáng tin cậy là gia phả dòng họ Nguyễn ở Tiên Điển; những ghi chép trong bộ chính sử triều Nguyễn có chép về Nguyễn Du; đặc biệt là khảo sát bằng cách đọc sâu đọc kỹ ba tập thơ chữ Hán của Nguyễn Du rồi tái hiện lại chân dung, cuộc đời, con người và nhất là tâm sự của đại thi hào từ lúc thiếu thời cho đến khi nhắm mắt xuôi tay.

Tôi còn nhớ như in hơn mười năm trước, khi cuốn sách được tái bản lần 3, nhà thơ Ý Nhi đã điện thoại bảo tôi lên nhà chơi và thầy cô đã tặng cho tôi công trình này. Tôi về đọc một mạch trong đêm trọn cuốn sách. Sau đó, có đọc lại vài ba lần nữa để tham khảo, khi tôi viết bài về Truyện Kiều và thơ chữ Hán Nguyễn Du. Nói dông dài như thế để khẳng định sức hấp dẫn, lôi cuốn của công trình này đối với độc giả, trong đó có tôi. Sách khảo cứu lại được viết bởi một văn phong vừa khoa học, vừa nghệ thuật nên mới tạo nhiều hứng thú cho độc giả khi đọc công trình này.

Có những đóng góp mới như trên là nhờ từ lúc mới vào nghề, thầy đã tự trang bị cho mình một vốn tri thức uyên bác và tầm nhìn bao quát cùng một phương pháp khoa học đúng hướng trong nghiên cứu văn học sử Việt Nam; đồng thời thấy quá trình được đào tạo và quá trình kiên trì tự đào tạo, tự học, tự nghiên cứu của thầy. Đây là tấm gương lớn để các lớp hậu thế chúng ta cần học tập và noi theo.

Cũng nhờ cách nhìn nhận vấn đề về văn học sử một cách khách quan và khoa học mà thầy đã rút ra kết luận với nhận định rất chính xác, tinh tế. Chẳng hạn, thầy đã khái quát và rút ra những đặc trưng cơ bản của từng giai đoạn văn học dân tộc với những nhận định chắc nịch như đinh đóng cột: “đặc trưng cơ bản của văn học thế kỷ X-XV là khẳng định dân tộc; đặc trưng cơ bản của văn học thế kỷ XVI đến nửa đầu thế kỷ XVIII là khẳng định nhà nước phong kiến; và đặc trưng cơ bản của văn học nửa cuối thế kỷ XVIII nửa đầu thế kỷ XIX là khám phá ra con người và khẳng định những giá trị chân chính của con người”.

Tóm lại, ở trường Đại học, hai nhiệm vụ giảng dạy và nghiên cứu khoa học phải gắn bó chặt chẽ với nhau, tuy là hai công việc, hai nhiệm vụ nhưng cùng một mục đích. Có thành quả nghiên cứu thì mới giảng dạy tốt, mới có thể đào tạo được những chuyên gia kế cận tiếp tục sự nghiệp. Thầy Nguyễn Lộc đã hoàn thành xuất sắc hai nhiệm vụ này, dù công tác ở Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội trước đây hay ở Trường Đại học Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh sau này.

Có thể ví người làm nghề dạy học như là chú ong luôn chăm chỉ hút nhụy hoa để dâng mật ngọt cho đời. Với các vị giáo sư đầu ngành, trong đó có thầy Nguyễn Lộc, chính các vị là những người cúc cung tận hiến để tạo nên mật ngọt trí tuệ để dâng cho cuộc đời này.

NCL

Tài liệu tham khảo chính

1. Nguyễn Lộc, Văn học Việt Nam nửa cuối thế kỷ XVIII - nửa đầu thế kỷ XIX, tập 1, Nxb Đại học và Trung học chuyên nghiệp, HN, 1976.

2. Nguyễn Lộc, Văn học Việt Nam nửa cuối thế kỷ XVIII - nửa đầu thế kỷ XIX, tập 2, NxbĐại học và Trung học chuyên nghiệp, HN, 1978.

3. Nguyễn Lộc, Văn học Việt Nam nửa cuối thế kỷ XIX. Nxb Đại học và Trung học chuyên nghiệp, HN, 1971, tái bản 1976.

4. Nguyễn Lộc, Nguyễn Du:con người và cuộc đời, Nxb Hội Nhà văn, tb lần 3, 2004.

5. Lê Trí Viễn, Lê Hoài Nam, Đặng Thanh Lê, Phạm Luận, Lịch sử văn học Việt Nam, tập 3, Nxb Giáo dục, HN, in lần thứ 4, 1976.

6. Đặng Thanh Lê, Hoàng Hữu Yên, Phạm Luận, Văn học Việt Nam nửa cuối thế kỷ XVIII - nửa đầu thế kỷ XIX, Nxb Giáo dục, HN, 1990.

 

       

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114563192

Hôm nay

2133

Hôm qua

2299

Tuần này

2133

Tháng này

221716

Tháng qua

129483

Tất cả

114563192