Những góc nhìn Văn hoá

Người lính trong thơ Lam Giang

Thượng tá quân đội, nhà thơ bút danh Lam Giang qua đời ở tuổi bảy ba. Tôi cùng quê và quen thân với Anh. Tôi đọc và trao đổi nhiều với Anh trong nghề cầm bút. Đột ngột nhận được tin anh mất, tôi viết mấy dòng này nhằm kinh viếng linh hồn Anh.

Quỳnh Đôi, Quỳnh Lưu, Nghệ An là đất học, đất văn. Hồ Sĩ Thành bút danh Lam Giang cùng mười nhà văn, nhà thơ, phê bình văn học là hậu duệ của đất văn ấy.

Tác phẩm của Lam Giang

Tuổi thanh niên bước vào chiến trường rất sớm. Rồi suốt cuộc đời là lính cụ Hồ thời chống Mỹ. Mang quân hàm Thượng tá mà lại là nhà văn. Trưởng thành từ khói lửa chiến trường. Anh viết rất khỏe. 30 tác phẩm. Riêng thơ đã trên 2.000 bài, cả ngàn trang ký, truyện và tiểu thuyết lịch sử quân đội... Vượt Trường Sơn vào Đông Nam Bộ, Campuchia mà dài thời gian nhất là ngủ hầm, cơm vắt địa đạo Củ Chi. Từng dấu chân người lính Hồ Sĩ Thành là những dòng ký ức giàu cảm xúc.

Tôi tâm đắc về người lính trong thơ anh. Cảm động biết bao buổi chiều mưa người chị gái tiễn chân anh vào Nam từ ga tàu Cầu Giát, chị đưa chiếc nón lá cho em rồi giục em lên tàu. Tàu chạy thương em chị chạy theo gọi với: Thành ơi! ... "Thương chị quá tôi liệng qua cửa sổ/ Chiếc nón bay thay lời cuối tạ từ". Mười năm đi đánh giặc "Tôi  về lại sân ga/Trong đêm, tôi vừa đi vừa khóc/Chị chẳng kịp đón tôi". (Tiếng gọi chiều mưa)

Ta lại văng vẳng bên tai nghe tiếng gọi "Đò ơi". Lam Giang trở lại bến cũ đò xưa. Cô lái đò từng chở bộ đội qua sông trên đường Nam tiến. Nhớ lại "Cái thời Bến Súc trắng màu tóc tang", "Bây giờ em hóa phù sa". Nay tiếng gọi của anh đã thoáng "gió bay". Một nỗi buồn mênh mang! (Qua bến đò Súc). Tiếng gọi "Thành ơi" đến tiếng gọi "Đò ơi" là hai hình ảnh sâu nặng tình hậu phương thời khói lửa.

Trên đường hành quân đầy gian nan vất vả và nguy hiểm. Kẻ địch ngày đêm bắn phá chặn đường bước tiến quân ta. Để vào được chiến trường tập kết, đội ngũ xung trận là cả một thách thức ghê gớm, sống chết chực chờ. "Con suối không tên/Ai nhớ ai quên/Ai một lần quay lại/ B52 trút rỗ mặt sàng/ Như động đất bờ cây dời chỗ..." (Con suối mùa khô)

Lam Giang đặt tên chương 7 "Phía sau huyền thoại" là "Hội chứng Trường Sơn" đi dọc theo đường Trường Sơn xuyên núi rừng, đèo cao, suối thẳm. Cảnh: "Sên vắt muỗi mòng tiêm chích suốt đường đi. /Sông suối dốc đèo nhồi ta kiệt sức"

Sốt rét rừng đã có những đồng đội "nằm" lại, thuốc men dù có đủ nhưng đôi lúc khó qua mặt tử thần dù "Không một ai muốn nằm lại Trường Sơn".

Người đau súng đạn cũng đau. "Hội chứng Trường Sơn" nghiễm nhiên đã góp mặt vào sử thi hào hùng thời chống Mỹ.

Chiến tranh và người lính dù khiêm tốn đến đâu cũng phải nói chút ít về mình. "Trở lại dấu chân mình", một tựa đề hay. Người ta đang đòi hỏi ở cái "tôi" lúc này. Sức mạnh và lòng dũng cảm của đoàn quân chiến thắng đều từ cái riêng đến cái chung.

Bom B52 rải thảm. Anh đã thoát chết. Bài "Trong trận B52" anh viết thơ cho mẹ: "Con cố ngoi lên khỏi miệng hầm/ Nhưng có bàn tay nào vô hình đẩy xuống"

Một chi tiết hay bởi sự tưởng tượng hợp lý. Thực ra đây chỉ là sự phản xạ tự nhiên tự bảo vệ mà thôi. Người mẹ rất mừng được tin anh: "Con đứng trong khét lẹt thuốc bom/Tưởng mình vừa lạc sang hành tinh khác/Có điều con không thể nào tin được/Là sao mình vẫn sống còn..."

Năm 1982, đoàn Liên Xô sang thăm địa đạo Củ Chi. Họ hát bài Cachiusa. Lam Giang bỗng nhớ lại cách đây 10 năm (1972) dưới hầm địa đạo mình và đồng đội đã hát Cachiusa trong khói lửa: "Những bầy xe tăng Mỹ quần lên/Những trận mưa bom pháo triền miên..." "Khi tiếng hát ngưng, giật đội pháo gầm/Dàn hỏa tiễn nối nhau lao vào đồn giặc..."

Củ Chi, "đất thép" cửa ngõ Tây Bắc, Sài Gòn. Giặc Mỹ toan tính phải san bằng cho được địa đạo này, Còn ta thì phải từ địa đạo này và có điều kiện thọc sâu vào Sài Gòn. Một thách thức từ hai phía. Nên ác liệt!

Là nhân chứng tác giả đã mô tả những trận B52 rải thảm tọa độ bom. Đây là đoạn trường ca hay sử thi về đất thép. "Thần chết đến liền trong giây khắc/Ấy là khi bạt ngàn ánh chớp/ Phủ trùm lên một màn khói đặc trời..."/ "Trên địa  hình lở loét/ Một triệu hố bom đào khoét/ Một mét vuông, ba mươi mảnh sắt..."

Lam Giang đã sống trong địa đạo bao năm tháng như thế! Có một nét đẹp trong đời lính là trong gian  khổ sống chết thay nhau nơi trận địa, song luôn có trong mình cái lạc quan, yêu đời.

Trong trận địa B52 rải thảm thế mà: "Khẩu súng choàng vai/ Và những nụ hôn bùng cháy/ Những người yêu nhau/Tựa vào hố bom sâu xoáy/ Hưởng những giây phút hạnh phúc tuyệt trần".  Đến"Nơi tận cùng cái chết/ Nụ hôn xanh"

Hiệp định Pa-ri ký kết (1973). Mỹ rút khỏi miền Nam. Ngừng súng nổ, trao đổi tù binh. Dù chưa hòa bình thực sự, song đã có hồi sinh. Bài thơ "Cửa gió" viết về vùng địa đạo Củ Chi nay đã có hơi thở hòa bình trên mọi bình diện cuộc sống được mô tả trong ba khổ thơ. Từ cảnh vật đến con người đang tạo nên bức tranh thanh bình "Cửa gió mở tung lồng lộng những căn nhà", "Bờ tre rì rào mát lịm giấc trưa" đến "Hoàng hôn về gió tím hoa sim", "Một tiếng gà gáy trưa, một bông bí đỏ" "Ánh nắng chang chang, gió thổi xanh rờn.". Con trâu lại ra đồng... Dòng sông tải nặng phù sa. Các em nhỏ lại hồn nhiên vào trường học. Tác giả cũng choáng ngợp trong niềm vui chung "Anh đi miên man trong cửa gió/ Nắng khua lên ù ù rộn rã". Lam Giang đã trả được một phần nợ thơ nơi anh từng vào sinh ra tử, nặng nợ tình quân dân Củ Chi.

Chiến tranh và hòa bình. Máu và hoa. "Ký ức 30 tháng 4" vừa là bức tranh đẹp đầy nội tâm của ngày vui giải phóng. Ngày ấy Sài Gòn và cùng cả nước vỡ òa niềm vui. Vui sướng quá làm quên cảm giác thời gian "Như không ngày không đêm". Tác giả lúc này đã là một sĩ quan cùng đoàn quân địa đạo Củ Chi tiến vào Sài Gòn trong niềm vui, tự hào chiến thắng bỗng nhiên anh đã thốt lên.

"Tôi đặt chân lên Hòn ngọc Viễn Đông rực rỡ". "Cái khoảnh khắc sau mười năm đi bộ/Xuyên rừng già/ xuyên rừng bom/ vào Sài Gòn"

Chấm dứt cuộc trường chinh dai dẳng... là "cuộc chuyển giao lịch sử, giữa chiến tranh và hòa bình". "Nụ cười và nước mắt , cứ rưng rưng cho mãi đến bây giờ". Tôi đọc bài này nhiều lần, lại nhớ "Ta đi tới" của nhà thơ Tố Hữu... Người đi trước và người đi sau cùng chung niềm vui chiến thắng lịch sử của dân tộc đánh tan chủ nghĩa thực dân cũ - chủ nghĩa thực dân mới. Công lao vĩ đại trước hết là Đảng, kế đến trực tiếp là người lính cụ Hồ.

*

*    *

Sống trong niềm vui hòa bình, người chiến sĩ không quên đồng đội đã thay mình nằm lại chiến trường. Lam Giang lại cùng đồng đội đi tìm bạn. Nhiều bài thơ đầy xúc động đến rưng rưng lệ. "chữ tao chữ mày" lúc này "càng đậm tình âm dương cách trở"

"Mày ẩn đâu kỹ thế/Hở Nam?/Tao đi tìm rạc chân, hoa mắt/ Vợ con mày từng giờ khao khát/ Chỉ mong thấy chỗ mày nằm/Xin khấn mày/Một nén nhang thơm/Giữa mộ chí trập trùng rợp đất/Tao lặn lội dưới trời Bến Cát/Nắng trưa đổ lửa trên đầu..." (Tìm bạn)

Tình quân dân sâu nặng đó là đặc thù với người lính. Hòa bình rồi Lam Giang không quên đi thăm lại những địa danh, những con người đã từng cưu mang thời khói lửa. Đến mỗi nơi một hồi ức xúc động. Thăm lại mảnh vườn mẹ chính là thăm mẹ một thời "vô ra đóng mở nắp hầm" nơi anh từng ẩn nấp "lấy đêm làm ngày" (Trong vườn mẹ). Tình quân dân còn vượt cả biên giới thể hiện tính nhân văn nhân loại không là chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi. "Nhớ Chăn-Đa" một bài thơ "tình" hơi muộn song đó là dấu ấn trữ tình phảng phất chút lãng mạn của người lính dù biết rằng không thể. "Thôi, Chăn-Đa đừng khóc, tôi về/ Cả một Biển Hồ chan nước mắt/Còn đọng lại trên mi em vài giọt/ Long lanh nóng hổi, khó lòng xa " (Hay! NV).

Viết về người lính là một thành công về sử dụng ngôn từ và tứ thơ. Thơ Lam Giang dùng nhiều thể loại song nhiều bài lục bát mang âm hưởng dân ca có sức truyền cảm cao. Nhiều bài thơ bộc lộ tính thẩm mĩ trong thi ca đã có độ dày khi tác giả mạnh dạn vận dụng và sáng tạo trong tu từ nâng tầm vóc hình tượng nghệ thuật. Những cảnh, tình lúc sống động, lúc êm ả làm sâu lắng nội tâm mà không sa vào thi vị hóa. Đó cũng là đặc điểm khi người lính cầm bút làm thơ.

Vốn là người lính, làm thơ về người lính  đã mang lại cho nhà thơ sự thành công đáng kể. Bề dày về tác phẩm - trên 10 giải thưởng văn học. Trong tập ảnh chân dung và từ điển thế hệ nhà văn VN thế kỷ XX đã có tấm hình và tên tuổi Hồ Sĩ Thành - bút danh Lam Giang là điều xứng đáng.

Lam Giang ơi! Anh đã về với Tiên tổ. Anh đã xa tất cả chúng tôi những người cầm bút . Những đồng đội từ miền đất Đỏ Đông Nam Bộ đến Biên giới Căm-Pu-Chia cùng những năm tháng Biển Hồ và nhiều tháng ngày ngủ hầm sống chết trên đất thép Củ Chi …Tất cả đang nghiêng mình kính viếng anh một nhà thơ trưởng thành từ chiến hào trong những năm tháng hào hùng của dân tộc . Hãy yên nghỉ đi Anh! Những đứa con tinh thần của Anh sẽ là mãi mãi !

                                 Gò Vấp đêm tháng 5/2019

                                                            

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114563890

Hôm nay

2186

Hôm qua

2314

Tuần này

2831

Tháng này

222414

Tháng qua

129483

Tất cả

114563890