Diễn đàn
Để hiểu đúng hơn bài thơ “Thuật hoài” của Phạm Ngũ Lão
Phạm Ngũ Lão (1255-1320), một danh tướng đời trần đã để lại bài thơ "Thuật hoài" nổi tiếng. Đây là một bài thơ Đường luật tứ tuyệt đầy nghĩa khí, đến nay đã có hơn bảy trăm năm tuổi. Tác phẩm đã được ghi vào Đại Việt sử ký toàn thư, rồi sau đó vào Việt Nam sử lược của Trần Trọng Kim, Lược sử Việt Nam của Trần Hồng Đức.
Nguyên tác:
述懷
橫槊江山恰幾秋
三軍貔虎氣吞牛
男兒未了功名債
羞聽人間說武侯
范五老
Âm Hán Việt:
Thuật hoài
Hoành sóc giang sơn kháp kỷ Thu,
Tam quân tỳ hổ khí thôn Ngưu.
Nam nhi vị liễu công danh trái
Tu thính nhân gian thuyết Vũ hầu.
Bài thơ mở đầu bằng câu: “Hoành sóc giang sơn kháp kỷ Thu” và câu này được các sách dịch tương đối thống nhất. Đại Việt sử ký toàn thư dịch là: “Vung giáo non sông đã mấy Thu”. Việt Nam Sử lược dịch: “Ngọn giáo non sông trải mấy thâu”. Lược Sử Việt Nam dịch: “Vung giáo non sông trải mấy Thu”. Riêng bài dẫn của Bùi Văn Nguyên trong sách Ngữ văn 10 là: “Múa giáo non sông trải mấy Thu”.
Như vậy, câu thơ được hiểu là đã mấy năm cầm giáo (ở tư thế vận động - vung, múa) chiến đấu bảo vệ non sông. Ở đây ta thấy khá rõ là câu thơ dịch chưa được chuẩn kể cả về ngữ, nghĩa! Các bản trên đều dịch “hoành sóc” là “vung, múa giáo”. Mà “vung, múa” thường là để chỉ sự biểu diễn, diễu võ dương oai; trong khi đúng nghĩa của chữ “hoành” (橫) là: ngang; “hoành sóc” là cầm ngang ngọn giáo - đó chính là thực trạng của một hùng tướng đang ở tư thế phòng vệ và sẵn sàng nghênh chiến. Câu thơ phải được hiểu là: “Cầm ngang ngọn giáo canh giữ bảo vệ giang sơn đã qua mấy mùa Thu”. Ở đây, tỏ nỗi lòng mình, tác giả đã khắc họa hình ảnh bậc nam tử đại trượng phu đang hết lòng vì giang sơn xã tắc, vì cuộc sống yên bình của muôn dân. Người anh hùng ấy ngày đêm canh giữ bờ cõi, vừa cao lớn, dũng mãnh hiên ngang, nhưng cũng vừa bình lặng khiêm nhường đã “kháp kỷ thu” (mấy mùa Thu). Cũng ở câu thơ này, từ phiên âm Hán Việt có một số người đã nhầm chữ “kháp”( 恰), nghĩa là: vừa đủ với chữ “kháp” (哈) chỉ trạng thái xả hơi, cười ha hả: (ha hả đại tiếu - 哈哈大笑), rồi dịch thành “nghỉ ngơi, xả hơi trong một số năm (kỷ thu)”. Thực ra trong bối cảnh lịch sử bấy giờ thì không thể có chuyện nghỉ ngơi xả hơi được. Dù có thể là đất nước đang ở thời kỳ hòa hoãn, chưa có chiến tranh, nhưng tâm trạng người làm tướng vẫn đau đáu nỗi lo trước hiểm họa ngoại xâm: “tới bữa quên ăn, nửa đêm vỗ gối/Ruột đau như cắt...” (Hịch Tướng sỹ văn của Trần Hưng Đạo).
Ở bản dịch của Bùi Văn Nguyên trong sách Ngữ văn lớp 10, câu thứ hai “Tam quân tỳ hổ khí thôn Ngưu” được dịch: “Ba quân khí mạnh nuốt trôi trâu”. Có thể do dịch giả hiểu chữ “Ngưu” là trâu, con trâu, nên mới dịch “khí thôn Ngưu” thành “nuốt trôi trâu”. Ba đạo quân của một Quốc gia mà lại “nuốt trôi trâu” thì quả là khôi hài, và có phần “tham ăn tục uống”. Thực ra, “Ngưu” ở đây nghĩa là sao Khiên Ngưu, tức sao Ngưu Lang. Theo thiên văn cổ thì trên trời, ở bên bờ sông Ngân Hà có hai ngôi sao sáng, đó là sao Khiên Ngưu và sao Chức Nữ, tức chàng Ngưu Lang và nàng Chức Nữ. Câu này được học giả Trần Trọng Kim dịch:“Ba quân hùng khí át sao Ngưu” là hoàn toàn chính xác. Đó chính là khí thế ngút trời của quân sỹ nước Đại Việt lúc bấy giờ. Đây cũng là khí thế ngùn ngụt cháy bỏng trong lòng người anh hùng Phạm Ngũ Lão, luôn khắc khoải đợi chờ cơ hội được ra quân dẹp giặc ngoại xâm, giữ yên bờ cõi. Khí thế này được thể hiện bằng những chiến công lừng lẩy của ông cùng quân sỹ ta trong cuộc chiến chống Nguyên Mông lần hai và thứ ba: “Chương Dương cướp giáo giặc, Hàm Tử bắt quân Hồ”...
Nói chung dịch Hán văn kinh điển là khó, bởi đặc tính tượng hình đa dạng của chữ nghĩa, cũng như ý, lời văn thường có nhiều điển tích sâu xa về đời sống văn hóa, lịch sử. Riêng dịch thơ Đường luật lại càng khó hơn vì mạch thơ, câu từ đòi hỏi phải rất chuẩn về ý tứ, vần điệu, niêm luật... Tuy vậy, như “Ngọc càng mài càng sáng”, càng ngày chúng ta càng hiểu sáng tỏ hơn bài “Thuật hoài”. Qua nhiều trao đổi bàn luận đến nay phần dịch nghĩa của bài thơ đã được nhiều dịch giả thẩm định, thống nhất nội dung ý từ như sau:
Thuật hoài (Tỏ nỗi lòng)
Cắp ngang ngọn giáo gìn giữ non sông đã mấy Thu,
Ba quân mạnh như gấu hổ, hùng khí át cả sao Ngưu.
Thân nam nhi nếu chưa trả xong nợ công danh,
Ắt thẹn thùng khi nghe người đời kể chuyện Vũ hầu.
Trong nền văn học cổ điển nước nhà, với “Thuật hoài”, để có được một bản dịch thơ thật đúng ngữ nghĩa, uyên bác, trong sáng theo thể Đường luật vẫn còn là một vấn đề rất đáng được quan tâm, là điều mơ ước, trọng trách của các bậc dịch giả túc nho, cũng là niềm mong đợi của đông đảo độc giả.
tin tức liên quan
Videos
Người Amish ở Mỹ
Phân tầng xã hội và di động xã hội ở Việt Nam hiện nay [kỳ 3]
Đền Hồng Sơn
Một nước Nhật quá xa xôi!
Lenk
Thống kê truy cập
114512039
2365
2337
22413
218912
121356
114512039