Diễn đàn
Hoa ngàn “lạc” giữa phố đông
Một tiết mục trong chương trình Hội diễn văn nghệ các dân tộc thiểu số Nghệ An lần thứ V-2019
Đó là cảm nhận của tôi khi tham dự Hội diễn văn nghệ các dân tộc thiểu số (DTTS) tỉnh Nghệ An lần thứ V được tổ chức vào tháng 9 vừa qua. Gần 350 diễn viên, nghệ nhân đến từ các đoàn nghệ thuật quần chúng của 10 huyện, thị miền núi đã mang đến hội diễn tại thành phố Vinh 50 tiết mục đặc sắc. Cùng với đó, 19 bông hoa xinh đẹp của miền Tây xứ Nghệ cũng tham gia cuộc thi “Nét đẹp các dân tộc thiểu số Nghệ An”. Tất cả các hoạt động diễn ra trong 2 ngày ở một sân khấu đảm bảo chất lượng âm thanh, ánh sáng của Nhà Văn hóa lao động tỉnh tại thành phố Vinh nhưng lại không cho tôi nhiều cảm xúc. Nói đúng ra là mang đến sự băn khoăn và tiếc nuối nhiều hơn. Cảm giác đó đến khi cạnh tôi là những hàng ghế trống, vắng bóng khán giả và tôi nhận ra đây chắc chắn không phải không gian phù hợp cho hội diễn.
Theo Ban tổ chức, Hội diễn văn nghệ là dịp các DTTS Nghệ An thể hiện những giá trị văn hóa phi vật thể của dân tộc mình cũng như sự phát triển của phong trào văn hóa văn nghệ các DTTS trên địa bàn; là dịp đồng bào các huyện miền núi giao lưu, học hỏi lẫn nhau; dịp các nghệ nhân thể hiện những làn điệu dân ca, dân nhạc, dân vũ truyền thống để truyền thụ giá trị văn hóa các DTTS đến với công chúng, đồng thời truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ để họ biết trân trọng và gìn giữ các giá trị văn hóa của dân tộc mình. Thiết nghĩ, với những mục đích tốt đẹp đó, 10 huyện, thị miền núi không cần thiết phải đi một quãng đường xa xôi, về giữa lòng thành phố Vinh để biểu diễn. Tại sao họ lại phải đến thành phố để giao lưu, học hỏi nhau về văn hóa, phong tục truyền thống của người dân miền núi? Họ học được gì ở một không gian phố xáđông đúc, lạ lẫm với những khách sạn và tòa nhà cao tầng? Họ truyền thụ giá trị văn hóa dân tộc họ cho ai khi những màn biểu diễn không có người xem và nếu xem đi chăng nữa thì phần lớn với người Kinh là xa lạ và khó/không hiểu? Thiết nghĩ, những nét đẹp truyền thống đó trước hết phải được mang đến cho thế hệ trẻ là con em các DTTS trên địa bàn để chúng hiểu thêm, để nhắc nhở chúng không được phép lãng quên. Đặc biệt, khi tại các huyện miền núi phía Tây xứ Nghệ còn thiếu vắng nhiều hoạt động văn hóa, giải trí cho bà con thì chúng ta càng nên tổ chức ở đó để phục vụ đồng bào.
Các thí sinh trình diễn trang phục truyền thống của các dân tộc thiểu số Nghệ An
Việc đưa các đoàn nghệ thuật quần chúng các DTTS về Vinh thi, diễn không chỉ tốn kém mà còn khiến cho các tiết mục trở nên mất giá trị. Bất cứ điều gì, dù hay, dù đẹp đến mức nào, khi đặt sai vị trí đều trở thành không có giá trị. Nhiều tiết mục trong hội diễn năm nay có chất lượng rất tốt, nhất là những màn tái hiện nghi thức truyền thống trong lễ rước dâu, làm vía của người Thái; nghi lễ đón tiếng sấm,… Đáng tiếc thay lại không có người thưởng thức. Các đoàn nghệ thuật cũng không mặn mà xem tiết mục của nhau mà dường như chỉ có tâm lý đến thi, biểu diễn xong phần của mình là hoàn thành. Không gian của Nhà văn hóa lao động tỉnh là một không gian biểu diễn phù hợp với những chương trình ca nhạc, nghệ thuật. Nếu các tiết mục này được xây dựng thành một chương trình biểu diễn cho khán giả tại Vinh đến xem thì phù hợp còn với rất nhiều những mục đích hướng tới ở trên thì có lẽ là chưa. Những tiếng khèn, tiếng sáo, điệu nhảy sạp, khắc luống,…sẽ hay và đẹp hơn khi nó được vang lên giữa núi đồi, giữa không gian văn hóa bản địa. Ngôn ngữ của họ, nhạc cụ của họ, trang phục của họ… sẽ trở nên lạc lõng giữa thành phố đông đúc, xô bồ và không ai để tâm tới, không ai thấu hiểu hay thực sự lắng nghe. Để các DTTS có cơ hội giao lưu, học hỏi lẫn nhau, họ nên đến địa bàn cư trú của nhau, được trò chuyện quanh chum rượu cần hay ánh lửa, được cùng nhau hòa vào tiếng cồng, tiếng chiêng và những điệu nhảy. Chỉ khi đó họ mới thực sự thấu hiểu, chia sẻ để giữ gìn chứ không phải cái cách đến biểu diễn xong tiết mục của mình như một nhiệm vụ rồi ra về.
Một lý giải duy nhất cho sự phù hợp tổ chức hội diễn tại thành phố Vinh đó là quảng bá các giá trị văn hóa DTTS đến với cộng đồng. Tuy nhiên, nếu với mục đích này thì Hội diễn đã thực sự không thành công bởi trong suốt mấy ngày diễn ra chương trình không có khán giả thành phố Vinh đến xem. Chỉ đêm tổng kết các hàng ghế mới được lấp đầy bởi đại biểu và một ít khán giả. Việc vắng bóng này có nhiều nguyên nhân. Trước hết là công tác thông tin, truyền thông trước hội diễn chưa được quan tâm. Ngoài tấm biển lớn ghi rõ thời gian diễn ra các sự kiện được dựng tại đường Hồ Tùng Mậu, cộng đồng gần như không có thông tin nhiều về hội diễn. Việc quảng bá để cho thấy sự hấp dẫn, đáng xem của chương trình hoàn toàn không có. Thứ hai, với đặc điểm tâm lý, cách sống của cư dân thành phố Vinh, chương trình không phải là điều mà phần lớn người dân quan tâm hay muốn theo dõi. Với tâm lý đó, cùng không gian có nhiều hoạt động giải trí, vui chơi như ở Vinh thì chắc chắn hội diễn của các DTTS không phải là lựa chọn ưu tiên của họ. Thứ ba, để đưa các tiết mục văn hóa truyền thống đến với cộng đồng, đặc biệt là giới trẻ trong thời đại ngày nay là hết sức khó khăn, nhất là văn hóa các DTTS. Điều đó luôn đòi hỏi sự sáng tạo, tìm tòi những cách trình diễn, bản phối mới; những tác phẩm độc đáo chứ không chỉ là những bài hát, múa hội thi đơn thuần như hiện nay. Với tất cả những lí do đó, sự vắng bóng khán giả là điều dễ hiểu và cũng với chừng đó lí do đủ để thấy việc mang hội diễn các DTTS về thành Vinh là không hợp lý.
Cùng với sự lạc lõng của chương trình văn nghệ là sự không hợp lý của cuộc thi “Nét đẹp các dân tộc thiểu số”. Thi người đẹp ngày nay trở thành một trào lưu, xuất hiện ở khắp nơi. Trên địa bàn tỉnh Nghệ An thôi đã có không ít cuộc thi gắn với lễ hội. Nhiều cuộc thi thậm chí không tìm được thí sinh tham gia và người ta phải giao “chỉ tiêu” về cho các huyện. Tức là mỗi huyện phải tìm cho được mấy thí sinh góp mặt. Tạm bỏ qua câu chuyện “dịch” người đẹp, quay lại với cuộc thi “Nét đẹp các dân tộc thiểu số”. Thiết nghĩ, đó là nội dung không cần thiết và nếu có chăng thì không nên tiến hành theo cách hiện nay. Tôi được xem 19 em đại diện cho các DTTS trên địa bàn tập duyệt trước khi trình diễn. Trong những bộ đồ hiện đại, với những chiếc giày cao gót, các em tập đi đứng cho ra dáng một người đẹp sải bước trên sàn diễn. Ở đó tôi không còn thấy vẻ đẹp của dân tộc họ. Cho đến khi các em khoác lên bộ đồ truyền thống của dân tộc mình tôi vẫn nhận thấy một sự khập khiễng và lạc lõng nào đó. Những khuôn mặt trang điểm đậm và kỹ lưỡng, những dáng đi theo đúng chuẩn của các cô người đẹp,…Tất cả trở thành một sự pha trộn khó chấp nhận. Giánhững cô gái ấy giữ cho được cái nét mộc mạc, rất riêng của núi rừng thì đẹp biết bao! Với hình hài và những sự chuẩn bị ấy, các em phù hợp để tham gia một cuộc thi nhan sắc khác chứ không phải là cuộc thi, nơi người ta hướng đến để tôn vinh vẻ đẹp và các giá trị văn hóa truyền thống của DTTS.
Như những cành đào rừng được các gia đình giàu có mua trưng vào dịp Tết - Những cành hoa mang rêu phong và sự kỳ vĩ của núi rừng trở nên lạc lõng và vô hồn nơi thành phố - hội diễn văn nghệ các DTTS tổ chức tại thành Vinh cũng là một trường hợp như thế. Có lẽ, với những mục tiêu đặt ra, chúng ta cần phải trả lại đúng không gian nơi nó thuộc về. Tất cả những vẻ đẹp, giá trị ấy chỉ thực sự tỏa sáng nơi không gian của núi rừng, nơi nó được tiếp nhận và thấu hiểu. Đừng buộc họ phải chạy theo những mục đích và tính toán của chúng ta; đừng áp đặt cách làm và suy nghĩ của một vài cá nhân, tổ chức lên cộng đồng và đừng mang tư duy của người Kinh để làm những chương trình tôn vinh giá trị văn hóa các DTTS.
tin tức liên quan
Videos
Người Amish ở Mỹ
Phân tầng xã hội và di động xã hội ở Việt Nam hiện nay [kỳ 3]
Đền Hồng Sơn
Một nước Nhật quá xa xôi!
Lenk
Thống kê truy cập
114512012
2338
2337
22386
218885
121356
114512012