Diễn đàn
Lạm bàn về văn hóa viết
Người ta đã nói và viết khá nhiều về văn hóa đọc. Thế nhưng văn hóa viết (VHV) lại ít được đề cập hơn. VHV thể hiện ở khắp mọi nơi như trong văn học nghệ thuật (thơ, ca, hội họa, sân khấu, nghệ thuật thứ bảy…), trong đời sống hàng ngày, trong giáo dục, trên các trang mạng internet, mạng xã hội…Vậy văn hóa viết hiện nay có những vấn đề nào cần phải lưu tâm?
Điều đầu tiên cần lưu tâm đó là tình trạng viết và xuất bản một cách tràn lan không màng đến chất lượng sản phẩm. Trong khi đó việc viết và xuất bản là hai phạm trù không thể tách rời. Bên cạnh những tác phẩm hay, chất lượng, đầy chất nhân văn theo như cách nói của nhà văn Nam Cao là loại “đáng thờ” thì vẫn còn rất nhiều tác phẩm cẩu thả, kém chất lượng.
Việc sáng tác, xuất bản một cách tràn lan dễ thấy là sáng tác thơ. Một năm người ta cho xuất bản mấy ngàn tập thơ. Thậm chí những người có tiền còn cho tổ chức những buổi “ra mắt” thơ hoành tráng, rồi phổ nhạc để đánh bóng tác giả, và hầu như cũng chỉ để “hát cho nhau nghe”. Không biết từ bao giờ, làm thơ đã trở một thành một trào lưu: Nhà nhà làm thơ, người người làm thơ. Đồng hành cùng với nó là sự nở rộ của các Câu lạc bộ thơ, các Tao đàn, các Hội thơ,… Tác giả thơ ngày càng đông, các câu lạc bộ thơ phát triển rầm rộ từ thôn quê đến thành thị, khắp các thôn cùng ngõ hẻm, ở đâu cũng thấy các hội thơ. Yêu thơ là truyền thống của dân tộc ta. Vậy nên những trào lưu sáng tác đó cần được khuyến khích và phát huy trong quần chúng. Thế nhưng trong một số trường hợp nào đó thơ đã trở thành một món “trang sức”, thành “mốt” cho một số người. Tác phẩm ra đời thì nhiều nhưng tác phẩm hay thì lại hiếm. Chẳng biết những “đứa con tinh thần” đó mang theo thông điệp gì nhưng có một thực tại khôi hài: “Nỗi sợ khi được tặng thơ”. Đồng thời hình thành một câu ca dao mới : “Gặp nhau tay bắt mặt mừng/Tặng gì thì tặng xin đừng tặng thơ”. Thế nên mỗi khi được ai đó tặng món quà thơ, người tặng cho là “vô giá" theo nghĩa này, người nhận lại coi là “vô giá” theo nghĩa khác! Vậy làm thế nào để món quà “tri thức” đó có giá trị nhân văn hơn? Lẽ tất nhiên là phải nâng cao chất lượng sáng tác trong từng tác phẩm.
Hiện tượng phổ biến và đáng tiếc là nhiều người viết và xuất bản thơ thường ngộ nhận mình là “thi sĩ”, trong khi đó tác phẩm có khi cũng chỉ để “biếu chạy”. Ngữ cảnh gợi nhớ lại lời nhà phê bình văn học Nga Biêlinxki: “Biết làm thơ không có nghĩa là trở thành thi sĩ. Tất cả những hiệu sách chứa đầy bằng chứng về chân lý đó”; và lời nhà thơ Huy Trụ:
“Thơ là rượu của thế gian
Phải đâu nước lọc rót tràn mời nhau
Cho đời nhớ được một câu
Bạc đầu người viết chắc đâu đã thành”
Thế gian có bao thứ men làm say đắm lòng người, trong đó có thơ. Chất men được chắt lọc từ trái tim, bám rễ và hút mạch nhựa ngầm của cuộc sống và lặng lẽ thẩm thấu vào tâm hồn người yêu thơ. “Thơ là ngày hội tưng bừng của trí tuệ” (Valery nhà thơ Pháp); thơ dễ dãi, tùy tiện không có chức năng đó.
Còn thấy, bên cạnh thực trạng thơ nói trên thì các loại sách tâm linh, bói toán, tử vi, tướng số, phong thủy, ngôn tình… tràn lan thị trường. Phải chăng thị hiếu của độc giả đã xuống cấp hay các nhà xuất bản vì lợi ích cá nhân mà bắt tay nhau dẫn đến tình trạng đó? Việc xuất bản sách nâng cao dân trí thì thưa thớt, lại chạy theo nhu cầu giải trí đơn thuần của một bộ phận độc giả dẫn đến xuất hiện “hàng chợ” trong văn học Việt Nam. Tác phẩm kém chất lượng do thiếu đầu tư, thiếu trình độ, nói chung là sản phẩm dễ dãi, tùy tiện nhưng vẫn được đưa ra thị trường bạn đọc giống như việc đưa lên bàn tiệc ẩm thực văn hóa món ăn khó tiêu, “… thường mỗi sáng sớm tung ra cho độc giả, tuy rất khó tiêu nhưng họ vẫn phải nuốt” (O.D Banzac). Đó là một sự làm khổ người đọc, sự thiếu tôn trọng độc giả, thiếu VHV. Đứng trước ma trận “thị trường viết” như vậy thì độc giả, đặc biệt là lớp trẻ sẽ như thế nào khi đối mặt với nó?
Không chỉ dừng lại ở việc sáng tác mà trong thời đại bùng nổ công nghệ thông tin như hiện nay thì VHV trên các trang mạng internet, mạng xã hội… rất đáng được lưu tâm. Ta có thể thấy từ cách sử dụng câu chữ cho đến cách viết đều thể hiện thái độ, tình cảm và tư duy của người dùng. Người có văn hóa sẽ cân nhắc từng câu, từng chữ, không làm vẩn đục văn hóa mạng. Nhưng một điều đáng buồn là rất nhiều “cư dân mạng” đang thể hiện sự thiếu văn hóa. Đó là cách sử dụng từ một cách thô tục, tùy tiện, khó hiểu, đánh mất sự trong sáng của Tiếng Việt.
Chúng ta thấy ngôn ngữ của giới trẻ trên mạng rất khó hiểu, thậm chí nhiều phụ huynh không biết con em mình viết gì trên đó. Chữ nghĩa bị bớt xén, cắt nối, mã hóa,… gọi là bị “zản lược” (giản lược) hết mức theo cách nói của giới trẻ. Ngôn ngữ lạ lẫm trên các diễn đàn, blog, facebook chính là cách viết kiểu “Fá kak” (phá cách) chỉ dành cho tuổi teen. Thậm chí sẽ là “wê một kụk” (quê một cục) khi viết “thích quá” mà không phải là “thík wé”! Điều đáng lo ngại là từ thói quen sử dụng ngôn ngữ đó các bạn trẻ lại đưa vào cả trong đời sống và học đường làm biến dạng ngôn ngữ Tiếng Việt, tạo hình được một ngôn ngữ lạ, “độc”, chỉ giới tuổi teen mới hiểu. Các bạn trẻ đã đánh mất đi sự trong sáng của Tiếng Việt khi viết Anh Việt lẫn lộn. Chẳng hạn, thay vì viết “anh bận quá” thì lại viết “anh busy quá”, thay vì viết “xin lỗi bạn” thì viết “sorry bạn”. Đó là kiểu nói “nửa nạc nửa mỡ”, “nửa ta nửa Tây”. Nhiều bạn còn tỏ ra khinh thường tiếng Việt, cho rằng phải sử dụng cả tiếng Anh mới “sang”, mới “hiện đại”, “đẳng cấp”. Chính cách sử dụng ngôn ngữ kiểu “lai căng” đó đã khiến cho tiếng Việt mất đi sự trong sáng vốn có. Thực trạng sử dụng ngôn ngữ trên mạng internet đó không chỉ có trong giới trẻ mà còn có cả ở mọi lứa tuổi, tầng lớp, thậm chí ở cả tầng lớp trí thức. Ở đó họ dùng từ một cách tùy tiện như cái cách họ trao cho nhau những danh xưng như ông Hoàng, bà Hoàng (ông Hoàng nhạc Việt, nữ Hoàng bikini, nữ Hoàng ẩm thực, nữ Hoàng văn hóa tâm linh…). Cũng từ cách sử dụng ngôn ngữ tùy tiện đó dẫn đến cách viết, cách bình luận thiếu văn hóa trên mạng internet, mạng xã hội. Điều đó không chỉ đánh mất nhân cách của người viết mà còn làm ảnh hưởng đến danh dự, nhân phẩm người khác, thậm chí vi phạm pháp luật.
Bên cạnh những điều đáng lưu tâm trên thì còn một thực trạng bộc lộ sự xuống cấp của văn hóa viết đó là bệnh lười viết. Nếu như truyền thông đã từng báo động về sự sa sút của văn hóa đọc thì nay căn “bệnh” lười viết cũng cần báo động như thế. Vậy sự lười viết đó là của ai và có thể thấy ở đâu? Trong cuộc sống thường ngày, người Việt Nam chúng ta ít có thói quen viết hồi kí, nhật kí, thư từ,… trong khi đây là một thói quen tốt giúp chúng ta trau dồi vốn ngôn ngữ, trau dồi cảm xúc. Trong giáo dục thì “bệnh” lười viết có thể thấy ở cả giáo viên và học sinh. Giáo viên thì lười viết, soạn giáo án, nghiên cứu. Nếu như trước đây, giáo án phải viết bằng tay bắt buộc giáo viên phải suy nghĩ, sáng tạo…thì nay giáo án điện tử đã trở thành “cây đũa thần” giúp việc soạn bài trở nên đơn giản, gọn nhẹ chỉ bằng một cái nhấp chuột. Bên cạnh những giáo viên tâm huyết đêm ngày mò mẫm với con chữ thì cũng có không ít giáo viên ưa “của sẵn”, chỉ cần tải giáo án điện tử về và sửa một số nội dung cần thiết. Giáo viên thì lười viết, học sinh thì lười soạn bài, làm bài, nghiên cứu,... Một biểu hiện nữa của căn “bệnh” này có thể thấy trong nghiên cứu khoa học. Từ chỗ lười viết, lười nghiên cứu dẫn tới số bài nghiên cứu khoa học trên các tạp chí quốc tế của ta rất ít, “hồ sơ khoa học” mỏng manh. Còn một vấn nạn nữa là tình trạng “đạo” công trình khoa học như các bài luận văn, các “sáng kiến kinh nghiệm”… Đối với một số cán bộ quản lí thì không thể viết một bài diễn văn, một bản báo cáo, phải dựa vào thư kí, trợ lý.
Đã đến lúc, cần phải chấn chỉnh văn hóa viết và trách nhiệm này không chỉ của cá nhân người “cầm bút” trong cộng đồng mà còn là của các cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực xuất bản, in và phát hành, các nhà xuất bản,…
tin tức liên quan
Videos
Người Amish ở Mỹ
Phân tầng xã hội và di động xã hội ở Việt Nam hiện nay [kỳ 3]
Đền Hồng Sơn
Một nước Nhật quá xa xôi!
Lenk
Thống kê truy cập
114512014
2340
2337
22388
218887
121356
114512014