Diễn đàn
Cây đa, bến nước, sân đình
Cây đa, bến nước, sân đình là biểu tượng riêng có của làng quê Việt Nam. Đây là biểu tượng giản dị nhất, cụ thể nhất - để chứng minh sự khác biệt giữa văn hóa Việt Nam và văn hóa Trung Quốc!
Nguồn: Vietnamarch
Nói đến làng quê Việt Nam, ngàn xưa đến nay - Cây đa, bến nước, sân đình đã là biểu tượng riêng có. Để giữ gìn bản sắc văn hóa Việt Nam, chúng ta không thể cứ hô khẩu hiệu suông. Mà phải bằng suy nghĩ và việc làm cụ thể. Khi trào lưu đô thị hóa và văn hóa ngoại lai (nhất là Trung Quốc) đang hàng ngày hàng giờ xâm nhập vào bất kỳ lĩnh vực nào, địa phương nào.
Ngày nay, phong trào xây dựng nông thôn mới trên toàn quốc - tuy chưa khảo sát và có số liệu thống kê cụ thể. Nhưng diện mạo nông thôn chúng ta - được biết có khởi sắc theo chiều tích cực. Đó là: Điện, đường, trường, trạm… được xây dựng khang trang - là dấu hiệu đầu tiên của bộ mặt nông thôn mới. Không hiểu khi triển khai phong trào xây dựng nông thôn mới, các Bộ, các ngành, các cấp có… quy hoạch hay không? Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường… và các địa phương có đặt vấn đề và giải quyết vấn đề để… giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc hay không?
Biểu tượng cây đa, bến nước, sân đình có được chú trọng trong quá trình xây dựng nông thôn mới hay không? Vì sao người viết lại đặt vấn đề về việc bảo tồn, phục dựng và nhân rộng biểu tượng này ra cả nước? Dưới đây xin mạo muội trình bày về ý nghĩa của biểu tượng cao đẹp này. Đó là:
Biểu tượng cây đa, bến nước, sân đình - là biểu tượng riêng có của làng quê Việt Nam. Đây là biểu tượng giản dị nhất, cụ thể nhất - để chứng minh sự khác biệt giữa văn hóa Việt Nam và văn hóa Trung Quốc!
Vì sao vậy?
Nếu làng quê ở Trung Quốc phải là tường cao, hào sâu, thành lũy… để đối phó với nạn giặc dã - bởi người Trung Quốc thường xuyên thôn tính và đâm chém nhau giữa các làng xã và dòng họ, làng nghề, phường hội, bang nhóm… Thì ở Việt Nam ngược lại - từ ngàn xưa Bách Việt không có chế độ chiếm hữu nô lệ, không có xã hội nông nô nô tỳ, giữa làng này với làng khác là liền chị liền anh. Không có tình trạng cướp bóc, đâm chém và thôn tính lẫn nhau giữa làng này và làng khác. Từ đó, khi nói đến làng, xã Việt Nam - ai cũng hình dung ra đó là cây đa, đó là bến nước, đó là sân đình và đó là lũy tre làng xanh ngát…
Cây đa, đó là biểu tượng của sự hiền hòa, yên bình, trường thọ. Cây đa là địa chỉ dừng chân cho khách thập phương viếng thăm làng xã. Cây đa là nơi nghỉ ngơi hóng mát của thợ cày, thợ cấy, của các bô lão và con trẻ trong làng. Cây đa là nơi đưa tiễn người đi xa và cũng là địa chỉ đón người về làng…
Cây đa, là “trung tâm thông tin” của làng quê Việt Nam. Chuyện đầu làng cuối xã đều từ địa chỉ này phát đi - và cũng từ địa chỉ này… “tích hợp”. Nói chung, ngoài ý nghĩa về nghệ thuật, về môi trường, về thông tin, về nhân văn, về tín ngưỡng, về văn hóa…
Cây đa, còn mang tính kết nối cộng đồng - và còn hơn thế nữa!
Cây đa gần bến nước. Bến nước, có thể đó là một bến sông. Bến nước có thể đó là một cái ao công cộng được viền bằng gạch nung, đá ong hoặc tường bao quanh được ghép đá… Những ao làng này được xây bậc cấp cẩn thận. Để dân làng tiện đi lấy nước…
Bến nước, có thể là một ao sen tự nhiên ngay giữa làng… Bến nước, là nơi nam thanh nữ tú hẹn hò. Là nơi cho những câu hát giao duyên trong những đem trăng thanh gió mát. Bến nước, là nơi trao đổi thông tin cho hàng xóm láng giềng gặp nhau khi lấy nước.
Bến nước - là nơi diễn ra các lễ hội của cư dân nông nghiệp lúa nước như bơi chải, rối nước, bơi lội… Bến nước là địa chỉ kết nối cộng đồng, môi trường và văn hóa…
Đặc biệt, sân đình - là trung tâm, là đầu não, là rường cột của làng xã Việt Nam. Nói đến sân đình, thì phải mô tả cụ thể - sân là khoảng không - là “quảng trường” của đình. Sân có thể tụ hội tất cả dân làng và hơn thế nữa. Sân vừa là mặt tiền, vừa là “quảng trường” của đình làng.
Đình làng của người Việt - đó là “trụ sở” của làng. Trụ sở này có cơ chế mở - không có người trông coi. Phàm là người của làng, ai cũng là người của đình làng, ai cũng có trách nhiệm trông coi và gìn giữ đình làng. Những làng trù phú thì đình làng to. Những làng thuần nông chiêm khê mùa trũng thì đình làng khiêm tốn… Tuy nhiên, nội dung và hình thức của đình làng to hay nhỏ đều giống nhau. Giống nhau ở cái ý nghĩa đặc biệt - đó là nơi tôn vinh những giá trị văn hóa được mọi người công nhận: “Một miếng giữa làng bằng một sàng giữa chợ”…
Người trong làng có công được triều đình sắc phong ban thưởng - sắc phong đó được trưng bày trang trọng giữa đình làng ở vị trí trang trọng nhất. Người có công lập làng, xây dựng làng được triều đình công nhận - hoặc được dân làng tôn vinh… đều được lập bàn thờ trang trọng giữa đình làng - đó là Thành hoàng làng.
Đình làng là nơi các vị bô lão đàm đạo bàn việc của làng. Là nơi ra các “nghị quyết” sao cho làng xã yên vui thịnh vượng, con trẻ học hành phương trưởng… Là nơi tổ chức hội hè, đình đám và các hoạt động văn hóa làng xã…
Đình làng - đó là biểu tượng, là cốt cách, là văn hóa của làng xã, là dấu ấn về kiến trúc của từng thời kỳ. Là “điểm nhấn” của ký ức con người và điểm nhấn của bức tranh đồng quê Việt Nam.
Hơn thế nữa, đình làng còn là nơi hiệu triệu, hội tụ và kết nối những giá trị chân, thiện, mỹ của cư dân làng xã Việt Nam… Lũy tre làng - là bức tường thành thiên nhiên biểu tượng cho môi trường thanh bình yên vui - là kho nhạc bất tận của bốn mùa xuân hạ thu đông - khi gió nhẹ thì vi vu, khi gió mạnh thì réo rắt, khi bão tố thì gầm thét và kẽo kẹt…
Lũy tre quanh làng là một cỗ máy điều hòa không khí khổng lồ làm cho cho không khí trong làng luôn mát dịu. Lũy tre quanh làng là môi trường thiên nhiên mời gọi các loài chim và côn trùng về làm tổ và sinh sôi nảy nở - là những nhạc công của dàn nhạc môi trường khổng lồ này…
Lũy tre quanh làng là kho vật liệu muôn thủa cho cư dân làm nhà, sửa nhà và bao nhiêu đồ dùng sinh hoạt cho nhà nông - cũng là kho vũ khí để tự vệ cho dân làng… Đôi khi lũy tre làng còn là môt kho thực phẩm - mùa nào thức nấy cho cư dân nông nghiệp lúa nước…
Mong lắm - trong quá trình xây dựng nông thôn mới, các cộng đồng làng xã chúng ta cần lưu tâm đến biểu tượng văn hóa đặc sắc riêng có này của Việt Nam.
Biểu tượng này chỉ cần khơi dậy trong ký ức và tiềm thức để phác họa một cách giản dị trong cộng đồng. Không cần phải lập dự án, không cần phải xin ngân sách, vừa chống được tham nhũng - lại vừa phục hưng được văn hóa Việt. Văn hóa của dân chủ từ ngàn xưa. Văn hóa của khai phóng từ ngàn xưa (không tường cao, hào sâu). Văn hóa của “Bầu ơi thương lấy bí cùng”. Kết nối sức mạnh bền vững và trường tồn của lũy tre làng Việt Nam…
Bỗng lại nhớ đến học giả Phạm Quỳnh đã từng nói: “Truyện Kiều còn, tiếng ta còn. Tiếng ta còn, nước ta còn"
Vậy thì:
Cây đa, bến nước, sân đình còn. Văn hóa Việt còn - đó là logic văn hóa và lịch sử!
Cây đa, bến nước, sân đình và lũy tre xanh ngàn đời - kết nối tình người, tình đất, tình quê cho muôn nẻo…
Mong lắm thay.
tin tức liên quan
Videos
Người Amish ở Mỹ
Đền Hồng Sơn
Phân tầng xã hội và di động xã hội ở Việt Nam hiện nay [kỳ 3]
Một nước Nhật quá xa xôi!
Lenk
Thống kê truy cập
114512001
2327
2337
22375
218874
121356
114512001