Diễn đàn

Bổ nhiệm cán bộ cần 7 bằng cấp nhưng vẫn thiếu một thứ

Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân: Bộ xin nhận khuyết điểm, một quyết định hơn 20 năm không sửa,

để cho thủ tục rườm rà. Nguồn: Vietnamnet

Tại phiên chất vấn sáng 07/11, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân nói về một quyết định bất cập, tồn tại hơn 20 năm không được sửa: “Nội quy bổ nhiệm của mình cần tới bảy bằng cấp”.

“Tôi thấy nhiều quá. Cái này không phải Bộ Nội vụ tự đặt, mà từ 1993, từ Ban Tổ chức Trung ương. Từ năm 1993 tới giờ, hai mấy năm rồi phải sửa chứ. Bộ Nội vụ xin nhận khuyết điểm này, một quyết định để hơn 20 năm không sửa, để cho thủ tục rườm rà”, Bộ trưởng Tân nói.[1]

Hơn hai mươi năm tồn tại một quy định bất cập là điều không thể chấp nhận được nhưng thấy nó phi thực tế, kìm hãm sự phát triển mà không chịu sửa thì có thể xem đấy là cái tội đối với đất nước bởi sự thờ ơ, vô trách nhiệm.

Có ai thống kê được thiệt hại về vật chất từ chuyện bổ nhiệm hay tuyển dụng cán bộ công chức phải có 7 bằng cấp?

Xin nêu một dẫn chứng. Cả nước có khoảng 1 triệu giáo viên. Để được thăng hạng theo chủ trương hiện nay, giáo viên phải có đủ 3 chứng chỉ, tốn ít nhất 3 triệu đồng. Làm một phép tính đơn giản, với 1 triệu giáo viên, tổng số tiền thu được sẽ lên đến 3 nghìn tỉ đồng.[2]

Đấy mới chỉ là vài cái chứng chỉ phát sinh gần đây. Còn bao nhiêu văn bằng khác mà giáo viên nói riêng và công chức nói chung phải bổ sung hằng năm mỗi khi nâng bậc, nâng ngạch ngoài những thứ cần có để được bổ nhiệm, tuyển dụng.

Một quy định tưởng chừng rất chặt chẽ, đặt ra yêu cầu cao về tiêu chuẩn cán bộ nhưng thực chất lại rất lỏng lẻo, nguy hiểm hơn nó tạo môi trường cho tiêu cực, nhũng nhiễu, gian dối nảy nở, phát triển. Hệ quả là nhà nước khó tuyển dụng được người tài giỏi, bộ máy công quyền chật chội những kẻ gian dối, yếu kém về năng lực công tác cũng như đạo đức chỉ vì mớ bằng cấp lóa mắt người làm công tác tổ chức cán bộ.

Vụ nữ Trưởng phòng Tỉnh ủy Đắk Lắk, vụ Thượng tá Trưởng phòng Cảnh sát Kinh tế Lai Châu và nhiều vụ gian lận đội lốt người khác hay xài văn bằng giả gây chấn động dư luận vừa qua, là minh chứng hùng hồn nhất cho một cơ chế tổ chức cán bộ trọng bằng cấp.

Có cầu tất phải có cung. Không có gì là khó hiểu khi Đại học Đông Đô đào tạo “chui” văn bằng 2; các đường dây gian lận, bán chứng chỉ ở một số trường đại học, cao đẳng hoạt động công khai; các “lò ấp” thạc sỹ, tiến sỹ nở rộ.

Bây giờ dư luận không còn mắt chữ O miệng chữ A khi nhìn vào học vấn của cán bộ được trưng ra mỗi kỳ bầu cử. Rất hiếm hoi để có thể tìm thấy vị nào đó duy nhất chỉ một văn bằng chuyên môn. Người ít thì cũng vài ba cái, không tính các loại chứng chỉ. Bằng đại học đã xưa như trái đất, tệ ra cũng phải là thạc sĩ.

Chỉ có một sự ngạc nhiên. Nhìn vào thời gian cấp bằng, người dân không thể lý giải nổi, họ học vào lúc nào, bằng cách gì khi mà những chức vụ đang giữ chiếm hết thời gian làm việc của họ. Phải chăng, họ chính là những nhân tài đích thực một khi hội đủ mọi loại bằng cấp chỉ trong thời gian ngắn vừa công tác vừa học tập, nghiên cứu?

Tuy văn bằng, chứng chỉ đầy mình như thế, nhưng cán bộ công chức ta hình như còn thiếu một thứ văn bằng hết sức quan trọng.

Nếu có văn bằng này thì không có chuyện đổ lỗi văn hóa đạo đức xã hội xuống cấp, tha hóa là vì thiếu… kinh phí hoạt động.

Nếu có loại văn bằng này thì không ngộ nhận bán vé số có thu nhập khủng, không có chuyện buôn chổi đót, đi xe ôm xây biệt phủ.

Nếu có loại văn bằng này thì trước vụ 39 đồng bào tử nạn tại Anh, người ta sẽ không thốt lên vô cảm “lấy làm tiếc”.

Nếu có loại văn bằng này thì những sĩ quan như Đại úy Lê Thị Hiền, Thượng úy Nguyễn Xô Việt sẽ không giở thói chợ búa, côn đồ với người dân.

Thứ văn bằng ấy chẳng mấy xa lạ: Văn hóa ứng xử. Văn bằng này không dễ gì có được dù đã ôm đủ loại văn bằng, học vị khác. Nào ai ngờ một nhà khoa học lừng danh, một Giáo sư Sử học đầu ngành nước Nga lại có thể phân thây người tình trẻ tuổi trong một vụ án chấn động cách đây mấy hôm?

Chẳng hay, giữa mớ bòng bong bằng cấp, chứng chỉ đầy phiền toái và giả dối hiện nay, Bộ Nội vụ đã nghĩ đến loại văn bằng đặc biệt nhưng lại hết sức quan trọng, cần có đối với công chức, nhất là cán bộ lãnh đạo này chưa?

Nguyễn Duy Xuân

Nguồn tham khảo:

[1]. https://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/quoc-hoi/bo-truong-noi-vu-quy-dinh-bo-nhiem-can-toi-7-bang-cap-rat-phien-ha-585899.html

[2]. https://laodong.vn/giao-duc/giay-phep-con-hanh-giao-vien-tien-ti-vao-tui-ai-763699.ldo

 

Vào Th 3, 26 thg 11, 2019 vào lúc 09:18 Xuyen Chu <xuyenchuvhna@gmail.com> đã viết:

Description: https://ssl.gstatic.com/ui/v1/icons/mail/images/cleardot.gif

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114512000

Hôm nay

2326

Hôm qua

2337

Tuần này

22374

Tháng này

218873

Tháng qua

121356

Tất cả

114512000