Diễn đàn

Văn hóa tâm linh: Vẫn còn nhiều điều cần điều chỉnh

Người dân thắp hương tại lễ hội đền Cờn 

Chưa khi nào, phong trào phục hồi, xây mới các công trình văn hóa tâm linh ở Nghệ An như đình, đền, chùa… lại rầm rộ như hiện nay. Điều này chứng tỏ nhu cầu về sinh hoạt văn hóa tâm linh của người dân ngày càng cao. Bên cạnh việc đáp ứng nhu cầu của người dân thì sinh hoạt văn hóa tâm linh hiện nay còn tồn tại nhiều vấn đề đáng phải suy ngẫm. Trong giới hạn bài viết này, chúng tôi không phân tích, đánh giá về những hạn chế còn tồn tại trong sinh hoạt văn hóa tâm linh ở Nghệ An mà chỉ nêu một vài biểu hiện chưa đúng mà bản thân đã “mắt thấy tai nghe”.

Thứ nhất là việc thắp hương, cầu xin đủ thứ nhưng lại không biết mình đang xin ai

Chuyện tưởng như rất hoang đường ấy lại là tình trạng phổ biến đối với những người hay đến các công trình tâm linh, đặc biệt là đình, đền. Trong quá trình công tác, chúng tôi đã thực hiện nhiều cuộc khảo sát, với câu hỏi “Đình/đền thờ ai?”, đa số sẽ nhận được câu trả lời “Thờ thành hoàng làng”. Nhưng khi hỏi “Thành hoàng làng là ai?” thì hầu như không ai trả lời được. Chưa kể, một số nơi còn lấy tích của nơi khác về áp đặt cho đền/đình của làng mình. Gần đây nhất là một ngôi đền ở huyện Yên Thành. Đền thờ thần Cao Sơn Cao Các, thần tích tại đền không còn được lưu giữ. Vậy là nghe nói các cụ đi tham quan một ngôi đền ở miền Bắc, sau đó bê nguyên tích của ngôi đền đó về, treo bảng dẫn tích ở khắp nơi trong khuôn viên. Cũng may, khi xếp hạng, cơ quan chuyên môn đã tìm hiểu, phân tích và định hướng nên nội dung tích này mới không còn sử dụng. Đây chỉ là ít trong số các di tích phát hiện được, trong thực tế, việc lấy tích làng khác biến thành của làng mình khá nhiều.

Tôi cũng đem câu hỏi trên, hỏi một số người thân của mình, cũng nhận được câu trả lời rất vô tư “Chị/em/mình không để ý/không rõ”. Đó là một thực tế rất dễ bắt gặp khi đến đền/đình. Thông thường, khi đến những di tích đã có tiếng như đền Cờn, đền Quả, đền Bạch Mã, đền Hoàng Mười…., người dân thường nhờ các thầy cúng nhưng cũng có những người chuẩn bị cho mình một bài khấn nôm, nghe rất bài bản. Tuy nhiên, nếu để ý kỹ ta sẽ thấy trong bài khấn tưởng như hoàn hảo ấy chỉ nhắc đến ông/thần một cách chung chung, thậm chí có khi còn nhắc đến những vị thần chẳng liên quan gì đến nơi họ đang đứng. Mặc dù bảng dẫn tích cách đó không xa.

Một tượng Phật Thích Ca sơ sinh

Với những ngôi chùa có nhiều pho tượng, hoặc tượng Phật Thích Ca được tạc ở nhiều thời thì việc không biết hay nhầm lẫn là điều thường xuyên xảy ra. Anh Nguyễn Hồng Tuyến, nay là Trưởng công an huyện Anh Sơn, trước đây phụ trách mảng tôn giáo thuộc Công an tỉnh Nghệ An, kể cho tôi nghe một câu chuyện “cười ra nước mắt”. Anh kể rằng, có lần anh vào một ngôi chùa, gặp một bà cụ. Vào cung nào bà cũng bỏ 500 đồng, đến cung thờ Thích Ca Sơ Sinh, bà đưa tay xoa đầu tượng và nói “Bà hết tiền lẻ rồi, bữa sau bà bỏ cho cháu nhé”. Trên thực tế, trường hợp như bà cụ trong câu chuyện này không phải là chuyện hiếm.

  

       Tượng Tuyết Sơn (tên gọi của Phật Thích Ca giai đoạn tu theo lối khổ hạnh)

Thứ hai là việc bỏ tiền công đức tùy tiện, thắp hương vô tội vạ

Quan sát các đền, chùa, nhất là vào các ngày sóc, vọng dễ thấy chỗ nào người ta cũng có thể bỏ tiền: bỏ hòm công đức, bỏ lên bàn thờ, bỏ lên tay tượng, thậm chí là nhét vào miệng các linh vật… Đây là tình trạng phổ biến ở hầu hết các đền, chùa, đặc biệt là những ngôi đền, chùa nổi tiếng như đền Cờn, đền Hoàng Mười, chùa Cần Linh…

Hương đốt từng nắm, chỗ nào cũng cắm, kể cả các gốc cây, miệng linh vật,… mặc dù Ban quản lý đã treo biển “Cấm thắp hương”. Khi không được thắp hương tại các cung thờ thì họ lại đặt ngay lên bàn thờ, nơi đựng vật phẩm của mình. Điều này tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ rất lớn.

Đành rằng, quan niệm của người Việt nói chung và người Nghệ An nói riêng là “Vạn vật hữu linh” nhưng cũng không vì vậy mà tùy tiện hành xử. Đặc biệt là khi đã có những nội quy, quy định rõ ràng của Ban Quản lý di tích. Điều này không chỉ gây nên sự phản cảm mà còn phản ánh thái độ và nhận thức của người dân quê mình đối với văn hóa tâm linh bản địa.

Thứ ba là người đến với đền, chùa thường là những người có điều kiện kinh tế, địa vị xã hội

Điều tưởng chừng như vô lý này lại đang xảy ra và ngày càng trở nên phổ biến. Xưa, người dân tìm đến cửa chùa, cửa đền thường là cầu xin sự bình an, sức khỏe hay cầu xin để tìm lại của cải, gia súc bị mất, nhưng ngày nay, mục đích của người dân khi đến chốn tâm linh nhiều vô kể, trong đó, xin bình an, xin sức khỏe trở thành thứ yếu mà nhiều nhất là buôn may bán đắt, thăng quan phát tài…

 Người xưa quan niệm, lễ vật dâng lên thần linh cốt ở tấm lòng, bởi vậy, khi vào đền, chùa, người dân chỉ cần gói bánh, thẻ hương. Nhưng hiện nay, chúng ta khó bắt gặp hình ảnh người dân ăn mặc giản dị, tay cầm gói bánh, thẻ hương tại các đền, chùa nổi tiếng trong tỉnh. Có chăng, hình ảnh đó chỉ xuất hiện ở những ngôi đền, chùa chưa có tiếng tăm tại các làng quê. Còn phổ biến nhất là hình ảnh những người đi lễ khệ nễ đội “mâm cao cỗ đầy” xin thần, phật phù hộ vào đầu năm và trả lễ vào dịp cuối năm. Đi lễ chùa nhưng vẫn “cỗ xôi, con gà”, “xôi, thủ lợn”, Thậm chí có người còn bê nguyên con lợn quay dâng lên Phật. Rõ ràng, người đến dâng lễ cửa đền, cửa chùa không những không hiểu về những nguyên tắc cơ bản khi đi lễ mà còn thể hiện một cách phô trương, kệch cỡm. Điều này vô tình gây nên suy nghĩ: cửa đền, cửa chùa từ bao giờ đã trở thành nơi dành cho những người có tiền, có địa vị và với người dân nghèo bỗng trở nên xa cách.

Tư tưởng của đạo Phật, đạo Lão hay tín ngưỡng dân gian luôn hướng con người đến sự từ bi, đến chân, thiện, mỹ. Tuy nhiên, cùng với thời gian, sự thay đổi về đời sống xã hội đã kéo theo sự thay đổi trong lối sống, trong suy nghĩ của người dân đối với hoạt động văn hóa tâm linh nói chung và cách hành xử với các vị thần, phật nói riêng. Mong rằng, cùng với sự nỗ lực của các cấp, các ngành liên quan, người dân Nghệ An luôn nâng cao ý thức để góp phần giữ gìn nét văn hóa truyền thống, hạn chế và dần đẩy lùi những tồn tại đã nêu. Nếu để tình trạng này kéo dài, hệ lụy sẽ khôn lường./.

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114511973

Hôm nay

2299

Hôm qua

2337

Tuần này

22347

Tháng này

218846

Tháng qua

121356

Tất cả

114511973