Diễn đàn

Để Tết được vui vẻ và an toàn

Trò chơi dân gian ngày Tết trong tranh Đông Hồ. Nguồn internet

TròTết Nguyên đán đang đến, và hàng loạt các nguy cơ rủi ro cũng đang rình rập tính mạng và tài sản của mỗi người trong dịp tết. Đó là một hiện thực xã hội khách quan mà chúng ta phải đối diện chứ không phải muốn hay không muốn. Và sự rủi ro cũng ngày càng đa dạng hơn, đa phương hơn.Vậy nên, để đón Tết vui vẻ và an toàn hơn, mỗi người hãy lập cho mình những kế hoạch cụ thể và thực hiện nghiêm túc kế hoạch đó.

Ủy ban Dân tộc đã chủ trì một cuộc khảo sát xã hội học vào cuối năm 2019 về các rủi ro mà họ lo ngại trong dịp Tết Nguyên đán với 531 người thuộc các nhóm khác nhau. Kết quả cho thấy, tỷ lệ số người lo ngại về rủi ro do các nguyên nhân sau đây rất cao: Uống nhiều bia rượu (91%), tai nạn giao thông (87%), mất an toàn thực phẩm (86%), bài bạc, lô đề (72%). Đây cũng chính là những rủi ro mà người dân hay phải hứng chịu dịp Tết. Và thực tế cũng cho thấy những lo ngại đó là có cơ sở khi lạm dụng bia rượu, tai nạn giao thông, mất an toàn thực phẩm hay tệ nạn bài bạc luôn đe dọa tính mạng và tài sản mỗi người. Hiện nay, trung bình mỗi năm ở Việt Nam tiêu thụ hết 3,4 tỷ lít bia và 70 triệu lít rượu công nghiệp và ước tính rượu tự nấu khoảng hơn 250 triệu lít (chưa tính lượng rượu nhập khẩu tăng khá nhanh). Số lượng rượu bia hàng năm vẫn tăng lên nhanh chóng. Lượng rượu lớn nhất trong ngày Tết là rượu tự nấu từ các gia đình ở các thôn xóm để tự phục vụ hay bán cho người trong làng xóm. Và lượng rượu này thì khó thống kê được, những chắc chắn nó cao gấp nhiều lần số lượng rượu công nghiệp sản xuất từ các nhà máy. Trong khi đó, tai nạn giao thông (TNGT) hàng năm vẫn tước đoạt hàng ngàn tính mạng con người và hàng vạn người bị thương tật, nhất là dịp Tết. Theo thống kê, chỉ trong 7 ngày Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018, cả nước xảy ra 218 vụ TNGT, 78 vụ va chạm giao thông, làm chết 195 người, bị thương 199 người. Trong 9 ngày nghỉ Tết Kỷ Hợi năm 2019, toàn quốc xảy ra 280 vụ TNGT, làm chết 183 người, bị thương 245 người. Bên cạnh đó, tệ nạn bài bạc, lô đề và mất an toàn thực phẩm cũng luôn rình rập mọi người trong dịp Tết.

Để có một cái Tết an toàn, vui vẻ, thiết nghĩ, mỗi cá nhân cần có những kế hoạch phù hợp và nghiêm túc thực hiện kế hoạch đó. Trong đó, cần tập trung vào một số kế hoạch cụ thể như sau:

Thứ nhất là sắp xếp thời gian vui đón Tết hợp lý. Tết thường kéo dài từ 5-7 ngày, có những trường hợp kéo dài đến 10 ngày. Đây là một quãng thời gian không quá dài. Nhưng nếu không quản lý được quỹ thời gian này thì sẽ gặp nhiều rủi ro. Khi có kế hoạch quản lý thời gian tốt thì giúp con người chủ động trong các công việc nhằm hạn chế rủi ro gặp phải. Thường thì có những cách phân chia thời gian khác nhau để xây dựng kế hoạch. Thời gian dành cho những việc cố định (đón giao thừa, thực hành nghi lễ thờ cúng….) và thời gian dành cho những việc không cố định (thăm hỏi bạn bè, dạo chơi, ăn uống…); Thời gian ở trong nhà, thời gian đi ngoài đường và thời gian ở nhà người khác… Dựa vào những cách phân chia thời gian, người ta có thể đặt ra những kế hoạch cụ thể cho từng khoảng thời gian của mình để sao cho thực hiện được mọi việc và tập trung nhiều vào các việc quan trọng, bỏ qua những việc thứ yếu nhưng vẫn đảm bảo được sức khỏe và các mối quan hệ của mình. Thực tế, không nhiều người có kế hoạch quản lý thời gian hợp lý nên đa phần những ngày đầu Tết thì tham gia quá nhiều hoạt động để rồi chưa hết Tết đã hết sức, bị đau ốm và phải hủy bỏ nhiều việc, mà nhiều khi là công việc quan trọng. Từ đó làm ảnh hưởng đến cuộc sống, đến các mối quan hệ và đương nhiên là cả sức khỏe của bản thân.

Thứ hai, xử lý công việc phù hợp và hiệu quả. Dịp Tết có rất nhiều việc phải làm. Vậy nên, cần phải có một kế hoạch quản lý công việc thật chu đáo vì nó quyết định nhiều vấn đề trong và sau Tết. Dịp Tết, có rất nhiều công việc liên quan đến nhiều mối quan hệ khác nhau mà mỗi người trưởng thành phải gánh vác. Để quản lý tốt công việc thì cần phải phân chia cho phù hợp: Công việc cá nhân, việc gia đình dòng họ, việc cộng đồng; Công việc liên quan đến đời sống tâm linh và công việc gắn với cuộc sống hàng ngày; Công việc cần thiết và công việc không quá cần thiết; Công việc cố định và công việc đột xuất… Từ việc phân chia, người ta lên kế hoạch cụ thể cho bản thân và biết phân phối sức lực để vừa đảm bảo công việc, vừa đảm bảo sức khỏe. Một người biết quản lý công việc thường lên kế hoạch được cả một chặng đường tổ chức Tết của mình một cách cụ thể và khoa học. Trong đó, lên lịch cụ thể những ngày nào phải làm công việc gì. Việc nào quan trọng thì làm trước, không quá quan trọng để làm sau. Tùy theo tính chất công việc mà phân phối sức lực hợp lý và lựa chọn cách thức di chuyển, cách thức làm việc sao cho an toàn và hiệu quả. Quản lý công việc tốt thì giúp người ta hạn chế được việc say xỉn, hạn chế TNGT, tránh được nạn bài bạc do làm chủ được lịch trình hàng ngày của mình.

Thứ ba, giữ gìn và củng cố các mối quan hệ. Tết là dịp hội tụ cũng là thời gian người ta phải xử lý nhiều mối quan hệ xã hội. Mỗi mối quan hệ lại có những giá trị và tính chất riêng đối với từng người nên việc quản lý quan hệ cũng vô cùng quan trọng. Nếu không có một kế hoạch hợp lý thì sau Tết, nguy cơ đổ vỡ các mối quan hệ và các rủi ro tiếp theo sẽ khó tránh khỏi. Cần phải phân chia các mối quan hệ để xây dựng kế hoạch cho hợp lý. Trong đó cần chủ ý các mối quan hệ như: Quan hệ gia đình, quan hệ họ hàng, quan hệ hàng xóm, quan hệ bạn bè, quan hệ đồng nghiệp, quan hệ thầy trò,… Lập danh mục ưu tiên các mối quan hệ quan trọng và phân tích các công việc cần thiết để gìn giữ, củng cố các mối quan hệ đó. Từ đó, xây dựng một kế hoạch quản lý các mối quan hệ thông qua việc thực hiện các công việc quan trọng liên quan đến các mối quan hệ. Với những người có nhiều mối quan hệ thì nhiều khi phải lập cả ma trận để quản lý quan hệ. Một ví dụ nhỏ như một người có thể uống được 20 chén rượu trong một ngày, nhưng họ có kế hoạch nên thăm hỏi và uống với 10 gia đình. Và một người tửu lượng tương đương nhưng họ không có kế hoạch nên đến gia đình thứ hai đã say và sẽ có khả năng mất đi mối quan hệ gần gũi với 8 gia đình mà họ không thể đến thăm hỏi.

Thứ tư, quản lý bản thân. Đây là yếu tố quan trọng và quyết định đến việc đảm bảo an toàn cho bản thân, gia đình và góp phần thức hiện tốt các kế hoạch trên. Quản lý bản thân chính là tạo dựng kế hoạch chủ động trong việc nhận thức, đối diện và giải quyết các rủi ro ngày Tết của mỗi cá nhân. Trước hết là phải nhận thức được các nguy cơ, rủi ro rình rập cuộc sống của mình và gia đình trong dịp Tết rồi xây dựng kế hoạch cụ thể để đón Tết sao cho lành mạnh. Và quan trọng hơn nữa, phải đủ bản lĩnh để thực hiện kế hoạch do mình và gia đình đề ra trong dịp Tết. Ý thức được rủi ro cho mình và cho người khác để giảm thiểu là điều cần thiết. Quản lý bản thân là luôn nhắc nhở chính mình phải có trách nhiệm đảm bảo an toàn cho bản thân và cho người khác. Không bao giờ cho mình tâm lý bỏ mặc, buông trôi bản thân vào những cuộc vui có nhiều rủi ro dù cho đó là ngồi với bạn bè, đồng nghiệp hay người thân lâu năm mới gặp gỡ. Quản lý bản thân chính là sự tôn trọng, quý trọng cuộc sống của bản thân và cuộc sống của người khác.

Và cuối cùng, xin được nhấn mạnh thêm rằng: Rủi ro luôn đi bên cạnh chúng ta, nếu chúng ta chủ quan, lơ là, không cẩn trọng là nó ập đến. Vậy nên, để đón Tết vui vẻ và an toàn, thì chúng ta luôn phải ghi nhớ: Không bao giờ được nghĩ rằng đã hết rủi ro. Luôn sẵn sàng đối diện và chủ động xử lý các tình huống rủi ro là yếu tố quan trọng giúp cho con người giảm thiểu rủi ro. Vậy nên, không chỉ dịp Tết Nguyên đán, mà trong cuộc sống, để vui vẻ và hạnh phúc hơn, mỗi con người cần có một chiến lược giảm thiểu rủi ro cho bản thân và cho gia đình./.

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114511974

Hôm nay

2300

Hôm qua

2337

Tuần này

22348

Tháng này

218847

Tháng qua

121356

Tất cả

114511974