Diễn đàn
Để Tết trở nên bổ ích với con trẻ
Tại một gia đình ở TP Vinh, các con tham gia gói bánh chưng cùng bố. Ảnh: Thúy Hoa
Tết đến Xuân về là mọi gia đình lại có dịp quây quần bên nhau, cũng là dịp để con cháu thể hiện lòng biết ơn với tổ tiên, ông bà, cha mẹ. Đây là phong tục tập quán tốt đẹp mang đậm bản sắc riêng của dân tộc Việt Nam trong ngày Tết cổ truyền. Tết không chỉ là những ngày vui chơi, nghỉ ngơi với con trẻ mà còn là dịp cho các con học nhiều điều bổ ích, lí thú.
Không phải lúc nào cha mẹ cũng dạy cho con những bài học từ những điều lớn lao mà có khi từ những điều rất đơn giản, thường nhật. Những ngày cuối năm, các gia đình thường dọn dẹp nhà cửa gọn gàng, sạch sẽ, trang hoàng để đón Tết. Cha mẹ hãy hướng dẫn cho các con phụ giúp mình những công việc phù hợp với độ tuổi. Bắt đầu từ những việc nhỏ như dọn dẹp đồ chơi, gấp quần áo, sách vở, quét nhà, đến những việc lớn hơn như lau chùi bàn thờ, đồ thờ cúng, trang trí lại nhà cửa,… Làm cùng cha mẹ sẽ khiến tình cảm gia đình thêm gắn bó đồng thời dạy con hiểu được giá trị và cách chăm sóc ngôi nhà của mình. Có thể cha mẹ vừa làm vừa cho con biết vì sao các gia đình phải dọn dẹp nhà cửa để đón Tết. Đó là để chuẩn bị đón khách trong dịp Tết, để “ tống cựu nghinh tân”, để sắp xếp sự “bừa bộn” của năm cũ để chào đón một năm mới an khang thịnh vượng.
Ứng xử văn minh thể hiện văn hóa mỗi con người. Trong dịp Tết thì điều đó vô cùng cần thiết. Nó thể hiện ở nhiều phương diện khác nhau như trong cách chúc Tết, cách chào hỏi, cách nhận lì xì, cách ăn uống,…Tết là dịp các gia đình sum họp vui vầy, trao cho nhau những nụ cười, những lời chào, những lời chúc tụng. Đó là nét đẹp văn hóa thể hiện tinh thần “uống nước nhớ nguồn” của cả dân tộc Việt Nam. Cha mẹ hãy cho con biết ý nghĩa của việc trao nhau những lời chúc trong dịp Tết và dạy con một số lời chúc hay, ý nghĩa phù hợp từng đối tượng khác nhau. Ví dụ, với ông bà thì chúc “khỏe mạnh, sống lâu trăm tuổi”, với người lớn tuổi hơn thì chúc “sức khỏe dồi dào, làm ăn phát đạt”, với anh chị thì “chúc hạnh phúc, may mắn”,…
Ngày Tết là dịp gặp gỡ rất nhiều anh em, bạn bè. Thế nhưng trong thực tế nhiều trẻ khi gặp người lớn lại không biết chào hỏi mà chỉ biết cười. Đây là một hạn chế của các con không chỉ trong gia đình mà cả khi đi ra ngoài xã hội, về lâu dài sẽ hình thành thói quen không tốt. Do vậy cha mẹ cũng nên dạy cho con cách chào hỏi đúng cách, biết trên biết dưới. Để làm được điều đó thì cha mẹ phải làm gương trước để cho con học tập, noi theo. Và cũng từ đó trẻ biết được các mối quan hệ anh em dòng tộc, bạn bè để chào hỏi cho đúng mực.
Mừng tuổi hay còn gọi lì xì là một trong những phong tục, nét văn hóa đẹp trong dịp Tết mà ai đã đi qua tuổi thơ đều không thể quên. Những phong bao màu đỏ, chứa tiền bên trong thường được người lớn trao cho trẻ kèm theo những lời chúc khác nhau. Với những thế hệ trước, Tết gần như là dịp duy nhất trong năm trẻ con được cầm tiền. Bởi vậy, trẻ luôn háo hức mỗi dịp Tết đến để được nhận những lời chúc đi kèm những chiếc phong bao nhỏ xinh. Ngày nay phong tục lì xì và sự háo hức của trẻ vẫn như ngày xưa nhưng ý nghĩa của nó đã có phần thay đổi biến tướng ít nhiều. Không ít trẻ em hiện nay chưa hiểu hết nét đẹp văn hóa đó mà còn có những lối ứng xử ngây ngô, thiếu văn hóa, thậm chí gây khó xử cho phụ huynh. Ví dụ, có trẻ chỉ biết được lì xì là có tiền nên chỉ quan tâm số tiền trong đó lớn hay nhỏ, thậm chí chê ít không lấy, hoặc xé luôn phong bì trước mặt khách, giành giật bao lì xì. Bên cạnh đó, có nhiều trẻ còn không biết nói lời cảm ơn khi được người khác mừng tuổi,…Do vậy việc dạy trẻ con về văn hóa ngày Tết trong đó có văn hóa ứng xử khi được lì xì là hết sức cần thiết. Cha mẹ phải dạy trẻ biết ý nghĩa của việc lì xì, dạy con trẻ biết cách nhận và nói lời cảm ơn, biết trân trọng giá trị tinh thần của tiền mừng tuổi đầu năm, biết sử dụng tiền lì xì hợp lí. Đó cũng là những thái độ con cần giữ trong cuộc sống. Với những việc nhỏ như vậy thôi cũng giúp trẻ hình thành thói quen tốt không chỉ trong dịp Tết mà cả trong đời thường.
Tết cũng là dịp mà trẻ được tiếp xúc với rất nhiều loại thực phẩm như bánh kẹo, mâm cỗ… Tới nhà nào cũng có một khay bánh kẹo để tiếp khách cùng các món ăn ngày Tết. Những thứ đó rất thu hút con trẻ. Các con có thể ăn đủ thứ và không biết phép tắc nếu phụ huynh không hướng dẫn. Do vậy cha mẹ nên dạy con cách ăn từ tốn và ăn khi được mời. Như thế sẽ hạn chế được việc các con ăn quá nhiều thứ, tạo thói quen ăn uống khiêm tốn, lễ phép cho trẻ không chỉ trong ngày Tết mà ngay cả trong đời sống ngày thường.
Tết cổ truyền là dịp để phụ huynh dạy con trẻ tỏ lòng tri ân đến những người vô cùng đặc biệt. Nhân dịp đặc biệt này, cha mẹ nên dạy con biết tri ân tổ tiên, ông bà, cha mẹ. Gần những ngày Tết thường có lễ tảo mộ, phụ huynh nên cho con đi cùng để con biết mộ tổ tiên, ông bà. Dịp Tết, cha mẹ đưa con đi chúc tết ông bà nội ngoại, cô, dì, chú, bác,… Cha mẹ nên kể cho con nghe những vất vả mà ông bà đã trải qua để có ngày hôm nay. Từ đó lòng tri ân sẽ thấm nhuần một cách tự nhiên trong lòng trẻ. Sự tri ân trở nên ý nghĩa nhất khi cha mẹ là những tấm gương cho trẻ soi vào. Vì thế, cha mẹ hãy làm những việc tri ân thiết thực nhất để trẻ lấy đó làm tấm gương mà soi và để học hỏi. Cái đó lâu ngày sẽ trở thành truyền thống gia đình. Đồng thời cha mẹ cũng nên giải thích cho con biết về mối quan hệ máu mủ, ruột rà để con trẻ hiểu được ý nghĩa huyết thống gia đình. Việc cho trẻ chắp tay trước bàn thờ tổ tiên cũng là cách giáo dục con biết cách tri ân nguồn cội.
Tết cổ truyền là dịp có rất nhiều phong tục tập quán mang đậm bản sắc văn hóa Việt. Chẳng hạn như thả cá chép vào ngày cúng ông Công, ông Táo (23 tháng chạp), dựng cây nêu, mâm ngũ quả, làm bánh chưng, bánh tét,... Thế nhưng, có một thực tế là hiện nay, nhiều trẻ không đoái hoài tới những hoạt động đó. Vì thế, cha mẹ nên cho con có nhiều trải nghiệm với những phong tục đó từ khi còn bé, hãy cho con cùng gói bánh chưng, bánh tét, dạy con cách cắt lá, cách gói bánh, cùng nấu bánh để cảm nhận hết hương vị đặc trưng của Tết và sự ấm cúng của tình cảm gia đình. Hãy bày con cách trang trí mâm ngũ quả, trang trí cây mai, cây đào hay cùng con tham gia các lễ hội ngày Tết để con hiểu hơn về văn hóa dân tộc. Từ đó, trẻ sẽ hào hứng hơn với các nét đẹp văn hóa ngày Tết và hiểu sâu sắc những giá truyền thống của Tết cổ truyền.
Tết đến nhà nhà sum họp nhưng vẫn có không ít những mảnh đời bất hạnh không một chốn đi về, thiếu thốn đủ thứ về vật chất lẫn tinh thần. Cha mẹ nên dạy con bài học về lòng nhân ái, về sự sẻ chia bằng những hành động cụ thể như mang quần áo cũ hoặc không dùng đến cho các bạn còn thiếu thốn. Cha mẹ cũng có thể cùng con tham gia các hoạt động thiện nguyện vào dịp cuối năm cùng các đoàn thể để các con hiểu hơn về cuộc sống và biết trân quý những gì mình đang có.
Tết cổ truyền rõ ràng không chỉ là thời điểm vui chơi mà còn là dịp để phụ huynh nuôi dạy con trẻ với bao điều bổ ích, ý nghĩa. Mai sau, dù các con có trưởng thành và sống xa gia đình thì những khoảnh khắc sum vầy và đầy ý nghĩa bên gia đình sẽ là hành trang theo con suốt cuộc đời.
tin tức liên quan
Videos
Khu di tích Kim Liên hành trình đến với trẻ em miền núi
Người Amish ở Mỹ
Đền Hồng Sơn
Phân tầng xã hội và di động xã hội ở Việt Nam hiện nay [kỳ 3]
Một nước Nhật quá xa xôi!
Thống kê truy cập
114511969
2295
2337
22343
218842
121356
114511969