Đất và người xứ Nghệ
Một số tư liệu mới về chi bộ Đảng đầu tiên ở xã Môn Sơn, huyện Con Cuông
Buổi tọa đàm
Năm 1986, Sở Văn hóa Thông tin Nghệ Tĩnh có chủ trương sẽ in cuốn sách truyện giới thiệu về “Chi bộ đầu tiên của Đảng Cộng sản VN (1931) ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số”. Dự kiến nội dung cuốn sách sẽ thể hiện bằng tranh do họa sĩ Lê Anh Tuấn vẽ, còn tôi viết lời.
Nhằm đảm bảo nguồn tài liệu được đầy đủ, chính xác, chúng tôi đã cùng với lãnh đạo địa phương tổ chức cuộc gặp mặt, tọa đàm nghe các nhân chứng tham gia Cách mạng 1931 cung cấp thông tin về sự kiện trên.
Do sách không thể thực hiện nên những tư liệu quý đó cũng chưa được công bố. Thời gian qua, tư liệu về chi bộ Đảng đầu tiên ở xã Môn Sơn, huyện Con Cuông đã công bố nhưng nhiều chỗ còn thiếu chính xác như: thêm số đảng viên, cây đa đền Gát lại nhầm là cây đa Cồn Chùa,... Hơn nữa trong cuốn Lịch sử Nghệ An tập 1, 2 không thấy nói đến vai trò của Đảng trong đồng bào dân tộc thiểu số...
Nhân 90 năm thành lập Đảng CSVN, để góp chút tư liệu quý, chúng tôi xin công bố nội dung buổi tọa đàm với cácNHÂN CHỨNG LỊCH SỬ để bạn đọc có thêm tư liệu tham khảo, hiểu biết thêm về tinh thần Cách mạng của đồng bào dân tộc thiểu số ngày đầu đi theo Đảng.
Cuộc tọa đàm được tiến hành lúc 14 giờ ngày mồng 3 tháng 8 năm 1986, tại nhà đồng chí Vi Văn Lâm - bản Thái Hòa, xã Môn Sơn.
Thành phần tham gia gồm:
1. Đồng chí Vi Văn Lâm - 77 tuổi - Nguyên Bí thư huyện ủy huyện Con Cuông (1956-1960) về nghỉ hưu. Đã tham gia cách mạng từ năm 1931.
2. Đồng chí Hà Văn Hoa - 76 tuổi. Đã tham gia cách mạng từ năm 1931.
3. Đồng chí Vi Văn Tiêu - 63 tuổi. Nguyên bí thư chi bộ Môn Sơn, Nguyên phụ trách phần tìm hiểu lịch sử Đảng huyện Con Cuông đã nghỉ hưu.
4. Đồng chí Lương Văn Tân - Bí thư Đảng ủy xã Môn Sơn.
5. Đồng chí Hà Đình Cương - Thường trực Đảng ủy xã Môn Sơn.
6. Đồng chí Lô Văn Nghiệm - Chủ tịch ủy ban nhân dân xã Môn Sơn.
7. Đồng chí Hà Xuân Tưởng - Ủy viên thường trực UBND xã Môn Sơn.
8. Đồng chí Lô Phong Viết - Bí thư chi bộ bản Thái Hòa.
Về phía đoàn cán bộ tỉnh có:
1. Ông Lê Tài Hòe - Chuyên viên Sở Văn hóa (chụp ảnh)
2. Ông Lê Anh Tuấn - Họa sĩ - Chuyên viên Sở Văn hóa.
Nội dung cuộc tọa đàm: Nghe các đồng chí cách mạng lão thành kể lại quá trình hình thành, diễn biến của Phong trào cách mạng 1931 tại xã Môn Sơn - Con Cuông; Trao đổi một số vấn đề qua các tài liệu khác nhau nói về hoạt động của Chi bộ Đảng ở Môn Sơn năm 1931; Đi thực địa những di tích liên quan đến hoạt động cách mạng lúc đó để ghi lại bằng hình ảnh.
- Điều hành cuộc tọa đàm: Đồng chí Lương Văn Tân - Bí thư Đảng ủy xã Môn Sơn.
- Chịu trách nhiệm nghiệp vụ phỏng vấn và ghi chép: Các ông Lê Tài Hòe và Lê Anh Tuấn
- Phương pháp tiến hành: Nghe cụ Vi Văn Lâm - người trực tiếp tham gia phong trào cách mạng 1931 tại xã Môn Sơn kể, sau đó các đồng chí khác bổ sung.
NỘI DUNG CỤ THỂ CUỘC TỌA ĐÀM (cụ Vi Văn Lâm kể):
Vào khoảng tháng 3 năm 1931 có ông Chắt Lũ (?) tự nhận quê ở Chợ Vực - Phù Long - phủ Hưng Nguyên và ông Bình Định (Lê Văn Định) ở Tri Lễ - Anh Sơn lên nhà ông Vi Văn Khang để buôn bán gỗ nứa.
Ông Vi Văn Khang (thường gọi là ông Ích) và ông Vi Văn Hanh thường dẫn ông Chắt Lũ và ông Bình Định dưới hình thức đi hỏi mua gỗ, nứa đóng bè để giác ngộ cách mạng. Hai ông đến nhiều nhà trong vùng, đến cả nhà ông Phó Tào (Hà Văn Tào) ở làng Bàu và giác ngộ được người con là ông Hà Văn Thị.
Khoảng tháng 4 năm 1931, chi bộ Đảng Cộng sản Việt Nam ở xã Môn Sơn được thành lập, gồm 5 người:
1. Ông Vi Văn Khang - (người dân tộc Thái) Bí thư chi bộ
2. Ông Vi Văn Hanh (người dân tộc Thái)
3. Ông Nhân Lai
4. Ông Lê Văn Duyệt
5. Ông Trần Ngân
Các đồng chí đảng viên trong chi bộ được phân công đi vận động quần chúng thành lập các tổ Nông hội đỏ. Sau một thời gian, các tổ đã hình thành gồm:
1. Tổ Đồng Khùa - do ông Vi Văn Lâm phụ trách
2. Tổ Cửa Rào - do ông Tâm Bường phụ trách
3. Tổ Kẻ Tại - do ông Nhâm và ông Học phụ trách
4. Tổ làng Mon, làng Chố - do ông Hoa phụ trách
5. Tổ làng Yên - do ông Duệ (người Kinh) phụ trách
6. Tổ làng Bàu - do ông Hà Văn Thị phụ trách.
Ông Hà Văn Thị là người có trình độ văn hóa nên được phân công làm thư ký.
Khoảng tháng 8 năm 1931 (vào mùa bưởi), các tổ Nông hội đỏ được lệnh tập trung tại gốc cây trổ, cạnh Khe Mạ - lúc này hay gọi là “Cây trổ cố Hành” (nhà cố Hành gần đó). Thời gian tập trung tại gốc cây trổ theo lệnh thượng cấp triệu tập là vào buổi xế chiều. Số lượng người tham gia dự họp khoảng bảy mươi đến tám mươi người. Ngoài hội viên các tổ ở Môn Sơn còn có hội viên của tổ làng Vều (Xã Phúc Sơn huyện Anh Sơn), do ông Hoe Hầng phụ trách cùng nhóm họp ở đây.
Ông Vi Văn Lâm và ông Vi Văn Quý được phân công gác phía ngoài đường (cách gốc cây trổ khoảng 50 mét).
Mọi người ngồi họp quây quần dưới gốc cây trổ. Một người được giới thiệu là “thượng cấp” lên nói chuyện (tên tuổi người đó không được giới thiệu vì đảm bảo bí mật. Đó là một người có dáng to đậm, hơi thấp).
Trước tiên, thượng cấp đọc bài hiệu triệu:
Hỡi anh em, chị em ơi,
Đã hơn sáu chục năm rồi,
Làm thân trâu ngựa cho loài chó dê.
Quân Tây nó nhiều bề độc ác
Người Việt Nam lắm bước gian nan,
Trong vòng áp bức tham tàn
Càng nô lệ mãi, càng oan khổ dày.
Miệng độc ác, bàn tay bóc lột
Mặt nhân từ, mà dạ hiểm sâu
Rằy sưu, mai thuế trưng cầu
Cầm con, cầm vợ, bán trâu bán bò.
Rượu ta nấu, nó cho rượu lậu,
Muối ta làm, nó bảo muối gian
Lại thêm những kẻ tham tàn
Cảnh binh hiếp chúng, phu đoàn hiếp dân.
Ta cương quyết không làm thân nô lệ
Nghệ An ta sẽ giải phóng ngày nay!
(Đồng chí Hà Văn Hoa bổ sung, đọc lại cho ghi)
Cụ Hà Văn Hoa
Sau khi đọc bài thơ, thượng cấp giải thích: Vì nước ta bị đô hộ, dân ta bị nô lệ nên địa chủ cường hào, quan lại cả Tây cả Ta ra sức bóc lột. Nhân dân phải chịu sưu cao thuế nặng. Đồng bào ta phải đoàn kết lại, cương quyết đấu tranh chống sưu thuế, đòi xóa nợ nần...
Sau cuộc họp ở gốc cây trổ về, các tổ nông hội đi vận động nhân dân trong vùng quyên góp lương thực, giúp đỡ các gia đình ở xã Phúc Sơn bị đàn áp chạy vào xã Môn Sơn lánh nạn (Phong trào ở Phúc Sơn - Anh Sơn: Cướp đồn Kim Nhan, giết Tây và hào lý; nhân dân bị đàn áp dã man, chúng đốt làng từ hai đầu đốt lại, bắt bớ, vây ráp, khiến nhân dân phải chạy vào Môn Sơn lánh nạn).
Các tổ nông hội đã vận động nhân dân quyên góp được một vườn ngô (khoảng 6 tạ ngô), 200 kg lúa và một số thứ khác.
Đêm 20 tháng 8 âm lịch năm 1931, một cuộc họp được triệu tập tại chòi rẫy nhà ông Lâm - Bù Cò Mị (Bù cây mít) gồm: Ông Vi Văn Khang, ông Vi Văn Hanh, ông Trần Ngân, ông Vi Văn Lâm, ông Vi Văn Quý và ông Đặn Đình Gia (Gia Bảy - người Phúc Sơn, Anh Sơn - lên hoạt động ở đây dưới hình thức đi khai thác gỗ). Cuộc họp do ông Đặng Đình Gia chủ trì.
Nội dung cuộc họp: Tổ chức nhân dân tuần hành, thị uy đấu tranh chống sưu thuế, xóa nợ nần.
Biện pháp thực hiện: Các tổ nông hội đến ngày, đến giờ quy định thì đồng loạt nổi trống lên, kêu gọi mọi người mang theo nỏ, giáo mác, gậy gộc, đèn đuốc... đi biểu tình.
Thông báo: Chánh đoàn Hà Văn Ba (thường gọi Ba Uôn, Chánh Ba) đã được giác ngộ và khống chế, bắt nạp cho cách mạng 20 đồng (bạc Đông Dương) gọi là ủng hộ vào công quỹ.
Cuộc họp quyết định xuống đường đấu tranh khoảng sau 10 ngày. Địa điểm tại Đền Gát (hiện còn cây đa - thuộc địa phận HTX Bắc Sơn), nhân dân sẽ tụ tập để đi biểu tình.
Lãnh đạo cuộc biểu tình, cán bộ đặc phái của tỉnh gồm:
1. Ông Luật Bơ - người Diễn Châu (gia đình nay ở Tân Kỳ)
2. Ông Lê Văn Định - người Tri Lễ - Anh Sơn
3. Ông Đặng Đình Gia - người Phúc Sơn - Anh Sơn
Đối tượng vận động tham gia cuộc biểu tình: “Ai yêu nước thì đi tuần hành”, nên không chỉ nhân dân Môn Sơn mà cả nhân dân ở bản Vều cũng lên, dân Phúc Sơn đang lánh nạn cũng hăng hái tham gia. Thành phần đi biểu tình gồm người Kinh, người Thượng, cả đàn ông, đàn bà...
Để đảm bảo an toàn và kịp đối phó với tình hình xấu, đồng chí Lâm và đồng chí Quý được phân công canh gác ở Đồng Khùa, chặn ngả đường từ Phúc Sơn và Vều, đề phòng địch tập hậu sau đoàn biểu tình.
Cụ Vi văn Lâm
Đi đầu đoàn biểu tình là đồng chí Hà Văn Hoa - cầm lá cờ đỏ (cờ một màu đỏ, kích thước khoảng 60 x 90cm). Đi sau là đồng chí Nhân Lai và đồng chí Vi Văn Hòa (Noọng Hòa) cầm mã tấu hộ tống.
Đoàn biểu tình vừa đi vừa hô khẩu hiệu chống sưu thuế, chống cho vay nặng lãi. Hầu hết những người biểu tình đều mang theo giáo mác, nỏ, đèn đuốc, trống... nên khí thế rất rầm rộ.
Dự định cuộc biểu tình sẽ đi dọc xã Môn Sơn lên đến xã Lục Dạ. Nhưng mới đến làng Năm Bỏ thì phát hiện tên Chánh đoàn Ba Uôn không những không nộp tiền cho Cộng sản mà đã bỏ trốn ra báo cho tri huyện biết về hoạt động của Cộng sản đang nổi lên ở Môn Sơn.
Cuộc biểu tình được lệnh chuyển hướng từ đấu tranh thị uy sang bao vây tịch thu tài sản nhà tên Chánh đoàn Ba Uôn phản bội.
Ông Vi Văn Dục (anh ruột Ba Uôn) bị cách mạng bắt trói và tuyên bố tịch thu tài sản trong nhà (trừ lợn gà, lúa gạo) để nạp công quỹ và chia cho người nghèo (thu được 37 đồng bạc, 5 tấm vải dệt khổ nhỏ, ba đến bốn nén bạc, một vòng bạc đeo cổ).
Sau khi tịch thu tài sản nhà Ba Uôn, đoàn biểu tình tiếp tục kéo đi. Đến Đá Bàn, đoàn người vừa đi vừa hô khẩu hiệu thì bị người nhà Phó tổng Ba từ trên nhà sàn bắn tên thuốc độc vào đoàn. Anh Côi, một người đi trong đoàn biểu tình - đã đập phá cửa xông vào (cửa gỗ chắc chắn), bị tên Hà Văn Lợi, (còn có tên khác là phó Yên) con phó Ba đứng sau cửa đâm một giáo vào bụng. Vết thương nhẹ nhưng đoàn biểu tình chuyển hướng bao vây nhà phó Ba để trừng trị (nhà sàn cao to, xung quanh thưng gỗ rất kiên cố, khó lên nhà).
Trời sắp sáng, cơn mưa dông đột ngột làm tắt hết đuốc, người của nhà phó Ba chống cự quyết liệt. Cuộc đấu tranh có phần gay cấn. Một số người trong đoàn bị trúng tên thuốc độc như ông Hoe Hầng và một vài người khác.
Cuộc biểu tình đến đó phải rút lui. Trên đường về đến Đồng Khùa, số vải được chia cho những nhà khó khăn, số tiền bạc thì được tuyên bố xung vào ngân quỹ.
Trước khi giải tán, thượng cấp tuyên bố: Tối mai sẽ tiếp tục cuộc đấu tranh, trừng trị nhà phó Ba, kết hợp với nhân dân ngoài Dừa (Anh Sơn) vào sẽ kéo ra đấu tranh ở huyện lị Con Cuông.
Sau đêm biểu tình đó, trời vẫn mưa to, nước trên rừng tràn về, lụt ngập mênh mông nên kế hoạch đã vạch ra không thực hiện được.
Hôm sau, khoảng 8 giờ sáng, lính khố đỏ, khố xanh ngoài huyện được Chánh đoàn Ba Uôn trình báo đã kéo vào đàn áp.
Qua chủ nhà, bọn lính biết anh Hiêm là người có tham gia trong đoàn biểu tình nên chúng bắt và tra tấn. Anh Hiêm khai trong số đông biết được ông Viêm (người Thanh Chương), chúng liền bắt khảo tra. Chúng bắt được ông Vi Văn Khang - Bí thư chi bộ và ông Hà Văn Thị - thư kí của tổ chức Nông hội đỏ.
Sau khi lính khố đỏ và khố xanh vào Môn Sơn được một ngày, Tri huyện Lang Vi Năng đích thân vào chỉ đạo bắt bớ, điều tra manh mối cộng sản. Chúng đã lấy được danh sách và lùng bắt được 31 người (cả ở Vều) rồi đóng gông cổ, giải ra giam ở huyện đường Con Cuông.
Cụ Vi Văn Hành là một trong ba đảng viên người dân tộc thiểu số
Chúng giam 31 người ở Con Cuông một tuần, sau đó giải lên giam ở phủ Tương Dương. Ban ngày người tù bị đóng gông ở cổ, ban đêm thì bị cùm chân. Tri phủ Tương Dương lúc đó là Lang Văn Tài (chú của Lang Vi Năng).
Sau ba tháng, số người bị bắt và giam ở Tương Dương được nghe công bố bản án. Bản án này do tên quan Một tuyên bố trong tù chứ không được xét xử công khai.
Người nhẹ nhất phải tù 9 tháng, phần lớn bị tù một năm. Riêng đồng chí Vi Văn Khang - Bí thư chi bộ thì bị tù 7 năm ở Cầu Giát. Tất cả những người tù mãn hạn về nhà cứ mỗi tháng một lần phải ra trình diện ở huyện đường.
Hầu hết những người bị bắt đều bị đánh đập, tra tấn. Trong số đó, bị nặng nhất là ông Khang, ông Thị, ông Châu.
Ông Lương Văn Châu đã bị chết trong tù.
Ông Vi Văn Thị mạn hạn tù về nhà thì ốm chết.
Sau cuộc vây ráp trên, chỉ còn 3 người trong tổ chức là ông Gia, ông Bảy, ông Noọng đã phải trốn sang Lào một năm mới trở về.
Hình thức tuyên truyền cách mạng: Cán bộ đến giác ngộ, tuyên truyền những người có cảm tình với cách mạng. Giác ngộ và khống chế các chức dịch địa phương như Chánh đoàn, Phó tổng. In truyền đơn để tuyên truyền rộng rãi.
Địa điểm in truyền đơn là ở Khe Bẩm. Tài liệu được giấu ở đền Bản Thổ. Người mang truyền đơn đi thả là ông Vi Văn Lâm và ông Vi Văn Quý.
Địa điểm thả truyền đơn ở xã Lục Dạ:trước nhà Tổng Ngoạt (Lương Văn Ngoạt) ở bản Kim Đa (1 bó) và bản Mét (1 bó). Ở xã Môn Sơn: được thả trước nhà Phó tổng Hòa ở làng Xiềng (1 bó), Cửa Rào (1 bó), làng Bàu (1 bó).
(Số người biết chữ đọc được rất ít. Cả hai xã Môn Sơn và Lục Dạ lúc đó chỉ có 17 người biết chữ).
Một số địa danh liên quan đến hoạt động cách mạng (khảo sát thực địa và ghi lại bằng hình ảnh)
1. Khối đá in thạch ở Khe Bẩm: Diện tích gần 3m2, loại đá mềm, có nhiều thớ mỏng tạo thành những phiến bằng phẳng, đủ thiết diện để in thạch.
Cách 30 mét ngược dòng suối phía phải là lán cất tạm truyền đơn vừa in xong (suối cạn, nước ít).
2. Đền Bản Thổ xóm Giăng Bừa: Trên một gò đất nhỏ, cách Khe Bẩm 50 mét về phía Tây Bắc là nơi cất truyền đơn, tài liệu. Hiện là đồi tranh, còn lại một cây mít, một cây quýt.
3. Nơi giao truyền đơn, tài liệu, gặp cấp trên báo cáo: Ở “Ruộng nhà Xầy”. Nay là một bãi săng, gần đó có ruộng.
4. Địa điểm nghe thượng cấp về giải thích những chủ trương chính sách: (Nơi tiến hành cuộc họp cán bộ nòng cốt) Dưới gốc cây trổ, cạnh Khe Mạ - Lúc đó thường gọi là “Cây trổ ông Hành”. Hiện nay cây trổ chính đã chết. Còn lại cây trổ con và cây bưởi mà trước đây những người dự họp đã được ăn quả.
5. Địa điểm gác cho cuộc họp: Cách cây trổ ông Hành 50 mét về phía Tây. Đứng ở đó quan sát được cả thung lũng có các bản làng toàn vùng.
6. Cây đa đền Gát - Nơi tập trung để đi biểu tình: Trên một gò đất, dưới là sông Giăng uốn khúc tạo thành vực.
7. Đồng Khùa: Cách cây đa đền Gát 500 mét về phía Bắc - Nơi gác cho cuộc biểu tình và chia của cho người nghèo.
8. Bù cò mị (Bù cây mít) - Chòi canh rẫy lúa của nhà ông Lâm - Nơi họp quyết định cuộc tuần hành đấu tranh (còn rẫy lúa, cạnh có mấy khóm mét).
Một số hiện vật liên quan còn giữ lại được:
1. Chiếc nỏ của đồng chí Hà Văn Hoa (bản Thái Hòa) đã mang theo và dùng trong cuộc biểu tình - Nay ở Bảo tàng Xô Viết.
2. Chiếc trống sơn màu đỏ của Họ Vi đã được dùng trong cuộc biểu tình - Nay ở Bảo tàng Xô Viết.
3. Chiếc thống (túi mang) của đồng chí Vi Văn Lâm, dùng bỏ truyền đơn, dụng cụ cắt tóc để cải trang hoạt động - Nay ở Bảo tàng Xô Viết.
4. Chiếc hông xôi (chõ) gỗ của bà Vi Thị Khang, đã dùng hông xôi phục vụ cán bộ hoạt động cách mạng (mọt ăn).
5. Một số chân dung các đồng chí đảng viên và những người tham gia cách mạng.
Cuộc tọa đàm kết thúc hồi 16 giờ, ngày 4-8-1986.
Nội dung cuộc tọa đàm đã được đọc lại cho mọi người nghe. Biên bản cuộc tọa đàm có chữ kí của những người đại diện trong cuộc tọa đàm xác nhận: Ông Hà Đình Cương - Thường trực Đảng ủy xã, ông Hà Xuân Tưởng - Chủ tịch UBND xã Môn Sơn và ông Lê Tài Hòe - Thư ký.
tin tức liên quan
Videos
Nghệ An đạt thành tích xuất sắc tại Giải vô địch Muay trẻ quốc gia năm 2023
Cầu đường sắt Yên Xuân
Bên khung cửa nhà Thầy
Hội Kiếp Bạc
Thành ngữ, tục ngữ và từ láy trong thơ Hồ Xuân Hương
Thống kê truy cập
114522780
230
2282
21554
220719
121009
114522780