Góc nhìn văn hóa
Trương Vĩnh Ký và Phan Thanh Giản: Vấn đề của việc diễn giải mang tính dân tộc chủ nghĩa lịch sử Việt Nam thế kỷ 19
Sự ra đời của hai nhà nước Việt Nam độc lập năm 1954 đã tạo động lực đáng kể cho việc nghiên cứu và tái định giá lịch sử nhà nước bị phân cắt này. Bất chấp truyền thống dài lâu của sử liệu Việt Nam chính thống và phi chính thống, con số những nghiên cứu mang tính diễn giải ra đời trước giữa những năm 50 là cực kỳ hạn chế. Sử liệu Việt Nam truyền thống đã bị xói mòn, và thậm chí che khuất, như là hệ quả của sự chiếm đóng của thực dân Pháp [1]. Thời kỳ thực dân, tự nó, dẫn đến việc công bố những sao lục quan trọng của người Pháp viết về lịch sử Việt Nam. Không đáng ngạc nhiên là phần lớn các công trình này cho thấy sự lệch lạc của quan niệm coi Pháp là trung tâm. Đặc biệt là trường hợp những ghi chép của Pháp về thời kỳ thực dân chuẩn bị trong thế kỷ 19 được viết bằng những ký ức về sự phát triển của nước Pháp còn hiện rõ trong tâm trí [2]. Tuy nhiên, tầm quan trọng của những nghiên cứu trước đây của người Pháp hẳn không được đánh giá đúng mức, do lan tràn những lệch lạc bắt nguồn từ quan niệm về tính ưu việt văn hóa và sứ mệnh khai hóa văn minh rất dễ nhận thấy. Hơn thế, khi vắng mặt những ghi chép của người Việt đương thời về những giai đoạn lịch sử nhất định, đôi lúc không có sự thay thế thỏa đáng bằng sự tin cậy vào nguồn tư liệu Pháp. Tuy nhiên, trong phạm vi học thuật hiện đại và những quan tâm về lịch sử đang thay đổi, những nghiên cứu này của Pháp rõ ràng đòi hỏi xem xét và định giá lại.
Bài viết này quan tâm đến một trong số những vấn đề thuộc về cách viết sử đã song hành cùng những cố gắng của các sử gia hoạt động trong thời kỳ từ 1954 nhằm tạo ra một lý giải mới lịch sử Việt Nam. Đặc biệt bài viết quan tâm đến những định giá về hai nhân vật danh giá của thế kỷ 19: Trương Vĩnh Ký (1837-1898) và Phan Thanh Giản (1796-1867). Mỗi người trong số hai người này đã được các sử gia Pháp thời kỳ thực dân khá quan tâm. Trương Vĩnh Ký được ca ngợi vì đã phụng sự những mục tiêu của Pháp và vì vai trò quan trọng của ông trong việc truyền bá chữ quốc ngữ [3]. Phan Thanh Giản được các nhà quan sát Pháp ngưỡng mộ vì là mẫu mực của những nhân vật đáng ngưỡng mộ nhất của hệ thống quan lại Việt Nam truyền thống, ngay cả với tư cách một bề tôi cung đình Huế, ông cũng là một đối thủ của những chính sách của Pháp [4].
Vì sự nổi tiếng trong lịch sử của họ và do số lượng bài viết về họ trong quá khứ, sự nghiệp và nhân phẩm của hai con người này đã trở thành một tiêu điểm rõ rệt cho cả các sử gia ở Hà Nội và Sài Gòn. Những sử gia đã công bố nghiên cứu của mình ở Hà Nội nói chung mang một cái nhìn phê phán về Trương Vĩnh Ký và Phan Thanh Giản. Ngược lại là trường hợp các sử gia hoạt động ở Sài Gòn, nơi hai con người này nhận được những đánh giá nhìn chung là cảm thông. Những phán xét khác nhau này thể hiện phần nào những ảnh hưởng tư tưởng đối chọi nhau diễn ra trong một nhà nước Cộng sản và trong một nhà nước chống Cộng sản. Song có lẽ tầm quan trọng lớn hơn là ở những thảo luận gần đây về Phan Thanh Giản và Trương Vĩnh Ký của các cây bút Việt Nam nhằm làm sáng tỏ một số vấn đề trên đã bao hàm cố gắng tạo ra một cách diễn giải mới, mang tính dân tộc chủ nghĩa về lịch sử Việt Nam với tư cách một sự thế chỗ cho những hình dung của các học giả Pháp hiện vẫn lưu truyền rộng rãi ở phương Tây.
Vì những lý do khác nhau, mà phần nhiều là giống nhau giữa những nước đã từng trải qua thời kỳ thực dân, việc tạo ra một hình dung mới về lịch sử Việt Nam chứng minh sự khó khăn liên quan đến thời kỳ thực dân và những người Việt Nam có vai trò nổi bật trong thời kỳ đó. Nhưng những bất đồng về chép sử chắc chắn là việc bảo vệ thời kỳ thực dân này. Sự tương phản giữa cách lý giải do sử gia Việt Nam đương đại Lê Thành Khôi đưa ra về khởi nghĩa Tây Sơn, diễn ra cuối thế kỷ 18 và cách tiếp cận của cây bút Pháp trước đó, Charles Maybon, minh hoạ cho thực tế này. Nghiên cứu của Maybon được hình thành trong bầu không khí trí thức cổ vũ sự hỗ trợ của người Pháp cho nhà lãnh đạo Việt Nam đối địch với Tây Sơn và sau này trở thành người cai quản nước Việt Nam thống nhất là Hoàng đế Gia Long. Anh em Tây Sơn được thể hiện như những kẻ nổi loạn chống lại trật tự đã an định và như những con người mang căn tính và phẩm cách đáng hoài nghi [5]. Trong khi thể hiện một quan điểm như vậy về Tây Sơn, Maybon đã hiển nhiên nằm trong nhánh hậu duệ của các sử gia Pháp trước đó viết về thời kỳ này [6]. Tuy nhiên các sử gia, cả Việt Nam và ngoài Việt Nam, liên tục miêu tả cuộc nổi dậy Tây Sơn bùng nổ trong một thời kỳ căng thẳng về xã hội, tại đó các dòng họ thống trị lâu đời, cả ở miền Bắc và miền Nam của xứ sở này đã thất bại trong cuộc đương đầu với những khó khăn đặt ra trước xã hội nói chung. Trong chừng mực đó, những tái định giá như vậy về vai trò của Tây Sơn phù hợp với niềm tự hào Việt Nam lâu đời về kỳ tích của Hoàng đế Quang Trung, một trong ba anh em Tây Sơn - người đã thành công trong việc lật đổ ách chiếm đóng của Trung Quốc tại Việt Nam năm 1789 và vương triều trị vì ngắn ngủi của ông được đánh dấu bởi thành tựu văn chương và hành chính [7] . Có đúng chăng việc mô tả phong trào Tây Sơn bằng những ngôn từ do Lê Thành Khôi sử dụng lại mở rộng cửa hơn cho những hoài nghi. Đánh giá của ông về chiến công của Tây Sơn nhấn mạnh vai trò của nông dân trên cơ sở giả định phong trào này mang một ý thức chính trị mà dường như, chí ít là, có thể bàn cãi [8]. Còn với cuộc luận chiến về sử liệu - mối quan tâm chính của bài viết này - tranh luận về phong trào Tây Sơn dường như bao hàm cả những bất đồng không dứt cả về vấn đề sự kiện và vấn đề ý thức hệ.
Những định giá hiện đại của Việt Nam về vai trò lịch sử của Trương Vĩnh Ký và Phan Thanh Giản ra đời trong khung cảnh Việt Nam bất lực khi đối mặt với thách thức về tinh thần và vật chất của phương Tây. Sự bất lực này là một chủ đề trở đi trở lại trong các trang viết của giới sử gia Việt Nam, bất kể họ đứng về phe phái chính trị nào, với việc tập trung vào những hành vi phản tỉnh của các bậc hoàng đế và cố vấn của họ, cũng như sự thiếu hụt về vật chất của lực lượng quân sự Việt Nam. Việc đội quân này bị coi là suy yếu sau khi đã giao chiến hiệu quả cao dưới triều Gia Long trở thành một vấn đề đối với giới phê bình mang tư tưởng hoài cổ sâu sắc [9]. Tuy nhiên, chính sự không tương thích giữa công phu đèn sách và kết quả thất bại trước sự tiến bộ Pháp ở Việt Nam đã khiến các nhà bình luận hiện đại Việt Nam về thế kỷ 19 phải lưu tâm. Phản ứng của vị hoàng đế này và các quan lại trong triều trước những đề xuất của một số ít những người ủng hộ cải cách, tiêu biểu nhất là giáo dân Nguyễn Trường Tộ, được các cây bút hiện đại xem là mù quáng về học thức [10]. Thuật ngữ được Bùi Quang Tùng, một trong những sử gia đương đại Việt Nam xuất sắc nhất, sử dụng dường như phản ánh chính xác về một hành vi phổ quát. Trong nhận định của cây bút này về giai đoạn từ 1858 đến 1884, ông miêu tả Việt Nam “đang trên con đường suy vong” [11]. Ông hướng sự phê phán này vào các vị hoàng đế và cố vấn của họ, những người bị nền học vấn Nho giáo kiềm toả, bởi ông nhận ra sự không tương thích của hệ thống nhà nước truyền thống và triết lý của nó, “chấp nhận tình trạng thất sủng để duy trì đặc vị của mình” [12]. Tương tự, mối quan hệ nhân quả giữa việc tu dưỡng đạo đức của quan lại Việt Nam và những thất bại của nhà nước trong việc chống lại người Pháp, được Phan Khoang chú ý khi ông quan sát thấy: “những cá nhân tài năng nhất vẫn mang một kiểu nhận thức hẹp hòi và không hiểu được những diễn biến trên hoàn cầu. Nếu với tầng lớp thượng đẳng còn như vậy, thì người dân càng không có sự hiểu biết rõ ràng về thế giới”[13].
Đối mặt với sự bất cập rõ ràng của các hoàng đế Việt Nam và triều đình của họ khi gặp phải những thách thức do sự chiếm đóng của Pháp gây ra, nhiều trang sử Việt Nam hiện đại đã tập trung vào những người Việt Nam chống lại lực lượng thực dân. Việc ca ngợi những con người chống lại ngoại xâm là một truyền thống lâu dài ở Việt Nam. Tên tuổi và công tích của những người chiến đấu chống lại Trung Hoa được lưu giữ trong một bộ phận của lịch sử mang tính dân gian cũng như trong các ghi chép bác học về quá khứ [14]. Trong thời kỳ thực dân Pháp thống trị Việt Nam việc tuyên truyền chống thực dân hiển nhiên có xu hướng gộp tất cả những hành động chống Pháp dưới một khẩu hiệu mang tính dân tộc, bất kể động lực sâu xa là gì. Chẳng hạn có thể quan sát một xu hướng như vậy trong các bài viết của Hồ Chí Minh ca ngợi những người Việt Nam chống Pháp. Chúng dường như có mục đích ủng hộ hành động kháng cự hơn là tìm hiểu ý thức hệ [15]. Trong thời kỳ hậu thực dân, việc ngợi ca những người Việt Nam kháng Pháp mang một chủ đề chung trong hầu hết các trang viết của các sử gia cả ở Bắc và Nam Việt Nam. Thường trên cơ sở nguồn tư liệu Pháp, những cây bút này biện hộ cho sự can trường và công lao vì dân tộc của những người Việt Nam chống Pháp ở Nam Bộ những năm 1860, và những người lãnh đạo phong trào Cần Vương và Văn thân giữa những năm 1880 [16].
Dường như là không quá mức khi khẳng định rằng việc công khai chống lại sự chiếm đóng của Pháp giống như một viên đá thử vàng cho phán xét lịch sử của các cây bút miền Bắc - những người quan tâm đến việc viết ra một lịch sử mới thay thế cho lịch sử hình thành trong thời kỳ thực dân. Sự nghiệp của Trương Định, người lãnh đạo cuộc chiến tranh du kích chống Pháp tại vùng Gò Công, Nam Bộ đầu những năm 1860 đã mang lại cho các cây bút miền Bắc Việt Nam cơ hội ngợi ca một nhân vật lịch sử không được sử gia Pháp về Việt Nam chú ý nhiều lắm. Trương Định được miêu tả là “vị anh hùng tiêu biểu cho tinh thần chống ngoại xâm của nhân dân miền Nam” [17]. Trong các bài báo dựa nhiều vào nguồn tư liệu Pháp, Trương Định được gán cho những phẩm chất siêu nhân, do vậy ngay cả dung mạo cá nhân ông cũng được ngợi ca [18]. Có vẻ như nằm ngoài mong muốn của các cây bút Bắc Việt Nam nhằm tạo ra mối liên kết tư tưởng giữa hành động của Trương Định thế kỷ 19 với những cố gắng của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, mối quan tâm của họ đến tầm quan trọng của nhân vật này dường như nằm trong phạm vi lịch sử. Ghi chép chi tiết nhất về hoạt động du kích của Trương Định từ các nguồn sử liệu phương Tây trong cuốn sách của Paulin Vial Les premières annés de la Cochinchine francaise (Những năm đầu tiên của Pháp tại Nam Bộ), cuốn sách cung cấp cho chúng ta rất nhiều thông tin về thời kỳ ngay sau khi Pháp có mặt ở Đông Dương [19]. Theo miêu tả của Vial, Trương Định là một “kẻ tội đồ”, hay một kẻ “phản loạn”. Tuy nhiên ngay trong ghi chép biên niên sử các sự kiện, Trương Định cũng hiện ra như một con người phức tạp đáng quan tâm về mặt lịch sử. Lời hịch cuối cùng của vị lãnh tụ du kích này cho thấy Trương Định là một con người có tinh thần tự nhiệm, ý thức được nhược điểm của mình, mang nỗi thất vọng, chung với nhiều người dân quê ông, trước mâu thuẫn trong triều đình Huế [20] .
So sánh với những đồng bào của họ ở Hà Nội, các sử gia hoạt động ở Sài Gòn từ 1954 ít quan tâm hơn đến việc nêu cao ý nghĩa của các sự kiện quá khứ có liên quan đến những quan tâm mang tính ý thực hệ đương thời. Trong khi việc chống lại sự thống trị của thực dân Pháp được ca ngợi thì những người bị các sử gia Hà Nội rêu rao là cộng tác với địch lại được các bài viết tại Sài Gòn đối xử một cách cảm thông [21]. Có thể có nhiều lý giải cho sự đối ngược này. Sự vắng mặt của một ý thực hệ nhà nước thành công trong điều hành quốc gia ở Nam Việt Nam đã dẫn đến một bầu không khí trí tuệ tự do hơn nếu chưa thể nói đến một tự do hoàn toàn. Một số ghi chép về việc mà các cây bút Sài Gòn, trái với các cây bút Hà Nội, có thể miêu tả như những kế thừa quan điểm ủng hộ Pháp về tiến trình lịch sử thế kỷ 19 [22]. Trong một kỷ nguyên có truyền thống vùng mạnh, việc ca ngợi thành tựu của người Việt Nam xuất thân từ vùng Nam Bộ, như Trương Vĩnh Ký và Phan Thanh Giản, đã áp đảo sự phê phán xuất phát từ việc tìm hiểu mang tính ý thức hệ. Cuối cùng, dù còn lâu mới là thấu đáo, ảnh hưởng của Giáo hội Công giáo ở Nam Việt Nam thời kỳ sau 1954 có thể xem là có dự phần vào việc phê phán có giới hạn những tín đồ Công giáo Việt Nam là những người cộng tác với địch đầu tiên ở thế kỷ 19 [23]. Với những khác biệt sâu sắc này giữa sử Hà Nội và Sài Gòn, có thể nhận ra một mối tiên ưu tương tự ở Nam Việt Nam giống như đã xảy ra ở miền Bắc: mối quan tâm đến việc chứng tỏ sự hiện diện vào thế kỷ 19 của những người mà cuộc sống của họ là một bằng chứng cho sự vĩ đại của Việt Nam và tinh thần kháng cự của người Việt Nam bất chấp sự chiếm đóng thực dân [24] .
Trên cái nền chung của việc tái định giá lịch sử, việc tìm hiểu những nghiên cứu gần đây của Việt Nam về Trương Vĩnh Ký và Phan Thanh Giản có thể giúp chúng ta hiểu biết tình thế của Việt Nam trong thế kỷ 19 và những vấn đề trong quá trình hình thành nên tình thế đó trên cơ sở một lịch sử thỏa đáng. Điểm xuất phát quan trọng được tạo nên bởi hàng loạt các bài báo đề cập đến những nhân vật này xuất hiện tạp chí Nghiên cứu lịch sử ở miền Bắc những năm 1963 và 1964. Những bài viết này đối nghịch gay gắt với thái độ đầy cảm thông dành cho Trương Vĩnh Ký và Phan Thanh Giản trong các bài viết về lịch sử ở miền Nam Việt Nam.
Trương Vĩnh Ký thành một tiêu đích dễ dàng cho các nhà phê bình hiện đại khi họ phê phán những người hợp tác với chính quyền thực dân. Suốt cuộc đời, ông không che giấu một bí mật nào trong việc dốc lòng cho sự nghiệp của Pháp và cho Giáo hội Công giáo mà ông là tín đồ từ lúc sinh ra [25] . Trương Vĩnh Ký là con trai một lãnh binh và một nữ tín đồ Việt Nam theo Thiên chúa giáo. Việc ông theo học tại các trường truyền giáo của đạo Công giáo ở Việt Nam, Campuchia và đảo Penang đã mang lại cho ông khả năng ngôn ngữ nổi bật và được ông phát triển cho đến khi có thể thành thạo 8 ngoại ngữ và am hiểu một vài ngôn ngữ khác. Sự hoàn hảo về ngôn ngữ này đã biến ông thành một trợ tá vô giá cho bộ máy thực dân đã được thiết định ở Nam Bộ. Ông chào đón những người châu Âu mới đến như những người giải thoát cho các đạo hữu bị áp bức của ông và hăng hái làm việc cho họ hơn hai mươi năm. Phạm vi trách nhiệm của ông dần mở rộng trong suốt những năm này vì vậy nhiệm vụ ban đầu của ông với tư cách một thông ngôn viên và giáo viên được kế tiếp bằng những bổ nhiệm là một ký giả, và một thời kỳ là phóng viên chính trị [26]. Nếu cần có một phán xét về đóng góp quan trọng nhất của Trương Vĩnh Ký cho sự phát triển của xã hội Việt Nam hiện đại thì có thể khoanh trong phạm vi vai trò của ông đối với việc quảng bá cho chữ quốc ngữ, không chỉ trong những năm ông hợp tác với tờ Gia Định báo [27]. Với các sử gia, tờ Couriers d’histoire annamite ra mắt những năm 1870 rất đáng quan tâm, như một cố gắng đầu tiên của một cây bút Việt Nam nhằm tạo ra một lịch sử đất nước mình theo kiểu phương Tây [28].
Tài năng ngôn ngữ nổi trội mà Trương Vĩnh Ký thể hiện và những trước tác dày dặn của ông được các cây bút miền Nam Việt Nam ca ngợi. Mối quan tâm đến thành tựu học thuật của Trương Vĩnh Ký dường như được các cây bút này chú ý vì tầm quan trọng hơn là nhu cầu thể hiện sự phê phán hành vi hợp tác của ông với bộ máy hành chính Pháp [29]. Trái lại, sự nghiệp của Trương Vĩnh Ký bị các sử gia Hà Nội lăng mạ là sự nghiệp của tên tay sai đầu tiên phục vụ Pháp [30]. Khi thừa nhận những khả năng trí tuệ của ông, các nhà bình luận lịch sử Hà Nội nhắc đi nhắc lại sự dính líu của Trương Vĩnh Ký với việc Pháp tìm cách mở rộng quyền kiểm soát ở Trung và Bắc Việt Nam những năm 1880 [31] . Sự cống hiến hết lòng của Trương Vĩnh Ký cho sự nghiệp Pháp quốc và việc ông sẵn lòng dốc mình cho sự phát triển của Pháp đã đưa sử gia Hà Nội đến sự phán xét rằng “kẻ hợp tác” học thức này là một “con người phản bội dân tộc, tay chân của bọn cáo già thực dân” [32] .
Những phê phán chỉ trích chống lại Trương Vĩnh Ký từ phía các cây bút Hà Nội là điều có thể thấy trước. Tuy nhiên, theo những phân tích ban đầu, việc họ lên án Phan Thanh Giản lại có vẻ khó lý giải hơn. Là một người đỗ đại khoa trong khuôn khổ giáo dục truyền thống, cuộc đời Phan Thanh Giản cống hiến vô tư cho nhà nước này mà không hề quan tâm đến lợi ích cá nhân - vốn là thông lệ với nhiều người đỗ đạt ra làm quan. Phan Thanh Giản là người Việt Nam đầu tiên xuất thân từ Nam Bộ đã đậu cao trong kỳ thi Đình tổ chức tại Huế, năm 1826 [33]. Toàn bộ sự nghiệp của ông cho đến thời kỳ thực dân bắt đầu dường như là một minh chứng cho những nhân vật đáng ngưỡng mộ nhất trong hệ thống quan lại. Thời trẻ ông đã biểu hiện một cách ấn tượng đức hiếu thuận của mình với việc cùng cha chịu vòng lao lý, theo phán quyết dành cho thân phụ ông [34]. Mức độ hiếu thuận tương tự cũng được Phan Thanh Giản thể hiện bằng việc chấp nhận không phàn nàn phán quyết của vua Minh Mạng rằng quan lại phải phục vụ như kẻ bề tôi, sau khi ông đưa ra những lời khuyên đi ngược lại với nguyện ước của bề trên. Tuy nhiên sau đó Phan Thanh Giản được phục chức với những phẩm hàm ngày một cao hơn.
Có thể đoán định rằng sự không may mắn nhất của cuộc đời Phan Thanh Giản là việc ông vẫn là người quan trọng và dũng khí trong triều đình Huế khi Pháp tấn công Việt Nam, khởi đầu là năm 1858. Với tư cách một viên quan kỳ cựu nhất trong triều, ông khuyên nên chấp nhận nhượng bộ Pháp. Có nhiều ghi chép về sự dao động và lúng túng thể hiện phản ứng của triều đình Huế trước thách thức mới của ngoại bang đối với chủ quyền đất nước [35]. Phan Thanh Giản thuộc số những người khuyên nhượng bộ, phản đối kháng cự, và ông đã thay mặt triều đình Huế tham gia vào những cuộc thương thuyết cả ở Việt Nam và Pháp. Hệ quả là Phan Thanh Giản được chỉ định làm đại diện cho triều đình Huế ở các tỉnh Nam Bộ - An Giang, Hà Tiên, và Vĩnh Long - những địa danh không thuộc quyền kiểm soát của Pháp trước năm 1862. Ông đảm nhiệm trọng trách này năm 1867 khi Đô đốc La Grandière, theo sáng kiến cá nhân, xúc tiến hoàn thành công cuộc chính phục Nam Việt Nam [36]. Cho rằng kháng cự là vô ích, Phan Thanh Giản để La Grandière vào chiếm ba tỉnh miền Tây Nam Bộ. Song cho rằng việc mình đang làm đã phụ lòng hoàng đế, ông đã theo cách truyền thống là tự tận. Sự tận tâm và bảng công tích đã giúp ông nhận được sự đối xử đầy cảm thông từ các sử gia miền Nam [37] . Nhưng việc ông theo chính sách nhượng bộ và thất bại của ông trong việc chống lại bước tiến của Pháp năm 1867 đã khiến Phan Thanh Giản bị các cây bút hiện đại miền Bắc lăng mạ là “kẻ phải chịu toàn bộ trách nhiệm về hành vi bán nước… ông mang tinh thần và thái độ của kẻ đầu hàng trong triều đình Huế” [38].
Còn bài viết này quan tâm đến việc trình bày cơ sở đi ngược lại những phán quyết dành cho Trương Vĩnh Ký và Phan Thanh Giản và làm rõ những quan điểm trái ngược nhau của các cây bút hoạt động trong các môi trường tư tưởng khác nhau về hai nhân vật này. Mặc dù không có cơ hội nào dành cho sự phán xét có ý nghĩa liên quan đến việc quy công tội hình thành trong phạm vi tư tưởng, việc phân rẽ quan điểm liên quan đến hai nhân vật Việt Nam thế kỷ 19 đặt ra những vấn đề liên quan đến bất kỳ cố gắng nào trong việc tạo ra một lý giải mang tính dân tộc về thời kỳ thực dân của lịch sử Việt Nam. Quan điểm này được làm rõ bởi những tư liệu khác nữa về một vài phương diện gây tranh luận về sự nghiệp của Trương Vĩnh Ký và Phan Thanh Giản.
Là một tín đồ Công giáo từ lúc sinh ra, Trương Vĩnh Ký đương nhiên xa cách về nhiều mặt với những người đồng hương. Quan điểm coi tín đồ Công giáo Việt Nam “là kẻ xa lạ giữa quê hương mình” thường xuyên được nhấn mạnh trong những bình phẩm của các nhà quan sát khung cảnh thực dân Pháp thời kỳ đầu [39]. Tuy nhiên, việc nhấn mạnh vào tính chất dépaysé (dị chủng) của tín đồ Công giáo Việt Nam chắc chắn là một kiểu định kiến có thật trong trường hợp Trương Vĩnh Ký. Đặc biệt, quan điểm của ông về hiện trạng Việt Nam dường như đồng điệu với thái độ của nhiều đồng bào không theo Công giáo giáo trong thời kỳ thực dân - những người từ bỏ quan niệm về một thể chế Khổng giáo. Thư từ của Trương Vĩnh Ký làm rõ cách thức mà theo đó ông tin rằng việc hồi sinh cần thiết cho toàn bộ nước Việt phải đến như hệ quả của sự hiện diện của thực dân Pháp. Không nơi nào quan điểm này gây ấn tượng hơn là chuyến đi Bắc Kỳ năm 1876 của ông. Chuyến thăm này, và việc nó cuốn ông vào công việc chuẩn bị cho bản phúc trình thúc giục mở rộng quyền lực của Pháp ở Bắc Kỳ là mục tiêu đặc biệt của những phê phán từ các cây bút miền Bắc [40]. Gần như không có một phần đáng chú ý nào trong báo cáo nhằm kết án các đạo hữu của ông tại Bắc Kỳ, những người ông coi là phải chịu trách nhiệm về việc để cho những rối loạn hoành hành. Theo quan điểm của Trương Vĩnh Ký, tình trạng rối loạn này đòi hỏi sự can thiệp của Pháp. Trong một bình luận ông nói: “Tôi quả quyết rằng triều đình Huế bất lực trong việc thực thi công việc to lớn này và rằng một mình Pháp có thể vực dậy quốc gia đang suy sụp này”.
Quan điểm của Trương Vĩnh ký về một nước Việt Nam đang suy sụp không chỉ có mặt trong một báo cáo này. Trong một trường hợp khác, ông viết về tầm quan trọng vô cùng to lớn của chữ quốc ngữ bởi vai trò mà việc Latin hóa tiếng Việt có thể đảm nhận để tạo ra cơ hội cho “xứ sở nghèo khốn không được thừa kế này… bước vào cộng đồng các dân tộc và hệ quả to lớn mà phương Tây đem lại cho thế giới” [41]. Xem Việt Nam như “một quốc gia đang suy sụp” và như “một xứ sở không được thừa kế” khi ông chuẩn bị cho những đối thoại năm 1870, Trương Vĩnh Ký dường như đã bộc lộ những quan điểm rất giống với những tuyên ngôn sẽ được cất lên vào đầu thế kỷ 20 trong cuộc tranh luận về mục tiêu và phương thức của chủ nghĩa dân tộc Việt Nam. Ở thời kỳ thứ hai này, vấn đề quan hệ Việt Nam với Trung Quốc là cốt yếu và việc giảm bớt những tác động của văn hóa Trung Hoa đã được tranh luận rất gay gắt [42]. Việc hiện thực hóa sự tương đồng về tư duy này đặt ra giả thuyết về một tiếp cận khác đối với việc tìm hiểu sự hợp tác của Trương Vĩnh Ký với chế độ Pháp từ quan điểm của các sử gia Hà Nội. Không tranh luận về vấn đề rất có giá trị về việc liệu sự hợp tác này có đáng mong muốn hay không, việc mô tả con đường Trương Vĩnh Ký, dù là một tín đồ Cơ đốc giáo và là viên chức cho người Pháp, nằm trong phạm vi nhận thức của những hậu bối từ bỏ hệ thống cổ truyền Việt Nam bị tư tưởng Trung Hoa thống trị, với niềm say mê viễn cảnh mới về tương lai. Việc Trương Vĩnh Ký là khác thường trong số những người Việt Nam gắn bó với bộ máy hành chính Pháp những năm đầu thực dân cần phải có những tranh luận cụ thể. Tuy nhiên, có những trường hợp nhất định dành cho những người khác có cùng quan điểm với Trương Vĩnh Ký [43] .
Trong khi những cuộc tranh cãi lịch sử diễn ra xung quanh quãng đời thành niên của Trương Vĩnh Ký, thì những năm cuối đời của sự nghiệp làm quan của Phan Thanh Giản và nhất là việc ông trao ba tỉnh miền Tây Nam Bộ cho Pháp năm 1867 lại là mục tiêu của những chỉ trích từ các sử gia Hà Nội. Quyết định trao Vĩnh Long, An Giang và Hà Tiên của Phan Thanh Giản phải được nhìn trong bối cảnh do dự của triều đình Huế. Chính sách của Việt Nam đối với Pháp được hình thành một cách cẩn trọng nhất, sau những thất bại quân sự năm 1861. Triều đình dường như vẫn tin rằng vào năm 1866 và 1867 có thể chuộc lại những phần đất Nam Bộ đã mất bằng bồi thường và cách nghĩ này đã ngăn cản những cuộc đối đầu quân sự. Chính trong bầu không khí đó Phan Thanh Giản đã được chỉ định làm Kinh lược sứ những tỉnh không bị chiếm đóng. Thiếu những chỉ dẫn sáng suốt và am hiểu thời thế, Phan Thanh Giản tìm, nhưng bị từ chối, cơ hội từ nhiệm [44]. Vì thế ông vẫn đương nhiệm khi Đô đốc La Grandière tuyên bố ý định chiếm đóng tức thì các tỉnh miền Tây [45]. Cuộc chiếm đóng tức thì này đặt ra một lựa chọn đau xót cho Phan Thanh Giản, người ý thức được sự hơn hẳn của Pháp về quân sự và sự yếu kém của quân đội Việt Nam - đội quân chỉ có thể tạo ra vài cuộc kháng cự. Truyền thống đổ lên Phan Thanh Giản gánh nặng đau đớn về sự lựa chọn mà khi phải làm ông đã nói đến những yêu cầu đối lập nhau về lòng trung quân và mối quan tâm mà ông đòi hỏi phải có đối với sự bình an của những người dưới quyền ông [46] .
Quyết định trao đất của Phan Thanh Giản trong cuộc đối mặt với thế lực ưu đẳng hơn, có thể phán đoán là đã tạo ra nguyên nhân của sự phê phán từ các sử gia miền Bắc - những người rất coi trọng công cuộc kháng Pháp. Quyết định tự tận sau đó của ông do hối hận về những hành vi của mình, theo chuẩn mực của triều đình Huế mà ông coi là lý tưởng, không thể sửa chữa cho những lỗi lầm của ông. Cơ sở nữa của những tranh cãi là những di vật Phan Thanh Giản gửi lại cho hoàng đế và các quan trong vùng ông cai quản ngay trước khi ông qua đời, và lời khuyên ông để lại cho các con. Theo những kỷ vật của ông, Phan Thanh Giản muốn nói rằng đối mặt với tính chất bất khả đối kháng của lực lượng Pháp ở Việt Nam triều đình không có cách lựa chọn nào khác ngoài việc đi đến những thỏa thuận với quân viễn chinh [47]. Lời khuyên của Phan Thanh Giản để lại cho các con thậm chí còn là vấn đề gây tranh cãi hơn nhiều. Một số sử gia lập luận rằng viên quan sắp lâm chung này muốn con cháu mình không bao giờ hợp tác với quân xâm lược Pháp [48]. Tuy nhiên, một ghi chép của nhân chứng quan trọng người Pháp về cái chết của Phan Thanh Giản nhấn mạnh rằng giờ phút lâm chung viên quan này thuyết phục các con coi người Pháp là “thầy” của mình [49]. Trong khi cẩn trọng với những ghi chép của người Pháp thế kỷ 19 về con đường phát triển ở Việt Nam luôn là điều cần thiết thì rất khó gạt đi những phát ngôn của một nhân chứng.
Vấn đề mà Phan Thanh Giản phải đối diện vào những tháng cuối cùng của cuộc đời ông rất phức tạp, và trong phạm vi bổn phận của mình và những hành vi lý tưởng của một viên quan hầu như nằm ngoài khả năng giải quyết. Việc ông quyết định trao đất đã tính đến thế lực của Pháp và lợi ích của những người dân mà ông chăn dắt. Trừ khi phán xét lịch sử được hình thành trong phạm vi thuần tuý của việc khao khát sự kháng cự, dù phải trả giá ra sao, thì dường như việc thừa nhận thế lưỡng phân mà Phan Thanh Giản gặp phải là một điều thỏa đáng. Khi phải đưa ra một quyết định, Phan Thanh Giản, với những di vật của mình, đã cho thấy giới hạn mà ông nhìn thấy ở số phận riêng, số phận của xứ sở ông trong khuôn khổ Khổng giáo. Ông đã viết về sự hiện diện và uy lực của nước Pháp trong khuôn khổ ý muốn của thượng đế. Là đại diện tiêu biểu cho truyền thống tốt đẹp nhất của giới quan lại, ông đã cố gắng xứng đáng với lý tưởng phụng sự của mình và ông đã thất bại. Thời gian lưu trú ngắn ngủi của ông ở phương Tây đã đem lại cho ông một số hiểu biết về khả năng vật chất của châu Âu và ông đã vô cùng sửng sốt trước những điều mắt thấy. Trong cuộc chống chọi cuối cùng của ông với sự hiện diện của Pháp và đòi hỏi của lòng trung quân, Phan Thanh Giản đã đối mặt với những khó khăn vi tế nhất. Cố gắng của ông nhằm có được sự dàn xếp với những đòi hỏi mâu thuẫn nhau của tình thế bấy giờ rốt cục đã thất bại. Điều đó phản ánh sâu sắc những vấn đề đặt ra ở cấp độ dân tộc bởi một nước Việt Nam thời Phan Thanh Giản.
Việc tìm hiểu sơ quaTrương Vĩnh Ký và Phan Thanh Giản nhấn mạnh nhiều vấn đề cần phải được giải quyết bằng việc tìm cách tái lý giải lịch sử Việt Nam vào nửa sau thế kỷ 19. Chắc chắn là hiện vẫn còn những tồn tại như sự không thỏa đáng của những cuốn sử Pháp kiểu như vậy và những hồi ức được viết trong những năm ngay sau thời kỳ chinh phục. Song một phán xét của lịch sử Việt Nam coi kháng cự như một thước đo phẩm hạnh cũng bao hàm những nguy cơ xuyên tạc nghiêm trọng tương tự. Xã hội ở mọi xứ sở và trong mọi thời đại đều tìm kiếm những bậc anh hùng để tôn vinh. Theo lời cáo nổi tiếng thế kỷ 15, Việt Nam “hào kiệt đời nào cũng có”. Nhận định này cũng có thể áp dụng cho thế kỷ 19. Một đóng góp vĩ đại của những trang viết gần đây hơn về Việt Nam là nỗ lực thu hút sự chú ý đến các cá nhân những người hoặc bị bỏ quên hoặc chưa được ngay cả các tác giả Pháp biết đến, và những người đã góp phần đáng kể vào việc chống lại bước tiến của Pháp. Tuy nhiên, những vấn đề của sử liệu nảy sinh từ học giới chống Tây phương cũng là điều có thật. Mặt khác, trong trường hợp Trương Vĩnh Ký có một nguy cơ thực sự về việc không đủ hiểu biết về giới hạn mà ở đó có những người Việt Nam thuộc nhóm hợp tác với địch, với động cơ mang nhiều nét bản sắc Việt Nam như sẽ diễn ra sau này, những nhà dân tộc chủ nghĩa hiện đại chối bỏ quá khứ Khổng giáo của Việt Nam [50]. Ở trường hợp Phan Thanh Giản, việc lên án quyết định trao đất của ông có nguy cơ gây ấn tượng rằng triều đình Việt Nam và những người phục vụ nó có thể đã có những chiến lược thay đổi về sự đối đầu. Khả năng về một cuộc kháng cự ở quy mô rộng đương thời, cho dù một cuộc kháng cự như vậy không ngăn cản được chính quyền Pháp đạt được mục đích của mình, đã bộc lộ trong trường hợp phong trào Cần Vương và cuộc nổi dậy của Văn thân giữa những năm 1880 [51]. Nhưng những bận tâm lịch sử quá mức về khả năng Phan Thanh Giản có thể lựa chọn cái chết như một anh hùng, nếu không nhất thiết phải có ý nghĩa thì cái chết ở thế đứng sau cùng chống lại đội quân của Đô đốc de La Grandière cũng gây nhiễu loạn sự chú ý bởi vấn đề trung tâm mà cả Phan Thanh Giản lẫn thể chế của ông gặp phải: vấn đề đối mặt không chỉ là lực lượng quân sự hơn hẳn, mà còn là một thách thức sâu xa đối với nền tảng tri thức và triết học của thể chế này.
Do những lý giải mang tính dân tộc chủ nghĩa về các cá nhân và sự kiện sẽ thay đổi khi những bí mật quốc gia đến một lúc nào đó được hé lộ, nên ý nghĩa lịch sử của cuộc đời và hành động của Trương Vĩnh Ký và Phan Thanh Giản có thể được mô tả là “dân tộc” hơn là “dân tộc chủ nghĩa”. Bất kỳ ghi chép nào ở thế kỷ 19 chọn điểm nhấn là hình ảnh Trương Vĩnh Ký với tư cách một “tay sai” không chỉ là một miêu tả sai lệch về nhân cách một con người mà sự hợp tác của ông với Pháp, trong tâm trí ông, không hề là tội lỗi [52]. Một hình dung như vậy cũng sẽ không đủ để mô tả một nhóm nhỏ nhưng quan trọng những người Việt Nam đã chân thành tin rằng việc cứu vớt dân tộc mình nằm ở sự hợp tác với Pháp. Hẳn sẽ là phi lý để giả định rằng Trương Vĩnh Ký là tiền thân về tri thức của Bùi Quang Chiêu, người sáng lập Đảng Lập hiến Nam kỳ, và các đạo hữu của ông, vào đầu những năm 1920 đã mang một niềm tin chân thành vào khả năng giành độc lập và lợi ích từ nền văn minh Pháp (Tây phương).
Những năm tháng cuối cùng Phan Thanh Giản sống vào một thời điểm các giá trị truyền thống mà ông là một đại diện xứng đáng đã phải chịu một thử thách ghê gớm. Quyết định sau rốt của ông là trao ba tỉnh miền Tây Nam Bộ cho La Grandière không phải là một quyết định do khiếp sợ mà là quyết định từ sự nhận thức ra những vấn đề mà Việt Nam vấp phải trong cuộc đối mặt với Pháp. Với một viên quan có trách nhiệm và kinh nghiệm, chỉ có một nhận thức sâu sắc về sự yếu kém của trật tự hiện hành mới có thể đưa lại một chuyển hướng căn bản như vậy khỏi những hành vi đã được mặc nhận [53]. Sự chỉ trích Phan Thanh Giản về việc không thể chống lại Pháp đã đơn giản quá mức tình thế lưỡng phân bi kịch mà viên quan này phải đối mặt. Một cách tiếp cận như vậy sẽ lại thất bại khi nhận ra thế lưỡng phân cá nhân trong phạm vi mà sự chao đảo của triều đình đã mạnh hơn mong muốn bảo vệ đặc ân và bao hàm sự hoang mang chân thành về mẫu hình quá khứ có thể tạo ra hình mẫu hành động cho hiện tại.
Sử liệu đang được bổ sung về nước Việt Nam thế kỷ 19 dường như phản ánh những tìm kiếm của thế kỷ 20. Sự gần gũi, trong phạm vi biên niên sử, và sức mạnh ghê gớm của cuộc cách mạng Việt Nam là những nhân tố sẽ góp phần vào việc tiếp tục quan tâm sâu sắc đến sự kháng cự trước đây với thế lực thực dân ngoại bang. Sự phân định căn bản mà bài viết này thể hiện, trong quan hệ với một mối quan tâm liên tục như vậy đến sự kháng cự, là sự giả định mà một kiểu tiếp cận như vậy với lịch sử Việt Nam có thể đi đến xuyên tạc nhiều chủ đề lịch sử quan trọng xuyên suốt những bước phát triển ở thế kỷ 19. Việt Nam ở thế kỷ 19, không hề khác Việt Nam ngày nay, đầy rẫy những quan điểm đụng độ nhau. Sự thống nhất mong manh mà Hoàng đế Gia Long đạt được phụ thuộc vào việc triều đình không bị thế lực phương Tây phản đối và không bị những quan niệm phương Tây gây phiền toái đi ngược lại tín điều Khổng giáo. Trương Vĩnh Ký và Phan Thanh Giản mang trọng trách lịch sử phải làm sáng danh một vài phương diện của phản ứng dân tộc Việt Nam trong cuộc đối mặt với sự chiếm đóng của thực dân Pháp. Trong phản ứng của Phan Thanh Giản người ta có thể hiểu sự lúng túng nhưng đáng trân trọng của một viên quan lâu năm, người mà bất chấp niềm tin sâu sắc của chính mình vẫn phải đi đến chỗ nghi ngờ sự khôn ngoan trong việc cố chống lại người Pháp bằng sức mạnh quân sự. Với tư cách là đại diện cho nhóm thiểu số những người yếu thế, phản ứng của Trương Vĩnh Ký trước sự hiện diện của Pháp trộn lẫn sự ngưỡng mộ tư tưởng mới của phương Tây với niềm tin rằng chỉ có thông qua hiểu biết và tận dụng tri thức mới Việt Nam mới có thể lại trở thành một nhà nước kiêu hãnh thoát khỏi gánh nặng của lịch sử quá khứ của chính mình. Không ai trong số hai con người này là nhân vật cô lập ở thời đại mình, và phản ứng của họ trước sự can thiệp ngoại bang phản ánh tính cách con người cá nhân họ nhiều hơn. Không thua kém Trương Định, vị lãnh tụ kháng chiến chống lại Pháp cho đến hơi thở cuối cùng, cuộc đời và nhân sinh quan của hai con người này tạo nên phần quan trọng của hiện thực phức tạp của Việt Nam thế kỷ 19.
Bài viết này là bản chỉnh sửa từ một báo cáo trình bày tại Hội thảo Quốc tế về Lịch sử châu Á tổ chức tại Đại học Malaya, KualaLumpur, ngày 5 tháng 8 năm 1968. Milton E. Osborne là Phó Giáo sư Lịch sử tại Đại học Monash, Australia. Tư liệu trong bài viết này dựa trên những bản ghi chép tham khảo tại Paris và Sài Gòn. Tác giả cảm ơn sự tài trợ của Carnegie Corporation, New York thông qua Dự án London-Cornell của Đại học Cornell. Tác giả tự chịu trách nhiệm về những nhận định của mình và những quan điểm được trình bày trong bài viết.
(Trần Hải Yến dịch từ “Truong Vinh Ky and Phan Thanh Gian:
The Problem of a Nationalist Interpretation of 19th Century Vietnamese History”, Journal of Asian Studies 30:1, November, 1970. Đã công bố trên Talawas)
[1]. Về tóm tắt sự phát triển của sử liệu Việt Nam, xin xem P. J. Honey, “Modern Vietnamese Historiography” (Sử liệu Việt Nam hiện đại) trong tác phẩm Historians of South-East Asia (Các sử gia Đông Nam Á) do D.G.E. Hall biên soạn, London, 1961, tr.94-104. Ghi chép cụ thể về con số và vị trí của những sử liệu Việt Nam thế kỷ 19 còn sót lại do R.B. Smith cung cấp trong “Sino-Vietnamese source for the Nguyen period: an introduction” (Giới thiệu nguồn tư liệu Hán Việt về thời nhà Nguyễn), Bulletin of the School of Oriental and African Studies XXX, 3 (1976), 600-621.
[2]. Lược ghi hữu ích nhất của sử liệu Pháp liên quan đến Việt Nam thời thực dân do J. Chesneaux cung cấp trong “French Historiography and the Evolution of Cononial Vietnam” (Sử liệu Pháp và sự tiến triển của nước Việt Nam thời thực dân), Historians of Sout-East Asia, tr.234-244. Chesneaux làm người ta chú ý đến cách mà những trang viết của người Pháp về Việt Nam không chỉ quá quan tâm đến người Pháp và các chính sách của Pháp, mà còn phớt lờ những vấn đề xã hội kinh tế thiết yếu trong lịch sử Việt Nam hiện đại.
[3]. Chi tiết nhất đã được xuất bản về cuộc đời Trương Vĩnh Ký là Pétrus J.-B. Truong Vinh-Ky 1837-1898 của J. Bouchot, Saigon, 1927. Một bản tiểu sử vắn tắt do Khổng Xuân Thu cung cấp trong Truong Vinh Ky 1837-1898, Saigon, 1958. Tác giả đã tham khảo hồ sơ cá nhân của Trương Vĩnh Ký, S.L. 1972 “Dossier induviduel de M. Pétrus Truong Vinh-Ky, Professeur de langues orientales, 1868-1895” trong Lưu trữ Việt Nam Cộng hòa tại Sài Gòn.
[4]. Tập hợp chi tiết nhất những tư liệu về cuộc đời Phan Thanh Giản đã được xuất bản có trong bài của Daudin “Biographie de Phan Thanh Gian, 2e ambassadeur en Frence en 1863 (1796-1867) (Tiểu sử Phan Thanh Giản, phó sứ Việt Nam tại Pháp năm 1863), Bulletin de la Société des Etudes Indochinoises, XVI, 2 (1941), 11-128. Một bản tiểu sử bằng tiếng Việt do Nuyễn Xuân Phổ cung cấp là Phan Thanh Gian 1796-1867, Saigon 1957.
[5]. C. Maybon, Histore modern du pays d’Annam (1592-1820) (Lịch sử hiện đại xứ An-nam), Paris 1919, chương V và VI. Tác giả, ở các trang 183 và 184, miêu tả sức mạnh và sự gan dạ của anh em Tây Sơn, song cho thấy rõ sự thiếu coi trọng nguồn gốc xuất thân của họ. Chính vì Maybon ủng hộ những mục đích của Pháp mà ông dành cuốn sách này cho Albert Sarraut, cựu Toàn quyền Pháp tại Đông Dương và là Bộ trưởng Bộ Thuộc địa vào thời điểm cuốn sách này ra đời.
[6]. Việc dán nhãn cho anh em Tây Sơn là những kẻ nổi loạn là cần thiết cho quan điểm Pháp chính thống chủ trương rằng việc Pháp chinh phục Nam Bộ những năm 1858 và 1867, nhưng được gắn , tuy lỏng lẻo, với sự năng động của Pigneau de Béhaine, cố vấn sứ bộ Pháp cho Hoàng đế Gia Long trong tương lai. Việc minh định cho “quyền” của người Pháp ở Việt Nam, bao hàm sự tin cập đáng kể vào báo cáo dài, dù đôi khi không chắc chắn, về những tiếp xúc tôn giáo, thương mại và chính trị với xứ này. Chương mở đầu vắn tắt của L’Indo-Chine contemporaine: Cochinchine, Cambodge, Tonkin, Annam (Đông Dương đương đại: Nam Kỳ, Campuchia, Bắc Kỳ, Trung Kỳ), 2 tập, Paris 1885, quyển I, tr.1-7, của A. Bouinais và A. Paulus, là một ví dụ cho lối tiếp cận này.
[7]. Dưới triều Quang Trung (1788-1792), đã có một điều tra về trước bạ đất đai và là giai đoạn tích cực trong việc sáng tác bằng chữ Nôm. Để có thêm những nhận định về hoàng đế Quang Trung có trước nhiều nhận định lại gần đây, xin xem Trần Trọng Kim, Việt Nam sử lược, Sài Gòn 1964, tr.380. Cuốn sách này xuất bản lần đầu năm 1928, và từ đó vẫn cực kỳ phổ biến.
[8]. Lê Thành Khôi, Le Vietnam: histoire et civilisation (Việt Nam: lịch sử và văn minh, Paris, 1955), tr.311. Không khó khăn khi kết luận rằng quan điểm của Lê Thành Khôi về vai trò của nông dân trong việc ủng hộ cuộc nổi dậy Tây Sơn ở một chừng mực nào đó đã phản ánh quan điểm duy vật của ông về lịch sử và thiện cảm của ông với những thành công của Việt Minh giai đoạn sau 1946.
[9]. Nhận định sau đây rút từ Phan Khoang, Việt Nam Pháp thuộc sử, Sài Gòn, 1961, tr.129: “Vũ khí chiến tranh là gươm, giáo, đại đao, hỏa mai và súng”
[10]. Như Trương Bửu Lâm đã chỉ ra trong Patterns of Vietnamese Response to Foreign Intervention: 1858-1900 (Mô hình đáp trả của Việt Nam trước sự can thiệp của nước ngoài) trên chuyên san số 11 của tạp chí Southeast Asian Studies, Nguyễn Trường Tộ và những đề nghị canh tân của ông vẫn được nghiên cứu kỹ lưỡng ở trang 18 và chú thích 77. Và theo những chú thích khác nữa của Trương Bửu Lâm bất chấp mong mỏi cải cách, Nguyễn Trường Tộ vẫn mang một thế giới quan truyền thống.
Một nhận định nữa về Nguyễn Trường Tộ, trên cơ sở đối lập với những đề nghị cải cách của ông với sự lưỡng lự của vua Tự Đức, xin xem Bùi Quang Tùng, Nước Việt Nam trên con đường suy vong, Sài Gòn, 1958, tr.11. Bài viết này vốn xuất hiện trên Nguyệt san văn hóa Á châu, số 3, tháng 6 năm 1958.
[11]. Bùi Quang Tùng, Nước Việt Nam trên con đường suy vong.
[12]. Đã dẫn, tr.20.
[13]. Phan Khoang, Việt Nam Pháp thuộc sử, tr.117.
[14]. Niềm ngưỡng mộ dành cho chị em Trưng Trắc Trưng Nhị trong lịch sử Việt Nam là một minh họa đáng chú ý cho vấn đề này. Xin xem Bùi Quang Tùng, “Le soulèvement des soeurs Trung à travers les textes et le folklore vitenamien” (Cuộc nổi dậy của chị em Trưng Trắc Trưng Nhị qua văn bản và truyền thuyết dân gian Việt Nam), Bulletine de la Société des Etudes Indochinoise XXXXVI, I (1961), tr. 69-85.
[15]. Xin xem, chẳng hạn, Hồ Chí Minh, Tuyển tập, 4 tập, Hà Nội (1961-62), tập II, tr.152.
[16]. Bùi Quang Tùng, Nước Việt Nam trên con đường suy vong, tr.16-17. Và Khuyết danh : “Kỷ niệm một trăm năm ngày mất của Trương Định”, Nghiên cứu lịch sử, số 65, tháng 7 năm 1964. Lý lẽ cho rằng việc kháng cự Pháp thế kỷ 19 phản ánh chủ nghĩa dân tộc Việt Nam được Trương Bửu Lâm trình bày một cách hùng hồn trong phần dẫn nhập cho công trình Patterns of Vietnamese Response to Foreign Intervention: 1858-1900. Theo tác giả bài viết này thuật ngữ “chỉ nghĩa dân tộc” khi được áp dụng cho việc kháng cự lại Pháp, cho dù được bổ trợ bằng từ “truyền thống”, vẫn tiềm tàng sự nhầm lẫn. Hình thái bản sắc dân tộc đó hiện diện trong cộng đồng Việt Nam thế kỷ 19 đi ra ngoài cuộc tranh luận này. Hơn nữa, nghiên cứu của Georges Coulet, Les société scretes en terre d’Annam (Những tổ chức bí mật ở đất An-nam), rải rác trong nhiều trang, thu hút sự chú ý đến bản chất liên Việt của hoạt động chống Pháp thế kỷ 19 ở những tổ chức bí mật của Việt Nam. Tuy nhiên, một trường hợp thuyết phục mạnh cho gợi ý rằng chủ nghĩa dân tộc thế kỷ 20 mang nhiều khái niệm rất khác với bản sắc dân tộc trước đó, cho dù chủ nghĩa dân tộc hiện đại phát triển vượt ra khỏi bản sắc trước đó.
[17]. Mai Hạnh, “Trương Định”, Nghiên cứu lịch sử, 66, tháng 8 năm 1964, tr.59.
[18]. Đã dẫn, tr.59. “Ông có vẻ ngoài ưa nhìn, am hiểu binh thư và là tay súng cừ”.
[19]. 2 tập, Paris, 1874.
[20]. Đã dẫn, quyển I, tr.326. Trương Định cũng nhận được sự cảm thông từ các sử gia miền Nam. Xin xem, chẳng hạn, Thái Bạch, Bốn vị anh hùng kháng chiến miền Nam, Sài Gòn, 1957; Nguyễn Phúc Tân, A Modern History of Vietnam (1802-1954) (Lịch sử cận đại Việt Nam 1802-1954, Sài Gòn, 1966, tr.389-401.
[21]. Những khái quát hóa về giá trị đối sánh của hoạt động lịch sử ở miền Bắc và miền Nam Việt Nam sẽ có nguy cơ cự tuyệt riêng. Một trường hợp làm minh chứng là một chương trình nghiên cứu được triển khai ở Hà Nội năng động hơn ở Sài Gòn.
[22]. Việc hợp tác với bộ máy hành chính thực dân Pháp trước đây không phải là vấn đề cần chỉ trích ở miền Nam nơi mà rất nhiều quan lại lâu năm đã phục vụ dưới thời Pháp lại phục vụ nhà nước mới. Hậu duệ của các gia đình Việt Nam trở nên giàu có trong giai đoạn thực dân, mang quốc tịch Pháp, vẫn có vai trò quan trọng trong giới trí thức Sài Gòn trong nhiều năm sau 1954.
[23]. Đây là từ ngữ được bộ máy hành chính và viên chức Pháp sử dụng để nói về những người, như Trương Vĩnh Ký, làm việc cho chính quyền thực dân. Nghĩa sỉ nhục xuất phát từ việc gắn với từ kẻ hợp tác (collaborateur) sau chiến tranh thế giới thứ hai hoàn toàn thiếu vắng trong cách dùng từ này trong thế kỷ 19 ở Việt Nam.
[24]. Chẳng hạn, nhà xuất bản Tân Việt ở Sài Gòn đã xuất bản một loạt truyện các danh nhân Việt Nam. Tiểu sử Trương Vĩnh Ký và Phan Thanh Giản nằm trong loạt sách này.
[25]. Nói về những mục tiêu mà mình theo đuổi trong suốt thời kỳ cộng tác với bộ máy hành chính Pháp, Trương Vĩnh Ký tuyên bố vào năm 1882 rằng: “Tôi không bao giờ rời xa mục tiêu chính và trực tiếp mà tôi tự đặt ra cho chính mình... Mục tiêu đó là cải biến và đồng hóa người dân An-nam”. Cochinchin Française, Procès-Verbaux du Conseil Colonial, ngày 15 tháng 11 năm 1882, tr.14-15.
[26]. Chi tiết về sự nghiệp của Trương Vĩnh Ký có thể tìm thấy trong các tác phẩm của Bouchot và Khổng Xuân Thu đã nhắc đến ở trên.
[27]. Gia Định báo xuất bản số đầu tiên ở Sài Gòn ngày 15 tháng 4 năm 1865. Thoạt đầu tờ báo ra hàng tháng. Sau đó trở thành ấn phẩm hai số mỗi tháng, và cuối cùng là báo tuần. Cộng tác mật thiết nhất của Trương Vĩnh Ký với tờ báo này là vào những năm 1860 và 1870. Ông được chỉ định làm chủ bút tháng 9 năm 1869.
[28]. Cour d’histoire annamite à l’usage des écoles de la Basse Cochinchin, 2 tập. Sài Gòn 1875-1877.
[29]. Ngoài tiểu sử do Khổng Xuân Thu cung cấp đã nhắc đến ở trên, ví dụ sau đây phản ánh âm hưởng chung của các trang viết về Trương Vĩnh Ký: Lê Ngọc Trụ, “Chữ quốc ngữ từ thế kỷ 17 đến cuối thế kỷ 19”, Việt Nam khảo cổ tập san, số 2 (1961), tr.113-136, đặc biệt là trang 134; Nguyễn Hương, “Pétrus Truong Vinh-Ky (1837-1898)”, Văn hóa nguyệt san, XIV, 12 (1965) 1709-1737; Huỳnh Minh, Vĩnh Long xưa và nay, Sài Gòn, 1967.
[30]. Tô Minh Trung, “Trương Vĩnh Ký tên tay sai đắc lực đầu tiên của chủ nghĩa thực dân Pháp trong lịch sử ta”, Nghiên cứu lịch sử, 59, tháng 2 năm 1964, tr.43.
[31]. Xin xem, Nguyễn Anh, “Vài ý kiến về Trương Vĩnh Ký”, Nghiên cứu lịch sử, 57, tháng 12 năm 1963., tr.17-26, nói về chuyến thăm Bắc Kỳ năm 1876 và thời gian Trương Vĩnh Ký ở Huế.
[32]. “Bình luận về Trương Vĩnh Ký”, Nghiên cứu lịch sử, 62, tháng 5 năm 1964, tr.29.
[33]. Cao Xuân Dục, Quốc triều đăng khoa lục, Sài Gòn, 1962, tr.31.
[34]. Năm 1915, cha ông là Phan Thanh Ngạn, thủ hạp Vĩnh Long bị truất chức, và chịu án giam 1 năm. Phan Thanh Giản đích thân lên tỉnh xin chịu án tù thay cha: hàng ngày ông vào khám làm những việc lao dịch nặng nhọc mà người cha phải làm (ND).
[35]. Lê Thanh Cảnh, “Notes pour sevir à l’histoire de l’establissement du protectorat français en Annam” (Vài ý kiến về lịch sử hình thành nhà nước bảo hộ Pháp ở An-nam), Bulletin des Amis de Vieux Hué (1928) (1847-1863), tr.181-1204, 283-294; (1929) 39-51; (1932) 219-246; (1937) 381-396.
[36]. Tư liệu lưu trữ Pháp liên quan đến các hoạt động của Đô đốc de La Grandière có trong Lưu trữ Pháp, Marine BB4, 876 và Section Outre-Mer, Indochine A-30 (6). Xem thêm Vial, Les première annés quyển II, tr.122-151; G. Taboulet, La geste française en Indochine (Hành xử của Pháp tại Đông Dương), 2 tập, Paris 1955-1956, quyển II, tr.507-520.
[37]. Ngoài tiểu sử do Nam Xuân Thọ cung cấp, xin xem thêm dẫn chứng về thái độ cảm thông dành cho Phan Thanh Giản của Thái Văn Kiểm và Hồ Đắc Đàm, Việt Nam nhân vật chí vùng biên, (ấn phẩm của Văn hóa tùng thư) 13-14 (1962), tr.74-84; Nguyễn Phúc Tân, A Modern History of Vietnam, tr.227-240; Trương Bá Cần, “Phan Thanh Giản với việc mất ba tỉnh miền Tây” trong Kỷ niệm 100 năm ngày Pháp chiếm Nam Kỳ, Sài Gòn 1967, tr.181-206. Mục cuối cùng đáng quan tâm nhất vì tác giả bài báo này tham khảo được từ các kho lưu trữ của Pháp và tham khảo các bài viết về Phan Thanh Giản xuất hiện trong Nghiên cứu lịch sử.
[38]. Trương Hữu Ký, “Đánh giá Phan Thanh Giản thế nào cho đúng?”, Nghiên cứu lịch sử, 54, tháng 8 năm 1964, tr. 20.
[39]. Vial, Les Première annés, quyển I, tr.153.
[40]. Nguyễn Anh, “Vài ý kiến về Trương Vĩnh Ký”, Nghiên cứu lịch sử, 57, tháng 12 năm 1963, tr.17-26. Bản gốc Phúc trình của Trương Vĩnh Ký lưu giữ tại Bảo tàng Pétrus Ky, Sài Gòn: “Correspondance 1873-1875”, số 50, “Rapport à l’Amiral par l’intermédiare de M. Regnault de Premensil. Tôi mang ơn ông Chales Trương Vĩnh Tòng đã cho tôi cơ hội tham khảo tư liệu tại Bảo tàng Pétrus Ky.
[41]. Bảo tàng Pétrus Ky, “Correspondance 1873-1875”, số 105, Trương Vĩnh Ký gửi Ngài Perrin, ngày 3 tháng 9 năm 1877.
[42]. Xin xem, chẳng hạn, những trích đoạn từ bài diễn thuyết của Tran Tan Binh đăng trên Bulletin de l’Ecole Française d’Extrême-Orient VII, 1-2, tháng 1, 7 năm 1907, tr.155-166. Cũng lưu ý thêm quan điểm của Phạm Quỳnh trong Quelques conférences à Paris, Hà Nội, 1923, tr.116-118.
[43]. Tên này cũng được dành cho hai kẻ hợp tác khác là Huỳnh Tịnh Của và Trương Minh Ký, những người cũng gắn bó chặt chẽ với việc truyền bá chữ quốc ngữ.
[44]. Thái Văn Kiểm và Hồ Đắc Đàm biên soạn, Việt Nam nhân vật chí vùng biên, tr.82.
[45]. Kho lưu trữ Pháp, Marine BB4, 876, “Dosier à l’appui de la Dépêche au Ministre en date de 27 [25?], Juin 1867, No 543”.
[46]. Thái Văn Kiểm và Hồ Đắc Đàm biên soạn, Việt Nam nhân vật chí vùng biên, tr.82. Nam Xuân Thọ, Phan Thanh Giản, tr.74-75.
[47]. Taboulet, La geste, Quyển II, tr.518-519; Đào Thái Hạnh, “Son Excellence Phan Thanh Gian, Ministre de l’Annam (1796-1867)”, Bulletin des Amis de Vieux Hué (1915), tr.211-224.
[48]. J. Buttinger, The Smaller Dragon: A Political History of Vietnam (New York, 1958), tr.363.
“Mấy bộ sách của ta để lại, đó là sự nghệp quý giá. Chúng bay phải giữ gìn rán học hành và đừng làm một chức quan quyền gì hết” (Theo Phan Thanh Giản - Cuộc đời và Tác phẩm. Nguyễn Duy Oanh biên soạn. Hội Khoa học lịch sử và Đại học Hồng Bàng xuất bản, 2003) - ND.
[49].Lưu trữ Pháp, Section Outre-Mer, Indochine A-30 (12), Đô đốc de La Grandière gửi Bộ trưởng Thuộc địa, Sài Gòn, 27 tháng 8 năm 1867, kèm theo có bản sao thư của cha Marc ngày 26 tháng 8 năm 1867. Cha Marc, người có mặt khi Phan Thanh Giản qua đời, cho biết Phan chăng trối những lời sau với các con: “Người Pháp là thầy của các con, hãy theo họ...”. Còn theo Phan Thanh Giản - Cuộc đời và Tác phẩm, ông trăng trối với các con: “Hãy cố học hỏi cho bằng người Âu Tây. Hãy rán phò vua giúp nước, toan lo cho hết sức người, họa may sau này đặng vẻ vang cho Tổ quốc” - ND.
[50]. Quan sát này không phải là lời biện hộ cho những người hợp tác với địch thế kỷ 19 ở Nam Kỳ như Đỗ Hữu Phương và Lê Phát Đạt, những người đều trở nên giàu có nhờ cộng tác với Pháp và việc họ hợp tác với chính quyền thực dân rất có thể là bị mua chuộc. Tuy nhiên, ngay ở đây cũng cần có đôi chút cẩn trọng. Có thể việc trình bày lịch sử đã sai lệch dẫn đến giả định rằng những người này không tin tưởng vào lợi ích của việc hợp tác với Pháp.
[51]. Việc quân đội thực dân Pháp thất bại trong việc thanh trừng các cuộc khánh chiến ở phía Bắc Việt Nam trong suốt những năm 80 và 90 của thế kỷ 19 có lẽ đã không tạo nên sự chú ý đủ cần thiết cho các nhà viết sử phương Tây. Phải đến những nỗ lực của Phan Đình Phùng và Hoàng Hoa Thám mới thực sự gây chú ý.
[52]. Cá tính mạnh mẽ của Trương Vĩnh Ký - tính cách đã nhiều lần khiến ông xung đột với những cá nhân người Pháp - có thể được thể hiện qua xem xét hồ sơ cá nhân trong Lưu trữ của Việt Nam Cộng hòa, Sài Gòn, S.L. 172. Xin xem, Trương Vĩnh Ký gửi Giám đốc Nội vụ, ngày 3 tháng 10 năm 1869, theo đó Trương Vĩnh Ký đã rời bỏ bộ máy hành chính thực dân.
[53]. Bất chấp sự gắn bó của ông với nhân sinh quan Nho giáo và giả định của ông rằng Việt Nam cuối cùng sẽ tìm được cách giải quyết các vấn đề do nước Pháp mang lại, xin xem hồi ức của Đào Thanh Hải, “Son Excellence Phan Thanh Gian, Ministre de l’Annam (1796-1867)”, có lẽ sẽ là phù hợp hơn nếu nhìn nhận quan điểm của Phan Thanh Giản về nhà nước Việt Nam là chịu ảnh hưởng sâu sắc bởi trải nghiệm của ông sau chuyến đi Pháp và giao thiệp với người Pháp.
(“Truong Vinh Ky and Phan Thanh Gian: The Problem of a Nationalist Interpretation of 19th Century Vietnamese History”, Journal of Asian Studies 30:1, November, 1970)
tin tức liên quan
Videos
Khu di tích Kim Liên hành trình đến với trẻ em miền núi
Hình tượng thân thể nghịch dị trong tác phẩm của Rabelais và những nguồn gốc của nó (*)
Người Amish ở Mỹ
Đền Hồng Sơn
Phân tầng xã hội và di động xã hội ở Việt Nam hiện nay [kỳ 3]
Thống kê truy cập
114511951
2277
2337
22325
218824
121356
114511951