Người xứ Nghệ
Tưởng nhớ GS Trần Đình Hượu
Cái duyên tôi được gặp anh Hượu là một chút duyên trễ tràng.
Trường Đại học Aix en Provence mời anh qua dạy một năm. Vào tuổi anh đã về hưu. Lẽ ra anh phải khai giảng vào tháng 10 năm 1993, anh muộn mất mấy tháng …vì thủ tục, chậm là do phía bạn Pháp. Anh cứ ở lỳ dưới Aix. Ngày gặp mặt, tạm chờ…
Mong gặp, vì chưa biết người nhưng đã được biết qua văn. Qua vài bài được đọc. Không nhiều, đủ để trân trọng một tác giả nghiêm túc. Giọng ôn tồn, thoáng một chút dí dỏm, hay nói về những chuyện mình nhận xét được, hôm nay, trong xã hội Việt Nam. Đủ để ưa thích và tò mò hỏi thăm về con người. Được biết anh là Giáo sư Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, học Triết học ở Liên xô về lại chẳng chịu dạy Triết. Thế nhưng đọc anh không khỏi thấy cái căn bản triết học ẩn nấp đâu đó trong anh, trong cách đặt vấn đề, trong cung cách khái quát những gì nhận xét được, vượt hiện tượng để đi vào cốt lõi.
Trong khi chờ đợi gặp người, có quyển “Đến hiện đại từ truyền thống” thuộc chương trình khoa học công nghệ cấp nhà nước KX-07 vừa mới in xong anh mang qua Pháp tặng một ít bạn bè. Tôi mượn đọc, thích thú nhiều điểm. Nhất là những điều anh nhận định về ảnh hưởng của yếu tố truyền thống Nho giáo trên những bước hiện nay dân tộc đang đi. Nhưng ấm ức cũng chẳng vừa vì không thấy anh đả động gì đến “bộ máy quan liêu thiên triều”. Mà nhiều đặc điểm của bộ máy đó cứ như rập khuôn vào bộ máy chính quyền ở Việt nam, cũng như ở Trung Quốc.
Vì vậy mới có bài “Nho giáo, sức cản hay động cơ phát triển” ý trách anh đã bỏ qua một vấn đề mà E. Balazs đã lưu ý từ 30 năm trước đây (xem Diễn đàn số 33, 9.94 trang 26,27). Trước khi báo đăng tôi viết thơ cho anh kèm bài nháp, với vài lời cho đúng phép chưa quen mà đường đột, hỏi ý anh có viết đáp lại bài của tôi hay chăng.
Thư anh trả lời rằng tôi đã đọc anh, anh có đọc tôi thế đã là quen, viết thư cho nhau từ nay chẳng nên viết hoa chữ anh làm gì, rằng anh có nghe đến Balazs, trong nước người nọ truyền người kia đọc chưa tới tay anh, rằng sách viết ra là để đọc, có người xem và phê bình là quý. Anh không có gì nói thêm. Chân tình, thẳng thắn.
Vẫn những cảm tưởng ấy khi gặp mặt. Con người cao, thanh, tóc bạc trắng mà quắc thước, tươi trẻ. Giọng xứ Nghệ, anh là người xã Võ Liệt, huyện Thanh Chương.
Anh ở Paris có ít ngày trước khi về nước. Thời gian eo hẹp. Anh chỉ xin cho đi thăm Paris và dành riêng một ngày viếng Viện bảo tàng Louvre. Xem đến chiều, anh ao ước được biết rõ hơn về thời đại trung cổ. Khi ấy chúng tôi đang đứng ở thời kỳ đầu thế kỷ 20, cuối thế kỳ 19 khu điêu khắc Pháp. Ngược thời gian đi xem lần về trung cổ. Mới tới thế kỳ 17 chân đã mỏi, anh bị vọp bẻ (chuột rút). Ngồi nghỉ cho qua cơn đau, lại đi. Đến được điêu khắc trung cổ nhưng không còn sức đi xem tranh thời đại đó… Thế mới biết chỉ đi xem văn hóa nước người không thôi mà đủ đuối.
Thời gian gặp nhau chẳng được là bao tôi hẹn hôm sau đón anh ra sân bay Roissy, thêm được ít giờ trò chuyện. Hôm đó chủ nhật mà sao kẹt xe dữ. Đã tính thời giờ cho rộng, vẫn tới trễ. Anh đợi không được đã phải đi trước mất rồi.
Lật đật chạy ra phi trường. May anh còn đứng cân hành lý. Mừng rơn. Vì có một điều anh tha thiết nhờ cậy mà đã làm không được: đưa anh đi mua sách về xã hội học, mọi sách căn bản và sách mới ra. Để phần nào tạ điều khiếm khuyết, tôi chỉ biết cách về lục tủ sách riêng mang ra tặng. Là người ngoại đạo, tìm mãi mới được một quyển Sociologie et Anthropologie của Marcel Mauss, đã cũ lại ghi chú lung tung. Anh vui vẻ nhận ấn sách vào túi xách tay đã căng phồng. Lời anh mấy hôm trước vẳng trong tai tôi: “Tôi đã già rồi, nhưng còn bọn trẻ. Họ phải học cho có cơ sở, phải được đọc thẳng văn bản gốc. Nặng thì nặng, tốn kém bao nhiêu cũng chịu.
Học trò anh chắc thấy rõ lòng thầy. Đi đâu cũng thấy học trò cũ tận tụy theo xách cặp, người ở Pháp đã đành, mà người ở Đức xa xăm cũng viết thư khẩn khoản mời thầy cũ. Tôi đùa “Học trò Việt Nam có khác, học trò Tây phương thì đừng hòng mong cậy”. Anh cười hóm hỉnh “Cũng tùy thầy nào, chớ anh!”. Tôi lòng tự bảo lòng lần sau anh qua thì nhất định phải làm cho được điều tâm huyết của ông thầy khác đời này.
Đưa anh lên máy bay, buồn chia tay nhưng trong lòng mừng nhiều mối. Còn những thầy biết thì nói biết, không biết nói không biết như anh, còn nhiều hy vọng học thuật nước ta mau hưng khởi. Mà anh thì rộn suy tính trong đầu cho ngày mai giới trẻ. Anh khiêm tốn, biết rõ những giới hạn cũng như đâu là khả năng của mình, vì thế mà cảm giác là những dự tính cộng tác với giới học giả Pháp của anh sát thực tế. Chỉ là tạm biệt, hy vọng sớm có cơ hội gặp lại anh…
Thế rồi tin anh từ trần, ở Hà Nội, ngày 12 tháng 2 năm 1995 thọ 68 tuổi, tang lễ đã được cử hành ngày 16 tháng 2.
Thời gian chẳng chờ đợi ai.
Hôm lên máy bay anh trao cho tôi bài “Ông quan liêu, Ông quan và việc phát hiện nó theo cách nhìn của thơ trào phúng.”. Vẫn nụ cười hóm hỉnh “Anh xem bài này, ít năm trước đây báo Tổ quốc đã đăng. Nhưng lại cắt mất cái phần thơ trào phúng chính là phần phương pháp luận.”
Thời gian anh về nước cũng là thời gian giới văn học đang bị đánh lung tung, hết Nguyên Ngọc, Lê Ngọc Trà đến Phong Lê và Viện Văn học. Đành tạm cất bài vào ngăn kéo. Diễn đàn đã đăng anh rồi. Đăng tiếp bài khác, dù như là đáp lời bài Diễn đàn vấn nạn anh, biết rồi đây những người mà nghề là bới móc tìm ra những gì. Chuyện văn hóa mà thành ra chuyện chẳng lành thì chỉ khổ cho người ngay…
Diễn đàn đã đăng trọn bài nói trên trong số này. Số sau sẽ mở hồ sơ Nên đặt vấn đề Nho giáo như thế nào bằng bài “Nho giáo đã thành vấn đề như thế nào với nước Việt Nam ngày nay?” của anh, cùng các bài của Kiến Giang, Vĩnh Sính.v.v…
Một cách chúng ta tưởng nhớ anh.
tin tức liên quan
Videos
Quê hương Nghệ Tĩnh trong lòng La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp
Khu di tích Kim Liên hành trình đến với trẻ em miền núi
Người Amish ở Mỹ
Đền Hồng Sơn
Một nước Nhật quá xa xôi!
Thống kê truy cập
114511803
2129
2337
22177
218676
121356
114511803