Những góc nhìn Văn hoá

Bài thơ "Nam Quốc sơn hà" đọc và hiểu từ một dị bản mới phát hiện

 

 

Ở đền cửa sông Ngũ Quận thuộc thôn Quả Cảm, xã Hòa Long, huyện Yên Phong, tỉnh Hà Bắc, một điểm xung yếu của phòng tuyến sông Cầu trong lịch sử, còn giữ được bản thần phả có bài thơ mà ta quen gọi làNam quốc sơn hà (NQSH). Đây là dị bản thứ 28 so với 27 dị bản đã được giới thiệu trên Tạp chí Hán Nôm (1).

Thần phả mới phát hiện ghi lại sự ra đời của bốn anh em trai Trương Hống, Trương Hát, Trương Lừng, Trương Lẫy và người em gái. Tiếp theo kể võ công của Trương Hống, Trương Hát thu phục đánh giặc Lương, giúp Lê Đại Hành chống Tống. Bài thơ xuất hiện ở cuộc chiến cuối cùng này.

Đọc kỹ đoạn văn chống Tống và bài thơ tôi thấy chúng có những từ và ý xuất nhập nhau. Vì vậy, muốn hiểu rõ bài thơ, không thể bỏ qua bài văn.

Đoạn thần phả chống Tống đại ý như sau: Triều Lê hoàng đế Phúc Nguyên (2) năm đầu (980), Bắc triều và Tống Thái Tông sai bọn Nhân Bảo, Tôn Phúc đem quân sang xâm lược đã đến sông Đại Than huyện Gia Bình. Lê Đại Hành mang quân chống cự. Khi qua đất Phù Lan, mộng thấy hai người thần chầu ở cửa sông tâu rằng: "chúng thần là hai anh em họ Trương vốn là tướng của Triệu Quang Phục. Trước đây đã giúp nước trừ giặc Lương để cứu sinh dân qua cơn cực khổ. Sông núi nước Nam, Hoàng thiên đã định, vô cớ giặc phương Bắc xâm lược. Chúng tôi xin giúp nhà vua cùng cất quân đánh giặc để yên nước Nam" Đại Hành tỉnh mộng. Vào canh ba đêm hai mươi ba tháng mười, trời tối tăm mù mịt, mưa to gió lớn, quân Tống tan vỡ, hoảng hốt bỏ chạy. Tướng Nhân Bảo bỗng nghe lưng chừng trời có tiếng ngâm bài thơ vọng xuống như sau:

Nam quốc sơn hà Nam đế cư
Hoàng Thiên dĩ định tại thiên thư
Như hà Bắc lỗ lai xâm phạm,
Nhất trận phong ba tận tảo trừ.

Bài thơ ở chữ thứ 4 của câu thứ tư có dùng từ "ba" (phong ba), không giống như các bản khác.

Sau đây chúng ta thử so sánh những từ và ý trích trong phần văn với từ và ý của bài thơ.

Câu một:

Văn: Nam quốc sơn hà (Sông núi nước Nam)

Thơ: Nam quốc sơn hà Nam đế cư

(Sông núi nước Nam vua Nam ở).

Thơ đã lấy đúng bốn chữ của văn. Cả câu có hai chữ "nam", thêm ý khẳng định.

Câu hai:

Văn: Hoàng Thiên dĩ định (Hoàng Thiên đã định)

Thơ: Hoàng Thiên dĩ định tại thiên thư

(Hoàng Thiên đã định ở sách trời).

Thơ lấy bốn chữ của văn. Cả câu có hai chữ "thiên" có chức phận riêng và cũng có ý khẳng định. Hai chữ "dĩ định" có nghĩa là việc phân định đã xong xuôi từ lâu rồi.

Câu ba:

Văn: Vô cố Bắc lỗ lai xâm (Vô cớ giặc phương Bắc tới xâm lược).

Thơ: Như hà Bắc lỗ lai xâm phạm (Cớ sao giặc phương Bắc tới xâm lược).

Văn có sáu chữ, thơ dùng bốn chữ cuối, chỉ đúng thực trạng quân giặc vượt biên giới tiến sâu vào nước ta. Hai chữ "vô cố" của văn được thay thế bằng hai chữ "như hà" trong thơ. Ý nghĩa có chênh nhau một chút: "vô cớ", khẳng định không có lý do gì; còn "như hà" thì mới chỉ ở mức độ "cật vấn" thôi.

Câu bốn:

Văn: Thiên khí hôn ám, bạo phong đại vũ, Tống binh kinh hội (Trời tối tăm mù mịt, gió lớn mưa to, quân Tống khiếp sợ tan vỡ).

Thơ: Nhất trận phong ba tận tảo trừ (Một trận sóng gió quét sạch hết).

Câu bốn dựa vào ý văn mà chuyển thành thơ. Trận này thần đánh bằng vũ khí riêng của mình là phong ba (gió sóng). Trận đánh được kết thúc nhanh chóng, quân giặc thua hoàn toàn. Tiếng ngâm bài thơ vọng xuống khi giặc đã và đang tan rã là khúc ca chiến thắng không phải là lời răn đe.

Bài thơ không những đã đóng góp rất lớn về nội dung cho thơ mà còn cho phép ta đoán rằng, có lẽ trong "bản nháp" của thần phả bài thơ viết mỗi câu chỉ có bốn chữ. Bài thơ mỗi câu bốn chữ không thua kém bài thơ mỗi câu bẩy chữ là bao, có điểm lại còn trội hơn. Hãy đọc lại toàn bộ:

Bài thơ câu bốn chữ:

Nam quốc sơn hà,
Hoàng thiên dĩ định.
Bắc lỗ lai xâm,
Nhất trận tảo trừ(3)

Bài thơ câu bẩy chữ:

Nam quốc sơn hà Nam đế cư,
Hoàng Thiên dĩ định tại thiên thư.
Như hà Bắc lỗ lai xâm phạm,
Nhất trận phong ba tận tảo trừ.

Nhìn chung các chữ thêm cho câu thơ thành bẩy chữ đều là những bổ ngữ.

Tóm lại, tôi đã cố gắng trình bày quá trình hình thành bài thơ NQSH từ văn sang thơ, từ thơ bốn chữ đến bẩy chữ trong một dị bản mới phát hiện.

Dù muốn hay không, dị bản mới này cũng phải có cuộc "tỉ thí" với các dị bản khác. Bàn đến cái hay cái dở của từng câu từng chữ cho hai mươi tám dị bản thì thật khó khăn. Nên chăng cho các dị bản trở lại cái thuở ban đầu của bài thơ như cách làm đối với văn bản mới phát hiện này, kết quả sẽ cho biết có bao nhiêu câu còn đủ ý, có bao nhiêu bài thơ còn trọn vẹn. Có lẽ gần hết các dị bản đều phải thẩm định lại dưới ánh sáng ngữ nghĩa của câu bốn, một câu đã tốn nhiều giấy mực mà vẫn chưa ngã ngũ qua cuộc tranh luận trước đây.

Bài thơ NQSH trong thần phả này thật đơn giản và dễ hiểu. Tất cả chỉ có hai mươi tám chữ, những chữ này phần lớn người Việt vẫn dùng vẫn hiểu ở những mức độ có khác nhau. Đặc biệt khí phách hào hùng của bài thơ thì nhiều người cảm nhận được. Đó là cái hay, cái đẹp, cái trường tồn, của bản "tuyên ngôn độc lập đầu tiên", như có người từng nói.

Ý kiến cuối cùng của tôi là, nếu dịch bài thơ này thì câu ba chữ đầu "Như hà" nên hiểu là "vô cố" cho đúng với tinh thần của bài văn. "Vô cố" dịch là "Vô cớ" hình như hay hơn cả, nhưng đưa vào thơ thì lại hỏng, chữ "cớ" âm trắc mà thơ lại đòi hỏi một âm bằng. Có thể thay bằng "ngang nhiên" chăng:

Sông núi nước Nam vua Nam ở,
Hoàng Thiên đã định tại sách trời,
Ngang nhiên giặc Bắc sang xâm phạm,
Một trận phong ba chúng hết đời.

7/1993

CHÚ THÍCH

(1) Xem Trần Nghĩa: Thử xác lập văn bản bài thơ "Nam quốc sơn hà", TCHN số 1/1986, bài viết nêu cả thảy 26 dị bản. Và Lâm Giang: tư liệu Hán Nôm ở huyện Tiên Sơn, Thuận Thành và thị xã Bắc Ninh tỉnh Hà Bắc. TCHN số 2/1993, bài viết giới thiệu thêm 1 dị bản.

(2) Chính sử ghi là Thiên Phúc.

(3) Câu này do tôi dựa vào câu thơ bẩy chữ rút lại mà thành./.

 

http://www.hannom.org.vn/web/tchn/data/icones/10x2.gif

TB

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114559505

Hôm nay

2205

Hôm qua

2317

Tuần này

2823

Tháng này

227048

Tháng qua

122920

Tất cả

114559505