Những góc nhìn Văn hoá

Vắng vẻ chợ đêm và lối mòn trong các hoạt động văn hóa

Chợ đem trên phố Cao Thắng mới hoạt động không lâu đã rơi vào cảnh vắng vẻ

Trái với khung cảnh nhộn nhịp và sự háo hức của những ngày đầu khai trương, hiện nay chợ đêm Cao Thắng tại thành phố Vinh rơi vào tình trạng đìu hiu, vắng vẻ.  Câu chuyện phố không “níu” được chân người liên tục được phản ánh và thậm chí, đã được dự báo trước khi đi vào hoạt động. Không chỉ chợ đêm, tương lai của phố đi bộ sau này có lẽ cũng không mấy khả quan. Ngay từ trước khi triển khai, nhiều ý kiến đã đánh giá, phân tích về sự thiếu khả thi của nó nhưng cuối cùng đề án cũng được tỉnh phê duyệt. Thành phố Vinh đã đầu tư hàng chục tỷ đồng để xây dựng, chỉnh trang các hạng mục (thay lát vỉa hè, lắp đặt hệ thống chiếu sáng, trang trí, thay mới cây xanh, v.v…) cho tuyến phố đi bộ với rất nhiều kỳ vọng song có lẽ, rồi đây, khi đi vào hoạt động một thời gian, chắc chắn nó sẽ lại đìu hiu như tình trạng của chợ đêm nếu chúng ta không có được những hoạt động văn hóa, giải trí đủ sức thu hút.

Lối mòn và những khoảng trống

Việc vắng bóng khách và những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này tại chợ đêm Cao Thắng đã được báo chí phản ánh và do đó sẽ không phải là câu chuyện bài viết này muốn bàn thêm. Điều chúng ta sẽ nhấn mạnh ở đây là từ thực trạng ấy để nhìn đến một vấn đề lớn hơn. Đó là tư duy thiếu sáng tạo trong đề xuất, thực hiện các dự án, sự kiện thuộc mảng văn hóa, giải trí tại Nghệ An. Phố đi bộ và cả chợ đêm là minh chứng cho việc học hỏi thiếu sáng tạo, chưa vận dụng phù hợp với thực tế ở địa phương. Nói cách khác, chúng ta chỉ biết đi theo những lối mòn, bê mô hình những nơi khác đã/đang làm mà chưa tìm hiểu, nghiên cứu xem với những đặc trưng của địa phương mình thì nên lựa chọn loại hình gì, mình nên làm gì/sáng tạo nên mô hình mới nào để người khác có thể học hỏi. Sự thất bại của chợ đêm và có thể cả của phố đi bộ sau này sẽ là bài học buộc chúng ta phải đối diện với thực tế.

Dẫu khó để chấp nhận nhưng phải thẳng thắn đánh giá rằng, các hoạt động văn hóa, giải trí hiện nay trên địa bàn tỉnh Nghệ An còn thiếu tính sáng tạo nên không có sức thu hút, thiếu hấp dẫn. Điều này dẫn đến một thực trạng: các hoạt động văn hóa, văn nghệ không thiếu nhưng người dân, đặc biệt giới trẻ vẫn “khát”. Nhiều chương trình, sự kiện lớn được tổ chức tại khu vực Quảng trường Hồ Chí Minh hay Nhà Văn hóa Lao động tỉnh, Trung tâm Văn hóa tỉnh chủ yếu phục vụ các ngày lễ, sự kiện, nhiệm vụ chính trị theo kế hoạch và gần như không có nhiều thay đổi về nội dung qua các năm. Chương trình hoạt động, sự kiện của ngành văn hóa hàng năm diễn ra trên địa bàn không có mấy thay đổi về nội dung dẫn đến sự nhàm chán, đơn điệu. Ví dụ, đầu năm là các hoạt động đón chào năm mới, kỷ niệm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, chương trình lễ hội; giữa năm là các hoạt động kỷ niệm Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam, ngày thống nhất đất nước, ngày Quốc tế Lao động, Liên hoan Tiếng hát Làng Sen và Lễ hội Làng Sen, Kỷ niệm ngày sinh nhật Chủ tịch Hồ Chí Minh; Ngày Gia đình Việt Nam; cuối năm là Đêm hội Sắc xuân miền Tây Nghệ An, chương trình chào năm mới, chương trình đón Giao thừa, v.v… Nghĩa là các hoạt động chủ yếu diễn ra theo sự kiện, phục vụ sự kiện, các nhiệm vụ chính trị. Đáng nói hơn, các chương trình này dù có thay đổi về quy mô diễn ra hàng năm song nội dung, hình thức tổ chức chủ yếu không có gì mới, gần như lặp lại kịch bản dẫn đến ít có sự thu hút. Thậm chí, một số chương trình qua nhiều năm tổ chức vẫn vắng bóng khán giả song cứ được thực hiện mà không trăn trở thay đổi cách thức, nội dung để thu hút người xem, để những người biểu diễn trên sân khấu có động lực hơn, người dân được đáp ứng nhu cầu tinh thần và số tiền bỏ ra không trở nên lãng phí. Trong năm, các cuộc thi, hội diễn nghệ thuật của tỉnh cũng chủ yếu mang tính phong trào, chủ yếu tổ chức cho các đoàn nghệ thuật quần chúng, các cơ quan nhà nước, các đoàn hội,… Chính vì thế mà chất lượng nghệ thuật lẫn sức hút, sức lan tỏa chưa cao.

Chương trình thường niên Đêm hội Sắc xuân miền Tây Nghệ An vẫn còn đơn điệu về nội dung, hình thức và chỉ được tổ chức tại thị trấn, khu vực trung tâm của các huyện miền núi.

Bên cạnh việc chỉ biết đi trên một lối mòn định sẵn, chúng ta còn có quá nhiều khoảng trống trong hoạt động rất cần được lấp đầy. Nghệ An hiện đang thiếu những cuộc thi để tạo sân chơi cho người trẻ tài năng trong lĩnh vực văn hóa - văn nghệ, giúp họ có động lực hơn để phát triển và nuôi dưỡng đam mê của mình. Cụ thể, ngành văn hóa chưa phối hợp tổ chức được cuộc thi, giải thưởng nào trong nghiên cứu văn hóa hay cuộc thi cho nhóm nhạc, band nhạc, thi piano, sáng tác văn học trẻ, thi tìm hiểu về lịch sử, v.v...   Chúng ta thiếu những triển lãm nghệ thuật chất lượng; thiếu những buổi toạ đàm, những diễn đàn trao đổi về các chủ đề văn hóa, văn nghệ - nơi các học giả, trí thức, các bạn trẻ hay bất kỳ ai quan tâm có thể tham gia để lắng nghe, trao đổi với nhau. Đặc biệt, Nghệ An chưa có một chương trình/sự kiện hay hoạt động văn hóa nào độc đáo, sáng tạo để lại dấu ấn đối với các tỉnh thành cũng như với cả du khách quốc tế khi đến đây.

Đã đến lúc phải tìm lối đi mới

Cóthể, với những địa bàn miền núi, nông thôn còn xa trung tâm và điều kiện khó khăn, đời sống văn hóa giải trí còn nghèo nàn, những hoạt động hiện nay vẫn đáp ứng được phần nào nhu cầu của họ và cần thiết duy trì. Tuy nhiên, thời gian tới, chúng ta cũng cần bổ sung thêm nhiều nội dung, chương trình khác hấp dẫn hơn, giúp người dân ở đó được tiếp cận với những cái mới, tránh bị bỏ lại phía sau trong quá trình phát triển. Đặc biệt, các chương trình văn hóa - văn nghệ cần được tổ chức nhiều hơn ở vùng xa xôi để bà con tham gia chứ không chỉ tập trung nơi điều kiện đi lại thuận lợi.

Riêng trên địa bàn thành phố Vinh, đã đến lúc chúng ta cần phải thay đổi cách làm, cách tổ chức các chương trình biểu diễn nghệ thuật, các sự kiện văn hóa do nhà nước (cụ thể ở đây là ngành văn hóa) tổ chức. Văn hóa cần phải bắt kịp với dòng chảy, nhịp sống thời đại. Chúng ta cần tìm hiểu nhu cầu, thị hiếu thẩm mỹ của người dân, nhận thấy những chuyển biến trong đời sống văn hóa nói chung để có nội dung, cách thức tổ chức phù hợp. Hiện nay, với sự phát triển của đời sống, công nghệ, người dân tại Vinh đã được tiếp xúc với rất nhiều chương trình văn hóa, giải trí chất lượng qua các phương tiện. Thị hiếu của họ có nhiều thay đổi và họ cũng sẽ khó tính hơn trong thưởng thức, lựa chọn. Chính bởi vậy, nếu cứ duy trì cách làm của hàng chục năm trước cho hôm nay thì chúng ta sẽ sớm phải đối diện thực trạng chương trình tổ chức chỉ để cho đại biểu xem là chủ yếu. Nếu đội ngũ những người làm văn hóa không buộc mình phải đổi mới tư duy thì chúng ta sẽ bị bỏ lại phía sau và không làm tròn được nhiệm vụ, chức năng của mình. 

Bên cạnh việc đổi mới nội dung, hình thức của các chương trình trực tiếp tổ chức thì điều ngành văn hóa cần làm hơn đó là có những chủ trương, chính sách để tạo nên một môi trường văn hóa với nhiều hoạt động lành mạnh, sôi nổi. Nghĩa là chúng ta không cần phải đứng ra để làm những việc cụ thể mà khuyến khích các cá nhân, đơn vị, tổ chức tư nhân hoạt động trong lĩnh vực văn hóa tham gia; có chính sách để tạo nên một môi trường mà ở đó cá nhân được thỏa sức sáng tạo và phát huy sở trường của mình trong lĩnh vực này. Ngành văn hóa không thể chỉ mãi chạy theo những xu hướng, chạy theo tìm kiếm khán giả cho những chương trình vắng bóng người xem mà phải là người định hướng thẩm mỹ, thị hiếu cho dân, tìm cách để người dân được tiếp cận với những giá trị, xu hướng mới chất lượng và tính thẩm mỹ ngày càng cao. Bên cạnh sự phát triển kinh tế thì người dân thành Vinh cần có một môi trường văn hóa đô thị đúng nghĩa. Nơi đó, họ có thể giao lưu, trao đổi, tham gia nhiều chương trình, sự kiện, hoạt động văn hóa chất lượng thay vì chỉ biết ngồi cà phê, ăn nhậu, hát karaoke,… Chúng ta cần tổ chức nhiều hơn nữa những cuộc thi, sân chơi văn hóa, văn nghệ; tổ chức các cuộc triển lãm mỹ thuật, nhiếp ảnh; các đêm nhạc có chất lượng nghệ thuật cao. Đặc biệt, thành Vinh cần tăng cường tổ chức những buổi diễn thuyết, bàn tròn/tọa đàm về các chủ đề được cộng đồng quan tâm. Đó có thể là những buổi giới thiệu sách hay, những chương trình trao đổi học thuật, bàn luận về một vấn đề nào đó đang nóng/đang gây tranh cãi hay tìm hiểu về các giá trị văn hóa, lịch sử địa phương cũng như trong nước và quốc tế, v.v... Xa hơn nữa, chúng ta hãy trăn trở để làm nên một chương trình, hoạt động nào đó mang dấu ấn của xứ Nghệ để những nơi khác phải học hỏi thay vì chỉ luôn đi quan sát xem ở họ tổ chức thế nào, có những gì để đưa về làm cho địa phương mình.

Với sự phát triển không ngừng của trí tuệ con người và của công nghệ, bất cứ lĩnh vực, ngành nghề nào, nếu không chịu đổi mới tư duy đều đồng nghĩa với chấp nhận bị bỏ lại phía sau. Văn hóa cũng không nằm ngoài quy luật đó. Chúng ta bên cạnh việc bảo tồn, gìn giữ những giá trị truyền thống tốt đẹp thì còn phải tìm cách để cho chúng sống trong đời sống hiện đại và quan trọng hơn là sáng tạo ra những giá trị mới để lưu lại cho đời sau. Chính vì thế, đừng chỉ mãi bước trên những lối mòn sẵn có mà hãy chủ động khai phá, tìm ra những con đường mới.

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114559505

Hôm nay

2205

Hôm qua

2317

Tuần này

2823

Tháng này

227048

Tháng qua

122920

Tất cả

114559505