Diễn đàn
Bảo tồn văn hóa Việt: Chuyện tên đất, tên làng
Cổng làng Văn Lang, xã Hưng Phúc, huyện Hưng Nguyên, Nghệ An. Ảnh Mai Ngọc
Trong trường ca “Mặt đường khát vọng” của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm - viết vào thời điểm những năm cuối của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước - có đoạn:
“Những người vợ nhớ chồng còn góp cho Đất Nước những núi Vọng Phu
Cặp vợ chồng yêu nhau góp nên hòn Trống Mái
Gót ngựa của Thánh Gióng đi qua còn trăm ao đầm để lại
Chín mươi chín con voi góp mình dựng Đất tổ Hùng Vương
Những con rồng nằm im góp dòng sông xanh thẳm
Người học trò nghèo giúp cho Đất Nước mình núi Bút, non Nghiên.
Con cóc, con gà quê hương cùng góp cho Hạ Long thành thắng cảnh
Những người dân nào đã góp tên Ông Đốc, Ông Trang, Bà Đen, Bà Điểm”
Đoạn thơ trên đã khái quát một cách sinh động nét đặc trưng trong văn hóa Việt tồn tại từ hàng ngàn năm nay: Cách đặt tên cho địa danh của xứ sở.
Xét về tên gọi, địa danh Việt thường tồn tại hai loại tên song hành: Tên Nôm và tên chữ. Tuy nhiên, về mặt thời gian, tên Nôm xuất hiện sớm nhất, trước khi tiếng Việt có chữ viết.
Tên Nôm là tên dân dã trong tiếng Việt, để gọi một thực thể địa lý như núi non, sông ngòi, hang động, đèo,… hay một tổ chức xã hội như làng xóm, đình chùa,...
Tên Nôm là tên gọi mang đậm chất văn hóa Việt, phản ánh tư duy, lối sống cộng đồng Việt từ ngàn đời nay. Nó thể hiện bản sắc phong tục, tập quán của người Việt, gắn với đặc điểm địa lý, môi trường sinh thái của từng cộng đồng dân cư.
Tên chữ xuất hiện muộn hơn do ảnh hưởng của văn hóa Hán và sự ra đời của một bộ phận hết sức quan trọng trong kho từ vựng tiếng Việt, đó là từ Hán Việt (từ có nguồn gốc Hán nhưng đọc theo âm Việt). Từ đầu thế kỷ XX, chữ quốc ngữ được phổ biến rộng rãi, có thêm cách đặt tên bằng chữ quốc ngữ.
Đó là những lý do dẫn đến việc nhiều địa danh song song tồn tại cả tên Nôm và tên chữ.
Qua khảo sát thực tế, có thể thấy mấy xu hướng trong việc đặt tên địa danh của người Việt.
Một là phỏng theo hình dáng tự nhiên, màu sắc cộng với sự liên tưởng như núi Vọng Phu, hòn Trống Mái, núi Bút, non Nghiên, rú Lưỡi Hái, Đầm Mực, Cửu Long,…
Hai là theo dòng họ có đông người cư trú nhất hoặc có công khai mở làng, như làng: Lê Xá, Trần Xá, Đinh Xá, Ngô Xá, Trịnh Xá, Dương Xá, Phạm Xá,...
Ba là lấy tên người có công mở làng lập ấp, có công với dân nước: Làng (thôn) Ông Cân (huyện Bình Lục, Hà Nam); Ông Đốc, Ông Trang, Bà Đen, Bà Điểm,…
Bốn là lấy tên một loại cây đặc sản: Làng Lệ Sơn (Quảng Bình), làng Khoai, làng Gạo (Hà Nam), Quýt Lâm,…
Năm là thể hiện ước nguyện của người dân về quê hương mình: An Thái, Bình An, An Lạc, Cát Tường, Thịnh Phát,...
Sáu là xuất phát từ nghề của làng như làng Lác Đũi (Hà Nam), chuyên nghề dệt lụa, the, đũi đem bán kiếm lời, lúc nông nhàn; Diêm Điền,…
Bảy là theo vị trí của làng: Làng Nội (trong), làng Ngoại (ngoài), làng Thượng (trên) làng Hạ (dưới), làng Đông, làng Đoài (phía Tây).
Với cách đặt tên đất, tên làng như thế nên trong suốt chiều dài đất nước, “ở đâu trên khắp ruộng đồng gò bãi/Chẳng mang một dáng hình, một ao ước, một lối sống ông cha/Ôi Đất Nước sau bốn ngàn năm đi đâu ta cũng thấy/Những cuộc đời đã hóa núi sông ta...”.
Còn một cách đặt tên nữa cũng hết sức độc đáo mà nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm đã khái quát trong trường ca nói trên: “Họ gánh theo tên xã, tên làng trong mỗi chuyến di dân”. Bởi thế ở Tây Nguyên mới có Hòa Khánh, Hòa Thuận, Hòa Đông, Hòa Tiến,… vốn là những tên đất tên làng từ miền quê Đà Nẵng, người dân mang theo cùng những đợt di cư hồi giữa thế kỷ XX.
Tên đất, tên làng dù đặt theo tên chữ hay dân dã đều mang đậm bản sắc văn hóa xứ sở. Nhắc đến nó gợi trong ta biết bao kỷ niệm buồn vui của đời người. Ở đó mẹ cha ta chôn nhau cắt rốn sau khi ta cất tiếng khóc chào đời; ở đó ta tắm mình trong lời ru của mẹ, trong những làn điệu dân ca dịu dàng; ở đó có lũy tre, ruộng lúa, bờ ao, có con trâu, đồng cỏ, mái trường,… gắn bó với tuổi thơ ta; ở đó có sự ấm áp, nồng thắm, chở che của nghĩa tình quê hương, làng xóm; ở đó có biết bao kỷ niệm, đầy ắp những giá trị nhân văn mà ta được thừa hưởng từ cội nguồn của ông bà tổ tiên.
Nhưng những tên đất, tên làng tưởng như muôn thuở ấy đang dần lui vào quá vãng. Từ cuối những năm 60 của thế kỷ XX, miền Bắc có chủ trương đẩy mạnh phong trào hợp tác xã bậc cao. Làng thành hợp tác xã gồm nhiều đội sản xuất. Rồi thì phong trào hợp tác xã toàn xã. Đội sản xuất được gọi theo thứ tự chữ số Ai Cập, sau này trở thành tên gọi của thôn. Đồng ruộng được quy hoạch lại, bờ vùng bờ thửa chạy ngang chạy dọc. Tên đất, tên làng mờ dần từ đó.
Bây giờ theo chủ trương mới, ba bốn thôn nhập lại thành một, tên thôn vẫn là 1, 2, 3,… không chút biểu cảm.
Còn không những cái tên quen thuộc đã đi vào tâm khảm người dân quê tôi? Đâu rồi những tên làng Kim Đồng, Kim Chung, Xóm Vụng, Yên Tào, Vĩnh Long, Kẻ Roi,…? Đâu rồi những tên đất trên đồng bãi quê hương gắn bó tuổi chăn trâu, cắt cỏ bao đời như Cồn Voi, Trọt, Eo Pheo, Trái Mướp, soi Bặn, Vậc,…?
Còn đấy, nhưng chỉ là trong ký ức của những người quê lứa tuổi U50 trở lên. Vài ba chục năm nữa, những lớp người này sẽ về với tiên tổ. Ai người nhắc nhở cho con cháu những cái tên dân dã đã đi suốt chiều dài lịch sử của quê hương?
Đang miên man trong miền suy tưởng, tâm tư trĩu một nỗi niềm tôi bỗng đọc được tin vui trên báo mạng. Ở Quảng Bình quê vợ, ngày 30-9-2019 Hội đồng Nhân dân tỉnh vừa ra Nghị quyết số 77/NQ-HĐND về việc trả lại tên đất, tên làng một thuở cho thị trấn Quán Hàu. Những cái tên mang hồn cốt của một vùng đất anh hùng đã hồi sinh: Trung Trinh, Làng Văn, Phú Bình, Bình Minh, Văn Hùng, Hùng Phú.
Và tôi ước, một ngày nào đó, những Kim Đồng, Kim Chung, Vĩnh Long,… lại trở về trong niềm vui hạnh phúc vô bờ của bao thế hệ người dân quê tôi.
Vẫn biết văn hóa, xã hội luôn phát triển nhưng nó chỉ phát triển trên cơ sở bảo tồn được những giá trị ngàn đời mà ông cha đã tốn bao trí tuệ, công sức và xương máu tạo dựng nên trong đó có tên đất, tên làng - một phần da thịt của quê hương.
tin tức liên quan
Videos
Khu di tích Kim Liên hành trình đến với trẻ em miền núi
Người Amish ở Mỹ
Đền Hồng Sơn
Một nước Nhật quá xa xôi!
Phân tầng xã hội và di động xã hội ở Việt Nam hiện nay [kỳ 3]
Thống kê truy cập
114511943
2269
2337
22317
218816
121356
114511943