Những góc nhìn Văn hoá
Con người và ký hiệu (1)

Khoa học ngày càng chiếm giữ vị trí lớn hơn trong đời sống hàng ngày, máy móc, thiết bị kĩ thuật đâu đâu cũng tràn ngập, làm thay đổi cơ chế tư duy của chúng ta và bản thân đặc điểm của lời nói. Trên khắp trái đất, hàng triệu người dõi theo sự phát triển của khoa học với niềm hi vọng hoặc thái độ dè dặt. Nhiều người chờ đợi ở khoa học lời giải đáp tổng thể cho tất cả những vấn đề đang hành hạ cả nhân loại, tức là chờ đợi ở nó quá nhiều so với những gì nó có thể cống hiến. Nhưng nhiều người khác lại e ngại, chẳng hiểu tiến bộ khoa học - kĩ thuật liệu có dẫn tới sự biến mất hoàn toàn của con người hay không? Những người làm khoa học, hoạt động sáng tạo, nếp tư duy, điều kiện sinh hoạt của họ đã trở thành một trong những đề tài yêu thích của các nhà văn và giới điện ảnh. Người ta đã sáng tạo ra một loại văn học đặc biệt viết về khoa học và những thành tựu trong tương lai của nó, ấy là truyện khoa học viễn tưởng. Việc độc giả háo hức đón nhận tất cả những tác phẩm ấy - dẫu đôi khi chất lượng của chúng rất thấp - là điều không phải ngẫu nhiên. Điều đó chứng tỏ đông đảo người đọc muốn tìm hiểu loại hoạt động sáng tạo như vậy.
Nhưng sau khi đọc các tiểu thuyết khoa học viễn tưởng, ta có đủ cơ sở để tin rằng, bản chất của sáng tạo khoa học thường được các nhà văn hình dung (mà quan niệm của họ lại thâm nhập vào quần chúng) dưới dạng bóp méo, sai lệch. Nhà khoa học thường hiện lên dưới dạng nhân vật Paganel trong tiểu thuyết của Jules Verne mà ai cũng biết từ thời trẻ con. Đó là bộ bách khoa toàn thư thông dụng, là tuyển tập lời giải đáp cho mọi câu hỏi có thể có. Cách hình dung nông cạn như vậy gợi dậy ở độc giả ý nghĩ: “Nếu mình học thuộc lòng bộ “Đại Bách khoa xô viết”, chắc mình sẽ trở thành nhà khoa học và có thể giải đáp tuốt mọi chuyện”. Người bình thường thì nghi ngờ những cuốn tiểu thuyết như thế, còn các nhà khoa học (với sự trợ giúp của máy móc bí ẩn mà những người giàu óc tưởng tượng đã chế tạo ra một cách hào phóng) đều biết: người “bình thường” hỏi - nhà khoa học trả lời.
Với cách hình dung dung tục như thế về thế giới xung quanh con người thì mọi chuyện đều đã rõ, cần gì phải vắt óc suy nghĩ! Cho nên, nếu muốn miêu tả việc nghiên cứu khoa học, nhà văn chỉ cần đẩy nhân vật của mình tới những nơi thâm sơn cùng cốc, không ai lần ra được, hay đến xứ mù khơi của công chúa Andromeda càng tốt hơn nữa, hoặc đến một hành tinh nào đó được ghi bằng chữ Hy Lạp và có tên gọi thật réo rắt, hấp dẫn. Chính ở chỗ như thế sẽ diễn ra những phát minh phi thường.
Những kiểu giải thích lao động của nhà khoa học như vậy thật nực cười, nếu không nói là có tác hại trực tiếp. Việc phổ biến cái nhìn dung tục, giả dối đối với bản chất sáng tạo khoa học là rất có hại, bởi vì, thứ nhất: nó làm thanh thiếu niên rối trí, mà trong khoa học, tương lai thuộc về thanh thiếu niên. Thứ hai: không được quên, điều kiện tồn tại của khoa học - thuận lợi hay khó khăn - do xã hội, chứ không phải do các nhà khoa học tạo ra. Và để tạo ra điều kiện như thế, xã hội cần phải hiểu, cái gì có lợi, cái gì có hại cho khoa học.
Mấy lời nhập đề như thế là cần thiết, vì kí hiệu học là bộ môn khoa học mà trong đó, một số đặc điểm chung cho mọi kiểu tư duy khoa học được thể hiện hết sức rõ rệt.
Khoa học không phải bao giờ cũng tìm kiếm những thứ chẳng ai biết, những thứ xa lắc xa lơ nơi cùng trời cuối đất. Thông thường, nó chọn những gì có vẻ hiển nhiên và đơn giản để khám phá ra ở đó cái bí ẩn và phức tạp. Không phải bao giờ khoa học cũng biến cái chưa biết thành cái đã biết, - nó thường hành xử theo cách hoàn toàn ngược lại. Cuối cùng, khoa học thường tuyệt nhiên không muốn đưa ra thật nhiều câu trả lời: nó xuất phát từ quan niệm, theo đó, việc đặt vấn đề chính xác và cách lập luận đúng đắn bao giờ cũng có giá trị lớn hơn so với những câu trả lời có sẵn, dẫu đích đáng, nhưng chưa được kiểm nghiệm.
Đối tượng của kí hiệu học - khoa học về các hệ thống giao tiếp và các kí hiệu mà con người (không chỉ con người, mà còn cả động vật và máy móc) sử dụng trong quá trình giao tiếp - rất đơn giản. Liệu có điều gì đơn giản hơn và quen thuộc hơn so với tình huống “tôi đã nói - anh đã hiểu”? Thế mà chính tình huống đó lại cung cấp cho tư duy khoa học những cơ sở dồi dào. Cơ chế truyền đạt thông tin thế nào? Cái gì đảm bảo độ tin cậy cho sự truyền đạt ấy? Có thể nghi ngờ nó trong những trường hợp nào? “Hiểu” có nghĩa là gì? Nếu bó hẹp trong khuôn khổ kinh nghiệm sinh hoạt, những câu hỏi như thế và nhiều câu hỏi khác có vẻ như rất đơn giản, nhưng nếu ngẫm kĩ, đó là những câu hỏi hết sức nghiêm túc. Thử hình dung chúng ta đang làm việc với một cỗ máy tự động dùng những tín hiệu cụ thể để đóng mạch. Chúng ta phát tín hiệu - máy vận hành. Máy có “hiểu” chúng ta không? Ngày nay, người ta đã xác định, rằng một số loài động vật cũng dùng những tín hiệu nhiều khi tạo thành một hệ thống hết sức phức tạp để trao đổi thông tin (có một ngành khoa học chuyên môn nghiên cứu vấn đề này, gọi là “kí hiệu học động vật”). Thế tức là, động vật cũng “hiểu” nhau? Vậy liệu chúng ta có “hiểu” chúng không? Hay phải bắt chúng “hiểu” chúng ta?
Cuối cùng, hãy hình dung ra trường hợp - hiện thời, chỉ là sản phẩm của các nhà khoa học viến tưởng, nhưng rất có thể, vào một ngày đẹp trời nào đó, nó trở thành hiện thực – tiếp xúc với những sinh vật có trí tuệ ngoài hành tinh, hoặc những nền văn minh vũ trụ khác. Liệu chúng ta có thể trao đổi thông tin và hiểu nhau hay không? Mâu thuẫn do thiếu hiểu biết thường kết thúc bi kịch. Để không phải dẫn ra vô số thí dụ mà chúng ta tìm thấy trong lịch sử nhân loại, xin nói về quan hệ qua lại giữa con người và động vật từ lâu đã hình thành trên trái đất này. Mâu thuẫn không hiểu nhau xuất hiện ở đây ngay lập tức. Nó dẫn tới quá trình huỷ diệt động vật, một quá trình mà ngày nay đã bước sang giai đoạn hoàn tất.
Liệu sự huỷ diệt ấy có phải là thiết yếu? Có phải vì đấu tranh sinh tồn mà phải huỷ diệt? Nhưng rõ ràng, ở những nơi chúng ta thấy có cuộc đấu tranh sinh tồn thực sự, ví như xung đột giữa động vật ăn thịt và động vật ăn cỏ, giữa chim và côn trùng, dường như không bao giờ xẩy ra sự huỷ diệt của loài này và sự chiến thắng tuyệt đối của loài kia – có một trạng thái cân bằng nào đó được thiết lập. Trong thiên nhiên, hoàn toàn không thể xẩy ra trường hợp “loài hổ ăn thịt sạch sành sanh giống ăn cỏ” - không thể xẩy ra trường hợp như thế trước hết vì điều đó không phù hợp với lợi ích của loài hổ như một dạng sinh vật.
Việc con người tiêu diệt động vật không phải bao giờ cũng vì đấu tranh sinh tồn, mà thường chỉ là do không hiểu các ý định và hành động của động vật. Kiểu lập luận cho rằng “động vật không biết suy nghĩ” và, do đó, “không thể hiểu được chúng”, “bản thân chúng cũng không hiểu lẫn nhau, chúng sống trong những cuộc chiến vĩnh cửu”, “đơn giản nhất là tránh khỏi chúng” không chỉ là lí lẽ ngu xuẩn, mà nó còn nhắc ta nhớ tới chứng lí đáng ngờ mà bọn thực dân ở thế kỉ trước đã dựa vào để tiến hành những cuộc chiến tranh huỷ diệt chống lại người bản địa ở châu Phi, châu Úc và châu Mĩ. Kẻ không hiểu người khác bao giờ cũng một mực cho rằng ở đây chẳng có gì để hiểu, cần phải tiêu diệt. Nhưng trong xung đột giữa con người và thế giới động vật, sức mạnh thuộc về phía con người. Liệu tình hình cũng sẽ đúng như thế nếu diễn ra những cuộc tiếp xúc vũ trụ? Ở đây, liệu có quá mạo hiểm, khi ta tỏ thái độ khinh suất trước vấn đề này? Mà nếu đúng vậy thì việc khoa học nghiên cứu bản chất của sự hiểu biết trước kia có thể đã không khai thác ý nghĩa hoàn toàn trừu tượng, mang tính hàn lâm như vậy.
Nhưng nếu chăm chú quan sát quanh mình, chúng ta sẽ thấy không cần phải đợi các vị khách vũ trụ đến rồi mới suy ngẫm về vấn đề trên. Chúng ta chẳng lấy làm ngạc nhiên trước sự thật là chúng ta không hiều gì cuốn sách viết bằng thứ ngôn ngữ mà chúng ta rất thông thạo. Nhưng chúng ta rất đỗi sửng sốt (và tức giận) khi chúng ta không hiểu một tác phẩm nghệ thuật - rất mới hoặc rất cũ. L. Tolsoi không hiểu Shakespeare và ông có đủ cản đảm để thừa nhận điều đó. Chúng ta không thừa nhận, nhưng như thế, liệu có phải chúng ta hiểu được Shakespeare. Liệu chúng ta có hiểu trẻ em không? Thế nào là hiểu được bản thân mình? Rõ ràng, chừng nào vẫn chưa xác định được nội dung của từ “hiểu”, chừng nào chưa biến nó thành một thuật ngữ khoa học, chừng ấy chúng ta vẫn chưa thể trả lời các câu hỏi nói trên (cả mĩ học, giáo dục học, tâm lí học lẫn thực tiễn đời sống đều tham gia trả lời những câu hỏi như vậy).
Trong tất cả các trường hợp đang bàn tới ở đây, chúng ta đều bắt gặp một số hệ thống giao tiếp và truyền đạt với sự hỗ trợ thông tin của chúng. Cho nên, ta thấy nổi lên một đối tượng nghiên cứu chung nào đấy. Khi chúng ta nói hoặc viết bằng một ngôn ngữ nào đấy (tiếng Estonie, tiếng Anh, tiếng Nga, Tiệp, hay một ngôn ngữ nào đấy), chúng ta quan sát hệ thống tín hiệu của đèn đường, chúng ta đọc một cuốn tiểu thuyết hay xem một bộ phim, thu nhận tín hiệu từ vũ trụ hoặc giải mã ngôn ngữ của bầy cá heo, ấy là chúng ta muốn tham gia vào một hệ thống giao tiếp nào đó và tiếp nhận thông tin được truyền đạt với sự hỗ trợ của nó. Không có sự tiếp nhận, lưu giữ, truyền đạt thông tin thì không thể có cuộc sống của con người - tức là không có sự nhận thức thế giới, không có tổ chức xã hội của nhân loại. Cho nên, rõ ràng, cái bộ môn khoa học tương đối mới chuyên nghiên cứu các hệ thống kí hiệu - kí hiệu học - có quyền chiếm giữ một vị trí trong đại gia đình các khoa học và hiển nhiên, cùng với thời gian, vị trí ấy ngày càng có ý nghĩa không kém phần quan trọng.
Kí hiệu học như một bộ môn khoa học mới xuất hiện cách đây chưa lâu, mặc dù ngay từ thế kỉ XVII, nhà triết học duy vật Anh J. Locke đã xác định cực kì chính xác đối tượng và dung lượng của kí hiệu học (ông sử dụng chính thuật ngữ này). Nói về sự phân chia khoa học, Locke viết: “Bộ phận sau đây có thể gọi là “kí hiệu học”, hoặc “học thuyết” về các kí hiệu”. Theo ông, nhiệm vụ của bộ phận này là: “Nghiên cứu bản chất của các kí hiệu mà trí tuệ của chúng ta sử dụng để hiểu các sự vật hoặc truyền đạt tri thức của mình cho người khác”. Từ giác độ khoa học, cho tới tận bây giờ, định nghĩa ấy vẫn hoàn toàn thoả đáng.
Nhưng suốt một thời gian dài, những tư tưởng sâu sắc của Locke không nhận được sự phát triển. Phải có một bước ngoặt chung trong hàng loạt bộ môn khoa học truyền thống thì kí hiệu học mới có thể ra đời. Khoa học này xuất hiện vào những năm 50 của thế kỉ trước tại giao điểm của một số môn khoa học: ngôn ngữ học cấu trúc, lí thuyết thông tin, điều khiển học và lôgíc học (nguồn gốc “lai ghép” này dẫn tới chỗ, cho đến nay, đối tượng và bản chất của kí hiệu học được các đại biểu của những lĩnh vực khoa học nói trên hiểu với nhiều điểm khác biệt).
Ngôn ngữ học hiện đại có vị trí cực kì lớn lao. Điều này hoàn toàn không có gì là ngẫu nhiên. Chúng tôi đã nói rằng, nền tảng của nhiều vấn đề kí hiệu học là việc nghiên cứu tình huống giao tiếp sơ đẳng “tôi nói - anh hiểu”. Nhưng rõ ràng, để điều đó xẩy ra, giữa chúng ta cần có ngôn ngữ chung. Ngôn ngữ mà các dân tộc trên thế giới nói (người ta gọi là “ngôn ngữ tự nhiên”) là hệ thống giao tiếp quan trọng, phổ biến nhất và đã được nghiên cứu kĩ lưỡng. Cho nên, thành tựu của ngôn ngữ học cấu trúc quyết định phần lớn các thủ pháp nghiên cứu của kí hiệu học.
Nhưng sau đó người ta phát hiện ra rằng, tất cả các hệ thống giao tiếp hoạt động trong xã hội con người, dù đó là hệ thống đèn tín hiệu giao thông, bảng chữ cái của Morse hay cấu trúc của các phương tiện biểu hiện trong nghệ thuật, đa số đều được tổ chức theo kiểu mẫu của các ngôn ngữ tự nhiên. Khái niệm ngôn ngữ bắt đầu được giải thích theo kiểu mở rộng - người ta nói “ngôn ngữ điện ảnh”, “ngôn ngữ múa” hoặc các dạng nào đó của hành vi xã hội như những “ngôn ngữ” đặc biệt. Mỗi khi chúng ta phải truyền đạt hoặc lưu trữ thông tin, chúng ta đều có thể đặt vấn đề về ngôn ngữ của sự thông tin ấy. Cho nên mới xuất hiện môn lí luận chung về các hệ thống giao tiếp.
Đóng góp của lí thuyết thông tin vào lí luận về các hệ thống giao tiếp là vô cùng to lớn. Môn toán học này sinh ra ở giai đoạn đại chiến thế giới lần thứ II, từ những nhiệm vụ tương đối khiêm tốn và thuần tuý mang tính kĩ thuật: viên kĩ sư Shannon (Mĩ) được giao nhiệm vụ nghiên cứu độ tin cậy của các tuyến thông tin liên lạc. Đồng thời, Shannon còn xây dựng lí thuyết toán học cho phép đo lường thông tin, tính toán điều kiện thông tin, giải mã văn bản và xác suất của sự sai lệch… Các khái niệm cơ bản của lí thuyết thông tin, ví như “kênh”, “mã”, “liên lạc”, “tin báo”, tỏ ra rất thuận tiện cho việc diễn giải hàng loạt vấn đề kí hiệu học.
Vấn đề lưu trữ và truyền đạt thông tin cũng trở thành trung tâm chú ý của điều khiển học, ngoài ra, “thông tin” được giải thích ở đây ngày càng rộng hơn, như là mọi tổ chức cấu trúc. Từ quan điểm như thế, thông tin không chỉ là những gì tôi biết, mà là những gì tôi có thể biết: một cuốn sách chưa đọc, một hành tinh chưa khám phá ra, một đĩa nhạc máy hát chưa nghe - tất cả những thứ đó đều là các đơn vị thông tin cụ thể như nhau. Bức tranh thế giới do Norbert Wiener,cha đẻ ra ngành điều khiển học, phác thảo là một trận chiến kì vĩ giữa tổ chức thông tin, hỗn loạn thông tin và sự phá huỷ (“entropie”). Bởi vậy, với điều khiển học, khoa học về sự truyền đạt thông tin chỉ là một phần nằm trong hệ vấn đề riêng của nó. Nhưng ai cũng biết, việc truyền đạt thông tin đòi hỏi phải có một điều kiện không thể thiếu, ấy là kí hiệu. Khái niệm kí hiệu, một khái niệm do các nhà ngôn ngữ học, toán học và lôgíc học cùng sáng tạo ra, đã trở thành khái niệm nền móng của kí hiệu học. Không phải ngẫu nhiên kí hiệu học vẫn thường được gọi là khoa học về các hệ thống kí hiệu.
Nhà văn Anh Jonathan Swiftatrong đã mô tả hành trình viễn tưởng của Gulliver đến đảo Laputa với những nhà khoa học - dị nhân, những người quyết định dùng đồ vật thay cho lời nói. Chất nặng nhiều đồ vật đủ mọi loại, họ lê bước khắp thành phố và thay vì nói bằng lời, họ chìa các đồ vật cho nhau. Nhân loại sẽ rơi vào hoàn cảnh đúng như thế, nếu trước kia họ không sáng chế ra một trong những phát minh vĩ đại nhất của lịch sử, ấy là sáng tạo ra các kí hiệu. Kí hiệu làm thay đổi các bản chất, hiện tượng và sự vật, giúp con người trao đổi thông tin với nhau. Dạng kí hiệu quen thuộc và thông dụng nhất là lời nói. Nhưng chúng ta cũng sử dụng rộng rãi các dạng kí hiệu - vật thay thế khác. Chẳng hạn, như K. Marx đã chỉ ra, tiền là kí hiệu của giá trị lao động tất yếu mà xã hội đã phải bỏ ra để sản xuất vật phẩm. Với tính tích cực đặc biệt, kí hiệu tích lũy kinh nghiệm xã hội: huân chương, danh hiệu, biểu tượng, điển lễ, tiền bạc, nghi lễ…, tất cả những cái đó đều là kí hiệu phản ánh những nguyên tắc tổ chức khác nhau của tập thể con người. Nhưng chính các kí hiệu lại sử dụng những hệ thống tích luỹ kinh nghiệm tinh thần của nhân loại. Tác phẩm nghệ thuật tạo ra những hình tượng thế giới hiện thực phục vụ cho việc tích luỹ và truyền đạt thông tin – những hình tượng ấy cũng là kí hiệu.
Kí hiệu có nhiều thuộc tính hết sức thú vị. Chẳng hạn, muốn chuyển một tảng đá ra khỏi chỗ cũ, cần phải bỏ ra một lực nhất định, thế mà theo luật bảo toàn năng lượng, hiệu quả sẽ cân bằng với lực bị mất đi. Bây giờ chúng ta hãy hình dung tiếng còi của nhà máy. Năng lượng phải sử dụng để xả còi hoàn toàn không thể so sánh với hiệu quả hoạt động của nó: nó buộc các cỗ máy có công suất lớn phải dừng lại, nó khởi động hoạt động của quần chúng lao động. Kí hiệu có khả năng tác động không đồng đều giá trị về mặt năng lượng. Sức mạnh của lời nói cũng dựa trên cơ sở như thế. Hành động mà lời nói tạo ra không thể so sánh với năng lượng phải tiêu phí để nói lên lời nói ấy.
Việc nghiên cứu các kí hiệu mở ra khả năng ứng dụng thực tiễn rộng rãi: từ việc chữa trị khuyết tật nói năng và phương thức tiếp xúc hiệu quả nhất của người mù với đời sống tập thể cho tới phiên dịch bằng máy điều khiển các hệ thống tự động và phát minh ra các phương pháp liên lạc vũ trụ.
Việc nghiên cứu nghệ thuật như một hệ thống kí hiệu là lĩnh vực đặc biệt. Ai cũng biết về tính tích cực xã hội của nghệ thuật. Các kí hiệu được nghệ sĩ và nhà văn ứng dụng có những đặc điểm xã hội vô giá. Nghiên cứu xem nghệ thuật kết tụ trong bản thân thông tin có tầm quan trọng xã hội như thế nào là nhiệm vụ thú vị. Không bàn tới viễn cảnh lí thuyết được mở ra ở đây, chỉ xin kể ra một vài khả năng - hiện vẫn còn xa xôi - ứng dụng vào thực tiễn các công trình nghiên cứu về kí hiệu học nghệ thuật. Sáng tạo nghệ thuật hấp dẫn với chúng ta bởi sức mạnh tác động thẩm mĩ của nó. Nhưng có thể nghiên cứu sáng tạo nghệ thuật từ một phương diện khác, ít quen thuộc hơn: tác phẩm nghệ thuật là phương thức tổ chức cực kì tiết kiệm, hàm súc, thuận tiện cho việc lưu trữ và truyền đạt thông tin. Một số đặc điểm quý báu của nó mang tính hi hữu và không thể tìm thấy trong các phương tiện lưu giữ và truyền đạt thông tin do con người sáng tạo ra từ trước đến nay. Trong khi đó, nếu chúng ta biết được tất cả các bí mật cấu trúc của văn bản nghệ thuật, chúng ta có thể sử dụng các bí mật ấy để giải quyết một trong những vấn đề bức thiết nhất của khoa học hiện đại, ấy là nén thông tin. Tất nhiên, điều đó không hạn chế khả năng của các nghệ sĩ trong việc tìm ra nhiều hướng đi mới cho nghệ thuật – chẳng hạn, tri thức về quy luật cơ học không cản trở các nhà thiết kế tìm kiếm tư tưởng mới và những ứng dụng mới. Bây giờ đã có khoa sinh học điện tử, bộ môn khoa học nghiên cứu các dạng cấu trúc của thế giới sinh vật nhằm sử dụng chúng trong các máy móc thiết bị do con người sáng tạo ra. Đến một lúc nào đó, liêu có xuất hiện khoa “nghệ sĩ học điện tử” - bộ môn nghiên cứu các qui luật cấu trúc nghệ thuật để “ghép” một số thuộc tính của chúng cho các hệ thống truyền đạt và lưu trữ thông tin hay không?
Ngoài những giả định mà bây giờ vẫn còn là viễn tưởng như thế, kí hiệu học có nhiều nhiệm vụ cấp bách đầy ắp hứng thú khoa học làm say mê lòng người. Kí hiệu học là môn khoa học trẻ, khoa học của tương lai. Nó sẽ còn nhiều khám phá hơn nữa.
Người dịch: Lã Nguyên
Nguồn:Лотман Ю.М. Семиосфера. - С.-Петербург: «Искусство - СПБ», 2000. С. 12-14.
[1] Đây là bài báo in năm 1969 trên tờ “Estonie xô viết” (số 27) với tư cách là bài trả lời lá thư tỏ ý quan tâm tới môn khoa học mới - khoa kí hiệu học - của một trợ lí tài xế xe lửa diesel nào đấy tên là I. Xemennhikov. Trong vòng ba chục năm, người tài xế xe lửa ham học hỏi là nhân vật huyền thoại. Nhưng, giả dụ, ngay cả trong trường hợp mình đang bị ban biên tập đánh lừa, thì chúng ta vẫn không thể không cảm ơn “Estonie xô viết”, vì tờ báo đã in bài kí hiệu học của Iu.M. Lotman, một bài báo viết cho cử tọa rộng rãi (Chú thích của biên tập viên - “Vysgorod”. 1998. № 3).
tin tức liên quan
Videos
Phân tầng xã hội và di dộng xã hội ở Việt Nam hiện nay [kỳ cuối]
Bàn về “Học thật, thi thật, nhân tài thật” ( Kỳ 2)
Những âm thanh vang vọng núi rừng Tương Dương
Hội nghị Sơ kết cụm thi đua 6 tỉnh Bắc Trung Bộ năm 2023
Chuyện về những người phụ nữ có ảnh hưởng đến cuộc đời và sự nghiệp của vua Mai
Thống kê truy cập
114559481

2181

2317

2799

227024

122920

114559481