Văn hoá học đường

Trần Đình Phong - Nhà sư phạm mẫu mực

                                                                                     

Đốc học Trần Đình Phong

Sau khi thu phục giang sơn, thống nhất đất nước, vua Gia Long rất chú trọng việc giáo dục, đào tạo nhân tài giúp nước, do đó, năm 1802, trường tỉnh Quảng Nam được thành lập tại xã Câu Nhí, huyện Diên Phước, phủ Điện Bàn, đến năm 1835, trường được dời về làng Thanh Chiêm.

Trường tỉnh Quảng Nam do một quan Đốc học điều hành nên nhân dân quen gọi là trường Đốc Thanh Chiêm. Đa số các Đốc học của trường là người Quảng Nam, nhưng cũng có những vị ở tỉnh khác được bổ dụng đến. Dù sinh ra trên quê hương nào nhưng khi đảm nhận chức vụ cao quý này, các quan Đốc học đều dốc hết tài đức của mình vào sự nghiệp trồng người. Chính vì thế mà trường Đốc Thanh Chiêm dưới thời phong kiến nhà Nguyễn đã lừng danh là lò luyện nhân tài không chỉ cho Quảng Nam Đà Nẵng mà còn cho cả nước. Đến nay, trường Đốc Thanh Chiêm chỉ còn là vang bóng, nhưng nhân dân Quảng Nam vẫn vô cùng tôn kính và nhớ ơn một thầy đồ Nghệ đã đào tạo cho Quảng Nam nhiều nhân tài làm rạng rỡ cho quê hương, đất nước đó là Đốc học Trần Đình Phong.

Trần Đình Phong hiệu Mã Sơn người thôn Yên Mã, xã Thanh Khê, tổng Thái Trạch, huyện Yên Thành, phủ Diễn Châu, tỉnh Nghệ An; nay gọi là xã Mã Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An. Quê hương ông là một làng quê yên bình và có truyền thống hiếu học.

Ông sinh năm Đinh Mùi (1847), lúc nhỏ có tên là Bằng, được thầy Bùi Huy Chân, một nhà Nho đức độ thông minh trong làng trực tiếp dạy dỗ. Từ nhỏ ông đã có tài văn chương, giỏi ứng xử đối đáp và có đạo đức nên được thầy yêu mến. Tài văn chương của nho Bằng đến nay vẫn còn lưu truyền rằng: “Một hôm có một người từ xa, nghe tiếng thầy Bùi Huy Chân liền mang trầu rượu đến để xin thầy bài chúc thọ bố. Thầy giao việc đó cho nho Bằng và hẹn sẽ sửa lại sau. Nhưng khi bài văn viết xong, thầy Bùi xem lại và rất ngạc nhiên về tài văn chương của cậu và quyết định cứ để nguyên như thế không sửa chữ nào”. (http://www.ubndhyenthanh.nghean.vn)

Mặc dù học giỏi nhưng hai lần thi Hương vào các khoa Mậu Thìn (1868) và Canh Ngọ (1870) dưới triều Tự Đức, ông chỉ đỗ Tú Tài, tuy thế ông không nản chí, vẫn quyết tâm theo đuổi con đường khoa cử. Mãi đến khoa Bính Tý (1876), ông mới đỗ Cử nhân cùng khoa với Phan Đình Phùng, Cao Xuân Dục. Năm Kỷ Mão, Tự Đức thứ 32 (1879), triều đình mở ân khoa, Trần Đình Phong thi đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sỹ xuất thân, cùng khoa với Nguyễn Duy Hiệu (Quảng Nam).

Ông được bổ làm Tri phủ huyện Thọ Xuân (Thanh Hóa).

Năm 1885 mẹ mất, Trần Đình Phong xin về chịu tang mẹ rồi mở lớp dạy học; tại quê nhà, ông đã động viên con cháu tham gia cuộc khởi nghĩa của Nguyễn Xuân Ôn.

Sau khi cư tang, ông được bổ làm Đốc học ở Quảng Ngãi, Quảng Nam, rồi về Huế nhận chức Tế tửu Quốc tử giám, được phong Quang lộc tự khanh.

Năm Mậu Thân (1908) triều Duy Tân, ông được bổ làm Biên Tu Quốc sử.

Trần Đình Phong mất năm Canh Thân (1920), an táng tại quê nhà.

Năm Quý Tỵ (1893), Trần Đình Phong nhận chức Đốc học Quảng Nam. Được vua Thành Thái bổ nhiệm vào một chức vụ hợp với sở thích của mình, ông đã đem hết nhiệt huyết và tài năng để đóng góp cho công cuộc phát triển Văn hóa, Giáo dục của xứ Quảng. Ông chỉnh đốn lại trường ốc, sắp xếp đội ngũ thầy giáo, chú ý đến những vị thầy có tài, có đức. Ông còn đến các vùng lân cận tuyển chọn các học sinh xuất sắc cho vào học ở trường Đốc Thanh Chiêm như trường hợp Trần Quý Cáp (lúc nhỏ tên Trần Nghị).

Trần Nghị nhà nghèo không có sách vở, may nhờ ở gần cụ Phụ đạo Nguyễn Thành Ý, Trần Nghị qua lại với các người con của cụ mượn sách về học. Năm 20 tuổi,  đã nổi tiếng văn chương, được các bạn đồng song kính mến. Sau đó ông đến học với cụ cử Lê Cung ở Nông Sơn, một nhà nho có danh vọng trong hạt, rất đông học trò, Trần Nghị học rất xuất sắc. Năm 1895, Đốc học Trần Đình Phong nghe tiếng liền đến khảo sát và tuyển ông vào trường Đốc Thanh Chiêm, cấp lương ăn học và cho đổi tên thành Trần Quý Cáp, tự Dã Hàng, lại tự Thích Phu, hiệu Thai Xuyên.

Nhờ tài tổ chức và quản lý của Trần Đình Phong mà trường Đốc Thanh Chiêm có nhiều thầy giáo giỏi và học sinh tài năng.

Hàng tháng nhà trường định kỳ giảng sách cho học sinh, quan Đốc học vừa trông coi việc học cả tỉnh, vừa tham gia giảng tập. Đến ngày giảng sách  “Học quan mặc áo khăn ngồi trên nhà học, học trò mặc áo khăn ngồi im lặng nghe giảng” (Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, NXB Thuận Hóa Huế 1993, Tập VII, tr 187).

Thỉnh thoảng quan Đốc học cũng mở những buổi giảng tập về những điều cao siêu trong ý nghĩa kinh sách mà những học sinh xuất sắc nêu ra.

Vào các ngày mồng 3, mồng 9, 17, 25 mỗi tháng, quan Đốc học ra đầu bài, học sinh đem về nhà làm đến kỳ hạn nộp bài (gọi là văn kỳ) hoặc làm ngay tại trường, trong một ngày phải xong (gọi là văn nhật khắc). Sau khi chấm, học sinh đến trường để nghe quan Đốc học nhận xét về các bài làm hoặc bình những đoạn văn hay, những bài đặc sắc.

Đôi khi các quan tỉnh yêu thích văn học cũng tham gia duyệt quyển bình văn hầu làm phong phú thêm kiến thức cho học sinh. Trong tập Lô Giang Tiểu Sử, ông Nguyễn Mại đã cho biết “Ta tuy làm chánh chức nhưng khi rảnh lui tới trường học cùng với ông Đốc học Trần Đình Phong duyệt quyển bình văn.” (Lô Giang tiểu sử, bản dịch tr 129).

Mười hai năm làm Đốc học Quảng Nam (1893-1905), Trần Đình Phong đã đào tạo  nhiều thế hệ nho sinh, trong đó có 6 người nổi tiếng là Phạm Liệu, Phan Quang, Nguyễn Đình Hiến, Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng (Huỳnh Hanh) và Trần Quý Cáp.

Dưới sự điều hành và dạy dỗ của ông, học trò Quảng Nam đã đạt được những kỳ tích ở các khoa thi làm cho giới khoa bảng cả nước ngày đó ngưỡng mộ:

Nổi bật là ở khoa thi năm Mậu Tuất (1898), niên hiệu Thành Thái thứ 10, Quảng Nam có 3 người đỗ Tiến sĩ và 2 người đỗ Phó bảng. Ba vị Tiến sĩ là: Phạm Liệu, Phan Quang, Phạm Tuấn, hai vị Phó bảng là: Ngô Chuân, Dương Hiển Tiến.

Năm vị đỗ Đại khoa này được vua ban áo mão vinh quy, được nhân dân Quảng Nam đón rước long trọng, tôn xưng là “Ngũ phụng tề phi” và được quan Tổng đốc Quảng Nam là Đào Tấn mở tiệc chiêu đãi tại nhà mát Khán Hoa Đình ở bến sông Vĩnh Điện, nhằm xiển dương thành tích học tập xuất sắc của các vị ấy, nêu gương sáng cho quần chúng noi theo. Từ đó Quảng Nam được vinh danh là đất Ngũ phụng tề phi.

Về sự kiện này, trong Lô Giang tiểu sử, ông Nguyễn Văn Mại cho biết: “Ngày tháng 2 [Mậu Tuất, 1898] đến tỉnh. Tháng ấy, Tổng đốc Quảng Nam Vương Duy Trinh về kinh sung chức Khảo thí hội, rồi đổi đi Tổng đốc Thanh Hóa. Ông Mộng Mai Ðào Ðăng Tấn sung chức Tổng đốc Quảng Nam.

Ông Mộng Mai dưới triều Tự Ðức có tiếng thi văn và giỏi hát bội. Ông vào Tổng đốc Quảng Nam liền làm một cái nhà mát tại bến sông Vĩnh Ðiện, thường đến uống rượu ngâm thơ, cũng có lúc đến đó xử đoán việc quan. Trước kia ông cùng ta cũng là thầy trò đường thuộc ở viện Cơ mật, nay cũng tương đắc. Tháng 5 năm ấy, nghe tin học trò tỉnh Quảng Nam vào điện thí, đậu Tiến sĩ ba người, Phó bảng hai người. Ông nói với ta: “Nhà mát chưa có tên, nay được tin mừng, ngày sau các ông tân khoa vinh quy, chúng ta nên đặt tiệc ở đó và đặt tên nhà mát là KHÁN HOA ÐÌNH. Quan Án làm cho một bài ký được không?” Ta tuân lệnh, thảo xong trình duyệt, liền khiến viết vào lụa. Khi các ông tân khoa đến dự tiệc xong, ông Tổng đốc sức cho hát cùng nhã nhạc cờ trống để bài ký đưa ông hội nguyên Trừng Giang Phạm Liệu. Ông Mộng Mai bình sanh ưa bài văn. Sau ông ra Tổng đốc Nghệ An, ta ra Tuần vũ Hà Tĩnh...” (Sđd Bản dịch, tr 98-99).

Khoa thi Hương năm Canh Tý (1900) Thành Thái 12, tại trường thi Thừa Thiên, sĩ tử Quảng Nam đỗ Cử nhân chiếm tỷ lệ cao nhất so với các tỉnh (14/42 chiếm tỷ lệ 34%) và từ thủ khoa đến vị thứ 4 đều là học trò Quảng Nam: Huỳnh Thúc Kháng đỗ Giải nguyên, Nguyễn Đình Hiến đỗ Á nguyên, Phan Châu Trinh, Lê Bá Trinh.

Khoa thi Đình năm Tân Sửu 1901, Thành Thái 13, Quảng Nam có 4 người đỗ Phó bảng, còn các tỉnh khác chỉ có 1, 2 người. Bốn vị Phó bảng đó là: Nguyễn Đình Hiến, Võ Vỹ, Nguyễn Mậu Hoán,  Phan Châu Trinh.

Nhân dịp này, Phó Bảng Hà Đình Nguyễn Thuật đã có hai câu đối mừng cho 4 vị tân khoa. Một câu tặng chung cho 3 ông Võ Vỹ, Nguyễn Mậu Hoán và Phan Châu Trinh:

“Niếp túc thượng hanh cù ba bảng nhứt châu sâm tứ kiệt.

Ba cung thao dị sủng nghê thường đồng nhật vũ quần tiên”

Dịch:

Tiếp bước lộ hanh thông đồng tỉnh bảng hoa vầy tứ kiệt.

Xứng thân điều ân trạch một ngày ca vũ với quần tiên”

Và một câu đối tặng riêng cho Phó bảng Nguyễn Đình Hiến:

Đỉnh Giáp khởi vô tài mạc thị văn chương quan vận hội?

Vân trình du hữu vọng do lai khoa đệ tác đề giai!”

Dịch:

Đậu bảng Giáp cao há vô tài, không do vận hội văn chương ư?

Đường làm quan tiến mãi là từ thềm thang thi cử mà có

   (Theo Khoa bảng Quảng Nam dưới thời mhà Nguyễn, tr 301, 302)

Khoa Giáp Thìn (1904), Trần Quý Cáp và Huỳnh Thúc Kháng cùng đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân.

Riêng Huỳnh Thúc Kháng đỗ Giải Nguyên (đỗ đầu kỳ thi Hương) khoa Canh Tý (1900) và đỗ Hội nguyên (đỗ đầu kỳ thi Hội) khoa Giáp Thìn (1904) nên được gọi là ông Nghè Song nguyên.

Trần Đình Phong không chỉ dạy văn chương, mà còn truyền thụ cho học trò của mình lòng yêu nước thiết tha, hun đúc tinh thần sẵn sàng dấn thân cứu nước. Các lãnh tụ của phong trào Duy Tân đầu thế kỷ XX như Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Trần Quý Cáp, Lê Bá Trinh, Phan Thúc Duyện, v.v... những nhà cách mạng nổi tiếng đó, đều là những môn sinh ưu tú của ông.

Phong trào Duy Tân là một phong trào cách mạng sôi nổi ở Quảng Nam những năm đầu thế kỷ XX. Với chủ trương “Khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh” phong trào Duy Tân đã có các hoạt động tích cực, đồng bộ như mở trường tân học, tổ chức diễn thuyết, lập hội buôn, nông hội, v.v… được quần chúng nhiệt liệt hưởng ứng, tạo được tiếng vang lớn khiến thực dân Pháp vô cùng lo sợ, tìm cách dập tắt phong trào.

Năm 1908, nhân cuộc biểu tình xin xâu chống thuế nổi lên ở Quảng Nam rồi nhanh chóng lan ra các tỉnh miền Trung, thực dân Pháp bắt Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng và những người tham gia phong trào đày ra Côn đảo còn Trần Quý Cáp thì bị tử hình tại Khánh Hòa dù kẻ thù không tìm ra bằng chứng, người đời gọi bản án đó là “Mạc tu hữu”.

Hơn 100 năm tồn tại và phát triển, chưa có lúc nào trường Đốc Thanh Chiêm đạt được nhiều thành tích vẻ vang như dưới thời Đốc học Trần Đình Phong. Ông là một trí thức yêu nước xuất thân từ Nghệ An nhưng đã xem Quảng Nam là quê hương thứ hai của mình nên đem hết tài năng, nhân cách của một ông đồ Nghệ vun đắp vào sự nghiệp trồng người của Quảng Nam làm cho nền văn hóa giáo dục của tỉnh này một thời tỏa sáng, góp vào lịch sử dân tộc những tên tuổi lừng danh.

Năm Canh Tý (1900), Trần Đình Phong được cử làm Phó Chủ khảo kỳ thi Hương ở Thanh Hóa. Với cương vị đó ông đã đề nghị lấy Nguyễn Sinh Sắc, vốn là môn sinh của ông, sung vào bộ phận sơ khảo. Lúc bấy giờ Nguyễn Sinh Sắc đang là Cử nhân tọa giám.

Năm Ất Tỵ (1905), Trần Đình Phong được thăng làm Tế tửu Quốc tử giám, trường Đại học hoàng gia của nước Đại Nam lúc bấy giờ, và được phong Quang Lộc Tự khanh. Trần Đình Phong đã từng bước sửa đổi lại lề lối làm việc, chấn chỉnh đội ngũ tư nghiệp, kết hợp chặt chẽ với Sùng chính viện - là thư viện quốc gia để biên soạn giáo trình, sách vở học tập nhằm đào tạo một nền quốc học có tính dân tộc.

Trần Đình Phong rất yêu thích việc dạy học nên đã đem hết tài trí, nhân cách và tâm huyết của mình đóng góp cho ngành Giáo dục. Ông là một nhà sư phạm mẫu mực, suốt đời tận tụy với sự nghiệp trồng người và đã đào tạo nhiều nhân tài cho đất nước, nhiều chí sĩ cách mạng mà tên tuổi của họ đến nay còn chói sáng trong lịch sử dân tộc.

Riêng người dân Quảng Nam không bao giờ quên ơn Đốc học Trần Đình Phong, người đã một thời đem lại cho vùng đất ông gọi là “Địa linh nhân kiệt” danh xưng cao quý “Đất Ngũ phụng tề phi”.

 

                                                                                   

 

 

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114446119

Hôm nay

250

Hôm qua

2284

Tuần này

21728

Tháng này

212378

Tháng qua

120141

Tất cả

114446119