Những góc nhìn Văn hoá

Lịch sử Việt Nam thời tự chủ [kỳ 18]

...

Tượng vua Lý Nhân Tông

...

17. Lý Nhân Tông  [1072-1127]: Từ ngoại giao hòa bình đến chuẩn bị chiến tranh

Niên Hiệu: Thái Ninh: 1072-1075

Anh Vũ Chiêu Thắng: 1076-1084

Quảng Hựu: 1085-1091

Hội Phong: 1092-1100

Long Phù: 1101-1109

Hội Tường Đại Khánh: 1110-1119

Thiên Phù Duệ Vu: 1120-1126

Thiên Phù Khánh Thọ: 1127

Thời Vua Nhân Tông nước Đại Việt chủ trương đối phó với nhà Tống từ mềm dẻo đến cứng rắn, khởi đầu duy trì bang giao rồi chuyển sang chiến tranh. Khi Vua  lên ngôi được 1 năm [1072], Vua Tống phong tước Giao Chỉ quận vương:

Lý Nhân Tông năm Thái Ninh thứ 2 [1073] Nhà Tống phong Vua tước Giao Chỉ Quận VươngToàn Thư, Bản Kỷ, quyển 3.

Năm sau  nhà vua sai Sứ sang Trung Quốc tiến cống:

Trường Biên, quyển 243. Tống Thần Tông ngày Giáp Tý tháng 3 năm Hy Ninh thứ 6  [30/4/1073], Lý Càn Đức [Vua Lý Nhân Tông]đất Giao Châu sai Sứ cống sản vật địa phương.”

(甲子,交州李乾德遣使貢方物。)

Trong sứ đoàn có một viên quan bị bệnh rồi bị mất tích, do phía Đại Việt khiếu nại, nên nhà cầm quyền Tống cho mở cuộc điều tra:

Trường biên, quyển 246. Tống Thần Tông ngày Ất Tỵ tháng 7 năm Hy Ninh thứ 6 [9/8/1073], bọn Lý Hoài Tác, Tiến phụng sứ Giao Chỉ xin tìm từ gốc viên Nha quan Đặng Am. Khởi đầu Am trên đường bị bệnh, cõng đến Trương Tam Quán, y bảo rằng bệnh đã lành, không muốn cõng nữa; rồi thất tung, không biết ở đâu. Chiếu ban cho Ung Châu trình bày đầy đủ người Giao Chỉ từ khi vào biên giới và khởi trình; cùng gửi văn thư cho Tĩnh hải quân An Nam và ra lệnh phủ Khai Phong [kinh đô Bắc Tống]trình bày đầy đủ về việc Đặng Am; cấp bằng cứ công cho bọn Hoài Tố.”

(乙巳,交阯進奉使李懷素等乞根尋牙官鄧暗。初,暗道病,舁至張三館,自言病且愈,不願復舁,已而失之,不知所在。詔客省牒邕州具交人自入界至起發因依,移文靜海軍,及令開封府具鄧暗事,給與懷素等公據。)

Ngoài sự việc Sứ thần Đại Việt mất tích; lúc này viên quan phụ trách vùng Quảng Nam Tây Lộ [Quảng Tây] Thẩm Khởi cho thi hành phép bảo giáp, thường xuyên tổ chức hành quân tuần thám, mưu đồ chiêu dụ uy hiếp các khe động tại biên giới; triều đình nước ta gián tiếp cảnh cáo bằng cách đem việc đánh bắt Vua Chiêm Thành Chế Củ vào năm 1069 báo cho nhà Tống hay; nói rằng Vua Chiêm Thành mang người đến hàng:

Trường Biên, quyển 252. Tống Thần Tông ngày Canh Dần tháng 4 năm Hy Ninh thứ 7  [21/5/1074]. Giao Chỉ Quận vương Càn Đức dâng biểu tâu:

Tháng 10 mùa Đông năm ngoái, trại Định Phiên tại biên giới phía nam báo rằng Quốc vương Chiêm Thành mang hơn 3.000 người cùng vợ đáp thuyền đến hàng; vào tháng Giêng năm nay đến bản đạo rập đầu xin thần phục.’

Chiếu chỉ phúc đáp.”

(庚寅,交趾郡王乾德表言:「去冬十月南界定蕃寨申占城國王領兵三千餘人及王妻子乘舟來降,今年正月已至本道稽顙克伏。」詔答之。新紀於六年十月遂書是月占城降于交趾,誤也,今不取。)

Do Kinh lược sứ Quảng Nam Tây Lộ Thẩm Khởi tạo rắc rối tại vùng biên giới Hoa Việt, lại nhân nước Liêu phương Bắc gây áp lực, nên triều đình nhà Tống muốn tạm thời hòa hoãn với Đại Việt, bèn đổi Thẩm Khởi cho Lưu Di đến thay thế:

Trường Biên, quyển 272. Tống Thần Tông ngày Bính Dần tháng Giêng năm Hy Ninh thứ 9 [6/2/1076], chiếu ban Chiêu thảo ty An nam Đồng Thạch Giám, Chu Ốc cân nhắc việc Thẩm Khởi, Lưu Di làm điều quấy sinh sự nơi biên giới; rồi tâu đầy đủ sự thực. Trước đó Thiên tử ban chiếu cầm tay cho Trung thư như sau:

Thẩm Khởi trước kia tại Quảng Tây nói xàm rằng đã nhận triều đình mật chỉ, kinh lược đánh dẹp Giao Chỉ. Lại không đợi chiếu chỉ, tự tiện sai quan lại tại biên giới chiêu dụ Nùng Thiện Mỹ tại châu Ân Tình(1), cùng cưỡng đặt các doanh, trại tại Dung Châu [Dung Thủy Miêu Tộc Tự Trị Khu, Quảng Tây],Nghi Châu [Nghi Châu thị, Quảng Tây]; hư tấu dân man đã qui phụ. Rồi bắt xây tường đất, gây nên phản loạn; giết thổ đinh, quân lính, quan lại có đến hàng ngàn. Nay giặc Giao Chỉ xâm phạm, dân Liêu tại Nghi Châu gây biến trong nước; khiến cho sinh linh trong một đạo(2) bị hoành hành giết chóc; biết rằng gây ra loạn lạc tội do tại Khởi, không nghi ngờ gì nữa. Trẫm là cha mẹ của dân, thấy dân vô tội tại nơi xa xôi bị vướng vào tai họa, cảm thấy thương xót vô cùng. Thẩm Khởi tha cho tội chết, tước đoạt mọi chức tước, quản thúc tại châu xa xôi hiểm ác.”

 (詔安南招討司同石鑑、周沃體量沈起、劉彞妄生邊事,具實以聞。先是,手詔中書:「沈起昨在廣西,妄傳密受朝廷意旨,經略討交州;又不俟詔,擅委邊吏,招接恩、靖州儂善美;及於融、宜州溪峒強置營寨,虛奏言蠻眾同附。既興版築,果致叛擾,殺土丁、兵校、官吏以千數。今交賊犯順,宜獠內侵,使一道生靈橫遭屠戮,職其致寇,罪悉在起,了無疑者。朕為人父母,視此遠方無辜之民橫罹災害,深所哀悼。沈起可貸死,削奪在身官爵,送遠惡州軍編管。」)

Qua mật tâu từ các nguồn do thám triều đình nhà Tống biết rằng nước Đại Việt sắp tấn công lớn, bèn ra lệnh cho Tô Giam án binh cố thủ, không tham công điều binh ra ngoài biên giới:

Trường Biên quyển 251. Ngày Mậu Ngọ tháng 3 năm Hy Ninh thứ 7 [19/4/1074], chiếu gửi tay:

Căn cứ vào mấy lần ty Kinh lược Quảng Tây tâu rằng thám báo cho biết Giao Chỉ tụ binh, muốn xâm phạm đất tỉnh. Thâm lự rằng các quan tại biên giới không lượng được lực lượng phía ta và phía địch, khinh suất điều quân xa rời thành trại nghênh địch; cần chỉ huy gấp Tô Giam nếu như người man trực tiếp xâm phạm Ung châu, thì án binh cố thủ, không được tham công khinh địch.

(手詔:「累據廣西經略司奏,探報交趾聚兵欲犯省地。深慮邊臣不量彼已輕出兵,遠離城寨迎敵,宜速指揮蘇緘,如蠻人敢直來侵犯邕州,仰按兵固守,無得貪功輕敵。」)

Cho tăng cường việc phòng thủ nên việc tổ chức huấn luyện lực lượng bảo giáp vẫn duy trì như cũ, giữ quân số tối đa:

Trường Biên, quyển 254. Tống Thần Tông ngày Quí Tỵ tháng 6 năm Hy Ninh thứ 7 [23/7/1074],Tri Quế Châu Lưu Di tâu:

Theo qui chế cũ 5 quận dân đinh thổ [dân thiểu số]Nghi [Nghi Châu thị, Quảng Tây], Dung [Dung Thủy Miêu Tộc Tự Trị huyện], Quế [Quế Lâm], Ung [Nam Ninh], Khâm [Khâm Châu], lúc đến tuổi thành đinh đều ghi vào sổ. Những chỗ tiếp xúc với man [chỉ Đại Việt]sợ bị cướp phá, việc phòng ngự, tiếp ứng, tăng viện, không đợi lệnh có thể hành động. Nhưng qui chế mới đây cho chủ hộ loại đệ tứ trở lên, thì cứ 3 đinh lấy 1 người làm thổ đinh. Nếu 3 đinh lấy tên vào sổ 1 người, tức giảm số đinh so với trước còn 7/10; dư ra 3 phần làm bảo đinh; bảo đinh phần đông ở trong nội địa, lại phải đợi huấn luyện thêm việc võ bị, như vậy thiếu thổ đinh, sợ phòng bị nơi biên giới bị khuyết, xin y theo cựu chế tiện hơn.’

Lời tâu được chấp nhận.”)

(知桂州劉彞言:「舊制,宜、融、桂、邕、欽五郡土丁,成丁以上者皆籍之。既接蠻徼,自懼寇掠,守禦應援,不待驅策。而近制主戶自第四等以上,三丁取一,以為土丁。而傍塞多非四等以上者,若三丁籍一,則減舊丁十之七。餘三分以為保丁,保丁多處內地,又俟其益習武事,則當多蠲土丁之籍。恐邊備有闕,請如舊制便。」奏可。此據本志熙寧七年事,今附六月二十七日。)

Lúc này Lưu Kỷ Tri châu Quảng Nguyên [Cao Bằng] mang quân đánh Ung châu để yểm trợ cho đường di chuyển ngựa mua từ phía tây bắc, Nùng Trí Hội bèn sai con mang binh đánh chặn; Vua Thần Tông và Tể tướng Vương An Thạch đều chủ trương củng cố lòng tin, yểm trợ cho Trí Hội:

“Trường Biên, quyển 263. Tống Thần Tông ngày Ất Vị tháng 4 nhuần năm Hy Ninh thứ 8 [21/5/1075], Tri Quế Châu [Quế Lâm]Lưu Di tâu rằng: Lưu Kỷ tại châu Quảng Nguyên [bắc Cao Bằng]dùng 3.000 quân xâm lược Ung Châu, Nùng Trí Hội tại châu Qui Hóa [Ung Châu]sai người con Tiến An, đánh chặn lập công. Chiếu cấp Trí Hội bổng tiền, cho Tiến An chức Tây đầu cung phụng quan; còn ra lệnh ty kinh lược sai quan mộ đinh trong động, lập trại nơi gần thuận tiện để thanh viện; ngày cấp lương ăn; như gặp giặc bắt một tên hoặc chém một thủ cấp, được thưởng riêng 10 tấm quyên. Lưu Di từng tâu rằng:

Trí Hội có thể đoạn tuyệt đường mua ngựa của Giao Chỉ làm phên dậu cho Ung Châu; Lưu Kỷ lo lắng về việc cách tuyệt đường mua ngựa nên đánh.’

Lại tâu:

‘Trí Hội cũng không thể tin được; để cho hai bên đánh nhau, thắng hay bại đều có lợi cho triều đình.’

Thiên tử phán:

‘Lưu Di bảo Trí Hội có thể triệt đường mua ngựa của Giao Chỉ, làm phên dậu cho ta; nhưng lại bảo thắng, hay thua đều có lợi cho triều đình, tại sao vậy? Phàm người ta đã qui thuận, bị giặc đánh, có 2 đường thắng bại, kẻ theo ta không được giúp, kẻ phản ta thì đắc chí; có thể nói rằng thi thố trái phương lược.’

Vương An Thạch tâu:

Đúng như lời Thánh dụ, giả sử Trí Hội theo sự giáo hóa chưa thuần nhất, cần nhân lúc này giúp đỡ kết nạp, để nội phụ trở nên kiến định. Vả lại Càn Đức ấu nhược, nếu Lưu Kỷ phá được Trí Hội, thừa thắng đánh Giao Chỉ, tất gây mối họa cho Trung Quốc trong tương lai [giống như Nùng Trí Cao]; bởi vậy lúc này nên giúp Trí Hội, để khiên chế Lưu Kỷ, khiến không rảnh mưu Giao Chỉ, đó là điều lợi cho Trung Quốc.’

Thiên tử cho là đúng nên ban mệnh như vậy.”

(知桂州劉彞言,廣源州劉紀帥鄉兵三千侵略邕州,歸化州儂智會率其子進安逆戰有功。詔給智會俸錢,授進安西頭供奉官,仍令經略司選差使臣,募峒丁於近便處劄寨,以為聲援。日給口食,如遇賊,每生擒一人、獲一首級,依見行賞格外,更支絹十匹。初,彞奏曰:「智會能斷絕交趾買夷馬路,為邕州藩障,劉紀患其隔絕買馬路,故與之戰。」又曰:「智會亦不可保,使其兩相對,互有勝負,皆朝廷之利。」上曰:「彞既言智會能絕交趾買馬之路,為我藩障,而又以為勝負皆朝廷之利,何也?且人既歸順,為賊所攻,而兩任其勝敗,則附我者不為用,叛我者得志,可謂措置乖方矣。」王安石曰:「誠如聖諭,縱智會向化未純,尤宜因此結納,以堅其內附。且乾德幼弱,若劉紀既破智會,乘勝并交趾,必為中國之患,宜於此時助智會,以牽制劉紀,使不暇謀交趾,乃中國之利。」上以為然,故有是命)

Ngoài việc Vua Lý Nhân Tông chính thức phản kháng nhà Tống chiêu dụ Tù trưởng Nùng Thiện Mỹ tại châu Ân Tình, Tĩnh hải quân An Nam còn gửi thông điệp phản đối bọn Lưu Di ngăn cản buôn bán chung, cùng cấm đoán Sứ thần ta đến triều cống:

Trường Biên quyển 270, Tống Thần Tông ngày Giáp Thân tháng 11 năm Hy Ninh thứ 8 [3/1/1076], ty kinh lược Quảng Nam Tây Lộ tâu:

‘Tỉnh hải quân An Nam gửi thông điệp cho 2 châu Khâm, Liêm rằng mới gặp cản trở, không thể thông thương mua hàng rộng rãi, cũng không dám đưa người đến cống tại kinh đô.’

Chiếu Lưu Di không được cấm chỉ. Lúc này An Nam đã vào cướp phá, chiếu ban Lưu Di không được ngăn cấm buôn bán chung với An Nam.”

(廣南西路經略司言:「安南靜海軍牒欽、廉二州,新有艱阻,不與通和博買,及未敢發人上京貢奉【五】。」詔劉彞毋得止絕。時安南已入寇矣。詔劉彞毋得止絕安南和市,據神宗史交趾傳。實錄云:「是冬,安南入寇。」按此月二十日已陷欽州,後三日陷廉州,今改之。)

Lưu Di nhậm chức được hơn 1 năm, tình hình biên giới càng lắm mâu thuẫn, nên bị chỉ trích nặng nề; địa vị của y cũng sẽ sụp đổ như Thẩm Khởi trước đó:

Trường Biên, quyển 272. Tống Thần Tông ngày Bính Dần tháng Giêng năm Hy Ninh thứ 9  [6/2/1076]. Lúc Khởi chưa đi, thì Trung thư và Khu mật tâu:

‘Lưu Di cũng tiếp tục gây sự, xin bãi quân tại những nơi mà dân chiêu dụ chưa có thể sử dụng được, cùng tạo chiến thuyền, cấm người Giao Chỉ đến buôn bán, không cho Tô Giam gặp để bàn luận việc biên giới, không chịu nhận các văn bản thông tin [của Giao Chỉ], khiến nghi sợ sinh biến. E rằng sự việc gây ra không phải một mình Thẩm Khởi mà thôi.’

Do vậy sai ty Chiêu thảo tìm hỏi thêm sự thực. (Vào ngày 24 tháng 2 năm trước đưa cho Chu Ốc; ngày 4 tháng 2, Khởi và Di đều bị trách.)”

((未行,而中書、樞密院言:「劉彞亦相繼生事,請罷屯札兵,致所招之人未堪使;并造戰船,止絕交趾人賣買;不許與蘇緘相見商量邊事,及不為收接文字,令疑懼為變。事恐不獨起,而亦有可疑者。」乃並下招討司更訪其實焉。去年十二月二十四日付周沃等,二月四日起、彞俱責。)

Lúc này quân ta đã chuẩn bị sẵn tại biên giới, tập trung nhiều tại châu Quảng Nguyên; tin điệp báo tại Quảng Nam Tây Lộ [Quảng Tây] nhiều lần gửi về, triều đình nhà Tống không còn nghi ngờ gì nữa, bèn cho chuẩn bị phòng thủ, tưởng thưởng người lập công, ủy lạo chăn sóc nơi bị cướp phá:

Trường Biên, quyển 270. Tống Thần Tôngngày Kỷ Tỵ tháng 11 năm Hy Ninh thứ 8 [21/12/1075], ty kinh lược Quảng Tây tâu rằng gián điệp báo châu Quảng Nguyên Giao Chỉ tập trung lính địa phương mưu đồ vào cướp phá. Chiếu ban:

‘Người đánh giặc có công cấp tốc đưa tên lên; những gia đình bị cướp phá, ước lượng chăn sóc cứu tế.”

(廣西經略司言,諜報交趾、廣源州集鄉兵,欲圖入寇,又言古萬峒為蠻賊攻劫。詔:「與賊戰有功人速以名聞,被焚略之家量與存恤。」九月十五日寇古萬峒。)

Tại nước ta vào năm 1075, tuy trong nước chuẩn bị chiến tranh nhưng vẫn tỏ ra ung dung, lo việc văn học. Trước kia việc học do các tự viện Phật giáo phụ trách; nay triều đình đảm đang, tuyển Minh kinh bác học và thi Nho học tam trường; chọn Lê Văn Thịnh trúng Thủ khoa đầu tiên, đưa vào dạy Vua học:

Lý Nhân Tông ngày Ất Mão năm Thái Ninh thứ 4 [1075]. Mùa Xuân, tháng 2, xuống chiếu tuyển Minh kinh bác học và thi Nho học tam trường. Lê Văn Thịnh trúng tuyển, cho vào hầu vua học.” Toàn Thư, bản Kỷ, quyển 3.

Phía ta nắm vững hoạt động của địch, biết rõ sách lược của Vương An Thạch lăm le tấn công An Nam trước, để tạo khí thế làm bàn đạp vươn lên giải tỏa áp lực  phương Bắc:

Lý Nhân Tông ngày Ất Mão năm Thái Ninh thứ 4 [1075]. Vương An Thạch nhà Tống cầm quyền, tâu với vua Tống rằng nước ta bị Chiêm Thành đánh phá. Quân còn sót lại không đầy vạn người, có thể dùng kế chiếm lấy được. Vua Tống sai Thẩm Khởi, và Lưu di làm tri Quế Châu ngầm dấy binh người Man động(3), đóng thuyền bè, tập thủy chiến, cấm các châu huyện không được mua bán với nước ta. Vua biết tin, sai Lý Thường Kiệt, Tông Đản đem hơn 10 vạn binh đi đánh.”Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 3.

Về tin tức địch triều đình nắm được có giá trị rất cao, ngoại trừ các tin do thám tử gửi về, còn được phối kiểm chặt chẽ bởi nguồn tin từ nội tuyến. Kẻ nội tuyến thuộc thành phần bất mãn với nhà Tống, sinh quán tại Quảng Đông, bấy giờ thi hỏng tiến sĩ tên là Từ Bá Tường từng gửi thư cho vua ta trình bày mọi âm mưu của địch, trong đó có cả trận đồ chuẩn bị đánh An Nam. Nhưng sau đó Bá Tường thi đậu Tiến sĩ rồi phản bội; cũng là một cách để trừng trị y, triều đình ta công khai cho nhà Tống biết. Sự việc giặc sắp sửa đến nhà rõ ràng như ban ngày, triều đình giao cho Lý Thường Kiệt mang đại binh ra tay trước, đúng như lời binh thư cổ kim Đông Tây đều cho rằng “Cách phòng thủ hữu hiệu nhất là tấn công cho giỏi” [The best defense is a good offense]; hoặc “Tiên hạ thủ vi cường 先下手为强”:

Trường Biên quyển 272. Tống Thần Tông ngày Đinh Sửu tháng 3 năm Hy Ninh thứ 9 [27/4/1076]. Vào thời Hy Ninh [1068-1077]; triều đình sai Thẩm Khởi, Lưu Di kế tục làm Tri Quế châu nhắm mưu đồ đánh Giao Chỉ; bọn Khởi, Di cho đóng chiến thuyền, đoàn kết dân đinh trong động thành tổ chức bảo giáp, cấp cho trận đồ, sai y như vậy mà dạy chiến thuật, các động bị tao nhiễu. Người dân địa phương cầm trận đồ, bàn về chiến thuật tấn công, phòng ngự Giao Chỉ nhiều không biết bao nhiêu mà kể.

Bấy giờ Tiến sĩ đất Lãnh Nam Từ Bá Tường thi không đậu, bèn bí mật gửi thư cho Giao Chỉ rằng:

Đại vương đời trước gốc tích vốn là người Phúc Kiến(4), nghe rằng các Công, Khanh Giao Chỉ hiện nay phần lớn là người Phúc Kiến. Bá Tường tài cán không dưới người, nhưng không dùng tại Trung Quốc, nguyện được làm tay dưới phụ tá cho Quốc vương. Nay Trung Quốc muốn cử đại binh diệt Giao Chỉ; binh pháp cho rằng tiếng nói trước có thể đoạt lòng người; chi bằng hãy mang quân vào đánh trước, Bá Tường xin làm nội ứng.’

Do vậy, Giao Chỉ phát đại binh vào cướp phá; đánh chiếm 3 châu Ung, Khâm, Liêm; nhưng Bá Tường chưa có cơ hội theo. Nhân Thạch Giám quen thân với Bá Tường, tâu rằng Bá Tường lập được chiến công, cho giữ chức Thị cấm, làm Tuần kiểm các châu Khâm, Liêm, Bạch. Khi triều đình mệnh Tuyên huy sứ Quách Quì mang quân đánh Giao Chỉ, Giao Chỉ xin hàng nói rằng:

Tôi vốn không có ý vào đánh, người Trung Quốc hô hào tôi vào.’

Rồi đưa thư của Bá Tường cho Quì, Quì truyền hịch cho ty Chuyển vận Quảng Tây hạch hỏi. Nhân đó Bá Tường chạy trốn, rồi tự tử. Điều này do Tư mã Quang văn ghi, Vào ngày Tân Vị tháng 2 năm Nguyên Phong thứ nhất [11/4/1078], sự việc Bá Tường bị bại lộ.

(熙寧中,朝廷遣沈起、劉彞相繼知桂州以圖交趾。起、彞作戰船,團結峒丁以為保甲,給陣圖,使依此教戰,諸峒騷然。土人執交趾圖言攻取之策者,不可勝數。嶺南進士徐伯祥屢舉不中第,陰遺交趾書曰:「大王先世本閩人,聞今交趾公卿貴人多閩人也。伯祥才略不在人後,而不用於中國,願得佐大王下風。今中國欲大舉以滅交趾,兵法先聲有奪人之心【一二】,不若先舉兵入寇,伯祥請為內應。」於是,交趾大發兵入寇,陷欽、廉、邕三州。伯祥未得間往歸之。會石鑑與伯祥有親,奏稱伯祥有戰功,除侍禁,充欽、廉、白州巡檢【一三】。朝廷命宣徽使郭逵討交趾,交趾請降曰:「我本不入寇,中國人呼我耳。」因以伯祥書與逵,逵檄廣西轉運司按鞫。伯祥逃去,自經死。此據司馬記聞。元豐元年二月辛未,伯祥事敗。)

(còn nữa)

Chú thích:

1. Xem lời tâu của vua Lý Nhân Tông vào ngày Kỷ Vị tháng Giêng năm Hy Ninh thứ 8 [14/2/1075].

2. Một đạo: chỉ Quảng Nam tây Đạo.

3. Người man động: chỉ các dân tộc thiểu số Trung Quốc tại vùng biên giới phía nam.

4. Người Mân: tức Phúc Kiến; đây chỉ là lời đồn rằng nhà Lý nước ta tổ tiên gốc tại Phúc Kiến; điều này không có bằng chứng ghi trong sử.

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114505521

Hôm nay

2232

Hôm qua

2376

Tuần này

2608

Tháng này

212394

Tháng qua

121356

Tất cả

114505521