Những góc nhìn Văn hoá

Người dựng cơ đồ ngữ - Âm vị học ở xứ ta

Lớp Ngôn ngữ khóa 18 (Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Tổng hợp) chúng tôi được học những giờ Ngữ âm học dẫn luận từ Thầy vào mùa xuân năm 1973. Chao ôi, sao lại có ông thầy “chuẩn không cần chỉnh” đến thế! Người bước vào với mũ nồi, cặp da, complet xám, kính cận “đầy chữ”... Lũ sinh viên vừa ra khỏi thời đạn bom chúng tôi chỉ biết nín thở đứng chào, chờ Thầy cho phép ngồi.

Thầy bắt đầu: “Thưa các anh, các chị, cần phải nói ngay rằng...”. Cả lớp gần như “chết cứng” vì cách thức “xưng khiêm hô tôn” và lối giảng giải cực kì bác học của Thầy. Cứ như thế, cả quá trình truyền thụ kiến thức, từ chi tiết cụ thể như sự rung dây thanh cho đến những khái quát trừu tượng như sự “tổng hòa những nét khu biệt được thể hiện đồng thời”, Thầy đều “rót” vào tai học trò theo phong cách “không thể hàn lâm hơn”. Mãi đến sau này tôi mới ngộ ra rằng: Học môn này, thầy này, nếu không thả lỏng cơ thể và không tập trung cao độ thì chẳng hiểu gì; không học “chơi” được đâu! Và, mẫu hình ăn nói (có lẽ cả ăn mặc) của Thầy đã ngấm vào tôi từ lúc nào không biết. Cho đến tận bây giờ, một cách vô thức, tôi vẫn giảng dạy trên lớp và vẫn viết lách theo cách mà mình lĩnh hội được từ Thầy (nhưng chỉ là “hàng nhái” vụng về thôi). Tôi cố “cựa quậy” để “thoát” ra khỏi cái “khuôn Thầy” mà sao vẫn dùng các mẫu thức hàn lâm của Thầy như Xin nói thêm rằng, Trước hết cần thấy rằng, Tuyệt đại đa số, Xét trên bình diện âm vị học, Do chỗ... mà, Đáng lưu ý hơn cả... đến mức các sinh viên tinh nghịch thời nay thường “nhại” giọng tôi ở những chỗ cao trào đó.
Phần lớn các giáo sư khoa Ngữ Văn mà tôi được học đều có những cách trình bày bảng rất “phăng-te-di” (tiếng Pháp, fantaisie: khác thường, đặc biệt, thoáng đạt), chẳng giống gì thiên hạ. Thầy Nguyễn Tài Cẩn thì làm cái bảng nát bét bởi các mũi tên, các đường ngang dọc rồi lấy tay xóa, rồi dùng chính bàn tay ấy vuốt ngược tóc. Thầy Bùi Ngọc Trác thì vẽ lên bảng một bức tranh trừu tượng bởi các hình tròn không hề tròn chút nào. Thầy Hoàng Trọng Phiến thì hút hồn học trò bằng ngữ điệu văn chương, còn bảng chỉ toàn chữ Tây... Nhưng thầy Đoàn Thiện Thuật thì không vậy. Tên bài, tên tiểu mục, tên ta, tên Tây, mở ngoặc, đóng ngoặc, lùi dòng... tất cả đều quy phạm bằng nét chữ nghiêng vừa độ, mảnh vừa độ, đậm vừa độ. Nhìn bảng Thầy viết, học trò không phải nhọc công tóm tắt bài giảng nữa. Với tôi, có lẽ số phận phải gắn với ngữ âm học suốt đời hay sao mà sau nhiều lần chuyển nhà, nhiều lần chạy mưa bão, lụt lội mà hai cuốn vở ghi bài giảng của Thầy nay vẫn còn trên giá sách. Xem lại vở mới biết Thầy “sư phạm” đến mức nào. Nếu lười suy nghĩ, bây giờ tôi có thể đem chúng “copy” lên bảng các đề mục, rồi đọc nội dung cho sinh viên chép lại mà vẫn “chuẩn” như thường. Xét cho cùng, dù ngày nay ngữ âm đã tiến xa rất nhiều nhưng nếu không có cái nền móng ngữ âm học cổ điển vững chắc thì cũng chẳng thuyết phục được ai. Nhiều lần, sau chầu “ba say chưa chai”, tôi và mấy người bạn đã dành cho nhau một chút tự đắc rằng “Ề. Cái dân ngữ âm làm gì cũng tốt vì bọn mình đã ‘cụ tỉ’, đã ‘đam mê đến từng chi tiết’ ngay từ đầu rồi”.

Nói về sự chuẩn mực của Thầy thì trò nào cũng biết, ai cũng có thể kể ra vài chuyện có thật hay vài giai thoại. Riêng lớp chúng tôi thì có kỉ niệm về giờ tan lớp của thầy. Chúng tôi học trên tầng 4, phòng đầu hồi, nhà C3, Kí túc xá Mễ Trì. Cành cây xà cừ vươn tới cửa sổ lớp. Trưa hè oi ả, lũ ve trên cây thi nhau hòa tấu, trò thì đã mệt vì năng lượng từ nửa cái bánh mì sáng đã hết... Chỉ còn dăm ba phút nữa là hết giờ mà thầy vẫn giảng như bình thường. Khi thầy ngừng giảng cũng là lúc kẻng cơm lên tiếng. Sau này, khi đã là cán bộ giảng dạy, tôi “hãi” nhất mỗi khi gặp Thầy ở văn phòng khoa hay trên sân trường, nhiều nhiều lần tôi phải trốn. Mình thì tất tả việc này việc kia còn Thầy cứ thong thả không cho thời gian trôi, cứ thong thả nói những câu phức nhiều tầng bậc, những cấu trúc Không những thế, Cậu biết không... Gần gũi Thầy nhiều mới biết, chính cái thong thả của Thầy mới làm nên chuyện. Vội vàng làm sao được khi cần “thẩm” cho được một động tác tắc thanh hầu nhẹ để phân xuất một phụ âm đầu “vô hình” trong kiểu âm tiết như yêu, ai, ý. Đốt cháy giai đoạn làm sao được khi phải đọc một “núi” microfilm tư liệu đem từ Pháp về để tìm cho ra hành trình của những con chữ Quốc ngữ...

Sau đợt thực tập của năm thứ ba về ngôn ngữ trẻ em, khóa luận của tôi được thầy chủ nhiệm Bùi Thanh Quất cho điểm cao. Được đà, cuối khóa tôi tiếp tục đăng kí làm luận văn tốt nghiệp (bây giờ gọi là khóa luận) về đề tài này, cũng vẫn do thầy Bùi Thanh Quất hướng dẫn. Nhưng cuối cùng tôi lại được phân công làm trưởng nhóm một luận văn tập thể về ngữ âm, cụ thể là phương ngữ Bắc Trung Bộ, do thầy Đoàn Thiện Thuật hướng dẫn. Ra trường cuối năm 1977, tôi không hề có ý định ở lại Hà Nội chứ chưa nói chuyện ở lại Khoa Ngữ văn làm CBGD vì bảng điểm tôi có chỗ không “đẹp” như nhiều người (phải thi lại 2 môn), tính tình thì nhút nhát và không có thành tích đáng kể nào về mặt đoàn thể. Quan trọng hơn, tôi và người yêu (cùng lớp, người dân tộc thiểu số) quyết chí chạy trốn khỏi gia đình càng xa càng tốt. Chúng tôi cùng đăng kí 3 nguyện vọng là đi Sài Gòn, Tây Nguyên và Huế. Nhưng không hiểu sao các thầy lại giữ tôi lại và phân công tôi dạy Ngữ âm. Chắc là do định mệnh thôi, bởi tôi thích các phân môn khác hơn, nhất là Ngôn ngữ học Ứng dụng do thầy Nguyễn Đúc Dân khởi xướng. Lại chính là thầy Đoàn Thiện Thuật chịu trách nhiệm kèm cặp tôi. Sáu tháng sau khi nhận quyết định làm việc tôi đã phải đứng lớp. Lo lắng và căng thẳng vô cùng vì không như các môn khác, dạy Ngữ âm thành bại trước hết là “do cái mồm” (để phát âm) rồi mới đến cái tai (để phân tích âm), cái tay (để vẽ bộ vị cấu âm và nhiều hình khác). Ngày nay, công việc này đỡ nhọc nhằn hơn vì có sự trợ giúp của máy móc và sinh viên đều trẻ. Lớp mà tôi sắp dạy có người là bộ đội xuất ngũ, lớn tuổi hơn tôi nhiều, có người là đảng viên... nên tôi càng hoảng. Khả năng ngoại ngữ của tôi lại rất “khiêm tốn”. Làm sao để phát âm chính xác những âm mà cả đời chưa bao giờ gặp? Phương tiện tối thiểu là cái máy ghi âm để nghe lại mà phát âm cho đúng cũng không có. Cách duy nhất là theo lớp, học Thầy một lần nữa để về bắt chước. Rồi buổi đứng lớp đầu tiên cũng đã đến. Trước đó, tôi và vợ chưa cưới (lúc này đã là phóng viên báo Lao Động) đã dồn tiền thửa được một bộ complet xám (để cho giống Thầy), giá 300 đồng ở cửa hàng mậu dịch đầu phố Hàng Đào. Bài giảng ra mắt là bài Phụ âm, có Thầy ngồi dưới dự giờ. Đã lên sân thượng nhà C3 phát âm thử, vẽ thử, dạy thử cho chính mình nhiều lần nên tôi tự tin “sao y bản chính” Thầy không những cả giọng điệu mà còn cả cách viết, chỗ đứng (cạnh bục, chứ không sau bục để dễ “quay” bài). Nào ngờ khi “thuyết” đến tỉ lệ tiếng thanh của nhóm phụ âm hữu thanh thì tôi quên mất... rồi lúng túng, rồi “thuyết” sai (mà vẫn cố tỏ ra không vấn đề gì). Hết buổi, Thầy nhận xét:

- Tôi cũng rất lo lắng cho cậu, vì, cậu biết không, bên sư phạm người ta có giáo học pháp, có kiến tập, thực tập giảng dạy từ khi đang học nên việc lên lớp ngay không khó lắm. Đằng này, ở ta, cậu, cũng như tuyệt đại đa số người mới được giữ lại trường, không được chuẩn bị gì. Tuy nhiên, phải nói ngay rằng, cậu đã làm khá tốt. Có điều, cậu sao lại học thuộc vở ghi từ lời giảng của tôi. Phải biến báo đi chứ. Dở nhất là cậu không nhìn bài chuẩn bị. Giáo viên mới mà cố làm như thầy đã nhiều kinh nghiệm là không hay. Chỗ cậu quên ấy, sao không đỏ bừng mặt lên, thậm chí gãi đầu, nói điều gì đó ngộ nghĩnh, lui xuống nhìn vào bài chuẩn bị để, thậm chí để đọc chứ không nói. Làm thế mới tự nhiên, mới “duyên”, có khi còn tạo được ấn tượng cho các sinh viên nữ. Không sinh viên nào chê bai hay coi thường một anh giáo trẻ, đang tập sự bị nhầm, bị sai chút ít đâu!

Sau buổi đứng lớp không bao giờ quên ấy, tôi vẫn cắp vở đi học Thầy ở những khóa khác. Tôi đã có thể chủ động nghe chứ không cắm đầu ghi bài nữa và phát hiện thêm một điều nữa ở thầy là chuẩn mực nhưng không máy móc, thậm chí là rất sinh động. Thầy không “cù” sinh viên ngay từ đầu, cũng không “trữ tình ngoại đề” trong khi giảng bài mà thường kết hợp lí thuyết với những chuyện vui để sinh viên dễ hình dung. Có một chuyện tôi nhớ mãi là chuyện về phụ âm mũi. Hôm đó, thấy chúng tôi chưa hiểu tại sao gọi là phụ âm mũi, Thầy bảo:

- Lớp hôm qua, có một chị xin nghỉ học vì lí do bị ngạt mũi. Tôi hỏi lại: Chị bị làm sao? Cô ấy đáp: Thưa thầy, em bị ngạt mũi ạ. Tôi bảo: Chị nói dối, đúng không? Cô ấy ấp úng: Sao thầy biết ạ. Tôi nói cho cả lớp nghe: Bị ngạt mũi thì luồng không khí từ phổi lên không thể thoát ra đường mũi được, nếu chị phát âm “em bị cạt bũi” thì đã đánh lừa được tôi. Này nhé...

Nhiều ví dụ dí dỏm như thế của Thầy đã làm giờ học ngữ âm bớt đi nhiều căng thẳng vì “môn này quá trừu tượng” (cách nói của sinh viên, thực ra là “quá cụ thể”). Những lúc như thế, Thầy không hề “hàn lâm” chút nào.

Ngoài đời, thầy Đoàn Thiện Thuật càng không phải là “thánh ở trên cao” như khi ta thấy Thầy trên giảng đường hay trong các hội thảo khoa học. Có dịp tiếp xúc mới biết Thầy niềm nở, dễ gần và rất “đời thường”. Nghe các anh, các chị khóa trên kể lại là ở nơi sơ tán thời Mĩ ném bom, Thầy hòa đồng với nhân dân và sinh viên đến mức không ai biết Thầy là “công tử Hà thành”. Tôi thấy Thầy là người nói chuyện rất có duyên và luôn dành sự quan tâm đến người khác. Thầy hơi “dài dòng văn tự” nhưng quyết không phải là người “độc chiếm diễn đàn” để nói về mình hay chỉ nói về chuyên môn. Khi chuyện trò, dáng vẻ “giáo sư Pháp” của Thầy biến đâu mất, thay vào đó là chất giọng ân cần cùng những câu chuyện thân tình, khích lệ người nghe. Vợ chồng tôi còn có kỉ niệm không bao giờ quên về một khả năng rất ít người biết của Thầy: làm M.C đám cưới. Số là, chuyện yêu đương của chúng tôi bị gia đình ngăn cấm. Thầy Nguyễn Lai, Chủ nhiệm Khoa lúc ấy trở thành “bà mai” (từ thầy Lai dùng) đi hỏi vợ cho tôi ở “nhà gái” báo Lao Động. Ngày cưới, không có mặt phụ mẫu hai bên nên chúng tôi rất lo lắng. Thế nhưng, thấu hiểu nỗi lòng đôi trẻ, Thầy, với tư cách là chủ hôn kiêm MC đã “đánh lạc hướng sự chú ý” của mọi người bằng lối dẫn “xã hội hóa” đám cưới bằng thơ, bằng văn, bằng những câu chuyện tình, chuyện nghề... Hiếm ai làm chủ hôn vui, duyên và sang được như Thầy.

*
Mỗi khi phiếm luận với đồng nghiệp, tôi thường tếu táo về Thầy: “Cái này cụ Đường Tăng không đồng ý đâu/ Cụ Đường Tăng bảo thế này cơ...” Thực lòng, tôi dùng “kính ngữ” Đường Tăng là có ý riêng.

Ở Việt Nam, trong ngành Ngữ âm học hiện đại, trước và đồng thời với Thầy còn có một số chuyên gia rất nổi tiếng. Nhưng, theo sự quan sát của tôi, phải đến Thầy thì ngành này mới thực sự đi vào đời sống khoa học nói riêng và cuộc sống nói chung. Ngành này có xuất xứ tận bên Tây, bên Tàu. Còn ở bên ta, có lẽ phải đến cuốn Khái luận Ngôn ngữ học (Tổ Ngôn ngữ, Trường  Đại học Tổng hợp Hà Nội, 1961) và Giáo trình về Việt ngữ (Lê Cận, Cù Đình Tú, Hoàng Tuệ, 1962) nó mới được chính thức trình bày như một phân môn có đối tượng và phương pháp nghiên cứu riêng. Tuy nhiên, những tài liệu này mới chỉ là bức tranh đơn sơ để người xem có thể mường tượng ra ít nhiều chân dung của đối tượng được miêu tả trong đó. Sau đấy, đến Giáo trình tiếng Việt hiện đại, Mở đầu - Ngữ âm học (Cù Đình Tú, Hoàng Văn Thung, Nguyễn Nguyên Trứ, 1972) hay Những đặc tính của âm vị học Việt ngữ (Vương Hữu Lễ, 1974) thì ngọn nguồn, chi tiết của ngữ âm học vẫn chưa được hiển thị một cách rõ ràng. Nếu chưa được tiếp thu ngữ âm học bằng ngoại ngữ tôi dám chắc người đọc, nhất là người học những công trình vừa nêu sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Khi phải giảng trên lớp 15 tiết về Ngữ âm dẫn luận, 45 tiết về Ngữ âm tiếng Việt vào cái thời thiếu ngoại ngữ, đói thông tin, tôi mới thật sự run sợ và mới cảm nhận hết được những ân huệ mà Thầy đã “cấp” cho mình, qua các bài giảng rất mực cặn kẽ. Phải đến lúc cuốn Ngữ âm tiếng Việt (1977) của Thầy ra đời mới có thể nói một cách hình tượng rằng: trọn bộ “Lưỡng vực ngữ âm kinh” đã được “Đại hòa thượng Đường Tăng” Đoàn Thiện Thuật đem về Việt Quốc. Điều quan trọng hơn là Thầy đã áp dụng nó thành công vào Việt ngữ. Từ đây hệ thống các khái niệm và thuật ngữ ngữ âm học, từ cái rất cụ thể của nguồn Âu châu như phoóc-măng nguyên âm đến cái rất khái quát của nguồn Trung Hoa như thanh mẫu, vận mẫu mới được tường minh và đi vào Việt ngữ học nói riêng và tiếng Việt nói chung. Dạo này, xem tivi, thấy vài chương trình như Ai là triệu phú, Đấu trường 100, Đuổi hình bắt chữ... có dạng câu hỏi “chữ nào dùng để ghi âm nào”, tôi thầm nghĩ “ngữ âm kinh” của Thầy mình đã lan tỏa khắp chốn rồi. Ấy là tôi muốn dùng một lối viết mang tính khẩu ngữ để nói lên cảm nhận có thực của mình về công trình của Thầy, cho vui, chứ để biết đầy đủ những giá trị to lớn, trong đó có giá trị kinh điển của cuốn Ngữ âm tiếng Việt, phải đọc bài của GS Nguyễn Văn Lợi (2012, nhân dịp Công trình được Giải thưởng Nhà nước)*.

Còn một quyển “kinh” khác, cũng do Thầy trải qua nhiều “khổ nạn” mới “thỉnh” được về từ Tây phương: Chuyên đề Các phương pháp âm vị học. Thế ki XX ở ta, ngữ âm học, ít nhiều còn tìm thấy đây đó nhưng âm vị học, theo sự hiểu biết hạn hẹp của tôi, thì cũng phải đến Thầy, qua chuyên đề giảng cho sinh viên chuyên ngôn ngữ học năm thứ tư này, mới được truyền bá một cách căn cơ. Những Nét khu biệt, Tiêu chí khu biệt, Thế phân bố bổ túc, Giải thuyết âm vị học, Thỏa đáng âm vị học, Âm vị zéro... đã giúp Thầy xây dựng nên một hệ thống âm vị tiếngViệt “đẹp nhất quả đất” (xin hiểu, tôi không nói ngoa) và giúp lớp lớp học trò nắm được môn khoa học âm vị, đem ra đời để ứng dụng vào các lĩnh vực khác nhau. Bây giờ, nhìn trước ngó sau, ở các trường đại học, tôi chưa thấy ai đảm trách cái môn học vô cùng quan yếu này (có khi người ta nhẫn tâm bỏ nó đi rồi cũng nên, hay cho nó thành môn tự chọn?) mà Thầy thì tuổi cao sức yểu rồi. Tiếc lắm thay!
Âm vị học, thoạt kì thuỷ, coi ngữ âm là “thế giới tuyến tính”, là phân lập, là đoạn tính. Các nhà âm vị học truyền thống hay bị “phê” ở điểm này. Giờ đây âm vị học đã có những bước tiến mới với cách nhìn phi tuyến tính nhưng, “Ơ kìa, từ nửa thế kỉ trước thầy Thuật đã bảo còn có âm vị siêu đoạn tính rồi mà!”. Khi được phân công dạy môn ngữ pháp (cho sinh viên không chuyên ngôn ngữ học), tôi lại được thừa hưởng một thành tựu rất “phi tuyến” nơi Thầy. Đó là việc dùng trọng âm để giới định từ đa tiết tiếng Việt**. Trọng âm, một thứ đích thị là “của Tây” đã được Thầy hóa giải ngoạn mục bằng những sự kiện Việt ngữ từ rất sớm, từ thời trường đại học còn lấy việc tránh bom Mĩ làm nhiệm vụ hàng đầu. Ở điểm này thì Chữ Quốc ngữ, một điển hình của âm vị học phân lập cổ điển, đã “bó tay chấm com” (làm sao mà ghi được sự khác nhau tinh tế giữa hai tiếng như kiểu chuồn chuồn chứ!). Còn nhớ, hồi tôi thi đầu ra nghiên cứu sinh, môn Mác – Lê, tôi gắp phải câu hỏi về tác động qua lại của các sự vật, hiện tượng. Chủ khảo lại chính là thầy chủ nhiệm khi xưa, thầy Bùi Thanh Quất, lúc này đã là một nhà triết học có tiếng. Tôi không thuộc bài nhưng may sao âm vị học của thầy Đoàn Thiện Thuật đã cứu tôi. Sự thể là, đến chỗ phải “liên hệ thực tế”, tôi đã trình bày về tác động ngược xuôi của một “sự vật” là Âm đệm của tiếng Việt. Kinh điển về cương vị âm vị học của âm đệm tiếp thu được từ thầy Thuật thì tôi đã “làu làu” rồi nên cứ bổn cũ mà “diễn”. Trả lời xong, tôi được các thầy cho điểm cao.
Nói về phần “đời” của “Cụ Đường Tăng”, có lẽ phải bắt đầu bằng chuyện “tốt đạo đẹp đời”. Chuyện là, từ lúc nước ta vào cuộc đổi mới, tôi cũng kiếm được một nghề tay trái là nghề “gõ đầu Tây”. Thành thực mà nói, tôi không rành về việc dạy tiếng Việt cho người nước ngoài lắm. Bao nhiêu là lúng túng. Trước hết là việc chọn giáo trình. Trong “rừng” sách dạy tiếng Việt, bộ nào “gõ đầu Tây” được dài dài đây? Té ra Thầy mình, đã “đi trước nhiều bước” trong lĩnh vực ứng dụng này. Một lần nữa, tôi lại chọn “kinh” của Thầy để tác nghiệp. Các giáo trình thực hành tiếng Việt do Thầy biên soạn, có sự cộng tác với giáo sư Hàn Quốc hay với nhóm học trò xinh đẹp, giỏi giang của thầy, bị tôi vi phạm bản quyền liên tục (dạy theo, photo, sang băng). Tôi đã nói sự láu cá này với Thầy nhưng Thầy chỉ cười. Cho đến tận bây giờ, tuần vài lần, tôi vẫn ung dung đến chỗ này chỗ kia “tụng” sách của thầy cho trò ngoại. Nhàn hạ, được trọng vọng mà lại có thu nhập để nuôi gia đình và nuôi “chính nghệ”. Âu cũng là cái lộc Thầy ban cho.
Với tôi, có nhiều nhiều chuyện về tấm lòng Đường Tăng của Thầy lắm. Xin được kể hai trong số đó. Thứ nhất, ngày bao cấp, những thứ thiết yếu cho đời sống con người cực kì hiếm hoi. Vợ chồng “chân đất mắt toét” chúng tôi một nách hai con, gặp bao nhiêu là khó khăn. Nhà Thầy ở Hai Bà Trưng, rất gần nơi chúng tôi sống là khu tập thể 14 Trần Bình Trọng. Có thời gian là Thầy đi bộ đến nhà tôi chuyện trò, hỏi han và đem cho các cháu nào kẹo, nào bánh, đến cả những đôi tất, manh áo, cái mũ... của Đoàn Thiện Tín, con trai thầy, “nhớn rồi, mặc không vừa nữa”. Mỗi khi Thầy đến, chúng tôi thấy ấm áp vô cùng. Các cháu giờ đây đã trưởng thành nhưng vẫn gọi Thầy là “ông giáo sư” như thuở nào. Thứ hai, vào cái năm tôi đi Campuchia dạy học (1988). Nghe nói đi bên ấy có thể kết hợp “làm ăn” để “cứu nhà” được, tôi liều hỏi vay Thầy ít vốn. Thầy đã không ngần ngại đưa vàng ra giúp. Nhờ vía Thầy, tôi cũng đã kiếm được kha khá.
Mãi tới khi Khoa Ngữ Văn phát triển thành hai khoa thì Thầy và tôi mới xa nhau về mặt hành chính. Nếu tính về độ “ba cùng” với Thầy (cùng khoa, cùng tổ bộ môn - kể cả khi tổ ngôn ngữ tách làm ba, cùng nhóm ngữ âm) thì hiếm ai có “thành tích” thời gian như tôi: một phần ba thế kỉ (nhưng “thành tích” thăng tiến thì ngược lại: cao nhất là làm Phó bộ môn cho Thầy). Trong hơn 30 năm ấy có biết bao lần họp hành, bình bầu, phê và tự phê này nọ nhưng tôi chưa thấy Thầy nóng nảy một lần nào, dù chỉ là nóng ở mức cần “chém không khí”. Bao giờ cũng vậy, gặp khi cần phải “cọ xát”, Thầy điềm tĩnh phân tích vụ việc bằng phương pháp của một nhà khoa học và cư xử khoan dung như... Đường Tăng. Ngay như tôi, kẻ làm Thầy bực mình nhiều lần mà bực nhất là 2 lần làm luận án bất thành nhưng Thầy không những không mắng mỏ tôi rằng lười, bướng, phụ lòng Thầy (đúng quá đi rồi!) mà còn “dỗ ngọt” để tôi cố thêm.

__________________________

http://ussh.vnu.edu.vn/ngu-am-tieng-viet-cua-gs-doan-thien-thuat/5393

** Đóng góp vào việc giới định từ đa tiết bằng tiêu chí trọng âm trong tiếng Việt, Thông báo khoa học Đại học Tổng hợp Hà Nội, Văn học – Ngôn ngữ học, Tập 2, 1966.

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114559241

Hôm nay

2258

Hôm qua

2301

Tuần này

2559

Tháng này

226784

Tháng qua

122920

Tất cả

114559241