Những góc nhìn Văn hoá
Căn nhà đẹp nhất thế giới

Lần đầu tôi tới thăm Nhà sàn của Chủ tịch Hồ Chí Minh là vào tháng 12, 2006.
Nhà sàn Bác Hồ trong Phủ Chủ tịch
Đó cũng là lần đầu tôi trở lại Hà Nội, cũng là nơi tôi sinh ra một năm sau Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, và hai ngày trước ngày sinh lần thứ 65 của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Dưới đây là ấn tượng của tôi về lần đầu ấy, tới thăm nhà Bác Hồ, được thể hiện trong bài báo ra năm 2009 của tôi, 10 nguyên tắc của Hội nghị Bangdung. Cũng là ấn tượng được tái khẳng định bằng những lần thăm tiếp sau:
Tôi nghĩ đây là căn nhà đẹp nhất thế giới. Đó là một căn nhà sàn bằng gỗ khiêm nhường lấy mẫu từ các nhà sàn miền núi mà Hồ Chí Minh từng sống ở đó trong những năm kháng chiến chống Pháp (1946 - 1954). Nó rất đơn giản, thanh nhã mà thực dụng, và tiết kiệm điện năng - vật phẩm “xa xỉ” duy nhất là một máy sưởi nhỏ chạy điện dành cho những ngày đông giá buốt của Hà Nội. Việc xây cất ngôi nhà chỉ mất không đầy một tháng. Bác Hồ đã ra một chỉ thị đặc biệt, là không được dùng các loại gỗ quý. Căn nhà nhìn ra một ao rộng, thả cá, thỉnh thoảng được dùng để nấu một số món ăn cho Bác Hồ và khách của Người. Căn nhà sàn nằm trong khuôn viên của những vườn cây đẹp, gồm những cây dừa, cây ăn quả khác, nhiều loại hoa, và một quần thể lớn các thực vật trong nước và nhập khẩu. Từ căn nhà này, mặc bộ nâu sồng của người nông dân Việt, Hồ Chí Minh chỉ đạo cuộc kháng chiến chống Mỹ và đồng minh của nước này.
Tôi sống ở Hà Nội từ tháng 3 năm 2011 và quan sát sự biến đổi nhanh chóng của thành phố.
Trước đó vài năm, tôi nói với một người bạn, là một người Hà Nội gốc, thuộc thế hệ kiên cường kháng chiến, rằng nếu ông Thần từ trong cái chai hiện ra vào nói; “George, tôi sẽ đưa anh đến bất kỳ nơi nào, tại bất kỳ thời khắc nào trong lịch sử của nơi đó”, tôi sẽ trả lời: “Hãy đưa tôi về Hà Nội trước khi những chiếc xe máy xuất hiện và tàu điện vẫn còn hoạt động”.
Đó là một Hà Nội mà tôi biết chỉ qua các ảnh đen trắng mà cha tôi, nhà báo Australia - Wilfred Burchett từng chụp, khi bom Mỹ rơi trên đầu người dân Thủ đô Việt Nam dân chủ cộng hòa. Các bức ảnh ấy cho thấy những tàn phá, nhưng cũng thể hiện sự bền bỉ, phẩm giá, và niềm tin trầm tĩnh vào chiến thắng. Vẫn toát lên một vẻ đẹp thanh bình.
Trong giai đoạn cách ly xã hội do dịch COVID-19, tôi đọc lại cuốn sách của cha tôi, Bắc Việt Nam. Cuốn sách giải thích Bắc Việt Nam đã đối đầu với các điều kiện thời chiến ra sao: việc sơ tán cho toàn bộ nền công nghiệp, cho các cơ sở y tế, các trường đại học, các cơ quan Bộ; có thể nói toàn bộ hạ tầng cơ sở của đất nước chuyển sang nếp sống quân sự hóa. Toàn dân được đoàn kết trong một sứ mệnh thiêng liêng là bảo vệ tổ quốc và nối lại non sông liền một giải. Mong ước của Chủ tịch Hồ Chí Minh về Tự do (Liberty) và Độc lập đã đạt được vào ngày 30 tháng Tư năm 1975, sau hơn 20 năm chiến thắng Điện Biên Phủ.
Hôm nay Việt Nam, cũng như phần còn lại của thế giới, đấu tranh chống một kẻ thù mới, một virus mới, đang gây ra những tàn phá khắp nơi trên hành tinh của chúng ta. Ở Hà Nội giữa kỳ cách ly xã hội, tôi không thể không liên tưởng tới thời chiến tranh, khi cha tôi tường thuật từ các cánh rừng miền Nam, giữa các “Việt cộng”, và tường thuật từ một Hà Nội dưới bom rơi, luôn luôn đứng về “phía Hồ Chí Minh”. Đây là những tường thuật dũng cảm mà tôi lớn lên cùng chúng, và chúng bao trùm nhận thức của tôi. Và tôi thông báo: “Tôi sinh ra thuộc phía Hồ Chí Minh và tôi hiện vẫn còn ở phía Hồ Chí Minh”. Rồi tôi thêm một cách tự hào: “Tôi nguyện mãi mãi ở phía Hồ Chí Minh”.
Tôi vì thế cũng rất tự hào về cách mà Việt Nam đã thành công đầy hiệu quả trong đối mặt với dịch COVID - 19. Thành công này cũng được cộng đồng quốc tế ghi nhận.
Nhưng cộng đồng quốc tế có thể chưa biết Hà Nội trong cách ly xã hội đẹp và bình yên đến mức nào. Sự bình yên và trầm lặng cũng hợp với Hà Nội. Thay vào tiếng ồn ngạo ngược từ những chiếc xe máy, tiếng ồn tư các công trình xây dựng, các tạp âm khác và các dạng ô nhiễm khác, tôi có thể nghe chim hót, giọng hót của chúng hòa điệu với nhau. Chuyện trò với các bạn Việt Nam khi gặp lại sau cách ly xã hội, chúng tôi đồng thuận với nhau là: mong coronavirus rời bỏ chúng ta, nhưng bình yên và trầm lặng sẽ ở lại.
Nguyện ước trên đưa tôi trở về với căn nhà sàn Bác Hồ. Chắc sẽ là một ý tưởng tốt để xem nó như khuôn mẫu cho một thế giới hậu Corona, một thế giới bình dị, ổn định, trang nhã, và một tương lai thân thiện về môi trường. Tại sao cứ phải theo đuổi các Vua Pháp và Hoàng đế La Mã, và các hình tượng, dấu hiệu quyền lực của hoàng gia, đế quốc, và sự xa hoa, khi kiến thiết đất nước. Tại sao không theo mô hình nhà sàn miền núi của Bác Hồ?
Tôi tin rằng bây giờ đang là một thời khắc tốt để ngẫm nghĩ về các chủ điểm trên. Căn nhà sàn Bác Hồ và Mẹ thiên nhiên đang tìm cách nói với chúng ta điều gì. Chúng ta cần chú ý nghe.
Tôi muốn dẫn ở đây bài thơ từ tập Nhật ký trong tù của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
TRỜI HỬNG
Sự vật vần xoay đà định sẵn,
Hết mưa là nắng hửng lên thôi;
Đất trời một thoáng thu màn ướt,
Sông núi muôn trùng trải gấm phơi;
Trời ấm, hoa cười chào gió nhẹ,
Cây cao, chim hót rộn cành tươi;
Người cùng vạn vật đều phơi phới,
Hết khổ là vui vốn lẽ đời.
___________________________________
*Con trai của nhà báo Australia - Wilfred Burchett,là phóng viên phương Tây hiếm hoi từng sống cùng với bộ đội Việt Nam tại chiến khu Việt Bắc và chiến trường miền Nam trong hai cuộc chiến tranh của người Việt Nam chống lại quân đội Pháp và Mỹ.
tin tức liên quan
Videos
Khuynh hướng cách tân trong thơ Việt Nam sau 1975
Bàn về “Học thật, thi thật, nhân tài thật” ( Kỳ 2)
Phân tầng xã hội và di dộng xã hội ở Việt Nam hiện nay [kỳ cuối]
Những âm thanh vang vọng núi rừng Tương Dương
Hội nghị Sơ kết cụm thi đua 6 tỉnh Bắc Trung Bộ năm 2023
Thống kê truy cập
114559239

2256

2301

2557

226782

122920

114559239