Những góc nhìn Văn hoá
Tinh thần đối thoại văn hóa qua một số công trình nghiên cứu Việt Nam của Phan Ngọc

GS Phan Ngọc
Những nghiên cứu của Phan Ngọc xoay quanh các vấn đề về cách tiếp cận văn hóa Việt Nam từ chiếc cầu ngôn ngữ, văn học. “Tiếp cận” là nguyên tắc và thành tựu khoa học của ông trên hành trình xác lập một uy tín lớn. Qua từ khóa“tiếp cận”, ông đã cho thấy một tinh thần đối thoại văn hóađộc đáo, cá tính, gây tranh cãi và truyền cảm hứng. Bài viết này góp phần tìm hiểu phong cách thông diễn và phân tích của ông, đồng thời khẳng định chân dung tinh thần của nhà nghiên cứu đương đại Phan Ngọc. Cốt lõi của tinh thần ấy là đối thoại trên mọi phương diện: cách đọc, cách tiếp cận, cách giải thích lại, cách đặt vấn đề “trung thực”, cách trộn lẫn cá tính nghệ sĩ và phẩm chất nghiêm cẩn của người làm khoa học. Giá trị các công trình nghiên cứu về Việt Nam của Phan Ngọc tập trung ở tính khai phóng, tính hàn lâm và tính kết nối.
Phan Ngọc đặt trọng tâm ở “cách”: “phương cách”, “cách thức”, “cách tiếp cận”, “cách thức nhận”, “cách xem xét”, “thử xét”… trong hầu hết các vấn đề nghiên cứu nói chung mà ông quan tâm. Sự thiết yếu của phương pháp (cách thức) đặt trọng tâm ở chỗ: nó cần đến sự phân tích một cách sống còn, hướng đến sự thuyết phục có được nhờ phân tích, bởi sự phân tích ấy mà phản chiếu của cái lõi tư tưởng xuyên suốt bên trong. Trong trường hợp này, những kết luận khoa học có khả năng trở nên “sang trọng” hơn (ở cả tư tưởng và con đường tiếp cận) nhờ được đào luyện trong nỗ lực thực sự của trí tuệ. Một phương pháp thiếu tư tưởng là phương pháp khó có sức sống. Một tư tưởng thiếu phương pháp thì nó khó hiển lộ. Phương pháp của Phan Ngọc là hồi âm của tư tưởng trước những thách thức giải mã cơ chế khái niệm.
Tuy nhiên, “sang trọng” không đồng nghĩa với sự bền vững không thể xô lệch của một học thuyết. Trong khi “lập thuyết”, Phan Ngọc (luôn cố ý) để lại dư vang của những tranh cãi thông qua những luận điểm thậm chí có tính “nội tâm”, “cực đoan” của nhà nghiên cứu. Nhưng điều ấy cần cho môi trường học thuật, cần cho những chuyến đi xa của tinh thần, nơi không có dấu hiệu dừng lại của nhận thức trước những khái niệm cũ kĩ.
1. Cái lý của mọi sự “cắt nghĩa lại”
Phải chăng tồn tại một nhu cầu “nhận thức lại” thực sự lớn trong mỗi cách đặt vấn đề của Phan Ngọc? Nhu cầu đó bắt nguồn từ sự không hài lòng với những “mệnh đề” có nguy cơ trở thành “tiên đề”, những “tập quán” nghiên cứu được gói bọc gọn gàng dưới hình thức “tụng ca chính trực”, những phát ngôn định hướng có thể vô hiệu hóakhả năng nghĩ suy vốn có của con người.
Có sự khác biệt giữa lý do tự thân với lý do được tải ra bởi ngôn từ và thời cuộc.
“Cắt nghĩa lại” một điều gì đó không phải vì được phép hoặc lệ thuộc sự kêu gọi của chuỗi ngôn từ, mà vì mục đích sáng tỏ thôi thúc bên trong: vấn đề này có thể sáng tỏ hơn thế, có thể dẫn tới những nhận thức tươi mới hơn, thúc đẩy tư tưởng đi xa hơn, thoả mãn sự tìm tòi của trí óc hơn. Đó là lý do tự thân.
Bởi lý do tự thân mà mỗi công trình khoa học của Phan Ngọc sở hữu cả màu sắc những tìm tòi chất đầy đam mê như một nghệ sĩ đi tìm hình bóng mình và soi mình qua tài nghệ của chính mình. Bởi lý do tự thân mà mỗi ý tưởng ông viết ra đều dễ “gây sự” với người đọc, đặt lại những nghĩ suy, làm nóng lại những hoài nghi bị quên lãng, thôi thúc một sự đồng hành lặng lẽ của những tâm trí không yên ổn với giáo điều.
Phan Ngọc sở hữu một nguồn chảy phong phú các “lý do tự thân” cho mỗi cung đường mà ông “cắt nghĩa lại”.
Ví dụ, cùng viết về Nguyễn Trãi, ông có bài “Nguyễn Trãi -người đặt nền móng cho một nền văn hóadân tộc” [3; 140], và một bài khác “Cách tiếp cận Nguyễn Trãi trên cơ sở hệ thống ứng xử vật chất của Việt Nam” [5; 45]. Ở đây có sự “cắt nghĩa lại” bằng cách huy động các yếu tố văn hóađể làm rõ nét một Nguyễn Trãi với hình hài tinh thần vĩ đại khác biệt. Người ta biết rằng, nếu kết quả nghiên cứu chỉ để chứng minh một điều đã đúng (tức đã có kết quả trước) thì mục tiêu nghiên cứu gần như không đạt. Phương pháp phân tích tạo bộ công cụ ở Phan Ngọc rất đặc trưng nhằm loại trừ việc phải chứng minh một cái gì đó đã đúng. Cách đặt các con số trong bài viết của ông rất gần với các luận điểm của một…bài thơ. Đó là sự “khoan thư” chính nội lực của mình để vượt qua thử thách của chữ, nghĩa, khái niệm. Hệ thống các con số của Phan Ngọc chỉ là “cọc tiêu” để cùng suy nghĩ, có khi không có tiêu đề. Ví dụ:
Bài nghiên cứu 1 |
Bài nghiên cứu 2 |
Nguyễn Trãi -người đặt nền móng cho một nền văn hóadân tộc”[vhvn 140] |
Cách tiếp cận Nguyễn Trãi trên cơ sở hệ thống ứng xử vật chất của Việt Nam” [cách tiếp cận 45] |
1. Nguyễn Trãi như người mở đầu nền văn hóamới |
1. Công thức hóahoàn mỹ nhất về nhà nước dân tộc qua Bình Ngô đại cáo |
2. Nguyễn Trãi là người đầu tiên nhận thức tầm quan trọng của văn hóatrong sự nghiệp dựng và giữ nước |
2. Hệ quả của cơ sở vật chất dẫn đến sự hình thành quan niệm thống nhất dân tộc như một quy luật tất yếu |
3. Ứng xử văn hóacủa Nguyễn Trãi có cơ sở vật chất |
3. Khái niệm Làng xã và nước là của dân |
4. Sách lược tâm công của Nguyễn Trãi và nguyên lý “không bao giờ nói đến chuyện triệt hạ một thành, một làng” của người Việt |
4. Khái niệm Nho giáo mà Nguyễn Trãi sử dụng là những từ đồng âm với Nho giáo Trung Hoa: Hiếu, Trung, Ẩn, Dân được giải thích lại |
5. Sách lược ngoại giao “một nước có văn hóanói chuyện với một nước có văn hoá” |
5. Khúc xạ tư tưởng Nho giáo qua Nguyễn Trãi là một nguyên tắc cần nắm vững |
6. Một bản đồ về non sông Đại Việt |
|
7. Quan niệm lỗi lạc về việc dùng lịch sử để giáo dục chính trị |
|
8. Chí làm thánh nhân của Nguyễn Trãi và đóng vai trò sáng tạo văn hóacho đất nước |
|
9. Quốc âm thi tập và tâm hồn con người lỗi lạc phản ánh ứng xử vật chất và trạng thái tinh thần người Việt |
|
10. Nền văn hóanhân nghĩa sáng rực của Nguyễn Trãi là đóng góp của văn hóaViệt Nam vào tư tưởng thế giới |
|
Ở hai bài viết, cùng về một nhân vật lịch sử, cùng cách tiếp cận liên quan đến ứng xử vật chất, nhưng một bài thì ông đưa ra 10 luận điểm gắn bó mang tính nền tảng; bài còn lại, ông lại thiết lập một hướng phân tích với bộ công cụ chỉ có 5 luận điểm, nhưng mỗi luận điểm lại bao gồm 4 hoặc 5 luận chứng khác biệt nữa. Cái nhu cầu thôi thúc bên trong của mỗi cuộc tìm kiếm này thực chất là khát khao chân lý ở nhiều góc nhìn. Bởi thế mà câu chuyện “ứng xử vật chất” liên tục được lật lại với các “thao tác luận” có phần giống và khác nhau. Với một nhân vật, ông đẻ ra nhiều tầng bậc câu hỏi, khai thác hệ thống tư liệu và luận cứ khác nhau, gồm nhiều ngành khoa học khác nhau. Đối tượng nghiên cứu hiện ra luôn trong tình trạng…chưa hoàn tất, còn kêu gọi, vẫn như mới. Phương pháp của Phan Ngọc thực chất là “thuật” nhưng vượt qua các yếu tố tường thuật, kỹ thuật, chiến thuật mà trở thành một phong cách dẫn dắt suy nghĩ không trùng lặp bất kì ai, có thể tạo ra một không gian suy tưởng rộng rãi cho người yêu mến triết học và tận tâm với văn hóa dân tộc.“Tôi không có tham vọng giải đáp cái gì hết, tôi chỉ cố gắng nêu vấn đề cho trung thực, nghiêm chỉnh, thử đưa ra một cách giải đáp, mà không hề cho cách giải đáp của mình là tiếng nói duy nhất đúng” [5; 8].
Mâu thuẫn rất đáng chú ý trong phong cách nghiên cứu của Phan Ngọc: rất độc lập, khác biệt, nhưng không tuyên bố thủ đắc chân lý duy nhất. Mâu thuẫn đó là phẩm chất của một nhà khoa học biết đối thoại.
2. Những lối đi “tự do” trong khoa học nhân văn
Văn chương nghiên cứu của Phan Ngọc có khả năng tạo ra một khí quyển tự do cho nhận thức của bản thân, qua lại giữa nhiều quan niệm mà không bị đông cứng, kết nhập nhiều ý tưởng mà không rối loạn; khả năng tự do và cách thực hành tự do trong nhận thức, thông diễn, truyền dẫn.
Xác lập tự do nhận thức (của cá nhân) trong tương quan với các “tự do nhận thức khác” khó khăn như “người làm xiếc” trong trí tuệ, nơi những cú ngã về khái niệm và nội hàm luôn rình rập thường khiến người ta e ngại khi bày tỏ, nhưng với Phan Ngọc thì khó khăn ấy dường như chỉ là cái “thú vui” để làm khoa học. Ông tự do trong những trang viết của mình.
Một làtự do chọn lại thuật ngữ cho phù hợp với nội hàm được “gia công”. Mô hình nghiên cứu văn hóaViệt Nam của Phan Ngọc có thể chia sẻ những suy tư cao cấp với các nhà nghiên cứu khác, nhưng khả năng tự do trong mô tả bằng khái niệm hay thuật ngữ khoa học là một “kỹ nghệ” chỉ riêng có ở ông. “Văn hóa4F” [6; 24] chẳng hạn, ông giải thích:
- Fatherland: Tổ quốc
- Family: Gia đình
- Fate: Thân phận
- Face: Diện mạo
Kiến giải về 4 chữ F này (mượn tiếng Anh để dễ “quy đồng” và phân tích), Phan Ngọc cho rằng nó là 4 khía cạnh gắn bó vào nhau để hình dung nét đặc trưng của văn hóaViệt Nam. Trong khi nội dung chữ F1 và F2 được giải thích dễ hiểu (vì nó rất quen thuộc trong tâm thức người Việt) thì nội dung F3 và F4 được giải thích có phần khó hiểu hơn, nhưng khả năng đi xa về tư tưởng của hai chữ F này lớn hơn. Chữ F3 liên quan đến “thân phận”, được Phan Ngọc giải thích chủ yếu dựa vào sự “bao bọc” có nguồn gốc từ văn hóalàng xã: “Chế độ tự trị của làng xã tạo nên một thân phận riêng, che chở anh ta khiến cho không một vua chúa Việt Nam nào dám nghĩ đến chuyện làm cỏ một làng” [6; 49]. Thân phận, theo quan niệm của ông, là một thân phận thuộc về sự tồn tại chung, là một “thân phân bị/được đối xử” chứ chưa phải là một “thân phận tự ý thức”. Điều này có phần mâu thuẫn, vì thân phận trước hết thuộc về ý thức cá nhân. Vậy nên, ở đây, cách giải thích của ông đang gộp hai vấn đề lại: ý thức về giá trị thân phận và thân phận của người nông dân. Thực ra đó là hai vấn đề khác nhau. Nhưng cống hiến của ông là đưa ra một hình dung về thân phận con người trong văn hoá Việt Nam, và hình dung ấy là cần thiết, có phần cốt tủycủa một nền văn hóanhân bản.
Nội dung chữ tắt F4 liên quan đến diện mạo, cái bên ngoài, quan niệm về sự tồn tại bên ngoài trong cái nhìn của cộng đồng, dư luận, lề luật. Ý tưởng này rất độc đáo. Nó cắt nghĩa tính “sĩ diện” cố hữu, to lớn và “vô lý” của người Việt, đồng thời cung cấp một khái niệm sơ khai cho những suy tư dài hơi về sự quan tâm của người Việt đối với cái nhìn của người khác về mình. Vấn đề không phải là người khác nhìn mình thế nào, mà là mình đứng ở góc nào để nhìn thấy người khác đang nhìn mình? Đây là một sự hình dung triết học về văn hóa. Sự hình dung ấy rất cần cho người làm khoa học cần tìm công cụ, như nhà văn, nghệ sĩ tìm cảm hứng. Tóm lại bộ công cụ 4F vừa như một học thuyết nghiên cứu văn hóa, vừa như một sự tổng kết kinh nghiệm khoa học, nhưng lại có màu sắc sáng tạo…gần gũi với sự sáng tác nghệ thuật. Bởi vậy, 4F đó vẫn đơn độc trong việc “khúc xạ” lại vào cộng đồng khoa học trong nước, nhưng nó đầy triển vọng trở thành một phát minh độc đáo về khoa học nhân văn không bao giờ lặp lại ở một ai khác.
Hai làtự do tái thông diễn những hiện tượng kinh điển của văn hóa, văn học Việt Nam nói chung.
Nguyễn Du, Trần Đình Hượu, Nguyễn Tuân đều là những chân dung lớn của nền văn học, học thuật Việt Nam. Họ đã được nói đến, được “thông diễn” bởi nhiều góc nhìn về giá trị. Song, đối với Phan Ngọc, nếu ông đã viết, thì họ vẫn tiếp tục hiện ra một cách mới mẻ, sắc nét, độc đáo và độc đạo. Ông thiết lập một kết cấu lập luận rất riêng, bước qua mọi “nghi thức” vô hình của lối làm khoa học bằng thói quen. Ông có xu hướng “lạ hóa” vấn đề đến mức gây kinh ngạc, nhưng “chân lý khoa học” (dù là khoa học nhân văn, thiên về văn chương chữ nghĩa) vẫn là thứ xuất hiện bàng bạc trong mỗi luận chứng, tạo ra một niềm tin và hứng thú bền bỉ cho người đọc.
“Quyển nói về phong cách Nguyễn Du của tôi thực tình là khó nghe, nhưng nhờ người Việt yêu Nguyễn Du cho nên có sự thể tất cho những điều kỳ quặc mà tôi đưa ra” [5; 7]. Những điều kỳ quặc đó là gì? Trước hết, ông là người đầu tiên đề cập một cách “tổng lực” về phong cách nghệ thuật Nguyễn Du trong Truyện Kiều. Nền tảng tâm thế và tư duy đã cho thấy ông “bắt mạch” Tố Như ngay từ đầu: “Tâm hồn Nguyễn Du cũng lớn như nghệ thuật của ông” [2; 89], rằng “con người trong Truyện Kiều cô đơn ngay cả khi đối diện với người khác” [2; 91] và mẫu người cô độc ấy không phải “ngẫu nhiên ra đời được”.
Cũng chỉ có Phan Ngọc mới chỉ ra một sự thực “quái đản” là: “Trong Truyện Kiều chỉ có một mưu mô, đó là một mưu mô của Hoạn Thư để hành hạ Kiều” [2; 79] mà theo thống kê của ông, có đến 17,7% số câu trong tác phẩm nói đến mưu mô ấy bởi vì “cảnh người đàn bà làm đĩ là không nhiều, cảnh đi tu là ngoại lệ, trái lại, cảnh làm lẽ là cảnh đe doạ mọi chị em phụ nữ”, và cũng bởi thế mà “giữ tính chất mưu mô ở đây là cần thiết” [2; 79].
Đỉnh cao sự “kỳ quặc” và sắc sảo trong bút pháp, nhận thức luận của Phan Ngọc nằm ở mục III -Phương pháp phân tích tâm lý tàn nhẫn[2; 134-136]. Lần đầu tiên, người đọc truyện Kiều được biết đến một nàng Kiều tối tăm theo 7 mục phân tích sau đây:
- Ngu
- Tham
- Mất cảnh giác
- Sợ gian khổ
- Chạy theo một ảo tưởng
- Từ lừa dối mình
- Biện hộ cho sự phản bội
Đoạn phân tích này là một phát hiện “tàn nhẫn” không kém bút pháp phân tích tâm lý tàn nhẫn của Nguyễn Du, nhưng cũng như logic sáng tạo của họ Nguyễn, nhà nghiên cứu họ Phan cho thấy một logic “đọc hiểu” khác đầy thách thức thông qua việc phân tích quá trình phát triển nội tâm sống động của nhân vật. Nguyễn Du để cho ThúyKiều sống trên ngòi bút và trang giấy, còn Phan Ngọc chứng minh nhân vật ấy có máu đang chảy dưới da. Và một kết luận “động trời” khác của ông: “Lối phân tích tàn nhẫn này, Nguyễn Du đã học tập ở Phật giáo (…), vì Phật giáo có lối phân tích tàn nhẫn đối với mọi giá trị vẫn lôi cuốn con người để chứng minh tính vô nghĩa của chúng”. Trong phát minh mới về mặt tối của Kiều (muốn nghỉ ngơi mọi lúc, thèm khát quyền lực,…), ông đã liên hệ nguyên tắcphân tích tâm lý tàn nhẫn như một thành tựu nghệ thuật đặc sắc của những nhà văn hiện thực châu Âu với một kết luận đặc biệt tài hoa: “mỗi nhân vật là một thao trường tranh cãi” [2; 139]. Cuốn sách tìm hiểu phong cách Nguyễn Du trong Truyện Kiều dài đến hơn 300 trang nhưng chắc rằng mỗi trang đều có những nhận định tinh ròng, chắt lọc và chưng cất bao nhiêu cái ấp ủ, tài hoa của họ Phan, như thể đang sánh tài, thi tài cùng họ Nguyễn.
Niềm hứng thú đọc Nguyễn Tuân của ông cũng thuyết phục người đọc bởi cách cảm nhận như thế này: “Các nhân vật vốn đã thấp thoáng giờ lại mờ đi đến mức biến mất, chỉ còn lại độc Nguyễn. Cốt truyện đã lỏng lẻo, giờ bốc hơi. Câu văn điêu khắc bị giải thể, nhường chỗ cho một sản phẩm mới mang dáng dấp câu văn tự hành. Toàn suy nghĩ nội tâm (…) Những hình ảnh trong một giấc mơ (…) Thế mà đọc không rứt ra được mới tài” [6; 207]. Sự yêu thích của một trí thức uyên bác có phần khác biệt với sự yêu thích thuộc về cảm xúc bình thường. Lòng yêu ấy là trí yêu. Đọc Nguyễn Tuân, Phan Ngọc đành phải buột ra những triết lý nghệ thuật tương ứng với đối tượng quá đỗi tài hoa mà ông đang nói tới: “Nghệ thuật là mục đích. Cuộc sống là phương tiện. Khi mục đích đã vô vọng, cuộc sống mất ý nghĩa” [6; 208]; “Nghệ thuật phải tạo nên những thói quen mới, thói quen làm khoa học, bởi vì thời đại an bần, trị mệnh đã qua” [6; 215].
Cũng chỉ có Phan Ngọc mới đọc Nguyễn Tuân bằng những “mười hai mẹo”, đọc tiểu thuyết dài bằng “chiêu thức”, “công lực”, “chưởng” [6; 295]… Ông thậm chí còn liệt kê ra được mấy loại mẹo như là lời đề nghị dành cho các nhà viết tiểu thuyết: mẹo tránh phân đôi, mẹo xét con người trong cả quá trình, mẹo sử dụng cái ngẫu nhiên [6; 323], mẹo chuyển từ chê sang trách [6; 331], mẹo nắm lấy cái bất biến [6; 349], có cả loại mẹo có tên là: con người Việt Nam với một số đặc tính “kỳ quặc” và “vô song”, rằng “dưới đáy lòng mỗi con người Việt Nam, bất chấp giai cấp, tầng lớp, sống ở đâu, quá khứ như thế nào, đều có một Trần Bình Trọng” [6; 313 - 315].
Viết về Trần Đình Hượu, ông có lẽ là người đầu tiên dùng từ “sở nghiệm”: “Con đường của anh Hượu đi là: xuất phát từ sở nghiệm (vécu) của chính mình, sau đó đọc rất nhiều sách và học chu đáo để kiểm tra cái sở nghiệm ấy” [thử xét 399]. Trần Đình Hượu hiện lên qua trang viết Phan Ngọc theo một phong cách rất Phan Ngọc, ví dụ như: “Chỗ mạnh của anh chính là cuộc đời của anh” [6; 399], con đường nghiên cứu của Trần Định Hượu là “con đường tâm lý luận” chưa triệt để [6; 402], khẳng định “anh Hượu là người đầu tiên cấp cho ta một khái niệm mới “nhà nho tài tử”, cấp cho khái niệm ấy một niên đại, một nội dung lịch sử cụ thể, một quan hệ liên đới…[6; 405-405].
Có thể nói, tính chất gai góc trong các phát hiện của Phan Ngọc trước sau vẫn đi đúng theo tinh thần mà ông theo đuổi: “Làm khoa học là phát hiện sự thực dù đau đớn đến mấy cũng vậy” [3; 55]. Bởi thế, ông có thể tranh luận với di sản Trần Đình Hượu một cách mạnh mẽ rằng: “Đối với khoa học hiện đại, nói đúng chưa phải là quan trọng, phải làm cho lập luận của mình thành một công cụ làm việc mà người khác có thể sử dụng trong công việc của họ” [6; 406-407], rằng người bạn vong niên, bậc trí thức mà ông khảng khái quý yêu vẫn còn “chưa dứt khoát được trong cách chuyển hóacách nhìn của mình theo phương hướng hiện đại” [6; 406].
Trong một lập luận khác về vấn đề làng xã vốn đã được nhiều học giả quan tâm lý giải, ông đưa ra hai mệnh đề đối nghịch thú vị: “làng xã không phải là nơi để phát huy nhân cách người dân” [3; 63] nhưng trước đó ông đã viết: “Một người Việt Nam “mang trong người hai nền văn hóakhác nhau về tất cả mọi mặt: chính trị, phong tục, tế tự, kiến trúc, văn học và bên cạnh cái nét chung đại biểu bởi văn hoá chính thống là văn hoá làng xã và văn hoá làng xã mới là cái phần chính tạo thành nhân cách anh ta” [3; 60]. Như vậy, có một mệnh đề mới được hình thành: Làng xã là nơi tạo thành nhân cách nhưng không phải là nơi phát huy nhân cách người dân. Có phải Phan Ngọc đang đặt ra một cuộc đối thoại không hồi kết về các giá trị cổ truyền trở thành sức kéo, sức đẩy hay sức ì đối với sự phát triển? Phát ngôn khoa học được biện luận theo “nhân cách luận” đã đẩy bình diện nghiên cứu con người và đất nước sang một góc nhìn mới mẻ và rộng rãi hơn.
Ba làtự do nói về cái cũ bằng cách giải thích mới. Ở ông, có sự tự do bày tỏ sự tìm kiếm, chắt lọc bởi một cá - nhân - suy - nghĩ - độc - lập trong bối cảnh không dễ nói ra những suy nghĩ ấy. Không lạ cách viết của Phan Ngọc: bên cạnh những luận điểm rất cũ và rất phổ biến, an toàn, ông đã kịp “đà đao”, gửi gắm những ý tưởng mới mẻ và đích đáng. Cái ông gửi gắm đằng sau những hàng chữ có khi lấp lánh bóng dáng “tuyên giáo” là nỗi thao thức thực sự của một trí thức đối với giá trị văn hoá dân tộc. Đó là cái phần “u trầm” trong mỗi cuốn sách ông viết ra, niềm kỳ vọng tố phác về chân lý khoa học được ẩn giấu trong phong cách đàm luận quắc thước, “đanh đá” nhưng không thiếu “chuẩn mực chính trị” cần thiết.
Con đường tự do khiến ông tạo được một uy lực của phong cách. Người ta biết đó là Phan Ngọc vì hệ thống từ vựng này sinh ra từ ông như: thức nhận, vượt gộp, cá nhân luận, nhân cách luận, thao tác luận, khúc xạ văn hóa…Đó là hệ thống thuật ngữ định vị cả uy tín và phong cách nhà nghiên cứu, như Trần Quốc Vượng có “giao thoa văn hóa”, Lê Trí Viễn có “tiếp biến văn hóa”, Hoàng Ngọc Hiến có “chủ nghĩa hiện thực phải đạo”…
Bản lĩnh nghiên cứu của Phan Ngọc còn thể hiện ở những phát hiện có sức nặng mang dấu ấn của ông như: xã hội Việt Nam có tồn tại một loại “văn hóaquan lại” [3; 56] ;“Tệ tham nhũng là quy luật” [3; 64]; một quan điểm rất mạnh mẽ về thực tế quyền lực điều hành: Quan lại và hào mục mới chính là kẻ thống trị đất nước trong thực tế [3; 58], “Nông thôn Việt Nam đầy rẫy bất công đâu phải là xứ sở của tự do dân chủ? Nước Việt Nam là nước có trình độ thương nghiệp thấp nhất trong các nước theo Nho giáo” [3; 69]; “Trí tuệ Việt Nam không có thị trường để phát huy, dù cho nó chẳng thua kém ai” [3; 69]…
Phan Ngọc sở hữu một kiểu phân tích khoa học tài hoa và cá tính. Không chỉ tài hoa và cá tính trong cách nhìn, cách đọc, cách giải mã mà còn trong lối viết. Những cách nói về văn hoá như thế này tuy được sinh ra từ một logic phân tích nhưng nó chưa bao giờ mất đi sự sang trọng của một phát ngôn giàu tư tưởng, có phần tài hoa. Văn nghiên cứu của Phan Ngọc không khác văn chương những thiên ký sự nghiên cứu:
“Đau xót hơn trong hàng vạn tác phẩm còn lại, không ai biết tên người làm, một lịch sử nghệ thuật không có người” [3; 56]; “Người con trai phải mua lấy sự tồn tại làm người”, “các đường lát gạch ở nông thôn Bắc Bộ là tiền bán mình của các cô Kiều Việt Nam” [3; 62]; “Nếu ta vứt bỏ cái nhìn chia cách, nhìn Việt Nam như một thể thống nhất thì sẽ thấy một hiện tượng cực kì hiếm có là cái hôm qua chính là cái hôm nay” [3; 30].
Sức nghĩ tự do của ông còn kéo sang địa hạt tôn giáo, chẳng hạn như nhận định rất lý thú sau đây: “Sức mạnh của Phật giáo trước hết là ở một hệ thống lý luận cực kỳ tài giỏi để phân tích trí tuệ, giác quan, lương tâm, ý thức, v.v… là những điều mà Nho giáo chưa biết đến bởi vì thói quen phân tích là chỗ yếu nhất của tư duy Trung Hoa” [3; 47].
“Hành trình tự do” trong ứng xử và thao tác nghiên cứu khoa học của Phan Ngọc là đặc sản, di sản mà ông tạo ra bền bỉ qua thời gian. Cách tiếp cận, chất giọng, tư tưởng đối thoại, thao tác luận và niềm tin chắc chắn vào một “phương hướng hiện đại” ở ông vẫn không thể ngăn ông thổ lộ: “Trên con đường khoa học, không ai tránh khỏi sai lầm. Chỉ có một cách: sai chỗ nào thừa nhận ngay để cho khoa học tiến lên. Người làm khoa học không dựa vào uy tín nào để đe dọaai. Tôi cố ý không trích dẫn ai hết để chịu tất cả trách nhiệm trên con đường tôi đi một mình, không để ai mang tiếng vì tôi” [cách giải thích văn học bằng ngôn ngữ học 92]. Tinh thần “quý tộc” trong liêm chính học thuật và chịu trách nhiệm về tư tưởng cũng là một sắc thái không thể thiếu khi hình dung con đường nghiên cứu của Phan Ngọc.
3. Phan Ngọc là một ngòi bút cung cấp những tiềm lực giải mã văn hóacho cộng đồng khoa học nhân văn và cho người đọc rộng rãi
Trước hết là luận điểm về chọn lựa. Chọn lựa cách nhận thức, ứng xử là chọn lựa tư thế văn hóa.
Chọn cái gì thì cái được chọn chứng tỏ nguồn gốc, bản chất và triển vọng cũng như đặc điểm hiện tại của chủ thể chọn lựa. Quan niệm đầy tính biện chứng này cho phép người nghiên cứu tiệm cận khả năng phán đoán chính xác sự vật, hiện tượng định hình bởi nguyên nhân trước và sau nó, tiệm cận tính bất khả kháng và tính tất yếu của hiện hữu mà không phụ thuộc vào ý chí của người giải mã nó.
Không phải A chọn B thì mới dẫn đến C, mà có thể vì C có sẵn trong A rồi nên A mới chọn B. Chuỗi nhận định về cách chọn lựa “cái này” mà không phải “cái khác” được lặp lại nhiều lần trong các nghiên cứu của Phan Ngọc:
- “Có những sự lựa chọn về chính trị, bởi vì nó gắn bó thiết thân nhất với đời sống vật chất và tinh thần. Sự lựa chọn này dẫn tới sự hình thành quốc gia, dân tộc và sự thống nhất về ý thức chính trị” [3; 21].
- Luận điểm thứ 13: “Quá trình Việt Nam tiếp thu văn hóaHán và do đó tách khỏi văn hóaĐông Nam Á thường bị giải thích thiên lệch. Theo tôi đây là một sự lựa chọn và một sự lựa chọn thông minh.”[3; 41] bởi vì “kinh nghiệm Bắc thuộc đã khiến Việt Nam tiếp thu Nho giáo” [3; 49] và “Thực tế việc tiếp thu văn hóaHán là do yêu cầu có một chính quyền vững chắc để chống ngoại xâm” [3; 53].
Tư duy xuyên suốt trên phù hợp với nhận định của Hồ Liên trong Phan Ngọc trong nghiên cứu văn hóa: “‘Lựa chọn’là một khái niệm then chốt trong lý thuyết của ông” [1].
Một người có thể lựa chọn điều này hay điều khác, đó là tự do trong định mệnh. Nhưng một dân tộc, với những chiều thời gian, không gian phức tạp, không thể là một sự tự do ngẫu nhiên, cũng không hẳn là không liên quan đến “định mệnh”.Định mệnh chọn lựa của một dân tộc là điều có thể giải thích được -đó là luận điểm rất quan trọng của Phan Ngọc (so với định mệnh của đời người là điều mà người ta thường nói ra khi bất lực). Trong chuỗi lập luận của Phan Ngọc, yếu tố “chọn lựa” và “chọn lọc” văn hóacủa người Việt hé lộ tư thế văn hóa, cái được cái mất, và cao hơn là sự kết tập thành một phẩm tính, phẩm cách dân tộc. Theo ông, đối diện với chồng chất các lý thuyết, người Việt chọn “tổ quốc luận” với một niềm tin vĩnh cửu rằng: “Không một lý thuyết nào có thể kéo người Việt Nam ra khỏi trách nhiệm với đất nước” [6; 28]. Văn hóalàng cũng được tạo thành một phần từ cách chấp nhận chọn lựa 4 quan hệ: chính trị, học vấn, công lao, tuổi tác [6; 43]. Cách giải thích như vậy gợi mở và “sung công” cho người đọc rất nhiều, cung cấp một trường tư duy logic và sâu sắc để người ta có thể nghĩ tiếp, đọc tiếp, và một niềm hy vọng nào đó ở tương lai là có thể đối thoại tiếp với những gì ông để lại.
Những đề xuất nghiên cứu của Phan Ngọc, ngoài sự nghiêm cẩn vốn có, chứa đựng nhiều ý tưởng rộng rãi, khoáng đạt, thông thái bất ngờ. Nội dung khoa học trong các cuốn sách của ông, kể cả những ý tưởng chủ quan bị tranh cãi thì cái sai (nếu có) cũng tạo thành cảm hứng cho người ta nghĩ tiếp. Đó chính là tinh thần khai phóng đích thực, vì khai phóng là chuẩn bị cho sự phát triển. Các ngành khoa học thuộc về Liberal Art (giáo dục khai phóng) bao gồm cả khoa học nhân văn, khoa học xã hội, khoa học tự nhiên và khoa học chính thức, có nguồn gốc sâu xa từ thời cổ đại Hy Lạp với mục đích tạo ra những con người tự do tư tưởng và tự do thích ứng. Sự nghiệp nghiên cứu của Phan Ngọc, dù sắc sảo tinh tường hay bề bộn băn khoăn, cũng đều toát lên tinh thần khai phóng đó.
Ông đề cập những địa hạt khó nói, “kị húy” hoặc ít được giới nghiên cứu quan tâm như: việc bỏ qua tiếp xúc chữ Phạn của quảng đại quần chúng theo Phật [3; 44]. Ông cũng luận bàn tuy khiêm tốn nhưng công bằng về đóng góp của Thiên chúa giáo đối với nền nền văn hóadân tộc: “Người Việt Nam quen với tâm lý công xã, thờ cúng tổ tiên, không có cái nỗi cô đơn của người cá nhân [LTTT nhấn mạnh] phương Tây cho nên Thiên chúa giáo không làm thành một yếu tố góp phần tạo nên văn hóaViệt Nam trong khi nó là một yếu tố then chốt của văn hóaphương Tây. (…) Tác phẩm công giáo từ thế kỷ XVI đến XVIII có vai trò rất lớn về ngôn ngữ bởi vì người công giáo là người đầu tiên sử dụng chữ Quốc ngữ, đồng thời cái nhìn của họ vào xã hội Việt Nam là hết sức thú vị vì đây là cái nhìn xuất phát từ những người Việt Nam đầu tiên đã tiếp nhận học vấn phương Tây” [3; 88]. Về mặt thực chứng, sử liệu cho phép người ta đề cập vai trò người công giáo trong văn hóaViệt Nam nhưng trên thực tế, không phải ai cũng có được một tư chất nghiên cứu điềm đạm và tự nhiên như ông, để có thể bật ra một ý tưởng ý nhị và sâu sắc về “cái nhìn” của người công giáo vào xã hội Việt Nam với tư cách là “cái nhìn xuất phát từ những người Việt Nam đầu tiên đã tiếp nhận học vấn phương Tây”.
Bàn về Nho giáo, ông thuộc vào hàng ngũ những trí thức khơi nguồn nghiên cứu Nho giáo bằng tinh thần hiện đại, có sự phân tích tư tưởng thận trọng. Kiến văn rộng rãi về văn hóacho phép Phan Ngọc triển khai nghiên cứu Nho giáo theo hướng so sánh văn hóa, nghiên cứu khu vực học và khởi động một số luận điểm quan trọng như: “Nho giáo và Hán học ở Việt Nam rộng khắp nhưng không sâu như ở Trung Quốc, Nhật Bản, Triều Tiên” [3; 48-49], rằng có sự“vận dụng siêu hình học của Lão giáo và tâm lý học của Phật giáo để giải thích các văn bản Nho giáo” [3; 47] trong quá trình truyền bá Nho giáo; và chính “Bức tường Tống Nho đẩy học vấn về phía đạo lý, tâm, tính, gạt bỏ thế giới hữu tình” [3; 57]. Theo chuỗi lập luận, ông dẫn giải đến những kết luận: “Văn hóaphương Tây là văn hóa khái niệm” [3; 72] trong khi “văn hóaNho giáo là văn hóacủa những cách ứng xử” [3; 72], văn hóaTrung Quốc cũng như của Việt Nam xưa là văn hóamô hình [3; 78] phân biệt với văn hóaphương Tây là nguyên lý tính đồng nhất [3; 78]. Tất cả mọi khái quát của ông với bộ công cụ thuật ngữ: văn hóakhái niệm, văn hóamô hình, nguyên lý tính đồng nhất, văn hóacủa những cách ứng xử… đều có xu hướng tái khẳng định có luận chứng hoặc mở những nhận thức mới mẻ mang tính triết học.
Phan Ngọc tự nhận ông nghiên cứu chủ yếu xoay xung quanh “mẹo”[6; 409]. Riêng cái ấy đủ thấy ông cá tính, sắc sảo và cũng…rất “đậm đà bản sắc” Việt Nam một cách không thể hợp lý hơn (vì “trong tình hình văn học Việt Nam hiện nay có lẽ cũng phải làm như vậy” [6; 409]). Cái mẹo ông thích nhất là cái này làm bật lên cái kia, mọi thứ cần phải rõ ràng, vì khoa học thì vẫn phải đúng và rõ, dù đó là khoa học gì. Có điều, cái đúng và cái rõ ấy cần tuân thủ bản chất của loại khoa học mà ông quan tâm. Cái đúng, cái rõ trong trước tác của Phan Ngọc làbiết cách phát hiện, nói ra được cái đã phát hiện và sẵn sàng tiếp nhận, đối thoại những phát hiện khác.
Điều rất cần chú ý ở mảng nghiên cứu văn hóacủa ông là quan niệm: văn hóasống trong một cơ chế biểu tượng, nó chuyển động trong sự ổn định vô hình và ổn định trong sự chuyển động vô hình. Xuất phát từ khái niệm gốc văn hóanghĩa là “vun trồng” (culture), ông đặt vấn đề rất cơ bản: “Văn hóatrước là trau dồi nhân cách, tu dưỡng bản thân theo đúng nghĩa gốc của từ culture” [3; 31]. Những ý tưởng nhằm định nghĩa về văn hóabản thân nó cũng làm chứng cho tính động-tĩnh, tính chuyển hóa, tính ứng xử đa diện của văn hóa. Cách nói của Phan Ngọc khiến người đọc được mời gọi vào một sự đối thoại văn hóarất phong phú, nhiệt thành. Chẳng hạn như, con người ta thực ra là “cùng một lúc sống hai thế giới, thế giới của thực tế và cái thế giới các biểu tượng” [3;18]; văn hóavừa phổ biến vừa cá biệt [3; 21], nó bao chứa và liên đới tinh tế với các lĩnh vực tinh thần và sự phát triển vật chất của con người nhưng tuyệt nhiên “Văn hóakhông phải là kỹ thuật, không phải hoạt động tinh thần ở tự bản thân nó, văn hóakhông phải là tôn giáo, tín ngưỡng, phong tục, văn học, âm nhạc, v.v…, văn hóakhông phải hoạt động xã hội, chính trị, văn hóakhông phải là tổ chức gia đình, thôn xóm, hôn nhân, pháp chế, quốc hội, chính phủ” [3; 19]. Và suy cho cùng, “chẳng có nền văn hóanào chỉ có ưu điểm và chính vì nền văn hóanào cũng có nhược điểm cho nên mới có câu chuyện tu dưỡng về văn hóa” [3; 32]. Quan niệm khoa học của Phan Ngọc về văn hóađược đặt song song với cách tiếp cận thiên về nhân cách luận và chọn lọc “thành tựu” để cô đúc thành một giá trị văn hóa. Đó cũng là cái…mẹo nhưng là mẹo của người suy nghĩ lớn. Bởi thế, ông đã góp phần định hướng khái niệm phức tạp kinh điển này bằng một thông điệp khoa học sáng rõ: “văn hóalà một quan hệ. Nó là mối quan hệ giữa thế giới biểu tượng với thế giới thực tại. Quan hệ ấy biểu hiện thành một kiểu lựa chọn riêng của một tộc người, một cá nhân so với một tộc người khác, một cá nhân khác. Nét khu biệt các kiểu lựa chọn làm cho chúng khác nhau, tạo thành những nền văn hóakhác nhau là độ khúc xạ. Tất cả mọi cái mà một tộc người tiếp thu hay sáng tạo đều có một độ khúc xạ riêng có mặt ở mọi lĩnh vực và rất khác độ khúc xạ ở một tộc người khác…” [3;105].
Chuỗi lập luận về “cái đuôi làng xã” là một trong những đóng góp rất đáng giá của Phan Ngọc. Đương nhiên ông không phải là người duy nhất bàn về làng xã (cùng những hệ lụy, hệ giá trị của nó) nhưng phát biểu có tính “gợi dẫn” sắc sảo cho chủ đề này của ông đã tạo ra không ít mối quan tâm lớn của giới nghiên cứu văn hóaViệt Nam. Trong cái không gian làng xã vốn bao bọc và nuôi dưỡng các giá trị văn hóabền vững nhất của nhân cách người Việt, ông chỉ ra những yếu tố đặc biệt “có vấn đề”:
- sự trì trệ, ấu trĩ: “thành thị bị công xã hóa, chỉ là cái đuôi của nông thôn chứ không phải điều khiển nông thôn bằng kinh tế hàng hóa” [3; 67]; Nhược điểm của VN là “về văn hóa, họ chỉ nhìn nó trong quan hệ trực tiếp với chính trị, đời sống vật chất, công việc, thiếu cái nhìn thực xa và thực rộng là cơ sở của một nền văn hóathực sự to lớn và toàn nhân loại” [3; 87]; “Văn hóatự bó hẹp vào truyền thống là tự sát” [3; 53].
- sự hẹp hòi, thành kiến: “Xưa có tâm lý không chấp nhận người thợ lại sướng hơn nông dân” [3; 68]; “Nghệ thuật tinh xảo, khéo léo biến thành một thứ “nghiệp chướng” [3; 68]; “Trong văn học dân gian cũng như trong văn học chính thống, không thấy có người đi buôn trung hậu. Đó là một thành kiến khá tiêu biểu” [6; 63].
- sự hời hợt và mất thăng bằng về quan niệm “nhân cách luận”: trong số 8000 quyển do người Việt viết từ thế kỉ IX đến 1920 thì “sách khảo sát về nghệ thuật, kinh tế, thương nghiệp, kỹ thuật hầu như vắng mặt” [3; 57]; “tại sao các sứ thần người Việt Nam ra nước ngoài, trừ vài ngoại lệ, chẳng ai cho biết về xã hội, kinh tế, kỹ thuật của các nước ấy? Chỉ thấy những tâm trạng chung trong các bài phú, các bài thơ, đành là hay, nhưng phỏng ích gì cho việc hiểu biết thế giới” [3; 57].
- Sự yếu ớt về ý chí tạo lập tư tưởng và thiếu vắng nền học thuật đích thực: “hưởng dụng là căn cứ vào tôn ty, vào sự tín nhiệm của cấp trên, không căn cứ vào năng suất lao động, kỹ thuật sản xuất, cho nên ngay trong óc người Việt có tâm lý học để làm quan, phấn đấu để làm đàn anh trong công xã chứ không phải để nâng cao kinh tế, học thuật, văn hóa. Học kiệt lực để làm quan, làm quan rồi không học nữa” [3; 58].
Cái nhìn sắc bén trên của Phan Ngọc không hoàn toàn mới nếu so với “trào lưu” phản tỉnh dân tộc tính, quốc dân tính từ đầu thế kỷ XX. Tuy nhiên, cách nói rất mạch lạc, hiện đại như vậy vẫn là một “thế lực” trong nhận thức “căn tính dân tộc”. Từ năm 1936, Hoài Thanh trong Vấn đề học thuật nước ta chỉ là một vấn đề tâm lý và luân lý [Tạp chí Sông Hương, số ra ngày thứ Bảy, 1-1936] cũng đã viết: “Người mình vẫn được tiếng là hiếu học nhưng đúng ra chỉ là hiếu lợi hiếu danh. Khi sự học không đưa đến cho mình lợi và danh thì ít ai còn màng đến nó nữa. Ít ai biết ham học vì sự học.(…) Về học thuật cũng vậy. Nếu ta đặt cho học thuật một cái mục đích ngoài học thuật thì chẳng nên mong gì chuyện thành đạt”. Sự phản tỉnh này bị gián đoạn vì nhiều lý do lịch sử khách quan, bởi thế cách đặt lại vấn đề của Phan Ngọc rất đáng chú ý.
Lại nữa, ở phần nói về vị thế tinh thần người Việt, ông có một nhận định rất dễ mất lòng: “trí thức nông thôn, anh khóa, thầy đồ nghèo mà cuộc sống và tâm hồn không khác gì nông dân” [3; 61], hay nhận định Việt Nam không chú trọng vai trò tôn giáo (mà thực chất chỉ chú trọng tín ngưỡng)[3; 64], hay nhận định cái lý tồn tại vững chắc của nền văn hóalàng (chế độ tự quản) là bởi vì nó cũng góp phần kìm hãm sự xa hoa: “Nó không cho phép vua chúa xây dựng cung điện, lăng tẩm ngang với các nước láng giềng và hạn chế sự xa hoa của bộ máy quan lại” [3; 64], hoặc cách ông điểm xuyết rất trúng, tế nhị kín kẽ về quan niệm thương mại của người Việt: “Thương nghiệp là một ngành đầy sóng gió và gây sóng gió nên đòi hỏi đến sự điều chỉnh không ngừng về chính trị và xã hội để đạt được sự hài hòa” [3; 66].
Đoạn văn dưới đây kết tinh suy nghĩ và thẩm nhận của Phan Ngọc về mối quan hệ giữa văn hóavà người sáng tạo văn hóathời hiện đại, tưởng không thể sâu sắc hơn:
Văn hóadân tộc là do lớp trí thức tự do đại diện [LTTT nhấn mạnh]. Lần đầu tiên ở Việt Nam xuất hiện một nhóm người không sống bằng làm quan hay cày ruộng mà bằng lao động trí óc của mình: dạy tư, viết văn, viết báo, sống bằng chơi nhạc, vẽ tranh, nghiên cứu văn hóa, nghệ thuật. (…) Chỉ riêng việc họ không chịu đi con đường quan lại dù cho giáo dục của họ và các văn bằng cho phép họ hưởng một cuộc sống yên ổn, sung túc hơn để chịu một cuộc sống bấp bênh, thấp kém và bị mật thám theo dõi cũng đủ chứng minh họ có tinh thần dân tộc vững chãi. Giai đoạn hoạt động có nhiều hiệu quả nhất của họ là từ 1930 đến 1940. Trong vòng 10 năm, một nhóm người ít ỏi nhờ tinh thần dân tộc đã đổi mới toàn bộ văn hóacũ [LTTT nhấn mạnh]: văn học ngôn ngữ, thơ, tiểu thuyết, phê bình, nghiên cứu âm nhạc, hội họa, kiến trúc, điêu khắc đều hoán cải và mang hình thức đại diện[3; 85].
Lời kết
Truyền thống tư tưởng phương Tây thiên về “lập thuyết”. “Thuyết” (theory) có bề mặt là diễn giải, và cái lõi sâu kín là tư tưởng. Dù là một nhà “nhân cách luận” rất thuyết phục, xét về thành quả nghiên cứu, Phan Ngọc vẫn là một nhà tư tưởng “ẩn mình” mang tính “cá nhân luận” phương Tây rất rõ; ở đó, ông tìm cách “tỏ mình” bằng con đường tìm hiểu, phân tích, đối sánh ngôn ngữ và văn hóa. Tính tư tưởng của Phan Ngọc thể hiện ở một đẳng cấp phản biện độc lập, khai thông đối thoại bằng những luận điểm “gay gắt” về giá trị các quan niệm có tính “mô hình hóa”. Cách lập thuyết của ông rất giống cách ông nói về Nguyễn Tuân, một nhà văn mà ông yêu quý, rằng: “Anh mở ra một môn phái cho đến nay ở Bắc Việt Nam không có môn đệ” [6; 203]. Quả thực, đến giờ, ai đã xưng mình là môn đệ Phan Ngọc?
Không sợ tranh cãi, tôn trọng khác biệt, mỗi luận điểm khoa học của Phan Ngọc có tư thế đặc biệt: dám tồn tại!
Việt Nam - từ ngôn ngữ, văn hóa, văn học - qua cách nhìn của Phan Ngọc hiện ra như một cơ thể sống, đầy thử thách để nhận biết, đủ sức thu hút những suy tư tầm cỡ. Công lao của Phan Ngọc là biến đối tượng nghiên cứu đau đáu cả đời ông - văn hóaViệt Nam - trở thành một sinh thể biết đòi hỏi, không chịu được “tụng ca”, không thích được ổn định, lúc nào cũng đỏng đảnh đòi được “thức nhận”, vừa quen vừa lạ, vừa có những “vỉa tầng lộ thiên” nhưng cũng có không ít những bí mật nằm sâu trong năng lượng thời gian. Những kiến giải của Phan Ngọc bày ra một thế trận độc đáo của lối tư duy mạnh mẽ trong phân tích, cá tính trong nhận định và thâm trầm trong đối thoại. Cái hay được thể hiện qua những ý tưởng bật ra tuy có phần cực đoan nhưng đang trên đường tìm đến cái sáng. Những ý tưởng ấy có thể chưa phải là chính ánh sáng nhưng làm chứng cho sự sáng[1].
Cái khác biệt rõ nhất trong các trước tác của ông là cách ông xử lý và tiếp cận văn bản: từ văn bản chữ nghĩa đến văn bản thời cuộc. Khoa học đích thực không bao giờ né tránh sự uyên bác mà sợ khinh suất, không e ngại đối thoại mà tránh xa hỗn độn. Sự nghiệp nghiên cứu của Phan Ngọc là bảo chứng cho sự uyên bác và không ngừng đối thoại.
Cảm hứng từ trang viết, giọng điệu, tư thế nhận thức của ông là cảm hứng về tinh thần khai phóng mang tính kết nối, hàn lâm -một nguồn năng lượng vẫn đang tìm cách tồn tại thực hơn và phong phú hơn trong nền khoa học nhân văn của người Việt.
Tư liệu tham khảo chính
1. Hồ Liên, Phan Ngọc trong nghiên cứu văn hóaViệt Nam, nguồn:/chuyen-muc-goc-nhin-van-hoa/nhung-goc-nhin-van-hoa/phan-ngoc-trong-nghien-cuu-van-hoa-viet-nam[truy cập ngày 20-4-2019]
2. Phan Ngọc, Tìm hiểu phong cách Nguyễn Du trong Truyện Kiều, Nxb. KHXH, 1985.
3. Phan Ngọc, Văn hóaViệt Nam và cách tiếp cận mới, Nxb. Văn hóathông tin, Hà Nội, 1994.
4. Phan Ngọc, “Truyền thống văn hoá và lịch sử Việt Nam”, in trong Việt Nam học - Kỷ yếu Hội thảo Quốc tế lần 1, 1998, trang 378-386.
5. Phan Ngọc, Cách giải thích văn học bằng ngôn ngữ học, Nxb. Trẻ, 2000.
6. Phan Ngọc, Thử xét văn hóa-văn học bằng ngôn ngữ học, Nxb. Thanh Niên, 2000.
7. Phan Ngọc,Một thức nhận về văn hóaViệt Nam, Nxb. Thế giới, Hà Nội, 2018.
8. Phan Ngọc, Sự tiếp xúc của văn hóaViệt Nam với Pháp, Nxb. Thế giới, Hà Nội, 2018.
9. Lê Ngọc Trà (tập hợp và giới thiệu), Văn hóaViệt Nam, đặc trưng và cách tiếp cận, Nxb. Giáo dục, Hà Nội, 2007.
10. Trần Quốc Vượng, Việt Nam, cái nhìn địa-văn hóa, Nxb. Văn hóadân tộc, Tạp chí Văn hóanghệ thuật, 1999.
[1] Theo cách nói của Kinh Thánh Tân ước về Gioan tẩy giả: “Ông không phải là ánh sáng nhưng ông đến để làm chứng cho ánh sáng”.
tin tức liên quan
Videos
Bàn về “Học thật, thi thật, nhân tài thật” ( Kỳ 2)
Phân tầng xã hội và di dộng xã hội ở Việt Nam hiện nay [kỳ cuối]
Những âm thanh vang vọng núi rừng Tương Dương
Hội nghị Sơ kết cụm thi đua 6 tỉnh Bắc Trung Bộ năm 2023
Nghệ An: Nhiều hoạt động văn hóa sẽ được tổ chức nhân Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam và kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước
Thống kê truy cập
114559253

2270

2301

2571

226796

122920

114559253