Những góc nhìn Văn hoá
Một góc nhìn về sự di cư của người dân xứ Nghệ

Thị trấn là nơi tập trung nhiều người Kinh ở miền núi (thị trấn Mường Xén, huyện Kỳ Sơn nhìn từ trên cao.
nguồn ảnh: internet).
Trong tiến trình lịch sử, xứ Nghệ đã chứng kiến nhiều cuộc di cư, cả tự phát và có tổ chức từ vùng đồng bằng lên miền núi. Sự di cư này tạo nên những mối quan hệ ở nhiều phương diện giữa đồng bằng và miền núi, làm thay đổi đời sống kinh tế - xã hội của miền núi xứ Nghệ. Dù vậy, cho đến nay, những tìm hiểu về vấn đề này vẫn còn khiêm tốn. Trong bối cảnh sự giao lưu kinh tế, văn hóa, xã hội giữa các khu vực, các vùng miền trong và ngoài tỉnh ngày càng mạnh mẽ hơn thì việc tìm hiểu mối quan hệ này cũng có những giá trị nhất định, dù chẳng dễ dàng gì.
Qua những cuộc khai quật khảo cổ học cho thấy con người xuất hiện ở miền núi Nghệ An từ khá sớm nhưng việc chứng minh họ thuộc nhóm nào và hậu duệ của họ là ai đến nay vẫn còn là những khoảng trống lịch sử. Nhưng sự tồn tại của những di chỉ khảo cổ học ở Nghệ An cũng phần nào cho thấy mối quan hệ của các cộng đồng, các nền văn hóa là hiện hữu. Sang thời cổ trung đại, mối quan hệ giữa đồng bằng và miền núi Nghệ An có rõ ràng hơn nhưng vẫn còn nhiều điểm mập mờ do các nguồn tài liệu ghi lại còn ít. Miền núi Nghệ An là vùng biên ải nên quân đội của các triều đại trong lịch sử đã từng hành quân lên vùng này để chinh phạt các cộng đồng khác, hoặc là hành quân chống lại một số nhà nước hay một số tù trưởng nổi lên xâm chiếm như Bồn Man, Lan Xang (hay Ai Lao)… Tiêu biểu như các cuộc chiến của nhà Trần với Lan Xang thế kỷ XV. Quân triều đình chủ yếu đi theo đường thượng đạo từ Bắc vào qua Thanh Hóa, hoặc quân ở vùng đồng bằng Nghệ An theo các con sông hành quân ngược lên. Mỗi một cuộc chiến là một cuộc hành quân dài ngày từ miền xuôi lên miền ngược và sau đó, có không ít người đã ở lại miền núi để sinh sống và làm việc, cũng không ít người từ miền núi chuyển về xuôi. Tuy nhiên, mối quan hệ giữa đồng bằng và miền núi trong thời kỳ cổ trung đại vẫn còn khá mờ nhạt do điều kiện giao thông đi lại khó khăn.
Đến thế kỷ XVII và XVIII, là giai đoạn lịch sử phức tạp, xứ Nghệ là vùng đất hay có chiến tranh nên nhiều người bỏ quê ra đi tha hương cầu thực. Chiến tranh, dịch bệnh, thiên tai làm cho nhiều người dân phải di cư lên miền núi sinh sống. Sự hình thành dân tộc Thổ là một ví dụ. Dân tộc Thổ ở Nghệ An có các nhóm Tày Poọng, Đan Lai, Ly Hà cư trú ở các huyện Con Cuông và Tương Dương và các nhóm Kẹo, Mọn, Cuối cư trú ở các huyện Nghĩa Đàn, Tân Kỳ, Quỳ Hợp. Theo các nhà nghiên cứu đi sâu khảo sát các cộng đồng này thì cho rằng đây là các nhóm người có nguồn gốc sâu xa từ các cư dân Việt - Mường. Theo những khảo cứu thì nguồn gốc của các nhóm này là di cư từ các vùng khác ở các huyện Thanh Chương, Diễn Châu, Quỳnh Lưu,… lên sinh sống ở vùng miền núi khoảng hơn 200 năm trở lại đây[1]. Lý do di cư là do loạn lạc, biến động xã hội mà bỏ quê đi tìm đường sinh sống. Cụ thể, nhóm Đan Lai, Ly Hà cũng là người Kinh có nguồn gốc ở vùng Thanh Chương di cư lên bắt đầu từ khoảng thế kỷ XVII. Sau nhiều thế hệ sinh sống ở vùng khác và quan hệ hôn nhân với người khác tộc, họ sáng tạo ra những đặc trưng văn hóa của mình. Nhóm Tày Poọng tự gọi mình là “cùn Tày Poọng” (tôi là người Tày Poọng). Đây không phải là một nhóm có nguồn gốc thống nhất mà gộp từ nhiều nhóm có nguồn gốc khác nhau từ dưới xuôi di cư lên miền núi, có lúc sang Lào sinh sống và sau đó di cư lại Việt Nam[2]. Các nhóm Kẹo, Mọn, Cuối được nhiều nhà nghiên cứu cho rằng có nguồn gốc người Việt. Qua nghiên cứu các cuốn gia phả của các dòng họ lớn trong cộng đồng này, cho thấy rằng họ có nguồn gốc là người Việt ở Yên Thành, Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Hưng Nguyên hay thậm chí ở cả bên Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) di cư lên đây và sống bên cạnh nhau lâu năm mà thành một nhóm như vậy. Miền núi Nghệ An, như Nguyễn Đình Lộc nhận định: “là vùng đất nằm ở giao điểm các luồng đường giao thông quan trọng trong lịch sử. Lưu vực sông Cả với các chi lưu chạy từ Lào qua vùng đất này để đổ ra Biển Đông là điều kiện thuận lợi cho sự di cư xuôi - ngược dọc đầu khe ngọn suối đến đôi bờ hạ lưu. Sự tăng giảm đáng kể của dân số các dân tộc Khơ Mú, Ơ Đu trong vùng, trong lịch sử là minh chứng cho sự chiếm cứ một cách thuận lợi những vùng đất mà điều kiện đi lại, điều kiện tự nhiên cho phép. Người Thổ với các nhóm Tày Pọng (Tương Dương) Đan Lai, Ly Hà (Con Cuông) hay các nhóm Mọn, Họ, Cuối (Tân Kỳ, Nghĩa Đàn, Quỳ Hợp) đều có quan hệ nguồn gốc với các cư dân hoặc là ven biển Cửa Hội (?), hay là Yên Thành, Diễn Châu, Quỳnh Lưu ngược ngàn”[3].
Một tiết mục văn nghệ do các bạn trẻ người dân tộc thiểu số và người Kinh cùng thể hiện
Từ đầu thế kỷ XX, mối quan hệ giữa đồng bằng và miền núi Nghệ An ngày một mạnh mẽ hơn qua những cuộc di cư lớn. Sau khi các cuộc nổi dậy chống lại thực dân Pháp cũng như bộ máy cai trị bị thất bại, nhiều người ở miền xuôi đã bỏ trốn lên miền núi sinh sống. Nhất là sau phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh 1930-1931, hay binh biến Đô Lương (1941), Pháp tăng cường đàn áp thì nhiều người đi lên miền núi, vừa tiếp tục hoạt động cách mạng, vừa chạy trốn sự truy đuổi. Họ trở thành những cầu nối để tiếp tục đưa theo những người khác tham gia hoạt động cách mạng. Trong cuộc kháng chiến chống Pháp, số người từ miền xuôi lên miền núi phục vụ kháng chiến cũng khá nhiều. Nhưng có lẽ mối quan hệ giữa đồng bằng và miền núi Nghệ An khăng khít hơn bao giờ hết phải bắt đầu từ giữa thế kỷ XX, khi miền Bắc bước vào giai đoạn xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Ngay sau khi hòa bình lập lại ở miền Bắc năm 1954, Nghệ An bắt đầu công cuộc khôi phục và phát triển kinh tế, cải tạo xã hội. Bên cạnh khôi phục kinh tế ở miền xuôi thì việc xây dựng các lâm trường quốc doanh ở miền núi trở thành một vấn đề quan trọng. Cuối 1954, Lâm trường Khe Kiền ra đời và đi vào khai thác gỗ phục vụ xây dựng đường sắt Hà Nội - Vinh. Sang 1955, các lâm trường mới như Bãi Phủ, Đông Hiếu, Tây Hiếu, Sông Con... cũng đi vào hoạt động. Tiếp theo đó là công cuộc cải cách dân chủ ở miền núi và đưa cư dân miền xuôi lên miền núi phát triển kinh tế[4]. Để thực hiện những công việc này, nhà nước đã điều động hàng ngàn cán bộ, quân nhân và dân công lên miền núi để phát triển kinh tế, mở đầu cho quá trình chuyển cư lên miền núi làm kinh tế mới. Hai thập niên 1960 và 1970, xứ Nghệ chứng kiến nhiều cuộc di cư mạnh mẽ từ miền xuôi lên miền núi theo các chính sách của nhà nước. Tính đến đầu những năm 1980, chính quyền Nghệ Tĩnh đã đưa hơn 30 vạn người miền xuôi đi khai hoang, xây dựng các vùng kinh tế mới ở miền núi Nghệ An (và một số địa phương ở miền núi Hà Tĩnh sau khi nhập tỉnh năm 1976). Bên cạnh di cư theo chủ trương nhà nước thì còn một số lượng lớn người Kinh từ miền xuôi di cư tự phát lên miền núi do thiên tai lũ lụt hoặc đi tìm cuộc sống mới bớt khó khăn hơn. Theo thống kê của Ban Dân tộc Nghệ An, đến đầu những năm 1990, số lượng người Kinh ở miền núi khoảng gần 300 nghìn người và chiếm gần 50% dân số miền núi, năm 2009 tăng lên hơn 700 nghìn người và chiếm 62% dân số miền núi (tính cả thị xã Thái Hòa và huyện Thanh Chương).
Như vậy, có thể thấy rằng, từ cuối thế kỷ XX trở về trước, mối quan hệ giữa đồng bằng và miền núi được thể hiện nhiều qua quá trình di cư của một bộ phận dân cư từ miền xuôi lên miền ngược, mà rõ nét nhất là nửa sau thế kỷ XX. Đi cùng với người dân là những yếu tố văn hóa như trang phục, công cụ sản xuất, sinh hoạt văn hóa, phong tục tập quán, kết cấu xã hội, giá trị chuẩn mực…. Trong quá trình sinh sống, họ giao lưu và tiếp xúc với văn hóa của các cộng đồng bản địa nơi họ chuyển đến. Nhiều cộng đồng dưới xuôi lên sống cạnh người dân tộc thiểu số và chịu nhiều ảnh hưởng từ văn hóa truyền thống của các cộng đồng này. Ngược lại, văn hóa người Kinh ở miền xuôi càng ngày càng lan tỏa lên miền ngược và ảnh hưởng đến đời sống văn hóa của các cộng đồng khác.
Trong hơn hai thập kỷ gần đây, lại xuất hiện một xu hướng mới trong di dịch cư giữa đồng bằng và miền núi. Đó là sự chuyển cư của một số lượng không nhỏ là người dân tộc thiểu số từ miền núi xuống đồng bằng, đô thị, chủ yếu là TP. Vinh và một số nơi khác để học tập và sinh sống. Trước hết là một số cán bộ người dân tộc thiểu số, sau quá trình làm việc được tiếp xúc nhiều với cuộc sống đô thị, khi đủ điều kiện kinh tế, họ mua nhà cửa ở Vinh và chuyển vợ con xuống đây sinh sống, ăn học và làm việc. Gần đây, số người miền núi di cư xuống miền xuôi tăng lên, nhất là đi học tập ở các trường đại học, cao đẳng, trung cấp hay đi làm ở các khu công nghiệp, các cơ sở dịch vụ, thương mại ở TP. Vinh. Ban đầu, những người này di cư theo mùa, chủ yếu là theo công việc hoặc theo lịch học. Nhưng rồi sau khi tốt nghiệp thì họ xin việc làm ở Vinh, nhiều người lập gia đình và sinh sống tại Vinh luôn. Họ vẫn giữ mối quan hệ khăng khít với gia đình ở miền núi, nhưng thay đổi một số thực hành văn hóa truyền thống cho phù hợp với cuộc sống mới. Bên cạnh sự di cư của người dân từ miền núi xuống vùng đồng bằng thì sự di cư ngược lại vẫn tiếp tục nhưng không đáng kể. Nó phần nào cho thấy bức tranh di cư hiện nay đa chiều hơn so với trước đây.
Tóm lại, sự di cư của con người giữa đồng bằng và miền núi là một hiện thực xã hội phổ biến trong lịch sử Việt Nam nói chung và Nghệ An nói riêng. Di dân có nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu là đều hướng đến việc tìm kiếm điều kiện sống tốt hơn. Sự di cư làm ảnh hưởng mạnh mẽ đến quá trình giao lưu và tiếp xúc văn hóa tộc người. Cùng với sự xuất hiện ngày càng nhiều người Kinh ở miền núi thì kinh tế thị trường cũng ngày càng phát triển mạnh hơn, làm cho văn hóa truyền thống tộc người ở miền núi cũng biến đổi nhanh hơn theo hướng các giá trị văn hóa truyền thống bị mai một và các giá trị văn hóa hiện đại được tiếp nhận ngày càng nhiều hơn. Sự di cư cũng làm cho bức tranh dân tộc ở Nghệ An đa dạng hơn, đa sắc hơn nhưng cũng phức tạp hơn, nhất là các mối quan hệ xã hội, liên quan đến các nguồn lực phát triển. Tuy nhiên, cái gì cũng có hai mặt của nó. Sự di cư luôn mang lại những hệ lụy, nhưng cũng tạo ra nhiều giá trị quan trọng. Và hơn nữa, sự di cư là một hiện thực xã hội, bởi con người luôn muốn tránh những nơi có nhiều bất trắc và tìm đến những nơi có cuộc sống tốt đẹp hơn. Đó là nhu cầu chính đáng nên việc nhà nước quản lý sự di cư cũng cần phải có những cơ sở khoa học và biện pháp phù hợp chứ không thể chủ quan duy ý chí./.
[1] Nguyễn Đình Lộc (2009): Các dân tộc thiểu số ở Nghệ An. Nxb Nghệ An.
[2] Trần Bình (2005): Một số vấn đề về nguồn gốc nhóm Đan Lai và Tày Poọng ở miền Tây Nghệ An. Tạp chí Nghiên cứu Đông Nam Á, số 3, trang 51-57.
[3] Nguyễn Đình Lộc (2009), tài liệu đã dẫn, trang 31.
[4] Xem “Lịch sử Đảng bộ Nghệ An”, tập II (1954-1975), trang 45. Nxb Nghệ An, 1999.
tin tức liên quan
Videos
Khuynh hướng cách tân trong thơ Việt Nam sau 1975
Bàn về “Học thật, thi thật, nhân tài thật” ( Kỳ 2)
Phân tầng xã hội và di dộng xã hội ở Việt Nam hiện nay [kỳ cuối]
Những âm thanh vang vọng núi rừng Tương Dương
Hội nghị Sơ kết cụm thi đua 6 tỉnh Bắc Trung Bộ năm 2023
Thống kê truy cập
114559246

2263

2301

2564

226789

122920

114559246