Những góc nhìn Văn hoá

Văn hoá và con người thời hội nhập - Suy nghĩ từ phương diện sử dụng văn hoá

 1. Con người và văn hóa Việt Nam đang biến động dữ dội chưa từng có

Con người và văn hóa có mối quan hệ khăng khít không thể tách rời. Con người nhờ văn hóa mà có giá trị, văn hóa nhờ con người mà được bảo tồn và phát huy. Nhưng cả con người và văn hóa đều bị chi phối bởi điều kiện xã hội lịch sử. Có thể nói từ thế kỉ XX đến nay là thời kì văn hóa Việt Nam bị đổi thay, xáo trộn dữ dội nhất, các giá trị được hình thành, chuyển hóa rồi mất đi, thay vào đó là những giá trị mới, nhiều khi không mong muốn.

Thật vậy, từ cuối thế kỉ XIX đến giữa thế kỉ XX, cùng với các cuộc đấu tranh chống thực dân lần lượt thất bại, văn hoá truyền thống đã bị đánh giá lại để bị thay thế bằng hệ giá trị văn hóa mới, có nguồn gốc tư sản phương Tây và thuộc địa. Những giá trị văn hoá từng là công cụ đi xâm lược dưới lá cờ “khai hóa” của bọn thực dân phương Tây đã được một số nhà yêu nước suy nghĩ lại, chủ trương tiếp nhận để nâng cao dân trí nước nhà. Sau Cách mạng Tháng Tám, qua hai cuộc kháng chiến chống ngoại xâm và các cuộc cải tạo tư tưởng theo ý thức hệ vô sản đã quét sạch các giá trị văn hóa truyền thống lẫn văn hoá mới tư sản vừa mới tiếp thu dưới tên gọi “văn hoá phong kiến, thực dân, tư sản”. Từ sau năm 1975, thống nhất đất nước, các truyền thống văn hoá cách mạng đến lượt nó bị mài mòn dần, sự xả hơi sau cuộc chiến làm sống lại các hoạt động văn hoá giải trí và hưởng thụ, thay thế hệ giá trị hi sinh, cần kiệm liêm chính đã làm nên thắng lợi. Từ thời kì đổi mới với sự hình thành nền kinh tế thị trường, giao lưu ồ ạt về kinh tế và văn hóa với phương Tây, đặc biệt từ sau khi Liên Xô và các nước Đông Âu sụp đổ, mặc dù nhà nước vẫn kiên trì đường lối mác xít, định hướng xã hội chủ nghĩa, nhưng trong tâm thức người dân đã có sự sụp đổ ngổn ngang về lí tưởng xã hội; chủ nghĩa cá nhân, chủ nghĩa cơ hội, chủ nghĩa vị kỉ vơ vét cho đầy túi tham trỗi dậy mãnh liệt trong mọi tầng lớp, nhất là tầng lớp có quyền lực, tạo nên quốc nạn tham nhũng, tội phạm hoành hành. Công cuộc công nghiệp hoá, thay đổi cơ cấu kinh tế làm cho hàng triệu nông dân mất ruộng đất, thay đổi nghề nghiệp, nền tảng vật chất của văn hóa đã lung lay tận gốc khiến cho giá trị văn hóa truyền thống của họ đang mất để chạy theo các giá trị mới. Hàng triệu người làm công cho các xí nghiệp nước ngoài với các điều kiện lao động áp đặt khắt khe cũng làm thay đổi ý thức về giá trị văn hoá của họ. Hàng triệu người đi lao động nước ngoài, hàng chục vạn người đi làm vợ người nước ngoài cũng buộc phải thay đổi giá trị văn hoá để sống chung với văn hoá mới.

 Trong thời kì hội nhập sự phát triển kinh tế thị trường và giao lưu văn hóa vừa làm thay đổi văn hoá vừa thay đổi con người một cách dữ dội. Sự phát triển kinh tế dựa vào kinh nghiệm, cơ chế phương Tây đồng hành cùng văn hóa phương Tây có sức mạnh tổng hợp làm thay đổi văn hoá dân tộc rất to lớn, văn hoá dân tộc – sản phẩm của truyền thống và cách mạng đang bị tổn thương, băng hoại theo một tốc độ chóng mặt mà chưa có cách gì kìm lại được.

Văn hóa dân tộc, trải qua hơn ba chục năm chiến tranh, có một số mặt giá trị như tinh thần yêu nước, yêu đồng bào tuy có được phát huy đến tận độ nhưng chúng chỉ được duy thì trong điều kiện bất bình thường của chiến tranh. Có những mặt giá trị như văn hóa đời thường, đặc biệt là đạo lí làm người, do cách mạng vô sản và chiến tranh kéo dài đã bị bào mòn, không mấy ai chú ý. Các giá trị văn hoá được giáo dục trong chiến tranh như ý thức nghĩa vụ, tinh thần sẵn sàng phục tùng củng cố cho ý thức mất dân chủ, và tình cảm giai cấp, dân tộc, tinh thần đấu tranh quyết liệt, không khoan nhượng, chuyển hóa thành thái độ cơ hội, sách nhiễu trong cơ chế quan liêu, hành chính hóa; còn các chuẩn mực và tình cảm khác như sự tôn trọng lẫn nhau, coi trọng nhân dân, coi trọng chữ tín, coi trọng các phẩm chất, tài năng, cá tính khác biệt, tinh thần khoan dung, sự coi trọng trí thức... thì dần dần bị mài mòn cơ hồ không còn thấy.

Tóm lại văn hóa Việt Nam đang ở trong cơn biến động dữ dội. Đời sống văn hóa của đất nước đầy rẫy mâu thuẫn. Lí tưởng cộng sản chủ nghĩa, lí tưởng xã hội chủ nghĩa tốt đẹp, tấm gương Bác Hồ sáng ngời và những lời dạy của Người mâu thuẫn sâu sắc với thực tế xã hội; Các chủ trương cao cả trong các nghị quyết của Đảng và chính phủ mâu thuẫn với thực tế thi hành trong các cơ quan, công trường, xí nghiệp. Đảng rất quan tâm đến giáo dục, văn hoá, trí thức, nhưng thực tế giáo dục, văn hoá vẫn xuống cấp, trí thức vẫn nghèo nàn, yếu kém, không đóng được vai trò mà xã hội mong đợi; Đảng ta muốn kìm giá, giữ giá đảm bảo dân sinh, nhưng giá vẫn tăng, mà người đi đầu tăng giá lại chính là nhà nước. Hình như khi làm việc người ta chỉ quan tâm tới mối lợi trước mắt, ít người quan tâm lợi ích toàn cục của đất nước trong lâu dài. Nhiều khẩu hiệu trông có vẻ hợp lí nhưng ít đáp ứng nhu cầu văn hoá tư tưởng hiện tại. Các tư tưởng trước đây thù địch như nước với lửa nay lại hòa trộn vào tất cả các mặt đời sống. Mỗi con người, đời sống bên trong và đời sống bên ngoài không ăn nhập với nhau, lời nói bên ngoài và ý nghĩ bên trong thường không thống nhất với nhau; lời nói nơi cơ quan, công sở với lời nói riêng tư với nhau lại mang tính chất khác nhau hẳn. Từ trên xuống dưới đời sống của mọi người hầu như ai cũng bất an, vội vàng, tất bật, nôn nóng, đụng một tí là có thể gây ra xô xát, mắng chửi, sát phạt, đâm chém bằng mọi thứ phương tiện. Giữa lời nói và việc làm không đi đôi, giữa nghị quyết và sự thực thi không ăn khớp, biết là sai mà vẫn làm. Đó là thực trạng mà chúng ta không thể né tránh khi bàn về văn hóa và con người hiện nay.

Chính vì vậy, trong điều kiện kinh tế thị trường, giao lưu hội nhập hôm nay cần có sự kiểm kê văn hóa của con người Việt Nam.

2. Chính trị, kinh tế là nhân tố chủ yếu quyết định số phận của văn hóa. Nghiên cứu văn hóa Việt Nam hiện nay có thể đi theo những hướng nào? Phần lớn các công trình nghiên cứu văn hóa cho đến nay chủ yếu đi tìm bản chất văn hóa dân tộc. Đã có cách tiếp cận văn hóa Việt Nam từ ảnh hưởng của ý thức hệ tư tưởng truyền thống như Nho gia, Phật giáo, Đạo gia. Lại có cách đi tìm con người Việt Nam từ đặc trưng của nền sản xuất lúa nước, với công thức 4F, có người xây dựng mô hình lí thuyết để mô tả văn hoá dân tộc(1). Các cách tiếp cận ấy dù sao cũng thiên về đi tìm cái bất biến, cái hằng số tĩnh tại của văn hóa dân tộc. Đối với văn hóa trong thời kì chuyển biến dữ dội, thiết nghĩ phải tìm con đường khác. Chúng tôi nghĩ đến phương diện sử dụng văn hóa như một phương diện vừa phản ánh nhu cầu văn hóa của con người, vừa thể hiện quy luật diễn biến văn hóa, vừa có thể hé lộ những cơ chế bên trong quy định việc sử dụng văn hoá của một dân tộc.

Thật vậy, nếu hiểu văn hóa là tổng thể các thành tựu vật chất và tinh thần làm nên cuộc sống của xã hội thì việc sử dụng văn hóa là nhân tố quyết định số phận của văn hóa. Văn hóa được lưu truyền và xác lập là do người sử dụng. Nho giáo đã có từ lâu, song đến đời Hán mới trở thành độc tôn do nhu cầu xây dựng nhà nước phong kiến tập quyền. Chủ nghĩa Mác Lênin đã có từ lâu nhưng do nhu cầu khẳng định vai trò Đảng lãnh đạo độc tôn, xây dựng nhà nước chuyên chính vô sản nó mới được quy định thành hệ tư tưởng chính thống. Bắt đầu từ đề xuất trong Đề cương văn hoá năm 1943, trải qua tranh luận văn nghệ Việt Bắc và được hoàn toàn khẳng định qua cuộc đấu tranh chống nhóm "Nhân Văn – Giai phẩm" từ những năm 1957 – 1960; đấu tranh chống "chủ nghĩa xét lại hiện đại" trong tư tưởng những năm 1964 – 1965 hệ tư tưởng mác xít được khẳng định tuyệt đối. Văn hóa lí thuyết là tiềm năng mà sử dụng văn hóa mới là thực tế, giữa văn hoá và sử dụng văn hóa có một khoảng cách không thể đồng nhất.

Đóng vai trò quyết định sử dụng văn hóa trong từng thời kì lịch sử không phải là những người bình thường, riêng lẻ, mà chủ yếu là những kẻ có quyền lực, những phong trào và tập đoàn chính trị. Phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục là người thay mặt quốc dân quyết định việc lựa chọn chữ Quốc ngữ và truyền bá Tân Thư. Phạm Quỳnh tổ chức giới thiệu văn hóa Đông Tây, gây nên phong trào sùng bái Truyện Kiều ở trên Nam Phong tất nhiên phải có sự hỗ trợ của chính quyền Pháp, phục vụ lợi ích của chế độ thực dân. Chính trị quyết định văn hóa, quyết định lựa chọn các truyền thống văn hóa trong và ngoài nước có lợi cho mình. Tất nhiên chính trị quyền lực không phải là tất cả. Nếu là tất cả thì sau nghìn năm Bắc thuộc văn hóa Việt Nam đã không còn gì. Nhưng chính trị có lúc thúc đẩy văn hóa, nhưng nhiều khi đóng vai trò kìm hãm nghiêm trọng đối với sự phát triển bình thường của văn hóa. Bắc thuộc đã kìm hãm sự phát triển của tư tưởng, chữ viết, mà phải đến sau khi nước nhà Độc lập vào thế kỉ X thì văn hóa Việt Nam mới có cơ hội phát triển vượt bậc.

Yếu tố kinh tế xã hội, theo đúng nguyên lí Mác xít đóng vai trò quyết định suy đến cùng trong tác động tới văn hóa. Chỉ mới bước vào kinh tế thị trường mà cơ hồ như toàn bộ đền, chùa, miếu mạo, lễ hội biến thành phương tiện quảng cáo du lịch. Hàng loạt bức tượng cổ quý hiếm, các bức sắc phong bị mất cắp hoặc chui tọt vào các bộ sưu tập tư nhân và tương lai không biết sẽ trôi dạt phương nào tuỳ theo giá cả thị trường. Từ ngàn xưa nhân dân ta tuy rất nghèo nhưng đã tự góp công của để xây đền chùa tưởng nhớ các vị anh hùng, cho nên nhìn chung quy mô đều rất bé, và vì bé nhỏ, ít gây chú ý mà được bảo tồn lâu đời. Ngày nay các công trình văn hoá làm bằng tiền dự án, phần chia chác nhiều hơn phần xây dựng cho nên bề ngoài tuy có vẻ đồ sộ, mà giá trị kiên cố và thẩm mĩ lại thường rất thấp.

Nói đến yếu tố chính trị và kinh tế xã hội còn phải nói thêm, bản thân chính trị và kinh tế cũng có phương diện văn hóa của nó như hiểu biết về nhà nước, văn hóa, về pháp luật, về dân chủ, về ngoại giao, về năng lực quản lí đất nước... Khi mặt bằng của văn hóa chính trị và kinh tế còn thấp kém, nông cạn, thiên về bắt chước máy móc, giáo điều nhiều hơn là tư duy độc lập, sáng tạo xuất phát từ thực tế của đất nước, thì vai trò quy định văn hoá của nó khó lòng tưởng tượng nổi là sẽ đưa văn hóa dân tộc đi đến đâu. Chỉ cần nhớ lại các cuộc đốt sách trong Cải cách ruộng đất, đặc biệt là đốt kho tàng thư nhà Nguyễn Du, đốt sách “đồi trụy” và “phản động” sau mỗi thời kì đất nước được giải phóng, những cuộc dở bỏ đền chùa, phá bỏ bia đá... đã chứng tỏ sự yếu kém đến vô cảm về văn hoá dân tộc của những người chủ mới của đất nước, những người chỉ thấy yêu cầu chính trị trước mắt mà ít quan tâm nhu cầu văn hoá lâu dài. Có nhiều giá trị văn hoá bọn xâm lược phương Bắc và bọn thực dân Pháp không thể phá hoại nổi thì đến lượt những người chủ cấp tiến của chúng ta phá tiếp, phá sạch. Thực tế lịch sử này cho thấy người quản lí văn hoá trước hết phải có trình độ văn hoá. Tất nhiên văn hoá đây không phải chỉ là có bằng cấp, chức danh, học hàm, những thứ mà người ta có thể mua bằng tiền bạc và quyền lực.

3. Tầng lớp trí thức bị coi thường không đóng được vai trò đối với văn hoá dân tộc.

Tầng lớp trí thức đóng vai trò rất lớn trong việc duy trì và phát huy giá trị văn hoá dân tộc. Vai trò này có thể rất bảo thủ trì trệ, tiêu cực, mà cũng có thể là rất tích cực, tiến bộ. Chính họ là người nghiên cứu, chọn lọc, giới thiệu, hệ thống hoá, phiên âm, phiên dịch các di sản bằng chữ Hán, chữ Nôm, phiên dịch các công trình văn hoá từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt làm giàu cho đời sống tinh thần dân tộc từ mọi phương diện: chính trị, lịch sử, triết học, pháp luật, văn học, nghệ thuật, tôn giáo, khoa học, kĩ thuật.... Địa vị xã hội những người này nhìn chung thường bé nhỏ, được đãi ngộ thấp, nhưng trách nhiệm đối với văn hoá dân tộc lại rất lớn. Chỉ một chút cơ hội, chiều lòng khuynh hướng tư tưởng bảo thủ, có người nêu lên khẩu hiệu trong nhà trường là “tiên học lễ, hậu học văn”, nội dung tù mù, mỗi người giải thích một phách, mà từ Bắc chí Nam, ở đâu có trường học y như là có thể bắt gặp khẩu hiệu ấy, trong lúc, khẩu hiệu hiện đại: “Học để biết, học để sống, học để chung sống, học để làm, học để sáng tạo” rất thịnh hành trên thế giới thì lại rất khó vào được nhà trường của ta. Đây là minh chứng cho sự bảo thủ của trí thức Việt Nam.

   Vai trò của trí thức có phát huy được trong sự nghiệp phát triển văn hoá dân tộc hay không phụ thuộc vào ý nghĩa hai chữ trí thức vậy. Trí thức không chỉ là người có trình độ học vấn cao, chuyên sâu trong lĩnh vực của mình, mà chủ yếu là người có năng lực tư duy độc lập, họ gắn với quảng đại quảng chúng hơn là gắn với chốn miếu đường, họ giữ vai trò lương tâm của văn hoá hơn là làm một người ngự dụng để vinh thân phì gia. Ý thức ngự dụng phát triển từ trong ý thức phục tùng vô điều kiện của thời chiến đã làm biến chất cả một thế hệ trí thức của đất nước.

Trí thức có phát huy vai trò văn hóa hay không còn do họ và tiếng nói của họ có được tôn trọng đúng với vai trò của họ hay không, họ có được cơ hội bàn bạc về thực trạng, tương lai của đất nước hay không. Nói cách khác là họ có vị trí độc lập suy nghĩ trong đời sống tư tưởng của đất nước hay không. Nếu quyền suy nghĩ chỉ được trao cho một số người, suy nghĩ chỉ được đi theo một hướng định sẵn, thì đại bộ phận trí thức sẽ suy thoái như một cơ quan vô dụng của cơ thể. Thực tế hiện nay khi nhu cầu văn hoá xã hội lên cao thì chúng ta mới thấy vừa thiếu trí thức lại vừa bất mãn với trí thức mà thử hỏi mấy ai đã đi tìm nguyên nhân về phương diện lịch sử xã hội? Bây giờ đang có tâm lí hướng “ngoại” để tìm văn hoá và tri thức. Đó là điều rất tốt, nhưng nếu cứ tự làm nghèo cái “nội” thì cái ngoại nhìn vào đâu để yên tâm mà phụng sự nước nhà?

4. Về cơ chế “diễn giải”, “phiên dịch”, “đối chọi”, “tiếp biến” trong sử dụng và sáng tạo văn hoá

Văn hóa được lưu truyền, sáng tạo thường dựa vào cơ chế diễn dịch, phiên dịch. Các giá trị văn hoá trong lịch sử được sáng tạo ra nhằm đáp ứng như cầu văn hoá của thời đại của nó, hoàn toàn không phải nhằm giải quyết các nhu cầu của đời sau. Nếu đời sau nhìn thấy giá trị của nó thích hợp với mình thì thực tế đã qua một sự diễn giải, diễn dịch nhất định, chứ không còn là nguyên dạng nữa. Từ Nho giáo của Khổng Tử, Mạnh Tử đến nho giáo của đời Hán đã khác xa mà sang nho giáo của đời Tống còn khác hơn nữa. Chủ nghĩa Mác từ Mác, Ăng ghen qua Lên nin, Stalin, qua các đảng Mác xít khác đã được giải thích lại rất nhiều tầng, trật tự giá trị thay đổi trong những bối cảnh (ngữ cảnh) khác nhau, vì thế mới có các cuộc tranh luận về Mác xít chính thống với chủ nghĩa Mác xét lại, chủ nghĩa Mác phương Đông với chủ nghĩa Mác phương Tây, mà ngày nay nhiều người nhận thức một sự đa nguyên về chủ nghĩa Mác.

Trong quan hệ phương Đông - phương Tây, phương Đông là thế giới chậm tiến, đối tượng xâm lược, nô dịch của tư bản phương Tây. Đúng như E. Said trong sách Chủ nghĩa phương Đông đã chỉ ra, để nô dịch phương Đông, phương Tây, bắt đầu từ các giáo sĩ, đã vẽ ra một huyền thoại về phương Đông với mục đích chứng minh phương Đông lạc hậu, cần có sự khai hóa, khai sáng của phương Tây thì mới tránh khỏi diệt vong trên đường tiến hoá của nhân loại. Mặt khác, so với phương Tây thì các nước phương Đông lạc hậu thật, mà muốn “hiện đại hoá” thì bắt buộc phải “Âu hoá”, trong mắt của đa số người ở các nước này Âu hoá, Mĩ hóa ngày nay trở thành nội dung lớn, chủ yếu của hiện đại hóa. Ở Đông Á hầu hết các thuật ngữ về khoa học xã hội và khoa học tự nhiên, kĩ thuật, công nghệ đều do các trí thức Nhật Bản thời Minh Trị Thiên Hoàng dịch sang tiếng Nhật, sau đó Trung Quốc tiếp thu, Việt Nam lại tiếp thu qua nguồn Tân thư. Sách vở phương Tây đã truyền bá và áp đặt cho người phương Đông cách nhìn chính mình bằng con mắt của người phương Tây. Chẳng hạn, lí thuyết dân tộc chủ nghĩa phương Tây cho rằng nhân loại phân biệt nhau bằng tính cách dân tộc (national character, national characteristic, còn dịch thành “tính dân tộc”, “quốc dân tính”, “bản sắc dân tộc”), các dân tộc phương Đông do có nhiều nhược điểm cho nên họ bị lạc hậu. Và thế là hàng loạt trí thức của các nước này cũng tìm cách giải thích tình trạng nước mình bằng “tính dân tộc”, và coi việc cải tạo tính dân tộc là con đường để tự cường và giải thoát khỏi nghịch cảnh. Ở Trung Quốc suốt từ cuối thế kỉ 19 đến những năm 30, 40, từ Lương Khải Siêu, Trần Độc Tú, cho đến Lỗ Tấn đều trăn trở về “quốc dân tính”, Lỗ Tấn còn sáng tạo ra nhân vật AQ tiêu biểu cho linh hồn quốc dân Trung Quốc được ghi nhận một thời, còn Bá Dương trong sách Người Trung Quốc xấu xí thì lại khám phá sâu hơn, toàn diện hơn nhưng cái xấu xa của dân tộc mình. Ở Việt Nam, Phan Châu Trinh và nhiều người khác cũng đi theo con đường đó, vạch ra cái xấu của người Việt Nam, và ngày nay, được cổ vũ bởi Bá Dương bên Đài Loan, một số trí thức Việt Nam cũng có tham vọng viết công trình “khoa học” về người Việt xấu xí! Theo chúng tôi, đó là điển hình của cách nhìn dân tộc mình theo con mắt phương Tây, một bằng chứng của ý thức hậu thực dân. Thực ra dân tộc nào, tuỳ theo điều kiện phát triển lịch sử của mình, đều có mặt ưu điểm, nhược điểm và sự tiến bộ, lạc hậu của một dân tộc không phụ thuộc vào cái gọi là nhược điểm của dân tộc. Luận điểm đó hàm ý rằng nước ta muốn tiến bộ thì trước hết phải cải tạo tính cách dân tộc, và dân tộc như dân tộc ta sẽ mãi mãi lạc hậu, vì biết bao giờ mới cải tạo được tính dân tộc, một khi tính dân tộc ấy là đặc trưng bản chất ( ! ) phân biệt dân tộc này với dân tộc khác? Một khuynh hướng khác chống lại quan niệm áp đặt kia thì lại đi tìm bản sắc dân tộc như là một cái gì bản chất, bất biến, làm cho dân tộc tự đứng vững, không bị tha hóa trước tác động của văn hoá nước ngoài. Nhưng bản sắc dân tộc là gì, chúng ta đã tốn biết bao nhiêu giấy mực, mà cho đến nay theo chúng tôi, đó vẫn chỉ là một huyền thoại. Tất cả đều là những phản ứng khác nhau trước huyền thoại “chủ nghĩa phương Đông” của phương Tây, mà không phải là cách tư duy độc lập của những trí tuệ độc lập.

Một ví dụ khác, theo quan niệm của “chủ nghĩa phương Đông”, phương Tây văn minh là do con người cá nhân phát triển rất sớm, chủ nghĩa cá nhân làm cho con người cá nhân biết tự chủ, không bị thống thuộc, họ có thể bình đẳng trước pháp luật, xây dựng chế độ dân chủ cộng hòa, còn xã hội phương Đông, do chưa có chủ nghĩa cá nhân, cho nên con người chỉ là phụ thuộc, nô lệ cho bề trên, chưa thể có điều kiện xây dựng xã hội dân chủ, cộng hòa, chưa có bình đẳng trước pháp luật, vì vậy cần có người phương Tây khai sáng, cai trị, dẫn dắt thì mới tiến bộ được. Lí thuyết chủ nghĩa cá nhân đã được tiếp nhận vào Trung Quốc, Việt Nam để chống lễ giáo phong kiến, giải phóng cá nhân khỏi các thứ trói buộc, chẳng hạn như Tố Tâm, Nửa chừng xuân, thơ Mới..., nhưng nó đồng thời cũng là lí thuyết để biện minh cho cuộc sống vị kỉ, vô luân, như Đời mưa gió, Băn khoăn... Đối với các nước đang sống trong vòng nô dịch của ngoại bang, chủ nghĩa cá nhân mâu thuẫn sâu sắc với tư tưởng quốc gia, với cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc đòi hỏi nhiều hi sinh và phục tùng. Chuyển sang ý thức hệ vô sản đề cao chủ nghĩa tập thể, tinh thần hợp tác thì chủ nghĩa cá nhân trở thành kẻ thù không đội trời chung của giai cấp vô sản, chính vì vậy chủ nghĩa cá nhân đã bị đem đồng nhất với chủ nghĩa vị kỉ xấu xa, trở thành đối tượng của cách mạng trong các cuộc đấu tranh tư tưởng. Từ chống chủ nghĩa cá nhân trong tư tưởng đến chống chủ nghĩa cá nhân trong nghệ thuật là con đường mài mòn bản sắc cá tính, làm cho văn học ít có sáng tạo đột xuất, có tầm cỡ. Chịu ảnh hưởng sâu sắc của huyền thoại cá nhân phương Tây, một số học giả Việt Nam cũng cho rằng văn học trung đại Việt Nam là “vô ngã”, chỉ từ văn học thế kỉ 20 mới bắt đầu có con người cá nhân. Quan niệm đó mâu thuẫn với thực tế là nếu không có quan niệm cá nhân thì đã không thể hình thành được tác giả văn học trong quá khứ.

Trong bối cảnh đấu tranh chống tư tưởng xét lại, chúng ta đã chống các học giả mác xít phương Tây, chống hết các học thuyết phi mác xít, ngày nay trong bối cảnh mới chúng ta lại có thể tiếp thu những ý tưởng đa dạng sâu sắc của họ. Trong bối cảnh hiện nay, có thể có xu hướng tiếp thu toàn bộ, Âu Mĩ hóa toàn bộ, trừ tư tưởng chống chủ nghĩa Mác, chống cộng.

Trong giao lưu với thế giới hiện nay, do mặc cảm về sự nhỏ yếu của văn hóa nước nhà, chúng ta ít có công trình nghệ thuật, kiến trúc đồ sộ, nhiều người đã chạy theo mốt các nước, làm rất nhiều tượng đài đặt ở khắp nơi, chỉ có điều là tốn kém, xấu và chóng xuống cấp mà không hề có giá trị “nâng cao” tầm vóc của đất nước chút nào.

Tóm lại, việc sử dụng văn hóa tuy phụ thuộc vào điều kiện, bối cảnh xã hội lịch sử, nhưng chủ yếu phụ thuộc vào trình độ văn hóa của chủ thể. Chủ thể văn hóa của chúng ta từ cấp vĩ mô đến tầng lớp trí thức, người dân thường, do nhiều đảo lộn lịch sử về giá trị văn hoá, đến nay đã ở trình độ thấp kém khá toàn diện. Trình độ ở đây không chỉ là hiểu biết, mà ở ý thức đạo đức, chủ nghĩa vị kỉ, chủ nghĩa duy lợi, chủ nghĩa thực dụng. Do đó muốn cứu văn hóa nước nhà trước hết phải cứu lấy văn hóa trong từng con người. Một mặt cần có tinh thần cởi mở, cầu tiến, khoan dung với những cái khác mình để làm giàu cho mình; mặt khác, cần xuất phát từ thực tế, nâng cao tinh thần phê phán (không hiểu theo tinh thần phê phán trước đây, chỉ chú trọng tư tưởng, ý thức hệ, mà hiểu theo tinh thần tự chủ), tìm thấy cái hữu ích, thiết thực, chống bắt chước, chạy đua bề ngoài, vừa tốn kém của cải vốn đã không giàu có gì của đất nước, lại gánh chịu thêm các hậu quả không dễ dàng khắc phục. Có tự chủ về văn hóa mới không chạy theo bề ngoài, không hoa mắt trước cuộc giao lưu quốc tế ngày càng mở rộng./.


tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114513267

Hôm nay

253

Hôm qua

2315

Tuần này

21204

Tháng này

220140

Tháng qua

121356

Tất cả

114513267