Những góc nhìn Văn hoá

Dẫn nhập vào thông diễn luận của Gadamer (kỳ I)

Hans-Georg Gadamer

Hans-Georg Gadamer là một trong những nhà triết học lỗi lạc nhất châu Âu nói riêng và thế giới nói chung trong thế kỷ XX. Tác phẩm của ông tập trung bàn về thông diễn luận triết học hiểu một khoa học diễn giải. Công trình Chân lý và phương pháp, kiệt tác của ông, được xem là một trong những tác phẩm nền tảng của triết học hiện đại. Tuy nhiên, các ý tưởng của Gadamer, phần vì mối quan hệ phức tạp giữa chúng, phần vì lối diễn đạt khó hiểu của ông, chắc chắn đặt ra một thách thức rất lớn cho người đọc.

Cuốn sách này được Chris Lawn chấp bút cho tủ sách Ghi chú cho những điều bối rối (Guide for the Perplexed) của Nxb Continuum, là một cuốn sách lý tưởng cho bất kỳ ai đang cố gắng để có được lối vào tác phẩm cũng như tư tưởng của vị triết gia này. Qua việc cung cấp một lối giải thích sáng rõ về các học thuyết chủ đạo của triết học Gadamer, cuốn sách còn đề ra một lối giải thích đầy đủ và đặc biệt có giá trị về thông diễn luận của ông. Cụ thể, cuốn sách tập trung trình bày và phân tích rõ ràng về những thuật ngữ thường gây bối rối cho người đọc như sự hòa trộn của các chân trời, ý thức lịch sử tác động, logic của câu hỏi và câu trả lời, thiên kiến, truyền thống…

Xin trân trọng giới thiệu với quý bạn đọc một số phần của cuốn sách.

LỜI TỰA

Lời đề nghị dành cho tác phẩm này đến từ Hywel Evans, người phụ trách khai thác mảng triết học trước đây của nhà xuất bản Continuum, và tôi muốn cám ơn ông đã mời tôi đóng góp cho loạt sách này. Quan niệm đối với loạt sách Ghi chú cho những điều bối rối (Guides for the Perplexed), như tôi hiểu nó, là làm sáng rõ các quan niệm triết học phức tạp và khó hiểu của các nhà triết học nổi tiếng. Tôi hy vọng tôi đủ tự tin cho sự trình bày vắn tắt này. Hầu hết các nghiên cứu về Gadamer đều nhắm đến tập trung như nhất vào tác phẩm chủ đạo của ông, Chân lý và Phương pháp (TM, 1989). Nghiên cứu này đã tìm cách đi xa hơn bằng cách chỉ ra những sự phát triển ở trong tư tưởng của Gadamer suốt hơn 40 năm, tức là sau ấn bản đầu tiên của ông, Chân lý và Phương pháp. Tôi thấy rằng Gadamer rất có trách nhiệm về một nghiên cứu dài hơi liên quan đến tư tưởng truyền thống. Với lý do dung lượng của ấn phẩm, các nghiên cứu thông diễn luận mới mẻ của ông, cụ thể là về Plato và Aristotle, không được xem xét ở đây, tốt hết chúng ta nên bỏ qua điều này.

Tôi đã tìm cách trình bày các quan niệm và các chủ đề chính trong tác phẩm của Hans-Georg Gadamer và giải thích chúng theo các thuật ngữ dễ hiểu hơn. Bởi lẽ, Gadamer thỉnh thoảng thừa nhận một tri thức chi tiết về lịch sử triết học mà ông cố ý xem nó như là không có tính chuyên môn, từ đó giúp làm sáng rõ hơn loại triết học miệt mài với lô-gíc học của những sự phân biệt chính xác. Điều này có rất nhiều lý do. Thứ nhất, ông đứng trong một nền truyền thống học thuật luôn không gần gũi với học thuật của trào lưu triết học phân tích Anh-Mỹ. Tôi đã có ý thức về điều này và đã tìm cách đề ra một cơ sở cần thiết khiến cho Gadamer thích hợp hơn với các quan niệm và các trào lưu bên ngoài truyền thống vừa được nhắc đến của ông, tức là truyền thống trí thức Đức.

          Thứ hai, ngay từ đầu Gadamer đã khó để được đặt định bởi vì tác phẩm của ông không dễ để có thể làm sáng rõ và dự án tri thức của ông dường như rất rộng và rất phổ quát.

          Theo sự phân định triết học truyền thống thì Gadamer không làm việc với siêu hình học hay đạo đức học hoặc triết học chính trị mà ông đã đề ra con đường đi của mình như thể để khiến cho thông diễn luận triết học (philosophical hermeneutics) của ông tương thích với mọi lĩnh vực này và với các lĩnh vực khác nữa. Chắc hẳn dự án của ông là có tính triết học nhưng nó thực sự vượt ra khỏi phạm vi thường bó hẹp của nhiều nhà triết học đương thời. Gadamer tìm cách thiết lập ý nghĩa của sự hiểu (understanding) của con người xem như đó là hiện tượng có tính triết học, lịch sử và văn hóa. Đặc biệt ở các tác phẩm hậu kỳ của mình, ông cũng đã mang lại một chiều kích thông diễn luận cho mọi hoạt động của con người và có thể đưa ra một sự thẩm định phê phán có liên quan đến những chủ đề đó.

Người ta có thể xem Gadamer như là một trong số những học giả cuối cùng của các nhà trí thức châu Âu, được ban cho với những lời tán tụng lẫn phê phán. Ngoài việc cũng là một nhân vật thân tín với những sự phát triển ở trong nghệ thuật trừu tượng, ông rất thông thạo về nhân học, ngôn ngữ học và triết học. Giống các nhà trí thức “hậu triết học” (post-philosophical) của Richard Rorty, tầm nhìn của Gadamer đối với sự ham hiểu biết tri thức là rất rộng và quan niệm chính của ông cho rằng mọi sự hiểu về cơ bản là có tính đối thoại (dialogue) được nắm bắt một cách tối ưu khi mà những ranh giới của sự chuyên môn hạn hẹp không còn tương thích nữa và các quan niệm triết học, văn học, khoa học đang trong thế đứng tương đối thanh thản.

Cuối cùng, Gadamer khó bởi vì trong khi thuật ngữ của ông thường ít có tính chuyên môn nhưng lại phức tạp, có tính gợi ý, khó nắm bắt và không có độ chính xác cao. Điều này, tôi cho rằng không phải là cái cớ để xem tác phẩm của ông là đáng lo ngại mà ngược lại, để mở ra không gian diễn giải dựa vào đó mà thông diễn luận của ông kiên quyết tập trung.

Nhiều đồng nghiệp, sinh viên và bạn bè đã khuyến khích mối quan tâm của tôi đối với Gadamer trong những năm qua. Một món nợ đặc biệt thay cho lời cám ơn mà tôi muốn gửi đến đồng nghiệp và cũng là bạn của tôi Louise Campbell, người đã giúp đỡ tôi đọc và bình luận về chương Mỹ học, dẫu vậy bất kỳ sự sai sót lẫn hiểu lầm nào cũng đều hoàn toàn là của tôi cả. Mary Fox, Jeff Lambert, Joby Hennessy, Angus Mitchell và Treasa Campbell, không hiểu rõ nó, nhưng đã cho tôi sự quý mến để tôi giải thích Chân lý và Phương pháp cũng như tầm quan trọng của Gadamer: tôi không chắc rằng tôi đã thành công mà không nhờ nỗ lực tạo ra quyển sách này xem như là kết quả cho những sự quý mến kia. Sau cùng, tôi muốn cám ơn Margaret vì tính kiên nhẫn của cô ấy và Omar cùng Polly với một tình bạn keo sơn.

DẪN NHẬP

Toát yếu về Gadamer

Làm thế nào người ta có thể mô tả thành tựu của một nhà triết học chỉ trong vài câu văn ngắn ngủi? Trong Các nhà tư tưởng vĩ đại từ A đến Z, tôi đã đáp lại thách thức này và đã viết một gợi dẫn về Gadamer. Chỉ dẫn duy nhất từ các nhà biên tập là phần này không thể quá 800 từ, vì thế nó phải ngắn gọn và chính xác. Tôi đã viết như sau:

Kể từ Descartes, triết học hiện đại đã xem phương pháp chính xác (correct  method) như là một đường đi dành cho tính chắc chắn tuyệt đối (absolute certainty). Được trang bị với một thủ tục thuần lý, tư tưởng con người dần đáp ứng khả năng cho khoa học tự nhiên trong việc thay thế những sức lực đen tối của truyền thống với chân lý khách quan (objective truth). Tác phẩm của Hans-Georg  Gadamer (1900-2002) tranh luận lại lối giải thích lạc quan này của thời hiện đại, đặc biệt trong tác phẩm chủ đạo Chân lý và Phương pháp (1960). Gadamer bắt đầu định giá lại ý niệm truyền thống, nơi mà tư tưởng Khai sáng (Enlightenment) đã gia tăng khoảng cách giữa chính nó với truyền thống, qua tuyên bố rằng “truyền thống” (tradition) và “lý tính” (reason) không thể dễ dàng vứt bỏ đi được. Theo Gadamer, truyền thống không thể là một đối tượng của cuộc truy tìm lý tính “thuần túy”. Quan niệm cho rằng chúng ta có thể bước ra khỏi những điểm quy chiếu văn hóa của chúng ta để bao bọc chân lý vô thời hạn (timeless  truth) là một sự hư cấu dễ nhận thấy của tư tưởng hiện đại.

Gadamer liên hệ quan niệm của ông về “truyền thống” với quan niệm đã được quan niệm lại về “thiên kiến” (prejudice), mà ông hiểu như là tiên kiến (pre-judice) hay tiền phán đoán (pre-judgement), nói cách khác như là cái có thể tạo ra bất kỳ loại hình phân biệt nào đó. Một thiên kiến không phải là một hình thức tư tưởng méo mó và phải được giũ sạch trước khi chúng ta nhìn thấy thế giới đúng đắn. Theo Gadamer, các thiên kiến có mặt ở mọi sự hiểu. Chống lại trào lưu Khai sáng với tuyên bố rằng lý tính, được tháo dỡ khỏi quang cảnh văn hóa và lịch sử, mang lại một sự kiểm thảo chân lý, Gadamer tuyên bố rằng chúng ta bị chìm đắm một cách tuyệt vọng vào trong ngôn ngữ và văn hóa mà việc thoát  khỏi tính xác đáng rõ ràng này thông qua phương pháp duy lý là một điều hão huyền.

Gadamer chứng minh quan niệm cho rằng các hình thức của sự hiểu luôn có tính thiên kiến và chúng ta không thể hoàn toàn tạo ra các tuyên bố khách quan về thế giới như thế nào? Đây là nơi mà chúng ta tìm kiếm đóng góp đặc biệt của ông đối với tư tưởng đương đại. Sự hiểu, ông tuyên bố, lúc nào cũng “có tính thông diễn” (hermeneutical) cả. Thuật ngữ này bắt nguồn từ thông diễn luận, “ngành tri thức gắn với sự diễn giải” (Từ điển Tiếng Anh Oxford). Về mặt lịch sử, thông diễn luận là nghệ thuật của cách đọc (reading) và cách diễn giải (interpreting) một cách chính xác các văn bản cổ xưa, đặc biệt là Kinh Thánh. Dưới đôi bàn tay của Gadamer, thông diễn luận trở thành một thủ tục khoáng đạt hơn dành cho chính bản thân sự hiểu, mà ông đặt tên là thông diễn luận triết học và mô tả nó theo “vòng tuần hoàn thông diễn” (hermeneutic circle). Ý niệm về vòng tuần hoàn nhắm đến sự vận động luôn luôn có tính khai mở giữa một phần văn bản và ý nghĩa toàn thể của nó. Trong việc tạo ra ý nghĩa của một phần văn bản người ta đồng thời luôn giải thích nó như một chỉnh thể. Gadamer biện minh cho việc mở rộng vai trò của thông diễn luận, đem lại cho nó một đặc tính thiết yếu của bất kỳ nỗ lực thông hiểu nào đó về thế giới, bằng cách quy chiếu trở lại lịch sử của thông diễn luận và những nỗ lực ban đầu để mã hóa thực hành diễn giải. Thông diễn luận cũng là một bộ phận ngấm ngầm chảy qua lịch sử triết học. Lối giải thích của Aristotle về phronesis hay “trí tuệ thực hành” (practical wisdom) là một trường hợp điển hình. Trong việc dần trở nên có đạo đức, chúng ta được huân tập (habituated) ở trong một truyền thống đạo đức, Aristotle khẳng định, ở đó tác nhân đạo đức luôn được giáp mặt với các tình huống vượt ra khỏi các luật lệ của thói quen. Sự dao động này giữa thói quen và cái mới mẻ tương tự với cơ chế của vòng tuần hoàn thông diễn.

Thẩm quyền chính của Gadamer thông qua các tuyên bố của mình xuất phát từ người thầy của ông, Martin Heidegger. Trong Hữu thể và Thời gian, Heidegger trình bày cách thức làm thế nào mà sự diễn giải về thế giới luôn luôn có tính tiền lĩnh hội (pre-understanding). Chống lại Descartes, ông cho rằng sự hiểu không hoạt động bên trong khuôn viên của ý thức mà thông qua sự hiện hữu ở trong thế giới của chúng ta. Nhưng nếu mọi sự hiểu là sự diễn giải, thì nó vẫn còn được ghi chú bởi điều mà Gadamer gọi là “sự hòa trộn của các chân trời” (fusion  of  horizons). Một văn bản, hay bất kỳ sự vật lẫn sự kiện nào đó ở trong thế giới mà chúng ta diễn giải, đều có chân trời ý nghĩa (horizon of meaning) của nó. Sự diễn giải được đặt ở trong chân trời tương hỗ (mutual horizon) của người diễn giải (interpreter) và cái được diễn giải (interpreted).

Tư tưởng hiện đại mà sự hiểu dựa vào một sự phân tách với truyền thống được tác động bởi phương pháp duy lý (rational method) bị tháo dỡ khi được nhìn từ quan điểm thông diễn luận. Theo Gadamer, chân lý không phải là phương pháp mà đơn thuần là cái ở trong một cuộc đối thoại. Các hoạt động diễn giải là có tính đối thoại, một cuộc đối thoại vô tận ở trong truyền thống. Người diễn giải dự phóng các ý nghĩa tạm thời, thế nhưng chúng bị xáo động và được tái xác định khi những thiên kiến của người diễn giải chịu sự truy vấn bởi chân trời của văn bản hay chân trời của người tham gia ở trong đối thoại. Sau cùng, Gadamer tuyên bố, các ý nghĩa có thể chẳng bao giờ hoàn tất được. Hệ quả khác từ quan niệm “sự hòa trộn của các chân trời” của Gadamer là một mối quan hệ tái xác định với quá khứ. Mọi sự hiểu là có tính đối thoại, nó là một cuộc đối thoại với quá khứ cũng như với tương lai. Vì thế, quá khứ không phải là một “quê hương khác lạ” (foreign  country) mà là một hệ quả liên tục ở hiện tại như ngôn ngữ đương đại và ngôn ngữ cổ xưa hoạt động cùng nhau ở trong nếp sống hằng ngày. Ở đây, một lần nữa, ý niệm về sự phân tách phương pháp luận, theo Gadamer, là không khả thi. Chúng ta không thể tìm thấy điểm tựa Archimede bên ngoài văn hóa và ngôn ngữ ở trong công cuộc truy tìm chân lý của chúng ta, bởi lẽ các thiên kiến của chúng ta, những điều kiện của sự hiểu, là một phần của cái mà chúng ta tìm cách để lĩnh hội.

Sự truy vấn của Gadamer về phương pháp duy lý loại bỏ quan niệm cho rằng lý tính đứng đằng sau ngôn ngữ. Các sản phẩm văn hóa (bao gồm nghệ thuật) và thế giới tự nhiên không phải là các đối tượng dành cho công cuộc nghiên cứu duy lý mà đồng vọng ở trong cơ cấu của một cuộc đối thoại không bao giờ kết thúc.[1]

Tôi hy vọng mô tả này sẽ phác thảo ra một cái nhìn hữu ích. Đôi khi, một trình bày vắn tắt kiểu này là cách hữu ích để bắt đầu nếu người ta chưa bao giờ hoàn toàn nghiên cứu tác phẩm của một nhà tư tưởng trước đó. Cái ở trong sự mô tả rất ngắn ngủi này về các thành tựu của Gadamer quả là không dễ dàng thích ứng với các quan niệm được thừa hưởng từ thế giới hiện đại về chân lý và lý tính. Nó là một sự hồi sinh và xem xét lại thông diễn luận cổ đại, một cái nhìn lùi lại có tính hoài cổ về một thế giới tiền hiện đại đã tiêu biến. Một lập trường triết học rất rõ thiết đặt khuôn mặt của nó chống lại thế giới hiện đại dường như phải bị kết tội từ lúc bắt đầu. Trên thực tế, sự truy vấn của Gadamer về những nền tảng của triết học chủ nghĩa hiện đại đã đặt ông, một cách khá gần gũi, ở trong cùng một lập trường của các nhà tư tưởng hoài nghi vào hai mươi năm trở lại đây, hay được gọi là các nhà “hậu hiện đại”. Đây là chủ đề mà tôi sẽ nghiên cứu chi tiết hơn ở các chương sau.

Trong việc tìm cách để đặt một nhà tư tưởng vào trong những sự ngang bằng với tranh luận đương thời và giới thiệu tác phẩm của ông đến lớp công chúng mới có nghĩa là để thể hiện vị trí của ông ở trong lịch sử của triết học hiện đại. Dĩ nhiên, những sự thẩm định như thế luôn khó có thể được đưa ra mà không dính đến vẻ trang trọng của lịch sử bị đánh gục thành một điều phù du. Luôn là như vậy, điều mà một nhà tư tưởng chỉ có thể nói với những người cùng thời của mình và sau cùng được tìm thấy như thể chẳng có lời nói nào dành cho các thế hệ khác hơn là thế hệ hiện tại. Sự chú ý từ các nhà nghiên cứu Trung Quốc về điều này trong giai đoạn gần đây phản ánh tầm ảnh hưởng của cuộc Cách mạng Pháp bắt đầu trở nên đáng lưu tâm. Tôi ngờ rằng tác phẩm của Gadamer sẽ kéo dài hơn nữa khi mà đa số những người cùng thời của ông đã chẳng có gì nhiều hơn ngoài một cước chú ở trong lịch sử triết học của thế kỷ XX. Theo một số cách thức nào đó, tác phẩm của ông, giống như “những tư tưởng lạc thời” (thoughts out  of  season) của Nietzsche, sẽ có được một thời đoạn tác động đầy đủ khi mà các tác phẩm của ông được đánh giá một cách đặc biệt bởi các nhà nghiên cứu ở trong truyền thống triết học Anh-Mỹ. Như những vấn đề ở thời điểm hiện nay, tác phẩm của Gadamer chỉ được tiếp nhận một cách hạn chế ở thế giới các nước nói tiếng Anh và tầm ảnh hưởng toàn diện của thành tựu của ông vẫn còn mang tính dò dẫm. Ở tiết kế tiếp sau đây của chương này tôi muốn đề ra một số lý do tại sao Gadamer lại vẫn chưa tạo ra được điểm đáng chú ý của ông.

Gadamer và triết học phân tích

 Gadamer tạ thế vào năm 2002 sau một cuộc đời dài đằng đẵng đến kỳ lạ. Mặc dù được xưng tụng như là cây đại thụ của triết học và văn chương ở nước Đức quê hương ông, khi ông mất, tư tưởng của ông đã được tiếp thu ở châu Âu và Bắc Mỹ nhưng chỉ được biết đến với một số nhóm còn giới hạn các nhà triết học, các nhà lý thuyết xã hội và phê bình văn học Anh-Mỹ. Là một nhà triết học danh tiếng thế giới, tuy nhiên, tên ông không phải là một cái tên nổi đình nổi đám: ông khó để ngang hàng với những gã khổng lồ tư tưởng được công nhận của thế kỷ XX như Wittgenstein hay Heidegger. Có nhiều lý do văn hóa và lịch sử để giải thích cho sự thiếu sót này về danh tiếng của ông bên ngoài thế giới nói tiếng Đức. Đầu tiên và hơn cả, Gadamer không đáp ứng yêu cầu dành cho một nhà triết học chuẩn mẫu Anh-Mỹ. Mặc dù bỏ ra cuộc đời nghiên cứu và giảng dạy chủ yếu về triết học cổ đại, những sự lý giải nổi bật về các nhà kinh điển Hy Lạp cổ đại như Plato và Aristotle, quan niệm của Gadamer về triết học khoáng đạt một cách khác thường, vượt ra khỏi phạm vi quy ước của lô-gíc học và nhận thức luận - thực đơn chủ đạo của các nhà triết học ở bên kia: xứ Anh-Mỹ. Về cơ bản, Gadamer là một nhà triết học văn hóa hay ít nhất là một nhà triết học mà nhờ ông cơ sở của văn hóa và những thành tựu của nó đã trở thành một vấn đề dành cho sự phản tư và sự nghiên cứu. Ông trình bày những vấn đề về cơ sở của chính các ngành khoa học nhân văn và làm thế nào chúng lại đứng ở trong tương quan với các ngành khoa học tự nhiên. Tầm nhìn của ông vượt ra ngoài những tính cách chuyên môn của phần đông triết học hiện đại mà với mọi tính phức tạp của nó thường xuyên giữ lại một cách thiển cận ở trong ranh giới của phạm vi chuyên môn, hạn định lại sự vận hành một cách sốt sắng tiến hành canh gác mảnh đất hàn lâm ít ỏi của nó và đấu tranh lại với những kẻ chiếm đoạt khoa học và những kẻ thù tiềm ẩn khác.

Ở thời đại hiện nay, lý tính khoa học (scientific rationality) phổ biến khắp mọi nơi. Bất kể những thách thức từ thần học và đối lập lại với những tác nhân văn hóa như thuyết môi trường, các triết học của thời đại mới và có tính chuyển giao, thế giới quan khoa học (scientific worldview) vẫn tác động mạnh mẽ, và tự nó giả định nên một ngôn ngữ của tính thẩm quyền và tính hợp thức ở thời hiện đại: thứ ngôn ngữ mà qua đó mọi tiếng nói khác đều được kiểm chứng, và sau cùng, đều muốn được tìm thấy. Điều được xem là có thể suy xét và có thể chấp nhận ở bất kỳ thời đại nào đó cũng đều phải vượt qua được sự kiểm thảo của lý tính, thường là sự truy vấn có sẵn một cách thực chứng về tính có thể kiểm thảo và sự kiểm chứng. Nhiều thế giới quan khoa học là đúng một cách tự minh nhiên và quan tâm đến tính thẩm quyền của nó. Mặt khác, có một truyền thống tư tưởng toàn vẹn đã tìm cách truy vấn sự tự minh nhiên như thế bằng cách thiết đặt một tổng thể có tính khoa học, và nói theo cách nói Khai sáng, là dự phóng một sự truy vấn.

Kể từ thế kỷ XVIII, với uy thế của tư duy khoa học, điều mà chúng ta có thể xác định văn hóa văn học, thẩm quyền của các văn bản truyền thống, điển phạm, nghệ thuật và văn chương, là đã chấp nhận chúng với một lập trường phụ trợ. Một khi sự biểu đạt, ở trường hợp của Kinh Thánh, về lời nói của Thiên Chúa, và xét trong một khía cạnh hẹp hơn, văn học, thì những thành tựu quan trọng nhất của nhân loại (điều mà Matthew Arnold trong Văn hóa và tình trạng vô chính phủ (Culture and Anarchy), mô tả những thành tựu văn hóa của mỗi thời đại, được gọi là “điều tốt nhất được suy tư và được viết ra”), sau cách mạng khoa học, đều được đặt ở trong sự truy vấn như là những thẩm quyền vô song của trí tuệ và chân lý.

Sự thể hiện vĩ đại của tính thẩm quyền mới mẻ này được tìm thấy ở trong Diễn ngôn về phương pháp (Discourse on Method) của Rene Descartes, ở đó ông nói đến, theo ngôn ngữ cách tân mới mẻ của thời khoa học hiện đại, về sự bất tín có tính tự truyện về văn học và các tác phẩm kinh điển. Thế giới văn chương mà ông nhắc đến không dựa vào sự lập luận tự minh nhiên nào cả mà là những sự bất thường của những thứ chẳng khác gì hơn ngoài sự tư biện cổ đại và tư kiến có thể bị đặt thành vấn đề. Chống lại điều này, Descartes phục dựng con người như là một cỗ máy tư duy có thể đi đến một loại hình của tính xác chắc được tìm thấy ở trong hình học. Giấc mơ này của Descartes, làm nên kiểu mẫu chân lý của con người dựa vào các thủ tục của lô-gíc học và hình học, nói rộng ra đã trở nên sai lầm trải qua các thế kỷ kế tiếp và đã xác lập một dòng mạch hướng dẫn tri thức hơn 300 năm tiếp theo. 

Chủ nghĩa duy lý khoa học (scientific rationalism), và những hệ quả thực tiễn của nó, công nghệ, vẫn có thể thống trị ở trong thế giới hiện đại nhưng sự biện minh triết học và lý thuyết của nó thì lại dựa vào ở các ý niệm của Descartes đã chịu sự phê bình sâu sắc. Điều này, một cách cụ thể, đúng đối với cả triết học lục địa và triết học phân tích hiện đại mà ở đó Descartes, theo những lối giải thích của sự nổi lên của chủ nghĩa hiện đại triết học, lúc nào cũng vậy, là người chủ soái. Chẳng có tiêu điểm có thể biện minh nào mà ở đó sự phá vỡ tính chính thống của Descartes này đã khởi đầu cả. Thế nhưng, chúng ta có thể sẽ thấy nó đang được tạo ra ở trong hệ thống của Hegel và sự châm biếm về lý tính hãy còn phôi thai của Nietzsche ở thế kỷ XIX. Đi theo điều này, hầu hết mỗi nhà tư tưởng nổi bật ở thế kỷ XIX đã bắt đầu công kích vào chủ thuyết duy nền tảng (foundationalism) của Descartes[2] và sau đó tiếp tục giải minh một hệ thống chân lý, tháo dỡ những nền tảng của tri thức ở trong lý tính tự xác thực. Điều mà nhiều nhà tư tưởng đương đại, ở trong truyền thống lục địa, tiếp tục thực hiện, một cách tự giác và vô giác, là để xác nhận lại tầm quan trọng của một nền văn hóa văn chương, chữ nghĩa thông qua việc thách thức lại khoa học và minh chứng tầm quan trọng và tính chân thật của nghệ thuật, để xem văn chương như là những hình thức nghiệm thân của tri thức và chân lý qua sự biến đổi thành một bức tranh theo hướng đơn giản của khoa học như là bức tranh xác đáng của mọi thứ. Tác giả nổi tiếng người Anh, C. P. Snow đã lồng vào một sự phân tách giữa “hai nền văn hóa” và ông đã trình bày cách làm thế nào nền văn hóa văn học lại ở địa vị phụ thuộc với vị thế đối lập của nó so với các ngành khoa học tự nhiên. Sự phân tách mà Snow đã ám chỉ đến là một lỗ hổng ở trong nền văn hóa đã được thảo luận trước đó về xã hội đám đông vào những năm 1950. Trong khi đó, theo Snow, sự phân tách là có tính văn hóa qua đó nó có thể trình bày cách làm thế nào sự phân chia này có những căn rễ của nó ở trong lý thuyết triết học quay trở lại chủ nghĩa lãng mạn, một tiền thân đối với những sự loại bỏ tư tưởng Khai sáng trong tương lai.

Sự phân chia này giữa nền văn hóa khoa học và nền văn hóa văn học cung cấp một viên đá tảng đặc biệt cho một sự trình bày về tác phẩm của Gadamer một cách cụ thể. Thế nhưng, nói rộng ra, nó còn mang lại một lối vào những nguồn gốc của cái mà sự phân chia cũ kỹ đầy mỏi mệt giữa triết học “lục địa” và triết học “phân tích” tự nó giải thích cho lý do vì sao tác phẩm của Gadamer không nhận được sự chú ý xứng đáng. Tại sao điều này lại như thế? Chúng ta hãy bắt đầu xem xét trước hết ở mối quan hệ giữa nền văn hóa khoa học và nền văn hóa văn học cùng sự phân chia ở trong triết học giữa cái được gọi là các trào lưu hay các truyền thống lục địa và phân tích. Điều này sẽ đem chúng ta đến với một sự xem xét về một trong những tầm quan trọng của tác phẩm của Gadamer: làm thế nào người ta có thể sử dụng lối giải thích thông diễn luận của ông để xây nên chiếc cầu bắt qua sự phân chia không thể bắt cầu và dường như sâu hoắm giữa nền văn hóa văn học và nền văn hóa khoa học. Theo Gadamer, sau cùng, chỉ có duy nhất một nền văn hóa hay một truyền thống chủ lưu. Nó sẽ luôn có thể dành cho những thành phần phân lập của nó nhằm để tìm kiếm một chủ kiến thông thường và đạt được một cách hiểu, tuy có tính hạn định và tạm thời mà sự hiểu này có thể có. Thậm chí đi xa hơn cả hai nền văn hóa này, thông diễn luận xác nhận tính khả hữu của cuộc đối thoại giữa các nền văn hóa quốc gia thù địch và dường như không thể chung đụng với nhau. Sự hiểu xuyên văn hóa và đối thoại luôn được nhắm đến, dẫu cho nó chẳng bao giờ đạt được một cách đầy đủ. Gadamer lưu ý chúng ta rằng mặc dù thảo luận triền miên gần đây về tính dị biệt và sự khác biệt, ở trong sự đánh thức của giải kiến tạo, chúng ta vẫn có thể xem xét đến những điều mà chúng ta chia sẻ ở trong đời thường và cái thống nhất chúng ta như là một chủng loại không có việc tạo ra những sự nhượng bộ đối với quan niệm trừu tượng của một nhân loại thông thường.

Ở sự mạo hiểu của sự đơn giản hóa thô tục, chúng ta có thể nói về sự phục vụ của triết học phân tích đối với kiểu mẫu khoa học. Phong cách của triết học mà lúc này đây chúng ta biết như là có tính phân tích, xem nhiệm vụ của nó như là sự giải thích về ngôn ngữ xem như đó là phương tiện dành cho chân lý, khởi đi từ quan niệm về ngôn ngữ giả định tính khả hữu của một sự tái tạo xác thực của thế giới thông qua các ý nghĩa ngôn ngữ mà chúng ta có ở sự sắp xếp của chúng ta để nói đến thế giới đó. Sự giả định này về sự tái tạo chính xác là song song bởi sự giả định của phương pháp khoa học về tính chắc chắn ở trong những phương pháp tiến hành của nó. Đây là giấc mơ của Wittgenstein ở trong kiệt tác sơ khởi của ông về phân tích triết học thời sơ kỳ, Tractatus Logico-Philosophicus. Một hệ quả của quan niệm về ngôn ngữ này là các kỹ thuật và thủ pháp tu từ, ẩn dụ, và có tính văn học được xem là không gì khác hơn những trở lực và sự bóp méo; duy chỉ một ngôn ngữ hoàn toàn có tính lô-gíc mới có thể bóc trần và nhổ rễ tận gốc chúng.

Triết học lục địa luôn tỏ ra thận trọng với các cách tiếp cận thường nghiệm đến nhận thức và nói rộng ra là bất tín với kiểu mẫu nhận thức mà ở đó chủ thể đơn biệt thụ động kiến tạo, trải qua thời gian và kinh nghiệm, với sự quan tâm và chú ý đến những sự méo mó khả hữu, một bức tranh chuẩn xác của thế giới. Bên cạnh đó, hơn nữa, ở trong tư tưởng lục địa, ngôn ngữ về cơ bản là có tính biểu đạt, diễn đạt và kiến tạo nên thế giới xã hội người có từ lâu trước nó có thể để mô tả và trình hiện nó – và thậm chí là sự mô tả và sự trình hiện không có tính chất trung tính mà được tô sắc màu bởi phương cách biểu đạt đặt định điều kiện về mặt văn hóa. Với lý do này, trào lưu triết học châu Âu luôn có nhiều tính dễ tiếp thu hơn để điều tiết những sự diễn đạt văn học và nghệ thuật của cái thực và cái đúng; thật vậy người ta bị quyến rũ để nói rằng tính thụ nhận đối với văn chương và nghệ thuật là rõ ràng trong việc xác định các đặc tính của “tư tưởng lục địa” hơn những sự xem xét đến đường biên quốc gia và vị trí địa lí.[3] Giấc mơ về một ngôn ngữ hoàn toàn có tính lô-gíc luôn là một sự hấp dẫn có giới hạn đối với những thứ mà với một bức tranh tìm kiếm linh hồn và rộng mở hơn về ngôn ngữ cũng như các khả thể tưởng tượng lẫn sáng tạo của nó. Nghệ thuật, thơ ca, văn học và ẩn dụ không đơn thuần là những sự trang điểm dành cho ngôn ngữ - như được mô tả bởi sự trêu chọc và giễu nhại mà Plato đưa ra ở trong quyển cuối cùng của Cộng hòa (Republic) mà là nòng cốt của bản thân ngôn ngữ. Các nhà triết học hoạt động trong truyền thống phân tích nhắm đến cách đọc Plato một cách thẳng thừng và xem xét về các tác phẩm văn học như là ngôn ngữ ở trong trạng thái sai lầm của nó. Gadamer luôn loại trừ bản thân ông khỏi chiều hướng phân tích trong việc thực hành triết học. Với lý do này, tác phẩm của ông nói chung và tác phẩm của ông về ngôn ngữ nói riêng, không thừa nhận cách giải quyết xác đáng ở trong thế giới nói tiếng Anh.[4] Lập trường triết học của Gadamer, xuất hiện như nó khởi đi từ các truyền thống lục địa của thông diễn luận và hiện tượng học, đã có một vài điểm sáng giá trong việc liên hệ với phần đông vấn đề giao nhau với triết học ở trong truyền thống phân tích. Điều có thể đánh thức nhiều triết gia phân tích là lòng trung thành không biện hộ của Gadamer đối với tác phẩm của Martin Heidegger. Với nhiều nhà tư tưởng phân tích, theo sau những bước tiến của Rudolf Carnap, Heidegger là nhà triết học được nhìn nhận với một mức độ thận trọng sâu sắc như ông đã trình bày triết học châu Âu ở trong tính tối tăm và mờ mịt nhất của nó.[5]

Chắc hẳn, phạm vi của các quan niệm và các vấn đề thực sự là như nhau ở cả hai truyền thống triết học nhưng chỉ có các cách tiếp cận, tiền đề và các phong cách giữa những thế giới ấy là xa lạ như các tác phẩm của Heidegger thường chứng minh. Tuy nhiên, chúng không thực sự cần thiết lắm. Tuyên bố chính đề ra ở phần dẫn nhập này đối với tác phẩm của Gadamer là ông giữ tầm quan trọng sống còn như là một người kiến thiết kết nối giữa hai truyền thống thường ngược nhau và khả nghi như nhau. Điều này có thể có vẻ là một sự khẳng định khác thường để đưa ra rằng có một khó khăn rõ ràng và hiển nhiên từ sự chỉ dẫn đối lập ở trong tác phẩm của Gadamer xung quanh các học thuyết chủ đạo của triết học phân tích, nhưng tôi sẽ tìm cách biện minh lập trường mà tôi nhấn mạnh hơn ở các chương sau. Một lý do trực tiếp dành cho sự thất bại của Gadamer để tạo ra dấu ấn của ông ở thế giới triết học Anh-Mỹ là khoảng cách của ông với phong cách phân tích đang thịnh hành, những kiểu mẫu mà tự nó dựa vào các phương cách và các phương pháp của khoa học tự nhiên. Có thể thậm chí còn nhiều hoài nghi từ một phần tử nào đó, rõ ràng xung quanh tác phẩm của Heidegger, điều mà Gadamer thực hiện cái gọi là triết học. Vậy, ông đã làm gì? Ông hoạt động ở trong truyền thống của thông diễn luận và nổi lên từ cái mà tác phẩm của ông được biết đến như là thông diễn luận triết học.[6]

Thông diễn luận triết học là thuật ngữ với sự thịnh hành còn hạn chế ở trong thế giới nói tiếng Anh. Đây là lý do khác khiến cho việc loại bỏ Gadamer khỏi điển phạm triết học [phân tích]. Thông diễn luận triết học nảy sinh từ một hoạt động có từ rất sớm, được biết đến một cách đơn giản như là thông diễn luận. Từ này được định nghĩa ở Từ điển Oxford tóm tắt như là “nhánh tri thức gắn với hoạt động diễn giải, đặc biệt về Kinh văn hay các văn bản văn học”. Vì thế thông diễn luận khởi đầu như là một phương cách hay một kỹ thuật dành cho việc diễn giải các văn bản kinh điển và thiêng liêng. Sự diễn giải chứa đựng nhiều hơn sự phân tích ngữ văn về những nguồn gốc và ý nghĩa lịch sử của từ ngữ, nó có thể được xem là một yếu tố ở trong sự tiến triển, hoạt động hoặc sự kiện của bản thân sự hiểu. Đây là một trong những đóng góp chủ đạo của Gadamer vào tư tưởng đương đại. Cam kết của ông với quan niệm cho rằng mọi sự hiểu là sự diễn giải chứng minh rằng thông diễn luận được hàm chứa ở trong tất cả các hoạt động của sự hiểu, tức là thông diễn luận vượt ra ngoài những sự nắm bắt của sự diễn giải văn bản. Thật vậy, theo Gadamer thông diễn luận là có tính phổ quát (universal): cái xảy ra khi chúng ta diễn giải một văn bản là cái xảy ra khi chúng ta tìm cách hiểu bất kỳ điều gì đó ở trong thế giới xã hội văn hóa của chúng ta, tức là ý nghĩa của đời sống hay sự diễn giải mang tính thế tục hơn về các đối tượng, quan niệm và tình huống thường nhật. Đọc là diễn giải, nhìn là diễn giải, suy nghĩ là diễn giải; diễn giải không phải là một hoạt động đặc biệt được chứng thực cho sự tháo gỡ các văn bản khó, nó là một khía cạnh của mọi hình thức sự hiểu của con người. Trở lại sự phân biệt mà tôi đã đề ra trước đó giữa nền văn hóa khoa học và nền văn hóa văn học. Gadamer liên quan nhiều đến với “sự hiểu” hơn “sự nhận thức” có tính chuyên môn khả hữu và hạn chế hơn nào hết. Điều này có thể mang lại tiêu điểm chủ đạo ở trong quan niệm triết học của Gadamer. Những phiên bản triết học nhất định có thể xem nhiệm vụ của chúng như là cuộc nghiên cứu về bản chất và những giới hạn của sự nhận thức của con người, không hoài nghi gì nữa nó có ở trong giai đoạn đỉnh cao của chủ nghĩa hiện đại vào thế kỷ XVIII. Thế nhưng sự hiểu, quá trình và các hoạt động của sự hiểu, xảy ra hằng ngày ở trong những nỗ lực của chúng ta nhằm để tạo ra ý nghĩa của thế giới của chúng ta, không dừng lại ở hoạt động đối với thông diễn luận. Gadamer xem xét đến sự đánh giá và điều đình thường nhật về thế giới mà sự hiểu thông diễn hoạt động. Với lý do này, hoạt động thực tiễn và triết học không quá xa cách, và hơn nữa với lý do này, tác phẩm của Gadamer là hoàn toàn xa cách với những sự chuyên môn của triết học phân tích. Ngoài ra, bởi vì sự hiểu và sự diễn giải thông diễn là rõ ràng ở trong tất cả các hoạt động lẫn những mối bận tâm thực tiễn, sự phân biệt giữa văn học và khoa học bị bẻ gãy. Sự hiểu, nói rộng ra, hoặc là văn học hoặc là khoa học vì cả hai đều là những hình thức của sự hiểu của con người. Gadamer đã bị cáo buộc là một người chống khoa học và thù địch với khoa học. Điều này không phải là một phê bình hợp lý. Điều ông thực hiện là truy vấn thẩm quyền của khoa học và diễn ngôn khoa học như thể là tiếng nói hợp thức duy nhất ở trong cuộc đàm thoại của sự hiểu của con người. Ông cũng bị coi là tùy tiện theo “khoa học luận” (scientism). Trong việc khiến cho triết học có tính thông diễn hơn, Gadamer tìm cách mang lại một chiều kích diễn giải cho mọi hoạt động hàn lâm lẫn các hoạt động khác. Các ngành này nhanh chóng tổng hợp và sử dụng thông diễn học đã có được những người tiên phong của các ngành khoa học xã hội và lý thuyết văn học, ở đó tác phẩm của Gadamer, đã tạo ra được dấu ấn của nó. Triết học khá chậm trong việc chọn ra tầm quan trọng của tác phẩm của Gadamer. Trong các ngành khoa học xã hội, thông diễn luận được sử dụng như là một bức tường thành chống lại những sự bội phát của xã hội học thực chứng luận (positivistic sociology): tranh luận của Jürgen Habermas với Gadamer về cơ bản là tranh luận giữa những tinh thần cùng chung một nguồn gốc, bất kể phê phán kiểu Marx của Habermas về chủ thuyết đối thoại có tính hiển nhiên của Gadamer. Tầm quan trọng của thông diễn luận triết học đối với lý thuyết văn học bắt nguồn từ bước quay trở lại có vẻ lỗi thời của Gadamer về quan niệm nghệ thuật như là chân lý, mối bận tâm của ông dành cho sự kiến tạo nên các điển phạm (canons), và sự ngợi ca của ông dành cho bài thơ trữ tình như là một sự gặp gỡ có tính huấn thị với ngôn ngữ hơn là những sự khẳng định có tính mệnh đề khô khan về một loại hình triết học nào đó.

Một điểm sau cùng về sự thất bại của Gadamer trong việc nhận được sự công nhận đầy đủ dưới con mắt của triết học Anh-Mỹ phải liên hệ đến với chủ nghĩa duy sử (historicism) của ông. Gadamer, theo quan niệm từ Vico và Hegel ở thế kỷ XVIII và XIX đến Foucault và Oakeshott ở trong giai đoạn gần đây hơn, nhấn mạnh đến tầm quan trọng của quá khứ như là một thời điểm không thể giảm trừ ở trong tư tưởng của con người: mọi sự hiểu xét trong một ý nghĩa nào đó đều có tính lịch sử (historical). Ở thế giới nói tiếng Anh, lập trường này nhìn chung bị truy vấn về những nền tảng mà một loại hình chủ nghĩa duy sử nào đó cũng đều bị loại bỏ; tuy nhiên, những lối giải thích hấp dẫn và tốt hơn về nó, nói rộng ra, là đã bị phớt lờ đi.[7] Cộng thêm vào đó, chúng ta cần quay trở lại quan niệm về khoa học như là hệ hình thịnh hành đối với các nhà triết học có khuynh hướng phân tích. Phương pháp duy khoa học làm nảy sinh một chủ thuyết lạc quan đầy sai lầm - chủ thuyết khải hoàn (triumphalism) - về những khả năng của sự tiến triển và sự thúc đẩy của tư tưởng con người cùng sự áp dụng của nó vào công nghệ và khoa học. Nhưng nói đơn giản, nó hoàn toàn nhìn về phía trước và xem quá khứ như là một phạm vi tối tăm cần phải quên đi, một kỷ nguyên kỳ dị của thời kỳ trẻ thơ của tinh thần con người chứa đựng giá trị cũ kỹ đối với nghiên cứu về những nguồn gốc của tư tưởng mà không đem lại giá trị thiết thực nào đối với tư tưởng đương thời cả. Điều mà Gadamer tìm cách tuyên bố lại là sự kết nối không thể phủ nhận giữa hiện tại và tương lại cùng có chung với quá khứ. Quá khứ không phải là một “miền quê khác lạ”, như L. P. Hartley từng mô tả nó: nó còn hơn là cơ sở lưu trú dựa vào đó mọi tư tưởng và hoạt động của chúng ta tham gia. Thông diễn luận của Gadamer dựa vào quan niệm về một cuộc đối thoại tái tạo liên tục giữa quá khứ và hiện tại. Lập trường này không thể bị trùng khít với quan điểm duy khoa học, quan điểm xem thế giới như là không gián đoạn và không xáo động bởi những sự thay đổi của sự thật lịch sử. Mặt khác, theo Gadamer, chân lý là có tính lịch sử và thế giới vô tận của niềm tin khoa học không gì khác hơn là một điều hão huyền. Nhưng phê phán về Gadamer quy cho ông là có tội với chân lý đang hủy hoại hay ít nhất là đã tương đối hóa nó rằng từ chân lý không còn có một ý nghĩa lĩnh hội nữa. Lưu ý đến những điểm này, chúng ta có thể thấy được làm thế nào tiền đề và phong cách của tư tưởng của Gadamer (mặc dù tuyên bố sau không cụ thể) là không quen thuộc với mối bận tâm chân chính của triết học ngôn ngữ Anh. Tóm lại, phải công nhận theo hướng đối thoại rằng, một hướng tiếp cận triết học được ghi chú bởi một hệ hình khoa học là không thể thay đổi, giống như những cách nhìn nhất định về chính bản thân khoa học, thậm chí có tính đơn nghĩa, đầy tin tưởng và hiếu chiến. Lập trường duy sử của Gadamer, nhấn mạnh đến sự dính mắc sâu sắc của chúng ta với truyền thống, có một phong cách tư tưởng đi theo hướng kiểm sai, có kết-mở, mang tính đối thoại và, quan trọng nhất, được gắn với quan niệm cho rằng tương lai là tối tăm và tư tưởng con người là mong manh cũng như luôn bị kinh sợ và trở nên khôn hơn trước tính ngẫu nhiên của các sự vật.

Cấu trúc của các chương

Trong những chương sau tôi sẽ tìm cách giải thích nhiều khuynh hướng mà tôi đã phác thảo ra bằng cách đặt các quan niệm của Gadamer ở trong bối cảnh lịch sử và bởi một trình bày về các quan niệm của ông như chúng được hoạt động ở trong các tác phẩm chính của ông. Để kết thúc chương 1 sẽ bắt đầu với một thư mục nhằm đề ra các viên đá tảng trong cuộc đời dài đằng đẵng của Gadamer - trong một vài chiều hướng nào đó khá yên ổn như là một giáo sư đại học Đức điển hình.

Thư mục thường là một sự xâm nhập hữu ích vào tư tưởng của một nhà triết học hay ta có thể nói ngược lại như thế.[8] Các sự kiện cơ bản về một cuộc đời có thể cho người ta đặt một con người vào trong một bối cảnh văn hóa và xã hội cụ thể. Điều quan trọng là đánh giá môi trường mà ở đó Gadamer làm việc. Ông không chỉ bỏ ra đời sống làm việc của mình qua hai thế kỷ mà ông còn làm việc trong suốt những biến cố thế giới thăng trầm nhất của thời hiện đại. Gadamer sống qua trận đại hồng thủy của Đế chế thứ ba. Quyết định của ông rời khỏi Đức trong suốt giai đoạn này đã có được một mối bận tâm đáng chú ý trong giai đoạn gần đây. Các lý do chính không chỉ dành cho việc di cư đã được thừa nhận ở trong quá khứ, ngược lại, một thế hệ các nhà học giả mới lại xem ông có trách nhiệm trước vấn đề này bằng cách tuyên bố rằng trước tác thông diễn của ông mang lại một tính có thể phản hồi theo hướng trí thức lại chủ thuyết Nazi. Chương này tiếp tục đánh giá lập trường này, tuy nhiên, việc phê phán Orozco-Wolin về Gadamer trong mối tương quan với chủ thuyết Nazi là vô căn cứ và có chút kỳ khôi. Chương này cũng trình bày một thư mục hoạt động trí thức ngắn gọn đánh dấu một vài ảnh hưởng của Gadamer: quá trình đào luyện vào thời kỳ đầu của ông ở trong chủ thuyết tân Kant, giới thiệu ông đến với hiện tượng học và trên hết, ảnh hưởng nhất, đi từ các quan niệm “hiện sinh” có tính cách mạng của người thầy và người bạn sau này của ông, Martin Heidegger.

Chương 2 nghiên cứu về vai trò của phương pháp ở trong triết học hiện đại. Bắt đầu ở triết học thế kỷ XVII đã dấn mình theo một cuộc tìm kiếm phương pháp chắc chắn và chuẩn xác dành cho việc tiếp nối ở trong nhiệm vụ khám phá chân lý của nó. Vấn đề dành cho một phương pháp không thể tấn công được (unassailable method), và tầm ảnh hưởng của nó lên sự phát triển của triết học hiện đại, cung cấp một nền tảng quan trọng đối với Gadamer. Kiệt tác của ông, Chân lý và Phương pháp, nghiên cứu phương pháp và đề ra một sự phê phán triệt để. Phê phán này lấy nguồn cảm hứng của nó từ rất nhiều nguồn, không chỉ tối thiểu là công cuộc tái thiết triệt để của Heidegger về lịch sử của triết học hiện đại. Trong số nhiều khía cạnh của việc tái suy tư của Heidegger về lịch sử của triết học hiện đại chính là bước ngoặc của ông đến với thông diễn luận đã có tác động mạnh nhất đến Gadamer.

Chương 3 có tiêu đề “Từ thông diễn luận đến thông diễn luận triết học”. Như là một lời nói đầu đối với thông diễn luận “triết học”, chúng ta giáp mặt câu hỏi, “Thông diễn luận là gì?” Chương này tiếp nối lịch sử của thông diễn luận từ những nguồn gốc hiện đại của nó ở trong các tác phẩm thần học và thông diễn của Friedrich Schleiermacher đến các tác phẩm của Wilhelm Dilthey, ở đó nó có được một bước ngoặc duy sử rõ rệt. Chương này kết thúc với một sự nghiên cứu về lập trường phê phán mà Gadamer thai nghén nên trong mối tương qua với những bậc tiền bối của ông; đáng chú ý, ông xem họ đã thất lại trong việc làm tháo rời sự diễn giải chủ quan luận (subjectivist interpretation) ở trong trường hợp của Schleiermacher và vấn đề đối với sự tôn trọng khoa học luận ở trường hợp của Dilthey. Ông thấy ở thông diễn luận sơ kỳ một bàn tay còn nặng nề về tính chuẩn xác theo hướng phương cách và phương pháp luận đồng thời tìm cách phát triển một lối giải thích về thực tế diễn giải thoát khỏi mọi sự tùy thuộc vào các phương cách còn hạn chế lẫn đầy xuyên tạc như thế. Ảnh hưởng đơn biệt lớn nhất lên Gadamer là Martin Heidegger. Heidegger gắn với bước ngoặt hiện sinh và hiện tượng học, đặc biệt ở trong tư tưởng thông diễn luận, mà Gadamer sử dụng ở trong sự giải minh thông diễn luận triết học của ông. Từ cách đọc của Heidegger về “vòng tuần hoàn thông diễn”, Gadamer đã có thể trình bày những thiếu sót của bất kỳ thực tế triết học nào phụ thuộc vào một phương pháp có vẻ có tính duy khoa học.

Ở chương 4 tập trung vào tác phẩm đặc biệt đã thiết lập nên thanh danh của Gadamer như là tư tưởng gia đình đám ở thế kỷ XX, có tên, Chân lý và Phương pháp. Ở tác phẩm này, Gadamer minh họa, thông qua một sự cam kết chi tiết với lịch sử của triết học hiện đại, làm thế nào thông diễn luận truyền thống, như đã nói, là một bước ngoặt sai lầm. Bằng cách hàm ẩn chính nó với cuộc tìm kiếm một phương pháp luận có thể tương ứng một cách khoa học, nó đã nhận thức sai lầm về bản chất của sự diễn giải và sự hiểu. Điều mà Gadamer giải thích dựa vào đó là bản chất của sự ngộ nhận như thế và làm thế nào bước chuyển thành một thông diễn luận triết học chỉ khả hữu nhất thông qua lối giải thích hiện tượng học và hiện sinh của Heidegger về “vòng tuần hoàn thông diễn” nổi tiếng. Chân lý và Phương pháp là một tác phẩm rất chi tiết (và thường quanh co) chứa đựng một quan niệm sâu sắc và những cách đọc mới mẻ về những hình thể và những ý niệm ở trong lịch sử triết học bằng cách làm nảy sinh những vấn đề về ý nghĩa của tự thân lịch sử triết học. Cũng như việc trình bày một quan điểm tổng lược về những chủ đề và những ý niệm trung tâm ở kiệt tác này, chương này cũng nghiên cứu lý do tại sao tác phẩm đơn nhất này lại trình bày một sự khởi đầu mới mẻ ở trong thông diễn luận và triết học. Nếu người ta được hỏi Chân lý và Phương pháp nói đến một câu trả lời ngắn gọn hay không là sẽ khó tìm thấy. Tiêu đề của nó có lẽ là chìa khóa trực tiếp để gỡ rối cho vấn đề này. Một số nhà bình luận đã đề nghị rằng Chân lý và Phương pháp có thể dễ dàng được hiểu theo tiêu đề của tác phẩm; chắc hẳn sự xung đối hay sự đối lập chủ đạo giữa chân lý và phương pháp bao chứa ở tác phẩm và hai cái không dễ ngồi chung cùng với nhau ở trong tác phẩm của Gadamer.

Kể từ lúc bắt đầu giai đoạn hiện đại, đại thể ở giữa thế kỷ XVII, hoạt động triết học và khoa học đã dựa vào sự giải minh của phương pháp hay phương cách chính xác. Descartes có thể được xem là người đã đem lại cho triết học cái mà Newton đã làm cho khoa học tự nhiên, tức là mang lại cho nó các nguyên tắc dành cho sự hướng định tư tưởng. Tầm quan trọng của sự thiết lập nên phương pháp chính xác ở trong triết học, bất kể những sự xâm nhập từ rất nhiều phía không chính thống, đã thống trị khoảng 300 năm trước. Cái mà Chân lý và Phương pháp tiếp tục thực hiện là truy vấn thẩm quyền của phương pháp bằng cách chứng tỏ cách làm thế nào chân lý, cách xa với cái được thể hiện bởi phương pháp, thật sự bị che mờ và làm cho tối tăm bởi nó. Gadamer tập trung vào ba kiểu mẫu kinh nghiệm; nghệ thuật, sự hiểu lịch sử và ngôn ngữ là ba hướng đi đặc biệt qua đó chân lý được khai mở. Ở đây, chân lý xa cách với những hình thức sai biệt được mơ mộng bởi lý tính khoa học và tư tưởng chính thống của thời hiện đại. Sự phế truất của một quan niệm truyền thống về chân lý là thành tựu chính của Gadamer. Và những hệ quả theo đó điều này đã tiến theo chiều hướng mà chúng ta hiểu về nghệ thuật, tính lịch sử và ngôn ngữ đang ảnh hưởng sâu rộng và sâu sắc. Theo nhiều nhà triết học, sự phế truất của chân lý là có tính dị loại như nó khai mở ra những nền móng dành cho những hình thức không thể chấp nhận của thuyết tương đối, tức là, quan niệm triết học cho rằng không có các chân lý tuyệt đói như thể toàn bộ hệ thống niềm tin hay những nền văn hóa là có tính tương đối với mỗi người khác nhau. Nếu Gadamer nói mọi chân lý đều là sự diễn giải và mọi sự diễn giải là có tính lịch sử thì chân lý theo đó được tương đối hóa, và khi chân lý được tương đối hóa thì nó tương đương với việc nói rằng chẳng có chân lý nào cả!

Cũng ở chương 4, “Chân lý không có Phương pháp”, nhiều chi tiết về sự tranh luận của Chân lý và Phương pháp được đem lại. Ở đây tập trung vào tầm quan trọng của lịch sử và truyền thống đối với sự hiểu. Các quan niệm chủ đạo của “sự hòa trộn của các chân trời” và “ý thức lịch sử tác động” (effective historical consciousness) được nghiên cứu và được giải thích chi tiết. Ở đây trọng tâm là lối giải thích của Gadamer về tính khả hữu của sự hiểu về quá khứ từ vị thế của hiện tại, và sự nhấn mạnh của ông đến sự hiểu như là sự đàm thoại và đối thoại với các khía cạnh, quá khứ và hiện tại, của truyền thống.

Ở chương 5, “Gadamer bàn về ngôn ngữ và tính ngôn ngữ”, tập trung vào tiết cuối cùng của Chân lý và Phương pháp có tên “Sự biến đổi hữu thể học của thông diễn luận được ghi chú bởi ngôn ngữ”. Mặc dù phần thứ ba của quyển sách rõ ràng liên quan đến ngôn ngữ, “triết học về ngôn ngữ” của Gadamer, một thuật ngữ mà ông không thích dùng vì những lý do nhất định, ít khi được thảo luận. Chương này thiết lập ngôn ngữ trở thành chủ đề được xem như là một khía cạnh quan trọng của tác phẩm Gadamer, đặc biệt xem xét đến châm ngôn của ông “Hữu thể có thể hiểu được là ngôn ngữ”.

Chương 6, “Mỹ học của Gadamer”, hướng đến cách giải quyết của ông về nghệ thuật ở trong Chân lý và Phương pháp, ở đó nó được mô tả như là một trong những kinh nghiệm về chân lý phá vỡ cuộc truy tìm một chân lý được phương pháp hóa (methodized  truth). Ở những sự triển khai sau này, Gadamer nói đến nghê thuật như là “sự chơi”, “hội diễn” và “biểu tượng”: những ý niệm này được thảo luận một cách ngắn gọn. Chương này kết thúc thông qua việc tập trung vào vai trò đặc biệt mà Gadamer nhắm đến đối với ngôn từ thi ca, đặc biệt là ngôn ngữ của thơ trữ tình.

Chương 7, “Gadamer hậu kỳ”, nghiên cứu về tác phẩm của Gadamer sau 1960, tức là sau ấn bản của Chân lý và Phương pháp. Như với nhiều nhà tư tưởng, có một giai đoạn sơ kỳ và một giai đoạn hậu kỳ. Ở trường hợp của Gadamer, ông không phủ nhận tác phẩm sơ kỳ của ông, mà nói một cách chính xác hơn thì ông tinh lọc nó và nâng cấp nó, vượt qua nó. Chúng ta có thể xem Chân lý và Phương pháp như là sự nở hoa (muộn màng) của Gadamer thời sơ kỳ khi ông đến độ tuổi 60 thì tác phẩm mới được ấn hành - và nhiều tiểu luận của ông sau đó được xem như là Gadamer “hậu kỳ”. Điều mô tả Gadamer thời hậu kỳ là sự bằng lòng để “phân lập” (regionalize) một thông diễn luận phổ quát. Một số nhà phê bình đã nói về cuộc thay đổi ở tác phẩm hậu kỳ đối với thông diễn luận là có tính “thực tiễn” hơn. Ở lời tựa cho ấn bản lần thứ hai của Chân lý và Phương pháp, Gadamer lưu ý rằng thông diễn luận của ông ít mang lại chiều hướng của sự ghi chú và áp dụng có tính thực tiễn. “Mối quan tâm thực sự [của ông] đã là và là triết học: không phải cái mà chúng ta làm hay cái mà chúng ta nên làm, mà là cái xảy ra cho chúng ta vượt qua và ở trên ham muốn và hành động của chúng ta.” (TM, tr.xxviii). Ông không thay đổi về mặt bản chất từ lập trường này, các tác phẩm của ông sau Chân lý và Phương pháp tập trung vào những khu vực dị biệt của thực hành diễn giải và một số nhà phê bình đã mô tả tác phẩm hậu kỳ như là “thông diễn học ứng dụng” (applied hermeneutics).[9] Sự áp dụng của thông diễn luận trước tiên và như nhất là vào sự diễn giải về thơ ca và mỹ học.[10] Cũng có những nghiên cứu về giáo dục[11] và thực hành y học.[12] Theo Gadamer, trường đại học thể hiện một hệ hình của cuộc đối thoại và đàm thoại có tính văn minh, được coi là trọng tâm của thông diễn luận. Ở tác phẩm của ông bàn về sức khỏe và y học ông tìm cách lấy lại một ý nghĩa đang tiêu biến một cách nhanh chóng của nhà y sĩ như là nhà thông diễn như thể tự thân y học trở thành nạn nhân đối với những sự sập bẫy của phương pháp khoa học. Khi mọi thứ được nói và được thực hiện Gadamer muốn thể hiện rằng mọi sự hiểu phần đông đều là nghệ thuật thực hành, và mọi thứ mà nó đưa đến, còn hơn cả bản thân nó là một khoa học, vị thế của cái mà sau cùng không phải xác định và ổn định hơn cả những sự thay đổi. Các chủ đề “sự đoàn kết” và “niềm hy vọng” đã xuất hiện ở ông vào cuối đời; chương này kết thúc với một vài nhận xét về tầm quan trọng của những điều này đối với Gadamer.

Chương cuối cùng, “Những người bạn đồng hành và những người phê phán”, kết luận với một nghiên cứu về một số những phê bình về cái mà lập trường của Gadamer đã đưa ra. Cũng như những gánh nặng của chủ nghĩa tương đối có rất nhiều những phê bình từ các hướng khác nhau. E. D. Hirsch, nhà phê bình văn học, cáo buộc Gadamer về việc thủ tiêu tính khách quan và ý nghĩa bằng cách kiến tạo cho tự thân ngôn ngữ một tương đối tính. Hơn nữa, theo Hirsch, Gadamer đúc kết ý nghĩa và sự biểu nghĩa thành một. Sự biểu nghĩa (significance) của một văn bản, Hirsch khẳng định, thay đổi, nhưng ý nghĩa của nó thì không. Thông diễn luận của Gadamer cho phép tính khả hữu, không phải tính tất yếu, của ý nghĩa của một văn bản thay đổi theo thời gian.

Tác phẩm của Gadamer đã bị đưa ra xem xét đối với những phê bình từ phía cánh tả lý thuyết và chính trị. Chân lý và Phương pháp tạo ra nhiều quan niệm về truyền thống. Điều mà sự ám ảnh với phương pháp sao lãng là thực tế đơn giản rằng nhiều sự hiểu về thế giới được chuyển giao thông qua truyền thống hơn là một phương pháp phi lịch sử, không có bối cảnh. Thế nhưng, giải tán mọi tư duy về “truyền thống” bao quát là phủ nhận tính khả hữu của phê phán, đây là đặc tính chủ đạo của tính hiện đại: Gadamer được họa ra ở đây như là nhà tư tưởng đi ngược lại với trào lưu Khai sáng. Sau cùng, Jacques Derrida đã phê phán Gadamer bằng cách xem thông diễn luận của ông có nhiều lòng nhân đức, đức tin và thiện chí. Sự hiểu thông diễn dựa vào một phương cách đo lường về tính mềm dẻo, “sự tự do” diễn giải nếu bạn muốn nói nó như thế. Derrida, xem những sự dẫn dắt của ông từ Nietzsche, gặp gỡ điều này với cái mà Paul  Ricoeur đặt tên một cách khéo léo là “thông diễn luận của sự ngờ vực” (hermeneutics of suspicion); không có nơi nào tác phẩm của Gadamer dành cho thông diễn luận về sự ngờ vực cả. Điều này kết thúc ở bước chuyển được giả định là vượt qua thông diễn luận của Jürgen Habermas nhằm đi đến một phê phán ý thức hệ (ideology-critique) có tính khả nghi thậm chí bất tín hơn.

Qua kết luận, tôi xét đến những viễn cảnh tương lai dành cho tác phẩm của Gadamer và thông diễn luận nói chung. Tôi cho rằng lỗ hổng lớn giữa triết học lục địa và triết học phân tích có thể được bắt cầu thông qua Gadamer.[13]

Phạm Tấn Xuân Cao dịch

 


[1] Xem Baggini và Stangroom (2004), tr.100-2.

[2] Heidegger và ở truyền thống phân tích, Ryle và Wittgenstein ở thế kỷ XX đã tạo ra những cuộc công kích nổi tiếng nhất lên Descartes.

[3] Cái nhãn mác lục địa thường bị hiểu sai. Ví dụ, một trong số những đại diện tiêu biểu của tư tưởng lục địa sơ kỳ là nhà thơ người Anh Coleridge!

[4] Những sự loại trừ bao gồm Lawn (2004).

[5] Carnap (1978) nổi tiếng đã cáo buộc Heidegger về việc kiến tạo nên những phát biểu giả siêu hình học như kiểu “Cái hư vô tự nó hư vô hóa” (The Nothing itself Nothings)

[6] Phụ đề của tác phẩm chủ đạo của Gadamer Chân lý và Phương pháp là “Các yếu tố của một thông diễn luận triết học”, đã gây nhầm lẫn một cách lạ kỳ từ các bản dịch tiếng Anh.

[7] Phê phán của Karl Popper ở trong Sự nghèo nàn của thuyết sử luận đưa đến những điều mà các lý thuyết xã hội có tính tất định luận thẳng thừng tuyên bố là tạo ra những tuyên bố có tính cách tiên đoán về tương lai của xã hội dựa vào sự áp dụng của các quy luật nhân quả thẳng thừng. Loại chủ nghĩa duy sử này xứng đáng được đề ra nhưng có rất nhiều biến thể rộng hơn, ở đó sự hiểu được xem là những món nợ hiện tại và có tính lịch sử sâu sắc mà nhiều đặc tính của nó đối với quá khứ khó bị tháo dỡ hơn. Về những phiên bản khác nhau của chủ nghĩa duy sử xem tiểu luận của Jonathan Ree “Tính hư ảo của chủ nghĩa duy sử” (1991).

[8] Heidegger nói đến lịch sử của triết học khi đưa ra khẳng định xuất sắc sau: “Tính cá nhân của một nhà triết học là mối quan tâm chỉ dành cho khía cạnh này: ông sinh ra như thế và ở thời đại như thế, ông làm việc, và mất” (được trích ở trong Grondin (2003b)).

[9] Phụ đề của  Misgeld và Nicholson (1992)  là Thông diễn luận ứng dụng (Applied Hermeneutics).

[10] Gadamer  (l986b).

[11] Nhiều tiểu luận trong Misgeld và Nicholson (1992), ở tiết có tên “Nhà triết học ở đại học”.

[12] Gadamer  (1996).

[13] Đây là một loại lập trường mà tôi đã biện hộ ở trong bài Wittgenstein  and  Gadamer: Towards a  Post-analytic  Philosophy  of  Language  (2004).

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114559224

Hôm nay

2241

Hôm qua

2301

Tuần này

2542

Tháng này

226767

Tháng qua

122920

Tất cả

114559224