Những góc nhìn Văn hoá
Những tai nạn nghề nghiệp không phải do mình gây ra

Một hôm anh Nguyễn Tài Cẩn bảo tôi: "Từ tuần sau, anh Phan Ngọc sẽ đến giảng bài cho cậu, cậu thu xếp thời gian với anh ấy nhé." Chỉ có thế. Tôi cũng không biết giảng bài gì, nhưng cứ được học hỏi thêm là thích cái đã. Thế là cứ chiều thứ ba và thứ sáu hàng tuần, từ 2 giờ chiều, anh Phan Ngọc đến nhà tôi để giảng bài cho tôi. Tại sao phải ở nhà tôi? Mãi sau này mới biết. Lúc đó anh Phan Ngọc đang còn thụ án vụ Nhân Văn, phải làm công tác tư liệu ở Tổ tư liệu thư viện của Khoa Văn (cùng với anh Cao Xuân Hạo). Đến nhà tôi thì "bí mật" hơn, chứ làm ở Khoa thì không tiện.
Thế rồi, một hôm anh Cẩn lại bảo tôi: "Cậu chuẩn bị lên lớp cho năm thứ tư, lấy cái bài giảng anh Ngọc đã giảng cho cậu ấy." Tôi giật mình, kịch liệt phản đối. Lý do: tôi tốt nghiệp khóa 3 năm, mới ra trường được hơn 1 năm, bây giờ lại lên lớp cho sinh viên năm 4 thì "nghe" sao được. Anh Cẩn không thuyết phục được tôi. Ngày hôm sau có cậu nhân viên Phòng Tổ chức đến bảo tôi sáng mai lên gặp đồng chí Lê Văn Thiêm (lúc đó hình như là Phó Bí thư Đảng ủy Trường). Anh Thiêm hỏi tôi về chuyện không nhận lời anh Cẩn dạy cho năm thứ tư. Sau cùng anh cười, hỏi tôi giọng nửa đùa nửa thật (thế mới chết chứ): "Thế nếu Đảng phân công thì cậu nghĩ sao nhỉ?" Thì tôi chỉ đành ngậm miệng ra về và chuẩn bị công việc lên lớp thôi.
Chuyện lên lớp suôn sẻ. Anh em sinh viên thiện cảm, nghe thích thú. Hình như khóa ấy có các ông Đinh Văn Đức, Bùi Khánh Thế, Nguyễn Xuân Lương, và ai nữa tôi không nhớ hết.
Rồi lại một hôm, tôi đang ở nhà thì anh Lê Văn Tụng (nguyên là Lớp trưởng lớp Văn 3, cùng học với tôi, anh hơn tôi 3-4 tuổi, nhưng rất thân với nhau), Thư ký riêng cho ông Tố Hữu (lúc đó là Trưởng ban Tuyên Giáo, nhân vật hét ra lửa) đến bảo tôi: "Mày lại giở cái trò gì ở trường thế?" Tôi ngạc nhiên, nghe anh kể mới biết là có đơn thư tố cáo lên Ban Tuyên giáo là "bài giảng Chicago được đưa lên bục giảng Đại học Hà Nội". Nghe khiếp chưa?
Chưa hết, ngay tối hôm đó, anh Đức (cán bộ A25 Bộ Nội vụ - nay là Bộ Công an) cũng "đến chơi thăm gia đình" và nhân tiện hỏi tôi cũng về vụ ấy. Anh Đức rất thân với gia đình tôi, vì trong thời kỳ Pháp chiếm đóng Hà Nội, anh và đồng đội vẫn nhờ nhà tôi làm địa điểm hoạt động bí mật.
Sau đó tôi được biết hai anh này có đi mượn vở ghi chép của sinh viên để "thẩm tra" (kể họ cũng có tinh thần trách nhiệm bảo vệ Đảng đấy chứ). Nghe nói sinh viên cũng kể lại là không có vấn đề chính chị chính em gì trong bài giảng.
Rồi mọi chuyện cũng qua. Tôi đặc biệt cảm động về tinh thần trong sáng, vô tư, vì khoa học của sinh viên năm đó. Họ không hề biết chuyện đó là do anh Cẩn chủ trương, thông qua sự chuẩn bị của anh Ngọc, và tôi chỉ là người thực hiện. Họ cũng không biết là anh Lê Văn Thiêm ép tôi phải dạy. Xin nhớ là lúc đó, anh Thiêm và anh Cẩn đều ở trong Đảng ủy, và hình như cũng đang "có vấn đề". Đặc biệt là sinh viên không "khai" với hai anh cán bộ đi điều tra là lúc có sinh viên khen tôi một câu là bài giảng của tôi hay quá, thì tôi buột miệng: "Đi mà khen cái ông tác giả người Mỹ chứ khen gì tôi." Hú vía! Chứ mà họ thu thập được cái bằng chứng là tôi thích Mỹ (lúc đó) thì chắc là tôi hết nước làm ăn.
tin tức liên quan
Videos
Khuynh hướng cách tân trong thơ Việt Nam sau 1975
Hội nghị đánh giá tác động về đối tượng, tiêu chuẩn, điều kiện xét tặng danh hiệu “Nghệ sĩ Nhân dân”, “Nghệ sĩ Ưu tú” và lấy ý kiến dự thảo Nghị định xét tặng danh hiệu “Nghệ sĩ Nhân dân”, “Nghệ sĩ Ưu tú”
Bàn về “Học thật, thi thật, nhân tài thật” ( Kỳ 2)
Phân tầng xã hội và di dộng xã hội ở Việt Nam hiện nay [kỳ cuối]
Những âm thanh vang vọng núi rừng Tương Dương
Thống kê truy cập
114559230

2247

2301

2548

226773

122920

114559230