Những góc nhìn Văn hoá
Ổn định tâm lý hậu đại dịch Covid-19: Cần sự quan tâm của cả cộng đồng

Dịch bệnh gây nên nhiều tổn thương tâm lý cho con người ở các mức độ khác nhau tùy vào các nhóm đối tượng khác nhau. Nhưng phần lớn đều ít nhiều mắc phải các triệu chứng tâm lý như lo sợ, căng thẳng, trầm cảm, ngại giao tiếp, mất ngủ, lo lắng…. Vậy nên, ổn định tâm lý người dân trở thành vấn đề quan trọng của các quốc gia bị ảnh hưởng của dịch bệnh.
Mức độ chấn thương tâm lý ở các nhóm khác nhau tùy thuộc vào sự ảnh hưởng của dịch bệnh. Nhóm bị chấn thương tâm lý nặng nhất là những người bị nhiễm bệnh. Ở Việt Nam, tính đến nay có trên 270 trường hợp dương tính virus Corona, là những người thuộc nhóm bị chấn thương tâm lý nặng nề nhất. Có lẽ cần phải mất nhiều thời gian để họ quay trở lại với cuộc sống bình thường. Và sẽ rất khó để làm lành những vết thương trong tâm lý của họ. Những người này mang tâm lý hoang mang, lo sợ. Từ lo sợ cái chết, đến lo sợ sự cô đơn và áp lực tinh thần từ chính bản thân mình. Họ sẽ bị mặc cảm vì mình mà nhiều người bị lây lan, nhiều người bị ảnh hưởng, làm thiệt hại về kinh tế, ảnh hưởng sức khỏe, và tinh thần cho nhiều người. Họ sợ phải đối diện với những người bị ảnh hưởng trực tiếp từ bản thân và nỗi sợ hãi bị kỳ thị. Sau khi bình phục sức khỏe, họ có thể quay lại với công việc, với các sinh hoạt cộng đồng nhưng trong tâm lý họ thì những chấn thương là khó tránh khỏi. Và mức độ bình phục, ổn định tâm lý của họ cũng phụ thuộc nhiều vào bản lĩnh cá nhân lẫn sự giúp đỡ, hỗ trợ từng cộng đồng xung quanh. Nếu không nhận được những sự chia sẻ từ những người xung quanh, thì nhiều người sẽ không vượt qua được, họ sẽ mắc phải các chứng bệnh tâm lý như trầm cảm, ngại ra khỏi nhà, ngại tiếp xúc với người khác, hay tự dằn vặt bản thân…. Thế giời vừa biết đến trường hợp bác sĩ bác sĩ Lorna M. Breen, người đứng đầu khoa Cấp cứu tại bệnh viện NewYork - Presbyterian Allen đã qua đời ngày 26/4/2020 ở Charlottesville, Virginia, Hoa Kỳ. Bà là một bác sĩ từng chứng kiến cảnh tượng đau lòng ở phòng cấp cứu tại ổ dịch New York. Bà được xác nhận là bị nhiễm bệnh và được về đưa về nhà điều trị bởi cha là một bác sĩ. Tuy nhiên, do chấn thương tâm lý quá lớn nên bà đã không vượt qua được bản thân và tự sát.
Nhóm thứ hai chịu nhiều ảnh hưởng tâm lý là các cán bộ, nhân viên phục vụ trong ngành y tế. Trong quá trình điều trị, phòng chống dịch bệnh thì đội ngũ cán bộ ngành y tế cũng chịu nhiều sức ép từ nhiều phương diện khác nhau. Từ khi khởi dịch đến nay, thế giới đã phải chứng kiến nhiều cán bộ trong lĩnh vực y tế ngã xuống trong quá trình xử lý dịch bệnh. Và một phần lớn những người trực tiếp tham gia vào quá trình điều trị dịch bệnh bị chấn thương tâm lý nặng và mất nhiều năm để bình ổn tâm lý. Bởi một thời gian dài họ căng thẳng vì công việc, phải cách ly khỏi gia đình, cường độ làm việc cao gấp nhiều lần bình thường. Vậy nên, khi dịch bệnh qua, nhiều người đã suy nhược cơ thể, hỗn loạn tinh thần vì hơn ai hết, họ hiểu rõ sự nguy hiểm của dịch bệnh.
Nhóm thứ ba chịu tổn thương tâm lý là những người bị cách ly xã hội để phòng chống dịch bệnh. Đây là nhóm đối tượng với số lượng lớn. Tính đến thời điểm đầu tháng 5/2020, đã có hơn 1/3 dân số toàn cầu phải cách ly xã hội vì dịch bệnh với nhiều hình thức khác nhau. Ở nước ta, cũng có hàng vạn người đã và đang phải cách ly xã hội để điều trị, phòng chống dịch bệnh. Sau dịch bệnh, họ phải đối diện với việc tìm cách hòa nhập lại cộng đồng, ổn định lại công việc cũng như giúp đỡ nhóm từng bị nhiễm bệnh về tâm lý và bình ổn tâm lý cho những người liên quan đến cuộc sống của họ. Hầu hết những người này đều có triệu chứng căng thẳng, mất ngủ, dễ cáu gắt và nặng hơn thì sẽ trầm cảm, ngại tiếp xúc và bỏ bê công việc, thậm chí bỏ việc vì không tập trung tinh thần để làm việc được. Sự lo lắng về sức khỏe, lo ngại về tình trạng suy thoái kinh tế luôn làm họ sợ hãi. Phải mất nhiều thời gian họ mới đủ tự tin và đủ niềm tin để ổn định tâm lý và quay lại công việc bình thường được.
Bên cạnh đó, hàng loạt các nhóm xã hội khác cũng rơi vào tâm lý lo lắng, từ những giáo viên có nhà trường được trưng dụng làm khu cách ly, những chiến sĩ bộ đội có doanh trại phải nhường cho người cách ly khi chống dịch, rồi những công nhân, nhân viên của các doanh nghiệp, cơ quan có người bị nhiễm bệnh,… đều ít nhiều có tâm lý lo sợ, căng thẳng khi quay lại công việc của mình. Nói chung, một trận đại dịch đi qua để lại rất nhiều chấn thương tâm lý cho hầu hết con người trong xã hội. Vậy nên, việc điều trị chấn thương tâm lý hậu dịch bệnh trở thành vấn đề vô cùng quan trọng đối với các cộng đồng, các quốc gia chịu ảnh hưởng của dịch bệnh.
Các nghiên cứu trên thế giới cho thấy sau dịch bệnh, nhiều căn bệnh tâm lý trở nên phổ biến như trầm cảm, căng thẳng, hay cáu gắt, giận giữ, mất ngủ, rối loạn tinh thần,…. Những nghiên cứu này là có căn cứ bởi những hệ thống dữ liệu đã được phân tích từ những đợt dịch bệnh trước đây. Ví dụ như một nghiên cứu về tâm lý của nhiều người ở Trung Quốc sau khi dịch SARS hoành hành vào năm 2003 đã cho thấy, với các bậc cha mẹ bị cách ly với con cái, sức khỏe tâm thần bị ảnh hưởng nặng nề hơn và không dưới 28% cha mẹ bị cách ly có triệu chứng rối loạn tâm lý liên quan đến sang chấn. Trong khi đó, có gần 10% các nhân viên y tế có triệu chứng trầm cảm lên đến ba năm sau cách ly. Nhiều cán bộ y tế bị ảnh hưởng tâm lý lâu dài như nguy cơ lạm dụng rượu, tự dùng thuốc và có hành vi né tránh người khác. Thậm chí sau nhiều năm sau khi bị cách ly, có những nhân viên y tế vẫn né tránh tiếp xúc với các bệnh nhân bằng việc đơn giản là không đi làm. Đặc biệt, với những người từng bị nhiễm dịch bệnh thì những tổn thương tâm lý mà họ phải hứng chịu kéo dài hàng chục năm và gần như in hằn vào tâm trí họ. Nhiều người còn bị ám ảnh trong cả phần đời còn lại. Có nhiều lý do dẫn tới căng thẳng khi cách ly điều trị và phòng chống dịch bệnh như sợ chết mà không được gặp người thân, sợ bị lây nhiễm, sợ mất người thân, sợ người khác kỳ thị, rồi những nguy cơ khó khăn về tài chính....
Kinh nghiệm điều trị chấn thương của nhiều quốc gia trên thế giới sau các trận đại dịch cho thấy cần tổ chức thực hiện nhiều liệu pháp khác nhau sao cho phù hợp với các điều kiện cụ thể ở các địa phương, các vùng miền cũng như các quốc gia. Trong đó, cần phải chú trọng đến một số liệu pháp cần thiết sau:
Trong quá trình phòng chống dịch bệnh và ngay sau khi kiểm soát được dịch bệnh cần tổ chức các nghiên cứu, đánh giá ảnh hưởng tâm lý của các đối tượng khác nhau trong xã hội. Tiến hành tổ chức các nhóm điều trị tâm lý di động để xử lý chấn thương tâm lý cho các đối tượng đặc biệt. Thành lập các trung tâm tư vấn và điều trị chấn thương tâm lý cho người dân ở nhiều cấp độ khác nhau. Các trung tâm này hoạt động trong nhiều năm sau dịch bệnh, nhiệm vụ của nó là hỗ trợ, tư vẫn tâm lý trực tiếp và gián tiếp cho người dân. Bên cạnh đó là phát triển các mạng lưới công tác xã hội để giúp đỡ người dân trong việc ổn định tâm lý sau dịch bệnh.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, truyền thông để ổn định tâm lý người dân và ổn định cuộc sống sau dịch bệnh. Ở Việt Nam, hệ thống tuyên truyền giữ vai trò quan trọng. Cần tập trung truyền thông làm cho người dân hiểu rõ hơn, đúng hơn về dịch bệnh, về những chấn thương tâm lý do dịch bệnh gây ra và kêu gọi, động viên mọi người dân vào việc giúp đỡ, hỗ trợ lẫn nhau để ổn định tâm lý con người. Sau dịch bệnh, sự kì thị, sự phân biệt sẽ có xu hướng dâng cao đối với các đối tượng bị nhiễm bệnh hay liên quan, nên cần phải làm cho mọi người hiểu để giảm và tránh các quan điểm, hành vi sai trái, gây áp lực tâm lý cho người khác. Việc ổn định tâm lý xã hội cần mọi người cùng chung tay chứ chỉ dựa vào các nhóm điều trị tâm lý di động hay các trung tâm điều trị chấn thương tâm lý và nhân viên công tác xã hội là không đủ. Vậy nên công tác thông tin tuyên truyền cần tập trung hoạt động có hiệu quả trong giải quyết vấn đề này.
Ở Việt Nam, dịch bệnh đang thuyên giảm và đang hướng đến việc kiểm soát được tình trạng dịch bệnh. Nhưng trên thế giới, dịch Covid-19 vẫn hoành hành và chưa có dấu hiệu dừng lại. Mọi quốc gia, dịch bệnh đều có thể bùng phát hay tái phát. Vậy nên, từ lúc này, chúng ta cần chuẩn bị tốt tâm lý ứng phó với dịch bệnh và cần quan tâm đến công tác ổn định tâm lý sau dịch bệnh. Bởi sự ổn định tâm lý con người là chìa khóa để giải quyết các vấn đề khác từ kinh tế, xã hội đến chính trị sau dịch bệnh./.
tin tức liên quan
Videos
Khuynh hướng cách tân trong thơ Việt Nam sau 1975
Bàn về “Học thật, thi thật, nhân tài thật” ( Kỳ 2)
Phân tầng xã hội và di dộng xã hội ở Việt Nam hiện nay [kỳ cuối]
Những âm thanh vang vọng núi rừng Tương Dương
Hội nghị Sơ kết cụm thi đua 6 tỉnh Bắc Trung Bộ năm 2023
Thống kê truy cập
114559234

2251

2301

2552

226777

122920

114559234