Những góc nhìn Văn hoá
Từ Nguyễn Ái Quốc đến Hồ Chí Minh: những nước cờ chưa có tiền lệ

Nhóm đặc vụ OSS của Mỹ chụp ảnh cùng Bác Hồ và tướng Giáp, tháng 8/1945. nguồn doisongphapluat.
Hồ Chí Minh: cuộc đánh cược vô tiền khoáng hậu (Ho Chi Minh: the untried gamble) là một chương trong sách Cuộc cách mạng bị lấy cắp (The Lost revolution) của Robert Shaplen, xuất bản năm 1955. Tác giả cho rằng các quan điểm và chiến lược sai lầm của phương Tây đã làm thế giới mất đi thành quả đấu tranh vì tự do và dân chủ mà ngọn cờ độc lập dân tộc ở Việt Nam có thể đã đem lại.
Dưới ngòi bút của tác giả kỳ cựu này về Việt Nam, cách người cộng sản Hồ Chí Minh tìm lời giải phù hợp cho bài toán đa lợi ích của các thế lực siêu cường để đón thời cơ giành độc lập cho nước mình, là cuộc chơi chưa có tiền lệ nhằm phục vụ lợi ích dân tộc mình.
… Tháng 5/1941, sau khi Nhật thiết lập bộ máy hành chính bù nhìn gồm những người theo Pháp của chính phủ Vichy (Chính phủ của Pháp đầu hàng phát xít Đức), một cuộc gặp đã được dàn xếp giữa những người cộng sản Việt Nam và các đảng phái theo chủ nghĩa dân tộc không cộng sản ở Việt Nam tại Tĩnh Tây, ở phía bên kia biên giới (giáp Cao Bằng). Họ cùng cải tổ, đưa các đội ngũ rời rạc vào một Mặt trận: Việt Nam độc lập đồng minh, gọi tắt là Việt Minh. Linh hồn, và là người dẫn dắt của Hội là ông Nguyễn Ái Quốc, gầy gò, có râu. Ông xuất hiện bất thần trong cuộc mít tinh, nơi nhiều người nghĩ rằng ông đã chết vì bệnh lao từ lâu… Khi không còn những uốn nắn từ các thế lực của Quốc tế cộng sản, Nguyễn Ái Quốc và các cộng sự của ông tập trung vào mặt trận dân tộc thống nhất để tiếp tục tranh đấu với Pháp và Nhật, giành độc lập cho Việt Nam.
Cuối năm 1942, Nguyễn Ái Quốc bị mật vụ Quốc Dân Đảng Trung Quốc bắt giữ. Quốc Dân Đảng Trung Quốc biết Nguyễn Ái Quốc là cộng sản, nhưng đã chọn cách mô tả ông như “gián điệp của Pháp”, và tống ông vào ngục ở Liễu Châu. Theo một truyền thống quan sát Việt Nam chằm chặp lâu đời, Quốc Dân Đảng vẫn có kế hoạch xây dựng một “phong trào kháng chiến chống Pháp ở Việt Nam” dựa trên một danh sách chọn lọc những người Việt thân Trung Quốc. Nhưng Quốc Dân Đảng cũng nhanh chóng nhận thấy chính các du kích cộng sản thuộc mặt trận Việt Minh của Nguyễn Ái Quốc mới có thực sự từng trải trong đấu tranh. Cùng kỳ, chỉ có một nhóm dân sự có một mạng lưới người cung cấp thông tin từ Đông Dương. Nhóm này được lãnh đạo bởi khoảng một chục thương gia của các nước phe Đồng minh, mà từng người trong đó đã có nhóm riêng của họ gồm các nguồn thu thập tin tức người Pháp, Việt, hoặc Trung Quốc. Lợi ích ban đầu của nhóm thương gia này là làm mọi việc có thể, để bảo tồn tài sản và của cải sở hữu bởi các nước Đồng minh tại Viễn Đông. Và sau vụ Trân Châu Cảng (Cuộc đột kích lớn của Nhật năm 1941, nhằm ngăn chặn Mỹ cản trở Nhật chiếm Đông Nam Á; đã đưa đến quyết định tham gia chiến tranh Thế giới thứ II của Mỹ), nhóm dân sự độc đáo này đã bắt đầu làm việc với các du kích của Hồ Chí Minh để thu thập tin tức tình báo cho các căn cứ không quân của phe Đồng minh đóng trên đất Trung Quốc và Ấn Độ.
Đầu năm 1943, Nguyễn Ái Quốc gửi một bức thông điệp từ trong nhà lao nơi ông bị giam cho Lãnh chúa phương Nam của Trung Quốc là Trương Phát Khuê. Trương Phát Khuê là một lãnh tụ quan trọng của Quốc Dân Đảng Trung Quốc, và là đối thủ tranh quyền bính với Tưởng Giới Thạch, đồng thời ông có tư tưởng riêng của mình về vận mệnh của Trung Quốc. Nguyễn Ái Quốc đề xuất rằng nếu được thả, sẽ tái khởi động hệ thống hoạt động bí mật của ông ở Đông Dương để thu thập tin tức tình báo (cho Đồng minh), một việc cũng có lợi cho sự nghiệp chính trị của Trương Phát Khuê. Kết quả là Trương Phát Khuê đã thả Nguyễn Ái Quốc ra khỏi nhà tù mà không hỏi han gì Tưởng Giới Thạch. Kể từ thời điểm này (khi ra tù), Nguyễn Ái Quốc lấy tên là Hồ Chí Minh, trước hết là để giấu tông tích của mình khỏi cặp mắt của Tai Li, trùm mật vụ Quốc dân Đảng. Với tên mới này, ông đã trở thành người đứng đầu của một nhóm người cách mạng Việt Nam gọi là Việt Nam Cách mạng đồng minh Hội (Việt Cách, tổ chức thân Quốc dân Đảng Trung Quốc). Đây là một tổ chức được Quốc dân Đảng Trung Quốc tài trợ, và tại thời điểm đó, tổ chức Việt Minh được nhìn nhận như là một phần của Việt Cách.
Ông Hồ đã nhận được một trăm ngàn đồng tiền Quốc dân Đảng Trung Quốc (khoảng giữa năm 1940, 2 đồng quan kim bằng khoảng 1 đồng tiền Đông Dương. ND chú), và đã chi trả vào việc lấy tin tức và hoạt động phá hoại chống quân Nhật ở Đông Dương. Trong hai năm 1944 -1945, Việt Minh đã phát triển lực lượng nhờ vào ngân quỹ của Quốc dân Đảng dành cho Việt Nam cách mạng Đồng minh hội (Việt Cách); và tới cuối năm 1944 đã có được một quân đội độc lập có quân số lên tới 1 vạn nghĩa quân (rebels), dưới quyền chỉ huy của một luật sư và nhà giáo trẻ, ông Võ Nguyên Giáp, người đã bắt đầu thể hiện một tài năng quân sự nổi bật. Với sự tăng trưởng tính độc lập của Việt Minh, quan hệ giữa Hồ Chí Minh với nhà cầm quyền Quốc dân Đảng ở Trùng Khánh và Côn Minh ngày càng trở nên căng thẳng. Trong các điều kiện đó, người bảo hộ cho Hồ Chí Minh là Trương Phát Khuê cũng không thể trợ giúp nhiều cho ông. Cũng như vậy, cả hai nơi là Vichy (chính quyền Pháp thân Đức quốc xã) và Lực lượng đối địch với Quốc xã là Lực lượng nước Pháp tự do đều không vui lòng với các hoạt động của ông Hồ, và họ đã chôn vùi những hiềm khích giữa họ với nhau để trao đổi các tin tức mật về Hồ Chí Minh.
Trong nửa sau của năm 1944, Hồ Chí Minh tiếp tục bày tỏ sự thân thiện với người Mỹ; những gì tiếp nối trong hai năm sau, bao gồm cả những thiên sử lãng mạn giữa ông Hồ với các quân nhân trẻ của Mỹ như Trung úy John, như những nốt cao của một vở opera vui nhộn, tuy nhiên lại có một kết buồn. Ông Hồ, trong 4 dịp riêng rẽ, đã bí mật tới Văn phòng của Tình báo chiến lược Mỹ (Office of Strategic Service) ở Côn Minh vào cuối năm 1944 và đầu năm 1945, tìm kiếm vũ khí và đạn dược, và chi trả bằng tin tức và các hoạt động phá hoại chống Nhật, và bằng xúc tiến liên tục các hoạt động tìm cứu các phi công Đồng minh bị bắn rơi (ở Đông Dương). Theo Paul Helliwell, Thủ trưởng cơ quan tình báo OSS tại Trung Quốc lúc đó, và người cho tới nay vẫn phủ định là OSS đã “quản” được ông Hồ, “Văn phòng OSS tại Trung Quốc trong suốt thời gian hoạt động đã nhất quán với chính sách của nó là không hỗ trợ các cá nhân như ông Hồ, người được biết đến như một người Cộng sản và vì thế hẳn sẽ trở thành nguồn những phiền toái hậu chiến”.
Cùng kỳ, bất chấp chính sách được Tổng thống Roosevelt công bố là không can dự vào phong trào kháng chiến Đông Dương, Helliwell cho hay ông đã không biết gì về bất cứ một mệnh lệnh trực tiếp nào, và quyết định (Mỹ) không giúp ông Hồ trên thực tế, vẫn theo Helliwell, là do ông Hồ đã không chịu hứa là những vũ khí mà ông nhận được sẽ dùng chỉ để chống người Nhật, chứ không dùng để chống người Pháp.
Ông Hồ vẫn nỗ lực (tiếp cận Đồng minh). Helliwell cấp cho ông 6 khẩu súng ổ quay cỡ 38 và hai chục ngàn viên đạn. Tuy nhiên đây chỉ là biểu tượng của sự biết ơn đối với Việt Minh nhân ba phi công của Đồng minh được Việt Minh giải cứu. Một thời gian sau, ông Hồ viết cho Richard Heppner, Thủ trưởng cơ quan OSS tại Trung Quốc ở giai đoạn cuối chiến tranh Thế giới II, yêu cầu Hoa Kỳ hiệp trợ trong việc ép người Pháp phải dành cho Đông Dương quyền độc lập, bởi lẽ Hoa Kỳ đã hứa trao trả độc lập cho Philippines. Kết cục là Hồ Chí Minh quả là đã nhận được một sự hiệp trợ nhất định từ phía OSS và từ một số phái bộ Đồng minh và của Mỹ nữa, ngoài sáu khẩu súng ngắn của Helliwell, cho dù viện trợ vật chất mà ông Hồ nhận được không to lớn như nguồn hứng khởi mà ông Hồ đã truyền đạt một cách dân dã (cho đồng bào mình). Như một lãnh đạo tình báo Mỹ tại Viễn về sau đã nhận xét: “Hồ Chí Minh đề xuất trở thành người của chúng ta, nhưng chúng ta chưa bao giờ nắm chặt tay ông ấy, vì chúng ta đã không thể cấp ngân phí cho ông ấy”.
Hồ Chí Minh vẫn tìm cách tiếp cận một số tiền trạm của phe Đồng minh. Tướng Claire Chennault, tư lệnh Không đoàn 14 đã được các đối tác Quốc dân đảng Trung Quốc báo trước, là phải tránh xa Hồ Chí Minh, vậy mà tại một thời điểm không dự liệu trước, Chennault đã phải gặp ông Hồ, người tự giới thiệu là “một hướng dẫn viên lão luyện” về Việt Nam. Dù gặt hái có mức độ, nhưng ông Hồ lại được người Anh giúp ích nhiều hơn. Người Anh đã thả một số hàng tiếp tế xuống cho Lực lượng nước Pháp tự do vào tháng 11 năm 1944, và cho các du kích Việt Minh, sau khi Hồ Chí Minh bí mật quay trở lại miền rừng rậm Bắc Bộ với hơn 200 người theo Việt Minh. Cùng đi chuyến đó với ông Hồ còn có đại diện của một nhóm các doanh nghiệp dân sự Mỹ và Đồng minh từng hợp tác trước đó với người của ông Hồ, được đề cập ở phần trên. Nhóm những người trợ chiến bí mật (hush - hush) này ban đầu thuộc về vây cánh của tổ chức OSS (tiền thân của CIA), nhưng tới lúc này (ngưỡng cửa 1945), họ được thu nhận một cách bán chính thức vào Lực lượng hỗ trợ Không địa (Air Ground Aid Service, AGAS, chuyên hướng dẫn các phi công đồng minh hoạt động và tìm cách thoát thân nếu bị bắn rơi). Các vũ khí mà nhóm người không đông của ông Hồ mang theo về Bắc Bộ lúc đó được biết là lấy từ dự trữ của OSS, dù chúng ban đầu được vận chuyển tới cho mục đích khác, cũng như được lấy từ một số kho vũ khí khác của Mỹ.
Trong miền rừng rậm Bắc Bộ, một địa bàn có lối vào mà chẳng có đường ra, nơi thổ phỉ Trung Quốc, lực lượng nước Pháp tự do (phe kháng chiến của De Gaulle) và quân nhảy dù Mỹ, và các nhóm dân tộc chủ nghĩa khác nhau người Việt Nam đều tích cực hoạt động, ông Hồ thiết lập sở chỉ huy quân cách mạng của mình. Lính Việt Minh, dưới quyền chỉ huy của người trẻ tuổi Võ Nguyên Giáp, đã tập kích có hiệu quả vào quân Nhật, và làm tốt công việc binh vận, tuyên truyền cho một nước Việt Nam tự do, và hỗ trợ giải cứu ngày một nhiều hơn các phi công phe Đồng minh (nhảy dù khỏi máy bay bị pháo cao xạ Nhật bắn rơi).
Một người Mỹ từng ở bên Hồ Chí Minh tại bản doanh của ông Hồ trong giai đoạn này đã nhớ về ông, trước hết là về sức cuốn hút của nhân cách và sự toàn tâm toàn ý cho sự nghiệp. Người Mỹ này đã đưa ra đánh giá sau đây về ông Hồ: “Anh cần phán xét ai đó trên cơ sở người ấy muốn gì. Ông Hồ không thể trở thành người của phe Pháp, và ông biết rằng mình có đủ điều kiện để kháng Pháp. Hồ Chí Minh ngại người Trung Quốc nên đã không thể giao kèo với họ (trong dự án này), vì họ sẽ luôn luôn đòi ăn lãi kiểu một vốn bốn lời. Moscow ở quá xa, và vốn chỉ tốt trong nỗ lực làm nổ tung những chiếc cầu, chứ không thật tốt cho xây dựng lại những chiếc cầu ấy. Nếu không có những nhu cầu (trợ chiến cho phe Đồng minh), dĩ nhiên là ông Hồ không có cơ hội để chống lại hạ tầng cơ sở thuộc địa gần trăm năm của người Pháp. Nay ông ấy đã lên yên, tuy chưa rõ là ngựa của ông ấy đang cưỡi là ngựa nào. Chỉ biết chắc chắn, tại thời điểm này (1945), Hồ Chí Minh hiệp trợ (Không quân) Đồng minh do Mỹ đứng đầu ở dưới mặt đất. Chúng tôi và những người Pháp (thuộc lực lượng nước Pháp Tự do của De Gaulle) đang ở lập trường hỗ trợ ông Hồ trong tương lai. Tôi nghĩ ông Hồ luôn sẵn sàng hướng tới phương Tây”.
Lê Đỗ Huy (trích dịch)
tin tức liên quan
Videos
Khuynh hướng cách tân trong thơ Việt Nam sau 1975
Bàn về “Học thật, thi thật, nhân tài thật” ( Kỳ 2)
Phân tầng xã hội và di dộng xã hội ở Việt Nam hiện nay [kỳ cuối]
Những âm thanh vang vọng núi rừng Tương Dương
Hội nghị Sơ kết cụm thi đua 6 tỉnh Bắc Trung Bộ năm 2023
Thống kê truy cập
114559232

2249

2301

2550

226775

122920

114559232