Những góc nhìn Văn hoá
Tiểu thuyết truyền thống Trung Quốc ở châu Á (thế kỷ 17 - thế kỷ 20)

DẪN LUẬN
Các học giả phương Tây đã dành nhiều nghiên cứu cho tiểu thuyết Trung Quốc truyền thống nhưng về đại thể dường như họ tiếp cận nó như một chỉnh thể nằm trong biên giới chính trị Trung Quốc. Chỉ rất ít người tìm cách vượt qua những đường biên này và chỉ ra những ảnh hưởng của tiểu thuyết Trung Quốc đến các nước láng giềng. Vậy mà ngôn ngữ và chữ viết Trung Quốc trong nhiều thế kỷ lại được dùng ở nhiều nước như: Triều Tiên, Nhật Bản và Việt Nam, và văn học Trung Quốc bắt đầu truyền bá ở vùng này rất sớm, mở đầu với kinh điển Nho giáo, kinh Phật, và thơ từ chữ Hán.
Đề cập đến văn học phương Tây, các học giả hăng hái truy tìm những sự vay mượn và ảnh hưởng của các loại hình văn học mới đối với sự phát triển văn học của các dân tộc khác nhau, song cho đến bây giờ lối tiếp cận so sánh ấy vẫn chưa được áp dụng cho vùng văn hóa Viễn Đông. Tạp chí Tamkang (Đạm Giang, Đài Bắc, 1970), gần như là tờ tạp chí duy nhất bằng tiếng Anh dành nghiên cứu so sánh văn học Trung Quốc với văn học phương Tây, đã xuất bản số đặc biệt hướng sự chú ý của các nhà nghiên cứu đến ảnh hưởng của văn học Trung Quốc ở Triều Tiên, Việt Nam, Nhật Bản và Philippine. Trong đó có hai bài đề cập đến mối quan hệ văn chương giữa một bên là Trung Quốc và bên kia là Triều Tiên, Philippine; hai bài khác tập trung nghiên cứu sự mô phỏng và bứng trồng những tác phẩm Trung Quốc riêng lẻ1. Tất nhiên các chuyên gia về văn học Triều Tiên, Nhật Bản, Mông Cổ và Mãn Châu cũng đã đề cập đến vấn đề vay mượn và ảnh hưởng của Trung Quốc từ vài thập kỷ nay. Về phương diện này, các học giả đã có những đóng góp vô cùng to lớn đối với văn chương hiện tồn, bất kể bằng ngôn ngữ phương Đông hay phương Tây2.
Chúng tôi cho rằng đang có sự khởi phát trong việc tìm hiểu xem tiểu thuyết Trung Quốc đã thâm nhập như thế nào vào các nước láng giềng, được tiếp nhận và cuối cùng đem lại cảm hứng ra sao cho các nhà văn bản địa. Ở các nước dùng chữ Hán, nơi mà anh tài địa phương phải rèn tập bằng chữ Hán và có thể ít nhiều hiểu được tiếng bạch thoại, loại tiểu thuyết này được đọc bằng nguyên bản. Tuy nhiên, từ rất sớm các học giả và nhà văn bản địa đã dịch, cải biên và cả mô phỏng tiểu thuyết Trung Quốc. Ở những nước khác, nơi mà tiếng Trung Quốc là một ngoại ngữ chỉ được biết đến ở thiểu số những di dân Trung Quốc và hậu duệ của họ - đây là trường hợp ở Campuchia, Thái Lan và các quốc đảo Đông Nam Á - việc đọc tiểu thuyết Trung Quốc thoạt đầu bị giới hạn trong nhóm người nói trên cho đến khi bắt đầu xuất hiện những bản dịch sang tiếng bản địa dành cho những người trong cộng đồng người Hoa không còn hiểu được ngôn ngữ mẹ đẻ nữa.
Những nghiên cứu trước đây của chúng tôi về việc dịch tiểu thuyết Trung Quốc truyền thống sang tiếng Malay/Indonesia thôi thúc chúng tôi mở rộng việc nghiên cứu sang các nước châu Á khác. Một đề tài đầy tham vọng như vậy chắc chắn sẽ gặp phải một số khó khăn. Trước hết, nó đòi hỏi sự tham gia của những học giả thành thạo các ngôn ngữ tương ứng và cùng quan tâm đến lĩnh vực ít được quan tâm này. Với một vài ngôn ngữ như Triều Tiên, Nhật Bản, Mãn Châu, Mông Cổ và Việt Nam việc tìm kiếm những nhà nghiên cứu sẽ tham gia vào đề tài này không gặp phải khó khăn như thế. Với những ngôn ngữ khác, đặc biệt là với tiếng Burma (Miến Điện, tức Myanma), Lào và Philippine chúng tôi không tìm được ai cùng giải quyết vấn đề này. Khó khăn thứ hai, sản phẩm của loại văn chương này không bao giờ được liệt kê một cách nghiêm túc và công bố khắp thế giới, do đó sự hiểu biết của chúng tôi về địa vực này rất khập khiễng.
Trước khi tìm hiểu kỹ các thể loại văn chương, các hoạt động dịch thuật và con đường lưu truyền, chúng tôi muốn làm một cuộc khảo sát sơ bộ niên đại các bản dịch và cải tác từ những chuyên luận được đưa vào tập sách này (tức Literary Migrations: Traditional Chinese Fiction in Asia - Những cuộc thiên di văn học: Tiểu thuyết Trung Quốc truyền thống ở châu Á). Thuật ngữ “dịch” sẽ được dùng với nghĩa rộng nhất vì trong phạm vi hiểu biết của chúng tôi hiện nay thì việc phân biệt “dịch” và “cải tác” thường không thể thực hiện được.
1. Khảo sát sơ bộ niên đại
Mặc dù không có cách nào xác định ngày tháng chính xác sự xuất hiện của những tiểu thuyết bằng thơ đầu tiên của Việt Nam viết bằng chữ Nôm và có nguồn gốc từ văn chương Trung Quốc, vì những bản cải tác hiện còn đều có niên đại từ nửa sau thế kỷ 19 hoặc muộn hơn, song nhìn chung có thể nói rằng có khả năng truy nguyên nguồn gốc của chúng đến thế kỷ 15 hoặc 16. Tuy nhiên, thời hoàng kim của thể loại văn chương này rõ ràng là vào thế kỷ 18 và 19. Các bản dịch thành văn xuôi không có mặt trước thế kỷ 20, khi mà việc dùng chữ quốc ngữ, tức chữ Latin hóa, trở nên phổ biến. Người ta đã xác định được hơn 300 tên tác phẩm xuất hiện trong thời kỳ từ 1905 đến cuối những năm 1950.
Ở một nước như Triều Tiên, nơi chữ Hán là ngôn ngữ viết duy nhất trong nhiều thế kỷ, chúng ta cũng thiếu thông tin liên quan đến sự khởi đầu của các bản dịch. So với Việt Nam, nơi chữ Nôm được tạo ra từ trước thế kỷ 13, văn tự Triều Tiên có ngày tháng ra đời xác định: từ giữa thế kỷ 15. Người ta có thể khẳng định rằng những bản dịch đầu tiên tiểu thuyết lịch sử như Tam quốc diễn nghĩa có thể được tiến hành trong thế kỷ này; tuy vậy không có bản dịch từng được biết đến nào còn lưu giữ được đến ngày nay. Đa số các bản dịch ở dạng chép tay hay bản in đều có niên đại từ thế kỷ 19.
Bản dịch đầu tiên của tiểu thuyết Tam quốc diễn nghĩa có thể xác định ngày tháng khá chắc chắn là bản bằng tiếng Mãn Châu, do học giả nổi tiếng Dahai (Đạt Hải, 1599-1632) khởi bút vào năm 1631, hoàn thành năm 1647 và được xuất bản năm 1650. Quả thực người Mãn Châu rất nhiệt thành hấp thụ nền văn hóa Trung Hoa: trong thế kỷ 17 và 18, họ quan tâm nhiều đến việc dịch các tác phẩm giáo huấn Trung Hoa cũng như tiểu thuyết. Song việc dịch tiểu thuyết Trung Hoa sang tiếng Mãn Châu có lẽ đạt đến đỉnh điểm đầu tiên vào giữa thế kỷ 17. Với 73 bản dịch được biết đến hiện còn lưu giữ lại có thể khẳng định rằng mặc dù nhà Thanh tìm cách ngăn cấm tiểu thuyết Trung Quốc và các bản dịch tiếng Mãn Châu, chúng vẫn được lưu truyền rộng rãi. Dù các nguồn sử liệu Trung Hoa cho rằng ngay từ đầu thế kỷ 19 nhiều người Mãn Châu đã không còn hiểu được ngôn ngữ của chính mình và do đó quen đọc tiểu thuyết Trung Hoa bằng nguyên bản chữ Hán3, song các hoạt động dịch thuật vẫn diễn ra và hai bản dịch đó được in lần lượt vào các năm 1848 và 1907.
Tại Mông Cổ, ảnh hưởng của tiểu thuyết chữ Hán được coi là đến sớm nhất vào thế kỷ 17. Nó liên quan đến sự quy phục của họ trước người Mãn và tiến triển song song với sự bành trướng quyền lực của nhà Thanh đến vùng thảo nguyên phương Nam từ thế kỷ 18 đến 20. Có khoảng 80 tên sách hiện còn và 57 bản trong số đó được xác định là có nguồn gốc Trung Hoa. Cho đến trước khi có sự xuất hiện của nhà in đầu tiên vào những năm 1920, tất cả các văn bản đều ở dạng chép tay. Chỉ hai trong số này có bản dập cho phép chúng ta xác định ngày tháng của chúng là từ 30 năm đầu thế kỷ 18, tác phẩm xưa nhất có thể là một bản dịch Tây du ký (1721).
Ở Nhật trước khi tiểu thuyết thông tục được giới thiệu, truyện theo lối văn ngôn như Tiễn đăng tân thoại đã lưu hành rộng rãi vào thế kỷ 17. Tập truyện ngắn bị cấm tại Trung Quốc vào năm 1442 này lại được in ở Nhật năm 1600, cùng với tục tập của nó là Tiễn đăng dư thoại. Tiểu thuyết lịch sử được giới thiệu vào nửa sau thế kỷ 17 nửa đầu thế kỷ 18. Với người Nhật, ngôn ngữ của những tác phẩm đó khó hiểu hơn các tiểu thuyết bằng chữ Hán cổ rất nhiều, và các bản dịch bắt đầu xuất hiện vào thời kỳ Genroku (1688-1703). Dịch phẩm đầu tiên là của Konan Bunzan, xuất bản năm 1692, 1695 và 1703. Nhưng thời hoàng kim của các bản dịch tiểu thuyết thông tục Trung Quốc sang tiếng Nhật là ở nửa sau thế kỷ 18. Về sau những tác phẩm này được viết lại theo phong cách bình dân thời Edo, và gần đây hơn, các bản dịch mới được xuất bản bằng tiếng Nhật hiện đại.
Tại Thái Lan, các thành viên của hoàng gia rất hứng thú với văn chương Trung Quốc. Ngay từ thế kỷ 17 đã có một vài nhóm diễn viên Trung Quốc trình diễn kịch Trung Quốc tại cung đình Thái và rất nổi tiếng4. Tuy vậy, có lẽ bản dịch đầu tiên một tiểu thuyết Trung Quốc là Tam quốc diễn nghĩa lại chỉ xuất hiện vào năm 1892 dưới triều Rama đệ nhất. Sau đó là chừng 29 tác phẩm nữa, tất cả đều được tiến hành dưới sự bảo trợ của các quan đầu triều từ thời vua Rama đệ nhất đến Rama đệ ngũ (1782-1910). Tiếp sau đó, các nhà xuất bản và báo chí hỗ trợ cho các dịch phẩm. Bản dịch tiểu thuyết lịch sử Trung Quốc ấn hành nhiều kỳ đầu tiên xuất hiện vào năm 1921. Từ Chiến tranh Thế giới thứ hai, bên cạnh các tiểu thuyết cổ điển được in lại và thi thoảng được dịch lại, rất nhiều bản dịch truyện võ hiệp cũng xuất hiện.
Mặc dù Campuchia chịu ảnh hưởng nhiều của Trung Quốc ở nhiều phương diện trong nhiều thế kỷ, dẫn đến việc nghiên cứu về vấn đề này ngày hôm nay, song dường như những dấu vết của ảnh hưởng văn chương Trung Quốc chỉ có thể tìm thấy trong các bản thảo rất ít người biết đến có niên đại từ giữa thế kỷ 19 hoặc muộn hơn. Có dưới 10 bản thảo đã tìm thấy dấu vết; hai bản có thể xác định niên đại chính xác từ 1860 và 1897. Cuối những năm 1920, các dịch phẩm truyện Trung Quốc, hiện còn chưa xác định một cách chính xác là tác phẩm nào, đã xuất hiện trên báo chí. Bản dịch ấn hành nhiều kỳ đầu tiên tiểu thuyết lịch sử Tam quốc diễn nghĩa chỉ xuất hiện giữa những năm 1930. Sau Chiến tranh Thế giới thứ hai, cũng như ở Thái Lan, báo chí đã đăng tải nhiều kỳ các tác phẩm dịch. Truyện võ hiệp không có mặt trên báo chí trước cuối những năm 1960.
Khi tìm hiểu các quốc đảo Đông Nam Á, vấn đề bản dịch đầu tiên tiểu thuyết Trung Quốc xuất hiện khi nào là câu hỏi còn khó trả lời hơn. Chúng tôi gặp phải nhiều vấn đề, từ việc có rất nhiều ngôn ngữ khác nhau được sử dụng ở vùng này đến việc du nhập in ấn và báo chí trong nửa sau thế kỷ 19 có thể dẫn đến sự biến mất của các bản viết tay cũ trước đó. Kết quả là, ở vùng Malay-Indonesia chỉ có tìm thấy bản dịch xưa nhất tiểu thuyết Trung Quốc Tiết Nhân Quý chinh Tây là bản chép tay bằng tiếng Java có niên đại 1859. Các bản dịch chép tay bằng tiếng Malay chưa tìm thấy dấu vết. Bản dịch xưa nhất được in mà chúng ta biết xuất hiện vào năm 1877 bằng chữ Ả Rập. Đó không phải là tiểu thuyết mà là cuốn sách nhỏ thuộc loại luận thuyết tôn giáo và giáo huấn. Bản dịch đầu tiên tiểu thuyết Trung Quốc mà chúng tôi biết là bản phát hành tại Batavia năm 1882. Thời kỳ 1883 và 1886, có không dưới 40 tác phẩm được in ra, chứng tỏ rằng chúng có thể đã được lưu truyền sớm hơn dưới dạng chép tay. Chỉ có một bản bằng tiếng Java được xuất bản vào năm 1873. Cuối thế kỷ 19, có lẽ việc tiếng Malay chiếm ưu thế so với tiếng Trung Quốc đã dẫn đến sự suy giảm và cuối cùng là sự biến mất thật sự các bản dịch bằng tiếng Java. Rất có thể ấn bản 1913 là bản dịch cuối cùng. Trong những năm 1920 - 1930 chỉ có một vài nỗ lực xuất bản các dịch phẩm tiểu thuyết Trung Quốc. Theo số liệu có được thì tổng số các bản dịch bằng tiếng Java không vượt quá con số 20; trong khi đó, ở Indonesia, nội một thời kỳ vắt ngang thế kỷ (từ những năm 1870 đến những năm 1960) các bản dịch bằng tiếng Malay đã lên đến hơn 700. Ngoài ra còn có thể bổ sung bằng hơn 70 bản dịch lẻ tẻ được xuất bản ở Malay và Singapore từ 1889 đến những năm 1950. Chúng ta có thể khẳng định rằng các bản dịch tác phẩm Trung Quốc sang tiếng Bali tồn tại cho đến cuối thế kỷ 19. Tuy vậy, rất ít bản thảo có niên đại, bản cổ xưa nhất mà chúng ta biết được viết vào năm 1915. Ở Makassar, trước đầu thế kỷ 18 có một cộng đồng người Hoa nằm dưới sự coi sóc của một thủ lĩnh Trung Quốc, song chúng tôi chưa tìm thấy một bản dịch tiểu thuyết Trung Quốc bằng tiếng Makassar nào trước cuối những năm 1920, và chúng có chung một dịch giả. Bản sớm nhất là năm 1928 và muộn nhất là năm 1936, có 64 bộ cả thảy, nhưng ngoại trừ 1 bộ, tất cả đều ở dạng chép tay. Gần như cùng thời gian này, một bản dịch câu chuyện về Lương Sơn Bá - Chúc Anh Đài bằng tiếng Madura được nhà xuất bản Hà Lan, Balai Pustaka, in năm 1930-1931. Vậy là chúng ta chỉ có thể lần tìm được duy nhất một văn bản bằng tiếng Madura. Trong thư mục văn học Sudan cũng không tìm thấy tên một bản dịch nào; hơn thế, những chuyên gia mà chúng tôi hỏi ý kiến là Giáo sư F.S. Eringa và nhà văn kiêm học giả Ajip Rosidi đều cho rằng họ không biết gì về những tác phẩm bằng tiếng Sudan có thể được xem là những bản dịch từ tiểu thuyết Trung Quốc. Từ giữa những năm 1960, nhu cầu về truyện võ hiệp nổi lên rầm rộ ở khắp Indonesia, dẫn đến sự xuất hiện vô số sách mới đều dùng tiếng Indonesia, bao gồm các bản dịch, cải tác và ngày một nhiều các bản mô phỏng.
Người Trung Quốc đã có chỗ đứng ở Philippine vài thế kỷ và họ đóng góp phần quan trọng vào sự khởi đầu của nghề in ấn ở cuối thế kỷ 16. Elmer A. Ordonez đã không thu được lời giải bao nhiêu khi đặt câu hỏi: vì sao không tìm thấy dấu vết ảnh hưởng của văn chương Trung Quốc ở nơi đây. Một lý do có thể đưa ra là người Trung Quốc và hậu duệ của họ cho đến rất gần đây mới viết bằng tiếng địa phương, bởi vì, người Tây Ban Nha duy trì hệ thống giáo dục phát triển cao đó khiến các văn sĩ địa phương quen viết bằng tiếng Tây Ban Nha5.
Mặc dù không bắt gặp một bản dịch tiểu thuyết Trung Quốc sang tiếng Tây Ban Nha do việc người Trung Quốc đến định cư ở Philippine song chúng tôi cũng không thể đơn giản loại trừ khả năng này. Vì trên thực tế, chúng tôi đã có những bản dịch sang các ngôn ngữ châu Âu khác tại những quốc gia Đông Nam Á khác. Ở Malacca, bản dịch đầu tiên tiểu thuyết Trung Quốc sang tiếng Anh là của Tkin Shen, sinh viên trường Cao đẳng Trung - Anh; tác phẩm được xuất bản ở London năm 18436. Nhà Hán học danh tiếng James Legge, hiệu trưởng nhà trường khi đó, đã nói trong lời tựa cho bản dịch rằng: “Hy vọng tác phẩm này sẽ nhận được thiện cảm đủ để khích lệ dịch giả và những đồng bào khác của anh học tiếng Anh có kết quả, để mở ra cho các quốc gia châu Âu kho báu mà riêng họ có được”. Ở Myanma, nơi người ta cũng không phát hiện được một bản dịch tác phẩm Trung Quốc nào bằng tiếng địa phương, vào năm 1894 một vài người Trung Quốc ở Rangoon đó ra một tờ tạp chí văn học bằng tiếng Anh có tên là The Hokkien Library Series (Phúc Kiến đồ thư tùng san). Hiển nhiên độc giả của nó là người Hoa sinh trưởng tại địa phương và người châu Âu. Số đầu đăng tải bản lược dịch bằng tiếng Anh tiểu thuyết cổ điển Trung Quốc. Số thứ hai là bản dịch tác phẩm đó sang tiếng Phúc Kiến phiên âm theo mẫu tự Latin7.
Để kết lại cuộc khảo sát niên đại này, có thể nói rằng các nước láng giềng của Trung Quốc, có thể bao gồm cả những vùng tiếng Trung Quốc không phải là “hành trang” văn hóa, tại một số thời kỳ lịch sử, trong những khoảng thời gian dài ngắn khác nhau, đã bị hấp dẫn bởi tiểu thuyết Trung Quốc truyền thống. Về phía Bắc, tiểu thuyết Trung Quốc truyền thống cho đến nay vẫn được thưởng thức trong những người Mông Cổ; những người kể chuyện rong tiếp tục kể những câu chuyện Trung Quốc. Tương tự, truyền thống dịch tiểu thuyết của Mãn Châu đến nay còn tiếp tục trong những thiểu số Tích Bá của vùng Y Lê (tỉnh Tân Cương). Tại Triều Tiên và Nhật Bản, từ sau Chiến tranh Thế giới thứ hai, việc xuất bản các bản dịch tiểu thuyết cổ điển Trung Quốc lại được tiếp tục trên một quy mô lớn. Ở phía Nam, tại những nước như: Thái Lan, Indonesia, (và cho đến gần đây ở Campuchia và Việt Nam), các nhà xuất bản và báo chí đã biến bản dịch truyện võ hiệp Trung Quốc thành sản phẩm đại chúng có lợi nhuận cao. Dù nhu cầu tiểu thuyết lịch sử không còn lớn như trong nửa đầu thế kỷ 20, song những bản in lại và dịch mới vẫn được xuất bản bằng tiếng Việt và Thái.
Sẽ rất thú vị nếu nghiên cứu ảnh hưởng của tiểu thuyết Trung Quốc trong tất cả các dân tộc thiểu số Trung Quốc. Chúng tôi biết, theo những nghiên cứu gần đây tiến hành tại nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, rằng tại các tỉnh phía Nam, người Bạch, người Choang và người Dao đã vay mượn một số truyện để viết lại bằng ngôn ngữ của chính dân tộc mình8. Thực tiễn vấn đề phức tạp vượt quá tầm xử lý của công trình nghiên cứu này. Cuối cùng, để độc giả hiểu hơn sự phát triển lịch sử của hoạt động dịch thuật tại các nước châu Á, chúng tôi xin gợi nhắc rằng: ở châu Âu, bản dịch đầu tiên tiểu thuyết Trung quốc là Hảo cầu truyện xuất hiện tại London năm 1761. Cho đến nay vẫn chưa rõ dịch giả của bản dịch này là ai, nhưng bản chép tay dịch bản này được tìm thấy trong những giấy tờ của một ông Wilkinson nào đó, sống tại Quảng Châu cho đến năm 1719, mất năm 1736. Ba tập đầu bằng tiếng Anh còn tập 4 bằng tiếng Bồ Đào Nha. Bác sĩ Percy, Giám mục địa phận Dromore đã dịch tập cuối cùng sang tiếng Anh và chỉnh lý toàn bộ tác phẩm9. Cho đến những năm 20 của thế kỷ 19 chúng ta mới có thể chắc chắn về dịch giả người châu Âu của các bản dịch tiểu thuyết Trung Quốc10.
2. Loại hình tiểu thuyết và các bản dịch
Thuật ngữ “tiểu thuyết Trung Quốc truyền thống” dùng trong sách này dành riêng cho tiểu thuyết và truyện ngắn Minh, Thanh. Trong khi tiểu thuyết hầu như được viết bằng ngôn ngữ bạch thoại thì truyện ngắn lại có hai dạng: chuyện kể bằng văn ngôn (bắt nguồn từ thể truyền kỳ đời Đường)11 và chuyện kể thông tục (thoại bản). Trong suốt thời kỳ được xem xét ở đây truyện văn ngôn khá ít nhưng ảnh hưởng của chúng tại Triều Tiên, Nhật Bản và Việt Nam lại rõ ràng hơn tại Trung Quốc. Điều này đặc biệt đúng với Tiễn đăng tân thoại (bài tựa ghi niên đại 1378) và tục tập của nó là Tiễn đăng dư thoại (bài tựa ghi niên đại 1420). Sau này Bồ Tùng Linh (1640-1715) sáng tác tập truyện nổi tiếng Liêu trai chí dị gặt hái thành công lớn tại Trung Quốc và nước ngoài. Tác phẩm này hoàn thành vào năm 1679 nhưng không được xuất bản trước năm 1766. Thú vị là tập truyện sau cùng này được dịch sang nhiều ngôn ngữ: Mãn Châu (1848), Malay (1889, 1895-1996, 1915), Việt Nam (1916-1918), và Mông Cổ (1928) trong khi hai tác phẩm trước lại dấy lên phong trào cải tác và mô phỏng, dù cũng có vài bản dịch một số truyện sang tiếng Nhật.
Chúng tôi cho rằng tiểu thuyết thông tục thời Minh là kết quả của một quá trình cải cách lâu dài bắt đầu từ thời Tống. Một số truyện, chủ yếu là những truyện ở thời Minh Thanh, không nhất thiết phát triển tự nhiên từ văn chương truyền khẩu. Chúng tôi không có ý định đi sâu vào cội nguồn của tiểu thuyết Trung Quốc, một đề tài mà chỉ thư mục về nó thôi có thể đã rất đồ sộ12. Ở đây chúng tôi chỉ muốn giới thiệu các hình thức khác nhau của loại văn chương này như Tôn Khải Đệ đã phân loại trong hai công trình Trung Quốc thông tục tiểu thuyết mục lục và Nhật Bản Đông Kinh sở kiến Trung Quốc thông tục tiểu thuyết mục lục của ông ra đời năm 1932. Mặc dù không cung cấp được một danh mục đầy đủ tiểu thuyết truyền thống13 song công trình của Tôn Khải Đệ đã trở thành những trước thuật đáng nể trong lĩnh vực này.
Nhóm đầu tiên gồm các tác phẩm giảng sử. Tuy là hư cấu nhưng tất cả những tác phẩm này đều có một lõi sử liệu cho phép sáng tạo cả nhân vật lẫn sự kiện nhưng phải tôn trọng những sự thật đã được công nhận. Dẫn chứng tiêu biểu nhất là Tam quốc diễn nghĩa. “Diễn nghĩa” hay “minh giải ý nghĩa”, cách hiểu này có thể là một sự dẫn dắt thích hợp để đi đến xác định loại tác phẩm này, bởi vì nhiều tiêu đề của tiểu thuyết lịch sử trình bày ở đây có thể làm rõ nội hàm này. Thế nhưng từ tố này cũng có thể được thay bằng những hậu tố khác như truyện hay ký. Loại tác phẩm này là một trong bốn nhánh của thoại bản đời Tống. Chúng được tiếp nhận nồng nhiệt ở nước ngoài, tạo thành đại bộ phận những tác phẩm dịch sang tiếng Thái (thời kỳ 1802-1910), tiếng Java và chiếm một tỷ lệ lớn những tác phẩm dịch sang tiếng Mãn Châu, Mông Cổ, Triều Tiên, Campuchia, Malay, Việt Nam (từ 1905 trở đi) và tiếng Makassar. Trong số những dịch phẩm này, Tam quốc diễn nghĩa có một vị trí đặc biệt và hệ quả là nó sẽ được bàn luận dài hơn trong một phần riêng dưới đây.
Nhóm hai là tiểu thuyết yên phấn, mẫu mực cho loại này là Kim Bình Mai và Hồng lâu mộng. Chúng phản ánh trung thực về cuộc sống của các tầng lớp thị dân. Hai tiểu thuyết rất được hoan nghênh ở Mãn Châu, Triều Tiên và Mông Cổ này lại rất ít thành công ở phương Nam. Không có dấu vết một bản dịch nào tại các quốc đảo Đông Nam Á, còn bản dịch tiếng Việt đầu tiên tiểu thuyết Hồng lâu mộng chỉ xuất hiện ở Hà Nội vào năm 1963. Tuy nhiên, một nhánh đặc biệt của loại tác phẩm này mang chủ đề “tài tử giai nhân” đó được chú ý ở đây. Những tiểu thuyết phần lớn xuất hiện từ cuối thời nhà Minh này được tiếp nhận một cách dễ dàng. Người Mãn Châu đặc biệt ưa chuộng loại tác phẩm đó, vô số lượng bản dịch gần ngang với dịch phẩm tiểu thuyết lịch sử. Người Nhật Bản, người Việt Nam và trong chừng mực ít hơn là người Mông Cổ, cùng chung thị hiếu này. Một truyện như Kim Vân Kiều truyện đã được dịch sang tiếng Mãn Châu, Nhật Bản và Việt Nam trong khi Hảo cầu truyện, một tác phẩm tình cờ là truyện Trung Quốc đầu tiên có mặt trong một ngôn ngữ phương Tây (1761), lại được dịch sang tiếng Mãn Châu, Mông Cổ (?) và Malay; còn Nhị độ mai được chuyển ngữ sang tiếng Mãn Châu, Mông Cổ, Việt Nam, Malay và Makassar.
Nhóm thứ ba, theo Tôn Khải Đệ, là tiểu thuyết linh quái. Tiêu biểu nhất là Tây du ký, kể lại bằng hình thức huyễn tưởng chuyến du hành đến Ấn Độ thỉnh kinh Phật đem về Trung Quốc vào thế kỷ 7 của vị sư nổi tiếng và đáng kính Huyền Trang (596-664). Tác phẩm thành công ở nước ngoài gần ngang với Tam quốc diễn nghĩa. Nó hiện diện trong tiếng Mông Cổ (1721), Nhật Bản (1758), Mãn Châu, Triều Tiên, Việt Nam, Thái Lan, Malay, và Makassar. Một tiểu thuyết khác là Phong thần diễn nghĩa cũng được dịch sang một số ngôn ngữ: Mãn Châu, Mông Cổ, Triều Tiên, Thái Lan, Việt Nam và Malay.
Nhóm thứ tư, công án, thực tế gồm cả tác phẩm về các vụ xử án của các viên quan thông minh tài trí lẫn truyện về các đấng anh hùng hiệp khách. Loại trước chủ yếu được dịch sang tiếng Triều Tiên, Malay, Makassar và ở phạm vi ít hơn là tiếng Mông Cổ và Việt Nam. Tiểu thuyết võ hiệp được ưa chuộng và phổ biến hơn. Thủy hử truyện, tác phẩm nói về những kỳ tích của một băng nhóm ngoài vòng pháp luật vào thế kỷ 12, chiếm vị trí đầu tiên. Cho dù một số nhân vật là lịch sử và bối cảnh - tỉnh Sơn Đông ngày nay - là chính xác, tác phẩm vẫn là một truyện lịch sử đầy chất hư cấu. Ở Trung Quốc, nhất là từ thế kỷ 18, nhà cầm quyền coi nó là loại tác phẩm có tính chất phản nghịch và nhiều lần bị cấm lưu hành. Tác phẩm được dịch ra nhiều thứ tiếng: Mãn Châu (lời tựa ghi năm 1734), Nhật Bản (1757), Mông Cổ (khoảng nửa đầu thế kỷ 19), Triều Tiên (thế kỷ 19?), Thái Lan (1867) và Việt Nam (1906-1910).
Ông Tôn đặt tên cho nhóm thứ năm, nhóm tiểu thuyết châm biếm xã hội, là phúng dụ, loại tác phẩm nở rộ vào giữa và cuối thời nhà Thanh. Tác phẩm tiêu biểu nhất có lẽ là Nho lâm ngoại sử, phê phán hệ thống khoa cử theo quan điểm nho gia. Loại tiểu thuyết này bắt rễ sâu trong xã hội Trung Hoa, đặc biệt là trong giới văn nhân, và nó có vẻ không lôi cuốn sự chú ý của nước ngoài lắm.
Nhóm thứ sáu và là nhóm cuối cùng gồm các thoại bản hay truyện ngắn bạch thoại phát triển mạnh trong thế kỷ 17. Về sau loại tác phẩm này được lưu truyền dưới hình thức tuyển tập, trong đó nổi tiếng nhất là Kim cổ kỳ quan. Các tác phẩm loại này được người Nhật Bản và Mãn Châu cực kỳ hâm mộ. Bản dịch các tuyển tập truyện ngắn đó xuất hiện ở Nhật (đáng chú ý là vào các năm 1743, 1751 và 1758). Người Mãn Châu cũng dịch một số thoại bản như: Bát động tiên, Giác thế minh ngôn, Liên thành bích. Người Mông Cổ, trong chừng mực ít hơn, cũng ưa thích thoại bản. Riêng Kim cổ kỳ quan được chuyển tải bằng một số ngôn ngữ: Mông Cổ (1816), Triều Tiên (thế kỷ 19), Malay (1884), Việt Nam (1910-1911), Makassar (thế kỷ 20).
Sự phân loại này, dù hữu ích, vẫn không giải quyết được mọi vấn đề liên quan đến việc dịch tiểu thuyết truyền thống. Thứ nhất, một số loại hình văn chương như giảng xướng rơi ra ngoài phạm vi thư mục này. Những tác phẩm loại này tạo thành một bộ phận cực kỳ quan trọng của văn học dân gian Trung Quốc và ảnh hưởng rất lớn đến công chúng. Những tác phẩm như thế thường thường dùng hình thức kết hợp văn xuôi và thơ. Hình thức sớm nhất của loại văn chương này có lẽ là biến văn thời Đường. Chúng xuất hiện dưới hình thức những câu chuyện kể của các nhà sư với mục đích truyền bá tín ngưỡng của mình, giảng giải về Phật giáo, sau đó được thế tục hóa thành hai loại: loại giữ nguyên chủ đề Phật giáo gọi là bảo quyển - không ít bảo quyển thời kỳ sau cũng đánh mất màu sắc tôn giáo, như Lương Sơn Bá bảo quyển, kể câu chuyện tình Lương Sơn Bá - Chúc Anh Đài. Ngoài ra, một số truyện lại có nội dung phi tôn giáo như những phát hiện mới đây chỉ ra14. Với những tác phẩm thế tục hóa đó, hình thức phổ biến nhất là đàn từ thời Minh. Nó lan khắp Trung Quốc, ở phía Bắc gọi là cổ từ (chuyện kể có trống đệm), trong khi ở miền Nam vùng Quảng Đông là mộc ngư thư, còn ở tỉnh Phúc Kiến là ca tử sách. Những ca từ này được viết bằng tiếng bạch thoại hoặc phương ngữ. Chúng có cùng chất liệu với tiểu thuyết văn xuôi, vì thế không phải lúc nào cũng có thể phân biệt được chúng dựa theo tiểu thuyết văn xuôi hay tiểu thuyết bằng thơ. Người ta đặc biệt lúng túng với trường hợp câu chuyện về Chung Vô Diệm. Tác phẩm văn xuôi về câu chuyện này hiện chưa tìm thấy, nhưng nữ nhân vật thì lại rất phổ biến cả ở miền Bắc lẫn miền Nam Trung Quốc15. Bà xuất hiện trên sân khấu đời Nguyên và chúng tôi có căn cứ về việc vào giữa thế kỷ 18 đẫ tồn tại một cổ từ dưới nhan đề Chung Vụ Diệm tẩu hội. Hiện nay câu chuyện này chỉ có trong một vài tiểu thuyết bằng thơ thuộc loại mộc ngư thư còn lưu giữ được. Chuyện rất phổ biến trong người Mông Cổ nhưng bản dịch lại có những tên gọi không giống nhau, bản xưa nhất là ở 30 năm đầu thế kỷ 18. Bản này được coi là dựa theo bản dịch bằng tiếng Mãn Châu không may đã mất có niên đại từ giữa thế kỷ 17. Ở phía Nam Trung Quốc, chuyện về Chung Vô Diệm vẫn rất phổ biến vào những năm đầu thế kỷ 20. Năm 1909-1911 nó được dịch sang tiếng Việt và được tái bản nhiều lần; cho đến hiện tại nhiều người Việt Nam vẫn có thể kể các tình tiết của câu chuyện này. Ở Malaysia và Singapore, chuyện được trình diễn trên sân khấu cho đến những năm 1930 lúc tác phẩm rốt cục đã được dịch và xuất bản thành sách. Tuy nhiên, lời tựa cho chúng ta biết lúc bấy giờ nguyên bản chữ Hán (không nói rõ bằng thơ hay văn xuôi) rất khó tìm. Bản dịch bằng tiếng Malay dài đến 1759 trang có tên Chung Vô Diệm hay Thanh diện hoàng hậu được xuất bản năm 1938-1939. Vấn đề tương tự cũng xảy ra với truyện Mạnh Lệ Quân hay còn được gọi là Long phượng tái sinh duyên, xuất hiện ở Trung Quốc vừa dưới dạng văn vần vừa là truyện văn xuôi, và được dịch sang tiếng Malay (1913), Việt Nam (1934) và Makassar (những năm đầu thế kỷ 20).
Ngoài ra, tiểu thuyết truyền thống Vãn Thanh và những tác phẩm phái sinh từ tiểu thuyết công án và tài tử giai nhân đều không có mặt trong thư mục của Tôn. Trên thực tế, loại tiểu thuyết công án phổ biến vào nửa sau thế kỷ 19 đã dần dần xa rời hình thức của các bậc tiên khu và cuối cùng các tình huống thử thách bị thay bằng chuyện của hiệp khách. Sau này, vào khoảng thời gian chưa rõ, loại tác phẩm thứ hai này trở thành tiểu thuyết võ hiệp. Nhánh này đã vượt xa các nhánh khác của tiểu thuyết về mức độ phổ biến, mặc dù đó có những cố gắng phục hưng tiểu thuyết lịch sử. Ở bước chuyển sang thế kỷ 20, tiểu thuyết tài tử giai nhân đã sản sinh ra một xu hướng mới của chuyện tình có tên gọi là phái uyên ương hồ điệp. Hai hình thức tiểu thuyết truyền thống này phát triển tại Thượng Hải và các thành phố lớn khác của Trung Quốc, và được những độc giả không hào hứng với thông tin xã hội chính trị, do các tiểu thuyết Trung Quốc cận đại phát triển sau 1919 mang lại16, đón nhận say sưa. Rất khó đánh giá tính mục đích của các bản dịch tác phẩm cuối Thanh vì chỉ có thể tìm được rất ít nguyên bản chữ Hán, nhất là với các bản dịch bằng tiếng Malay17. Văn chương “uyên ương”, đặc biệt hơn là truyện võ hiệp, ảnh hưởng cực kỳ to lớn đến các quốc gia phương Nam. Phong cách mới này của tiểu thuyết thông tục có lẽ đã ảnh hưởng đầu tiên đến Việt Nam và Indonesia, dù chúng ta thực sự chưa biết gì nhiều về văn học dịch ở Thái Lan trước Chiến tranh Thế giới thứ hai. Tác phẩm của Từ Chẩm Á (1866-19??), tác giả tiêu biểu của phái “uyên ương”18, được dịch sang tiếng Malay năm 1921 và Việt Nam năm 1930. Làn sóng sôi nổi của truyện võ hiệp dấy lên vào khoảng năm 1924 ở Việt Nam và Indonesia. Mặc dù mục tiêu chọn lựa của hai nước này không phải bao giờ cũng giống nhau song chúng ta có thể chú ý đến một truyện như Ngũ nữ hưng Đường xuất hiện ở Malay năm 1924 còn ở Việt Nam năm 1927. Hỏa thiêu Hồng Liên tự của Bình Giang Bất Tiếu Sinh (cậu học sinh ngỗ ngược) dựng phim ở Trung Quốc năm 1931, được dịch sang tiếng Việt năm 1935 và tiếng Malay năm 1938. Từ Chiến tranh Thế giới thứ hai bản dịch các truyện võ hiệp của Kim Dung, Lương Vũ Sinh được đăng nhiều kỳ trên báo hoặc in thành sách ở miền Nam Việt Nam cũ, Indonesia, Thái Lan và Campuchia.
Ngược lại với việc các bản dịch tiểu thuyết thông tục lưu truyền rộng rãi ở Trung Quốc, chúng tôi có thể chỉ ra những tác phẩm ít được biết đến mà nguyên bản đôi khi cũng rất khó tìm. Chẳng hạn, ở các nước phía Nam Trung Quốc có những cuốn sách nhỏ kể những chuyện chỉ phổ biến ở các địa phương Trung Quốc. Đó là trường hợp của Hoa tiên ký, tiểu thuyết bằng thơ (ca bản) của một tác giả vô danh sáng tác theo phong cách Quảng Đông (lời tựa ghi niên đại năm 1713), thế kỷ 18 được bứng trồng sang Việt Nam thành một tiểu thuyết bằng thơ hay truyện thơ. Tương tự, những ca từ Phúc Kiến được dịch sang tiếng Malay, như truyện Trần Tam Ngũ Nương kể về tình yêu của Trần Tam và Ngũ Nương, và câu chuyện về mối tình giữa Tuyết Mai với cậu con nuôi Thương Lô của bà. Hai truyện được lưu truyền ở Phúc Kiến và Đài Loan này cũng được chào đón nồng nhiệt ở những vùng nói tiếng Malay - Indonesia, nơi các bản dịch trực tiếp thành văn xuôi được ấn hành. Tình hình trên đương nhiên dẫn chúng ta đến việc tìm hiểu vấn đề lưu truyền tiểu thuyết Trung Quốc.
3. Sự lưu truyền tiểu thuyết Trung Quốc
Nói chung, chúng ta không được thông tin đầy đủ về việc tiểu thuyết Trung Quốc đã lan ra các nước ngoài Trung Quốc như thế nào. Ở những nước như Triều Tiên và Nhật Bản, chúng ta biết nhiều hơn một chút. Quan sát Triều Tiên, chúng ta biết rằng các sứ thần đến Trung Quốc đều đặn trong những khoảng thời gian thanh bình thời Minh Thanh, và nhất là những thông dịch viên, đã mang về loại sách này. Chúng tôi có thể khẳng định điều này qua những ghi chép trong bút ký của học giả Triều Tiên có tên là Liễu Mộng Diễn. Trong ghi chép của mình ông cho biết: “Theo danh mục nhà Thanh, 70 bản sách mới mang từ Trung Quốc về chủ yếu có nội dung bất nhã”. Qua sự hiện diện của một vài cảo bản tiểu thuyết nhà Thanh vẫn có mặt ở Triều Tiên, chúng ta có thể đoán định rằng việc in và lưu truyền các bản dịch tiểu thuyết này chỉ giới hạn trong tầng lớp thượng lưu của xã hội. Ở Nhật vào thời kỳ đang nghiên cứu, chính quyền thực thi chính sách bế quan tỏa cảng, chỉ Hà Lan và Trung Quốc được phép giao thương ở Nagasaki. Có thể mường tượng là các thương nhân Trung Quốc là người mang phần lớn sách vở vào Nhật thời kỳ này.
Tại Việt Nam, di dân có lẽ đó mang theo tiểu thuyết Trung Quốc và sau đó nảy sinh ý định kinh doanh loại sách này. Năm 1734, nhà cầm quyền địa phương cấm nhập sách Trung Quốc, việc này cho thấy có một số lượng sách nhất định đã được trao đổi giữa hai nước. Thú vị là trong 40 năm cuối cùng của thế kỷ 19, truyện thơ Nôm của Việt Nam cũng được in ở Quảng Đông, chủ yếu là huyện Phật Sơn. Vì tên người bán sách tại Sài Gòn được in trên trang bìa nên chắc phải có những quan hệ làm ăn thường xuyên giữa Quảng Đông và vùng phía Nam Việt Nam. Đồng thời, có thể suy đoán rằng việc cung ứng sách ở các nước phương Nam cũng theo dòng người di cư. Trong khi Việt Nam có những liên hệ đặc biệt với Quảng Đông thì khu vực nói tiếng Malay-Indonesia cũng có những mối quan hệ tương tự với tỉnh Phúc Kiến, nơi mà từ thời Nguyên Minh đã có nghề xuất bản nổi tiếng Kiến Dương (thuộc vùng Đông Bắc tỉnh này)19. Tất cả những tiểu thuyết mà chúng tôi thấy trong thư viện tư nhân tại Semarang (Indonesia), đều là sách của thế kỷ 19 và phần lớn là từ tỉnh Phúc Kiến. Tác phẩm sớm nhất, có niên đại 1828, là bản dịch Bình man toàn truyện, gồm 52 hồi với lời tựa của La Mậu Đăng (1597), khắc lại ở Lộ Giang (thuộc Hạ Môn, tỉnh Phúc Kiến). Tên nhà in không được nhắc đến. Một quyển sách khác cũng được xuất bản ở đây năm 1859 bởi nhà in Văn Đức Đường. Đó là Tây dương ký, quen thuộc hơn với cái tên Tam Bảo thái giám Tây dương ký, kể về chuyến ngao du vùng biển phía Nam của Thái giám Trịnh Hòa, Theo nghiên cứu của Liễu Tồn Nhân20, Văn Đức Đường đã xuất bản tiểu thuyết vào 1820. Bản in Tây dương ký này cũng được nhắc đến trong Trung Quốc thông tục tiểu thuyết thư mục của Tôn Khải Đệ. Ở Indonesia, chúng tôi không tìm được bản in sớm hơn của các bản này. Tuy nhiên chúng tôi biết rằng tiểu thuyết Trung Quốc được du nhập vào Java khá sớm. Theo J.J.L. Duyvendak, khi người Hà Lan đầu tiên đến Indonesia năm 1595-1598 họ đã mang về nhiều sách phương Đông. Trong số sách này có ít nhất một quyển sách Trung Quốc mà có thể họ mua được ở Banten (lúc đó là cảng buôn bán quan trọng ở Tây Java) qua thương nhân Hoa kiều: quyển Thủy hử truyện. Rất không may là chỉ còn một trang duy nhất của cuốn sách còn sót lại và được lưu giữ trong thư viện Bodleian ở Oxford21. Đến thời cận đại, sau khi nhà xuất bản Thương mại thành lập ở Thượng Hải (1897), các đại lý của hãng này đã phát hành tiểu thuyết Trung Quốc ở các thành phố lớn của Đông Nam Á. Tại Nhật, tình hình có khác: ít nhất cũng có một thời kỳ nhất định các tác phẩm tiểu thuyết Trung Quốc được in tại đây, nhưng ở Đông Nam Á thì gần như mọi sản phẩm đều nhập từ Trung Quốc.
4. Dịch giả
Khi tìm hiểu Triều Tiên chúng tôi đã thấy việc xác định thời điểm tiểu thuyết Trung Quốc được dịch ở đây khó như thế nào; cũng như vậy, chúng tôi biết rất ít về các dịch giả vì tên tuổi của họ rất ít khi được tiết lộ. Song nhìn chung, những người mô phỏng và dịch tiểu thuyết thường rơi vào hai loại: thứ nhất, những quý tộc có thể viết và dịch sách chữ Hán, trong số họ có cả những nhà văn nổi tiếng của tiểu thuyết Triều Tiên lấy bối cảnh Trung Hoa; thứ hai, những thông dịch viên có thể tạo ra những bản dịch hay nhất vì họ cũng thành thạo tiếng Trung Quốc bạch thoại. Thực tế là chúng tôi cho rằng phần lớn các bản dịch được xúc tiến theo đơn đặt hàng. Đáng chú ý là trường hợp của Yi Chong T’ae (Lý Chung Thái, thế kỷ 19) đã phụng chỉ dịch tiểu thuyết Trung Quốc. Ở Nhật tình hình không hoàn toàn như vậy. Mặc dù các dịch giả không ngại để lộ tính danh song chúng ta cũng không biết nhiều về người đầu tiên trong số họ: Hona Bunzan (Hồ Nam Văn Sơn), mà bản dịch Tam quốc diễn nghĩa (1692) của ông đã tác động rất lớn đến văn học thời Edo. Okajima Kanzan (Cương Đảo Quan Sơn, 1674-1728) sinh ở Nagasaki và người ta phỏng đoán ông có thể là thành viên của totsuji (Đường thông sự - thông dịch viên tiếng Trung Quốc), một nghề cha truyền con nối và đại bộ phận đều là người Trung Quốc nhập cư. Tóm lại, dù ở trường hợp nào thì cũng có một thời gian ngắn ông là thầy giáo dạy tiếng Trung và thậm chí còn viết sách học tiếng Trung Quốc. Trong những người kế tục ông có Sawada Isaai (Trạch Điền Nhất Trai, 1701-1782), người đáng chú ý ở chỗ là chủ xuất bản, và đã thu hút các tác giả như: Ueda Akinari (Thượng Điền Thu Thành, 1734-1809) và Takizawa Bakin (Long Trạch Mã Cầm, 1767-1848).
Với bản dịch tiếng Mãn Châu, các dịch giả đầu tiên của tiểu thuyết Trung Quốc là những học giả tên tuổi. Dahai, người đầu tiên dịch Tam quốc diễn nghĩa, thuộc về một gia đình quan lại. Ông có điều kiện học tiếng Trung Quốc và sau khi trưởng thành ông được giao nhiệm vụ viết giấy tờ bang giao với chính quyền nhà Minh và Triều Tiên. Ông cũng được giao nhiệm vụ dịch một số thư tịch hành chính Trung Quốc. Hesu (Hòa Tố, 1652-1718), có thể là người dịch Kim Bình Mai, cũng là một viên lại, và năm 1712 ông là Thị độc học sĩ trong Nội các, phụ trách bộ phận dịch Mãn Châu - Trung Quốc, bộ phận in ấn và đóng sách. Đáng chú ý là cha ông, Asitan (mất năm 1683), người được công nhận là một dịch giả nổi tiếng nhất ở thời đại mình và đã xuất bản các bản dịch kinh điển Nho giáo sang tiếng Mãn Châu, tương truyền đã cầu xin nhà vua cấm dịch tiểu thuyết Trung Quốc sang tiếng Mãn Châu. Có thể chính bởi những cố gắng ngăn cản việc dịch tiểu thuyết Trung Quốc sang tiếng Mãn Châu này mà phần lớn các bản dịch sau đó không xác định được dịch giả.
Ở Mông Cổ, dịch giả tiểu thuyết Trung Quốc cũng thuộc về quý tộc và văn nhân. Bản dịch đầu tiên được biết đến, Tây du ký, là của triết gia Arana, một trong những người biên soạn từ điển Mãn Châu - Mông Cổ (1717). Hơn thế, người ta còn nói rằng ông đã viết lời bình cho 16 hồi đầu tiên. Gần như cùng thời gian này, một vương gia Mông Cổ có tên là Cevenjab dịch truyện về hoàng hậu Chung Vô Diệm. Sau này các bản dịch ít có tên dịch giả, mặc dù lý do có thể không như ở Mãn Châu. Tuy nhiên, bản dịch Phong thần diễn nghĩa lại được gán cho một nhà văn Mông Cổ tên là Injannasi, còn Thủy hử truyện cho nhà thơ Gulransa, con trai của Injannasi (thế kỷ 19). Vào thế kỷ này, tên của Temgetu (1887-1939) cũng đáng được nhắc đến; ông vừa là quý tộc vừa là học giả, đã từng làm thông dịch viên và giáo viên tiếng Mãn Châu và tiếng Mông Cổ ở Bắc Kinh.
Tại Việt Nam, giai đoạn tiểu thuyết Trung Quốc được mô phỏng thành truyện thơ Nôm khác với giai đoạn tiểu thuyết Trung Quốc được dịch sang chữ quốc ngữ. Ở thời kỳ đầu, tác giả của các tác phẩm mô phỏng phần lớn là nho gia, những người thành thạo chữ Hán. Tên tuổi họ chỉ được biết đến ở những thời kỳ sau này. Trong đó có thể nhắc đến Nguyễn Huy Tự (1743-1790), xuất thân trong một gia đình khoa bảng nổi tiếng; Nguyễn Du (1765-1820), một viên quan triều Nguyễn, từng phụng mệnh đi sứ Trung Hoa và Lý Văn Phức (1785-1849), một viên quan cao cấp có dòng dõi Trung Hoa đồng thời là một nhà văn lớn cả về chữ Nôm và Hán. Sau khi chữ quốc ngữ thay thế chữ Nôm, các học giả Việt Nam thấy cần phải dịch càng nhiều càng tốt các tác phẩm sang tiếng Việt. Các dịch phẩm đầu tiên được tiến hành bởi những học giả am hiểu văn hóa cổ điển Trung Quốc như Phan Kế Bính (1875-1921), các giáo viên, quan lại trong chính quyền thực dân và cả các thương gia. Người ta biết rất ít về các dịch giả hoạt động trong những năm 1920, 1930. Một trong những người năng nổ nhất là một Lý Ngọc Hưng nào đó với bút danh Hoa Nhân, nghĩa là người Hoa. Điều này có thể gợi ý rằng người Trung Quốc và người Việt gốc Hoa có thể đã đóng góp phần không nhỏ ở giai đoạn sau này khi chữ Hán không còn được giảng dạy trong các nhà trường của chính quyền thực dân.
Thái Lan là nước duy nhất ở Đông Nam Á đã ủy nhiệm việc dịch tiểu thuyết Trung Quốc sang tiếng nước mình cho các quan thượng lưu. Bản dịch đầu tiên tiểu thuyết Trung Quốc sang tiếng Thái được gán cho Chao P’hya P’hra K’hlang (1750-1805), hậu duệ người Phúc Kiến. Ông là một quan văn xuất chúng dưới triều Chao T’honburi và P’huttayotfa. Có một thời gian ông làm Đại thần Thương vụ kiêm Ngoại giao và được mang họ vua Chao P’hya. Ông nổi tiếng cả về khả năng bàn giấy lẫn sáng tác văn chương. Ông được tin cậy vì đã phục hồi loại văn xuôi đó bị quên lãng từ thế kỷ 14. Kiệt tác của ông: Rachat’hirat (1784) và Samkok (1802) thuộc loại tiểu thuyết lịch sử, trong đó tác phẩm đầu là dựa theo truyền thuyết về Pegu22. Cả hai đều được biên soạn với sự cộng tác của các học giả khác. Các bản dịch sau đó gần như được làm theo cách tương tự, mặc dù cho đến nay rất ít khả năng điều tra được dịch giả là ai. Sau những năm 1920, việc dịch tiểu thuyết Trung Quốc mới trở thành một hoạt động có lợi nhuận. Lúc này sự chủ động thuộc về các nhà xuất bản và báo chí trong nước. Thế hệ dịch giả mới có lẽ đa phần là Hoa kiều thuần thục cả tiếng Trung Quốc và tiếng Thái.
Ở Campuchia, dịch giả thế kỷ 19 đều là hậu duệ người Phúc Kiến được học làm thơ trong các chùa chiền Phật giáo. Những người kế tục họ ở thế kỷ 20 rất giống các đồng nghiệp của họ ở đất Thái.
Tại quốc đảo Đông Nam Á hoạt động dịch thuật đa phần là lĩnh vực của các hậu duệ người Hoa, chủ yếu là người từ tỉnh Phúc Kiến, được hưởng một thứ học vấn Trung Hoa tại gia (như Liem Kheng Yong - Lâm Khánh Dung, 1873-1938, từ đảo Celes thuộc Makassar và Tjie Tjin Koeij, khoảng 1890-1978, từ Sukabumi thuộc Tây Java) hoặc ở các trường tư thục và những người đó sống vài năm ở Trung Quốc. Tuy nhiên, trong một vài trường hợp bản dịch có sự kết hợp giữa những người am hiểu tiếng Trung Quốc nhưng kiến thức về văn tự Malay không đầy đủ với một nhà văn. Đây là trường hợp của Lie Kim Hok (1853-1912), từng học trong một trường dòng ở Tây Java. Trong khi dịch ông được sự hỗ trợ của hai người bạn là Tan Kie Lam và Tee Pek Thay. Thực tế này còn xảy ra thường xuyên hơn ở Malaysia trong 30 năm đầu của thế kỷ 20. Thế hệ dịch giả đầu tiên này nhìn chung đều có những hoạt động khác, chủ yếu là kinh doanh. Một số người cũng tham gia vào xuất bản và in ấn (như Yap Goan Ho, mất năm 1894 và Tjiong Hok Long, 1847-1917, họ đều đặt cơ sở ở Batavia nay là Jakarta) và chỉ rất ít người tham gia vào bộ máy chính quyền (như Sie Hian Ling, mất năm 1928, người Semarang thuộc Trung Java, thông dịch viên tiếng Trung Quốc và mang tước hiệu danh dự ...). Một nhân vật rất thú vị là Chan Kim Boon (Hội Cẩm Văn, 1851-1920) đã đến Trung Quốc để tiếp tục học tại trường hàng hải Phúc Châu, và sau khi làm trợ giảng toán học tại trường này lại quay về quê hương Penang của mình (Malaysia) năm 1872. Cũng trong năm này ông làm kế toán kiêm thủ quỹ cho một doanh nghiệp ở Singapore. Trong những dịch giả sơ kỳ này, có một số làm việc cho các nhà xuất bản, những người mua bản thảo của họ, và những bản dịch sang tiếng Java đa phần được những nông dân trồng thuốc phiện và những người đứng đầu các địa phương mua đọc. Tác giả của bản dịch tiếng Java sớm nhất mà chúng ta biết được (có niên đại 1895) nói trong lời tựa rằng ông dịch theo yêu cầu. Nhưng có một số dịch giả đã chủ động dịch tiểu thuyết Trung Quốc sang tiếng Malay. Đó là trường hợp chắc chắn đã xảy ra với Tjiong Hok Long và Yap Goan Ho, hai chủ xuất bản kiêm buôn bán sách đã nhắc đến ở trên.
Đầu thế kỷ 20 phần lớn dịch giả là những người Peranakan - Hoa kiều – được học tại các trường dành cho người Hoa sinh sống ở địa phương: "Trung Hoa hội quán", như Oey Kim Tiang (Hoàng Khâm Trường, sinh năm 1903 tại Tangerang, Tây Java) hay tại “Ký Nam học đường” ở Nam Kinh (một trường học dành cho con em Hoa kiều) như Go Tiauw Goan (Ngô Triệu Nguyên, 1890-1956), Ong Kim Tiat (Vương Kim Thiết, 1893-1964) và Tan Tek Ho (Trần Trạch Hòa, 1894-1948). Cũng có những dịch giả sinh ở Trung Quốc và đến Indonesia lúc nhỏ, như Gan K.L. (sinh năm 1928 tại Phúc Châu, Phúc Kiến) nổi tiếng trong những năm 1950. Họ tự học tiếng Malay và thường cộng tác với các tờ báo Hán-Malay. Trong số dịch giả hoạt động vào đầu thế kỷ 20 có một số phụ nữ như Chen Hiang Niang, Lie Loan Nio, Noma Phoa Gin Hian và Tan Poen Bhit Sio Tjia. Rất tiếc là người ta biết quá ít về họ.
Trừ Campuchia và vùng Malaysia - Indonesia, nơi mà dịch giả xuất thân chủ yếu từ lớp tiểu tư sản thành thị gốc Hoa, còn ở các nước khác ít nhất thì trong thời kỳ đầu, họ nằm trong giai tầng quý tộc hoặc văn nhân, một số trường hợp là thông dịch viên, như ở Triều Tiên và Nhật Bản. Trong các dịch giả xuất thân từ hai nhóm sau cùng này có số ít người gốc Hoa thực sự hòa vào xã hội mà họ đến định cư. Sau đầu thế kỷ 20 ở những nước như Thái Lan, Việt Nam, và Campuchia, hoạt động dịch thuật có những thay đổi cực kỳ to lớn. Những nghiên cứu thêm có thể sẽ cung cấp cho chúng ta những cứ liệu rõ ràng hơn về mối quan hệ giữa việc phổ cập các dịch phẩm với sự phát triển của báo chí. Tìm hiểu các nước phương Nam, chúng tôi thấy một điều chắc chắn rằng các thế hệ dịch giả sau này phần lớn gắn với báo chí và các chuyên san có tính bình luận, những ấn phẩm đăng tải đều đặn các bản dịch theo kỳ.
5. Dịch và mô phỏng
Qua tìm hiểu về nguồn gốc xã hội không đồng nhất của các dịch giả và những đánh giá không thống nhất về họ như đã trình bày ở trên, chúng ta có thể hình dung rằng những bản dịch mà họ làm ra rất khác nhau về chất lượng. Mức độ Hán hóa khác nhau ở các nước có những dịch phẩm này cũng ảnh hưởng trực tiếp đến chúng. Những gì của Trung Quốc mà người Nhật, người Triều Tiên, hoặc người Việt Nam trực tiếp hiểu được thì độc giả của các nước khác lại cần đến những chú giải.
Trước khi bàn đến mối quan hệ giữa bản dịch và nguyên tác chữ Hán cần phải nói đôi lời về tác động của sự thay đổi về ngôn ngữ đến việc phát triển hoạt động dịch thuật. Chúng tôi sẽ chọn ra 4 trường hợp: Nhật Bản, Mãn Châu, Việt Nam và Thái Lan.
Trong khoảng cuối thế kỷ 17 và giữa thế kỷ 19, các bản dịch bằng tiếng Nhật phát triển rất mạnh. Trên thực tế phương thức đầu tiên mà các học giả Nhật Bản sử dụng để đọc các tác phẩm chữ Hán, đặc biệt là những chỗ viết bằng chữ Hán cổ, là thay đổi trật tự từ chữ Hán theo trật tự từ tiếng Nhật, rồi thêm vào những ký hiệu và đuôi chữ kana vào từ gốc Hán. Phương pháp này không phù hợp với những văn bản viết bằng chữ Trung Quốc bạch thoại, nhưng lại được dùng cho một số tiểu thuyết lịch sử vì phong cách của chúng giống phong cách văn ngôn. Điều này có thể lý giải vì sao những tiểu thuyết lịch sử như Tam quốc diễn nghĩa được dịch sang tiếng Nhật khi giới trí thức Nhật Bản chưa biết tiếng Trung Quốc bạch thoại. Các bản dịch đầu tiên tiểu thuyết Trung Quốc này viết bằng tiếng Nhật cổ, thứ tiếng mà sau này chỉ những trí thức Nhật mới có thể hiểu được. Hệ quả là những tiểu thuyết Trung Quốc này rất gần đây đã được dịch lại sang tiếng Nhật hiện đại.
Mặc dù chúng ta biết rất ít về những bản dịch mới sang tiếng Mãn Châu trong thiểu số những người Tích Bá, song có lẽ chúng vẫn khác với các bản dịch bằng tiếng Mãn Châu theo phong cách cổ ở chỗ chúng được viết theo hình thái hiện đại của ngôn ngữ này.
Quá trình tương tự cũng diễn ra ở Việt Nam. Sau khi chữ quốc ngữ thay thế cho chữ Nôm, chỉ rất ít người hiểu được những tác phẩm mô phỏng viết bằng chữ Nôm. Kết quả là những mô phỏng bằng thơ các tác phẩm Trung Quốc được phiên âm sang chữ quốc ngữ trong khi tác phẩm Trung Quốc bằng văn xuôi thì được dịch sang tiếng Việt hiện đại. Một số trường hợp chúng ta có cả bản dịch lẫn bản mô phỏng cùng một truyện Trung Quốc, dù đôi khi chúng không dựa theo cùng một văn bản gốc.
Ở Thái Lan, bản dịch Tam quốc diễn nghĩa vẫn được xem là một mẫu mực về phong cách văn chương cho dù văn thể của bản dịch hơi lỗi thời. Bản dịch mới tác phẩm này được một người Thái gốc Hoa đã từng học tại Trung Quốc tiến hành vào cuối những năm 1970.
Bên cạnh sự khác biệt về ngôn ngữ lịch sử còn có những khác biệt về địa dư. Tiếng Malay do dịch giả Singapore và bán đảo Malaysia sử dụng hoàn toàn khác với tiếng Malay của các dịch giả ở Indonesia. Độc giả ở Indonesia chỉ có thể đọc những tác phẩm xuất bản ở phía bên kia eo biển một cách khó khăn, điều đó giải thích vì sao một tiểu thuyết có khi được dịch cả ở hai nơi.
Khi so sánh các bản dịch với nguyên tác, chúng tôi thấy nhiều bản dịch, bản mô phỏng khá chính xác và mềm mại. Phần lớn đồng nghiệp của chúng tôi đã bỏ qua điều này mà bằng lòng với việc xác định nguyên tác chữ Hán. Chỉ có hai bài tiến hành so sánh các bản dịch Malay hay Indonesia với các văn bản chữ Hán khác nhau của cùng một chuyện kể nào đó, và giữa những bản mô phỏng Triều Tiên với nguyên tác chữ Hán. Những vấn đề đặt ra khi so sánh kỹ lưỡng các văn bản như vậy hầu như không thể giải quyết được, như người ta có thể mong đợi. Ở vùng Malay-Indonesia chẳng hạn, có vô số lần xuất bản, tái bản các bản dịch cũng như các bản phỏng tác mới những tiểu thuyết được dịch trước đó, mà không phải lúc nào cũng dễ phân biệt chúng với nhau. Bản dịch giống nhau thậm chí có thể được in lại sau khi đã có một số thay đổi về văn bản cần thiết để ngôn ngữ phù hợp với cách dùng đương thời. Hơn thế, những lần xuất bản mới không phải bao giờ cũng xác định được dịch giả: có tên gốc thay đổi trong khi văn bản vẫn giống nhau, hoặc bản dịch cũ tái xuất hiện với một ít thay đổi và mang một cái tên khác.
Khó khăn nữa nằm ở chỗ tiểu thuyết Trung Quốc không nhất thiết được dịch từ tiếng Trung Quốc. Chúng tôi có bằng chứng cho thấy một vài tiểu thuyết được dịch lại từ những ngôn ngữ khác. Bản dịch tiếng Triều Tiên Tam quốc diễn nghĩa (xuất bản lần đầu năm 1703) dựa theo bản Mãn Châu in năm 1650. Các bản dịch Mông Cổ Kim Bình Mai và có thể cả truyện về Chung Vô Diệm cũng mô phỏng theo bản Mãn Châu.
Ở Campuchia, một trong số những bản dịch xuất hiện ở thế kỷ 20 có thể dựa theo các bản dịch tiếng Thái, nhất là bản dịch nhiều kỳ Tam quốc diễn nghĩa, hoặc theo các bản dịch tiếng Việt, đáng chú ý là các truyện võ hiệp xuất hiện vào những năm 1960.
Ở quốc đảo Đông Nam Á những ấn bản bằng các phương ngữ khác nhau đều có thể là dị bản của một bản dịch duy nhất trước đó. Đây có lẽ là trường hợp của câu chuyện Lương Sơn Bá - Chúc Anh Đài, tác phẩm xuất bản lần đầu năm 1873 bằng tiếng Java. Sau này một vài bản dịch ra tiếng Java, Malay, Bali và Madura xuất hiện có lẽ bắt nguồn từ những bản bằng tiếng Java và Malay còn lại cho đến nay. Chúng tôi chỉ có thể chắc chắn về nguồn gốc của bản dịch bằng tiếng Madura năm 1930-1931 là từ bản dịch bằng tiếng Java năm 1928: so sánh hai bản này không khó thấy bản Madura đó mô phỏng từ một bản tiếng Java.
Trong những bản dịch Malay mà chúng tôi làm theo cách tương tự có một vài bản rất trung thành với bản gốc, trong khi lại có những bản khác khá tự do. Tình hình này cũng đúng với Mông Cổ. Nói chung, các bản dịch Malay/Indonesia trong chừng mực nhất định đã sai lệch với bản gốc: dịch giả thường lược bỏ các bài thơ và đôi khi cả ở cách phân chia chương hồi và các tiêu đề, có lúc bỏ qua những đoạn tả cảnh, nhân vật. Một số chỗ lại được thêm vào hoặc vì mục đích lý giải hoặc cho bản dịch hấp dẫn hơn. Từ việc nghiên cứu chi tiết 6 bản dịch Lý Thế Dân du địa phủ chúng ta có thể thấy tất cả các bản dịch Malay đều lược bỏ cùng những chi tiết như: bản liệt kê dài dòng các phẩm tước quan lại và tên hay kiểu loại màu sắc trang phục của người dưới âm phủ không có ở Malaysia. Nhiều đoạn các bản dịch Malay theo sát nguyên bản, nhất là những đoạn miêu tả 18 tầng địa ngục và những cuộc tra tấn ghê rợn có lẽ rất hấp dẫn người đọc. Những cái thêm vào có thể là để lý giải rõ hơn cho văn bản chữ Hán hoặc mở rộng truyện bằng cách cho nhân vật làm và nói những điều không có trong nguyên tác. Những bình giải được đưa thêm vào này trên thực tế có chỗ giống như các chú giải. Một số bản dịch tạo ra những chú giải giống như lối chú giải của các dịch giả phương Tây. Hơn thế, một số dịch giả còn tạo ra những ghi chú mang tính giới thiệu cho tiểu thuyết lịch sử bằng việc khảo sát tình hình ở Trung Quốc lúc câu chuyện xảy ra. Tjie Tjin Koeij, một dịch giả rất tài hoa, đã viết lời tựa cho bản dịch Tam quốc diễn nghĩa của mình, trong đó ông cho biết mình đã cố gắng đưa ra một bản dịch trung thành đồng thời lại phù hợp với thị hiếu độc giả như thế nào. Ông thêm vào một bản đồ với những địa danh có trong tiểu thuyết kèm theo tên hiện tại của chúng và cố gắng tra ngày tháng dương lịch cho các mốc thời gian trong nguyên tác. Chan Kim Boon, người đã dịch chính tiểu thuyết trên ở Singapore trước đó một chút, cũng chứng tỏ mình là một dịch giả tận tâm. Ông cũng chuyển đổi ngày tháng âm lịch của nguyên tác sang dương lịch và chú thích thêm; hơn thế, ông còn lập danh sách những thành ngữ Trung Quốc dựng trong các bản dịch Malay kèm theo dịch nghĩa hoặc giải thích bằng tiếng Malay và đôi khi bằng cả tiếng Anh. Từ quyển 10 trở đi ông cũng đặt thêm cho nhân vật Trung Quốc những cái tên, hiệu và chức vụ riêng.
Điều thú vị không kém là những cái thêm thắt đã khiến câu chuyện phù hợp hơn với loại hình văn chương mà độc giả đã quen thuộc. Trường hợp đặc biệt được phát hiện ở truyện Vương Chiêu Quân do O.H.T. và Y.P.S. dịch, xuất bản tại Batavia năm 1884. Một vài chỗ công chúa Vương Chiêu Quân thể hiện nỗi buồn của mình bằng những bài thơ theo thể pantum Malay điển hình23. Ở Singapore các dịch giả quen với lối viết tựa bằng thơ tiếng Malay hay tiếng Anh để giới thiệu câu chuyện và đôi khi đặt ở đầu của mỗi hồi. Liem Kheng Yong, người đã dịch tiểu thuyết Trung Quốc sang tiếng Makassar, cũng đưa vào những bài thơ dài nói về cuộc sống riêng của chính mình.
Tất nhiên chuyển được sự chính xác và cô đọng của chữ Hán sang ngôn ngữ khác là cực kỳ khó khăn. Trong nhiều trường hợp không có từ tương đương sẵn có vì thế các dịch giả nếu chọn hướng không bỏ qua các chi tiết thì buộc phải vay mượn từ chữ Hán (nếu có thể, kèm giải thích), tạo ra những từ ngữ mới bằng cách kết hợp một từ chữ Hán với một từ Malay, hoặc dựa vào những từ lấy từ các ngôn ngữ khác như tiếng Hà Lan hay Java.
Phần lớn các tác giả không có ý thức về sự bất khả xâm phạm của văn bản và cũng ít băn khoăn về việc vay mượn nội dung của các tác phẩm khác để sáng tác, do đó chúng ta khó phân tách được các bản dịch phóng với các bản mô phỏng. Ở đây chúng tôi thử tìm hiểu hai loại mô phỏng: loại mô phỏng dưới dạng thơ và loại mô phỏng bằng văn xuôi. Với loại mô phỏng bằng thơ bắt rễ sâu trong nền văn hóa của một dân tộc khác, việc chuyển dịch nguyên tác có bị hạn chế. Lối mô phỏng bằng thơ phổ biến ở Campuchia và nhất là ở Việt Nam, nơi mà thể loại này chiếm ưu thế cho đến cuối thế kỷ 19. Ở quốc đảo Đông Nam Á lối mô phỏng bằng thơ chỉ xuất hiện ở Java, chúng tạo thành đại bộ phận các tác phẩm bằng tiếng Java có nguồn gốc từ tiểu thuyết Trung Quốc và chỉ còn một bộ phận rất nhỏ tác phẩm bằng tiếng Malay. Những tác phẩm bằng tiếng Malay có hai loại: hoặc theo sát các bản dịch văn xuôi trước đó, hoặc thêm vào rất nhiều những chi tiết không liên quan trực tiếp đến câu chuyện. Dù ở bất kỳ trường hợp nào, cả hai nhóm đều theo tập quán của các thi nhân, tác giả tự giới thiệu mình ngay khi mở đầu truyện. Một vài bản mô phỏng bằng thơ truyện về Vương Chiêu Quân đã hiện diện trong tiếng Việt, một vài bản bằng tiếng Campuchia và một bản bằng tiếng Malay. Nghiên cứu so sánh những văn bản này cho thấy chúng có những thay đổi rất lớn so với nguyên tác và rất được công chúng địa phương ưa chuộng.
Được quan tâm không kém là những bản mô phỏng bằng văn xuôi. Triều Tiên dường như là xứ sở mà thể loại này đạt đến thành tựu cao nhất, nhất là trong tầng lớp ít học thế kỷ 19. Từ 4 truyện Triều Tiên phân tích trong cuốn sách này có thể thấy dù tình tiết được vay mượn từ tiểu thuyết Trung Quốc, những tiểu thuyết này vẫn khác nguyên tác chữ Hán về nhiều phương diện: một số được rút gọn đáng kể và nhiều tình tiết về nhân vật chính bị thay đổi, do đó có thể dẫn đến sự thay đổi ở phần kết.
6. Lưu truyền và công chúng
Để đánh giá đúng hơn việc tiếp nhận tiểu thuyết Trung Quốc ở các nước khác nhau, chúng ta phải bàn đến con đường lưu truyền của tiểu thuyết dịch. Ở một vài nước người kể chuyện đóng vai trò quan trọng trong việc truyền bá chuyện Trung Quốc. Chẳng hạn trong người Mông Cổ, tiểu thuyết Trung Quốc được truyền khẩu bởi những người hát rong. Họ thêm thắt cho những tiểu thuyết Trung Quốc nghe được hoặc cho những câu chuyện kể tại các chợ thuộc vùng có người Trung Quốc cư trú. Đồng thời tiểu thuyết Trung Quốc còn làm gia tăng các bản dịch thành văn lưu truyền dưới dạng chép tay, mặc dù việc in sách đó được phổ biến từ lâu trong người Mông Cổ. Những xuất bản phẩm đầu tiên các bản dịch Mông Cổ tiểu thuyết Trung Quốc chỉ xuất hiện vào những năm 1920 sau khi học giả Temgutu (khoảng 1887-1939) ra một tờ báo Mông Cổ nhỏ tại Bắc Kinh năm 1923. Ở Triều Tiên, từ thế kỷ 18 trở đi các nghệ sĩ lang thang kể chuyện theo lối p’ansuri, trong số chuyện kể này có một vài chuyện bắt nguồn từ tiểu thuyết Trung Quốc. Trong những người Java nói tiếng Trung Quốc, các bản dịch bằng thơ cũng được đọc trước công chúng vào những dịp đặc biệt. Có những người, cả nam lẫn nữ, xuất sắc trong nghệ thuật đọc và được mời đến nhà riêng giải trí cho khách. Ở Campuchia, trong hậu duệ những người Phúc Kiến dường như cũng có thói quen kể chuyện như thế, vì chúng tôi biết rằng bản dịch truyện Vương Chiêu Quân dựa theo một câu chuyện đến với dịch giả qua người bà con thuộc số những người nói trên.
Những cuộc trình diễn hý kịch cũng có thể tạo ra nhu cầu thưởng thức truyện Trung Quốc. Những du khách châu Âu đầu tiên ở Banten (Tây Java), như Edmund Scott người Anh đã từng đến đây một vài lần trong những năm 1602 đến 1605, có nhắc đến những buổi biểu diễn hý kịch được tổ chức khi các chuyến tàu thuyền sửa soạn nhổ neo đến Trung Quốc hoặc khi chúng từ Trung Quốc trở về24. Tại Xiêm, vào nửa sau thế kỷ 17 có một vài nhóm diễn viên Trung Quốc biểu diễn phục vụ hoàng gia. Sau này các du khách thuật lại rằng hý kịch Trung Quốc rất nổi tiếng trong cộng đồng người nhập cư tại các thị trấn lớn của Indonesia cũng như ở Campuchia và Thái Lan. Thiếu tá Willliam Thorn, người đã kể về những buổi biểu diễn mà ông xem ở Java đầu thế kỷ 19, cho biết những buổi biểu diễn đó đều bằng tiếng Trung Quốc và nói thêm: “Đề tài của những buổi biểu diễn này nhìn chung đều lấy từ lịch sử của quốc gia khổng lồ đó, và thường mô tả những cuộc giao chiến giữa người Trung Quốc và người Tarta”25. Rất muộn về sau, ít nhất là ở Java, hậu duệ người Trung Quốc còn trình diễn các vở kịch Trung Quốc bằng tiếng Malay và ở một số nơi như Trung Java còn tạo ra một loại hình biểu diễn là wayang kulit hay “nhà hát có mái che”, gọi bằng tiếng Java là wayang titi mà kịch mục có cả những vở lịch sử Trung Quốc. Tương tự, ở Đông Dương lkhon pàsàk’ hay “kịch Banssac” có một kịch mục gồm cả những tác phẩm lấy đề tài từ Trung Quốc lẫn chuyện kể truyền thống Campuchia. Vào những năm 30 của thế kỷ 20, mối liên hệ giữa biểu diễn sân khấu với tác phẩm dịch tiểu thuyết Trung Quốc vẫn còn rõ nét. Ở Singapore chẳng hạn, nhu cầu về bản dịch truyện Chung Vô Diệm bằng tiếng Malay rất lớn vì nhiều người đã được xem trên sân khấu. Ở Indonesia, chuyện về Lương Sơn Bá - Chúc Anh Đài cực kỳ phổ biến trong công chúng của sân khấu bình dân như ketoprak Java và arja Bali. Nhiều bản dịch bằng tiếng Malay, Java, Bali và thậm chí cả tiếng Madura được xuất bản rất nhanh chóng.
Thậm chí cả những bích họa trên tường các ngôi chùa miêu tả những cảnh trích từ tiểu thuyết lịch sử cũng có thể ảnh hưởng đến nhu cầu tiểu thuyết dịch. Ở các nước phương Nam có rất nhiều họa phẩm trang trí đền chùa như thế. Các chuyện được minh họa là Tam quốc diễn nghĩa, Tây du ký, Phong thần diễn nghĩa, Tiết Nhân Quý chinh Đông, và Nhạc Phi toàn truyện. Như ở Indonesia, phần lớn các đền chùa có những minh họa tiểu thuyết Trung Quốc truyền thống được xây dựng hoặc trùng tu vào nửa sau thế kỷ 19, song vẫn có một ít tranh còn nguyên vẹn. Vẫn có thể tìm thấy những nghệ nhân trang trí đền chùa và một số tiếp tục vẽ theo phong cách Trung Quốc truyền thống, và đương nhiên cũng có những người khác vay mượn thủ pháp phương Tây26.
Cuối cùng chúng ta cần nói đến tình hình lưu truyền các bản dịch dưới dạng chép tay và in khắc. Mặc dù kỹ thuật khắc gỗ được sử dụng rất sớm ở Mông Cổ, Mãn Châu và Triều Tiên song chỉ có rất ít bản dịch tiểu thuyết Trung Quốc xuất hiện dưới dạng sách in. Hiện tượng này, đối với người Mông Cổ chỉ có một cách giải thích. Người Lạt Ma Mông Cổ độc quyền về in ấn cho rằng, trừ Tây du ký là tác phẩm Phật giáo và những tác phẩm cùng loại có tác dụng tôn giáo, không cần lưu truyền rộng rãi tiểu thuyết thông tục. Ở người Mãn Châu tình hình còn phức tạp hơn nhiều. Một mặt, giới cầm quyền khuyến khích đọc Tam quốc diễn nghĩa và tiểu thuyết lịch sử; mặt khác, tiểu thuyết ngôn tình bị coi là loại tác phẩm dâm tục và loại tiểu thuyết như Thủy hử truyện thì bị xem là có tính phản nghịch, nên nhất nhất đều bị cấm chỉ, cả ở dạng nguyên văn chữ Hán lẫn bản dịch bằng tiếng Mãn Châu. Điều này giải thích vì sao Tam quốc diễn nghĩa được in ra song lại không lý giải được vì sao Kim Bình Mai, tác phẩm thuộc loại tiểu thuyết cấm, lại được in và lưu hành ở Mãn Châu chỉ ít năm sau lệnh cấm 1687. Từ vô số những nỗ lực ngăn cản dịch và phiên chuyển tiểu thuyết chữ Hán, bất kể là văn xuôi hay bằng thơ, có thể đi đến kết luận rằng việc lưu truyền chúng trong người Mãn Châu hẳn đã rất rộng rãi27. Ở Triều Tiên, mặc dù có sách vở Nho giáo song tiểu thuyết Trung Quốc lại là thứ được đọc trước tiên trong tầng lớp thượng lưu. Phụ nữ trong cung và phụ nữ quý tộc là những độc giả chủ yếu của các bản dịch và mô phỏng. Những bản dịch nhiều tập này được lưu giữ dưới hình thức chép tay, như những bản trong thư khố hoàng cung tại Seoul. Cách thức lưu truyền trong tầng lớp hạ lưu là sao chép tiểu thuyết bán cho các gia đình giàu có hoặc cho các gia đình ít sung túc hơn thuê đọc. Theo W.E. Skillend, “có lẽ giai đoạn cuối cùng này kéo dài trong vòng nửa thế kỷ, vào những năm 1840”28. Cũng có những bản khắc gỗ song hiếm khi ghi ngày tháng, hoặc nếu có thì cũng chỉ ghi theo can chi chứ không dùng công lịch. Nhìn chung những tác phẩm còn lưu giữ được đều có niên đại từ khoảng giữa thế kỷ 19 hoặc muộn hơn. Những sách này phần lớn được in trên giấy mỏng rẻ tiền và hiển nhiên là dành cho tầng lớp hạ lưu. Sau này chúng được sao lại hoặc in lại dưới dạng sách có bìa. Loại sách in theo kỹ thuật chữ rời hiện đại khá đa dạng về chủng loại, nhưng do các chủ xuất bản thêm bớt về nội dung nên chúng dần trở nên hỗn loạn29.
Ở Nhật Bản, ngược lại, phần lớn tiểu thuyết dịch đều lưu truyền dưới hình thức sách in, nhất là ở vùng Tokyo-Osaka. Osaka là một thành phố buôn bán sầm uất tạo cho thương mại một không khí trao đổi tự do ngược lại với không khí của kinh đô chính trị Edo.
Ở Việt Nam, tình hình có phần tương tự với Triều Tiên. Thứ nhất, các bản mô phỏng theo thể thơ chữ Nôm được thưởng thức trong tầng lớp thượng lưu của xã hội. Thứ hai, chúng được lưu truyền cả bằng bản chép tay và khắc gỗ, nhưng những bản còn lại không có niên đại sớm hơn thế kỷ 19. Mặc dù không ai biết gì về sự phát triển của các thư viện cho mượn sách trước thế kỷ 20 song có thể khẳng định rằng nhờ những bản sách rẻ tiền mà công chúng dần dần được bình dân hóa. Sau khi chữ quốc ngữ Latin hóa thay thế cho chữ Nôm, tình hình có sự đổi thay thực sự. Việc nghiên cứu sự lưu truyền các bản dịch bằng chữ Quốc ngữ có lẽ dễ dàng hơn, vì con số bản in thường có trên trang bìa của các cuốn sách lưu trữ tại Thư viện Quốc gia Paris.
Ở Thái các bản dịch theo lệnh quan lại thượng lưu thoạt đầu lưu truyền bằng bản chép tay. Nhưng sau khi kỹ thuật in ấn được đưa vào nước này, giới cầm quyền và đặc biệt là các nhà truyền giáo nước ngoài đã dùng kỹ thuật này để phổ biến văn xuôi và ấn hành báo chí. Tiến sĩ Bradley, một nhà truyền giáo Mỹ, mở xưởng in nhằm mục đích kinh doanh đầu tiên ở Bangkok năm 1837. Trong những ấn phẩm đầu tiên tách ra khỏi báo chí có các dịch phẩm tiểu thuyết lịch sử, như Tam quốc diễn nghĩa (1865), Đông Chu liệt quốc (1870). Bằng những tác phẩm này, Tiến sĩ Bradley hy vọng thu hút được những hậu duệ người Trung Quốc, những người mà ông nghĩ rằng có thể cải đạo theo Cơ đốc giáo dễ dàng hơn người Thái nhiều30. Tuy vậy, vào năm 1873 ở Xiêm chưa có một hiệu sách nào và nếu trong 5 năm bán được 1.000 bản sách thì đã có thể mãn ý lắm rồi. Cho đến đầu thế kỷ 20 ở đây vẫn thiếu một mạng lưới hoàn bị các cửa hiệu sách31.
Tình hình ở Campuchia thậm chí còn khó khăn hơn, cho đến đầu thế kỷ 20 xưởng in chữ Campuchia mới xuất hiện. Năm 1924, Viện Phật học được giao nhiệm vụ truyền bá văn hóa cổ truyền thông qua các ấn phẩm. Những tác phẩm lấy đề tài từ sách vở Trung Quốc được lưu giữ trong các tu viện bị coi là không đáng xuất bản. Song sau đó các học giả tại Viện Phật học đã bắt đầu xem xét việc đưa những tác phẩm mô phỏng tiểu thuyết Trung Quốc đến cho công chúng Khmer. Năm 1933, Nou Kon tiến hành dịch Tam quốc diễn nghĩa qua bản tiếng Thái xuất bản tại Bangkok năm 1927.
Ở quốc đảo Đông Nam Á, các bản dịch tiếng Malay được những người thợ Hà Lan hay Trung Quốc in thành sách vào đầu những năm 1880; chúng còn xuất hiện nhiều kỳ trên báo chí địa phương. Ở vùng eo biển Malacca như Indonesia, người Trung Quốc nhanh chóng quan tâm đến việc in ấn, xuất bản và kinh doanh sách báo bằng tiếng địa phương. Đây có thể là lý do giải thích vì sao các bản chép tay nhanh chóng trở nên lỗi thời và thậm chí còn biến mất hoàn toàn. Do đó chúng ta không thể tìm thấy một bản dịch nào từ tiếng Trung Quốc sang tiếng Malay dưới dạng chép tay. Thành công của ngôn ngữ Malay trong dân chúng thành thị Java rốt cục giải thích vì sao các bản dịch tiếng Malay xuất hiện sớm hơn các bản bằng tiếng Java chủ yếu vẫn lưu truyền ở dạng chép tay, mặc dù thợ in và chủ hiệu sách Trung Hoa chuyên xuất bản và bán sách bằng tiếng Java. Những bản chép tay này thuộc sở hữu của các dịch giả hoặc những người bà con của họ, những người có sách cho các thành viên của cộng đồng người Hoa tại địa phương mượn. Vào bước ngoặt của thế kỷ 20, những bản thảo như vậy đã trở nên rất hiếm hoi: chỉ những người Hoa giàu có, như những nông dân trồng thuốc phiện, mới có thể đặt mua bản chép tay Tam quốc diễn nghĩa với giá hơn 50 đồng Hà Lan. Việc một vài bản dịch tiểu thuyết Trung Quốc bằng tiếng Java còn lưu giữ trong thư khố cung đình Surakarta và Yogyokarta cho thấy có khả năng chúng rất hấp dẫn tầng lớp thượng lưu của xã hội này.
Một tình hình nữa không thể bỏ qua là các thư viện cho thuê sách. Tiếc là chúng ta biết rất ít về lịch sử phát triển của chúng, trừ Trung Quốc, nơi mà dấu vết của chúng có thể tìm được về tận đời Đường. Các thư viện này hoạt động ở Triều Tiên vào thế kỷ 19, cho dù không thể xác định được chúng là sáng tạo bản địa hay vay mượn từ Trung Quốc. Ở các quốc gia phương Nam, đặc biệt là vùng đảo Đông Nam Á, chúng phát triển rõ rệt ở các thành phố có cộng đồng người Hoa định cư; trong khi tại các trung tâm khác, truyền thống văn bản chép tay thuộc sở hữu cung đình hay những dòng họ lớn và việc cho mượn sách miễn phí vẫn thịnh hành. Giờ đây, những thư viện chuyên cho mượn truyện (võ hiệp) như vậy vẫn tồn tại nhiều ở các thành phố Đông Nam Á.
7. Ảnh hưởng đến sự phát triển văn học địa phương
Chúng tôi hy vọng xúc tiến thêm việc nghiên cứu ảnh hưởng của tiểu thuyết Trung Quốc, qua bản dịch hoặc nguyên tác, đối với văn chương địa phương, vì hiện vấn đề này còn ít được biết đến.
Ở những nước Hán hóa như Nhật Bản, Triều Tiên và Việt Nam, truyện theo lối văn ngôn, như Tiễn đăng tân thoại, sớm tạo ra phong trào mô phỏng. Một số mô phỏng bằng chữ Hán, mở đầu với Kumo sinhwa (Kim ngao tân thoại) của nhà văn Triều Tiên Kim Sirup (Kim Thời Tập, 1435-1493), tác phẩm này đến lượt nó lại du nhập vào Nhật Bản và sau đó lại tái nhập từ Nhật Bản vào Triều Tiên và được in lại vào thế kỷ 20; Truyền kỳ mạn lục tại Việt Nam của Nguyễn Dữ (thế kỷ 16) và tác phẩm kế tiếp là Truyền kỳ tân phả của Đoàn Thị Điểm (1705-1748); và Otogiboko bằng tiếng Nhật (1666) của Asai Ryoi (Thiển Tỉnh Liễu Ý, mất năm 1691) - tập truyện truyền kỳ này được người Nhật đọc rộng rãi và không ít tác phẩm kế tiếp đã xuất hiện trong thế kỷ 17 và 18.
Tiểu thuyết thông tục Trung Quốc cũng gây ảnh hưởng tương tự đối với những truyện viết bằng ngôn ngữ bản địa hoặc bằng chữ Hán. Các tác giả Triều Tiên viết tiểu thuyết bằng chữ Hán hoặc chữ Triều Tiên, một số truyện thậm chí còn xuất hiện ở cả hai ngôn ngữ, ví dụ Kuun mong (Cửu vân mộng) và Sa-ssi Namjong ki (Tạ thị Nam chinh ký) do Kim Manjung (Kim Vạn Trọng, 1637-1692) viết bằng hai thứ tiếng32. Việc giới thiệu tiểu thuyết thông tục, nhất là tiểu thuyết thời Minh vào Triều Tiên thúc đẩy nhiệt tình sáng tạo của các nhà văn bản địa, và những tiểu thuyết cùng thể loại đã được sáng tác và lưu truyền. Phần lớn các tiểu thuyết được viết theo phong cách truyền thống, gần 700 tác phẩm trong số này được mọi người biết đến, đại bộ phận lấy bối cảnh Trung Quốc. Thế nhưng không phải tất cả đều có nguồn gốc Trung Quốc mà chỉ 15% số này được coi là dịch từ tiểu thuyết Trung Quốc. Bối cảnh Trung Quốc được dùng để tạo ra một thế giới không tưởng hoặc để tránh những trả thù từ nhà cầm quyền. Nghiên cứu so sánh tiểu thuyết Triều Tiên và Trung Quốc, một di sản văn chương hết sức to lớn, đến nay mới đi những bước ban đầu và còn nhiều lĩnh vực cần khám phá.
Ở Việt Nam, việc truyền bỏ loại tiểu thuyết diễn nghĩa hay tiểu thuyết lịch sử cũng kích thích các nhà văn bản địa viết tiểu thuyết văn xuôi lịch sử bằng chữ Hán nhưng bối cảnh là Việt Nam. Những tác phẩm văn chương này chỉ mới được “phát hiện lại” gần đây sau những thập kỷ bị lãng quên. Số tác phẩm có niên đại ít hơn nhiều số truyện thơ Nôm có nguồn gốc Trung Quốc.
Tiểu thuyết thông tục Trung Quốc cũng ảnh hưởng đến những tác giả Nhật Bản nổi tiếng của thế kỷ 18 như Ueda Akinari và Takizawa Bakin, dịch giả và người sáng tạo ra một số tác phẩm yomihon nổi tiếng nhất, một hình thức tiểu thuyết mới kết hợp cả sự kiện lịch sử lẫn tình tiết hoang đường.
Đối với những người Mãn Châu và Mông Cổ vốn không ngang bằng về văn hóa với người Trung Quốc, chúng tôi có những phát hiện thú vị: việc phổ biến tiểu thuyết chữ Hán ở hai khu vực này đó tạo ra những kết quả khác nhau. Trong khi người Mãn Châu - những người rất hào hứng trau dồi viết tiểu thuyết theo kiểu Trung Hoa - dần dần đánh mất văn chương của chính mình thì người Mông Cổ lại tiếp nhận những yếu tố ngoại lai và hào hứng phát triển nền văn chương của riêng mình. Người Mãn Châu bắt đầu viết bằng chữ Hán và thậm chí còn sáng tác tiểu thuyết chữ Hán. Một trong những ví dụ tiêu biểu nhất là Văn Khang, tác giả của Nhi nữ anh hùng truyện, có thể sống vào thế kỷ 1933. Tuy vậy, người Mông Cổ lại cũng phát triển một loại tiểu thuyết văn xuôi chịu ảnh hưởng rõ rệt của Trung Quốc, đặc biệt ở những tác phẩm đầu tiên xuất hiện vào thế kỷ 19. Một trong số đó là Tabun juwan (Cố sự ngũ tác) thậm chí có thể coi là một tục biên của tiểu thuyết Trung Quốc Phấn trang lâu đã sớm được dịch sang tiếng Mông Cổ.
Ở các nước Đông Nam Á, đến thế kỷ 19 mới xuất hiện văn học dịch và khi còn ở dạng chép tay chúng không có ảnh hưởng đáng kể đến sáng tạo văn chương bản địa. Sau khi in ấn và báo chí xuất hiện, những tác phẩm này có một lượng công chúng đông đảo hơn. Cùng thời gian này tiểu thuyết phương Tây cũng được giới thiệu qua bản dịch đăng nhiều kỳ trên báo chí. Mặc dù không có một công trình nào nghiên cứu đầy đủ về loại văn chương mới nổi lên vào đêm trước của thế kỷ 20 này, nhất là ở Indonesia, vẫn có thể coi đó là sản phẩm của sự kết hợp ảnh hưởng Trung Quốc và châu Âu. Trong số những nhà văn đầu tiên của Indonesia có người gốc Hoa được học hành trong các trường Trung Quốc, số khác thụ học ở các thầy giáo người Hà Lan. Chỉ đến gần đây người ta mới xác định được ảnh hưởng trực tiếp của tiểu thuyết võ hiệp Trung Quốc trong nền văn học của các nước Đông Nam Á. Ở Campuchia chẳng hạn, vào những năm 1960 dân thành thị ngày càng ưa chuộng tiểu thuyết Trung Quốc, đến mức rất nhiều tác giả có khuynh hướng Trung Hoa đã bắt tay sáng tác tiểu thuyết lịch sử Campuchia, có người trực tiếp lấy cảm hứng từ tiểu thuyết võ hiệp Trung Quốc. Quá trình tương tự có thể tìm thấy ở Indonesia từ đầu những năm 1960, đó là xu hướng bản địa hóa truyện võ hiệp Trung Quốc. Một trong những nhà văn nổi tiếng nhất về thể loại này là Kho Ping Hoo (Hứa Bình Hòa). Một số tiểu thuyết của ông lấy bối cảnh Trung Quốc và Nhật Bản, số khác lấy bối cảnh là Indonesia. Về sau Kho bắt đầu viết những tiểu thuyết xảy ra trong thời Mojopahit. Dường như một loại “truyền thống” tiểu thuyết võ hiệp mới đang khởi đầu ở Indonesia.
8. Tiếp nhận Tam quốc diễn nghĩa
Ở các nước châu Á, như Trung Quốc, Tam quốc diễn nghĩa được đọc rộng rãi không chỉ trong giới học giả mà cả ở những người ít học. Chúng tôi đã phát hiện thấy bản của người Mãn Châu trong khoảng 1631-1632 là bản dịch sớm nhất có niên đại khá chắc chắn. Các bản dịch trọn vẹn bằng tiếng Mãn Châu và tiếng Nhật xuất hiện vào 1650 và 1692. Các bản dịch có niên đại khác như sau:
Tiếng Triều Tiên: 1703 (trích dịch từ bản Mãn Châu năm 1650);
1774 (tái bản có sửa chữa); 185934
Tiếng Thái: 1802 (toàn tập)
Tiếng Malay: 1883-1885 (dịch một phần); 1886 (dịch một phần);
1892-1896 (toàn tập); 1910-1913, 1912 (toàn tập)
Tiếng Java: 1890-1894 (chưa trọn bộ)
Tiếng Việt: 1907, 1908-1918, 1928-1930, 1931-1933, 1934-1935,
1937, 1952
Tiếng Mông Cổ: 1925
Tiếng Makassar: khoảng 1930
Tiếng Campuchia: khoảng 1936
Ngoài ra, còn có nhiều bản dịch và cải tác, đặc biệt là những bản bằng tiếng Triều Tiên và Mông Cổ mà có thể của thế kỷ 19. Ở phương Tây, vào đầu thế kỷ 19, dường như đã có những cố gắng đầu tiên nhằm dịch tiểu thuyết này sang tiếng Tây Ban Nha và Latin35. Song bản dịch từng phần lần đầu xuất hiện dưới dạng sách do Théodore Pavie thực hiện vào năm 1845-1846 tại Paris. Thú vị là dịch giả đã tham khảo cả bản Mãn Châu và bản chữ Hán. Trong lời tựa, Pavie khẳng định tầm quan trọng của việc thuần thục ngôn ngữ Mãn Châu, nó giúp ông hiểu kỹ hơn văn bản chữ Hán36. Bản dịch tiếng Anh của C.H. Brevitt Taylor xuất hiện vào năm 1925, còn bản tiếng Đức của Franz Kuhn vào khoảng 194037.
Rõ ràng độc giả châu Á bị hấp dẫn mạnh bởi tiểu thuyết này, vì qua tác phẩm họ có thể có được những thông tin quan trọng. Người Mãn dùng nó như một công cụ để tôi luyện mình chống lại quân Minh. Cũng có ý kiến cho rằng ở Triều Tiên tác phẩm được coi như “thứ văn chương thắng lợi tinh thần thể hiện bi kịch lớn của vận mệnh lịch sử”. Nó được đọc rộng rãi, nhất là sau khi bị Nhật Bản xâm lược trong thời kỳ nhà Yi (Lý, thế kỷ 16), và người ta còn dựng một ngôi miếu thờ Quan Vũ. Về sau một số lượng rất lớn tiểu thuyết chinh phạt cùng loại đó xuất hiện38. Schweisguth, người đã có những bình luận vắn tắt về thành công của các bản dịch tiếng Thái, nói rằng hiện tượng đó trước hết liên quan đến sự nổi lên về chính trị của các phần tử tinh hoa Hán - Thái mới nắm quyền điều hành toàn bộ đất nước này; ngoài ra, cả người Trung Quốc lẫn người Thái đều rất thích thú với những cuộc đàm luận giữa các tướng lĩnh quân sự và với những mưu kế dùng để khuất phục kẻ phản nghịch. Tác giả nói thêm, những mưu kế mà họ học được từ tác phẩm này có thể giúp họ hiểu được nền chính trị hiện hành của tầng lớp thống trị. Bản dịch tiếng Thái Tam quốc diễn nghĩa được in lại vài lần một cách trọn vẹn hoặc từng phần và 250.000 bản miêu tả trận chiến Xích Bích do Tôn, Tào bài bố đã được in trong một thời gian ngắn giữa 1935 và 194039.
Điều thú vị là học giả uyên thâm Mahamed bin Perang (1841-1915), người từng học tiếng Trung Quốc ngay từ năm 1861, đã đề cập đến ý nghĩa giáo dục của bộ sách này tại vùng nói tiếng Malay. Trong thư gửi cho một peranakan (Hoa kiều) viết bằng chữ Hán năm 1894, ông nói: “Tôi rất thích đọc truyện Trung Quốc, sở thích của tôi là truyện Tam quốc diễn nghĩa vì tác phẩm này có nhiều giá trị, nó bao gồm cả chuyện mang tính phúng dụ và ngụ ý mà các quan lại phụng sự vương triều cần phải lắng nghe”40.
Vào cuối những năm 1890, khi Chan Kim Boon công bố bản dịch Malay truyện Tam quốc diễn nghĩa ở Singapore, ông cũng đề cao giá trị giáo huấn của tiểu thuyết này và khẳng định đó là một kiệt tác của lịch sử Trung Quốc. Rất nhiều độc giả cũng có quan điểm tương tự. Họ gửi thư cho dịch giả, nói rằng “Tam quốc diễn nghĩa là lịch sử có giá trị của Trung Quốc, nó hữu ích với Hoa kiều và những người bản xứ biết tiếng Malay”. Ngay ở thế kỷ 20 người Malaysia và Indonesia vẫn còn đọc tiểu thuyết này. Tương truyền rằng Sukarno đã đọc nó vài lần41.
Với Tam quốc diễn nghĩa, tác phẩm mà ở đó các yếu tố siêu nhiên chỉ đóng vai trò thứ yếu còn những cố gắng mang tính người của nhân vật anh hùng có lý trí được nhấn mạnh, độc giả có thể tìm thấy những gợi ý cho việc giải quyết những vấn đề cá nhân và những manh mối để hiểu được thế giới xung quanh. Với nhiều độc giả Trung Quốc và nước ngoài, câu chuyện lịch sử này hơn hẳn chính sử ở sự dễ đọc và cảm hứng văn chương. Loại tiểu thuyết lịch sử khá chắc chắn về sử liệu này, có thể là một đóng góp độc nhất vô nhị của Trung Quốc cho thế giới trong việc viết sử. Thành công của nó, nhất là ở phần phía Nam châu Á, nơi mà việc viết sử (trừ ở một số vùng theo đạo Hồi) cho đến đầu thế kỷ 20 vẫn thường pha đậm chất truyền thuyết, là rất đáng kể.
Chúng tôi hy vọng những nhận xét giản lược này có thể giúp định hướng chính xác hơn lĩnh vực nghiên cứu mà bạn đọc sắp bước vào, và hơn thế, sẽ tăng thêm hứng thú đối với việc nghiên cứu so sánh. Việc này không chỉ cải thiện sự hiểu biết của chúng ta về văn chương châu Á mà còn đưa toàn bộ sự tiếp cận của chúng ta đến với vùng Viễn Đông.
Trần Hải Yến dịch
Trích từ Tiểu thuyết truyền thống Trung Quốc ở châu Á
(thế kỷ 17 - thế kỷ 20¸Claudine Salmon biên soạn,
Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 2004, tr.19-82
1. Jeon Kyu, “The Influences of Chinese Literature on Korean Literature” (Ảnh hưởng của văn chương Trung Quốc đến văn chương Triều Tiên), Tamkang (Đạm Giang), II.2 - III.1, tháng 11.1971 - tháng 4.1972, tr.101 -115.
Elmer A. Ordonez, “Notes on Philippine Reception to Chinese Literature (Về việc tiếp nhận văn học Trung Quốc của Philippine), Đó dẫn, tr.89-100.
Một nghiên cứu rất thú vị của M. Soymiộ (“L’entrevue de Confucius et de Hiang T’o - Cuộc hội kiến giữa Khổng Tử và Hạng Thác, Journal Asiatique, tập 242, năm 1954, tr.311-392) cũng được nhắc đến trong bài viết này. Tác giả thuật lại câu chuyện Trung Quốc về cuộc gặp gỡ giữa Khổng Tử và cậu bé Hạng Thác. Ông so sánh câu chuyện được phát hiện trong các văn bản tìm thấy ở hang Đôn Hoàng này với các bản bằng tiếng Tây Tạng cũng tìm thấy ở đó, với các bản bằng tiếng Trung Quốc sau này và những bản mô phỏng bằng tiếng Mông Cổ, Nhật Bản, Thái. Gần đây hơn đã phát hiện thêm những bản dịch khác bằng tiếng Campuchia, Việt Nam, Java và Malay, những văn bản này sẽ được tìm hiểu trong một nghiên cứu chuyên biệt.
2. Các thư mục tương ứng có trong các bài viết khác giới thiệu trong cuốn sách này.
3. Xin xem Vương Lợi Khí, Nguyên Minh Thanh tam đại cấm hủy tiểu thuyết hý khúc sử liệu, Thượng Hải, 1981, 56 trang.
4. G. William Skinner, Chinese Society in Thailand: An Analytical History (Cộng đồng Trung Hoa trên đất Thái: Lịch sử phân tích), Ithaca, New York, Đại học Cornell ấn hành, In lần thứ hai, 1962, 14 trang, trích dẫn các báo cáo của quan sát viên Pháp Francoi T. Choisy và Simon de la Loubère.
5. Theo Elmer A.Ordonez, Đã dẫn, 131 trang, chú thích 19: Rizal (1861-1896), nhà quốc gia chủ nghĩa Philippine nổi tiếng, nhà văn gốc Hoa, “đã cố vấn cho các công trình của các nhà Hán học và đó sưu tập các sách về kịch, ngôn ngữ và nghệ thuật Trung Quốc cho thư viện riêng”. Tương truyền ông cũng hợp tác chú giải cho bản dịch Chư phiên chí của Fr. Hirth và W.W. Rockhill, Đã dẫn, 130 trang.
6. J. Legge, The Rambles of the Emperor Ching Tih in Keang Nan. A Chinese Tale (Hoàng đế Ching Tih ở Keang Nan, một chuyện kể Trung Quốc). Do Tkin Shen, sinh viên trường Anh-Hỏn dịch, Malacca, với lời tựa và hiệu chỉnh của James Legge, hiệu trưởng nhà trường, London, 1843, 2 tập.
7. The Hokkien Library Series (Phúc Kiến đồ thư tùng san), Tập 1 Thiên giám (Gương thần). Bản dịch tiếng Anh của J.A. Maung Gyi và Cheah Toon Hoon ở Pókàm, hay Pau Kong An thu gọn tác phẩm Liêu trai, Rangoon, xuất bản lần thứ nhất, tháng 1.1894, 127 trang. Lời tựa nói: “Người biên soạn dành tập truyện nhỏ này cho những thanh niên Trung Quốc muốn nắm vững hơn ngôn ngữ Phúc Kiến được dùng rộng rãi ở quốc đảo Đông Nam Á. Những truyện này do soạn giả Cheah Toon Koon dịch từ văn ngôn sang tiếng Phúc Kiến trang nhã còn bản Latin hóa ra mắt ngay sau tác phẩm cặp đôi với nó là ‘Thiên giám”. Lớp thanh niên nghiên cứu kỹ bản dịch này và bản Latin hóa sẽ có thể nói tiếng Phúc Kiến một cách trôi chảy và trang nhã. Cũng như người châu Âu nào đủ tri thức để tìm hiểu tập truyện nhỏ này và tác phẩm cặp đôi với nó những lúc thanh nhàn, sẽ tìm được mối cộng thông với người Trung Quốc, hoặc về xã hội hoặc về thương mại, dễ dàng hơn nhiều”. Tập đầu này được in bằng tiền lệ quyên của những người có tên trong một danh sách. Hiện trạng tập thứ hai ra sao, chúng tôi chưa thể xác định được.
8. Xem thêm Trương Văn Huân và các tác giả khác, Bạch tộc văn học sử, Nhà xuất bản nhân dân Côn Minh, Vân Nam, 1983, tr.152-158. Trong đó mô tả những truyện mô phỏng Lương Sơn Bá-Chúc Anh Đài ở người Bạch; một số nghiên cứu khác giải quyết việc lưu truyền câu chuyện này trong người Choang (nay là người Tráng) và người Dao.
Xem Hoàng Hải Băng, “Luận Lương-Chúc cố sự tại Choang Dao tộc địa khu lưu truyền biến dị” (Bàn về sự lưu truyền và biến dị của chuyện Lương-Chúc trong vùng người Choang, Dao), Học thuật luận đàn, 1982, số 3, tr.93-96. Một số mô phỏng truyện này của người Dao viết bằng chữ Hán cũng được miêu tả vắn tắt trong sách này.
Xem Cung Triết Binh, “Quan ư nhất chủng đặc thù văn tự đích điều tra báo cáo” (Báo cáo điều tra về một loại văn tự đặc biệt), Trung Quốc dân tộc học viện học báo, 1983, số 3, tr.122-128.
Bài hát của Mạnh Khương Nữ cũng được lưu truyền trong các tộc người thiểu số miền Nam. Xem Quá Vĩ, “Mạnh Khương Nữ truyền thuyết tại Choang, Đồng, Mao Nan, Ma Lão tộc trung đích lưu truyền biến dị” (Sự lưu truyền và biến đổi của truyền thuyết Mạnh Khương Nữ trong cỏc tộc người Choang, Đồng, Mao Nan, Ma Lão), Dân tộc văn học nghiên cứu, 1983, tr.108-118.
9. Xem thêm A. Wylie, Notes on Chinese Literature, with introductory remarks on the prrogressive advancement of the art; and a list of translations from the Chinese into various European Languages (Văn học Trung Quốc qua những nhận xét ban đầu về sự tiến bộ nghệ thuật và một danh mục những bản dịch từ chữ Hán sang các ngôn ngữ châu Âu), London, 1867, XXIII trang.
10. Xem H. Cordier, Biblotheca Sinica, Dictionnaire Biblographique des ouvrages relatif à l’Empire Chinois (Bibliotheca Sinica, Từ điển thư mục các tác phẩm liên quan đến Đế chế Trung Hoa), Paris Maisonneuve, 1906, 3 tập, 1754 trang.
11. Các học giả có xu hướng thay thuật ngữ truyền kỳ bằng thuật ngữ Đường nhân tiểu thuyết.
12. Lý Tiến Nghị, The History of Chinese Fiction: A Selected Bibligraphy (Lịch sử tiểu thuyết Trung Quốc: Thư mục chọn lọc), In lần thứ hai, New Haven, Far Eastern Publications, Yale Univesity, 1970.
Peter Li và Nathan K. Mao, Classical Chinese Fiction, A Guide to its Study and Appreciation, Essays and Bibliography (Tiểu thuyết Cổ điển Trung Quốc - chỉ dẫn nghiên cứu và thẩm định. Tiểu luận và thư mục), London, George Prior Publisher, 1978, 302 trang.
13. Một thư mục khác vừa xuất hiện tại Nhật Bản: Otsuka Hidetaka, Chukoku Tsuzoku shosetsu mokuroku kaiteido (Trung Quốc thông tục tiểu thuyết mục lục cải đính cảo - Mục lục đính chính tiểu thuyết thông tục Trung Quốc), Tokyo, Kyuko shoin, 1984, 229 trang.
14. Xin xem Trương Hồng Huân, “Đôn Hoàng giảng xướng văn học đích thể chế cập loại hình sơ thám” (Tìm hiểu sơ bộ cấu trúc và loại hình của văn học giảng xướng Đôn Hoàng), Văn học di sản, 1982, số 2, tr.62-73.
15. Chung Vô Diệm hay Chung Ly Xuân là nhân vật lịch sử sống vào thế kỷ 4 trước công nguyên, tương truyền bà xấu đến mức đó 40 tuổi mà vẫn chưa có người lấy. Sau cùng, Tề Tuyên Vương cho vời bà đến gặp, và hết sức hâm mộ tài trí của bà nên phong bà là phu nhân.
16. Thông tin thêm về loại văn chương này xin xem Nguỵ Thiều Xương, Uyên ương hồ điệp phái nghiên cứu tư liệu (Tư liệu nghiên cứu về phái uyên ương hồ điệp), Thượng Hải văn nghệ xã, 1962, 555 trang.
Perry Link, Mandarin Ducks and Buterflies. Popular Fiction in Early Twentieth Century Chinese Cities (Uyên ương hồ điệp - tiểu thuyết thông tục ở các đô thị Trung Quốc đầu thế kỷ 20), Los Angeles, Đại học California xuất bản, 1981, 313 trang.
17. Bản thư mục của A Anh (Vãn Thanh hý khúc tiểu thuyết mục lục - Mục lục tiểu thuyết và hý khúc thời Vãn Thanh, Thượng Hải, Cổ điển văn học xuất bản xã, In lần thứ nhất, 1957, 178 trang) mặc dù rất có ích nhưng không phải bao giờ cũng có thể giúp chúng ta xác định được nguyên tác.
18. Thông tin thêm xin xem C.T. Hsia, “Hsu Chen-ya’s Yu-li hun: An Essay in Literary History and Criticism” (Hsu Chen-ya’s Yu-li hun: một tiểu luận trong lịch sử văn chương và phê bình), Reditions, A Chinese-English Translation Magazine (Tạp chí dịch Trung Anh: Reditions), số 17&18, Xuân thu 1982, tr.199-240.
19. Xin xem thêm Liễu Tồn Nhân, Chinese Popular Fiction in Two London Libraies (Tiểu thuyết thông tục Trung Quốc ở hai thư viện London), Hong Kong, Long Men, 1957, tr.34.
Dell R. Hales, Yu Hiang-tou trong Dictionary of Ming biography 1368-1644 (Từ điển về thư mục đời Minh, 1368-1644) do L. Carrington Goodrich và Fang Chaoying biên soạn, New York, Đại học Colombia ấn hành, 1976, tập II, tr.1612-14.
20. Liễu Tồn Nhân, Đã dẫn, tr.40.
21. J.J.L. Duyvendak, Holland’s Contribution to Chinese Studies (Đóng góp của Hà Lan cho Trung Quốc học), London, The China Society, 1950, tr.5-6.
Dẫn theo W.L. Idema, “Dutch Sinology and the Study of Chinese Traditonal Vernacular Fiction (Hán học ở Hà Lan và việc nghiên cứu tiểu thuyết bản địa truyền thống Trung Quốc), Trung Quốc cổ điển tiểu thuyết nghiên cứu chuyên tập, 3, 1981 (Đài Bắc), tr.25.
Cũng xem Paul Demieville, “Au bord de l’eau” (Thủy hử truyện), T’oung Pao, 44, 1956, tr.242-265; Ma Ấu Viên, “Ngưu Tân đại học sở tàng Minh đại giản bản “Thủy hử” tàn diệp thư hậu” (Sau cuốn “Thủy hử” cũ nát sơ giản đời Minh lưu giữ tại đại học Oxford), Trung Hoa văn sử luận tựng, 1981, số 4, tr.47-66.
22. P. Schweisguth, Etude sur la litérature siamoise (Nghiên cứu văn học Xiêm), Paris, Imprimerie National, 1951, tr.189-99.
23. Xem John B. Kwee, Chinese Malay Literature of the Peranakan Chinese in Indonesia 1880-1942 (Văn học Hán Malay của Hoa kiều ở Indonesia 1880-1942), Luận văn Tiến sĩ chưa xuất bản, Đại học Auckland, 1977, tr.36 và 50 dẫn 2 khổ thơ tứ tuyệt chữ Hán và phần dịch sang tiếng Anh.
24. Cl. Salmon, Literature in Malay by the Chinese of Indonesia, A Provisional Annotated Bibliography (Văn chương bằng tiếng Malay của người Hoa ở Indonesia, thư mục chú giải bổ sung), Paris, Nhà xuất bản Khoa học nhân văn, Nghiên cứu đảo-quần đảo: 3,1981, 39 trang.
25. Như trên, tr.128-29.
26. Những bích họa cũng được phát hiện ở Trung Quốc và Đài Loan. Đáng chú ý là W. Eberhand, “Topics and Moral Values in Chinese Temple Decorations”(Chủ đề và các giá trị đạo đức trong các trang trí đền chùa Trung Quốc), Journal of the American Oriental Society, 87, 1, tháng 1-3. 1967, tr.22-32.
27. Xin xem Vương Lợi Khí, Đã dẫn, tr.43-56.
28. Chúng tôi xin cảm tạ Giáo sư W.E. Skillend về thông tin này.
29. W.E. Skillend, Kodae Sosol: A Survey of Korean Traditional Style Popular Novels (Kodea Sosol: một khảo sát tiểu thuyết thông tục theo phong cách truyền thống Triều Tiên), London, The Gresham ấn hành, 1968, tr.24-25.
30. P. Schweisguth, Đã dẫn, 241 trang.
31. G. Duverdier, “La Transmission de imprimerie en Thailande: du catéchisme de 1796 aux impression bouddhiques sur feuilles de latanier” (Sự lưu truyền của in ấn ở Thái Lan: từ đạo Cơ đốc năm 1796 đến những ấn bản Phật giáo trên lá cọ), Bulletin de l’Ecole Francaise d’Extrèmme-Orient (Tập san Trường Viễn Đông Pháp), quyển LXVIII, Paris, 1980, 238 trang.
32. D. Bouchez, “Le roman coréen “Nam-jong ki” et l’affaire de la rein Min”(Tiểu thuyết Triều Tiên “Nam chinh ký” và cuộc chiến thời nhà Minh), Journal Asiatique, tập CCLTV, 3-4, 1976, tr.405-51.
33. Liễu Tồn Nhân, Đã dẫn, tr.116-18.
34. W.E. Skillend, Đã dẫn, tr.14.
35. John Francis Davis, On the Poetry of the Chinese (Về thơ của người Trung Quốc), Macao, 1834, được trích dẫn trong Cordier, Đã dẫn, tập III, 1754 trang: “Nó (Tam quốc) được Padre Segui, người đó sống nhiều năm ở Trung Quốc và hiện là Tổng giám mục xứ Luconia, dịch từng phần hoặc toàn bộ sang tiếng Tây Ban Nha. Ngoài ra còn có một bản dịch cũ tiếng Latin của Hội Hoàng gia châu Á.
36. Théodore Pavie, San Koue-Tchy. Ilan kouroun-i pithé. History des Trois Royaumes. Roman historique traduit sur les textes chinois et mandchou (“Tam quốc chí”, tiểu thuyết lịch sử dịch theo văn bản chữ Hán và Mãn Châu), Paris, 1845-46, tập 1, Lời Giới thiệu, tr. LVIII-LIX.
37. Về lược khảo các bản dịch Tam quốc, xin xem Vương Ni Na, “Tam quốc diễn nghĩa tại quốc ngoại” (Tam quốc diễn nghĩa ở nước ngoài), Văn hiến, 1982, tr.44-66.
38. Jeon Kyu tae, Đã dẫn, tr.103-104.
39. P. Schweisguth, Đã dẫn, tr.195.
40. Amin Sweeney, Reputation Live on: An Early Malay Autobiography (Danh thơm sống mãi: một tự truyện Malay thuở sơ khai), Los Angeles, Đại học California ấn hành, 1980, tr.86-87.
41. H. Abdul Karim (Oey Tjing Hien), Mengabadi Agama, Nusa dan Bangsa, Sahabat Karib Bung Karno, Jakarta, Gunung Agung, 1982, 93 trang.
Tái bút:
Sau khi Dẫn luận này hoàn thành, bài báo thú vị của Malinee Dilokmanich, “A Study of Samkok: The First Thai Translation of a Chinese Novel” (Nghiên cứu “Tam quốc”: Bản dịch tiếng Thái đầu tiên một tiểu thuyết Trung Quốc) ra mắt trên Journal of the Siam Society, 1985, 1-2, tr.77-112. Nó đem lại ánh sáng mới về mối quan hệ giữa nguyên bản chữ Hán và bản dịch tiếng Thái.
tin tức liên quan
Videos
Khuynh hướng cách tân trong thơ Việt Nam sau 1975
Bàn về “Học thật, thi thật, nhân tài thật” ( Kỳ 2)
Phân tầng xã hội và di dộng xã hội ở Việt Nam hiện nay [kỳ cuối]
Những âm thanh vang vọng núi rừng Tương Dương
Hội nghị Sơ kết cụm thi đua 6 tỉnh Bắc Trung Bộ năm 2023
Thống kê truy cập
114559233

2250

2301

2551

226776

122920

114559233