Những góc nhìn Văn hoá

Cốt truyện lưu chuyển trong văn học cổ điển (So sánh trường hợp Truyện Kiều của Nguyễn Du và Le Cid của Pierre Corneille)

 

1. Cốt truyện lưu chuyển hay cốt truyện lang thang

Từ lâu, các nhà nghiên cứu, đặc biệt là trong lĩnh vực văn học dân gian và văn học cổ điển, đã lưu ý đến những cốt truyện tương đồng trong văn học thế giới, việc nghiên cứu chúng được hình thành cùng với phương pháp so sánh lịch sử giữa thế kỷ XIX

Các cốt truyện lưu chuyển được lặp đi lặp lại trong sáng tác của các dân tộc khác nhau, vào những thời đại khác nhau. Tuy nhiên, cũng trong quá trình lưu chuyển giữa các dân tộc, các thời đại đó mà chúng được cải biến tùy thuộc theo môi trường, mục đích sáng tác. Nhà nghiên cứu văn học dân gian Nga thế kỷ XIX F.I.Buslaev là một trong những người đầu tiên đặt vấn đề xác định cốt truyện kiểu này. Trong bài báo nổi tiếng Những truyện lưu chuyển (“Перехожие повести и рассказы”, 1874), ông khảo sát quá trình lưu chuyển của một số truyện cổ, ví dụ như câu chuyện về chiếc bình và giấc mộng không thành đi từ Ấn Độ (Panchatantra) qua Ba Tư, Arab (Kalila và Dimna),… trước khi trở thành đề tài của truyện ngụ ngôn nổi tiếng về nàng Perrette và bình sữa của La Fontaine, và chỉ ra những biến đổi của câu chuyện qua các thế kỷ và các dân tộc như thế nào[1]

Đa phần các tác phẩm văn học thế giới chứa đựng những cốt truyện hay những mô típ lưu chuyển được cải biến sáng tạo. Những cốt truyện nổi tiếng bắt nguồn từ lịch sử và các huyền thoại dân gian về Faust, về Don Juan ở châu Âu đã trải qua lịch sử di chuyển, cải biến phức tạp, và chính nhờ những thiên tài vĩ đại như Goethe, Byron, Pushkin… mà chúng được vĩnh cửu hóa.

Trường hợp Truyện Kiều của Nguyễn Du ở Việt Nam và Le Cid của Pierre Corneille ở Pháp có thể đặt trong mối tương quan như vậy.

2. Hành trình của cốt truyện về Cid

Trước hết, Cid là một nhân vật lịch sử.

El Cid Campeador có tên thật là Rodrigo hay Ruy Diaz de Vivar (khoảng 1043-1099) là một quý tộc xứ Castile và là một nhà chính trị, một chỉ huy quân đội Tây Ban Nha phục vụ dưới triều đại của vua Sancho II, giúp Sancho đánh bại em trai là Anfonso VI để giành quyền cai quản vùng đất của ông này. Khi Sancho bị giết chết và Anfonso VI lên ngôi, thì Cid trở thành chỉ huy quân đội Castile, nhưng buộc Anfonso phải thề không có liên quan đến cái chết của anh trai Sancho. Mối quan hệ của Cid với vua Anfonso VI rất căng thẳng, và cuộc hôn nhân của ông với cháu gái nhà vua là Dona Jimena cũng không cải thiện được tình hình. Ông bị vua trục xuất, phải tìm kiếm liên minh với các vua của Hồi quốc Zaragoza rồi lại được Anfonso yêu cầu giúp đỡ. Sau nhiều chiến công, ông trở thành người kiểm soát Valencia, thành lập và cai trị một nhà nước độc lập với sự ủng hộ của cả người Hồi giáo lẫn Cơ đốc giáo. Biệt danh “El Cid Campeador” của ông thể hiện điều này khi Cid (tiếng Arab “Sayyid” có nghĩa là chúa tể) là do người Arab Hồi giáo đặt, và “Campeador” (tiếng Tây Ban Nha là “người chiến thắng”) thì do người Tây Ban Nha Cơ đốc giáo gọi. Cid sống vào thời đại Tái  chinh phục (Reconquista), tức cuộc đấu tranh kéo dài gần 8 thế kỷ (VII -XV) của các dân tộc trên bán đảo Iberia chống lại sự xâm lược và áp bức của người Arab, cuộc đời và những chiến công của ông phản ánh bức tranh thời đại đó. Sau khi qua đời, Cid được tôn vinh thành anh hùng dân tộc Tây Ban Nha, trở thành đề tài cho nhiều truyền thuyết, trường ca và các vở kịch.

Những thông tin đầu tiên về Rodrigo Diaz là ở các tài liệu sử ký tiếng Arab -bởi bán đảo Iberia thời trung đại nằm dưới sự cai quản của các caliph Hồi giáo và tiếng Arab được sử dụng rộng rãi hơn các ngôn ngữ Roman. Tuy nhiên, danh hiệu “Sayyid” dành cho Rodrigo lại không xuất hiện ngay trong các bản tiếng Arab này (thay vào đó là các tên gọi tagiya -kẻ bạo chúa, thậm chí là kalb ala‘du -con chó của kẻ thù) -điều có thể hiểu được khi ông là kẻ thù đáng sợ đối với người Moor, nhất là sau khi họ mất thành Valencia vào tay ông. Ibn Bassam (mất năm 1147), nhà thơ và sử gia người Al Andalusia trong hợp tuyển Dhakhira fî mahâsin ahl al-Gazira (Kho tàng những giá trị của dân vùng Iberia) là người đầu tiên nhắc đến Rodrigo như một người kiệt xuất, và cũng là người kể khá nhiều câu chuyện của các nhân chứng về người anh hùng.

Các sử ký của người Cơ đốc giáo thời trung đại viết bằng tiếng Latin từ thế kỷ XII đã nhắc đến Cid và những chiến công của ông: như  “Crónica Najerense” (cuối thế kỷ XII)  “Chronicon mundi” (1236) của nhà sử học Latin Lucas de Tuy, hay “Historia de rebus Hispanie” (1243) của Rodrigo Jiménez de Rada,… Tuy nhiên, việc anh hùng hóa nhân vật lịch sử này diễn ra muộn hơn, thể hiện chủ yếu trong các sử thi và bài ca lịch sử thời trung đại ở Tây Ban Nha và châu Âu.

Bài ca về Cid của tôi(Cantar de mio Cid) là bản sử thi cổ nhất còn giữ được của Tây Ban Nha, được xếp vào dòng văn học có tên là “mester de juglaría” tức hình thức trình diễn của các nghệ sĩ hát rong (trong sự đối lập với “mester de clerecia” tức sáng tác mang tính bác học của các nhà văn-tu sĩ). Hình thức truyền khẩu của tác phẩm này (mặc dù cũng có giả thuyết cho rằng đây là một tác phẩm văn học viết có tác giả là Pedro Abat -người ký tên trên bản chép tay năm 1207 còn lưu giữ được đến ngày nay) khiến cho câu chuyện cuộc đời của người anh hùng được biến đổi trong quá trình các nghệ sĩ trình diễn. Bài ca về Cid của tôi (đúng hơn là Trường ca về Cid của tôi vì gồm có 3 bài ca/cantar) mở đầu bằng khúc ca về Cid khi ông đã kết hôn với Dona Jimena và có hai con gái, bị vua Anfonso VI trục xuất khỏi quê hương, nhưng vẫn lập những chiến công đánh bại quân Moor, thể hiện vai trò của một chư hầu trung tín. Hai khúc ca sau nói về đám cưới của các con gái Cid do vua Anfonso tác hợp và những cuộc đấu của Cid với những chàng rể xảo trá và hèn nhát để cuối cùng bảo vệ được danh dự của bản thân và gia đình, tìm được cho con gái những chàng rể xứng đáng.

Đề tài về các trận chiến mà các nghệ sĩ hát rong ca tụng dần được rút gọn chỉ còn là truyện về việc Rodrigo bị xua đuổi và những chiến công của chàng trước quân Moor. Khi đề tài cuộc hôn nhân của Rodrigo và Jimena bắt đầu được khai thác trong các sử ký và các bài ca ở thời kỳ muộn hơn, thì mô típ mới này được lý giải bởi nguyên do là sau khi Rodrigo giết chết cha của Jimena, chàng trở thành người bảo trợ duy nhất của nàng; ngoài ra, Rodrigo còn được miêu tả như một quý tộc bướng bỉnh, nổi loạn và là một người chồng không đáng tin cậy.

Truyện về Cid tiếp tục được phát triển và truyền tụng trong thời trung đại và Phục hưng Tây Ban Nha qua các bài ca lịch sử dân gian (romance). Romance và hình thức lưu truyền dân gian của nó vừa là sự tiếp nhận, kế thừa truyền thống sách vở, đặc biệt là các sử ký, đồng thời vừa là một cách phản ứng, đối lập với những giáo điều, mang tính tự do dân chủ hơn, đáp ứng thị hiếu của người bình dân (mà chủ yếu là thị dân bởi thành thị là môi trường lưu truyền của thể loại này). Điều này quy định đặc điểm của thể loại như sự đề cao nghĩa hiệp (các romance hiệp sĩ), đề cao tình yêu vừa đạo đức nhưng cũng vừa tự do. Các romance về Cid hợp thành bộ các bài ca (Romancero del Cid) do Juan de Escobar sưu tập và xuất bản năm 1612, và cũng là bộ romancero lớn nhất với hơn 200 bài ca. Câu chuyện về thời tuổi trẻ của Rodrigo, sự trả thù cho cha của và cuộc hôn nhân của chàng với Jimena nằm trong nhóm đầu tiên của bộ romancero này. Nếu như trong bài romance về sự trả thù kẻ xúc phạm cha, điều chính yếu là việc chàng trai tuy còn rất non trẻ nhưng sẵn sàng đấu với kẻ quý tộc già Lozano dày dạn, đáng sợ với đám tùy tùng hùng mạnh, thì trong bài romance về việc Jimena con gái Lozano đòi công lý nơi vua Fernando (chứ không phải là Afonso như trong sử thi), điều thú vị là nàng vừa xin vua trừng trị Rodrigo kẻ giết cha nàng, vừa xin được cưới chàng, khiến cho nhà vua phải thốt lên rằng: “Điều ta từ lâu đã được nghe/Thì giờ đây tận mắt chứng kiến/ Tính nết phụ nữ khó hiểu thế nào…”[2].Tính chất của các bài ca dân gian là đề cao tình yêu vượt lên trên tất cả (“Nơi nào có tình yêu ngự trị/Thì nơi đó không cãi cọ, thù hằn), và cuộc hôn nhân của Cid với Jimena được xem là một cuộc đền bù, người đổi người (“Hãy nhận lấy người chồng còn sống/Thay cho người cha đã chết rồi”).

Đề tài về Cid càng đi xa khỏi nguyên mẫu lịch sử, thì hình tượng nhân vật càng biến đổi nhiều hơn: Cid biến thành một hiệp sĩ phong nhã, một triều thần tận tụy, một người tình lịch lãm. Hình tượng Cid tiếp tục thay đổi theo hướng đó cho đến cuối thế kỷ XVI, khi xuất hiện các vở kịch về Cid của Gulien de Castro.

Gulien de Castro (1569 -1631) là một nhà soạn kịch Phục hưng cuối thế kỷ XVI -đầu thế kỷ XVII của Tây Ban Nha, tức cũng là thời đại hoàng kim của sân khấu Tây Ban Nha. Ông sinh ở Valencia và xuất thân từ chính dòng họ đã đem lại cho Castile người anh hùng Cid vĩ đại. Trong số những sáng tác của de Castro nổi bật hai vở kịch Những năm tuổi trẻ của CidNhững chiến công của Cid, sau được tập hợp thành một tập với nhan đề Những năm tuổi trẻ của Cid (xuất bản khoảng năm 1618). Đó là một sự cải biên đầu tiên những bài ca (romance) của Tây Ban Nha về người anh hùng dân tộc Rodrigo de Vivar.

Huyền thoại về Rodrigo của Castro khá khác với nhân vật của sử thi trung đại Tây Ban Nha Bài ca về Cid của tôi. Trong sử thi, Cid được miêu tả chủ yếu như một chiến binh, một chư hầu phục tùng thượng quốc, còn về cuối đời thì là một người cha ân cần, chu đáo. Trong sử thi không có câu chuyện về mối tình giữa Rodrigo với Jimena. Đề tài tình yêu chỉ xuất hiện trong các bài romance ra đời muộn hơn, nhưng ngay trong các bài ca này, mối tình không có những xung đột nội tâm sâu sắc.

Gulien de Castro dựa trên truyền thống của tiểu thuyết hiệp sĩ đã miêu tả người anh hùng dân tộc Tây Ban Nha không chỉ như một chiến binh, người đã xây dựng được một nhà nước hùng mạnh nhờ vào lòng quả cảm và sức mạnh của mình, cũng không chỉ như một “người được Chúa phái đến” để chống lại những kẻ ngoại đạo, mà còn như một hiệp sĩ và một tình nhân lý tưởng. Việc đề cao con người cá nhân, đề cao tình yêu đó là một trong những biểu hiện của thời đại Phục hưng Tây Ban Nha mà de Castro thuộc về.

Tư liệu trong các sử ký, các bài ca, các truyền thuyết sử thi và các dã sử đủ để Castro sân khấu hóa xung đột tình yêu theo hướng như sau: cha mẹ Rodrigo và Jimena thuộc hai dòng họ thù địch nhau; chàng Cid trẻ tuổi muốn trả thù việc cha Jimena làm nhục cha mình nên đã giết ông ta và buộc phải chạy trốn để giữ mạng sống. Khi quân Moor tấn công, Rodrigo ra trận chiến đấu và thắng giặc. Nhờ công lao với đất nước như vậy nên chàng được nhà vua ân xá và ban phúc. Nàng Jimena sau cái chết của cha trở thành kẻ không nơi nương tựa, nên phải kết hôn với Rodrigo. Cuộc hôn nhân được vua chuẩn y như một việc cần thiết cho đất nước.

Các chiến công của Cid và các sự kiện lịch sử liên quan đến chúng được miêu tả trong phần thứ hai của Những năm tuổi trẻ của Cid.

Vở kịch của Castro đóng một vai trò quan trọng trong lịch sử sân khấu Tây Ban Nha như kinh nghiệm đầu tiên và cũng là thành công hơn cả trong việc sân khấu hóa cuộc đời và những chiến công của người anh hùng dân tộc, trong đó sử dụng rộng rãi và đặc sắc sáng tác thơ ca dân gian.

Kịch Phục hưng Tây Ban Nha thế kỷ XVI có ảnh hưởng rất lớn đến nền kịch Pháp, trong đó có Pierre Corneille với vở Le Cid. Corneille đã lựa chọn làm hình mẫu cho Le Cid là vở kịch của Castro trong đó phản ánh cuộc đời và thời đại của Rodrigo de Vivaz, nhưng phần đầu vở kịch Tây Ban Nha chỉ phản ánh những chiến công nổi bật nhất thời tuổi trẻ của người anh hùng, chứ không phải là toàn bộ đời sống tuổi trẻ của ông. Sự phản chiếu hình ảnh của Rodrigo qua tấm gương kịch Castro đã có sự biến dạng, khiến cho hình ảnh đó trở nên to lớn hơn trong đời thường. Nhân vật lịch sử là nguyên mẫu, nhân vật văn học là sự phản chiếu, vừa giống với nguyên mẫu, vừa có sự biến dạng qua lăng kính nghệ thuật của nhà văn. Corneille mượn lại Rodrigo của Castro - đó là nguyên mẫu của nguyên mẫu, là hình ảnh qua hai lần phản chiếu.

Corneille lược bỏ tất cả những cảnh bạo lực, cũng như sự phi thống nhất về thời gian trong kịch của Castro. Với 24 giờ theo nguyên tắc thống nhất về thời gian của kịch cổ điển (thực ra thì Corneille cũng đã vi phạm nguyên tắc này, hành động kịch kéo dài đến 30 giờ), Don Rodrigue (các viết tên người anh hùng theo kiểu Pháp) không thể thực hiện tất cả các chiến công của mình trên sâu khấu, các sự kiện chỉ tóm gọn lại: Rodrigue nghe về việc cha mình bị cha Chimène (tức Jimena) làm nhục, thách đấu và giết chết ông ta, đến thăm nàng Chimène đang đau khổ, đánh nhau với ngoại xâm, gặp lại Chimène, giành lại trái tim nàng. Hình tượng các nhân vật chính vì thế cũng rút gọn lại thành những nét chính như bức phác họa. Corneille đã so sánh công việc viết kịch của mình như công việc của người họa sĩ: “Lợi ích thứ hai của vở kịch thơ là ở sự khắc họa thô sơ giản dị những tội lỗi và những phẩm hạnh, nếu như nó hoàn chỉnh thì không bao giờ tạo được hiệu quả”[3]. Việc phác họa những đường nét chính như thế khiến cho hình tượng trở nên phổ quát cho mọi thời đại, và vì thế, các nhà nghiên cứu, chẳng hạn như nhà sử học đồng thời là nhà phê bình văn học người Pháp Gustave Lanson trong công trình viết về Corneille năm 1898, cho rằng hình tượng các nhân vật của Le Cid không phát xuất từ những người đương thời với Corneille[4]. Tuy nhiên, sự phản ánh thời đại thể hiện ở cách khác: đó là xung đột giữa danh dự và tình yêu. Rodrigue đứng trước sự lựa chọn: nếu không bảo vệ danh dự của gia đình thì chàng không xứng đáng với Chimène, còn nếu bảo vệ danh dự (tức giết kẻ làm nhục cha mình là cha người yêu) thì chàng cũng mất người yêu. Chimène cũng vậy: nếu nàng không trả thù, đòi Rodrigue đền mạng cho cha mình thì nàng không xứng đáng với tình yêu của chàng, còn nếu đòi được thì cũng mất người yêu (Xung đột này sau mang tên “xung đột Corneille”/Corneilian dilemma - trở thành kiểu mẫu cho kịch cổ điển Pháp thế kỷ XVII). Và cả hai đều lựa chọn danh dự ở trên tình yêu -và đó là hình tượng lý tưởng của cá nhân trong danh dự và nghĩa vụ của thời đại Corneille.

Hành trình của truyện về Cid cho đến kịch của Corneille chưa phải là kết thúc. Tuy nhiên, với Le Cid của Corneille, nó đã trở thành kinh điển, thành kiểu mẫu cho kịch cổ điển.

3. Hành trình của cốt truyện về Kiều và một vài so sánh với Le Cid

Có thể thấy có những nét tương đồng trong hành trình của truyện về Kiều với truyện về Cid.

Trước hết, đó là một câu chuyện có nguồn gốc là sự thật lịch sử. Ghi chép đầu tiên tương đối chi tiết về Vương Thúy Kiều là tiểu sử được Tạ Hồ lão nhân viết, ngày nay vẫn còn được lưu lại vì nó được in như một phụ lục cho tác phẩm của Mao Khôn (1512-1601) viết về chiến dịch chống Từ Hải trong Kỷ tiễu trừ Từ Hải bản mạt.[5] Kiều trong truyện của Mao Khôn vốn là kỹ nữ tên Mã Kiều nhi, giỏi đàn, trốn thanh lâu trốn ra miền biển mà đổi tên thành Vương Thúy Kiều, rơi vào tay nụy khấu, được Từ Hải yêu chiều, mắc mưu Hồ Tôn Hiến khuyên Từ ra hàng khiến Từ bị giết chết, rồi bị ép gả cho tù trưởng Vĩnh Thuận. Nửa đêm khi qua sông Tiền Đường, Kiều nhảy xuống sông tự vẫn. Theo các nhà nghiên cứu, Mao Khôn là người từng ở trong quân của Hồ Tôn Hiến, và những ghi chép của ông có thể xem là sự thực của đương thời.[6]

Câu chuyện về Vương Thúy Kiều tiếp tục thu hút các nhà văn. Hình ảnh Kiều như một kỹ nữ được Vương Thế Trinh 1526–90) đưa vào Diễm dị biên tập hợp các truyện ái tình và kỳ dị. Nhưng dần dần, bên cạnh tính chất kỹ nữ, tiểu sử Kiều lại được nhấn mạnh thêm tính chất “liệt nữ”, như trong Minh văn hải của Hoàng Tông Hy - việc đề cao Kiều như một người tiết nghĩa, hy sinh thân mình vì dân tộc có lẽ phần nào cũng phản ánh tâm thế của những người vừa trải qua sự thay đổi vương triều đầy chấn thương. Dư Hoài (1616-93) vào đầu đời Thanh cũng viết Truyện Vương Thúy Kiều với tinh thần như vậy (“Ta thương cái chí của nàng, nên góp nhặt chép lấy hành sự làm một bài truyện như sau này”[7] - ông đã viết như thế ở đầu truyện).

Câu chuyện về Vương Thúy Kiều bắt đầu được phóng tác trong tiểu thuyết bạch thoại từ những thập niên cuối của triều đại nhà Minh. Trong Tây hồ nhị tập của Chu Thanh Nguyên, truyện thứ 34 tập trung vào đề tài trấn áp cuộc khởi loạn do Hồ Tôn Hiến lãnh đạo. Tuy nhiên, trong truyện này, Vương Thúy Kiều là một nhân vật phụ ở ngoài lề. Trong một tuyển tập truyện ngắn vào thế kỷ XVII khác là Hình thế ngôn được cho là của Lục Nhân Long, em trai của nhà văn nổi tiếng hơn là Lục Vân Long (1586-1644), truyện thứ bảy lên quan đến vai trò của Thúy Kiều trong sự thất bại của Từ Hải. Hình tượng Vương Thúy Kiều trong truyện này gần gũi với nhân vật nữ của Kim Vân Kiều truyện nhiều hơn nhiều so với những hình tượng trong các bản khác. Trong Hình thế ngôn, tình tiết bán mình chuộc cha (là một vị quan bị bỏ tù vì một kho thóc mà ông cai quản bị cháy), ban đầu đi làm lẽ, nhưng rồi bị bán làm gái điếm - đã được kể khá chi tiết, và hình tượng Thúy Kiều trở thành kiểu mẫu của một đứa con gái hiếu thảo. Cách kể về Kiều trong Hình thế ngôn có thể đã ảnh hưởng đến cách viết của Thanh Tâm Tài Nhân trong Kim Vân Kiều truyện.

Trong quá trình lưu chuyển dưới các hình thức tiểu thuyết bạch thoại (và đồng thời còn có các hý khúc thời Minh Thanh), hình tượng các nhân vật như Từ Hải, Thúy Kiều đã thay đổi, từ tướng cướp thành anh hùng, từ kỹ nữ thành “nghĩa hiệp tử nữ”, thành người con hiếu thảo. Yếu tố kịch tính “giết chồng rồi lại lấy chồng” được khai thác với cái kết là cuộc tự vẫn của Thúy Kiều -như cái chết của một người vì nước mà quên thân.

Kim Vân Kiều truyệncủa Thanh Tâm Tài Nhân đã đưa vào một hình ảnh mới mẻ so với các tác phẩm trước đó: đó là hình ảnh con người của tài và tình. Chữ tình đã đưa câu chuyện về Kiều vào khuôn khổ của thể loại tiểu thuyết giai nhân tài tử: trước khi có sự kiện bán mình chuộc cha, Kiều đã gặp gỡ và tình tự với chàng tài tử Kim Trọng. Khung của Kim Vân Kiều truyện là khung của tiểu thuyết giai nhân tài tử: gặp gỡ -đính ước - lưu lạc - đoàn viên. Chính vì thế mà Kiều không chết ở sông Tiền Đường như các bản trước đó, mà được sư Giác Duyên vớt lên để gặp lại gia đình, đoàn viên với Kim Trọng. Cái kết đoàn viên đó còn là một cố gắng giải quyết mâu thuẫn liên quan đến chữ tình: giữa hình ảnh Thúy Kiều như một giai nhân trinh tiết với một Thúy Kiều “làm vợ khắp người ta” (vạn nhân thê) tức gái điếm. Kiều hai lần từ chối Kim Trọng để giữ chữ trinh (một chữ trinh của người thiếu nữ gia giáo -theo đúng lễ nghĩa, một chữ trinh của người đàn bà phong trần không muốn tấm thân đã nhơ nhuốc của mình làm hoen ố mối tình trinh bạch - theo đúng hiện thực đạo đức tâm lý).

Để viết nên Đoạn trường tân thanh, hay Truyện Kiều, Nguyễn Du đã tiếp nhận cốt truyện về Kiều trong hình mẫu của Thanh Tâm Tài Nhân như thế, và đó cũng là nguyên mẫu của nguyên mẫu, là hình ảnh qua hai lần phản chiếu như trường hợp của Corneille trong Le Cid đối với cốt truyện về Cid của Castro.

Việc mượn hoàn toàn cốt truyện, giữ nguyên khung cảnh, tên nhân vật (chỉ đổi cách phát âm), thậm chí dịch trọn vẹn một số câu văn của Thanh Tâm Tài Nhân nơi Nguyễn Du không khác điều Corneille đã làm với tác phẩm của Castro. Việc lược bỏ những tình tiết (đặc biệt là những cảnh bạo lực) của nguyên bản đều có nơi Nguyễn Du và Corneille, vì những lý do đặc trưng thẩm mỹ, đặc trưng thể loại (kịch cổ điển của Corneille và truyện thơ của Nguyễn Du). Nơi Truyện Kiều của Nguyễn Du cũng không thể nói đến sự phản ánh trực tiếp thời đại lịch sử mà nhà thơ đang sống, cũng như trường hợp Le Cid đã trình bày ở trước, mà chỉ có “những tia hồi quang soi rọi cho mọi người nhìn thấy những mâu thuẫn của xã hội phong kiến trên con đường phân hóa” (Đặng Thai Mai)[8].

Vậy nhưng cả hai tác phẩm đều làm dấy lên những tranh luận liên quan đến các vấn đề thời đại, chỉ khác một chút là cuộc tranh luận liên quan đến Le Cid diễn ra lúc sinh thời Corneille và nhà soạn kịch đã lên tiếng để bảo vệ mình, còn Nguyễn Du không thể làm điều đó vì cuộc tranh luận liên quan đến Truyện Kiều diễn ra hơn một thế kỷ sau khi nhà thơ qua đời. 

Vấn đề dân tộc, yếu tố chính trị là một số trong những khía cạnh quan trọng của các cuộc tranh luận này. Việc Corneille mượn tác phẩm của kịch tác gia Tây Ban Nha không chỉ khiến ông bị kết tội đạo văn, mà còn bị xem như có thái độ vô lễ đối với người vốn trước đó bảo trợ cho nhà soạn kịch, đồng thời là chính trị gia quyền uy nhất nước Pháp thời bấy giờ - Hồng y giáo chủ Richeulieu: việc miêu tả những người Tây Ban Nha như những con người cao thượng, dũng cảm đi ngược với chủ trương chống ảnh hưởng Tây Ban Nha ở châu Âu của Richelieu. Cuộc tranh luận về Truyện Kiều cũng gắn với vận mệnh của dân tộc, ở cả hai phía ủng hộ và chống lại tác phẩm.

Nhưng có lẽ có ý nghĩa rộng hơn, vĩnh cửu hơn là vấn đề giá trị đạo đức của nghệ thuật đích thực.

Ngô Đức Kế từng chê Truyện Kiều vô đạo đức vì “một đôi thiếu niên nam nữ, đêm thanh người vắng, trèo tường trổ ngõ, ước hội chuyện trò với nhau, đối với phong hóa đạo-đức là việc bất chính, mở đầu quyển sách như thế, dù sau có tô vẽ hiếu nghĩa gì đâu nữa, cũng không đủ làm gương tốt cho đời”, và tác phẩm dù hay nhưng “chỉ là một thứ văn chương ngâm vịnh chơi bời, để lúc thanh nhàn mà đọc đôi câu cho tiêu khiển, chứ không phải một thứ văn chương chính đại theo đường chính học, mà đem ra dạy đời được đâu” (“Luận về chánh học và tà thuyết”). Huỳnh Thúc Kháng cũng xem tác phẩm là một thứ dâm thư, nhưng cho rằng ông “bác Truyện Kiều là bác những kẻ tán dương điều tà, điều bất chính…” Việc đưa câu chuyện về cô gái điếm Trung Hoa thành biểu tượng “quốc hoa, quốc hồn, quốc túy” khiến những vị chí sĩ như Ngô Đức Kế, Huỳnh Thúc Kháng có những phản ứng gay gắt. Điều này cũng giống như những tranh luận về Le Cid, về hành vi đạo đức của nhân vật nữ Chimène - các nhà văn và nhà phê bình đương thời (như Jean Mairet, Georges de Scudéry, Jean Chapelain…) phê phán hình tượng Chimène là vô đạo đức, vì nàng đã lấy kẻ thù của cha làm chồng - tức đặt tình yêu cá nhân lên trên bổn phận. Có thể thấy những chuẩn mực của văn học cổ điển (của cả Pháp lẫn Việt Nam) đều bị vi phạm, khi Le Cid của Corneille là bi kịch mà lại kết thúc có hậu như hài kịch (vì thế mà ông gọi thể loại của tác phẩm là bi hài kịch -điều cũng khiến người đương thời phê phán), còn cái kết của Truyện Kiều thì lại “vừa sáng tươi vừa bi kịch” - bởi trong sự “có hậu” về hình thức lại khởi đầu một thứ mâu thuẫn, xung đột mới, một bi kịch cá nhân mới nơi các nhân vật trung tâm của tác phẩm.

Sự vi phạm chuẩn mực này phản ánh mâu thuẫn giữa lý tưởng và hiện thực trong sáng tác nghệ thuật. Văn học cổ điển đề cao con người trên phương diện lý trí (những khái niệm bổn phận, danh dự ở trường hợp Le Cid hay hiếu, nghĩa ở Truyện Kiều), nhưng cũng không thể bỏ qua phương diện cảm xúc tự nhiên - cả lý lẫn tình đều thuộc về bản chất của con người. Các nghệ sĩ lớn như Corneille hay Nguyễn Du trong khi giải quyết mối quan hệ này đã đi trước thời đại, bởi vậy trong những nhận định của nghiên cứu văn học thời hiện đại, Chimène của Corneille được xem là hình tượng lãng mạn hơn là cổ điển, còn với hình tượng Thúy Kiều có thể dẫn lời học giả người Nga N.Nikulin như một đánh giá về một chủ nghĩa hiện thực mới mẻ của Nguyễn Du: “Sự kết hợp giữa tâm hồn trong sạch và thể xác nhơ bẩn -cái mâu thuẫn này văn học Việt Nam trước đó chưa biết đến”[9]

4. Tạm kết luận

Lưu chuyển cốt truyện trong văn học nói chung, và đặc biệt trong văn học cổ điển nói riêng là hiện tượng hết sức phổ biến. Quá trình lưu chuyển và biến cải, phát triển các cốt truyện về Cid và về Kiều đều cho thấy sự chuyển đổi trung tâm cốt truyện từ lịch sử thành kịch và tiểu thuyết, tức chuyển đổi từ những ghi chép sự kiện có thực thành những hư cấu, ngày càng có sự tham gia của yếu tố chủ quan (tư tưởng, quan niệm, cảm xúc,…) của người sáng tác. Các nhân vật trung tâm cũng chuyển đổi từ nhân vật nam (Rodrigue và Từ Hải) sang nhân vật nữ (Chimène và Kiều), từ các biểu tượng lý tưởng về tiết nghĩa sang những hình tượng đời thường với những cảm xúc cá nhân. Dõi theo hành trình của hai cốt truyện này có thể thấy được vai trò tác động của thời đại, của các thể loại (từ sử ký, sử thi, đến sân khấu, tiểu thuyết, truyện thơ…) và những đặc trưng ngôn ngữ thể loại đối với chúng, hay ngược lại, chính hành trình lưu chuyển của cốt truyện đã giúp hình dung quá trình hình thành và phát triển của các thể loại văn học cổ điển. Và dĩ nhiên, đóng vai trò quan trọng trong quá trình lưu chuyển các cốt truyện là tài năng của các nhà văn. Trong môi trường sáng tạo, các cốt truyện về Cid và về Kiều đã khơi gợi, kích thích những cảm xúc, những tư tưởng đã được tích tụ từ vốn sống, vốn tri thức sách vở, cùng với chúng là khả năng ngôn từ đặc biệt của nhà văn, từ đó mà hình thành nên những kiệt tác, trở thành kinh điển cho mọi thời đại về sau.

 

Nguồn: Đại thi hào dân tộc, danh nhân văn hóa Nguyễn Du, Đoàn Lê Giang, Huỳnh Như Phương tuyển chọn, NXB. Đại học Quốc gia TP.HCM, 2015

 

(*) PGS. TS - Khoa Văn học và Ngôn ngữ  - Trường Đại học Khoa học Xã hội  & Nhân văn TP. Hồ Chí Minh.

- Nghiên cứu này được tài trợ bởi Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh (VNU-HCM) trong đề tài mã số C2015-18b-01.

[1] Buslaev F.I: Những việc nhàn tản của tôi: Hợp tuyển các tiểu luận của Fedor Buslaev trên các tạp chí (Мои досуги: Собр. из период. изд. мелкие соч. Федора Буслаева ) gồm 2 phần, phần 2, 1886, trang 259-406 (mục II)

[2] Trích Romancero del Cid (bản dịch tiếng Nga trong Поэма и избранные романсы о Сиде. Русская классная библиотека/Под ред. А.Н.Чудинова, серия 2, вып. 5.-СПб., 1897. http://covadonga.narod.ru/Cid.htm)

[3] CorneilleP., “Luậnbànvềlợiíchvà cácphầncủatácphẩmkịch” (bảndịchtiếngNgacủaN.P.Kozlova), trong: PierreCorneille, Kịch(Пьер Корнель, Пьесы), NXBMoskovskyrabochi, 1984. Bản trên Internet: http://www.lib.ru/INOOLD/KORNEL/kornel1_6.txt_with-big-pictures.html

[4] Dẫn theo: Paulson M. G., “Le Cid Re-Examined: une piece speculaire?”, trong: Cahiers du dix-septième, số III, quyển 1, trang 294. Bản trên Internet: file:///C:/Users/GHOSTVN/Downloads/PaulsonCahiers17III(1)_291_305%20(2).pdf

[5] Thông tin lấy từ: Huang M.W., Desire and Fictional Narrative in Late Imperial China, Harvard University Press, 2001, trang 212.

[6] Dẫn theo: Mao Khôn,” Sự tích Vương Thúy Kiều” (Bản dịch của Đào Duy Anh), trong: Thanh Tâm Tài Nhân, Kim Vân Kiều truyện (Phụ lục 2, phần chú thích), NXB ĐHQG Hà Nội, 1999.

[7] Dư Hoài, “Truyện Vương Thúy Kiều” (Bản dịch của Phạm Quỳnh), trong: Thanh Tâm Tài Nhân, Kim Vân Kiều truyện (Phụ lục 3), NXB ĐHQG Hà Nội, 1999.

[8] Dẫn theo Kiều Thu Hoạch: Truyện Nôm - nguồn gốc và bản chất thể loại, Bản in của Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh, 1994, tr. 67.

[9] NikulinN.I:Nhà thơ ViệtNamvĩ đạiNguyễnDu(Великий вьетнамский поэт Нгуен Зу).Nxb.VănhọcNghệthuật, Moskva, 1965(Tiếng nga).

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114559234

Hôm nay

2251

Hôm qua

2301

Tuần này

2552

Tháng này

226777

Tháng qua

122920

Tất cả

114559234